NAM SUDAN : ĐỨC PHANXICÔ MỜI GỌI HÀNG GIÁO SĨ VÀ CÁC TU SĨ LÊN TIẾNG CHỐNG LẠI BẤT CÔNG

Written by xbvn on Tháng Hai 5th, 2023. Posted in Học thuyết xã hội, Linh mục, Luân lý, Nhân bản, Ơn gọi, Tâm linh, Thế Giới, Tu sĩ, Tý Linh

Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp gỡ các Giám mục, Linh mục, Phó tế, Tu sĩ nam nữ và chủng sinh của Nam Sudan tại nhà thờ Chánh tòa Thánh Têrêsa, ở Juba, hôm 4/1/2023. Ngài khuyến khích họ trở nên ngoan ngoãn trong bàn tay Thiên Chúa và chuyển cầu cho dân chúng, mời gọi họ « lên tiếng chống lại bất công ».

Từ lâu nay Đức Thánh Cha Phanxicô đã mong muốn gặp gỡ các thành viên của hàng giáo sĩ Nam Sudan, và, trước 1000 người quy tụ trong nhà thờ chánh Tòa, và khoảng 5000 người trước mặt nhà thờ, ngài đã bày tỏ lòng biết ơn đối với Đức cha Tombe Trille, Giám mục giáo phận El Obeid và là Chủ tịch HĐGM Nam Sudan.

Trong bài phát biểu của mình, dựa vào hành trình của Môise dẫn đưa dân Thiên Chúa băng qua sa mạc, Đức Thánh Cha mời gọi hãy tự vấn xem « trở thành thừa tác viên của Thiên Chúa » có ý nghĩa gì trong một linh sử được ghi dấu bởi chiến tranh, lòng hận thù, bạo lực, nghèo khổ ; và cũng tự vấn về việc « làm thế nào thực thi thừa tác vụ trên mảnh đất này, trên  bờ của một dòng sống đã tắm rất nhiều máu người vô tội », trong khi những khuôn mặt của người dân giàn giụa những giọt nước mắt đau khổ. Hai thái độ của Môise thu hút sự chú ý của Đức Thánh Cha : sự ngoan ngoãn và sự nguyện giúp cầu thay.

Cái bẫy dựa vào sức riêng của mình

Yếu tố đầu tiên ghi dấu lịch sử của Môisê nằm trong sự ngoan ngoãn của ông trước sáng kiên của Thiên Chúa, Đức Thánh Cha ghi nhận và đồng thời nhắc nhớ rằng không phải lúc nào cũng vậy. Ngay từ đầu, Đức Thánh Cha nêu rõ, ông đã có tham vọng một mình nỗ lực đấu tranh chống bất công và áp bức.

Được con gái của Pharaô cứu khỏi sông Nil, Môisê đã cảm thấy nỗi đau khổ và tủi nhục  của anh chị em mình khi ông khám phá ra căn tính của mình, đến độ một ngày nọ ông quyết định tự mình đòi công lý, khi đánh chết một người Ai Cập đang ngược đãi một người Do Thái. Sau sự kiện này, ông phải chạy trốn và ở lại sa mạc trong nhiều năm. Ông đã cảm nghiệm được một thứ « sa mạc nội tâm ».

Đức Thánh Cha giải thích rằng Môisê đã từng nghĩ đương đầu với bất công bằng sức riêng của mình, và giờ đây, kết quả là ông thấy mình như một kẻ chạy trốn phải ẩn núp, sống trong cô độc, nếm trải cảm giác thất bại cay đắng. Quả thế, ông đã phạm một sai lầm, đó là « nghĩ rằng mình là trung tâm, chỉ dựa vào sức riêng của mình ». Nhưng do đó, ông đã trở thành tù nhân của những phương pháp tồi tệ nhất của con người, như « đáp trả bạo lực bằng bạo lực ».

« Chúng ta nghĩ rằng mình là trung tâm »

Thông qua lịch sử của Môisê, trước mặt các thành viên của hàng giáo sĩ Nam Sudan, Đức Thánh Cha chỉ ra một thái độ trong đời sống của họ mà đôi khi chứng tỏ rằng « chúng ta nghĩ rằng mình là trung tâm, chúng ta có thể hầu như chỉ dựa vào tài năng của mình, nêu không phải là trên lý thuyết thì ít ra là trong thực hành » ; hay, với tư cách là Giáo hội, « chúng ta tìm thấy câu trả lời cho những đau khổ và nhu cầu của dân chúng trong các phương tiện nhân loại, như tiền bạc mưu mẹo, quyền lực », Đức Thánh Cha nói thêm và đồng thời nhắc nhở rằng « trái lại, công việc của chúng ta đến từ Thiên Chúa : Ngài là Chúa và chúng ta được mời gọi trở nên những công cụ ngoan ngoãn trong bàn tay của Ngài ».

