NGUỒN GỐC VÀ Ý NGHĨA CỦA KINH MÂN CÔI
Lm. Trần Mạnh Hùng, STD
Theo lịch phụng vụ của Giáo hội Công Giáo thì vào ngày 7 tháng 10 hằng năm, Giáo Hội mừng kính lễ Đức Mẹ Mân Côi (Our Lady of the Rosary).[1] Cho nên, tôi thiết nghĩ thật là điều xứng hợp và rất hoan nghênh cho Cộng Đoàn Công Giáo người Việt tại đây, đã có sáng kiến tổ chức 3 buổi tĩnh tâm nói về các đề tài liên quan đến lòng sùng kính Đức Mẹ và Kinh Mân Côi, nhằm chuẩn bị tâm hồn và lòng trí của chúng ta cho xứng hợp để đóng mừng lễ Đức Mẹ Mân Côi.
Lẽ đó, rất ư là thích hợp để chúng ta cùng nhau tìm hiểu và học thêm về ý nghĩa và các tầm mức quan trọng của kinh Mân Côi, tỷ dụ như nguồn gốc của nó và hiệu quả của việc đọc Kinh Mân Côi, đó là lời cầu nguyện mạnh mẽ và hữu hiệu nhất theo giáo huấn của Giáo Hội.
Đức Trinh Nữ Maria trong những lần cuối cùng hiện ra đối với thời đại mà chúng ta đang sống, đã đưa ra một hiệu quả mới cho việc đọc Kinh Mân Côi, đến độ mà không có bất kỳ một vấn đề gì, một khó khăn nào dù cho có nguy kịch đến đâu, mang tính cách tạm bợ hay lâu dài, và trên hết là những lãnh vực thuộc đời sống thiêng liêng, trong đời sống cá nhân của mỗi chúng ta, của mỗi gia đình, của các cộng đồng tôn giáo, của xã hội mà chúng ta đang sống, ngay cả vận mạng và tương lai của thế giới, nếu như chúng ta biết siêng năng lần hạt mân côi với lòng sùng kính và yêu mến Đức Mẹ Maria, thì mọi vấn đề sẽ được giải quyết ổn thỏa. Như Mẹ Maria đã hứa với chúng ta, khi Mẹ hiện ra tại Fatima, nước Bồ Đào Nha vào năm 1917, với ba trẻ chăn cừu, đó là Lucia, Jacinta và phanxicô và Mẹ đã ban cho chúng ta mệnh lệnh này: LÀ CÁC CON HÃY SIÊNG NĂNG LẦN HẠT MÂN CÔI, TÔN SÙNG TRÁI TIM MẸ, VÀ BIẾT ĂN NĂM SÁM HỐI.
Nếu các con thực thi các điều ấy thì thế giới sẽ có hòa bình và không còn chiến tranh tàn khốc nữa, và nước Nga sẽ thoát khỏi ách cộng sản vô thần. Vâng lời Mẹ Giáo Hội Công Giáo, thuộc đủ mọi thành phần từ Đức Giáo Hoàng, cho đến hàng ngũ giáo dân, ai nấy đều cố gắng vâng theo và quyết tâm tuân giữ 3 mệnh lệnh của Mẹ, và chỉ một năm sau, thế chiến thứ I đã kết thúc, thế giới đã được thoát khỏi cảnh chiến tranh tương tàn, vô cùng ác nghiệt. Hòa bình đã trở lại cho nhân loại. Tuy nhiên, lời mời gọi của Mẹ Maria dường như vẫn chưa được mọi người lắng nghe một cách thành tâm và có lẽ ít có mấy ai thực hành 3 mệnh lệnh của Mẹ, nên sau đó nhiều năm, đệ chiến thứ II đã bùng nổ vào năm 1939 và kéo dài cho đến 1945 mới chấm dứt. Hàng triệu mạng người đã chết và đã hy sinh một cách phí phạm, vì lòng tham vọng và ích kỷ của con người, nhất là sự tham vọng ngông cuồng của các kẻ lãnh đạo thời bấy giờ.
Thế giới mà chúng ta đang sống cũng vẫn còn nhiều hiềm kích và tranh giành về quyền lợi, đất đai, về lãnh thổ biên giới, và chiến tranh hiện nay đang diễn ra tại nhiều quốc gia trên thế giới. Cơ nguy của đoàn quân phiến loại Hồi Giáo, Islam State (IS), đang là mối đe doạ cho nền hòa bình của cả thế giới. Đứng trước những tai ương như thế, người tín hữu Công Giáo cần phải hành xử như thế nào cho phù hợp với tinh thần của Phúc Âm, của giáo huấn Giáo Hội liên quan đến vấn đề công lý và hoà bình, và nhất là đối với mệnh lệnh của Mẹ Maria vẫn hằng vang vọng nơi chúng ta.
