MỤC TỬ TRONG THÁNH KINH, MỘT HÌNH ẢNH VỀ UY QUYỀN VÀ LÒNG NHÂN TỪ

Written by xbvn on Tháng Mười Hai 21st, 2024. Posted in Tâm linh, Thế Giới, Tý Linh

Khi Chúa Kitô giáng sinh, theo thánh sử Luca, những người đầu tiên đến máng cỏ là những mục đồng đơn sơ. Hình ảnh này xuyên suốt toàn bộ Thánh Kinh, từ sách Sáng thế ký đến sách Khải Huyền. Tại sao lại có sự hiện diện như vậy trong Thánh Kinh?

Các mục đồng thờ lạy Hài Nhi Giêsu đang vui chơi với con cừu, 1527-1528, bởi Lorenzo Lotto (1480-1556).

Mục tử trong Thánh Kinh là ai?

Mục tử (mục đồng, người chăn chiên cừu) trước tiên là người chịu trách nhiệm chăn nuôi gia súc, thường là dê hoặc cừu. Những động vật này là một nguồn tài nguyên quan trọng trong một nền văn minh cơ bản là du mục. Người Do Thái là dân du mục biết cách dẫn dắt đàn chiên của mình đến nơi họ sẽ tìm thấy nước và đồng cỏ.

Người chăn chiên cừu là chủ của các con vật, nhưng cả con cái hoặc người hầu của họ, cho dù họ là người làm công hay nô lệ. Aben, Abraham, Isaac, Giacóp và Đavít, những nhân vật vĩ đại trong Thánh Kinh thường là những người chăn chiên cừu. Đôi khi họ liều mạng để bảo vệ các con vật của mình. Trước khi đối đầu với Goliat, chàng trai trẻ Đavít đã khoe kinh nghiệm chiến đấu của mình với vua Saun: “Tôi tớ ngài là người chăn chiên dê cho cha. Khi sư tử hay gấu đến tha đi một con chiên trong bầy gia súc, thì con ra đuổi theo nó, đánh nó và giật con chiên khỏi mõm nó. Nó mà chồm lên con, thì con nắm lấy râu nó, đánh cho nó chết” (1 Sm 17, 34-35).

Tại sao người chăn chiên cừu lại trở thành vua?

Do đó, hình ảnh người mục tử mang những nét cao quý thực sự trong Thánh Kinh. Những đức tính của người chăn chiên tốt lành là một tấm gương để noi theo. Dẫn dắt đàn tốt, chăm sóc chúng, bảo vệ chúng, đó cũng là có khả năng dẫn dắt mọi người. Người chăn chiên cừu vừa là một hình ảnh về uy quyền vừa là về sự nhân từ.

Học giả Thánh Kinh Marie-Noëlle Thabut (1) lưu ý, ở phương Đông cổ đại, “các vị vua thường thể hiện mình là người chăn dắt thần dân của họ. Khoảng năm 1750 trước Công nguyên, Hammurabi, vua Babylon, đã khắc trong bộ luật của mình: “Ta là người chăn dắt cứu thoát, và vương trượng của người là công lý”.”

Saun, vị vua đầu tiên của Israel, xuất thân từ một gia đình giàu có, sở hữu đàn lừa (1Sm 9). Đavít, người đã củng cố vương quyền sau ông, là con trai của một người chăn nuôi gia súc nhỏ. Ngôn sứ Nathan giải thích cho ông về sứ mệnh vương giả của ông như thế này: “Đức Chúa các đạo binh phán thế này: Chính Ta đã cất nhắc ngươi, từ một kẻ lùa chiên ngoài đồng cỏ, lên làm người lãnh đạo dân Ta là Israel” (2 Sm 7, 8). Marie-Noëlle Thabut nhận xét: “Nhờ các ngôn sứ, dân Israel hiểu rằng các vị vua chỉ là cấp dưới, “kẻ phục tùng” của Thiên Chúa.”

Nhưng những người kế vị Đavít, những vị vua cuối cùng của Israel, sẽ đưa dân tộc họ đến thảm họa. Đây là lý do tại sao chúng ta cũng tìm thấy nơi các ngôn sứ, đặc biệt là Giêrêmia và Êdêkien, lời lên án mạnh mẽ những mục tử xấu xa: “Chiên đau yếu, các ngươi không làm cho mạnh; chiên bệnh tật, các ngươi không chữa cho lành; chiên bị thương, các ngươi không băng bó; chiên đi lạc, các ngươi không đưa về; chiên bị mất, các ngươi không chịu đi tìm. Các ngươi thống trị chúng một cách tàn bạo và hà khắc” (Êd 34, 4).

Thiên Chúa, vị Mục Tử thật sự

Trong Cựu Ước, nhiều lần Thiên Chúa được nhắc đến như một mục tử. Thánh vịnh 22 tin tưởng khẳng định : “Chúa là mục tử chăn dắt tôi: tôi chẳng thiếu thốn gì”. Chính Ngài là người hướng dẫn dân tộc Do Thái trong sa mạc hướng tới Đất Hứa: “Chúa dùng bàn tay của Môisê và Aharon mà lãnh đạo dân riêng của Chúa, như dẫn dắt đoàn chiên” (Tv 77, 21).

