MỘT QUYỂN TIỂU THUYẾT CÔNG GIÁO CHO NĂM ĐỨC TIN: NGƯỢC MẶT TRỜI CỦA NGUYỄN MỘT
Cuối năm, một bạn trẻ ngoài Công giáo ghé thăm, tặng tôi quyển Ngược Mặt Trời của Nguyễn Một, 214 trang, do Nxb Hội nhà văn và Công ty sách Liên Việt ấn hành tháng 7-2012. Tôi đọc một mạch trên chuyến xe đi Quảng Ngãi. Một quyển tiểu thuyết Công giáo đích đáng! Tới nhà xứ Quảng Ngãi, tôi khoe cha Trương Đình Hiền và tặng nó cho cha. Sau đó tôi tìm khắp các nhà sách không thấy, nhờ một chuyên viên sách ở Sài Gòn tìm giúp cũng không thấy đâu. Tôi tìm trên Google mới biết người ta nói nhiều về quyển sách và có thể tìm mua bản điện tử tại: http://www.sachbaovn.vn/ (với 140 trang dung lượng 931,9 KB, những trích dẫn trong bài này theo bản sách điện tử).
Tôi cũng tìm thấy trên Bách khoa toàn thư mở http://vi.wikipedia.org/wiki về tác giả như sau:
Nguyễn Một (sinh 1964) là một nhà văn Việt Nam. Ông là tác giả của một số truyện có tiếng, trong đó có tiểu thuyết Đất trời vần vũ được giải C của cuộc thi Hội Nhà văn năm 2010. Ông còn có bút danh là Dạ Thảo Linh khi viết truyện dành cho truyện thiếu nhi.
Thân thế và sự nghiệp
Ông sinh ngày 14 tháng 12 năm 1964 tại thôn A Đông, xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Cha mẹ mất sớm trong chiến tranh, ông lưu lạc vào tỉnh Đồng Nai từ năm 1975 và sinh sống đến nay.
Ông làm giáo viên tiểu học từ năm 1983 đến năm 1997, làm phóng viên báo Tiền Phong từ năm 1998 đến năm 2007 sau đó về làm truyền thông cho Công ty cổ phần ô tô Trường Hải. Được kết nạp vào Hội Nhà Văn Việt Nam năm 2006 ông đã có hơn mười đầu sách. Năm 2009 tiểu thuyết “Đất trời vần vũ” của ông bị Cục xuất bản tạm ngưng phát hành nhưng sau đó lại được giải C cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà Văn (2006 -2010). Tác phẩm “Đất trời vần vũ” đã khiến Nguyễn Một trờ thành nhà văn được đông đảo độc giả biết tới. Năm 2012, tiểu thuyết “Ngược mặt trời” của Nguyễn Một được ấn hành và nhận được đánh giá tích cực của độc giả cả nước.
Tôi cũng tìm thấy địa chỉ của anh trên nguyenmot.vnweblogs.com và gọi điện hỏi thăm thì biết anh được ơn tin Chúa và lãnh bí thích thánh tẩy năm 1988. Hiện nay quyển truyện trở nên khan hiếm vì chưa kịp tái bản.
Ban đọc có thể tiếp cận với quyển tiểu thuyết nhiều góc độ khác nhau, nhưng riêng với giới độc giả Công giáo, thiếu một lời giới thiệu có thể cũng khó thấy được chiều sâu của nó.
*
Đọc kỹ, quyển truyện ngỏ lời với Giáo hội Công giáo nhiều hơn là với xã hội dân sự. Ấn hành nhiều tháng trước khi Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô khai mạc năm đức tin, quyển truyện gởi đến cộng đồng Công giáo người Việt thông điệp của Thánh Mátthêu Lê Văn Gẫm: “Dòng họ ta tồn tại đến nay đã mấy trăm năm, nhưng đức tin của con cháu ta bị lung lay cả rồi, họ bị cám dỗ bởi quyền lực và vật chất, ta đau lòng vô cùng. Người cuối cùng của dòng họ ta là Lê Hoàng Thạch, ta đã chết vì đức tin, còn con cháu ta sẽ chết vì phản bội đức tin” (trang 75).
