NGUỒN GỐC LỄ CÁC THÁNH NAM NỮ VÀ LỄ CẦU CHO CÁC TÍN HỮU ĐÃ QUA ĐỜI
Lễ Các Thánh Nam Nữ là lễ của tất cả các thánh vô danh chưa được Giáo hội chính thức công nhận. Đó là một lời mời gọi nên thánh dành cho tất cả mọi người . Nhưng lễ này không phải lúc nào cũng có cùng một ý nghĩa.
Lễ Các Thánh Nam Nữ không có nguồn gốc trong các bản văn Thánh Kinh, như phần lớn các cử hành lớn trong Phụng vụ : Giáng Sinh, Phục Sinh, Hiện Xuống. Nó đã được Giáo hội thiết lập để đáp ứng những hoàn cảnh khác nhau. Sau các cuộc bách hại, đầu tiên có một cuộc kỷ niêm tất cả các vị tuẫn đạo, sau đó được mở rộng cho tất cả các thánh.
Ở Rôma, lễ này chắc chắn đã tồn tại từ thế kỷ thứ V. Nó được dời lần đầu tiên đến ngày 13/5 vào năm 610, bởi Đức Giáo hoàng Boniface IV. Vào ngày đó, ngài đã cho chuyển tất cả các di tích của các vị tuẫn đạo từ các hang toại đạo ở Rôma đến ngôi đền thờ ngoại giáo cổ đại Panthéon. Đền thờ Panthéon trở thành ngôi nhà thờ « Thánh Maria và các thánh tuẫn đạo ». Một thế kỷ sau, lễ này dứt khoát được chuyển sang ngày 1/11 bởi Đức Giáo hoàng Grêgôriô III. Vào ngày này, chính ngài đã cung hiến một ngôi nhà nguyện Thánh Phêrô ở Rôma để tôn vinh tất cả các thánh.
Vào năm 835, Đức Grêgôriô IV đã ra lệnh cử hành lễ này trên toàn thế giới. Chỉ đến thế kỷ XX mà Đức Piô X mới đưa nó vào danh sách tám lễ buộc. Lễ Các Thánh Nam Nữ trở thành một lễ kiêng việc xác. Nó soi sáng cho ngày hôm sau, ngày 2/11, ngày tưởng nhớ tất cả những người đã qua đời.
Ngày 2 tháng Mười Một
Sau ngày Lễ Các Thánh Nam Nữ, Giáo hội tưởng nhớ các tín hữu đã qua đời và mời gọi chúng ta cầu nguyện cho những người đã khuất – và xin họ cầu nguyện cho chúng ta.
Vào năm 998, đan viện Biển Đức ở Cluny đã thiết lập việc tưởng nhớ tất cả các anh em đã qua đời vào ngày 2/11. Thực hành này được mở rộng cho các đan viện khác, rồi cho các giáo xứ được hàng giáo sĩ triều phục vụ. Vào thế kỷ XIII, Rôma đã ghi ngày tưởng nhớ này vào lịch của Giáo hội hoàn vũ. Ngày tháng này cũng được duy trì, như thế tất cả các thành viên đã qua đời của sự hiệp thông các thánh có thể được nhớ lại vào những ngày liên tiếp : các thánh ở trên trời vào ngày 1/11 và các tín hữu đã qua đời vào ngày 2/11.
Vào cuối thế kỷ XV, các linh mục dòng Đa Minh người Tây Ban Nha đã thiết lập phong tục cử hành ba thánh lễ vào ngày 2/11. Đức Bênêđíctô XIV đã ban đặc ân này cho các linh mục của Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Châu Mỹ Latinh ; rồi, vào năm 1915, Đức Bênêđíctô XV mở rộng nó cho tất cả các linh mục. Truyền thống này đã được tiếp tục cho đến hôm nay.
Từ thời kỳ đầu tiên của Kitô giáo, người ta đã có xác tín rằng những người còn sống phải cầu nguyện cho những người đã qua đời. Vào lúc hấp hối, thánh nữ Mônica, mẹ của thánh Augustinô, đã xin con trai của mình nhớ đến bà « ở bàn thờ của Chúa, dù con ở đâu ». Trong suốt thời thượng Trung Cổ, người ta cử hành Kinh nhật tụng cầu cho kẻ chết vào ngày kỷ niệm ngày mất của người đó.
Vào năm 998, thánh Odilon, viện phụ của Cluny, yêu cầu tất cả các đan viện phụ thuộc vào đan viện của mình cử hành kinh nhật tụng vào ngày sau ngày Lễ Các Thánh Nam Nữ để « tưởng nhớ tất cả những ai an nghỉ trong Chúa Kitô ». Thói quen này đã được lan rộng khắp Giáo hội và vẫn còn cho đến hôm nay.