Khi vương quyền sụp đổ ở Israel, các ngôn sứ truyền đạt cho dân trong cơn thử thách một lời hứa an ủi: “ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng phán thế này: Đây Ta chống lại các mục tử. Ta sẽ đòi lại chiên của Ta  (…).Con nào bị mất, Ta sẽ đi tìm; con nào đi lạc, Ta sẽ đưa về” (x. Êd 34,10-16).

Tân Ước vang vọng những lời của Êdêkien trong dụ ngôn con chiên lạc được tìm thấy (Lc 15, 3-7 và Mt 18, 12-14) cũng như trong diễn từ của Chúa Giêsu về người mục tử nhân lành: “Tôi chính là Mục Tử nhân lành, người chăn chiên đích thực hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (Ga 10, 11).

Theo Chúa Giêsu, thế nào là người mục tử tốt lành?

Chúa Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Tôi biết chiên của tôi và chiên của tôi biết tôi” (Ga 10, 14). Mục sư Antoine Nouis giải thích: “Trong tiếng Do Thái, cùng một động từ vừa có nghĩa là biết vừa có nghĩa là yêu. Chúa Giêsu nói về một sự hiểu biết chân thật, thâm sâu. Người yêu cầu chúng ta tin rằng chúng ta được Thiên Chúa biết đến và yêu thương.” Nhờ đó, ngài có thể hướng dẫn đàn chiên tới ơn cứu rỗi: “Chúng nghe tiếng tôi (…). Chúng theo tôi” (10, 27).

Người chăn chiên lành “hy sinh mạng sống vì đàn chiên mình”. Theo mục sư Nouis, không đi đến chỗ chết, đó là vấn đề “hy sinh mạng sống để trao ban sự sống cho người lân cận”, trái ngược với hành vi của người chăn chiên xấu: “Khi thấy sói đến, anh ta bỏ chiên mà chạy” (Ga 10,12).

Hơn cả sự sống, Chúa Giêsu, Đấng chăn chiên lành, còn ban cho họ “sự sống đời đời; không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi” (10, 28). Mối liên kết này của người mục tử với đàn chiên của mình, ngay cả với những người rời xa mình, “có một điều gì đó không thể phá hủy, được ghi khắc trong cõi vĩnh hằng của Thiên Chúa”, vị mục sư nhận xét.

Tại sao những người chăn chiên trong Tin Mừng Luca là những người đầu tiên nhận được tin Chúa giáng sinh?

Tin Mừng theo Thánh Luca (2, 6-18), được đọc trong thánh lễ Đêm Giáng Sinh, kể lại rằng vào lúc Chúa Giêsu sinh ra, các thiên thần đã đi tìm “những người chăn chiên sống ngoài đồng và thức đêm canh giữ đàn vật”. Vào thời Chúa Giêsu, những người chăn chiên cừu được chủ nuôi trả tiền thường bị nghi ngờ là không trung thực với chủ. Theo Antoine Nouis, “họ ở dưới đáy của bậc thang xã hội”. Tuy nhiên, chính đối với những người bị gạt ra ngoài lề xã hội này mà các thiên thần, theo Thánh Luca, loan báo Tin Mừng: “Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đavít” (Lc 2, 11).

Nhiều người coi đặc ân này là hình ảnh tiên trưng về sự quan tâm của Chúa Kitô đối với những người bé mọn và người nghèo. Nhận ra nơi họ những đức tính cần thiết của người tín hữu: lắng nghe, sự nhạy cảm, chú ý. Antoine Nouis cho rằng “những người chăn chiên cừu là những người đầu tiên được mời đến gặp Chúa vì họ là những người canh gác. Thường xuyên hơn những người khác, họ chiêm ngưỡng các vì sao và lắng nghe những gì tiếng gió mách bảo.”

———————-

 “Những chứng nhân đầu tiên của điều cốt yếu”

Trích Tông thư Admirabile signum của Đức Thánh Cha Phanxicô (01/12/2019) :

 “‘Nào chúng ta sang Bê-lem, để xem sự việc đã xảy ra, như Chúa đã tỏ cho ta biết’ (Lc 2, 15): đây là những gì các mục đồng nói sau khi các thiên thần loan báo. Đó là một bài học rất hay được ban cho chúng ta qua sự mô tả đơn sơ của nó. Không giống như rất nhiều người bận rộn làm hằng ngàn việc, các mục đồng trở thành những chứng nhân đầu tiên của điều cốt yếu, nghĩa là về ơn cứu độ được ban tặng. Chính những người khiêm tốn nhất và nghèo nhất mới biết cách đón nhận biến cố Nhập Thể. Đối với Thiên Chúa, Đấng đến gặp chúng ta nơi Hài Nhi Giêsu, các mục đồng đáp lại bằng cách lên đường hướng về Người, để có một cuộc gặp gỡ trong tình yêu và sự ngạc nhiên biết ơn.”

————————————

 (1) Tác giả của cuốn L’Ancien Testament au fil des dimanches, Artège, 2024.

(2) Tác giả của cuốn La Bible, commentaire intégral verset par verset, Salvator-Olivétan (vol. 6 paru en 2024).

—————————————–

Tý Linh chuyển ngữ

(nguồn: Christel Juquois, nhật báo La Croix)

Tags: , ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Một 2025
H B T N S B C
« Th12    
  1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31