Những người ngại đối diện với sự thật sẽ khó chịu khi tác giả nhắc tới Nguyễn Phúc Ánh, Bá Đa Lộc, Hoàng Tử Cảnh, Lê Văn Khôi, Marchand Du, hoặc kể lại những trang sử máu viết nên bởi Trịnh Quang Khanh (mà tác giả hư cấu là Trần Hiệp), bởi pháp trường Bảy Mẫu. Tuy nhiên đọc kỹ sẽ thấy tác giả không hề xỏ xiên lịch sử. Ông nói rất thẳng và rất thật. Ông đặt vào môi miệng mẹ Têrêxa: “Đất nước mình nó vậy con ạ! Từ xưa đến giờ lịch sử Công giáo của chúng ta chịu nhiều đau thương chỉ vì những xung đột như thế » (trang 95). Lời ấy chẳng kết án ai nhưng chỉ để an ủi một tâm hồn sầu muộn vì sự mất đức tin của ông Lê Hoàng Thạch chồng bà Dung: “Niềm tin vào tiền bạc của ông mãnh liệt hơn niềm tin vào Thiên Chúa, ông đã từng khẳng định với mẹ Têrêxa như thế” (trang 121).
Cũng như nơi xã hội dân sự, những nan đề nội bộ của giới Công giáo làm sao vượt qua được nếu ngại đối diện với sự thật (x. Ga 8,32)? Cuộc khủng hoảng đức tin nặng nề làm sao dứt được nếu mỗi kẻ đang ý thức nguy cơ sụp đổ không tự tấn công thẳng vào mình?
Ngược Mặt Trời không lớn tiếng chỉ trích những phô trương lòe loẹt, những công trình xây cất nguy nga, những rình rang đình đám đang có nguy cơ biến nhà Chúa thành những tụ điểm lễ hội văn hóa và du lịch. Nó trực tiếp chỉ rõ ra nguyên nhân sẽ gây sụp đổ cho Giáo hội Công giáo là sự biến chất của đời tu, cái giá quá đắt để có được những thứ bề ngoài màu mè ấy: “Đan viện khánh thành trong niềm hân hoan của xứ và những người còn lại. Tất nhiên, ngày đó mẹ cũng giấu nỗi buồn mà đón nhận “cơ ngơi” cầu nguyện khang trang. Ở đời, Chúa không cho ai tất cả, mà cũng không lấy đi của ai tất cả. Để có đan viện đầy đủ tiện nghi, mẹ đã đánh mất bốn nữ đan sĩ xinh đẹp, họ đã ra đi cùng với các chàng sĩ quan công binh khỏe mạnh với sức lực cường tráng và làn da rám nắng” (trang 28).
Có một Hội Thánh bị thoái hóa nơi hậu duệ của Thánh Lê Văn Gẫm, là Lê Hoàng Thạch, không còn tin vào Thiên Chúa mà chỉ còn tin vào phép mầu của tiền bạc. Và rồi, cũng như đám người bên hoang tháp, ông đã chết thê thảm khi chạm được tới bạc vàng (trang 128). Lại có một Hội Thánh thỏa hiệp với Trần gian nơi con gái ông là nữ tu Hoàng Lan, nhảy rào chạy theo Trần Danh, tưởng rất hạnh phúc với cuộc hôn phối tùy tiện ấy nhưng rồi đã cùng với anh ta hứng chịu một cái chết thảm khốc mà không ai biết nguyên nhân, tức là một cái chết không rõ ý nghĩa (trang 115). May thay, đức tin chẳng phải là bệnh di truyền. Vẫn còn một Hội Thánh hiện thân nơi con gái út của Lê Hoàng Thạch là Ngân Hà, đã luôn bám chặt vào thập giá Chúa và mãi mãi là một thiên thần cho đến khi mọc cánh bay vào ánh sáng (trang 135).
