NGHI THỨC SÁM HỐI CỘNG ĐỒNG
Sinh Viên Di Dân Thánh Tâm Tĩnh Tâm Mùa Vọng
Chúa Nhật II Mùa Vọng ngày 6/12/2015
I. Nghi thức mở đầu và Lời Chúa
Chủ sự tiến ra bàn thờ chào cộng đồng:
Nguyện xin ân sủng lòng thương xót của Thiên Chúa Ba Ngôi chí thánh ở cùng anh chị em.
Xin thân ái chào anh chị em đến tham dự tĩnh tâm Mùa Vọng hôm nay, trong tinh thần hướng đến Năm Thánh Ngoại Thường về Lòng Thương Xót, chúng ta cùng nhau cầu xin Thiên Chúa ban cho chúng ta ơn sám hối thực sự và xưng tội cho nên để dọn lòng chờ đón Chúa đến nhập thể và lớn lên trong cuộc đời của chúng ta (Thinh lặng giây lát).
Lạy Chúa, chúng con nài xin Chúa dủ lòng thương xót nhận lời chúng con cầu khẩn và tha các tội chúng con đã phạm, ngõ hầu cuộc đời chúng con được canh tân đổi mới, lòng chúng con được bằng an và chứng tá đức tin của chúng con giữa môi trường học đường cũng như xã hội chúng con đang sống được hiệu quả, cho Danh Chúa được cả sáng và Nước Chúa được trị đến. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. – Amen.
Mọi người đứng nghe đọc Lời Chúa
Lc 15,1-10: Các người thu thuế và các người tội lỗi đều lui tới với Đức Giêsu để nghe Người giảng. Những người Pharisêu và các kinh sư bèn xầm xì với nhau: “Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng”. Đức Giêsu mới kể cho họ dụ ngôn này: “Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất? Tìm được rồi, người ấy mừng rỡ vác lên vai. Về đến nhà, người ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói: ‘Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất đó’. Vậy, tôi nói cho các ông hay: trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn. “Hoặc người phụ nữ nào có mười đồng quan, mà chẳng may đánh mất một đồng, lại không thắp đèn, rồi quét nhà, moi móc tìm cho kỳ được? Tìm được rồi, bà ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói: ‘Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được đồng quan tôi đã đánh mất’. Cũng thế, tôi nói cho các ông hay: giữa triều thần Thiên Chúa, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối”.
II. Xét mình
Mọi người ngồi. Chủ sự: Việc một người tội lỗi ăn năn sám hối làm cho cả triều thần thiên quốc vui mừng như thế thôi thúc chúng ta can đảm suy tư và xét mình sâu xa để xưng tội cho nên, vì sự hoán cải nội tâm trở về cùng Chúa chỉ thực hiện được trong tận đáy lòng, chứ không phải chỉ làm cách hời hợt thoáng qua”[1]. Chúng ta hãy tin tưởng vào sức mạnh biến đổi của Bí tích Giải Tội, như ĐTC Biển Đức XVI khẳng định: “bao nhiêu cuộc hoán cải và bao nhiêu cuộc sống thánh thiện thực sự đã bắt đầu từ trong một tòa giải tội!”[2] Và chúng ta chỉ được tha thứ khi nhìn nhận mình là người tội lỗi, giống như người trộm lành đã làm trên thập giá.
Việc xét mình giúp chúng ta chân thành cứu xét cuộc sống của mình, đối chiếu với chân lý Phúc Âm và đánh giá nó không chỉ theo các tiêu chuẩn con người, mà nhất là theo các tiêu chuẩn của Mạc Khải, đối chiếu cuộc sống với mười giới răn của Chúa, sáu điều răn của Hội Thánh, bảy mối tội đầu, và tám mối phúc thật, nhất là giới luật yêu thương. Đây chính là một trường học lớn của bí tích giải tội[3], và là con đường nên thánh mỗi ngày một hơn, khi chúng ta nhận ra được lầm lỗi của mình, sám hối và điều chỉnh lại cho tốt các mối tương quan với Chúa, với tha nhân và với chính bản thân mình.
