NHẬP CƯ : ĐÂU LÀ CƠ SỞ CHO LỜI PHÁT BIỂU CỦA NGƯỜI KITÔ HỮU ?

Written by xbvn on Tháng Ba 28th, 2021. Posted in Học thuyết xã hội, Lm Võ Xuân Tiến, Luân lý, Tý Linh

« Ta là khách lạ, các ngươi đã đón tiếp Ta » : một lời phát biểu cho ngày nay

Christian Mellon, s.j., thành viên của Tâm tâm nghiên cứu và hoạt động xã hội của dòng Tên tại Pháp (Ceras), nguyên thư ký của Ủy ban Công lý và Hòa bình của HĐGM Pháp.

Trong số các chủ đề chính trị có ngụ ý đạo đức mạnh mẽ, chủ đề nhập cư thúc đẩy mạnh mẽ các Kitô hữu. Người ta đã nhận thấy điều đó vào mùa xuân 2006, nhân dịp các cuộc tranh luận xung quanh luật « nhập cư-hội nhập ». Hơn 80 tổ chức Kitô giáo (các phong trào, các cơ sở Giáo hội, các cộng đoàn và các dòng tu) đã bày tỏ sự đối lập của mình với đường hướng chung của luật này, dùng việc nhập cư « có lựa chọn » (được khuyến khích) để đối lại việc nhập cư « phải chịu » (cần hạn chế hơn nữa). Các Giám mục đã bày tỏ sự dè dặt mạnh mẽ : Đức Hồng y Barbarin đã tuyên bố rằng, đối với ngài, kiểu nói « nhập cư có chọn lựa » xem ra không phải là Kitô giáo ; Đức cha Pontier, lúc đó là phó chủ tịch Hội đồng Giám mục, đã coi là « phi nhân » những hạn chế về đoàn tụ gia đình, về giấy phép cư trú, về quyền tỵ nạn ; trong một bức thư gởi cho Thủ tướng, được ký bởi các vị hữu trách của ba Giáo hội chính ở Pháp – Công giáo, Tin lành và Chính Thống giáo – người ta đọc thấy câu hỏi này : « Phải chăng chúng ta có thể chỉ đề xuất cho những người di cư không có giấy tờ tùy thân trở về quê hương của họ, dù muốn hay không ? »

Chủ đề này là một trong những chủ đề mà sự trung thành với Tin Mừng và những chọn lựa chính trị được trình bày như là « thực tế » dường như đối lập nhau. Đó cũng là một trong những chủ đề mà nhiều người Công giáo, ít nhiều công khai, khước từ lắng nghe tiếng nói của các Giám mục của họ. Một số người đưa ra phản đối cũ rích : « Họ không cần phải bận tâm đến những vấn đề này ». Những người khác lấy lại đề tài về sự đối lập giữa đạo đức được gợi hứng bởi Tin Mừng (mà dĩ nhiên « dành cho thiên thần ») và những bó buộc chính trị (mà dĩ nhiên « phi đạo đức », phi luân lý).

Trong một bài viết khác trên trang web này, tôi đã nhắc lại một vài dữ kiện (những sự kiện, số liệu) cho thấy rằng những lập trường « khép kín » không thể tự cho mình độc quyền về tính hiện thực. Trong bài viết này, tôi chỉ muốn nhắc lại những nền tảng nào mà người Kitô hữu được mời gọi dựa vào để đưa ra lập trường trong mọi vấn đề liên quan đến người ngoại kiều. Một hành trình vắn tắt xuyên qua Thánh Kinh (Cựu Ước và Tân Ước) và việc nhắc lại một vài nguyên tắc của « học thuyết xã hội của Giáo hội » sẽ đi trước phần trình bày các văn kiện chính yếu của thẩm quyền Công giáo về chủ đề này kể từ Công đồng.

Thánh Kinh

Tại sao khởi đi từ Thánh Kinh ? Rất đơn giản vì « có những trang Thánh Kinh mà ta không thể xé đi được », như Đức cha Pontier đã nói như thế khi đưa ra cho nhật báo La Croix (2/5/2006) những lý do mà các Giám mục đã phản đối nhiều biện pháp của dự luật (Ceseda).

Cựu Ước

Mối tương quan với người ngoại kiều xuyên suốt toàn thể lịch sử của dân Do Thái. Từ Abraham : « Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi, mà đi tới đất Ta sẽ chỉ cho ngươi » (St 12, 1). « Ông tổ tôi là người Aram phiêu bạt » (Đnl 26, 5).