Ba hậu duệ của tổ phụ Matthêu Lê Văn Gẫm đều đã đón được đức tin huy hoàng do ngài truyền lại nhưng đã ứng xử theo ba cách khác nhau. Năm đức tin của Giáo hội toàn cầu trùng vào kỷ niệm 25 năm vị tổ phụ và các bạn ngài được phong hiển thánh. Với lớp con cháu của các vị tử đạo, cả trong nước lẫn ngoài nước, quyển truyện đề ra ba khả năng để chọn lựa, và không ai có thể chọn lựa thay ai.
Chỉ với sức người chọn cho đúng thật không dễ chút nào. Thế nhưng ơn Chúa dạt dào vẫn luôn sẵn đó cho bất cứ ai đến với Ngài, dù bị đè bẹp dưới những lao nhọc và gánh nặng. Chúa đã ưu ái ban tặng đức tin, Ngài cũng thiết tha bảo tồn nó. Thế nên, ngoài ba hậu duệ của Thánh Gẫm được nêu bật như tiêu biểu còn có đám đông thầm lặng của xứ đạo Hòa Bình bên tượng đài Đức Mẹ (trang 93), tâm hồn sầu muộn của bà Dung (trang 94), vị ngôn sứ ẩn nhẫn chèo đò phục vụ dân chúng (trang 109, 120). Hơn nữa, còn có cả bà mẹ mục tử, tiên tri và hy tế (trang 129), oằn vai dưới gánh nặng của thời gian và trách vụ, mà sự hiện diện không gì khác hơn là một dấu chỉ của sự trung thành, chỉ biết an ủi, nguyện cầu và “hiệp thông với nỗi đau của Thiên Chúa” (trang 32, 91). Qua vị Thánh họ Lê, Chúa an ủi họ bằng chính nỗi đau của Ngài: “Ta là người Công giáo đầu tiên tử đạo ở miền trong, ta muốn người biết để cùng các đan sĩ giữ vững niềm tin trên đời sống đức tin đầy sóng gió như lịch sử đất nước” (trang 72).
*
Ngược Mặt Trời ngỏ lời trước hết với các Kitô hữu vì chỉ những ai biết Kinh Thánh mới có thể hiểu nó cặn kẽ. Cái khó cho Nguyễn Một là phải trình bày sự thật giữa một hoàn cảnh dễ bị ngộ nhận, trong đó độc giả đồng đạo chỉ chiếm một số nhỏ giữa cộng đồng người Việt. Anh phải viết thế nào để những người khác niềm tin vẫn đọc được và hiểu được thông điệp của anh một phần nào.
Với những người chưa biết Kinh Thánh, quyển truyện là một sự đan xen cuộc sống của một ngôi làng đã bị biến mất, đầy những kỷ niệm của yêu thương và chân thật, đối nghịch với một cuộc sống giằng xéo bởi hận thù và giả dối. Người kết nối câu chuyện là Nguyễn Chạc, một nhà nhiếp ảnh trẻ. Anh rời làng Chạc Chìu hồi mười bảy tuổi rồi sau quay lại kiếm tìm mãi mà không bao giờ tìm được. Câu chuyện còn đan xen giữa hiện tại và quá khứ, để vạch rõ ra nguy cơ biến chất của sĩ phu khi có được quyền hành. Kha Ly đã báo trước cho Trần Hiệp: “Cha em nói chốn quan trường nhiều người rất tham lam, họ không từ bất kỳ thủ đoạn nào để chiếm đoạt tài sản và quyền lực” (trang 53). Và rồi đúng thế, con người hào hiệp ấy khi công thành danh toại đã quên nghĩa cũ tình xưa. Bên cạnh đó là bài học Nguyễn Chạc rút được từ sự suy tàn của vương quốc Hoa Sứ Trắng: “Sự suy yếu của vương quốc này là quy luật tất yếu, bởi sự gây hấn của họ trong và ngoài đất nước mình, dẫn đến tình trạng chiến tranh liên miên, cũng như xung đột nội bộ, từ đó vùng đất này không còn chính quyền và mất nước vào tay các quốc gia láng giềng chứ chẳng ai xâm lăng họ” (Trang 71). Nhân vật A Hóa người Hoa, bị ám ảnh vì máu con ông vừa đổ trên quảng trường. “Ông ta gạt phắt và trừng mắt hét vào mặt Hoàng Thạch, như thể chính Hoàng Thạch là kẻ thù: “Láo toét, tàn ác, mọi thứ trên đời này chẳng có ý nghĩa gì khi mà quyền sống của con người không được bảo vệ!?” (trang 42). Đó là thông điệp chân thành tác giả gởi đến những tâm hồn thiện chí đang dấn thân xây dựng xã hội dân sự.
