NGÀY THẾ GIỚI ÔNG BÀ VÀ NGƯỜI CAO TUỔI : ĐỨC THÁNH CHA KHUYẾN KHÍCH « CHIA SẺ THỜI GIAN VỚI HỌ »
Đức Thánh Cha Phanxicô khuyến khích « chia sẻ thời gian » với người cao tuổi : « Hôm nay, chúng ta có nhiệm vụ ngăn ngừa sự hối tiếc mai ngày vì đã không quan tâm đủ cho những người đã yêu thương chúng ta và đã cho chúng ta cuộc sống». Đức Thánh Cha nhấn mạnh như thế trong bài giảng Thánh lễ nhân Ngày Thế giới Ông Bà và Người Cao tuổi lần thứ nhất, 25/7/2021.
Do còn nghỉ dưỡng sau khi mổ, nên Đức Thánh Cha đã ủy thác cho ĐHY Rino Fisichella, chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh cổ võ tân Phúc Âm hóa, chủ tế Thánh lễ, với khoảng 2500 người tham dự.
Trong bài giảng của Đức Thánh Cha do ĐHY đọc, ngài mời gọi xét mình : « Đâu là cái nhìn mà chúng ta có về ông bà và người cao tuổi ? Đâu là lần cuối cùng mà chúng ta đã đồng hành hay gọi điện thoại cho một người cao tuổi để bày tỏ sự gần gũi của chúng ta và để cho mình được chúc lành bởi lời nói của họ ?… Tôi đã thăm viếng quý ông bà không ? Có thăm người cao tuổi trong gia đình tôi hay trong khu phố tôi không ? Tôi có lắng nghe họ không ? Tôi có dành chút thời gian cho họ không ? »
Đức Thánh Cha cũng cảnh giác « một xã hội vội vã, bận rộn và dửng dưng, bị hút vào quá nhiều thứ và không có khả năng dừng lại để mang lại một cái nhìn, một lời chào hỏi, một sự âu yếm…một xã hội trong đó tất cả chúng ta là một đám đông vô danh và chúng ta không có khả năng nhìn lên và nhận ra nhau ».
« Quý ông bà, vốn đã nuôi dưỡng cuộc sống chúng ta, ngày nay đang đói khát chúng ta : đói khát sự quan tâm của chúng ta, sự dịu dàng của chúng, sự gần gũi của chúng ta ».
Đức Thánh Cha cũng mong ước « một giao ước mới giữa giới trẻ và người cao tuổi », tức là « chia sẻ kho tàng chung của cuộc sống…cùng nhau ước mơ…vượt lên những xung đột giữa các thế hệ ».
« Thông thường trong các xã hội của chúng ta, chúng ta đã mang lại cho cuộc sống ý tưởng « mỗi người vì mình ». Nhưng điều đó hại chết ! », Đức Thánh Cha lấy làm tiếc. Giới trẻ và người cao tuổi cần phải « cùng với nhau », như là « kho tàng của truyền thống và sự tươi mới của Chúa Thánh Thần ».
Đức Thánh Cha nhắc nhở : « Quý ông bà và người cao tuổi là tấm bánh nuôi dưỡng cuộc sống chúng ta. Chúng ta hãy biết ơn đối với đôi mắt quan tâm của họ đã nhận thấy chúng ta, đối với đôi đầu gối của họ đã bồng bế chúng ta trong vòng tay, đối với đôi tay đã đồng hành và nâng chúng ta dậy, đối với những trò chơi mà họ đã làm ra với chúng ta và đối với những âu yếm mà chúng ta được an ủi. Xin đừng quên họ. Chúng ta hãy liên kết với họ. Hãy học biết dừng lại, nhận ra họ, lắng nghe họ. Đừng bao giờ bỏ rơi họ. Hãy yêu thương giữ gìn họ. Và chúng ta hãy học biết chia sẻ thời gian với họ. »
Dưới đây là bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô :
Khi ngồi xuống để giảng dạy, Chúa Giêsu « đã ngước mắt lên và thấy một đám đông tuôn đến với Ngài. Ngài nói với Philipphê : « Chúng ta có thể mua bánh ở đâu để cho họ ăn ? » (Ga 6, 5). Chúa Giêsu không chỉ bằng lòng với việc giảng dạy, nhưng Ngài để cho mình bị chất vấn bởi cơn đói đang hành hạ cuộc sống của dân chúng. Và, như thế, Ngài nuôi dưỡng đám đông bằng cách phân phát năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá mà Ngài đã nhận được từ một chàng trai trẻ. Cuối cùng, khi còn lại những mảnh vụn bánh, Ngài nói với các môn đệ đi nhặt chúng lại, « để không có gì mất đi » (c.12).