Chúng ta phải nhìn nhận tội lỗi và sự dữ ở bên trong bản thân và đặt mình qui phục lòng thương xót và sự thiện hảo của Thiên Chúa. Đó là lý do tại sao Giáo Hội hết sức nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chuẩn bị lãnh nhận Bí Tích Giải Tội. Nhờ bí tích này, chúng ta nhận lãnh không chỉ sự tha thứ tội lỗi, mà còn nhận lãnh sức mạnh của ơn Chúa để có thể phá tan những cơ chế tội lỗi bên trong bản thân mình và nơi tha nhân. Chúng ta phải khiêm tốn nài xin Chúa Thánh Thần ban ơn soi sáng cho chúng ta được xét mình xưng tội cho nên, vì nhiều lúc chúng ta không dễ nhận ra tội mình và do đó chưa được chữa lành.
Chúng ta cùng lắng nghe bài hát Vết nhơ cuộc đời rồi thinh lặng lắng nghe bản câu hỏi giúp xét mình chuẫn bị xưng tội.
GIỚI TRẺ XÉT MÌNH XƯNG TỘI
Những gợi ý từ buổi cử hành của ĐTC ngày 11/3/2015
(Hai bạn trẻ thay phiên nhau đọc chậm rãi)
- Con hãy soát xét lương tâm mình
Tôi có đi xưng tội với một lòng ao ước chân thành để được thanh luyện, canh tân đời sống, trở về và nên bạn nghĩa thiết hơn với Chúa không? Tôi đã quên hay cố tình che giấu tội trọng trong những lần xưng tội trước đây? Tôi đã làm việc đền tội và đền bù các lỗi lầm mà tôi gây ra chưa? Tôi có cố gắng thực hiện các quyết định được đề ra để sửa chữa đời sống tôi theo Phúc Âm không?
- “Hãy yêu mến Thiên Chúa của con hết lòng con.”
Con tim của tôi có thực sự hướng về Chúa và trung thành giữ các giới răn của Ngài không? Tôi có để cho mình chạy theo các sự vật trần thế không? Ý hướng hành động của tôi có luôn ngay thẳng không? Đức tin của tôi vào Thiên Chúa có vững vàng không? Tôi có chấp nhận hoàn toàn giáo huấn của Giáo Hội không? Tôi có lắng nghe Lời Chúa, tham dự các buổi học giáo lý, tránh xa tất cả những điều có thể lừa dối đức tin của tôi không? Tôi có luôn can đảm tuyên xưng đức tin của tôi vào Thiên Chúa và Giáo Hội mà không sợ hãi không? Tôi có biểu lộ tôi là người Công giáo cả trong đời sống riêng tư lẫn công cộng không?
Tôi có cầu nguyện sáng tối không? Lời cầu nguyện của tôi có thực sự là cuộc nói chuyện từ con tim đến với con tim với Chúa không? Tôi có biết dâng lên Chúa các mối lo nghĩ bận tâm, các niềm vui và các đau khổ của tôi không? Tôi có tin tưởng nhớ đến Chúa cả trong những con cám dỗ không? Tôi có tôn kính và yêu mến danh thánh Chúa không? Tôi có xúc phạm tới danh thánh đó bằng những lời chửi rủa, thề gian thề dối, và kêu tên Ngài vô cớ không? Tôi có bất kính với Đức Mẹ và các Thánh không? Tôi có thánh hóa Ngày Chúa Nhật và các Lễ Trọng không? Tôi có tham dự cách tích cực vào các buổi cử hành phụng vụ, nhất là Thánh Lễ không? Tôi có tránh làm việc không cần thiết trong các Ngày Lễ ấy không? Tôi có giữ luật buộc xưng tội và rước lễ không? Tôi có tôn thờ những “loại thần thánh khác”, thí dụ của cải giầu sang, mê tín dị đoan, nghĩa là đặt tín thác vào chúng hơn là vào Thiên Chúa không?
- “Hãy yêu mến nhau như Cha đã yêu mên các con.”
Tôi có thực sự yêu mến tha nhân không? Tôi có lợi dụng họ vào các mối lợi của tôi và đối xử với họ theo cách mà chính tôi cũng không muốn bị đối xử như thế không? Tôi có gây gương mù gương xấu bằng lời nói và các hành động của tôi không? Trong gia đình, tôi có kiên nhẫn và yêu thương chân thực đóng góp vào ích lợi chung, cũng như cuộc sống thanh thản của người thân không? Tôi có vâng lời cha mẹ, kính trọng và làm vinh danh cha mẹ không? Tôi có giúp đỡ cha mẹ trong các nhu cầu cần thiết về thiêng liêng cũng như vật chất không?