Hai kinh nghiệm chính yếu trong lịch sử của dân : cuộc Xuất hành (« Các ngươi đã từng là người di trú ở đất Ai Cập » (Xh, 22, 20)), và cuộc Lưu đày ở Babylon.

Điều này được thể hiện trong Luật : « Người ngoại kiều, các ngươi không được áp bức ; chính các ngươi đã biết thân phận của người ngoại kiều, vì các ngươi đã là ngoại kiều ở đất Ai Cập » (Xh 23, 9).

« Các ngươi phải đối xử với người ngoại kiều cư ngụ với các ngươi như với một người bản  xứ, một người trong các ngươi ; các ngươi phải yêu nó như chính mình, vì các ngươi đã từng là ngoại kiều tại đất Ai Cập » (Lv 19, 34).

Do đó, trước tiên, đây không phải là một nguyên tắc đạo đức, pháp lý, nhưng rõ ràng là một đòi hỏi đối thần (théologale). Yêu thương người ngoại kiều được liên kết với một kinh nghiệm mà ngày nay người ta gọi là thiêng liêng (thuộc linh) : một lời mời gọi khám phá thân phận ngoại kiều của chúng ta. Dân được chọn đã được hình thành bởi một cử chỉ của Thiên Chúa : giải thoát khỏi đất Ai Cập, được thể hiện qua một chuyển động, một sự di cư từ vùng đất nô lệ đến miền đất hứa.

Chủ đề này sẽ được các Giáo Phụ và nhiều tác giả Kitô giáo lấy lại : chúng ta đang lữ hành về Thành đô của Thiên Chúa. Người Kitô hữu không thể đồng nhất hóa với bất kỳ nơi nào, bất kỳ vùng đất nào, bất kỳ cội nguồn nào thuộc loại sinh học (sắc tộc), chủng tộc, quốc gia, văn hóa. « Hiện tượng di chuyển của con người gợi lên chính hình ảnh của Giáo hội, dân tộc đang lữ hành trên trần gian, nhưng luôn hướng đến Quê hương trên trời » (Gioan Phaolô II, Sứ điệp Ngày thế giới Di dân năm 1998).

 Chủ đề về phổ quát tính xuất hiện từ Isaia : « Nhà của Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện cho mọi dân tộc » (Is 56, 6-7). Dân « riêng » được mời gọi mở rộng thành dân phổ quát. Sự mở rộng này, được loan báo trong Cựu Ước, sẽ nằm ở trọng tâm của Tân Ước.

Tân Ước

Từ ơn cứu độ cho một dân, chúng ta chuyển sang ơn cứu độ cho mọi người. Chính Chúa Giêsu thực hiện bước dịch chuyển này, vốn không hề đơn giản. Trước tiên, Ngài nói rằng Ngài đã được sai đến « với chiên lạc nhà Israel ». Dần dần, Ngài khám phá ra rằng sứ mạng của Ngài được mở rộng đến « dân ngoại ». Đoạn về người phụ nữ xứ syro-phênixi mang tính quyết định (x. Mc 7, 24-31).

Nơi thánh Gioan, thời điểm (chương 12) Chúa Giêsu long trọng loan báo Giờ của Ngài đã đến, thì đó là sự kiện rằng người Hy Lạp đang quan tâm đến Ngài !

Chúa Giêsu đón tiếp viên Bách quản Rôma, chữa lành người phụ nữ xứ Canaan, nói tích cực về người Samaritanô. Tất cả điều đó khiến Ngài bị đối lập với những người theo chủ nghĩa dân tộc của dân của Ngài, những người mà căn tính của một dân tộc được xác định bằng việc đối lập với người khác.

Dụ ngôn người Samaritanô nhân hậu thực hiện một sự đảo ngược có tính quyết định liên quan đến chính khái niệm « tha nhân ». Một cách tự nhiên, trong khi tôi nghĩ mình ở trung tâm để tự hỏi rằng tôi muốn mở rộng tính liên đới của tôi đến đâu, thì Dụ ngôn nói với tôi rằng, ở trung tâm, không có tôi nhưng có người cần đến tôi. Người bị thương không phải là người mà tôi phải quyết định xem tôi sẽ xem người ấy như là « tha nhân của tôi » hay không : anh ta là người mà tôi được mời gọi trở nên gần gũi. Tôi được mời gọi trở nên tha nhân của người ấy… Đức cha Claude Rault, Giám mục Laghouat, viết : « Trong Tin Mừng, tha nhân không phải là người mà ta chọn, nhưng là người đến với chúng ta và chúng ta trở nên gần gũi ». Và Đức Gioan Phaolô II viết : « Như người Samaritanô nhân hậu, Giáo hội cảm thấy có bổn phận trở nên gần gũi với người lẩn trốn, người tỵ nạn, hình ảnh hiện đại của người lữ hành bị cướp sạch, bị đánh đập và bị bỏ rơi bên đường đến Giêricô » (Sứ điệp Ngày thế giới Di dân năm 1997).

