NGỘ ĐỘC THỦY NGÂN ĐÃ ĐẨY NHANH CÁI CHẾT CỦA THÁNH NỮ TÊRÊSA THÀNH LISIEUX
Một phân tích độc chất cho thấy vào thứ Ba, ngày 20/5/2025, thánh Têrêsa thành Lisieux đã bị ngộ độc thủy ngân ngay trước khi qua đời. Được sử dụng như một phương pháp điều trị bệnh lao, kim loại này đã khiến cơn đau đớn của thánh nữ trở nên trầm trọng hơn.
Thánh Têrêsa thành Lisieux đã rất đau yếu, tháng 8 năm 1897.
Thánh Têrêsa thành Lisieux qua đời ngày 30 tháng 9 năm 1897, ở tuổi 24, vì bệnh lao phổi cấp tính. Nữ tu Cát Minh bé nhỏ, ngày nay là vị thánh bổn mạng thứ hai của nước Pháp và được biết đến trên toàn thế giới, đã kết thúc cuộc đời ngắn ngủi của mình trong đau đớn khủng khiếp. Nhưng một nghiên cứu về độc chất được tiến hành cách đây một tháng bởi giáo sư Philippe Charlier, một bác sĩ pháp y và là trưởng phòng thí nghiệm tại Đại học Paris-Saclay, đã tiết lộ thêm một nguyên nhân nữa: thánh Têrêsa thành Lisieux bị ngộ độc thủy ngân.
Các phân tích đã được thực hiện trên một sợi tóc của thánh nữ nhân dịp kỷ niệm 100 năm cuộc hành hương đến Herbitzheim, “Lisieux nhỏ của Alsace”. Sự kiện này diễn ra hàng năm kể từ năm 1925 vào Lễ Hiện Xuống, để tưởng nhớ thánh Têrêsa thành Lisieux, một số thánh tích của thánh nữ được bảo quản cẩn thận trong nhà thờ. Cho đến tận Thế chiến thứ hai, đây thậm chí còn là cuộc hành hương quan trọng thứ hai ở Pháp, tập hợp gần 600.000 người mỗi năm. Với sự đồng ý và đóng góp của Tổng giám mục Strasbourg, Giáo sư Charlier đã lấy hai sợi tóc của thánh nữ trước khi gửi chúng đến Đan Mạch, nơi ông đã kiểm tra chúng cùng với một đồng nghiệp người Đan Mạch, giáo sư Rasmussen. Trong khi một sợi được phát hiện là không sử dụng được, thì sợi còn lại cho phép ghi nhận một số yếu tố mới liên quan đến hoàn cảnh cái chết của thánh nữ.
Giáo sư Charlier giải thích với Aleteia: “Thánh nữ đã trải qua bốn tuần cuối đời ở bệnh xá. Tóc được nghiên cứu tương ứng chính xác với thời kỳ này về mặt niên đại. Nó cho thấy rõ ràng một quá trình hấp hối, chị thánh đang chết dần : tóc cho thấy nồng độ sắt và đồng giảm mạnh“. Các phân tích này là rất rõ ràng: mười ngày trước khi chết, thánh Têrêsa biểu hiện hai đỉnh thủy ngân. Vào năm 1897, nguyên tố hóa học này được sử dụng trong thuốc điều trị bệnh hoa liễu hoặc như trường hợp của thánh Têrêsa, bệnh truyền nhiễm. Giáo sư Charlier nói tiếp: “Ví dụ, nguyên tố này được dùng trong trường hợp có ký sinh trùng trong ruột hoặc… trong trường hợp mắc bệnh lao“.
“Bác sĩ tại đan viện Cát Minh ở Lisieux có lẽ đã cho thánh nữ một loại thuốc có chứa thủy ngân để cố gắng cứu thánh nữ, nhưng nó hẳn đã khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn. Do đó, chúng ta có thể khẳng định rằng thánh Têrêsa đã chết vì bệnh lao, nhưng cũng vì một biến chứng do thầy thuốc gây ra (do thuốc hoặc bác sĩ gây ra).” Có một điều chắc chắn – trừ khi có ý muốn của Chúa – thì dù thế nào đi nữa, thánh Têrêsa cũng sẽ chết vì bệnh lao: chị thánh đã mất một lá phổi và đang chịu đau khổ. Đây là đại dịch lớn nhất vào cuối thế kỷ XIX, cho đến khi thuốc kháng sinh xuất hiện trong Thế chiến thứ hai. Trái lại, Giáo sư Charlier cho biết, việc dùng thuốc đã khiến chị thánh tử vong sớm hơn.