Trở nên ngoan ngoãn và để cho Chúa hướng dẫn

Và điều đó, Môisê học biết khi một ngày nọ, Thiên Chúa đến gặp ông, hiện ra cho ông trong « ngọn lửa của bụi gai đang cháy » (Xh 3, 2). Ông để cho mình bị thu hút, ông nhường chỗ cho sự kinh ngạc, ông đặt mình trong một thái độ ngoan ngoãn để mình được soi sáng bởi sự quyến rũ của ngọn lửa trước mặt và nghĩ : « Mình phải lại xem cảnh tượng kỳ lạ này mới được: vì sao bụi cây lại không cháy rụi? » (c. 3). Đối với Đức Thánh Cha, đó là một mẫu gương ngoan ngoãn cần thiết cho thừa tác vụ : « Đến gần Thiên Chúa với sự kinh ngạc và khiêm tốn, để mình được Ngài thu hút và dẫn dắt », vì, như Đức Thánh Cha nhấn mạnh, « quyền tối thượng không thuộc về chúng ta, nhưng thuộc về Thiên Chúa, bằng cách phó thác vào Lời Ngài trước khi sử dụng lời của mình, bằng cách ngoan ngoãn đón nhận sáng kiến của Ngài trước khi tập trung vào các dự án cá nhân và Giáo hội của chúng ta ».

Đức Thánh Cha tiếp tục giải thích rằng việc « để mình được uốn nắn một cách ngoan ngoãn làm cho chúng ta sống thừa tác vụ một cách mới mẻ ». Trước vị Mục Tử Nhân Lành, « chúng ta hiểu rằng chúng ta không phải là những người lãnh đạo bộ lạc, nhưng là những mục tử đầy lòng trắc ẩn và thương xót ; không phải là những ông chủ của dân, nhưng là những tôi tớ hạ mình rửa chân cho anh chị em ; không phải là một tổ chức trần thế quản lý của cải trần gian, nhưng là cộng đồng con cái Thiên Chúa ».

Trút bỏ và sống thân mật với Thiên Chúa

Đức Thánh Cha mời gọi noi gương của Môisê dưới cái nhìn của Thiên Chúa : « Chúng ta hãy cung kinh khiêm nhường cởi dép ra (x. c.5), hãy trút bỏ tính tự phụ phàm nhân, hãy để Chúa thu hút chúng ta và hãy vun trồng cuộc gặp gỡ với Ngài trong cầu nguyện », và đồng thời cũng mời gọi các linh mục, tu sĩ nam nữ và chủng sinh Nam Sudan, trở nên gần gũi hơn với mầu nhiệm của Thiên Chúa, « để Ngài đốt cháy ngọn lửa kiêu ngạo và những tham vọng thái quá của chúng ta và biến chúng ta trở thành những người bạn đường khiêm nhường của những người được giao phó cho chúng ta ».

Chuyển cầu cho dân

Giống như Môisê đã cảm nghiệm được một vị Thiên Chúa trắc ẩn, không dửng dưng trước tiếng kêu của dân mình, đã xuống để giải thoát họ, cũng thế, « những ai cảm nghiệm được Ngài đều bắt chước Ngài ». Và Môisê, người « xuống » giữa dân mình, đã làm như thế nhiều lần trong cuộc băng qua sa mạc. Quả thế, trong những lúc quan trọng và khó khăn nhất, ông đã lên và xuống ngọn núi của sự hiện diện của Thiên Chúa để chuyển cầu cho dân, nghĩa là đặt mình ở trong câu chuyện của dân để dưa dân đến gần Chúa hơn.

Nhấn mạnh khía cạnh quan trọng này của sự chuyển cầu, Đức Thánh Cha giải thích rằng chuyển cầu « không chỉ có nghĩa là cầu nguyện cho ai đó, như chúng ta thường nghĩ ». Về mặt từ nguyên, nó có nghĩa là « bước đi ở giữa, bước đi để đặt mình vào giữa một hoàn cảnh ». Do đó, chuyển cầu là « đi xuống để đặt mình ở giữa dân, để « trở nên những chiếc cầu » nối kết dân với Thiên Chúa ».

