NĂM THÁNH CỦA CÁC LỰC LƯỢNG VŨ TRANG, CẢNH SÁT VÀ NHÂN VIÊN AN NINH: BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA

Written by xbvn on Tháng Hai 10th, 2025. Posted in Cồ Ngọc Hải, Học thuyết xã hội, Luân lý, Năm C, Nhân bản, Tâm linh, Thế Giới

Trong bài giảng thánh lễ Chúa Nhật V Thường niên, ngày 9/2/2025, Đức Phanxicô đã mời gọi các lực lượng vũ trang luôn làm việc vì một thế giới huynh đệ và nhân bản hơn. Ngài kêu gọi quân đội, cảnh sát và các nhân viên an ninh đang tập trung tại Rôma nhân dịp cử hành Năm Thánh của họ, hãy luôn cảnh giác trước cám dỗ nuôi dưỡng óc hiếu chiến, và đồng thời kêu gọi họ luôn bảo vệ sự sống của con người. Và trong buổi đọc Kinh Truyền Tin tiếp theo đó, Đức Thánh Cha nhắc lại giáo huấn của Công đồng Vatican II rằng “sự phục vụ vũ trang này chỉ được thực hiện cho việc phòng vệ chính đáng, chứ không bao giờ nhằm để áp đặt ách thống trị trên những quốc gia khác, luôn tuân thủ các công ước quốc tế về các vấn đề xung đột, và trước hết là sự tôn trọng thánh thiêng đối với sự sống và công trình tạo dựng”.

Dưới đây là bài giảng của Đức Thánh Cha :

Những hành động của Đức Giê-su ở Biển Hồ Ghennêxarét được Tác giả Tin Mừng mô tả với ba động từ: nhìn thấy, lên thuyềnngồi xuống. Đức Giê-su nhìn thấy, Đức Giê-su lên thuyền và Đức Giê-su ngồi xuống. Người không quan tâm đến việc phô trương với đám đông, đến việc thực hiện một nhiệm vụ hay tuân theo một kế hoạch trong sứ vụ của mình. Trái lại, Đức Giê-su luôn luôn dành ưu tiên gặp gỡ người khác, nói chuyện với họ, và đồng cảm với những vất vả lẫn thất bại thường làm nặng trĩu tâm hồn và lấy mất đi niềm hy vọng.

Đó là lý do vì sao Đức Giê-su, vào ngày hôm đó, đã nhìn thấy, lên thuyền ngồi xuống.

Trước tiên, Đức Giê-su nhìn thấy. Người có một ánh nhìn đầy quan tâm, ngay cả giữa đám đông, đã khiến Người có thể nhận ra hai chiếc thuyền đang đến gần bờ và nhìn thấy nỗi thất vọng trên khuôn mặt của những ngư phủ này, bấy giờ đang giặt lưới trống sau một đêm lao nhọc hoài công. Đức Giê-su chạnh lòng thương nhìn vào những người này. Chúng ta đừng bao giờ quên điều này: lòng trắc ẩn của Thiên Chúa. Ba thái độ của Thiên Chúa là gần gũi, trắc ẩn và dịu dàng. Chúng ta đừng quên điều này: Thiên Chúa gần gũi, Thiên Chúa dịu dàng và Thiên Chúa luôn trắc ẩn. Đức Giê-su nhìn vào biểu hiện của những ngư phủ này với lòng trắc ẩn, cảm nhận được sự nản lòng cũng như nỗi thất vọng của họ sau khi đã làm việc suốt đêm và chẳng bắt được gì, lòng các ông trống rỗng như những chiếc lưới mà họ kéo lên.

(Xin thứ lỗi, bây giờ tôi sẽ xin vị Chưởng nghi tiếp tục đọc vì tôi gặp khó khăn trong việc thở)

Nhìn thấy sự thất vọng của họ, Đức Giê-su lên thuyền. Người bảo ông Simon thả lưới ra xa bờ một chút và Người lên thuyền. Bằng cách này, Đức Giê-su bước vào cuộc sống của Simon và chia sẻ cảm giác thất vọng cũng như nỗ lực vô ích của ông. Điều này thật quan trọng: Đức Giê-su không chỉ đứng một bên và quan sát khi mọi thứ không ổn, như chúng ta thường làm, và sau đó cay đắng phàn nàn. Thay vào đó, Người chủ động tiến lại gần Simon, dành thời gian với ông vào thời điểm khó khăn và chọn bước lên con thuyền cuộc đời của ông, mà đêm đó xem ra đầy thất bại.

