NGHĨ VỀ HAI SỰ KIỆN CỦA LỄ LÁ
Lễ Lá cũng là lễ lạ! Vì buổi lễ có hai bài Phúc Âm, với hai cung bậc, hai sắc thái xem chừng rất tương phản nhau. Chúa vào Giêrusalem như vị Vua được tung hô tưng bừng… Nhưng chỉ ít phút sau, khi Bài Thương Khó được đọc hay hát lên, thì ta nghe tường thuật cuộc Khổ Nạn bi tráng của Chúa. Điều này có ý nghĩa gì? Và tại sao mới vào đầu Tuần Thánh mà Giáo hội đã đặt mình đứng trước cái chết của Chúa?
Rõ ràng, Giáo hội muốn đặt cả Tuần Thánh trong bầu khí cái chết Thập giá của Chúa Giêsu. Điều cần ghi nhận, đó là bầu khí nào và tâm tình nào?
Hai sự kiện có vẻ tương phản của Lễ Lá – Chúa khải hoàn vào thành và Chúa chịu Thương Khó – thật ra không tương phản gì cả. Ngồi trên lưng lừa và được tung hô vạn tuế, Giêsu vẫn hiểu mình vào thành lần này để làm gì, để đảm nhận gì. Vinh quang, khải hoàn? Đúng thật như vậy, trong cảm nghiệm của Giêsu. Nhưng nó khác hẳn, nó không giống với nhận thức của đám đông kia về vinh quang, khải hoàn! Giêsu đang đi tới biến cố Thập giá, và đó là bước quyết định của chiến thắng vinh quang và của cuộc khải hoàn chung cuộc. Vì thế, hai sự kiện của Lễ Lá không tương phản, mà thật sự rất ăn khớp với nhau.
Cảm nhận điều đó, Giáo hội không khích lệ việc tưởng niệm cái chết của Chúa với những cảm xúc và những diễn tả đậm màu thê lương u uất – như rên rỉ, khóc lóc, để ‘tang’… Cảm xúc thường chỉ là cái nhất thời và không có gốc rễ! Nếu phải rên rỉ khóc than, thì mỗi người hãy rên rỉ khóc than về tội lỗi của mình. Như lời Chúa nói với các phụ nữ Giêrusalem: “Hãy khóc than cho chính các người… Cây tươi thế này thì củi mục sẽ ra sao?”…
Cái chết Thập giá của Chúa Giêsu mời gọi ta chiêm ngắm, trong lòng biết ơn sâu thẳm và trong niềm hy vọng mãnh liệt. Càng chiêm ngắm, ta sẽ càng ngạc nhiên choáng ngợp trước chiến thắng vinh quang của Chúa, mà ta được mời gọi thông dự vào. Christi crux est mea lux!
Lê Công Đức
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- SỰ THÀNH THAI VÔ NHIỄM CỦA ĐỨC MARIA
- GHI CHÚ CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ VỀ TÀI LIỆU CHUNG KẾT THĐ
- TÀI LIỆU CHUNG KẾT THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC LẦN THỨ XVI
- THÔNG ĐIỆP DILEXIT NOS – Bản dịch Việt ngữ
- GIỚI THIỆU VẮN TẮT TÀI LIỆU LÀM VIỆC SYNOD 16
- KHÓA TẬP HUẤN DỊCH THUẬT VĂN BẢN MỤC VỤ
- DẪN VÀO SỨ MẠNG HỌC
- BÀI NÓI CHUYỆN CỦA ĐỨC TGM PAUL RICHARD GALLAGHER TẠI ĐẠI CHỦNG VIỆN HUẾ
- “XIN DẠY CHÚNG CON CẦU NGUYỆN”
- SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ CHO NGÀY THẾ GIỚI SỨ MẠNG 20.10. 2024
- SỨ ĐIỆP MÙA CHAY 2024 CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ (BẢN DỊCH CỦA LINH MỤC LÊ CÔNG ĐỨC)
- TÔNG HUẤN “C’EST LA CONFIANCE” CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
- HƯỚNG TỚI MỘT LINH ĐẠO HIỆP HÀNH
- GIẢNG LỄ TIỄN BIỆT CHA CỐ ĐA MINH TRẦN THÁI HIỆP (Đcv. Huế, 02/12/2022)
- TẦM NHÌN CẢI TỔ GIÁO HỘI CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
- ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ NÓI VỀ LINH MỤC, 17.02.2022
- BÀI GIẢNG LỄ KHAI GIẢNG NIÊN KHÓA 2021-2022 – ĐCV. HUẾ
- SUY TƯ VỀ LINH MỤC
- ĐÍNH CHÍNH BẢN DỊCH FRATELLI TUTTI
- CÓ ĐẠO