“Không có vấn đề hoặc khó khăn nào mà chúng ta không thể giải quyết được bằng lời cầu nguyện của Kinh rất Thánh Mân Côi. Với Kinh rất Thánh Mân Côi, chúng ta sẽ giải cứu được bản thân mình; chúng ta sẽ tự thánh hóa bản thân; chúng ta sẽ an ủi Chúa, và sẽ cứu được nhiều linh hồn.”
Như chính chị Lucia đã thố lộ cho cha Fuentes qua cuộc đối thoại vào ngày 26 tháng 12 năm 1957.[2]
Những lời phát biểu của chị Lucia (Sr. Lucy) trên đây chắc chắn tạo thành một lời biện hộ đẹp nhất mà có thể thực hiện được qua kinh Mân Côi. Chắc chắn, nó sẽ là những lời cầu nguyện hữu hiệu nhất để chạm vào trái tim của Thiên Chúa, cũng như không nghi ngờ gì, lời cầu nguyện của phụng vụ: bao gồm Thánh lễ và Kinh Nhật Tụng (các kinh nhật tụng của các linh mục và tu sĩ nam nữ) cũng có hiệu lực mạnh mẽ như vậy. Kinh Mân Côi đã không bao giờ được tuyên bố là để thay thế cho phụng vụ. “Nhưng ngược lại, phụng vụ không che khuất Kinh Mân Côi, chính Kinh Mân Côi tự nó có hiệu lực đưa con người đến gần với Thiên Chúa và giúp con người khám phá ra lòng lân tuất, và yêu thương của TC, như chính Đức trinh nữ Maria đã từng cảm nhận.
“Linh hồn tôi tung hô Chúa, và thần trí tôi nhảy mừng trong Chúa, Đấng cứu độ tôi, vì Người đã đoái thương nhìn đến phận hèn tôi tới Chúa, để từ này đến muôn đời sẽ khen tôi có phúc, sẽ khen tôi đầy ơn, sẽ khen tôi muôn đời đến muôn ngàn đời, vì Đấng quyền năng đã làm cho tôi muôn điều trọng đại và danh Ngài là Chí Thánh. Lòng thuơng xót Chúa trải dài từ đời nọ đến đời kia, dành cho những ai kính sợ Người.”
Đức Giáo Hoàng Leo XIII đã đề xuất kinh Mân Côi như một vũ khí hữu hiệu tinh thần nhằm chống lại các tệ nạn đã gây nên đau khổ cho xã hội.
Trong số các vị Giáo Hoàng gần đây, nhất là từ thời công đồng Vatican II, đã đóng góp vai trò tích cực trong việc thúc đẩy và ủng hộ việc lần chuỗi Mân Côi. Tôi muốn đơn cử một vài vị Giáo Hoàng có tên sau đây, như là những khuôn mặt cụ thể trong việc cỗ võ việc sùng kính Đức Mẹ và chuỗi Mân Côi: Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII, Quan trọng hơn cả là ĐGH Phaolô đệ lục (Paul VI) trong Tông Huấn (Marialis Cultus – Marian Cultivation) của Ngài đã nhấn mạnh đến việc cổ võ và quảng bá lòng sùng kính Đức Mẹ, theo tinh thần của Công đồng Vatican II.
Đức Thánh cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II, đã thường khuyến khích việc đọc Kinh Mân Côi thường xuyên. Ngài đã tiết lộ với chúng ta rằng, “Từ những năm khi ngài còn là thiếu niên thì Kinh Mân Côi đã có một vị trí quan trọng trong đời sống cầu nguyện của Ngài.
Đức cố Giáo hoàng Gioan Phalô II cho biết, chính Ngài cũng đã được nhắc nhở một cách mạnh mẽ về điều này trong chuyến thăm của Ngài tại Ba Lan, và đặc biệt là ở các đền thờ kính Đức Mẹ tại Kalwaria.