Một Giáo hội ở giữa nỗi đau khổ của người dân

Đức Thánh Cha cũng mời gọi các mục tử của Giáo hội phát triển nghệ thuật « bước đi ở giữa » nỗi đau khổ và nước mắt, của sự đói khát Thiên Chúa và khát khao tình yêu đối với anh chị em. « Bổn phận đầu tiên của chúng ta không phải là một Giáo hội được tổ chức hoàn hảo, nhưng là một Giáo hội, nhân danh Chúa Kitô, ở giữa cuộc sống đau khổ của dân chúng và bẩn tay vì người dân », Đức Thánh Cha nói và đồng thời khuyên đừng bao giờ thực thi thừa tác vụ bằng cách tìm kiếm « uy thế tôn giáo và xã hội », nhưng là « bước đi ở giữa và cùng nhau, học lắng nghe và đối thoại, cộng ác giữa các thừa tác viên chúng ta và giáo dân ».

Vun trồng tình yêu và lòng tôn trọng nhau trong hàng giáo sĩ

Đức Thánh Cha cũng khích lệ nỗ lực để vượt qua « sự cám dỗ giữa chúng ta về chủ nghĩa cá nhân, những lợi ích bè phái », và lấy làm tiếc khi các mục tử không có khả năng « hiệp thông, không thành công trong việc cộng tác, thậm chí phớt lờ nhau ! ». « Chúng ta hãy vun trồng long tôn trọng nhau, sự gần gũi, sự cộng tác cụ thể. Nếu điều đó không xảy ra giữa chúng ta, làm thế nào chúng ta có thể rao giảng điều đó cho người khác ? »

Một lần nữa tập trung vào hành trình của Môisê, qua việc chuyển cầu, Đức Thánh Cha làm nổi bật ba hình ảnh của Thiên Chúa : Môisê với cây gậy trong tay, Môisê với đôi tay dang rộng và Môisê với hai tay giơ lên trời.

Hình ảnh đầu tiên, theo ngài, « cho chúng ta thấy rằng ông chuyển cầu bằng lời ngôn sứ », thực hiện với cây gậy này, những dấu hiệu của sự hiện diện và quyền năng của Thiên Chúa mà ông nhân danh, « tố giác cách mạnh mẽ sự dữ mà dân phải chịu và yêu cầu Pharaô để cho dân đi ».

Lên tiếng chống lại bất công

« Để chuyển cầu cho dân mình, chúng ta cũng được mời gọi lên tiếng chống lại sự bất công và lộng hành » vốn đè bẹp người dân và sử dụng bạo lực để quản lý công việc dưới bóng của xung đột. Trong đất nước của 12 triệu dân này, vốn đã rơi vào nội chiến vào tháng 12/2013 khi Tổng thống Salva Kiir cáo buộc nguyên phó tổng thống của mình là ông Riek Machar âm mưu đảo chính, Đức Thánh Cha mời gọi các mục tử của Giáo hội « đừng đứng trung lập khi đối diện với nỗi đau khổ do bất công và bạo lực gây ra », vì « ở đâu một người nữ hay một người nam bị gây tổn hại trong các quyền căn bản của mình, thì Chúa Kitô cũng bị xúc phạm ».

Thiên Chúa, gần gũi chúng ta

Liên quan đến hình ảnh thứ hai, « Môisê với đôi tay dang rộng », Đức Thánh Cha cho thấy rằng đôi tay của Môisê là dấu hiệu cho thấy Thiên Chúa sắp hành động. Thánh Kinh nói với chúng ta rằng Ngài « dang tay trên biển » (Xh 14, 21). Tiếp đến, Môisê cầm các bảng Lề Luật trong tay (x. Xh 34, 29) để cho dân xem. « Đôi bàn tay dang ra này cho thấy sự gần gũi của Thiên Chúa, Đấng đang hành động và đồng hành với dân Ngài ». Quả thế, Đức Thánh Cha nhấn mạnh, để giải thoát khỏi sự dữ, « lời ngôn sứ mà thôi thì không đủ, cần phải dang rộng vòng tay cho anh chị em mình, nâng đỡ bước đi của họ ».

Dang tay ra cho người thân của chúng ta

Sau bốn mươi năm, Môisê đã già đi, nhưng vẫn gần gũi với người thân của mình : « Đó là sự gần gũi ». Chắc chắn nhiệm vụ không dễ dàng đối với ông : ông thường phải vực dậy một dân nản lòng và mệt mỏi, đói khát, buông mình cho những lời lầm bầm và sự lười biếng. Và để thực hiện nhiệm vụ này, Đức Thánh Cha Phanxicô nói thêm rằng Môise cũng đã phải đấu tranh với chính mình, vì đôi khi ông trải qua những thời điểm tăm tối và phiền muộn, như khi ông thưa với Chúa : « Sao lại đối xử tệ bạc với tôi tớ Chúa như vậy ? »