Một phong trào liên đới thiêng liêng rộng lớn
Vào ngày đó, các Kitô hữu được mời gọi tham dự, nếu có thể được thì tham dự thánh lễ, vào phong trào liên đới thiêng liêng rộng lớn này. Các đám đông tập trung đến các nghĩa trang vào ngày 1 và 2 tháng Mười Một chắc chắn không xa lạ gì với sứ điệp hy vọng của Giáo hội, ngay cả khi người ta có thể nhận thấy đáng tiếc khi ngày Lễ Các Thánh Nam Nữ đột nhiên bị xếp vào việc gợi nhớ u buồn về những người đã khuất.
Nghĩ đến và cầu nguyện cho những người mà chúng ta yêu mến là một phần trong đức tin của chúng ta. Nhưng chúng ta đừng quên rằng chúng ta cũng có thể xin họ cầu nguyện cho chúng ta, liên kết với những khó khăn trong cuộc sống của chúng ta và giúp đỡ chúng ta thực hiện cuộc đại vượt qua, khi ngày đến. Sống trong ký ức về những người đã khuất không được cọi như là chết chóc và sầu não. Trái lại, đó là một chứng tá thực sự của đức tin vào sự phục sinh và sự sống đời đời.
Cầu nguyện cho những người đã qua đời, một truyền thống rất cổ xưa
Vào thế kỷ VII, dâng thánh lễ cho một người đã khuất trở thành một thực hành thông lệ, đồng thời với truyền thông cử hành thánh lễ mỗi ngày được thiết lập.
Thói quen này, được lan rộng rất nhanh, đã làm nảy sinh những lạm dụng liên quan đến việc nhân tăng số lượng thánh lễ hằng ngày, với những dâng cúng hay bổng lễ đi kèm với chúng.
Vào thế kỷ XVI, cuộc Cải cách của Tin Lành đã đặt vấn đề về tính hữu hiệu của việc cầu nguyện cho những người đã qua đời. Các nhà cải cách đã nổi lên chống lại các thực hành gắn liền với truyền thống này, trong đó có các ân xá và các thánh lễ cho người chết.
Công đồng Trentô bảo vệ giáo huấn và những thực hành của Giáo hội, nhưng lên án những lạm dụng. Mối bận tâm liên quan đến số phận những người đã khuất ở trong luyện ngục không hề ngừng với thời hiện đại. Các giáo dân đã quen với các thánh lễ hằng ngày cho người chết, được cử hành trong lễ phục màu đen và bao hàm việc xá giải khi không có thi thể, vì các lời cầu nguyện cho người đã khuất được đọc gần một nhà táng (catafalque*). Nhà táng này đã trở nên lỗi thời cho dù nó chưa bao giờ bị cấm.
Còn về các lời nguyện xá giải, chúng chỉ còn được đọc khi có thi thể của người đã khuất. Trong Hiến chế tín lý về Giáo hội (48, 51), công đồng Vatican II đã lấy lại giáo huấn truyền thống, tái khẳng định tầm quan trọng của việc cầu nguyện cho người đã khuất. Công đồng cũng cảnh giác các lạm dụng và thái quá. Hiện nay, những người đã khuất được xướng tên trong thánh lễ, nhưng không có một hình thức cụ thể nào được sử dụng. Niềm tin về một quá trình thanh luyện sau cái chết đã không ngừng được đào sâu thêm.
Hiện tại, không còn việc nhấn mạnh đến một tác nhân vật lý của sự thanh luyện hay trừng phạt nữa, như lửa chẳng hạn, cũng không còn nhấn mạnh đến một nơi chốn vật chất hay một khoảng thời gian.
Về mặt truyền thống tôn giáo, lời cầu nguyện cho những người đã khuất là thực hành phổ biến nhất. Những lời cầu nguyện này gợi lên các linh hồn ở luyện ngục trong mầu nhiệm các thánh thông công, và do đó trong tương quan của họ với những người còn sống. Chúng cũng được thực hiện trong niềm hy vọng cải tiến hoàn cảnh của người đã khuất, nêu họ vẫn đang ở trong giai đoạn thanh tẩy. Chúng có thể có những hình thức khác nhau : suy nghĩ hay cầu nguyện tự phát hướng đến những người thân yêu của chúng ta, những lời cầu nguyện chính thức hơn hay thậm chí nhắc đến tên họ trong thánh lễ.
Viếng thăm nghĩa trang vào ngày cầu nguyện cho người đã khuất cũng là một truyền thống xa xưa.
Ngày 2/11, viếng nghĩa trang
Nó gắn liền với lòng kính trọng đối với người đã khuất : viếng nghĩa trang, sửa sang các ngôi mộ, đặt hoa và cầu nguyện tưởng nhớ những người thân yêu.