Nguyễn Một còn giúp người đọc để ý tới sự gần gũi và giao tiếp giữa cõi hữu hình và cõi linh thiêng. Anh vẽ cho người đọc một thế giới khác (trang 33, 36) tồn tại bằng dạng siêu vật chất (trang 34). Nơi cuộc giành giật tại hoang tháp, tất cả bị lòng tham hủy diệt: Trần Hiệp, Đa Ra, thầy địa lý Hảo đều mất mạng trước sự chứng kiến của những vị thần giữ của, những vị thần trong thực chất là tay sai và nô lệ cho một kẻ cao tay hơn: Vàng Hời hay là Tiền Của. Thế thì tiền của vật chất từ đâu mà có, dùng để làm gì? Tại sao nó có thể từ địa vị nô lệ nhảy lên thống trị con người? Ai giải cứu được con người thoát khỏi lòng tham? Sau khi đã chiến thắng ngoài trận tiền và cuộc sống giành giật, làm sao thắng được chính mình? Nguyễn Một trình bày những câu hỏi về tâm linh qua lịch sử các dân tộc với nhãn quan của văn hóa và niềm tin của họ… để gợi ý suy tư cho nhiều điểm quen thuộc, nỗi băn khoăn tìm kiếm trước những câu hỏi muôn thuở: Ai sinh ra ta? Sống để làm gì? Chết rồi đi đâu? Quả báo hay luân hồi? Cuộc sống đời sau như thế nào? Nguyễn Một vận dụng chính ngôn ngữ của những người chưa biết Kinh Thánh để đặt nổi lên cho họ những dấu hỏi ấy. Và anh cũng hé mở cho độc giả thấy chìa khóa mở vào câu trả lời: Đôi mắt. Đôi mắt thể chất nhìn rừng chỉ thấy tiền như Hoàng Thạch. Đôi mắt ấy có biết nhắm lại, có bị mù đi như Chín Toàn mới thấy được sự thật trần trụi của con người và những tín hiệu rực sáng của cõi tâm linh. Ngược mặt trời không phải là chạy trốn mặt trời nhưng là nhìn thẳng vào đó, quay ống kính về mặt trời, lao mình về đó, dù nó có đốt cháy âm bản của ta, có khiến ta bị mù lòa không còn thấy được tiền tài, danh vọng và quyền lực.
*
Tất cả những điều đã nói với những người thiện chí như thế cũng được nói cả với những người đồng đạo. “Ta đã nói với ngươi, ta là nhà tiên tri, ta biết tất cả, đã nhiều người mất mạng tại đây vì không nghe lời cảnh báo của ta” (trang 58). Điều quan trọng là người ta có dám nghe lời cảnh báo chăng. Lời cảnh báo của các vị tử đạo, của mẹ Têrêxa.
Không chỉ có thế, với những người biết Kinh Thánh, quyển sách còn là một dẫn nhập vào lịch sử thánh.