Tôi có dấn thân tại trường học hay cộng đoàn giáo xứ không? Tôi có kính trọng quyền bính không? Tôi có nêu gương tốt trong mọi hoàn cảnh không? Tôi có trung thành trong tình cảm và hành động không? Tôi có biết thông cảm với tha nhân trong những giờ phút lo âu không? Tôi có biết cho đi từ chính mình, không sống cô lập ích kỷ với những ai nghèo túng hơn tôi không? Tôi có đối xử với tốt với người thân cận, đặc biệt với những người nghèo, người yếu đuối, những người bị loại ra ngoài, những người di dân không? Tôi có chú ý tới sứ mệnh được trao phó cho tôi không? Tôi có tham gia vào các công việc tông đồ và bác ái của Giáo Hội, vào các sáng kiến và đời sống của giáo xứ không? Tôi có cầu nguyện và đóng góp cho các nhu cầu của Giáo Hội và của thế giới, như sự hiệp nhất của Giáo Hội, việc rao giảng Tin Mừng, việc thiết lập hòa bình và công lý không? Tôi có lưu tâm tới thiện ích và sự thịnh vượng của cộng đoàn nhân loại trong đó tôi đang sống không? hay tôi chỉ lưu tâm tới ích lợi riêng của tôi? Tôi có tham gia theo sức vào các sáng kiến hầu cổ võ công lý, nền luân lý công cộng, sự hài hòa và các việc gây phúc thiện không? Tôi có thực hiện các bổn phận người công dân không?
Tôi có sống công bằng, dấn thân, lương thiện trong việc học hành, sẵn sàng đóng góp việc phục vụ của tôi vào công ích không? Tôi có chu toàn các thỏa thuận và giữ trung thành với các lời hứa không? Tôi có vâng lời và kính trọng đúng mức với nhà cầm quyền chân chính không? Khi có trách nhiệm gì, tôi có dấn thân lo cho ích lợi của người khác với tinh thần phục vụ không? hay chỉ tìm ích lợi cho tôi? Tôi có sống sự thật và trung tín không? Tôi có làm điều xấu cho người khác bằng các lời nói dối, thóa mạ, xuyên tạc, phán đoán quá chủ quan và vi phạm các điều bí mật không? Tôi có xúc phạm tới sự sống và sự an toàn thế lý của người khác không? Tôi có làm tổn thương hay gây thiệt hại đến danh dự của họ không?
Trong các mối tương quan xã hội và khác phái, tôi có gây ra hoặc khuyên thực hiện việc phá thai không? Tôi có im lặng trong những hoàn cảnh mà tôi có thể khích lệ thực hiện điều lành không? Trong cuộc sống tình cảm tính dục và hôn nhân, tôi có tôn trọng giáo huấn của Giáo Hội, đón nhận sự sống và tôn trọng sự sống không? Tôi có hành động chống lại sự toàn vẹn thể xác không? Tôi có luôn trung thành, chung thủy cả trong tâm trí của tôi không?
Tôi có giữ lại trong lòng sự thù oán ai không? Tôi có hay cãi lẫy sinh sự không? Tôi có nói những lời sỉ nhục và xúc phạm, khi gặp xô xát và hận thù không? Tôi có cố tình bỏ qua cách ích kỷ việc làm chứng cho sự vô tội của người khác không? Khi tham gia giao thông, tôi có để mình và người khác rơi vào tình trạng nguy hiểm không? Tôi có trộm cắp không? Tôi có ham muốn cách bất chính của cải của người khác không? Tôi có làm thiệt hại vật chất của tha nhân không? Tôi có đền bù những gì tôi đã lấy đi, cũng như các thiệt hại tôi đã gây ra không? Tôi có sẵn sàng nhận sai lỗi, làm hòa và tha thứ vì tình yêu Đức Kitô không? Hay cứ giữ lại trong lòng sự ghen ghét và ước muốn trả thù?
- “Các con hãy nên trọn lành như Cha Trên Trời.”
Đâu là định hướng nền tảng của đời sống tôi? Tôi có lo nghĩ về cuộc sống đời đời của tôi không? Tôi có tìm cách làm cho đời sống thiêng liêng của tôi được sống động bằng việc cầu nguyện, đọc và suy niệm lời Chúa, siêng năng lãnh nhận các bí tích không? Tôi có thực hành việc hãm mình không? Tôi có quyết tâm dứt khoát với các tính xấu, các tham muốn dục vọng và các hướng chiều về điều xấu không? Tôi có tự phụ kiêu ngạo, huênh hoang về mình và khinh thường người khác không? Tôi có tìm áp đặt ý muốn của tôi, lại coi thường tự do và quyền lợi của người khác không?