Đức cố Giáo hoàng Gioan Phalô II đã nói:
Kinh Mân Côi đã đồng hành cùng tôi trong những giây phút hân hoan, vui vẻ và cả trong những giây phút đầy khó khăn. Tôi đã phó mặc tất cả mọi nỗi âu lo cho Mẹ Maria qua tràng chuỗi Mân Côi và tôi luôn luôn tìm thấy nguồn hoan lạc, sự ủi an và nguồn hy vọng từ lời kinh Mân Côi. 24 năm về trước, vào ngày 29 tháng 10 năm 1978, chỉ vỏn vẹn chưa đầy 2 tuần lễ sau khi tôi được đắc cử Giáo Hoàng, nối quyền thánh Phêrô, vị Tông Đồ Cả của Giáo Hội, Tôi đã thẳng thắn thừa nhận: “KINH MÂN CÔI, CHÍNH LÀ LỜI KINH MÀ TÔI YÊU QÚY. MỘT LỜI CẦU NGUYỆN TUYỆT DIỆU! TUYỆT DIỆU TRONG SỰ SỰ GIẢN DỊ VÀ TRONG CHIỀU SÂU CỦA NÓ. THẬT VẬY, LỜI KINH MÂN CÔI ĐƠN SƠ NHƯNG LẠI DIỄN TẢ VÀ GHI DẤU NHỊP ĐIỆU CỦA CUỘC SỐNG CON NGƯỜI.”[3]
Trong lịch sử của GHCG, hiếm khi nào một lòng sùng kính xuất hiện cách đột ngột. Các phương pháp sư phạm của Thiên Chúa thường phải mất nhiều thế kỷ để chuẩn bị tâm hồn người tín hữu, hầu họ có thể đón nhận nó. Kinh Mân Côi, người ta có thể nói, được xuất phát từ thói quen của các Kitô hữu tiên khởi nhằm nói lên và bày tỏ tấm lòng biết ơn đối với Đức Trinh Nữ Maria cho tất cả những lợi ích mà Mẹ đã đem lại cho nhân loại; đó là những câu thơ trong thế kỷ thứ năm bởi Sedulius chèn vào trong phụng vụ: danh dự, cùng với niềm vui của một người mẹ / sự đặc ân lớn lạo mà TC ban cho Mẹ, là có con mà vẫn còn trinh khiết, không một tì ố, lẽ đó Mẹ có danh hiệu là Vô Nhiễm Nguyên Tội. Chỉ có một mình Mẹ Maria là người duy nhất trên trần gian được lãnh nhận đặc ân cao cả đó. Vì trước Mẹ và mãi mãi sau này sẽ không có ai được như thế nữa.
Lời kinh thắm thiết cầu khấn cùng Đức Mẹ Maria – ngoài kinh Kính mừng Maria – mà Kitô hữu đọc hầu như thuộc lòng là kinh “Salve Regina – Lạy Nữ Vương”.[4]
Lạy Nữ Vương Mẹ nhân lành
làm cho chúng con được sống, được vui, được cậy.
Thân lạy Mẹ, chúng con, con cháu E-và
ở chốn khách đầy, kêu đến cùng Bà;
Chúng con ở nơi khóc lóc than thở kêu khấn Bà thương.
Hỡi ôi! Bà là Chủ bầu chúng con, xin ghé mặt thương xem chúng con.
Đến sau khỏi đày, xin cho chúng con được thấy Đức Chúa Giêsu,
Con lòng Bà gồm phúc lạ.
Ôi khoan thay, nhân thay, dịu thay, Thánh Maria trọn đời đồng trinh.
Kế tiếp là kinh ‘Ave Maria Stella’[5]
Hỡi Ngôi Sao của đại dương
Cổng chính của Thiên Ðàng
Ðấng mãi mãi Ðồng Trinh
Của Thiên Chúa tối cao
Ôi lời chào mừng của Thiên sứ Gabriel
đã thốt ra từ xưa
Tên của Eva đọc ngược,
Cũng cố hòa bình dưới thế
bẻ gãy gông cùm cho kẻ bị giam cầm
ánh sáng cho người mù lòa tội nghiêp,
xua đuổi mọi bệnh hoạn
mọi niềm sung sướng hạnh phúc chúng con khẩn nguyện
Ngài là Mẹ của chúng con
dâng lên Chúa những tiếng thở dài
thay cho chúng con
Ngài sẽ không chê bỏ
Nữ Trinh của mọi Nữ Trinh
là nơi trú ẩn cho chúng con
dịu dàng nhất trong những người hiền dịu
hãy làm cho chúng con đức hạnh và dịu hiền
Chúng con vẫn đang lữ hành dưới thế
Xin hãy giúp đỡ cho sự yếu đuối của con,
để cùng với Mẹ và Chúa Giêsu
chúng con hân hoan mãi mãi
trên thượng tầng Thiên Ðàng
với Ba Ngôi toàn năng
Cha, Con và Thánh Thần
cùng hưởng phúc vinh hiển,
Amen.
Lời kinh KÍNH CHÀO MẸ NỮ VƯƠNG (Salve Regina), cũng như kinh MẸ LÀ NGÔI SAO BIỂN (Ave Maria Stella) và một số những bài thánh ca khác, xuất phát từ một nguồn cảm hứng tương tự. Tất cả các loại chào kính Mẹ, được diễn tả qua các bài thánh ca, hầu như phát triển sáng ngời trong lòng đạo đức của các giáo sĩ và giáo dân, nhiều hoặc ít tuỳ theo cảm hứng của mỗi cá nhân. Như chúng ta đã được chính kiến bài Salve Regina của Thầy Hermann der Lahme, Dòng Bênêđíctô (+ 1054). Đây là hình thức đạo đức phát triển đặc biệt trong thời Trung Cổ, sau sự sùng kính Đức Mẹ tuyệt vời lấy nguồn cảm hứng từ Thánh Bernard (Bênađô).
Việc chiêm ngắm Đức Trinh Nữ Maria, và những đặc quyền của Mẹ, cũng như những ân huệ mà Mẹ đã ban cho con cái của mình đã được coi như là một niềm vui lớn hơn tất cả những niềm vui khác. Chính niềm vui lớn lao này và lời ngợi khen ca tụng Mẹ đã trở thành tên của Kinh Mân Côi “KÍNH MỪNG MARIA ĐẦY ƠN PHÚC.”