Một đoạn văn rất nổi tiếng khác, đoạn nói về việc Chúa Giêsu đồng hóa với người nghèo, bệnh tật, tù nhân, người ngoại kiều : « Ta là khách lạ (người ngoại kiều), các ngươi đã đón tiếp » (Mt 25, 35). Đây là giải thích của Đức cha Daucourt trong bài giảng của ngài tại Tuần xã hội 2006 : « Chúa Giêsu không nói : Ta là một bệnh nhân Công giáo và các ngươi đã đến thăm Ta. Ta là tù nhân vô tội và các người đã viếng thăm. Ta là ngoại kiều với giấy tờ hợp pháp và các ngươi đã đón tiếp Ta ».

Các chương đầu tiên của sách Công vụ Tông đồ kể lại những cuộc tranh luận xung quanh việc nên đón tiếp người ngoại (người ngoại kiều) hay không trong cộng đoàn Kitô hữu : đón tiếp họ, vâng, nhưng yêu cầu họ giống như chúng ta ? hay là chấp nhận rằng họ có những thực hành ăn uống khác biệt, rằng họ không cần cắt bì ? Công đồng đầu tiên đã quyết định ủng hộ quan điểm thứ hai này : không chỉ những người không phải Do thái ở nhà họ trong Giáo hội, nhưng họ không cần tuân theo những nghi thức đánh dấu căn tính quốc gia và tôn giáo của dân tộc Do thái.

Vào dịp lễ Hiện Xuống, Tin Mừng được đề nghị cho mọi người (các dân tộc trên thế giới được biết đến lúc đó đều được liệt kê), nhưng Tin Mừng được nghe bởi « mỗi người trong ngôn ngữ của mình » : tính phổ quát không có nghĩa là đồng nhất.

Thánh Phaolô viết cho tín hữu Ga-lát (3, 28) rằng, trong Chúa Kitô, « không còn chuyện phân biệt Do Thái hay dân ngoại, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà, vì tất cả anh em chỉ là một trong Chúa Kitô ». Được khai triển hơn nữa trong Côlôxê 3, 11 : « Không còn phải phân biệt Hy Lạp hay Do Thái, cắt bì hay không cắt bì, man di, mọi rợ, nô lệ, tự do, nhưng chỉ có Đức Kitô là tất cả và ở  trong mọi người ». Đề tài được Đức Gioan Phaolô II lấy lại, ngài viết : « Trong Giáo hội, không ai là khách lạ ».

Đó là lý do tại sao Đức Gioan Phaolô II có thể nhấn mạnh rằng « đối với người Kitô hữu, việc đón tiếp và tình liên đới đối với người ngoại kiều không chỉ là một bổn phận hiếu khách của con người, nhưng còn là một đòi hỏi rõ ràng vốn bắt nguồn từ chính sự trung thành với giáo huấn của Chúa Kitô » (Sứ điệp năm 1998). Nói cách khác, đó không chỉ là đạo đức, nhưng còn là đức tin.

Học thuyết xã hội của Giáo hội

Phẩm giá của mỗi con người

Nó không phụ thuộc vào quốc tịch, sắc tộc, giới tính, tuổi tác…. Nó phải được tôn trọng cách vô điều kiện. Từ đó, nhiều bản văn của Giáo hội phản đối sự sỉ nhục, sự kỳ thị, sự phân biệt sắc tộc… Cũng từ đó, sự khước từ của các Giám mục Pháp đối với từ vựng « có chọn lựa/phải chịu » : nó làm tổn hại đến phẩm giá của những người được trình bày như là « phải chịu ». Giáo hội ủng hộ một sự nhập cư không phải phải chịu cũng không phải có chọn lựa, nhưng là đón tiếp.

Công đồng Vatican II đã từng nói : « Những công nhân từ một quốc gia hay một miền khác đến, cũng là những người góp công  vào việc phát triển kinh tế của một dân nước hay một miền, nên cần phải cố gắng tránh mọi sự kỳ thị về điều kiện lương bổng và việc làm. Hơn nữa, mọi thành phần xã hội, cách riêng công quyền, phải đối xử họ như là những nhân vị chứ không phải chỉ như những công cụ sản xuất ; phải giúp đỡ để họ có thể đưa gia đình đến… » (Gaudium et spes, số 66).