Tôi đã dùng thời giờ, sức lực, và các ơn huệ Chúa ban như thế nào? Tôi có dùng chúng để làm tăng trưởng sự hoàn thiện đời sống thiêng liêng của tôi và phục vụ người thân cận không? Tôi có sống thụ động hay lười biếng không? Tôi đã dùng internet và các phương tiện truyền thông xã hội khác như thế nào? Tôi đã giữ gìn thân xác của tôi trong trắng và thanh sạch thế nào khi nghĩ rằng đó là đền thờ của Chúa Thánh Thần? Tôi có giữ gìn các giác quan, cố tránh các tư tưởng và ước muốn xấu, bằng lời nói và hành động bất xứng không? Tôi có tránh đọc các sách báo và các cuộc giải trí ngược lại với sự lương thiện nhân bản và Kitô không? Tôi có làm gương xấu cho người khác bằng cách sống của tôi không?
Tôi có kiên nhẫn chấp nhận các đau khổ của cuộc sống trong tinh thần đức tin không? Tôi có tìm cách thực hành sự hãm mình để bổ khuyết điều còn thiếu trong cuộc khổ nạn cứu thế của Đức Kitô không? Tôi có giữ luật ăn chay và kiêng thịt không? Tôi có hành động chống lại lương tâm của tôi vì sợ hãi hay giả hình không? Trong mọi tình huống, tôi có luôn tìm cách xử sự theo sự tự do đích thực của con cái của Thiên Chúa và sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần không? Hay tôi đã để làm nô lệ các tham vọng của mình? Tôi có bỏ việc lành mà tôi có thể thực hiện không?
III. Sống Ý Nghĩa Bí Tích Giải Tội
Anh Chị Em thân mến,
Hai ngày nữa, chúng ta sẽ cùng toàn thể Giáo Hội mừng lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội và long trọng khai mạc Năm Thánh Ngoại Thường Lòng Thương Xót Chúa. Cửa Lòng Thương Xót Chúa được rộng mở cách quảng đại, nhưng chúng ta phải có can đảm để bước qua. Mỗi người chúng ta đều mang trong lòng những trĩu nặng vì tội lỗi! Chúng ta hãy lợi dụng thời điểm đang đến này và hãy bước qua ngưỡng cửa lòng thương xót của Thiên Chúa, là Đấng không bao giờ mệt mỏi tha thứ, không bao giờ mệt mỏi chờ đợi chúng ta. Hãy can đảm tiến lên[4], vì Chúa luôn mở rộng Cánh Cửa Lòng Thương Xót đón nhận lòng sám hối của chúng ta và ban cho chúng ta ơn tha thứ của Ngài.
ĐTC Phanxicô như đang chất vấn và ân cần nhắc nhở chúng ta: “Có ai ở đây trong căn phòng này không phải là một tội nhân không?… Các con hãy luôn luôn thẳng thắn với cha giải tội. Hãy nói với ngài mọi sự, đừng sợ hãi… Hãy nói sự thật, đừng che giấu lấp lửng gì cả, bởi các con đang nói với chính Đức Giêsu trong con người cha giải tội. Đức Giêsu biết hết sự thật, nhưng Ngài muốn các con nói với Ngài điều Ngài đã biết. Hãy minh bạch!… Chính Đức Giêsu đang lắng nghe các con. Hãy luôn luôn có sự minh bạch này trước mặt Đức Giêsu nơi cha giải tội! Chúa ôm hôn và nói với các con: Hãy đi và đừng phạm tội nữa!”[5] Thiên Chúa tha thứ như người cha, chứ không phải như quan tòa đọc lên bản tuyên miễn án. Thiên Chúa tha thứ cho chúng ta từ trái tim. Ngài tha thứ cho chúng ta bởi Ngài yêu thương chúng ta.