Trong thời Trung cổ, biểu tượng của niềm vui là những bông hoa hồng. Đặt vương miện trên đầu của một người với một vòng hoa hồng (một vòng hoa đội trên đầu) là một dấu hiệu của niềm vui. Đức Trinh Nữ Maria thậm chí còn được gọi là “vườn hoa hồng.” Trong ngôn ngữ Latin thời Trung cổ, một vườn hoa hồng cũng có ý nghĩa là chuỗi Mân Côi (a garden of roses is rosarium).
Người ta cảm thấy tại mỗi lời chào, Đức Trinh Nữ Maria tự mình cảm nhận được cái dư âm của niềm vui trong giây phút Thiên Thần truyền tin. Nó không chỉ là vấn đề tự mình làm cho mình được cảm thấy hân hoan, vui sướng khi chúng ta nghĩ về Đức Mẹ; nhưng mục đích của chính của lời chào, mỗi khi chúng ta đọc Kinh Kính Mừng là để chúng ta cùng chia sẻ niềm vui trong trái tim của Mẹ Maria. Những lời chào đã được hình thành như rất nhiều bông hoa hồng tinh thần dâng cho Đức Trinh Nữ Maria như thể trang điểm cho Mẹ một chiếc vương miện hoành tráng, một vòng hoa đội trên đầu. Đổi lại, Mẹ của chúng ta sẽ đặt trên đầu của con cái Mẹ một vương miện bất khả chiến bại của hoa hồng, của ân sủng thiêng liêng. Và đó là ý nghĩa và mục đích của việc đọc Kinh Kính Mừng.
Lý do quan trọng nhất để mạnh mẽ khuyến khích việc thực hành và siêng năng lần Chuỗi Mân Côi là nó đại diện cho một phương thế hiệu quả nhất để bồi dưỡng đời sống tâm linh cho các tín hữu, qua việc cam kết chiêm ngưỡng mầu nhiệm Kitô giáo mà Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô đã đề xuất trong Tông Thư Millennio Ineunte Novo (“Bắt đầu của thiên niên kỷ mới”) như là một phương thế “đào tạo trong sự thánh thiện” chính quy: “Điều cần thiết cho đời sống người Kitô hữu chính là nghệ thuật biết cầu nguyện. Cũng giống như nền văn hóa đương đại, thậm chí trong những bối cảnh có nhiều dấu hiệu cho thấy có vẻ hơi bi quan, sự xuống dốc đời sống thiêng liêng của các giáo hữu Công Giáo, nhiều nơi thờ phượng đã bị bỏ rơi, nhà thờ bị đóng cửa vì không có linh mục hoặc không có giáo dân tham dự thánh lễ, thì tại một số nơi, chúng ta cũng đã nhìn thấy và chứng kiến sự nở rộ của các phong trào và các đoàn thể mới lo cho đời sống tâm linh, ví dụ như tại giáo xứ của chúng ta tại đây, những năm trước đây, chúng ta chưa có nhóm LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA, HOẶC NHÓM MÂN CÔI, bây giờ thì đã được thành lập và sinh hoạt rất sống động…., qua đó chúng ta nhận ra được sự hiện diện của Chúa Thánh Thần (CTT) và Ngài đang tác động trên chúng ta, và Ngài cũng không ngừng hoạt động trong lòng Giáo Hội, trong cộng đoàn nơi chúng ta sinh sống để dẫn đưa chúng ta trở về với Thiên Chúa.
Cầu nguyện cho hòa bình và cho gia đình.
Một số hoàn cảnh lịch sử cũng làm cho sự hồi sinh của Kinh Mân Côi khá kịp thời. Trước hết, chúng ta cần phải nài xin Thiên Chúa ban hòa bình cho thế giới mà chúng ta đang sống.
Kinh Mân Côi đã nhiều lần được đề xuất bởi một số Giáo Hoàng, ví dụ, như Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, như là một lời cầu nguyện cho hòa bình. Vào đầu thế kỷ XXI này, bắt đầu với cuộc tấn công khủng khiếp vào đất nước Mỹ, quân khủng bố vào ngày 11 tháng 9 năm 2001 đã cho máy bay chở đầy hành khách đâm vào hai tòa nhà thương mãi tại Thành Phố Nữu Ước (The Twin Towers Building) và đã gây thiệt mạng cho hơn 3.000 người dân vô tội. Có thể nói thế kỷ mà chúng ta đang sống, hầu như mỗi ngày, chúng ta chứng kiến không biết bao nhiêu là những cảnh đổ máu và bạo tàn đang diễn ra trong thế giới của chúng ta.