Nỗi nhớ làng Chạc Chìu tựa mối hoài niệm muôn thuở của con người, mãi nhớ vườn Êđen đã mất. “Anh nhớ câu chuyện làng quê nơi anh sinh ra và lớn lên. Thật kỳ lạ! Làng Chạc Chìu của anh cách xứ đạo Hòa Bình này chỉ có một ngọn núi, nhưng mọi người ở đây không ai biết và không ai tin là có một làng quê với cái tên kỳ lạ như thế tồn tại bên kia dãy núi… Hơn hai mươi năm sau, khi trở thành một nghệ sĩ nhiếp ảnh và quá chán thành phố chật hẹp, đông đúc, anh quyết định trở lại làng quê của mình, nhưng anh đã không tìm thấy.” (trang 9)
Eđen Chạc Chìu không chỉ có hai nguyên tổ nhưng đã phát triển thành một xã hội, một xã hội yêu thương và chân thật nhưng rồi đã rơi vào hỗn loạn và biến mất. Tội nguyên tổ của nó không phải là ăn quả cây tự định lấy tốt xấu nhưng là lòng hận thù: “Làng quê mình nghèo, nhưng thanh bình, chúng ta đã có những tháng ngày hạnh phúc biết bao. Ngày đó có ai nói với chúng ta về lòng hận thù đâu em!? Lòng hận thù chỉ xuất hiện khi bom đạn trút xuống làng quê này, lòng hận thù chỉ xuất hiện khi những con người xa lạ đến và dạy cho những người dân của làng quê mình về lòng hận thù. Ngày trước cha em hiền lành là thế, vậy mà chỉ một thời gian ngắn, người ta đã khơi dậy trong ông lòng hận thù ngùn ngụt về câu chuyện xa xưa nào đó của hai dân tộc, mà chính ông cũng mù mờ” (trang 24).
Nguyễn Chạc rời Eđen mà vẫn mang theo Êđen nơi mình, bởi tấm lòng yêu thương, chân thật và trong sáng. Anh cũng gặp được Êđen nơi một số người của xứ đạo Hòa Bình. Ở đó, nhân loại đi qua lịch sử của tình yêu Thiên Chúa với những kinh nghiệm sáng tối lẫn lộn, Hội Thánh Chúa biến thiên từ Ngân Hà, qua ông bà Lê Hoàng Thạch, nữ tu Hoàng Lan rồi Mẹ Têrêxa. Có những thành viên yếu đuối, bị biến chất hoặc bỏ cuộc nhưng cùng lúc vẫn có một bộ phận của Hội Thánh luôn bám chặt thập giá Chúa Kitô cho nên vẫn mãi mãi mãi là trinh nữ và là mẹ. “Cây thánh giá bạc lấp lánh trên chiếc cổ cao và trắng ngần, anh thuyết phục được nàng cởi bỏ tất cả trang phục để anh chụp ảnh nhưng dứt khoát nàng không chịu bỏ cây thánh giá, nàng coi đó là linh vật bất ly thân, nó không chỉ là biểu tượng của tôn giáo, nó còn là biểu tượng của tình yêu – Một thứ tình yêu cao cả, mà chỉ có người Công giáo mới hiểu được!” (trang 9)
Êđen đã mất nhưng nhờ thập giá Chúa Kitô nay lại còn đó, với vẻ trinh nguyên “vẻ đẹp thuần khiết” (trang 9 và 120) thuở Ađam – Evà chưa phạm tội, trần truồng trước mặt nhau mà không một chút xấu hổ, không một chút thèm muốn vẩn đục.
Êđen Chạc Chìu bị biến mất vì hận thù. Êđen của Hội Thánh Chúa giờ đây đang ngày đêm đối diện với một tội nguyên tổ mới là lòng ham mê tiền bạc và hư danh, chẳng khác gì câu chuyện ở hoang tháp. Nguyễn Chạc lội ngược dòng. “Bánh mì chan nước, món ăn thân thương ấy cứ theo anh suốt. Sau này làm có tiền, anh vẫn thích ăn bánh mì chan nước, nhiều người không hiểu, nhìn anh khinh bỉ như nhìn gã keo kiệt” (trang 133). Chính tâm hồn thanh thoát, cái tinh thần nghèo đã giúp anh mang được Êđen vào trong cuộc sống.