Thiên Chúa luôn yêu thương người tội lỗi, lôi kéo họ tới với Người và mời gọi họ trở lại. Bản chất của con người là lầm lỗi, bản chất của Thiên Chúa là tha thứ, không có tội gì quá nặng đến đỗi Thiên Chúa không thể tha thứ được, nếu ta thực sự ăn năn trở về đón nhận ơn tha thứ của Chúa: tội thì tha lỗi thì sửa, mỗi vị thánh đều có một quá khứ và mỗi tội nhân đều có một tương lai. Hãy tin tưởng vào sự biến đổi tốt đẹp trong tương lai, nhờ ơn Chúa, với cố gắng bản thân và sự giúp đỡ của kẻ khác[6]. Hãy lạc quan và tin tưởng: Lỗi một thời chứ không phải lỗi suốt đời…
Việc cử hành Bí tích Giải Tội luôn là một cử hành phụng vụ, ngay cả với hình thức riêng tư của nó. Thực hành bí tích Giải Tội là một yếu tố quan trọng trong đời sống cầu nguyện của cả hai người, người xưng thú lẫn người nghe xưng thú. Như thế, Bí tích Giải Tội quả là phương thế của lòng Chúa thương xót giúp tái định hướng, thánh hoá và tăng trưởng thiêng liêng rất quan trọng, đặc biệt khi đây còn là cơ hội tốt để trao đổi với một cha giải tội có kinh nghiệm linh hướng, nhờ đó mà đạt được sự chữa lành mọi uẩn khúc ngóc ngách của tâm hồn hầu được đổi mới và vui sống bằng an. Cuộc đối thoại giữa hối nhân và cha giải tội làm cho việc cử hành bí tích đáp ứng sít sao hơn với mọi tình huống cụ thể của hối nhân, như: Nhu cầu hòa giải cá nhân và tái nhập vào tình bằng hữu với Chúa nhờ nhận lại được những ơn đã mất do tội; nhu cầu tìm kiếm sự tiến bộ thiêng liêng; đôi khi cần một sự biện phân thích đáng hơn về ơn gọi; và trong nhiều trường hợp, không những cần mà còn khao khát thoát khỏi tình trạng hờ hững thiêng liêng và khủng hoảng đức tin. Chúng ta đừng ngại sợ làm phiền hay mất thời giờ của linh mục, vì nhiệm vụ của linh mục là luôn ở bên cạnh hối nhân, cũng như nhiệm vụ của bác sĩ là luôn ở bên cạnh bệnh nhân. “Giáo Hội khôn ngoan thúc giục các linh mục, như cha thánh Vianney, luôn ngồi lại chờ hối nhân nơi tòa giải tội vào lúc thuận tiện cho hối nhân, kiên nhẫn chờ đợi như Thiên Chúa vẫn hằng kiên nhẫn”[7].
Trong thời đại ồn ào ngày nay, với sự chia trí và cô đơn, cuộc nói chuyện của hối nhân với cha giải tội cũng có thể là một trong những cơ hội, nếu không muốn nói là duy nhất, để được thực sự lắng nghe trong chiều sâu. Sự kiện được lắng nghe và đón nhận là một dấu chỉ về sự đón nhận và lòng nhân từ của Thiên Chúa đối với con cái của Ngài. Sự xưng thú trọn vẹn các tội lỗi cũng dạy hối nhân về sự khiêm tốn, nhìn nhận sự mong manh yếu đuối của mình, và đồng thời ý thức về sự cần ơn tha thứ của Thiên Chúa, xác tín rằng Ơn thánh của Chúa có thể biến cải cuộc sống. Việc lắng nghe những lời nhắn nhủ và khuyên bảo của cha giải tội là điều quan trọng giúp hối nhân phán đoán về hành vi của mình để tiến bước trên đường thiêng liêng và được chữa lành trong nội tâm”[8].
ĐTC Phanxicô nói như từ trái tim tới trái tim với chúng ta: “Tất cả chúng ta có thể nghĩ đến câu chuyện đời của chúng ta, hành trình của chúng ta. Mỗi người chúng ta đều có câu chuyện đời của mình; mỗi người chúng ta cũng có những sai lầm, tội lỗi, những lúc hạnh phúc và những khi đen tối. Ngày hôm nay là dịp tốt để mỗi người nghĩ đến câu chuyện đời của mình, và nhìn Chúa Giêsu rồi chân thành lặp đi lặp lại trong thinh lặng: ‘Lạy Chúa, xin nhớ đến con, vì con muốn sống tốt, muốn nên thánh thiện, nhưng con yếu đuối, con không thể: con là người tội lỗi’. Lời hứa của Chúa Giêsu với người trộm lành cho chúng ta niềm hy vọng lớn lao. Lời ấy nói với chúng ta rằng ơn Chúa bao giờ cũng phong phú hơn lời cầu xin. Chúa rất quảng đại, Người luôn ban cho nhiều hơn điều con người cầu xin. Chúa Giêsu chính là trung tâm những nỗi khát mong niềm vui và ơn cứu độ của chúng ta. Nào chúng ta hãy cùng nhau lên đường”[9].