Giống như Môisê đã không lùi bước, nhưng luôn gần Thiên Chúa, không bao giờ xa rơi người thân của mình, Đức Thánh Cha tuyên bố, « chúng ta cũng thế, chúng ta có bổn phận này : dang tay ra, nâng đỡ anh chị em chúng ta, nhắc cho họ rằng Thiên Chúa trung thành với các lời hứa của Ngài, khích lệ họ tiến bước ». « Bàn tay của chúng ta đã được « xức dầu Thánh Thần » không chỉ cho các nghi thức linh thánh, nhưng còn để khích lệ, giúp đỡ, đồng hành với mọi người thoát khỏi những gì đang làm tê liệt, giam hãm họ, khiến họ sợ hãi ».

« Đôi tay giơ lên trời »

Phẩm chất khác của Môisê là sự kiên nhẫn của ông. Khi dân chúng sa vào tội lỗi, thờ ngẫu tượng và đúc cho mình một con bò vàng, Môisê trở lên núi và thốt lên lời cầu nguyện, như một cuộc chiến đấu thực sự với Thiên Chúa để Ngài không bỏ rơi Israel. Ông đi đến chỗ nói : « Dân này đã phạm một tội lớn! Họ đã làm cho mình một tượng thần bằng vàng! Nhưng giờ đây, ước gì Ngài miễn chấp tội họ! Bằng không, thì xin Ngài xóa tên con khỏi cuốn sách Ngài đã viết » (Xh 32, 31-32).

 Đương đầu với một hoàn cảnh như vậy, người của Thiên Chúa không bỏ rơi dân Ngài. Ông vẫn đứng bên cạnh dân cho đến cùng. Ông giơ tay lên vì họ. Ông không nghĩ tự cứu mình. Ông không bán dân vì lợi ích riêng của mình. Ông chuyển cầu, đấu tranh với Thiên Chúa và tiếp tục giơ tay cầu nguyện khi những anh em của mình đang chiến đấu trong thung lũng (x. Xh 17, 8-16). Đức Thánh Cha khẳng định : « Nâng đỡ cuộc đấu tranh của dân chúng bằng lời cầu nguyện trước mặt Thiên Chúa, cầu xin sự tha thứ, ban ơn hòa giải với tư cách là những kênh chuyển của lòng thương xót của Thiên Chúa, Đấng tha thứ tội lỗi : đó là bổn phận của chúng ta với tư cách là những người chuyển cầu ».

Một sứ mạng từ Thiên Chúa với những rủi ro và hy sinh

Trong sứ mạng mà Chúa giao phó, trở thành ngôn sứ, người đồng hành, người chuyển cầu, cho thấy bằng đời sống mình mầu nhiệm về sự gần gũi của Thiên Chúa với dân Ngài « thậm chí có thể trả giá bằng mạng sống ». « Nhiều linh mục, tu sĩ nam nữ đã là nạn nhân của bạo lực và những cuộc tấn công khiến họ thiệt mạng ». Trên thực tế, những con người thánh hiến này đã hy sinh đời mình vì Tin Mừng, và sự gần gũi của họ với anh chị em của mình là « một chứng tá tuyệt vời mà họ để lại cho chúng ta, và mời gọi chúng ta tiếp tục con đường của họ ».

Đức Thánh Cha đặc biệt nhớ đến thánh Daniele Comboni, cùng với các anh em thừa sai của mình, đã thực hiện công cuộc loan báo Tin Mừng vĩ đại trên những mảnh đất này. Ngài nói rằng « nhà truyền giáo phải sẵn sàng cho tất cả vì Chúa Kitô và Tin Mừng, và cần phải có những tâm hồn gan dạ và quảng đại biết đau khổ và chết đi cho châu Phi ».

Kết thúc bài phát biểu, Đức Thánh Cha cảm ơn các Giám mục, Linh mục, Phó tế, Tu sĩ nam nữ và Chủng sinh Nam Sudan, vì sự tận tụy và nỗ lực của họ « giữa biết bao thử thách ». Ngài khích lệ họ luôn là những mục tử và chứng nhân quảng đại, được trang bị duy nhất bằng cầu nguyện và bác ái. Những ngôn sứ ngoan ngoãn để mình được ân sủng của Thiên Chúa làm cho ngạc nhiên và trở thành khí cụ cứu rỗi cho người khác, những người đồng hành đối với dân chúng, « những người chuyển cầu với đôi bàn tay giơ lên ».

Tý Linh

(theo Myriam Sandouno , Vatican News)

Tags: ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Một 2025
H B T N S B C
« Th12    
  1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31