Việc tái khám phá Kinh Mân Côi có nghĩa là để đắm mình trong chiêm niệm của mầu nhiệm Chúa Kitô, Đấng “chính là hòa bình của chúng ta”, kể từ khi Ngài thực hiện sự hiệp nhất, và phá đổ bức tường ngăn cách của sự thù địch” (Eph 2:14). Do đó, người ta không thể đọc kinh Mân Côi mà không có cảm giác bị cuốn vào một cam kết rõ ràng để thúc đẩy tiến hành hòa bình, đặc biệt là ở các vùng đất của Chúa Giêsu, vẫn còn nhiều tranh chấp giữa người Do Thái và người Palestine.
Một nhu cầu tương tự đối với các cam kết và cầu nguyện bằng kinh mân côi được phát sinh liên quan đến một số vấn đề quan trọng trong thời hiện đại: đó là đời sống hôn nhân và gia đình, là các tế bào sơ cấp của xã hội. Gia đình ngày càng bị đe dọa bởi các hệ tư tưởng, như chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa vật chất; sự thiếu tinh thần dấn thân, thiếu lòng vị tha và lòng yêu mến. Thay vào đó là lòng ích kỷ, chỉ biết sống cho bản thân của chính mình, đã làm cho hạnh phúc gia đình và đời sống lứa đôi chóng tan rã và đi đến sự ly dị. Hiện nay theo các thống kê cho biết, thì trong vòng 5 năm thành hôn, sẽ có 1/3 các cặp hôn nhân sẽ chia tay và ly dị. Điều này xảy ra khá phổ biến ở các nước phương Tây và tiếp tục làn tràn sang các quốc gia phương Đông. Đứng trước những thảm hoạ như thế, chúng ta cần làm sống lại và phục hồi kinh Mân Côi trong gia đình Kitô giáo, trong bối cảnh của mục vụ rộng lớn hơn cho gia đình, sẽ là một sự trợ giúp hữu hiệu để chống lại những tác động tàn phá gây nên cuộc khủng hoảng trong đời sống gia đình, điển hình đang xảy ra trong thời đại chúng ta.
Để minh họa và làm bằng chứng cho sự hữu ích của việc siêng năng lần chuỗi mân côi. Tôi xin mạn phép kể cho qúy ông bà và anh chị em nghe một câu chuyện có thật, được một người bạn rất thân của tôi tâm sự với tôi. Câu chuyện của chuỗi tràng hạt Mân Côi.
Cách đây khá lâu, tôi hân hạnh được mời dung cơm tối thân mật với một người bạn thân của tôi, và trong khi trò chuyện, tôi hỏi anh ta: “Nếu bạn được mời để chia sẻ với mọi người về kinh nghiệm tôn giáo của bạn, thì bạn sẽ nói điều gì với họ.”
Anh ta dừng lại một chút, rồi trầm tư suy nghĩ như là để tâm tìm kiếm thông qua bộ nhớ của anh, để anh có thể chọn ra một câu chuyện lý thú và có ý nghĩa để kể cho tôi nghe.
Anh nói với tôi, “Cha biết không! Ba mươi năm trước đây, con không phải là người Công giáo.
Con được lãnh nhận bí tích rửa tội khi con lên mười bốn tuổi và là thành viên đầu tiên của gia đình con trở thành người Công giáo.
Như cha đã biết, khi cộng sản chiếm miền Nam VN vào năm 1975. Con lúc đó rất đau khổ, vì gia đình con đã mất tất cả mọi thứ. Con đã bị gửi đến trại tập trung học tập trong một năm, và con không hiểu tại sao nhà nước VN lại thả tôi về tại thời điểm đó. Trong khi tất cả các đồng đội của con vẫn còn bị giữ ở lại. Đối với con bất cứ khi nào, con nhìn lại sự kiện này, con luôn luôn tin rằng, đó là một đặc ân lớn lao mà con đã nhận được từ Mẹ Maria.”
Sau đó, vào năm 1978, ba mẹ con muốn con rời bỏ đất nước VN, vì lý do an toàn của riêng con, vì vậy gia đình và ba mẹ đã đứng ra tổ chức vượt biên cho con.
Một đêm, chúng con bí mật xuống thuyền và chúng con bắt đầu cuộc hành trình vượt biển của mình. Chúng con đã phải đi thuyền qua sông đầu tiên, trước khi chúng con có thể đi ra biển, và từ đó, chúng con có thể có thể đi thuyền đến Thái Lan hay Malaysia.
Thật không may, trong khi tàu của chúng con vẫn còn trên sông. Chúng con đã được phát hiện bởi các tàu tuần tra của Công An, vì vậy họ đã bắn vào chúng con. Một số người trong chúng con đã cố gắng để trốn thoát bằng cách nhảy xuống nước và bơi.
Lúc đó trời đã rất tối vào ban đêm, vì vậy chúng con đã không nhìn thấy rõ ràng, và chúng con cũng không biết mình đang ở đâu, không thể nào định được phương hướng để trốn chạy. Chúng con chỉ cố gắng bơi thoát khỏi thuyền.