Thông điệp của quyển truyện nằm trong bối cảnh Kinh Thánh của nó, từ Sáng Thế đến Khải Huyền. Ở chương “Cuốn sách bị cuộn lại” (trang 109), sách Khải Huyền (6,12-14) được trích nguyên văn: “Tôi thấy khi Con Chiên mở ấn thứ sáu, có động đất mạnh, mặt trời tối đen như vải thợ dệt bằng lông, mặt trăng hoàn toàn đỏ như máu. Sao trên trời sa xuống đất, tựa những trái vả xanh rụng xuống từ cây vả bị gió lớn lay mạnh. Trời bị cuốn đi như một cuốn sách cuộn lại, mọi núi non và hải đảo bị dời đi nơi khác.”
*
Lịch sử từ Sáng Thế đến Khải Huyền được thu nhỏ nơi cuộc đời mỗi người, từ sinh ra tới chết đi. Mỗi người có một cuốn sách riêng và nó cũng bị cuộn lại. Mẹ Têrêxa xuất thân từ trại mồ côi, thuở bé được các sơ dẫn lên đường di tản, lê chân trên cát nóng với cái bao tải nhỏ trên vai. “Trong cái gia tài nhỏ bé đó có bịch gạo, một bình toong nước và những cuốn sách bị cuộn lại. Mỗi đứa có một cuốn sách khác nhau, cuốn sách của mẹ là cuốn nhật ký viết về cha mẹ mình bằng lời văn ngô nghê và ý tưởng non nớt. Trong cuốn sách ấy, cả những cuộc đời đau buồn bị cuộn lại, xốc xếch như số phận quê hương » (trang 109-110).
Mẹ Têrêxa vừa có một cuốn sách riêng của mẹ vừa có ơn đọc được quyển sách chung của nhân loại để nói lên sự thật về những chuyện đã xảy ra. “Đời sống tu hành đạm bạc và sự hiệp thông cùng Thiên Chúa, giúp mẹ trụ lại trần gian để làm chứng nhân cho Người” (trang 94). “Bằng cầu nguyện và được mặc khải, mẹ Têrêxa hiểu được sự oan khuất của giáo hội Việt Nam suốt chiều dài lịch sử truyền giáo vào đất Việt” (trang 87).
“Mẹ đau đớn khi biết được trong lịch sử Việt Nam có quá nhiều triều đại thù ghét Công giáo và bao nhiêu thêu dệt để tạo ra nhiều sự hiểu lầm đáng tiếc. Thời nào các tín hữu cũng ý thức mình là con dân của một đất nước, họ nhập ngũ đánh giặc, đóng thuế từng hạt gạo từ mồ hôi nước mắt, họ không theo ai và cũng không chống ai, bất cứ thế lực chính trị nào cũng chi phối được họ. Phía bên kia bắt lính, họ cũng có người tham gia; phía bên này kêu gọi kháng chiến, họ cũng có người tham gia; tất nhiên, nếu trốn được để khỏi tham gia vào chuyện bắn giết, họ sẽ trốn. Chính trị nằm ngoài cuộc sống của người Công giáo và họ chỉ có mơ ước nhỏ nhoi là được đi theo con người đạo hạnh mà họ đã chọn” (trang 30).
Ngược đãi và thử thách là con đường bình thường của các môn đệ. Còn lịch sử là còn thử thách, vì họ luôn đi trên “con thuyền ngược gió” (trang 104). Lịch sử đời mỗi người cũng thế, xen lẫn hạnh phúc với khổ đau. Mẹ Têrêxa nhắc mọi người đón nhận ý Thiên Chúa, để rồi cuối cùng, khi cuốn sách đời được cuộn lại, họ sẽ chia sẻ hồng phúc của em Ngân Hà, “đến bờ sông, mặt trời trở nên đỏ rực, tạo những viền sáng lấp lánh quanh người em, tấm voan trên người biến thành đôi cánh. Và em bay thẳng vào vùng sáng của mặt trời…” (trang 135).
