NĂM THÁNH CỦA CÁC NGHỆ SĨ VÀ THẾ GIỚI VĂN HOÁ: BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

Written by xbvn on Tháng Hai 18th, 2025. Posted in Cồ Ngọc Hải, Tâm linh, Thế Giới

Nhân dịp Năm Thánh của các Nghệ sĩ, một thánh lễ đã được cử hành vào Chủ Nhật, ngày 16/2/2025, tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô ở Rôma. Trong bài giảng của Đức  Thánh Cha dành cho các nghệ sĩ và nhà văn hóa, do Đức Hồng y José Tolentino de Mendonça đọc, Đức Phanxicô khẳng định rằng ngài nhìn thấy nơi họ những người bảo vệ các Mối Phúc và vẻ đẹp, đồng thời mời gọi họ giáo dục về hy vọng.

Dưới đây là bài giảng của Đức Thánh Cha:

Trong Tin Mừng chúng ta vừa mới nghe, Đức Giê-su loan báo các Mối Phúc cho các môn đệ và đám đông dân chúng. Chúng ta đã nghe các Mối Phúc này nhiều lần, tuy nhiên chúng vẫn không thôi làm chúng ta ngạc nhiên: Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em. Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải đói, vì Nước Thiên Chúa là của anh em. Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải khóc, vì anh em sẽ được vui cười” (Lc 6, 20-21). Những lời này làm đảo lộn não trạng thế gian và mời gọi chúng ta nhìn vào thực tại với đôi mắt mới, với cái nhìn của Thiên Chúa, để chúng ta có thể nhìn xa hơn vẻ bên ngoài và nhận ra vẻ đẹp ngay cả giữa những yếu đuối và khổ đau.

Phần thứ hai của đoạn Tin Mừng chứa đựng những lời quở trách gay gắt: “Nhưng khốn cho các người là những kẻ giàu có, vì các ngươi đã được phần an ủi của mình rồi. Khốn cho các người, hỡi những kẻ bây giờ được no nê, vì các ngươi sẽ phải đói. Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được vui cười, vì các ngươi sẽ phải sầu khổ khóc than” (Lc 6, 24-25). Sự tương phản giữa “phúc cho anh em” và “khốn cho các ngươi” nhắc nhớ chúng ta về tầm quan trọng của việc phân định đâu là nơi chúng ta tìm được sự an toàn của mình.

Như các nghệ sĩ và những người đại diện của thế giới văn hoá, anh chị em được kêu gọi trở nên những chứng nhân cho cái nhìn mang tính cách mạng của các Mối Phúc. Sứ mạng của anh chị em không chỉ là tạo ra cái đẹp, mà còn biểu lộ sự thật, điều thiện và vẻ đẹp giấu ẩn trong những nếp gấp của lịch sử, lên tiếng cho những người không có tiếng nói, biến nỗi đau thành niềm hy vọng.

Chúng ta đang sống trong thời kỳ của những cuộc khủng hoảng xã hội và tài chính phức tạp, nhưng trên hết, đó là cuộc khủng hoảng thiêng liêng, một cuộc khủng hoảng về ý nghĩa. Chúng ta hãy tự vấn những câu hỏi về thời gian và mục đích. Liệu chúng ta là những người hành hương hay là những kẻ phiêu bạt? Hành trình của chúng ta có đích đến không, hay chúng ta vô định? Các nghệ sĩ có nhiệm vụ giúp đỡ nhân loại không đánh mất hướng đi của mình và giữ một ánh nhìn đầy hy vọng.

Tuy nhiên, hãy lưu ý: niềm hy vọng không phải là dễ dàng, hời hợt hay trừu tượng. Không! Hy vọng đích thực được đan xen với bi kịch của hiện hữu con người. Niềm hy vọng không khải là một nơi trú ẩn thoải mái, nhưng là ngọn lửa bừng cháy và dọi sáng, như lời Chúa. Đó là lý do vì sao nghệ thuật đích thực luôn diễn tả một cuộc gặp gỡ với huyền nhiệm, với vẻ đẹp trổi vượt trên chúng ta, với nỗi đau thách đố chúng ta, với sự thật kêu gọi chúng ta. Trái lại, “khốn cho chúng ta!” Lời cảnh báo của Chúa thật nghiêm khắc.

Như thi sĩ Gerard Manley Hopkins đã viết: “Thế giới đầy tràn sự vĩ đại của Thiên Chúa. Nó sẽ bừng sáng như ánh lấp lánh của tấm chớp ánh bạc”. Sứ mạng của người nghệ sĩ là khám phá và làm tỏ lộ sự vĩ đại ẩn giấu đó, làm cho nó được cảm nhận bởi đôi mắt và con tim của chúng ta. Chính thi sĩ này cũng đã cảm nhận được ‘tiếng vọng bằng chì’ và ‘tiếng vọng bằng vàng’ trong thế giới. Các nghệ sĩ nhạy cảm với những tiếng vọng này, và qua công việc của mình, họ tiến hành phân định về những tiếng vọng khác nhau nơi những biến cố của thế giới và giúp người khác thực hiện công việc này. Những người nam người nữ đại diện cho thế giới văn hoá được kêu gọi đánh giá những tiếng vọng này, giải thích chúng và chỉ cho chúng ta thấy con đường nào dẫn chúng ta đi xuống: đó là những bài ca quyến rũ làm mê say hay là những bài ca chân thực kêu gọi nhân loại. Anh chị em được gọi mời cung cấp cái nhìn để giúp phân biệt giữa điều gì là như ‘trấu bị gió cuốn đi’ và điều gì vững chắc ‘như cây trồng bên dòng nước’, có thể sinh hoa trái (x. Tv 1, 3-4).