Và rồi, khi đã lên thuyền, Đức Giê-su ngồi xuống. Trong các Tin Mừng, đây là nét đặc trưng của một vị thầy, của một người giảng dạy người khác. Thật vậy, Tin Mừng nhấn mạnh rằng Đức Giê-su ngồi xuống và giảng dạy. Nhìn thấy sự thất bại của một đêm làm việc khó nhọc mà không có kết quả nơi ánh mắt và cõi lòng của những ngư phủ, Đức Giê-su lên thuyền để loan báo tin vui, để mang lại ánh sáng cho đêm tối thất vọng, để nói về vẻ đẹp của Thiên Chúa ngay cả giữa những khó khăn của cuộc sống, và để xác nhận một lần nữa rằng niềm hy vọng vẫn tồn tại ngay cả khi mọi thứ dường như đã mất.

Và rồi phép lạ xảy ra: khi Chúa lên thuyền đời của chúng ta để mang đến cho chúng ta tin mừng về tình yêu Thiên Chúa vốn hằng luôn đồng hành và nâng đỡ chúng ta, thì cuộc sống lại bắt đầu một lần nữa, niềm hy vọng được tái sinh, lòng nhiệt thành sống lại, và chúng ta lại có thể thả lưới xuống biển.

Thưa anh chị em, sứ điệp hy vọng này đồng hành với chúng ta hôm nay khi chúng ta cử hành Năm Thánh của Các Lực Lượng Vũ Trang, Cảnh Sát và Nhân Viên An Ninh. Tôi hết lòng cảm ơn tất cả anh chị em vì sự phục vụ, và tôi gửi lời chào đến các Nhà Chức trách đang hiện diện, các hiệp hội và học viện quân sự, cũng như các Đấng Bản quyền và Tuyên uý Quân đội. Tất cả mọi người đã được trao phó với nhiệm vụ cao cả bao trùm nhiều khía cạnh của đời sống xã hội lẫn chính trị: bảo vệ các quốc gia, giữ gìn an ninh, gìn giữ pháp luật và công lý. Anh chị em hiện diện trong những trại cải tạo và ở tiền tuyến của cuộc chiến chống lại tội phạm cũng như những hình thức bạo lực khác nhau vốn đe doạ phá vỡ đời sống xã hội. Tôi cũng nghĩ về tất cả những ai đang tham gia vào công việc cứu viện sau các cuộc thiên tai, bảo vệ môi trường, các nỗ lực giải cứu trên biển, bảo vệ những người dễ bị tổn thương và thúc đẩy hoà bình.

Chúa cũng mời gọi anh chị em hãy làm như Người: nhìn thấy, lên thuyền ngồi xuống. Nhìn thấy, bởi vì anh chị em được kêu gọi giữ đôi mắt mình luôn mở, cảnh báo các mối đe doạ đến công ích, những nguy hiểm đe doạ đến đời sống của đồng bào, và những rủi ro về môi trường, xã hội và chính trị mà chúng ta đang đối mặt. Lên thuyền, bởi vì quân phục của anh chị em, luật lệ đã rèn luyện anh chị em, lòng can đảm vốn là dấu ấn của anh chị em, lời tuyên thệ anh chị em đã thực hiện – tất cả đó là những điều gợi nhắc anh chị em về tầm quan trọng không chỉ của việc nhìn thấy sự dữ để báo cáo nó, nhưng còn của việc bước lên con thuyền trong cơn giông bão và làm việc để đảm bảo rằng nó không bị mắc cạn. Vì đó cũng là một phần nơi sứ mạng của anh chị em trong việc phục vụ sự thiện, tự do, và công lý. Và rồi, sau cùng, ngồi xuống, bởi vì sự hiện diện của anh chị em, trong các thành phố và khu phố của chúng ta nhằm duy trì luật pháp và trật tự, cũng như bảo vệ những người yếu thế, có thể trở thành một bài học cho tất cả chúng ta. Những điều đó dạy chúng ta rằng sự thiện có thể thắng vượt mọi sự; rằng công lý, công bằng và trách nhiệm dân sự vẫn còn cần thiết ngày nay; rằng chúng ta có thể tạo nên một thế giới đầy tình huynh đệ, công bằng và nhân văn hơn, dẫu cho những thế lực chống đối của sự dữ.