*
Trở lại với lịch sử lớn, Mẹ Têrêxa không ở Avila hay Calcutta nhưng ở một đan viện Việt Nam, tại mé rừng, cạnh xứ đạo Hòa Bình. Bà đã vượt thông lệ của người đời, đã ngoài trăm tuổi mà vẫn minh mẫn sáng suốt (trang 27). Bà không ngừng ôn lại từng trang sử của những đứa con đã khuất. Bà là hiện thân của Hội Thánh, có vẻ già cỗi nhưng vẫn tiếp tục là kẻ đem lại niềm hy vọng, vẫn luôn ôm ấp trong lòng và chịu trách nhiệm về mầm mống của tương lai (trang 107).
Đoạn cuối, khi những âm bản được khai mở, ta thấy giữa thế giới bên này và bên kia có một điểm chung là cơn lốc. Giữa quá khứ và hiện tại cũng thế. Giữa Hoa Sứ Trắng và Đại Việt cũng thế. Cơn lốc thần linh. Cơn lốc sáng tạo, hủy diệt và tái tạo. Cơn lốc thanh tẩy, gạn lọc và xét xử. Cơn lốc đã làm nên tất cả và cũng sẽ cuốn đi tất cả, cuộn lại tất cả. Những đế quốc, những triều đại, những con người đều qua đi, nhưng Mẹ Têrêxa, Hội Thánh Công Giáo, trải qua đau thương và lỗi lầm, vẫn còn đó, như chứng nhân và là người giải thích ý nghĩa thật của lịch sử, phục vụ cho Đấng là Chủ của lịch sử, cho tới khi cuốn sách được cuộn lại.
*
Tới đây, Ngược Mặt Trời đem lại cho những độc giả nào có biết Kinh Thánh đủ yếu tố để tìm ra đáp án cho những câu hỏi nó đã gợi lên. Chính Đấng đứng ở hai đầu lịch sử, dựng nên cả cõi hữu hình lẫn vô hình, có một chương trình tuyệt diệu trên mỗi con cái Ngài và trên toàn bộ lịch sử. Tất cả đã từ ánh sáng mà đến. Những ai tìm ánh sáng sẽ gặp được ánh sáng. Những ai sống theo ánh sáng sẽ được đón nhận vào ánh sáng.
Phải đặt mọi vật trong ánh sáng mặt trời, mắt ta mới thấy rõ. Tuy nhiên, người ta có thể chỉ chú ý tới ngón tay Phật tổ mà quên mất mặt trăng ngón tay ấy đang chỉ. Chụp hình thôi chưa đủ, còn phải chụp ngược mặt trời để nhớ rằng mặt trời có thật và cần thiết. Như phát biểu của một mẹ Têrêxa khác, gọi là Têrêxa Avila, ta chỉ thật sự biết mình khi biết mình trong Thiên Chúa. Một tác giả khác, đồng hương và đồng thời với bà, và là Thánh bổn mạng của các nhà thơ Tây Ban Nha, Thánh Gioan Thánh giá, lại nói tới ngược mặt trời theo một ý khác: Cuối đêm dày là bình minh, ta hướng mắt nhìn mặt trời và rồi những tia mặt trời chói chang vượt sức chịu đựng của mắt ta khiến mắt ta như bị mù lòa. Thiên Chúa và những tia mạc khải của Ngài đối với đôi mắt linh hồn ta cũng thế.
Phần nào, có thể nói Ngược Mặt Trời là một dẫn nhập gây tò mò để người ta tìm đọc toàn bộ Kinh Thánh và lịch sử Giáo hội Công giáo. Có những kiệt tác văn chương lấy cảm hứng từ Kinh Thánh nhưng khi chỉ đọc nó mà không biết Kinh Thánh, người ta thường hiểu một cách què cụt. Tôi chợt nhớ một nhận định của giáo sư Hoàng Ngọc Hiến (1930-2011). Khi đảm nhận chức vụ hiệu trưởng Trường Viết văn Nguyễn Du ở Hà Nội, ông quả quyết: Văn học Việt Nam không có được những tác phẩm lớn vì các tác giả của ta không biết Kinh Thánh. Luận điểm của ông được công nhận và nhà trường đã mời giáo sư Nguyễn Khắc Dương giúp một giáo trình về nội dung và ý nghĩa của Kinh Thánh. Quả thật, Kinh Thánh là Lời của Thiên Chúa nói với người phàm, là một kho tàng vô tận, sâu thăm thẳm, luôn mới mẻ, dù đào xới mấy cũng chỉ như mới bắt đầu. Văn học Việt Nam hiện nay không thiếu những tác giả đầy tài năng vượt trội, chỉ thiếu một điều là họ chưa quan tâm đến Kinh Thánh. Nếu chịu dành thời giờ đọc và nghiền ngẫm Kinh Thánh, họ sẽ sớm dắt dìu nhau đến Oslo, Thụy Điển.