Truyền thống này đã kéo dài qua các thế kỷ. Một số ngày trong năm được đặc biệt dành cho các cuộc viếng nghĩa trang này : ngày 2/11, ngày tưởng nhớ các tín hữu đã qua đời. Ở Hoa Kỳ, hai ngày lễ được thêm được thêm vào ngày của Mẹ, ngày của Cha và Ngày Tưởng Niệm. Ở Việt Nam còn phong phú hơn : ngày đầu năm mới, ngày Mồng Hai Tết cầu cho ông bà tổ tiên, ngày giỗ…
Tý Linh
(theo croire.la-croix.com)
——————————————
(*) nhà táng, giường táng hay xe táng : Catafalque là một bệ kê quan tài hay bệ đỡ tương tự được nâng lên, thường có thể di chuyển được, được sử dụng để đỡ quan tài, bình đựng tro cốt hay thi thể của một người chết trong lễ tang hay lễ tưởng niệm của người Kitô hữu. Theo Thánh lễ cầu hồn của người Công giáo, một nhà táng có thể được dùng để thay thế cho thi thể vào lúc xá giải cho người chết hay được sử dụng trong các Thánh lễ cho người chết và ngày lễ cầu cho các tín hữu đã qua đời. (wikipedia)
Tags: các thánh-nhân vật
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- NỮ TU SIMONA BRAMBILLA TRỞ THÀNH NỮ TỔNG TRƯỞNG ĐẦU TIÊN TẠI VATICAN
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT II SAU LỄ GIÁNG SINH: HÃY TRỞ THÀNH SỨ GIẢ CỦA NIỀM HY VỌNG
- ĐHY FILIPE NERI FERRÃO, TÂN CHỦ TỊCH CỦA FABC
- MỞ CỬA THÁNH CỦA VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG THÁNH PHAOLÔ NGOẠI THÀNH: NIỀM VUI VÀ HY VỌNG CHO NĂM THÁNH
- CÁC ĐỨC GIÁO HOÀNG VÀ CÁC NĂM THÁNH: VIỆC MỞ CỬA THÁNH TRONG LỊCH SỬ
- KINH TRUYỀN TIN LỄ ĐỨC MARIA, MẸ THIÊN CHÚA: THIÊN CHÚA CHỌN SINH RA CHO CHÚNG TA
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC PHANXICÔ TRONG THÁNH LỄ ĐỨC MARIA, MẸ THIÊN CHÚA: HỌC KHÁM PHÁ SỰ VĨ ĐẠI CỦA THIÊN CHÚA TRONG SỰ NHỎ BÉ
- NHỮNG ĐIỀU KIỆN ĐỂ LÃNH NHẬN ƠN TOÀN XÁ TRONG NĂM THÁNH
- ÂN XÁ NĂM THÁNH, CƠN MƯA LÒNG THƯƠNG XÓT CHO MỌI NGƯỜI
- CỬA THÁNH ĐƯỢC MỞ TẠI VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG ĐỨC BÀ CẢ
- ĐỨC PHANXICÔ: NĂM THÁNH LÀ CƠ HỘI KHAI MỞ CÔNG TRƯỜNG TÂM HỒN CỦA CHÚNG TA
- SỨ ĐIỆP CHO NGÀY THẾ GIỚI HÒA BÌNH 2025
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT LỄ THÁNH GIA : THÁNH GIA NADARÉT, MẪU GƯƠNG ĐỐI THOẠI VÀ LẮNG NGHE
- PHÓ CHÁNH ÁN TÒA ÂN GIẢI TỐI CAO: TÒA GIẢI TỘI, CỬA THÁNH CHO TÂM HỒN
- VĂN PHÒNG PHỦ GIÁO HOÀNG : THÔNG TIN ĐẶT VÉ THAM DỰ CÁC BUỔI TIẾP KIẾN CHUNG VÀ CÁC NGHI LỄ
- MỞ CỬA THÁNH ĐỀN THỜ LATÊRANÔ: “GIEO NIỀM HY VỌNG VÀ XÂY DỰNG TÌNH HUYNH ĐỆ”
- ĐỨC PHANXICÔ MỞ CỬA THÁNH TẠI NHÀ TÙ REBIBBIA: “HÃY BÁM LẤY NIỀM HY VỌNG”
- LỄ ĐÊM GIÁNG SINH 2024: BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
- THÁNH GIOAN: “THÁNH TÔNG ĐỒ VÀ THÁNH SỬ KHÔNG PHẢI LÀ CÙNG MỘT NGƯỜI”
- CÁC NĂM THÁNH QUA DÒNG LỊCH SỬ