Các nghệ sĩ quý mến, tôi nhìn thấy nơi anh chị em là những người gìn giữ vẻ đẹp, sẵn sàng chăm lo cho nổi khổ đau của thế giới, lắng nghe tiếng khóc của những người nghèo khó, chịu đau khổ, tổn thương, bị cầm tù, bách hại hay những người tị nạn. Tôi thấy được nơi anh chị em là những người giữ gìn các Mối Phúc! Chúng ta sống trong một thời kỳ khi những bưc tường mới đang được dựng lên, khi những khác biệt trở thành lý do cho sự chia rẽ hơn là cơ hội để làm phong phú lẫn nhau. Nhưng anh chị em, những người nam người nữ của thế giới văn hoá, được kêu gọi dựng xây những chiếc cầu, tạo ra những không gian đối thoại và gặp gỡ, mở mang trí tuệ và sưởi ấm con tim.

Ai đó có thể nói: “Nhưng việc sử dụng nghệ thuật còn hữu ích trong thế giới đầy thương tích của chúng ta không? Phải chăng đó là những việc làm không còn khẩn thiết, thực tiễn, cấp bách nữa?”. Tuy nhiên, nghệ thuật chẳng phải là thứ xa xỉ, nhưng là điều mà tinh thần cần đến. Nó không phải là cuộc trốn chạy khỏi thực tại, nhưng là trách nhiệm, là lời mời gọi hành động, là lời kêu gọi và là tiếng khóc than. Giáo dục về cái đẹp đích thực chính là giáo dục về niềm hy vọng. Và niềm hy vọng chẳng bao giờ tách rời khỏi bi kịch của hiện hữu; ngang qua những vật lộn hằng ngày, những gian khổ của cuộc sống và cả những thách đố của thời đại chúng ta.

Trong Tin Mừng chúng ta đã nghe hôm nay, Đức Giê-su loan báo phúc cho những ai nghèo khó, ưu phiền, hiền lành và bị bách hại. Đó chính là một sự thay đổi não trạng, một cuộc cách mạng về lối nhìn. Các nghệ sĩ được kêu gọi dự phần vào cuộc cách mạng này. Thế giới cần đến những người nghệ sĩ ngôn sứ, những người trí thức can đảm và những người sáng tạo văn hoá.

Hãy để cho Tin Mừng của các Mối Phúc hướng dẫn anh chị em, và ước gì nghệ thuật của anh chị em trở nên sứ giả cho một thế giới mới. Hãy cho chúng tôi thấy thi ca của anh chị em! Đừng bao giờ ngừng kiếm tìm, tra vấn và chấp nhận rủi ro. Nghệ thuật đích thực chẳng bao giờ dễ dàng; nó mang lại bình an giữa những bồn chồn. Và đừng quên rằng niềm hy vọng không phải là một ảo tưởng; vẻ đẹp cũng chẳng phải là điều không tưởng. Ơn gọi của anh chị em không phải là một quà tặng ngẫu nhiên nhưng là một lời mời gọi. Hãy đáp trả với lòng quảng đại, niềm say mê và tình yêu.

———————————————

KINH TRUYỀN TIN

Anh chị em thân mến, mừng ngày Chúa Nhật!

Hôm nay, ở Vatican, Thánh Lễ được cử hành, dành đặc biệt cho các nghệ sĩ đến từ nhiều nơi trên thế giới để cảm nghiệm những ngày Năm Thánh này. Tôi cảm ơn Bộ Văn Hoá và Giáo Dục vì sự chuẩn bị cho cuộc hạnh ngộ này, gợi nhắc chúng ta về tầm quan trọng của nghệ thuật như là một ngôn ngữ chung làm lan toả vẻ đẹp và hợp nhất mọi người, góp phần mang lại cho thế giới sự hài hoà và làm lặng thinh mọi tiếng kêu của chiến tranh.

Tôi ước mong chào đón tất cả các nghệ sĩ đã tham dự: Tôi rất muốn ở giữa anh chị em nhưng, như mọi người đều biết, tôi ở đây tại bệnh viện Gemelli bởi vì tôi vẫn cần điều trị viêm phế quản.

Tôi gửi lời chào đến các khách hành hương hiện diện ở Rôma hôm nay, cách riêng các tín hữu của Giáo phận Parma, đã đến nhân cuộc hành hương giáo phận, dưới sự hướng dẫn của vị Giám mục.

Tôi mời gọi mọi người tiếp tục cầu nguyện cho hoà bình ở Ukraina đang chịu đau khổ, cũng như ở Palestin, Israel và khắp cả Trung Đông, Myanmar, Kivu và Sudan.

Cảm ơn vì tình cảm, lời cầu nguyện và sự gần gũi mà nhờ đó anh chị em đang đồng hành với tôi trong những ngày này, và tôi muốn gửi lời tri ân đến các bác sĩ và những nhân viên chăm sóc sức khoẻ tại bệnh viện này vì sự chăm sóc của họ: các bác sĩ và nhân viên đang làm một công việc đầy nhọc mệt và giá trị, chúng ta hãy nâng đỡ họ bằng lời cầu nguyện!

Và giờ đây chúng ta hãy phó dâng bản thân cho Đức Maria, “Đấng đầy ân sủng”, để Mẹ có thể phù giúp chúng ta, giống như Mẹ, trở nên những người hát ca và sáng tạo của vẻ đẹp có sức cứu độ thế giới.

——————————————

Cồ Ngọc Hải dịch

(nguồn: vatican.va)

Tags: , , ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Hai 2025
H B T N S B C
« Th1    
  1 2
3 4 5 6 7 8 9
10 11 12 13 14 15 16
17 18 19 20 21 22 23
24 25 26 27 28