NGHE BẢN NHẠC “KIM LONG, ĐỊA LINH”

Written by xbvn on Tháng Mười Một 14th, 2014. Posted in Huế, Việt Nam

Bản nhạc “Kim Long, Địa Linh”, do cha Phaolô Hoàng Kim Tốt sáng tác, dựa theo bài thơ “Đệ nhất bách chu niên” của cha Giuse Nguyễn Văn Thích dịp kỷ niệm 100 năm thánh Gioan Đoạn Trinh Hoan tử đạo. Trong một dịp đến dâng lễ tại Giáo xứ Kim Long, cha Phaolô đã phổ nhạc cho bài thơ này.

 Ca sĩ biểu diễn: Nghệ sĩ ưu tú Bích Hằng và nam ca sĩ Thang Thành

 

lời nhạc:

ngam tho KIM LONG – DIA LINH

ngam tho KIM LONG – DIA LINH 2

 

 

BÀI THƠ “ĐỆ NHẤT BÁCH CHU NIÊN”, KỶ NIỆM 100 NĂM THÁNH GIOAN ĐOẠN TRINH HOAN (1798-1861) TỬ ĐẠO

Bài thơ do Linh mục Giuse-Maria Nguyễn Văn Thích, nguyên Quản xứ Kim Long (1946-1957), Huế,  sáng tác.

Bia Tử đạo tại Giáo xứ Kim Long, trên đó có khắc bài thơ “Đệ nhất bách chu niên”. Giáo xứ Kim Long, với lịch sử gần 380 năm hình thành, có ba người con làm  thánh: Gioan Đoạn Trinh Hoan, Emmanuen Nguyễn Văn Triệu và Anrê Trần Văn Trông. Lúc làm bài  thơ này, cha Nguyễn Văn Thích chưa biết thánh Emmanuen Nguyễn Văn Triệu có quê ngoại ở Kim Long.

Đệ Nhất Bách Chu Niên

1861-1961

1- Trên Dực, Chẩn (1) vật hoa thiên bửu (2),

Dưới Hương Bình nhơn kiệt địa linh (3),

Kim Long phía hữu Xuân kinh (4),

Bên cầu Bạch Hổ tre xanh một màu.

2- Trời tuôn xuống biết bao ân sủng,

Đất trổ sinh hai đấng anh hùng,

Đoạn Trinh Hoan (5), Trần Văn Trông,

Một linh mục, một đội phòng cẩm y (6).

3- Sinh vào lúc loạn ly nguy biến,

Cha Hoan từ chủng viện xuất thân,

Dương Sơn, Lái Thiêu (7), Pinang (8),

Về Quy Nhơn mới phẩm thần thụ phong (9).

4- Bình -Trị – Huế, khắp vòng ba tỉnh,

Tiếng Phúc Âm kỉnh tỉnh (10) đôi nơi,

Từ Sen Bàng đến Bái Trời,

Trong từ Nước Ngọt đến ngoài Thanh Hương.

5- Hăm lăm năm công ơn nắn đúc,

Mười một vì linh mục thành danh,

Triều thiên mười một huy tinh,

Gươm trần ba lát hồn linh thoát vòng.

6- “Tử đạo ấy tử trung tử hiếu”

Anrê Trông đã hiểu phân minh:

Chúa là Cha cả chúng sinh,

Chúa là Vua cả thiên đình tối cao.

7- Mẹ sao trí (11)?  Con sao trung bấy,

Ôi! Thanh phong lưu lại muôn đời.

Tôi vì Chúa phải đầu rơi,

Rơi vào tay mẹ, con thời toàn quy.

8- Gương tử đạo danh thùy vạn cổ,

Hai anh hùng nước tổ hiển vang,

Nguyện xin từ chốn thiên đàng,

Đoái nhìn con cháu giáo đoàn Kim Long

9- Xin gìn giữ non sông đất Việt,

Nơi thấm nhuần giọt huyết hy sinh,

Xin cho hột giống Tin lành,

Trổ sinh hoa quả thái bình muôn năm.