Kỷ niệm 100 năm ngày phong thánh cho thánh Têrêsa
Giáo sư Charlier tâm sự: “Tôi không biết rõ về Thánh Têrêsa thành Lisieux. Vì thế, để hiểu rõ hơn về người phụ nữ cuối cùng trở thành bệnh nhân của tôi, tôi đã đọc cuốn Chuyện một tâm hồn. Giống như nhiều người khác, thật khó để không xúc động trước nhân vật này, mà những lời nói của mình có một tầm mức phổ quát“. Ngày 17 tháng 5 năm 2025 cũng đánh dấu kỷ niệm 100 năm ngày thánh Têrêsa thành Lisieux được tuyên thánh. Trong cuộc đời ngắn ngủi của mình, xa rời những chiến công thần bí vĩ đại, thánh nữ đã ra sức chuẩn bị cho Thiên đàng bằng “con đường bé nhỏ“, một linh đạo mới về sự nên thánh trong cuộc sống hàng ngày, được để lại như một di sản cho dân Chúa: “Tôi quá nhỏ bé để leo lên nấc thang gay go của sự hoàn thiện. Vì vậy, tôi tự nhủ: Thiên Chúa Nhân Lành không thể gợi lên những ước muốn không thể thực hiện được… Tôi muốn tìm kiếm một phương thế bé nhỏ, rất thẳng, rất ngắn, một con đường bé nhỏ hoàn toàn mới… Và tôi hiểu rằng chỉ có tình yêu mới làm cho các thành viên của Giáo hội hành động…“
Tý Linh
(theo Cécile Séveirac, Aleteia)
Tags: các thánh-nhân vật
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- ĐỨC LÊÔ XIV: ĐIỀU CẤP THIẾT LÀ PHẢI “MANG CHÚA KITÔ ĐẾN VỚI MỌI DÂN TỘC”
- SƠ MERLETTI ĐƯỢC BỔ NHIỆM LÀM THƯ KÝ CỦA BỘ ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN
- NGỘ ĐỘC THỦY NGÂN ĐÃ ĐẨY NHANH CÁI CHẾT CỦA THÁNH NỮ TÊRÊSA THÀNH LISIEUX
- ĐHY DE KESEL: “NHỮNG BƯỚC ĐẦU TIÊN CỦA ĐỨC LÊÔ XIV NẰM TRONG TÍNH LIÊN TỤC VỚI ĐỨC PHANXICÔ”
- BÀI GIÁO LÝ NĂM THÁNH 2025. CHÚA GIÊSU KITÔ, NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA. II. CUỘC ĐỜI CHÚA GIÊSU. CÁC DỤ NGÔN. BÀI 6. NGƯỜI GIEO GIỐNG. « NGƯỜI DÙNG DỤ NGÔN MÀ NÓI VỚI HỌ NHIỀU ĐIỀU » (Mt 13, 3a)
- LIÊN HIỆP QUỐC : ĐHY PAROLIN BẢO VỆ NỀN NGOẠI GIAO GẶP GỠ MÀ ĐỨC LÊÔ XIV ĐỀ XƯỚNG
- BA ĐIỀU CỐT YẾU CỦA THÔNG ĐIỆP “RERUM NOVARUM”
- CHIẾN TRANH Ở UCRAINA: KIEV VÀ CÁC ĐỒNG MINH HOAN NGHÊNH LỜI ĐỀ NGHỊ CỦA ĐỨC LÊO XIV VỀ VIỆC TỔ CHỨC CÁC CUỘC ĐÀM PHÁN TẠI VATICAN
- HÃY NHÌN VÀO CHÚA KITÔ !
- ĐỨC LÊÔ XIV VÀ GIÁO HỘI, MỘT “CHÚT MEN” CỦA SỰ HIỆP NHẤT VÀ TÌNH YÊU
- NHỮNG LỜI PHÁT BIỂU CUỐI THÁNH LỄ KHAI MẠC SỨ VỤ PHÊRÔ CỦA ĐỨC LÊÔ XIV
- BÀI GIẢNG THÁNH LỄ NHẬM CHỨC CỦA ĐỨC LÊ Ô XIV
- ĐỨC LÊÔ XIV: PHÊRÔ KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGƯỜI CHĂN DẮT ĐƠN ĐỘC, CŨNG KHÔNG PHẢI LÀ MỘT THỦ LĨNH Ở TRÊN NHỮNG NGƯỜI KHÁC
- VIDEO TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ KHAI MẠC SỨ VỤ CỦA ĐỨC LÊÔ XIV
- ĐỨC LÊÔ XIV: HỌC THUYẾT XÃ HỘI CỦA GIÁO HỘI THÚC ĐẨY ĐỐI THOẠI
- ĐHY PAROLIN: HỌC THUYẾT XÃ HỘI CÔNG GIÁO CÓ THỂ CHỮA LÀNH NHỮNG CHIA RẼ TOÀN CẦU
- SỰ MỚI MẺ NÀY ĐƯỢC ĐỨC LÊÔ XIV MONG MUỐN CHO LỄ KHAI MẠC SỨ VỤ CỦA MÌNH
- THÁNH LỄ KHAI MẠC TRIỀU ĐẠI GIÁO HOÀNG CỦA ĐỨC LÊÔ XIV, MỘT PHỤNG VỤ GIỮA CÁC NGHI LỄ VÀ BIỂU TƯỢNG
- DIỄN VĂN CỦA ĐỨC LÊÔ XIV CHO CÁC THÀNH VIÊN CỦA ĐOÀN NGOẠI GIAO TẠI TÒA THÁNH : BỎ LẠI XUNG ĐỘT ĐẰNG SAU VÀ CHỌN THEO MỘT CON ĐƯỜNG MỚI
- ĐHY PAROLIN : TRONG SUỐT MẬT NGHỊ, ĐỨC LÊÔ XIV “KHÔNG BAO GIỜ MẤT ĐI NỤ CƯỜI NHẸ NHÀNG CỦA MÌNH”