Thật là may mắn, con đã bị trôi dạt đến một bán đảo nhỏ. Nó rất tối vào ban đêm, vì vậy con đã phải vất vả kiếm tìm lối ngõ xung quanh. Con rất sợ hãi lúc bấy giờ vì ngại rằng: con sẽ bị phát giác và nhìn thấy bởi những người dân địa phương. Nếu họ nhìn thấy con, họ sẽ biết ngay rằng con là một người vượt biên, như vậy bất cứ điều gì có thể xảy ra với con. Nhưng con không biết đi đâu, con rất lo lắng và vô cùng tuyệt vọng.
“Ai có thể cứu con bây giờ? con tự hỏi bản thân mình – Chỉ có Trời! Có Chúa mà thôi. Con tin như vậy.
Vào lúc đó, con thò tay vào túi quần của con để xem coi những vật phẩm quý giá mà gia đình con đã cho tôi coi nó có còn đó hay không? Con hết sức ngạc nhiên khi khám phá ra rằng: tất cả chúng đã biến mất, ngoại trừ chỉ còn lại một món hàng duy nhất vẫn còn có trong túi của con, đó là chuỗi tràng hạt mà con đã luôn luôn mang nó trong túi của con. Con lấy nó ra và con bắt đầu đọc kinh cầu nguyện với Đức Mẹ.
Con cầu xin Mẹ Maria hướng dẫn con và chỉ đường cho con một người nào đó trong làng mà người đó sẽ vui lòng giúp đỡ và chấp nhận che giấu con, để con có thể được bảo vệ.
Sau khi dâng lời cầu nguyện với Đức Mẹ. Con lấy hết can đảm để đi đến gần một ngôi nhà mà con đã thấy ánh sáng.
Con quyết định đi vào và gặp một người phụ nữ. Con yêu cầu cô ấy chỉ cho con làm cách nào để có thể thoát ra được ra được từ đây.
Cô cho biết: “Bạn sẽ không thể rời khỏi đây cho đến sáng sớm khi phà đến để đón khách, và thậm chí nếu tôi có chỉ đường cho bạn, bạn vẫn cần một người địa phương để hướng dẫn, nếu không bạn sẽ bị lạc.
Vì vậy, cô cho phép con núp và ẩn mình bên trong nhà của cô cho đến khi buổi sáng.
Con không dám nói với cô ấy rằng: Con đã có ý định vượt biên và muốn trốn khỏi nơi này, bởi vì con rất sợ hãi, nhưng con tin, cô ấy đã biết từ cách ăn mặc và quần áo lấm lem và bẩn thỉu và đã bị ướt đẫm, nhìn con chắc chắn không phải là một trong những người dân địa phương. Tuy nhiên, cô ấy đã đối xử rất tốt với con.
Sáng hôm sau, cô đưa con đến bến phà. Chúng con đi bộ quanh làng, sử dụng tất cả các con đường tắt, để tránh bị người dân ở đây nhìn thấy.
Cuối cùng, con đã đến phà, con bước lên trên tàu và tàu khởi hành.
Trước khi con rời bến phà, con đã cởi cái vòng đeo tay bằng vàng của con và đưa cho cô ấy như một cách để nói lên lời cảm ơn cô ta, vì cô đã cứu mạng con. Cô không muốn chấp nhận nó, nhưng con cứ khăng khăng nài ép cho nhận cho, vì vậy cuối cùng cô cũng đã chấp nhận.
Khi con về đến nhà, gia đình con đã rất vui mừng khi thấy con còn sống và không bị bắt bởi Công An.
Gia đình con kể cho con biết là hai người bạn khác của con, người mà đã nhảy xuống nước với con. Một người thì bị bắt, còn người kia đã bị chết đuối, những người còn lại trên tàu đều bị bắt và tống giam vào nhà tù.
Sau khi nghe điều này, con nhận ra qủa thực mình qúa may mắn và con xác tín rằng: chính Đức Mẹ đã đáp lại lời cầu nguyện của con và chính Mẹ đã thực sự cứu con.
Đó là lý do tại sao bây giờ, con luôn luôn tri ân và cảm tạ Mẹ, cũng như Thiên Chúa toàn năng đã bảo vệ và gìn giữ con, giúp con vượt qua tất cả các mối nguy hiểm và gian nan trong cuộc sống.
Con đã hứa với bản thân rằng: con sẽ sống một cuộc sống tốt và hữu ích cho mọi người, để con có thể bù đắp phần nào cho cân xứng tình thương mến và lòng bác aí của những vị ân nhân đã làm ơn cho con.
Trong lúc nghe anh bạn thân thuật lại câu chuyện mà tôi vừa kể cho quý ông bà và anh chị em nghe. Tôi nhận ra một cách tỏ tường là anh ấy có một lòng tin yêu Đức Mẹ một cách mạnh mẽ và sốt sắng, đó là, tình yêu mà anh đã dành cho Mẹ Maria được thể hiện qua tình cảm và lời nói của Anh. Trong cuộc đời linh mục của tôi, tính đến nay đã ngoài 21 năm, và tôi cũng đã tiếp xúc và gặp gỡ rất nhiều người giáo dân và cũng được họ kể cho tôi nghe nhiều sự việc lạ lùng và vĩ đại mà TC hay Đức Mẹ đã thực hiện cho họ, nhưng tôi phải công nhận một điều là anh bạn thân của tôi, có một đời sống rất thánh thiện và anh có một niềm tin tưởng gần như là tuyệt đối vào Đức Mẹ. Anh đã thể hiện đời sống đức tin của mình qua các việc làm cụ thể để diễn tả niềm tin của mình, và đồng thời cũng nói lên tấm lòng yêu mến TC và Mẹ Maria. Anh ta rất xứng đáng manh danh hiệu là một người Kitô hữu.
