NĂM THÁNH 2025, NGUỒN HY VỌNG: NHỮNG KHUYẾN NGHỊ CỦA ĐỨC PHANXICÔ KHI ĐỐI DIỆN VỚI TRÀO LƯU TỤC HÓA

Written by xbvn on Tháng Ba 15th, 2024. Posted in Giáo lý, Luân lý, Nhân bản, Tâm linh, Thế Giới, Truyền giáo, Tý Linh

Các tham dự viên phiên họp toàn thể của Bộ Loan báo Tin Mừng đã được Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp đón vào sáng thứ Sáu ngày 15/3/2024. Ngài mời gọi họ đừng nản lòng trước sự trỗi dậy của trào lưu tục hóa, nhưng hãy nắm bắt thời điểm này để giúp “các thế hệ trẻ tái khám phá ý nghĩa của cuộc sống”.

Đức Thánh Cha đã tiếp kiến các tham dự viên phiên họp toàn thể của Bộ Loan báo Tin Mừng, tập trung vào phiên họp về các vấn đề cơ bản của thế giới. Trong viễn cảnh Năm Thánh 2025, Đức Phanxicô kêu gọi tăng cường việc truyền bá đức tin, bằng cách đổi mới phương pháp huấn giáo và làm chứng cho linh đạo của lòng thương xót. Do giọng vẫn còn yếu, Đức Thánh Cha đã ủy quyền đọc bài phát biểu của mình cho Đức ông Filippo Ciampanelli, thuộc phân bộ đầu tiên của Phủ Quốc vụ khanh, phân bộ các vấn đề tổng quát.

Trào lưu tục hóa và sự đánh mất đức tin

Đức Giáo Hoàng lần trước tiên đề cập đến “tình trạng của một số Giáo hội địa phương” phải đối mặt với trào lưu tục hóa đang gia tăng, từ “sự mất ý thức thuộc về cộng đồng Kitô giáo cho đến sự thờ ơ đối với đức tin và nội dung của nó”. Từ đó, Đức Phanxicô mời gọi đừng nản lòng, nhưng trái lại, hãy nắm bắt thời điểm thích hợp này để “hiểu được câu trả lời hiệu quả mà chúng ta được mời gọi mang lại cho các thế hệ trẻ, để họ khám phá lại ý nghĩa của cuộc sống”. Một cuộc sống hiện nay được đánh dấu bởi nền văn hóa kỹ thuật số, những hậu quả của nó vừa tích cực vừa tiêu cực, nhưng cũng bởi “lời kêu gọi quyền tự trị của con người, được trình bày như một trong những đòi hỏi của tính thế tục”. Đối với Đức Thánh Cha, tính thế tục này “không thể được lý thuyết hóa như một sự độc lập khỏi Thiên Chúa, bởi vì chính Thiên Chúa là Đấng bảo đảm quyền tự do hành động của con người”.

Kinh nghiệm ở trung tâm của gia đình

Làm thế nào chúng ta có thể vượt qua được sự rạn nứt hiện nay trong việc truyền đạt đức tin? Đức Thánh Cha đảm bảo rằng trên hết, việc thiết lập lại mối liên kết với các gia đình và trung tâm đào tạo là điều cấp thiết.  Ngài nêu rõ : “Đức tin vào Chúa phục sinh, Đấng là trung tâm của việc loan báo Tin Mừng, để được truyền đạt, đòi hỏi một kinh nghiệm quan trọng được sống trong gia đình và trong cộng đồng Kitô hữu như một cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu Kitô, Đấng làm thay đổi cuộc sống”.

Đổi mới phương pháp huấn giáo

Tiếp đến, Đức Thánh Cha tập trung vào tầm quan trọng của việc dạy giáo lý, bằng cách nhắc lại tầm quan trọng của cuốn Chỉ nam mới được trình bày và viết vào năm 2020 bởi Đức cha Fisichella, chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Cổ vũ tân Phúc Âm hóa. “Nó là một công cụ có giá trị và hiệu quả, không chỉ đối với việc đổi mới phương pháp huấn giáo, mà trên hết, tôi muốn nói, đối với sự cam kết của toàn thể cộng đồng Kitô hữu”, Đức Thánh Cha nhấn mạnh và đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của vai trò của các giám mục trong việc đồng hành với các ơn gọi thừa tác vụ giáo lý viên giáo dân này, được Đức Thánh Cha thiết lập vào năm 2021. Vì vậy, Đức Phanxicô đã mời gọi các tham dự viên tìm ra những cách thức mới để sách giáo lý có thể tiếp tục được biết đến, nghiên cứu và coi trọng.

Linh đạo lòng thương xót

Sau đó, Đức Thánh Cha đã xem xét chủ đề linh đạo lòng thương xót, nội dung cơ bản của công cuộc loan báo Tin Mừng, mà mọi người được mời gọi làm chứng và loan truyền nó. Dựa vào tông thư của Đức Gioan Phaolô II khi bước vào thiên niên kỷ thứ ba, “Vào đầu thiên niên kỷ mới”, Đức Phanxicô nhấn mạnh rằng việc chăm sóc mục vụ của các đền thánh phải “thấm nhuần lòng thương xót, để những ai đến những nơi này có thể tìm thấy một ốc đảo của hòa bình và thanh thản”. Đức Thánh Cha kêu gọi noi gương Hội Thừa sai của Lòng Chúa Thương Xót. “Những thừa tác viên của Thiên Chúa không chỉ chờ đợi, mà còn đến gặp gỡ, đi tìm kiếm, bởi vì Ngài là một Người Cha đầy lòng thương xót chứ không phải là ông chủ, Ngài là Mục Tử nhân lành, chứ không phải kẻ làm thuê, và Ngài tràn đầy niềm vui khi Ngài có thể chào đón một người trở về, hoặc khi ngài thấy họ đang lang thang trong các mê cung của nó (x. Ga 10; Lc 15).”

Năm Thánh 2025, nguồn hy vọng

Thứ ba, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chuẩn bị cho Năm Thánh năm tới, “một năm thánh trong đó sức mạnh của niềm hy vọng phải xuất hiện”. Đức Thánh Cha thông báo rằng một tông thư để thông báo nó chính thức sẽ sớm được công bố. “Tôi hy vọng rằng những trang này sẽ giúp ích rất nhiều cho việc suy tư và nhất là sống niềm hy vọng một cách cụ thể,” bởi vì “dân thánh của Thiên Chúa rất cần điều đó!” Cảm ơn sự dấn thân của Bộ trong việc tổ chức Năm Thánh sắp tới, Đức Phanxicô nhắc lại rằng việc chào đón những người hành hương phải được thể hiện thông qua các công trình mang tính cơ cấu và văn hóa, nhưng cũng “bằng cách cho phép họ sống kinh nghiệm về đức tin, về sự hoán cải và sự tha thứ” thông qua cuộc gặp gỡ với một “cộng đồng sống động”.

Đức Thánh Cha kết thúc bằng cách kêu gọi mỗi người cầu nguyện nhiều hơn và tốt hơn, vì năm đi trước Năm Thánh này phải được dành cho việc cầu nguyện.

Tý Linh

(theo Vatican News)

Tags: ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Hai 2024
H B T N S B C
« Th11    
  1
2 3 4 5 6 7 8
9 10 11 12 13 14 15
16 17 18 19 20 21 22
23 24 25 26 27 28 29
30 31