NGHĨ VẨN VƠ VỀ PAPA

Written by lcd on Tháng Hai 13th, 2013. Posted in Lm Lê Công Đức

Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI tuyên bố sẽ rời chức vụ vì lý do sức khỏe. Tôi nhớ một entry mình viết và đăng blog hồi cuối tháng 6 vừa qua. Tôi đã đoán sai. Ngài không đủ sức nữa rồi. Sau đây là entry ngày ấy… (Lm. Lê Công Đức)

Đã thành lệ, lễ Thánh Phêrô và Phaolô Tông Đồ là dịp trao pallium cho các tổng giám mục mới. Các phố xá xung quanh Vatican những ngày này, vì thế, rộn ràng hơn bình thường, với các đấng bậc từ khắp thế giới tuốn về, đi tới đi lui dặt dìu như trẩy hội, mặc cho cái nắng nóng hầm hập của mùa hè ven Địa Trung Hải, lên tới 35-40 độ C. Nghe nói ngoài sự kiện “pallium”, những ngày này còn có vài hội nghị gì đó nữa, nên số khách VIP càng đông.

Nếu có một người mừng lễ Thánh Phêrô và Phaolô Tông Đồ cách đặc biệt hơn mọi người khác, thì chắc chắn đó là Papa Benedetto. Vì ngài là người kế vị của Phêrô mà. Trong khi Phaolô đâu có ai kế vị cách riêng! Chẳng biết Papa có bị cảm cúm nhức đầu sổ mũi gì không, do cái nóng khắc nghiệt ở đây trong những ngày này. Và chẳng biết ngài sẽ phát biểu những gì trong dịp này. Có thể ngài sẽ lại đề cập, dù chỉ một cách ám chỉ, những chuyện linh tinh rầy rà gần đây trong giáo triều. Có thể ngài sẽ nhấn mạnh Năm Đức Tin sắp bắt đầu cử hành trong ít tháng nữa, bởi sứ vụ của người kế vị Thánh Phêrô là “củng cố đức tin cho các anh em”. Đoán vậy thôi, Papa nghĩ gì và sẽ nói những gì thì chỉ có … Chúa và Papa biết.

Mình thì chỉ có thể biết … mình đang nghĩ lan man gì về ông cụ thôi.

Ngưỡng mộ lắm, dĩ nhiên. Ông cụ vào ghế của Thánh Phêrô khi đã 78 tuổi, tưởng chẳng được lâu, thế mà nay đã 85 tuổi rồi, nghĩa là đã “chạy tốt” được đến 7 năm – và có vẻ như còn đủ dẻo dai để cầm trịch ít ra chừng ấy năm nữa (nếu vậy thì có kém gì nhiệm kỳ của cố Papa Phaolô Đệ Lục)! Vatileaks (rò rỉ) hầm bà lằng, nhưng chưa nghe ai khai báo ngài có bệnh gì đặc biệt. Chỉ có vấn đề tuổi già thôi, mà với các phương tiện y khoa ngày nay thì tuổi già là … chuyện tương đối nhỏ. Dân tây ở tuổi 85 hay 90 lái xe chạy ầm ầm ngoài đường là chuyện không hiếm. Papa thì chẳng ai để cho phải lái xe đâu, nhưng ngài phải đủ sức đi bộ trong một số trường hợp. Mà nói cho cùng, nếu chân hơi yếu thì đi trên bánh xe (cái này đã thấy áp dụng), và kẹt quá thì ngồi luôn trên xe lăn cũng chẳng sao. Già rồi nội khí suy giảm, tiếng nói có hơi thều thào, thì đã có loại micro đặc biệt tăng âm và lọc âm. Cái đầu mới quan trọng, vì chẳng có phương tiện kỹ thuật nào hỗ trợ được cho cái đầu; rất may, cái đầu của Papa cho tới nay, như nhiều người nhận thấy, vẫn còn perfetto lắm – xuất thân là một nhà thần học có khác.

Thỉnh thoảng đi lễ do Papa chủ tế, mình vẫn bị cám dỗ chia trí khi nhìn ông cụ. Mình nghĩ cái ghế giáo hoàng ấy thật kinh khủng, và phải là người có ơn hết sức đặc biệt mới có thể chịu nổi. Tiêu chuẩn tài đức thì miễn bàn rồi, nhưng bạn phải có một thần kinh thép thì mới sống sót được với cái ghế đó. Chưa nói đến những chuyện đại sự gay go phải thường xuyên quyết định, chỉ cần nghĩ đến cái áp lực đè trên một “người của công chúng” ở chức vụ này cũng đủ khiếp rồi.