Vào Ngày dành cho ông bà và người cao tuổi này, tôi muốn dừng lại ở ba thời điểm này : Chúa Giêsu nhìn thấy cơn đói của đám đông ; Chúa Giêsu chia sẻ bánh ; Chúa Giêsu khuyên thu lại những miếng bánh còn lại. Ba thời điểm này có thể được tóm tắt trong ba động từ : nhìn thấy, chia sẻ, giữ gìn.
Nhìn thấy. Thánh sử Gioan, khởi đầu trình thuật, đã nhấn mạnh đến chi tiết này : Chúa Giêsu ngước mắt lên và nhìn thấy đám đông đói khát vì đã đi nhiều ngày để gặp Ngài. Phép lạ bắt đầu như vậy, bằng cái nhìn không dửng dưng và bận rộn của Chúa Giêsu, nhưng cảm nhận cơn đói dằn vặt đang giày vò nhân loại cạn kiệt. Ngài bận tâm đến chúng ta, Ngài quan tâm đến chúng ta, Ngài làm nguôi cơn đói khát sự sống, tình yêu và hạnh phúc của chúng ta. Trong đôi mắt của Chúa Giêsu, chúng ta nhận thấy cái nhìn của Thiên Chúa : đó là một cái nhìn chăm chú nhận thấy chúng ta, nhận ra các mong đợi trong tâm hồn chúng ta, nhìn thấy sự mệt mỏi, sự kiệt sức và niềm hy vọng mà chúng ta tiến về phía trước. Một cái nhìn biết nắm bắt nhu cầu của mỗi người : trong cái nhìn của Thiên Chúa, không có đám đông vô danh, nhưng mỗi người với cơn đói của mình. Chúa Giêsu có một cái nhìn chiêm ngắm, tức là, có khả năng dừng lại trước cuộc sống của tha nhân và đọc thấy nội tâm.
Đây cũng là cái nhìn mà quý ông bà và người cao tuổi đã có về cuộc sống chúng ta. Đó là cách thức mà họ đã chăm sóc chúng ta khi chúng ta còn bé. Sau một cuộc đời thường được dệt nên bằng những hy sinh, họ đã không dửng dưng hay bận tâm đến chúng ta mà không có chúng ta. Họ có ánh mắt quan tâm, tràn đầy dịu dàng. Khi chúng ta lớn lên và khi chúng ta cảm thấy bị hiểu lầm, hay sợ hãi trước những thách đố của cuộc sống, họ đã nhận ra những gì đang thay đổi trong tâm hồn chúng ta, nhận ra nước mắt che giấu của chúng ta và những ước mơ mà chúng ta cưu mang trong tâm hồn. Tất cả chúng ta đều đã trải qua trên đầu gối của ông bà, họ đã ôm ấp chúng ta trong vòng tay của họ. Và cũng nhờ tình yêu này mà chúng ta đã trở nên trưởng thành.
Và chúng ta : đâu là cái nhìn mà chúng ta có về ông bà và người cao tuổi ? Đâu là lần cuối cùng mà chúng ta đã đồng hành hay gọi điện thoại cho một người cao tuổi để bày tỏ sự gần gũi của chúng ta và để cho mình được chúc lành bởi lời nói của họ ? Tôi đau buồn khi nhìn thấy một xã hội vội vã, bận rộn và dửng dưng, bị hút vào quá nhiều thứ và không có khả năng dừng lại để mang lại một cái nhìn, một lời chào hỏi, một sự âu yếm. Tôi sợ một xã hội trong đó tất cả chúng ta là một đám đông vô danh và chúng ta không có khả năng nhìn lên và nhận ra nhau. Quý ông bà, vốn đã nuôi dưỡng cuộc sống chúng ta, ngày nay đang đói khát chúng ta : đói khát sự quan tâm của chúng ta, sự dịu dàng của chúng, sự gần gũi của chúng ta. Chúng ta hãy ngước mắt nhìn họ, như Chúa Giêsu đã làm với chúng ta.
Chia sẻ. Sau khi nhận thấy cơn đói của những người này, Chúa Giêsu muốn nuôi sống họ. Nhưng điều đó được thực hiện nhờ vào món quà của một chàng trai trẻ : năm chiếc bánh và hai con cá. Thật đẹp thay khi ở trung tâm của kỳ công này, mà bao nhiêu người lớn đã hưởng được – khoảng năm ngàn người – có một chàng trai trẻ chia sẻ cái mình có.