Quy Nhơn, 27-12-2012
Lm TRĂNG THẬP TỰ
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- VIDEO BÀI CA QUAM PULCHRE GRADITUR (Tiếng Việt)
- BAN BÁC ÁI HỘI DÒNG KHIẾT TÂM ĐỨC MẸ TRAO HỌC BỔNG CHO 57 HỌC SINH – SINH VIÊN CÓ HOÀN CẢNH KHÓ KHĂN
- NGUỒN GỐC LỄ CÁC THÁNH NAM NỮ VÀ LỄ CẦU CHO CÁC TÍN HỮU ĐÃ QUA ĐỜI
- AD EXTRA, LÀM THẾ NÀO BIẾT TIN TỨC VÀ SUY TƯ VỀ SỨ MẠNG Ở CHÂU Á MỘT CÁCH SÂU XA HƠN
- ĐỨC PHANXICÔ TIẾP TỤC HƯỚNG VỀ NGƯỜI DÂN VIỆT NAM ĐANG ĐAU KHỔ VÌ BÃO LŨ
- NGÀY 1 THÁNG CHÍN: NGÀY TÔN VINH QUYẾT ĐỊNH TẠO DỰNG CỦA THIÊN CHÚA
- SỨ MẠNG TRUYỀN GIÁO TẠI CHÂU Á, MỘT CUỘC HỘI NHẬP VĂN HÓA THEO BƯỚC CHÂN CỦA CÁC CHỨNG NHÂN VĨ ĐẠI CỦA ĐỨC TIN
- GIÁO PHẬN HUẾ: LỄ ĐỨC MẸ LA VANG, BỔN MẠNG GIÁO PHẬN
- BÀI HÁT “TÌM KIẾM VỚI MẸ MARIA”
- CẦU NGUYỆN VÀ ĐỜI SỐNG LINH MỤC
- TÔI LÀ CHIẾC BOOMERANG CỦA THIÊN CHÚA [1]
- ĐỨC CHA ALLYS, TÔNG ĐỒ BẰNG SỰ CHỊU ĐỰNG
- ĐỐI VỚI TÒA THÁNH, QUYỀN TỰ DO CỦA GIÁO HỘI TẠI VIỆT NAM LÀ VÌ LỢI ÍCH CỦA XÃ HỘI
- VỀ ĐAN VIỆN ĐỨC BÀ AN NAM
- CÓ MỘT VỊ MỤC TỬ NHƯ THẾ !
- CẦU NGUYỆN CHO CÁC ƠN GỌI, MỘT NGÀY THẾ GIỚI ĐƯỢC THÀNH LẬP CÁCH ĐÂY 60 NĂM TRONG BỐI CẢNH KHỦNG HOẢNG
- ĐCV HUẾ: HUẤN TỪ CỦA ĐỨC TGM PAUL RICHARD GALLAGHER
- VIDEO HIGHLIGHT ĐỨC TỔNG GIÁM MỤC GALLAGHER THĂM ĐCV HUẾ
- ĐỨC TGM GALLAGHER : « KHÔNG AI THỰC SỰ NÊN TỰ GIAM MÌNH TRONG QUÁ KHỨ »
- HÌNH ẢNH PHÁI ĐOÀN NGOẠI TRƯỞNG TÒA THÁNH THĂM ĐẠI CHỦNG VIỆN HUẾ