Câu chuyện việc Đức Mẹ đã cứu anh bạn tôi trong hành trình vượt biên, và cả những câu chuyện riêng của những khác, bao gồm của tôi trong đó, đã tái khẳng định bằng lời tuyên bố hùng hồn và xác quyết của Thánh Bênađô ( St. Bernard).
Lạy Mẹ rất yêu dấu, chưa từng nghe có người nào chạy đến cùng Đức Mẹ xin bầu chữa cứu giúp mà Đức Mẹ từ bỏ chẳng nhậm lời.
Vì vậy, chúng ta hãy tín thác và đặt hết mọi tin tưởng ở nơi Mẹ. Tin rằng Mẹ luôn luôn lắng nghe và ban cho chúng ta những gì mà chúng ta khấn xin Mẹ, nếu như điều ấy thực sự hữu ích cho phần rỗi của chúng ta.
Để kết thúc phần trình bày, tôi muốn gởi đến quý vị lời thố lộ của Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, như là một lời mời gọi và động viên toàn thể chúng ta. Ngài nói: “Kinh Mân Côi là lời cầu nguyện yêu thích của tôi. Một lời cầu nguyện tuyệt diệu! Tuyệt diệu trong sự đơn giản và trong chiều sâu của nó.”
Kính chúc cho quý ông bà và anh chị em biết tái khám phá ra sự hữu hiệu và sức mạnh vô song của việc cầu nguyện bằng Kinh Mân Côi, đặc biệt là trong tháng 10 này.
Lm. Trần Mạnh Hùng, STD
39 Jugan Street,
Mount Hawthorn, WA 6016
AUSTRALIA.
Email: hungteaching@gmail.com
——————–
[1] . On March 26, 1726, Benedict XIII made obligatory the lessons of the Roman breviary for the Matins of the Feast of October 7th, teaching that Mary recommended to St. Dominic the preaching of the Rosary to the people, giving him to understand that this prayer would be an exceptionally efficacious succor against heresies and vices. Cited by Fr. Antonin Danzas, O. P., in his work Etudes sur les tempsprimitifs de I’Ordre de Saint-Dominique (Paris: Oudin Freres, 1877), vol. 4, p. 59.
[2] . Phần trích dẫn từ cuộc trò chuyện giữa Sr. Lucia và Fr. Fuentes, vào ngày 26 tháng 12 năm 1957.
[3] . See An Epic: From Marian Salutations to the Ave Maria.
[4] . Lời kinh Salve Regina do Thầy Hermann der Lahme, Dòng Bênêđíctô (+ 1054), người Đức viết ra bằng tiếng latinh ở Tu viện Reichenau vùng Bodensee miền Nam nước Đức.
Lời kinh Salve Regina do Thầy Hermann viết ra thành chữ, thoát ra từ tận sâu thẳm tâm hồn của một đời sống chịu đựng tàn tật về thân xác cũng như yếu đuối giới hạn về trí khôn tinh thần.
Thầy Hermann đã có cảm nghiệm này từ chính nơi đời sống riêng của mình về sự yếu hèn của khiếm khuyết, của tật nguyền nơi thân thể. Nên qua đó thầy khao khát mong ước một đời sống tốt đẹp hơn, một đời sống vĩnh cửu. Điều khao khát mong ước đó, thầy đặt niềm hy vọng nơi Đức Mẹ Maria, Đấng là Trạng sư bầu chữa cho mình trước ngai tòa Chúa.
Lời kinh Salve Regina đã gợi hứng cho rất nhiều nhạc sĩ từ xưa đến nay viết thành những tấu khúc lớn nhỏ khác nhau và rất danh tiếng, nhất là vào thời Trung Cổ cho đến thời cận đại như Henri Dumont, G.F. Händel, Franz Liszt, Franz Schubert, Pierre de la Ruy… Vào thế kỷ 18, Kinh Lạy Nữ Vương đã trở thành trọng tâm của cuốn sách Thánh Mẫu học của Thánh Alphonsô Liguori. Vị sáng lập Dòng Chúa Cứu Thế – sau này được Giáo Hội phong làm vị Thánh Tiến sĩ Hội thánh. Xem Lm. Đa Minh Nguyễn Ngọc Long, Lời kinh “Salve Regina – Lạy Nữ Vương.” Thứ 6, ngày 21/08/2015
http://tgpsaigon.net/baiviet-tintuc/20150821/31789 (Truy cập, ngày 2.10.2015).