(Về đây con ơi mp3)
IV. Lời nguyện cộng đồng
Mọi người đứng. Chủ sự: Anh chị em thân mến, chúng ta hãy nhớ lại lòng nhân hậu của Chúa mà thú nhận tội lỗi, để lãnh nhận lòng thương xót của Ngài. Tôi thú nhận…
Chúa không đến kêu gọi người công chính, nhưng tìm kiếm người tội lỗi.
Đáp: Xin Chúa thương xót con là kẻ có tội.
Chúa không kết án ai, nhưng tha thứ và cho về bình an.
Đáp: Xin Chúa thương xót con là kẻ có tội.
Chúa tìm kiếm và vác chiên lạc trên vai mà đưa về đàn.
Đáp: Xin Chúa thương xót con là kẻ có tội.
Chúa kêu gọi người tội lỗi hối cải và sống đời sống mới.
Đáp: Xin Chúa thương xót con là kẻ có tội.
Chúa hứa thiên đàng cho người trộm lành ăn năn hối cải.
Đáp: Xin Chúa thương xót con là kẻ có tội.
Chúa ngự bên hữu Chúa Cha và hằng cầu bàu cho chúng con.
Đáp: Xin Chúa thương xót con là kẻ có tội.
Như Chúa Giêsu đã truyền dạy, chúng ta nài xin Thiên Chúa tha thứ cho chúng ta, như chúng ta cũng cố gắng tha thứ cho nhau. Chúng ta cùng nắm tay nhau đưa cao như dấu chỉ liên đới và hiệp nhất yêu thương trong khi hát Kinh Lạy Cha.
Lạy Thiên Chúa toàn năng và từ bi, Chúa đã tác thành con người cách lạ lùng và còn tái tạo cách lạ lùng hơn nữa qua Bí tích Giải Tội. Khi con người phạm tội, Chúa không từ bỏ nhưng lấy tình phụ tử tìm kiếm và dẫn đưa về. Chúa đã sai Con Chúa đến chịu khổ nạn để hủy diệt tội lỗi và sự chết, cùng sống lại để ban cho chúng con sự sống mới và niềm hoan lạc. Chúa đã ban Thánh Thần xuống canh tân chúng con bằng các bí tích cứu độ của Hội Thánh và cho chúng con ngày càng trở nên giống Con Yêu Dấu Chúa. Chúng con tạ ơn Chúa và cùng toàn thể Hội Thánh, chúng con ca tụng Chúa hết lòng. Nhờ Đức Kitô và trong Chúa Thánh Thần, chúng con nguyện xin Danh Cha được vinh hiển, bây giời và muôn đời. Amen.
Nguyện xin Chúa hướng dẫn anh chị em tiến bước trên đời sống mới và sống đẹp lòng Chúa trong mọi sự. Amen
Xin Thiên Chúa toàn năng là Cha, và Con, và Thánh Thần ban phúc lành cho anh chị em. Amen
(Lạy Mẹ Fatima mp3)
Micae-Phaolô Trần Minh Huy, PSS
—————————-
[1] Trích bài giảng Lễ Tro của ĐTC Phanxicô – Theo VIS – http://www.hdgmvietnam.org/duc-thanh-cha-phanxico-khai-mac-mua-chay/6763.57.7.aspx
[2] ĐTC Biển Đức XVI nói với các tham dự viên khóa học về bí tích giải tội do Tòa Ân Giải Tối Cao tổ chức từ 21/3-11/4/2011 tại Rôma.
[3] ĐTC Biển Đức XVI nói trong buổi tiếp kiến ngày 25/3/2011 với 800 tham dự viên khóa học về Bí tích Giải tội.
[4] Xem bài huấn dụ của ĐTC Phanxicô trong buổi tiếp kiến ngày 18/11/2015 – http://www.vietcatholic.org/News/Html/161985.htm
[5] Khi nói chuyện với các chủng sinh và tập sinh –http://www.vietcatholic.net/News/Html/113268.htm.