—————————————————————————————–

Chú thích:

(1) Dực, Chẩn: Theo Thiên văn học Phương Đông, Dực-Chẩn là tên hai ngôi sao nằm  trong nhóm Nhị Thập Bát Tú, tức 28 Tú. 28 Tú (ngôi sao) này được chia thành 4 cung, mỗi cung 7 chòm:

Thanh LongRồng xanh – phương Đông – hành Mộc, mùa xuân, gồm:

Giác – Cang – Đê – Phòng – Tâm – Vĩ – Cơ.

Bạch Hổ Hổ trắng – phương Tây – hành Kim, mùa thu, gồm:

Khuê – Lâu – Vị – Mão – Tất – Chủy – Sâm.

Chu TướcChim đỏ – phương Nam – hành Hỏa, mùa hạ, gồm:

Tỉnh – Quỷ – Liễu – Tinh – Trương – Dực – Chẩn.

Huyền VũRùa, rắn đen – phương Bắc, hành Thủy, mùa đông, gồm:

Đẩu – Ngưu – Nữ – Hư – Ngụy – Thất – Bích.

Tên đầy đủ của hai ngôi sao Dực, Chẩn là Dực Hỏa Xà (Cánh, Sao Hỏa, Rắn), Chẩn Thủy Dẩn (Xe, Sao Thủy, Giun).

(2) “vật hoa thiên bửu” (hay “vật hoa thiên bảo”). Ý muốn nói vật quý sinh ra từ trời đất, rằng kỳ quang tự sinh, phàm là bảo vật tự nhiên hội sinh ra dị tượng, hoặc là hào quang, hoặc là tiên âm.

(3) Hương Bình: sông Hương, núi Ngự Bình. “Nhơn kiệt địa linh” hay “Địa linh nhân kiệt”: tính chất thiêng liêng của đất nước, của vùng đất, sinh ra những “nhân kiệt”, tức là những con người hào kiệt, có tài chí và dũng cảm hơn người.

(4) Kinh đô Phú Xuân.

(5) Gioan Đoạn Trinh Hoan, linh mục, sinh năm 1798, bị xử trảm ngày 26/05/1861 tại Ðồng Hới dưới đời vua Tự Ðức, được phong Chân Phước ngày 11/04/1909 do Ðức Piô X, và được phong thánh 19/6/1988 do Đức Gioan Phaolô II. Lễ kính vào ngày 26/05.

(*) Theo tài liệu được Nguyễn Đức Cung trích dẫn trong bài viết “Giáo xứ Tam Tòa, các vị chủ chăn sống chết với đàn chiên”, “Linh mục Đoạn Trinh Hoan sinh năm 1798 tại làng Vân Dương, tổng An Cựu, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên, về sau dời đến làng Kim Long, tổng An Ninh, huyện Hương Trà cùng tỉnh. Ngài là con của ông Batôlômêô Đoạn Trinh Sương và bà Isave Diệm, là em của ông Đoạn Trinh Cung.”

(6) “Đội phòng cẩm y” ám chỉ thánh Anrê Trần Văn Trông, một quân nhân của triều đình . Sinh năm 1808 tại Kim Long, Huế, bị xử trảm ngày 28/11/1835 tại An Hòa dưới đời vua Minh Mạng, được phong Chân Phước ngày 27/05/1900 do Ðức Lêô XIII, và được phong thánh 19/6/1988 do Đức Gioan Phaolô II. Lễ kính vào ngày 28/11.

(7) Chủng viện Lái Thiêu, gần Sài Gòn, do Đức cha Labartette lập.

(8) Pinang, đúng hơn là Penang. Muốn nói thánh Đoạn Trinh Hoan đã từng sang học tại Chủng viện Penang, Malaysia. Chủng viện này được thành lập năm 1807, thuộc quyền của Hội Thừa Sai Paris.

(9) Cha Hoan được thụ phong linh mục tại Quy Nhơn. Có tài liệu nói tại Sài Gòn.

(10) Kỉnh : kỉnh nguyện; tỉnh: yên lặng mà hiểu rõ.

(11) Trí: đặt đó; hiểu rõ sự lý; suy tìm hết chỗ cùng cực.

Tags:

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Một 2025
H B T N S B C
« Th12    
  1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31