Hôm nay chúng ta cần một giao ước mới giữa giới trẻ và người cao tuổi, chia sẻ kho tàng chung của cuộc sống, cùng nhau ước mơ, vượt lên những xung đột giữa các thế hệ để chuẩn bị tương lai của mọi người. Không có giao ước cuộc sống, ước mơ và tương lai này, chúng ta có nguy cơ chết đói, bởi vì các mối liên hệ gãy vỡ, sự cô đơn, thói ích kỷ, những sức mạnh hủy diệt càng gia tăng. Thông thường trong các xã hội của chúng ta, chúng ta đã mang lại cho cuộc sống ý tưởng « mỗi người vì mình ». Nhưng điều đó hại chết ! Tin Mừng khuyến khích chúng ta chia sẻ những gì chúng ta là và những gì chúng ta có : chỉ như thế mà chúng ta mới có thể được no thỏa. Nhiều lần tôi đã nhắc nhở những gì ngôn sứ Giô-en nói về vấn đề này (x. Ge 3, 1) : giới trẻ và người cao tuổi cùng với nhau. Giới trẻ, các ngôn sứ của tương lai không quên lịch sử họ đến từ đâu ; người cao tuổi, những người ước mơ không bao giờ mệt mỏi truyền đạt kinh nghiệm cho giới trẻ, mà không cản đường họ. Giới trẻ và người cao tuổi, là kho tàng của truyền thống và là sự tươi mới của Thánh Thần. Giới trẻ và người cao tuổi cùng với nhau. Trong xã hội và trong Giáo hội : cùng với nhau.
Giữ gìn. Sau khi họ ăn, Tin Mừng đề cập việc có nhiều miếng bánh còn sót lại. Và Chúa Giêsu khuyến cáo : « Các con hãy thu nhặt những miếng bánh thừa, để không có gì bị mất đi » (Ga 6, 12). Trái tim của Thiên Chúa là thế đó : Ngài không chỉ ban cho chúng ta hơn những gì chúng ta cần, nhưng Ngài còn ưu tư để không có gì bị mất đi, ngay cả một mảnh nhỏ. Một miếng bánh nhỏ xem ra có thể không là gì cả, nhưng trước mắt Thiên Chúa không có gì được vứt bỏ. Huống hồ là không được vứt bỏ một ai. Đó là một lời mời gọi ngôn sứ mà ngày nay chúng ta được kêu gọi làm vang vọng trong chúng ta và trong thế giới : thu nhặt, bảo quản cẩn thận, giữ gìn. Quý ông bà và người cao tuổi không phải là đồ thừa của cuộc sống, đồ phế thải phải vứt bỏ. Họ là những miếng bánh còn lại trên bàn ăn cuộc đời này, vẫn còn có thể nuôi dưỡng chúng ta bằng một mùi dễ chịu mà chúng ta đã đánh mất đi, « mùi dễ chịu của ký ức ». Chúng ta đừng đánh mất ký ức mà những người cao tuổi đang mang, vì chúng ta là những người con của lịch sử này và nếu không có cội nguồn, chúng ta sẽ héo tàn. Họ đã bảo vệ chúng ta suốt cuộc hành trình tăng trưởng, bây giờ chính chúng ta bảo vệ cuộc sống của họ, xoa dịu khó khăn của họ, lắng nghe những nhu cầu của họ, tạo ra những điều kiện để họ có thể được dễ dàng hơn trong các nhiệm vụ thường ngày và không cảm thấy cô độc. Chúng ta hãy tự hỏi : « Tôi đã thăm viếng quý ông bà không ? Có thăm người cao tuổi trong gia đình tôi hay trong khu phố tôi không ? Tôi có lắng nghe họ không ? Tôi có dành chút thời gian cho họ không ? ». Chúng ta hãy bảo vệ họ, để không gì bị mất đi : không gì trong cuộc đời của họ và trong ước mơ của họ. Hôm nay, chúng ta có nhiệm vụ ngăn ngừa sự hối tiếc mai ngày vì đã không quan tâm đủ cho những người đã yêu thương chúng ta và đã cho chúng ta cuộc sống.
Anh chị em thân mến, quý ông bà và người cao tuổi là tấm bánh nuôi dưỡng cuộc sống chúng ta. Chúng ta hãy biết ơn đối với đôi mắt quan tâm của họ đã nhận thấy chúng ta, đối với đôi đầu gối của họ đã bồng bế chúng ta trong vòng tay, đối với đôi tay đã đồng hành và nâng chúng ta dậy, đối với những trò chơi mà họ đã làm ra với chúng ta và đối với những âu yếm mà chúng ta được an ủi. Xin đừng quên họ. Chúng ta hãy liên kết với họ. Hãy học biết dừng lại, nhận ra họ, lắng nghe họ. Đừng bao giờ bỏ rơi họ. Hãy yêu thương giữ gìn họ. Và chúng ta hãy học biết chia sẻ thời gian với họ. Chúng ta sẽ ra khỏi đó tốt hơn. Và cùng nhau, hỡi các bạn trẻ và những người cao tuổi, chúng ta sẽ được no thỏa ở bàn ăn chia sẻ được Thiên Chúa chúc lành.