[5] . Phỏng dịch sang tiềng Việt là KÍNH CHÀO MẸ LÀ NGÔI SAO BIỂN, hay cũng có thể hiểu Mẹ là ngôi sao đại dương.
Lời Hứa Cho Những Ai Hát Kinh ‘Ave Maria Stella’
Trong một cuộc nỗi loạn ở Roma, một đám đông kéo đến nơi nhà của Thánh Nữ Bridget; người trưởng toán đòi thiêu sống Thánh Bridget. Bà cầu nguyện cùng Chúa xem bà có nên lẩn trốn hay không. Chúa khuyên bà nên ở lại: “Họ âm mưu giết con nhưng con sẽ không sao cả. Quyền năng của Ta sẽ phá vỡ ác tâm của kẻ thù con: Nếu họ đóng đinh Ta thì cũng vì Ta cho phép họ”. Ðức Mẹ thêm: “Hãy hợp ca bài AVE MARIS STELLA thì Mẹ sẽ gìn giữ con khỏi mọi nguy hiểm.”
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- SỰ THÀNH THAI VÔ NHIỄM CỦA ĐỨC MARIA
- KINH TRUYỀN TIN LỄ ĐỨC MẸ VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI 2024: ĐẶT NIỀM HY VỌNG VÀO LÒNG THƯƠNG XÓT VÔ NGẦN CỦA THIÊN CHÚA
- BÀI GIẢNG CỦA ĐTC PHANXICÔ TRONG THÁNH LỄ ĐỨC MẸ VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI 2024
- BÀI GIẢNG MÙA VỌNG, MỞ LÒNG NGẠC NHIÊN THÁN PHỤC TRƯỚC SỰ MỚI MẺ CỦA THIÊN CHÚA
- VÀ NẾU MIÊU TẢ ĐỨC MARIA VỚI ĐÔI CHÂN LẤM LEM?
- THƯ CỦA ĐỨC THÁNH CHA GỬI DÂN THIÊN CHÚA ĐANG LỮ HÀNH TẠI NICARAGUA NHÂN DỊP CỬ HÀNH TUẦN CỬU NHẬT KÍNH ĐỨC MẸ VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 13. MỘT BỨC THƯ ĐƯỢC VIẾT BỞI THÁNH THẦN CỦA THIÊN CHÚA HẰNG SỐNG : ĐỨC MARIA VÀ CHÚA THÁNH THẦN
- HIỆU LỰC CỦA KINH KÍNH MỪNG QUA TRÀNG CHUỖI MÂN CÔI
- DƯỚI CÁI NHÌN YÊU THƯƠNG CỦA ĐỨC MARIA, ĐỨC PHANXICÔ CẦU XIN HÒA BÌNH TRÊN THẾ GIỚI
- CẦU NGUYỆN VÀ NHỮNG PHƯƠNG CÁCH THỰC HÀNH
- KHÔNG CÓ GÌ NGĂN TRỞ TRONG VIỆC TÔN KÍNH ĐỨC MẸ Ở MỄ DU
- THÁNH LỄ TẠI ĐÔNG TIMOR: LỜI KÊU GỌI CỦA ĐỨC PHANXICÔ HÃY LẤY CẢM HỨNG TỪ NHỮNG NGƯỜI BÉ NHỎ
- GIÁO PHẬN HUẾ: LỄ ĐỨC MẸ LA VANG, BỔN MẠNG GIÁO PHẬN
- BÀI HÁT “TÌM KIẾM VỚI MẸ MARIA”
- KINH TRUYỀN TIN LỄ ĐỨC MẸ LÊN TRỜI 2024: ĐỨC MARIA ĐI TRƯỚC CHÚNG TA TRÊN HÀNH TRÌNH HƯỚNG TỚI CUỘC GẶP GỠ CUỐI CÙNG VỚI CHÚA
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ. CHÚA THÁNH THẦN HƯỚNG DẪN DÂN THIÊN CHÚA ĐẾN VỚI CHÚA GIÊSU LÀ NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA – BÀI 5. « BỞI QUYỀN NĂNG CHÚA THÁNH THẦN, NGƯỜI ĐÃ NHẬP THỂ TRONG LÒNG ĐỨC TRINH NỮ MARIA ». LÀM THẾ NÀO CƯU MANG VÀ SINH HẠ CHÚA GIÊSU ?
- CẦU NGUYỆN VÀ ĐỜI SỐNG LINH MỤC
- TÔI LÀ CHIẾC BOOMERANG CỦA THIÊN CHÚA [1]
- BỘ GIÁO LÝ ĐỨC TIN : KHÔNG CÓ TRỞ NGẠI NÀO LIÊN QUAN DẾN ĐỨC MẸ NÚI ĐÁ Ở CALABRIA
- “ĐỨC MẸ CÁC DÂN TỘC” Ở AMSTERDAM VÀ PHÁN QUYẾT TIÊU CỰC ĐƯỢC ĐỨC PHAOLÔ VI PHÊ CHUẨN