[6] x. 1 Cr 6,11.
[7] ĐHY Mauro Piacenza, chánh án Toà Ân giải tối cao, nói trong lễ khai mạc Khóa học về Toà Trong ngày 24/3/2014 theo Vatican Insider.
[8] ĐTC phát biểu trong buổi tiếp kiến sáng ngày 25/3/2011 dành cho 800 tham dự viên khóa học về bí tích giải tội do Tòa Ân Giải Tối Cao tổ chức từ 21/3-11/4/2011.
[9] Trích bài giảng bế mạc Năm Đức Tin ngày 24/11/2013 tại quảng trường thánh Phêrô.
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- THÁNH GIOAN: “THÁNH TÔNG ĐỒ VÀ THÁNH SỬ KHÔNG PHẢI LÀ CÙNG MỘT NGƯỜI”
- THÔNG ĐIỆP GIÁNG SINH VÀ PHÉP LÀNH URBI ET ORBI 2024 : CẦU MONG TIẾNG SÚNG HÃY IM BẶT !
- THÁNH LỄ ĐÊM GIÁNG SINH VÀ KHỞI ĐẦU MỘT NĂM ÂN SỦNG, ĐỔI MỚI VÀ HY VỌNG
- HÀNH TRÌNH QUA CÁC NĂM THÁNH NHỜ CÁC SẮC CHỈ TRIỆU TẬP
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG NĂM C: TẠ ƠN CHÚA VỀ HỒNG ÂN SỰ SỐNG
- DIỄN VĂN CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO GIÁO TRIỀU RÔMA NHÂN DỊP CHÚC MỪNG GIÁNG SINH 2024: HÃY NÓI TỐT CHỨ ĐỪNG NÓI XẤU
- GIÁO TRIỀU RÔMA, BÀI GIẢNG MÙA VỌNG THỨ 3: SỰ CAO CẢ CỦA THIÊN CHÚA LÀ SỰ NHỎ BÉ
- MỤC TỬ TRONG THÁNH KINH, MỘT HÌNH ẢNH VỀ UY QUYỀN VÀ LÒNG NHÂN TỪ
- THÁNH TÍCH CỦA THÁNH TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU ĐẾN RÔMA NHÂN NĂM THÁNH
- BÀI GIÁO LÝ VỀ NĂM THÁNH 2025. CHÚA GIÊSU KITÔ, NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA. I. THỜI THƠ ẤU CỦA CHÚA GIÊSU. BÀI 1. GIA PHẢ CỦA CHÚA GIÊSU (Mt 1, 1-17). CON THIÊN CHÚA ĐI VÀO LỊCH SỬ
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG NĂM C: CHÚNG TÔI PHẢI LÀM GÌ?
- ĐỨC PHANXICÔ CA NGỢI CORSE NHƯ MÔ HÌNH CỦA “TÍNH THẾ TỤC LÀNH MẠNH”
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI HÀNG GIÁO SĨ CORSE: “HÃY CHĂM SÓC CÁC BẠN VÀ NGƯỜI KHÁC”
- BÀI GIẢNG THỨ 2 TRONG MÙA VỌNG CHO GIÁO TRIỀU RÔMA : TÁI KHÁM PHÁ NIỀM TIN TƯỞNG VÀO THIÊN CHÚA ĐỂ LÀM SỐNG LẠI NIỀM HY VỌNG
- SỨ ĐIỆP CHO NGÀY THẾ GIỚI HÒA BÌNH 2025
- GIÁO HỘI ĐƯỢC HÌNH THÀNH NHƯ THẾ NÀO?
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 17. THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ NÓI : « XIN NGƯỜI NGỰ ĐẾN ! ». CHÚA THÁNH THẦN VÀ NIỀM HY VỌNG KITÔ GIÁO
- JOHN TRAYNOR, NGƯỜI ĐƯỢC PHÉP LẠ THỨ 71 Ở LỘ ĐỨC
- KINH TRUYỀN TIN LỄ ĐỨC MẸ VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI 2024: ĐẶT NIỀM HY VỌNG VÀO LÒNG THƯƠNG XÓT VÔ NGẦN CỦA THIÊN CHÚA
- BÀI GIẢNG CỦA ĐTC PHANXICÔ TRONG THÁNH LỄ ĐỨC MẸ VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI 2024