Tý Linh chuyển ngữ
(theo ZENIT)
Journée des grands-parents : le pape exhorte à « partager du temps avec eux »
Tags: Ông Bà, Phanxicô-I
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- BÀI GIÁO LÝ VỀ NĂM THÁNH 2025. CHÚA GIÊSU KITÔ, NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA. I. THỜI THƠ ẤU CỦA CHÚA GIÊSU. BÀI 2. TRUYỀN TIN CHO ĐỨC MẸ. ĐỨC MARIA LẮNG NGHE VÀ SẴN LÒNG
- HOA KỲ: TẠI SAO ĐỨC CHA ROBERT BARRON, NGÔI SAO LOAN BÁO TIN MỪNG TRÊN INTERNET, LẠI MUỐN THÀNH LẬP MỘT DÒNG TU?
- NHỮNG NHÂN VẬT TÔN GIÁO NÀO CẦU NGUYỆN CHO DONALD TRUMP TRONG LỄ NHẬM CHỨC CỦA ÔNG?
- ĐỨC THÁNH CHA VIẾT THƯ CHO TỔNG THỐNG DONALD TRUMP
- MỘT NỮ TU SẼ ĐƯỢC BỔ NHIỆM LÀM CHỦ TỊCH PHỦ THỐNG ĐỐC THÀNH VATICAN
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT II THƯỜNG NIÊN NĂM C: CHÚA ĐÁP LẠI SỰ THIẾU THỐN CỦA CHÚNG TA BẰNG TÌNH YÊU DƯ TRÀN CỦA NGƯỜI
- CÁI CHẾT CỦA CHA PONCHAUD, CHỨNG NHÂN VĨ ĐẠI CỦA LỊCH SỬ CAMPUCHIA
- BỘ GIÁO LÝ ĐỨC TIN: HUẤN THỊ VỀ MỘT VÀI KHÍA CẠNH CỦA “THẦN HỌC GIẢI PHÓNG”
- Ở BA LAN, MỘT KIẾN NGHỊ NHẰM XÓA BỎ VIỆC GIẢI TỘI CHO TRẺ VỊ THÀNH NIÊN
- VỤ CHA PIERRE: HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC XIN TÒA ÁN MỞ CUỘC ĐIỀU TRA
- ĐỨC THÁNH CHA MỜI GỌI CÁC LINH MỤC ARGENTINA HÃY TIÊU HAO VÌ TIN MỪNG
- CUBA THẢ TÙ NHÂN, HOAN NGHÊNH SỰ TRUNG GIAN HÒA GIẢI CỦA TÒA THÁNH
- BÀI GIÁO LÝ VỀ TRẺ EM. NHỮNG NGƯỜI ĐƯỢC CHÚA CHA YÊU QUÝ NHẤT. BÀI 2
- HĐGM Ý GIẢI THÍCH CÁC CHUẨN MỰC CỦA RÔMA LIÊN QUAN ĐẾN ĐÀO TẠO LINH MỤC
- TIẾP KIẾN CHUNG NĂM THÁNH (11/1/2025): HY VỌNG LÀ BẮT ĐẦU LẠI – GIOAN TẨY GIẢ
- KINH TRUYỀN TIN LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA NĂM C: TÔI ĐƯỢC RỬA TỘI NGÀY NÀO?
- JOE BIDEN TRAO HUÂN CHƯƠNG TỰ DO CỦA TỔNG THỐNG CHO ĐỨC PHANXICÔ
- HÀNH KHÚC GIÁO HOÀNG, BÀI QUỐC CA CHÍNH THỨC CỦA VATICAN DO MỘT NGƯỜI PHÁP SÁNG TÁC
- CÁC ĐẠI SỨ TẠI TÒA THÁNH ĐƯỢC ĐỨC PHANXICÔ CHẤT VẤN
- DIỄN VĂN CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO CÁC THÀNH VIÊN CỦA ĐOÀN NGOẠI GIAO TẠI TÒA THÁNH NHÂN DỊP CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2025 : NHỮNG ĐẶC ĐIỂM CỦA MỘT NỀN NGOẠI GIAO HY VỌNG