Khi thực thi công việc của mình, vốn bao trùm lấy toàn bộ đời sống, anh chị em được đồng hành bởi các cha Tuyên uý, một sự hiện diện quan trọng của các linh mục giữa anh chị em. Công việc của các ngài – như đã có nhiều lúc không may xảy ra trong lịch sử – không phải là để chúc lành cho các hoạt động chiến tranh tàn bạo. Không phải. Các ngài ở giữa anh chị em như là sự hiện diện của Chúa Ki-tô, Đấng khao khát bước đi bên cạnh anh chị em, để ban cho anh chị em đôi tai biết lắng nghe và cảm thông, để khích lệ anh chị em lên đường một lần nữa và để trợ lực cho anh chị em trong việc phục vụ thường ngày của mình. Như là nguồn trợ lực thiêng liêng và tinh thần, các ngài đồng hành với anh chị em trong mọi bước đi và giúp đỡ anh chị em thực thi sứ mạng của mình dưới ánh sáng của Tin Mừng và trong việc mưu cầu lợi ích chung.

Anh chị em thân mến, chúng tôi biết ơn vì những gì anh chị em đang làm, nhiều khi phải đối mặt với những rủi ro cá nhân không nhỏ. Cảm ơn anh chị em bởi vì qua việc bước lên những con thuyền trong bão tố, anh chị em bảo vệ và khích lệ chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình của mình. Đồng thời, tôi khuyến khích anh chị em đừng bao giờ đánh mất mục đích phục vụ và mọi hoạt động của mình, là làm thăng tiến đời sống, cứu sống, trở thành một người liên lỉ bảo vệ sự sống. Và tôi xin anh chị em hãy tỉnh thức. Hãy tỉnh thức chống lại cám dỗ nuôi dưỡng tinh thần hiếu chiến. Hãy tỉnh thức để không bị lừa dối bởi ảo tưởng sức mạnh và tiếng ồn của vũ khí. Hãy tỉnh thức để không bị đầu độc bởi sự tuyên truyền thấm đẫm hận thù, chia rẽ thế giới thành những người bạn để bảo vệ và kẻ thù để chiến đấu. Thay vào đó, hãy là những chứng nhân can đảm của tình yêu Thiên Chúa là Cha chúng ta, Đấng muốn tất cả chúng ta trở thành anh chị em. Và cùng nhau, chúng ta hãy lên đường để trở nên những nghệ nhân cho một kỷ nguyên mới của hoà bình, công bằng và huynh đệ.

———————————————–

Kinh Truyền Tin

Anh chị em thân mến,

Trước khi kết thúc buổi cử hành, tôi ước mong gửi lời chào đến tất cả anh chị em, những người đã tham gia cuộc hành hương Năm Thánh của Các Lực Lượng Vũ trang, Cảnh Sát và An Ninh. Tôi cảm ơn các Nhà Chức trách dân sự vì sự hiện diện của quý vị, cũng như các Đấng Bản quyền và Tuyên uý Quân đội vì sự phục vụ mục tử của các ngài. Tôi cũng gửi lời chào đến mọi nhân viên quân đội trên khắp thế giới, và muốn gợi nhắc lại lời dạy của Giáo Hội về điều này. Công đồng Vatican II nói: “Đối với những ai đang phục vụ tổ quốc trong quân ngũ, họ hãy nghĩ mình là những người đem lại an ninh và tự do cho các dân tộc” (GS 79). Sự phục vụ vũ trang này chỉ được thực hiện cho việc phòng vệ chính đáng, chứ không bao giờ nhằm để áp đặt ách thống trị trên những quốc gia khác, luôn tuân thủ các công ước quốc tế về các vấn đề xung đột (x. ibid), và trước hết là sự tôn trọng thánh thiêng đối với sự sống và công trình tạo dựng.

Thưa anh chị em, chúng ta hãy cầu nguyện cho hoà bình, ở Ukraina đang đau khổ, ở Palestin, Israel và khắp cả Trung Đông, ở Myanmar, Kivu và ở Suđan. Hãy để cho vũ khí im bặt ở mọi nơi, và hãy để cho tiếng khóc than của người dân đang cầu xin hoà bình được nghe thấu!

Chúng ta hãy phó dâng lời cầu nguyện cho sự chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria, Nữ Vương Hoà Bình.

————————————

Cồ Ngọc Hải dịch

(nguồn: vatican.va)

Tags: , , ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Hai 2025
H B T N S B C
« Th1    
  1 2
3 4 5 6 7 8 9
10 11 12 13 14 15 16
17 18 19 20 21 22 23
24 25 26 27 28