Hãy lấy ví dụ về sự bao vây thường xuyên của các ống kính. Có lẽ ngoại trừ những chỗ rất riêng tư như trong phòng ngủ của bạn, còn thì mọi nơi chốn bạn xuất hiện hầu như đều có các ống kính chĩa vào, vì bạn là giáo hoàng mà. Mà các ống kính ngày nay thì có thể zoom vào thấy rõ từng sợi chân lông của bạn đó. Người ta sẽ đưa lên TV hay internet tất tần tật. Và bạn không hề phóng đại khi tự nhủ: cả thế giới luôn luôn nhìn thấy nhất cử nhất động của tôi! Một Thánh Lễ trọng thể nào đó mà Papa chủ tế, chẳng hạn, sẽ kéo dài ít nhất hai tiếng, và trong suốt hai tiếng ấy không một giây nào mà Papa không bị “soi”. Chúa ơi, đúng là ngứa cũng không có quyền gãi!

Nhưng chuyện bị soi bằng mắt hay bằng ống kính cũng không cực bằng chuyện bị soi bằng tai. Papa, nhất là Papa Benedetto, mà nói thì miễn sai! Trích dẫn Papa là tuyệt đối an toàn, hơn nữa, đó là trích dẫn một nguồn có thế giá bất khả chất vấn! Những người viết sách, những người soạn bài giảng, những người thuyết trình trong các khóa hội thảo ít khi nào quên trích dẫn Papa. Dẫn lời Papa nói cách đây 10 hay 20 năm cũng tốt, nhưng dẫn lời Papa mới nói tháng trước hay tuần trước thì càng ‘oách’ hơn! Nhất là đối với các sinh viên viết luận văn trong các đại học và học viện của Giáo Hội, dẫn Papa là chắc chắn có điểm. Vì thế người ta ‘soi’ từng lời Papa nói. Thì tốt thôi, ai nói mà không muốn được lắng nghe kỹ. Nhưng có điều, cũng hơi cực việc bạn bị đặt trong tình trạng lúc nào cũng phải ăn nói ‘long trọng’. Rồi cách hành văn, cách dùng từ ngữ… phải luôn chỉnh chu, không thể hớ hênh được. Nhất ngôn xuất khẩu, lục mã nan truy. Ngoài những lỗ tai của người trong nhà ‘soi’ lời Papa nói để trữ làm vốn, còn có bao lỗ tai khác của các đối thủ luôn ‘soi’ để bắt bẻ nữa chứ (cái này đã từng xảy ra). Ôi, đúng là cực! Đó là chưa kể một kiểu phiền toái nữa do người trong nhà nhưng xem chừng ngoài tầm Papa kiểm soát: một số bài báo, bản tin (thường là trên mạng) có lẽ vì sính Papa quá nên Papa ‘thở’ ra bất cứ gì cũng có thể trở thành tít lớn được – đại loại như “ĐỨC THÁNH CHA NÓI CẦU NGUYỆN RẤT QUAN TRỌNG” hoặc “ĐỨC BÊNÊĐICTÔ XVI NÓI VỢ CHỒNG PHẢI YÊU THƯƠNG NHAU”, vân vân và vân vân. Thiệt tình!

Nhưng đè nặng nhất trên vai một Papa là trách nhiệm. Nếu bảo rằng linh mục, giám mục là làm dâu trăm họ, thì giáo hoàng là làm dâu triệu họ. Bao nhiêu là thông tin phải nắm bắt và xử lý (dù có hệ thống trợ lý hùng hậu đến mấy thì cuối cùng Papa cũng không được miễn việc này). Bao nhiêu là chuyện phải lo cùng một lúc: mấy ông cha bên Áo, mấy bà xơ bên Mỹ, tình hình Giáo Hội bên Trung Quốc, áp lực của dư luận bên Ai-len, làn sóng các tín hữu Công giáo đổ xô theo các giáo phái Tin Lành bên Nam Mỹ… Đâu đâu cũng có chuyện bên trong Giáo Hội. Rồi còn chuyện của thế giới nữa, giáo hoàng cũng phải liên can, nghe, nhìn, tìm hiểu, phân tích, bày tỏ lập trường. Ôi thôi, bao nhiêu thứ trên đôi vai ông lão 85 (thường thì tuổi này người ta đã được về hưu, nghỉ ngơi 10 năm rồi!) Các giám mục, hồng y cũng trách nhiệm nhiều, nhưng dù sao, trong nhiều chuyện, các vị ấy cũng còn có chỗ để ngó tới ngó lui, đó là ngó Papa, chờ nghe quyết định của Papa. Còn Papa thì ngó ai bây giờ, ngoài Chúa thôi! Bạn phải là một nhà thần bí thực sự thì bạn mới không cảm thấy cô đơn khi làm giáo hoàng!

Có lẽ vì thế mà người ta thường nhận thấy Papa Benedetto XVI cầu nguyện rất thực, rất đăm chiêu cả trong những tình huống khó tập trung cầm trí nhất. Viva Papa!

Lm. Le Cong Duc

Tags:

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Hai 2024
H B T N S B C
« Th11    
  1
2 3 4 5 6 7 8
9 10 11 12 13 14 15
16 17 18 19 20 21 22
23 24 25 26 27 28 29
30 31