Hệ quả quan trọng : người Kitô hữu được mời gọi không xem người di cư như là một mối đe dọa. Đó là một người anh em. Mọi cuộc gặp gỡ đều là một cơ hội, một « ân sủng ». Chúng ta hãy ngừng chỉ nói về việc nhập cư bằng từ ngữ « vấn đề » !

Mục đích phổ quát của của cải

Chúng ta hãy nhớ lại phát biểu về nguyên tắc này bởi Vatican II : « Thiên Chúa đã đặt định trái đất và mọi sự trên trái đất thuộc quyền sử dụng của mọi người và mọi dân tộc, để của cải của công trình tạo dựng phải được phân phối cách công bằng cho tất cả mọi người, theo quy luật công bằng, vốn không thể tách rời với bác ái » (GS, 69).

Thánh Ambrôxiô (340-397) từng nói với người giàu có : « Khi bố thí cho người nghèo, bạn không lấy đi của cải của bạn nhưng là trả cho họ những gì hợp pháp thuộc về họ. Vì bạn đã chiếm lấy cho sử dụng riêng mình những gì đã được ban cho mọi người hưởng dùng. Trái Đất không thuộc về những người giàu có, nhưng thuộc về mọi người. Đó là lý do tại sao, không phải bạn quảng đại, nhưng bạn chỉ trả một phần nợ của mình ».

Nguyên tắc này được áp dụng cho vấn đề di cư : «  Những quốc gia giàu hơn có bổn phận đón nhận theo khả năng, những người nước ngoài đến tìm kiếm an ninh và nguồn lực sinh tồn mà họ không có được nơi chính quê hương họ…» (GLGHCG, số 2241).

Chủ tịch Hội đồng Giám mục Mêxicô tuyên bố : « Sự ban tặng trái đất cho con người, vận mệnh phổ quát của của cải bởi mong ước của Đấng Tạo Hóa và tình liên đới nhân loại đi trước mọi luật pháp của các Nhà nước ». Vì thế, « các Nhà nước và luật lệ hợp pháp của họ bảo vệ biên giới sẽ luôn là một quyền đến sau và thứ yếu đối với quyền của con người và các gia đình được sinh sống » (15/11/2002).

Công ích phổ quát

Giáo huấn xã hội của Giáo hội đặt khái niệm « công ích » ở trung  tâm. Nhưng một Kitô hữu phải nhắm đến « công ích phổ quát », điều này đôi khi có thể khiến cho họ mâu thuẫn với công ích của cộng đồng quốc gia của mình. Kitô hữu không thể đồng hóa với một Giáo hội « quốc gia », mà mối ưu tư duy nhất là theo đuổi công ích của đất nước mình. Bởi vì là công giáo, nên Giáo hội mời gọi đặt những chọn lựa tập thể phục tùng mục tiêu « công ích phổ quát ».

Lợi ích quốc gia là một mục tiêu hợp pháp được tính đến, nhưng, đối với người Kitô hữu, nó không thể là tiêu chí tối hậu của những chọn lựa chính trị của họ. Cũng thế về tính phổ quát (« tính công giáo ») của Giáo hội.

Hệ quả : Giáo hội không phản đối quyền của các Nhà nước quản lý việc nhập cảnh vào lãnh thổ của mình. Điều mà Giáo hội phản đối, đó là những tiêu chí nhận vào được xác lập bằng cách chỉ xem xét « lợi ích quốc gia », chứ không phải thiện ích phổ quát.

Lập trường « dân tộc chủ nghĩa » hệ tại ở chỗ chỉ xem xét điều gì là tốt nhất cho đất nước của chúng ta : nếu ta có quá nhiều công nhân, thì ta đóng cửa ; nhưng nếu ta bắt đầu cần một số loại kỹ năng, thì ta lại mở cửa cho một « sự nhập cư có chọn lựa », mà không quan tâm đến những hệ quả trên các nước nguyên quán…

Lưu ý, vào cuối cuộc đời của Đức Gioan Phaolô II, sự nổi lên của một đề tài khá mới mẻ : « quyền công dân thế giới ». Đó là trong Sứ điệp Ngày thế giới hòa bình (1/1/2005) của ngài : « Việc thuộc về gia đình nhân loại mang lại cho mỗi người một loại quyền công dân thế giới, ban cho nó các quyền và bổn phận, con người được liên kết bởi một cộng đồng nguyên quán và số phận tối hậu… Việc lên án chủ nghĩa sắc tộc, bảo vệ người thiểu số, trợ giúp người tỵ nạn, vận động tình liên đới quốc tế đối với những người khó khăn nhất, chỉ là những áp dụng nhất quán của nguyên tắc quyền công dân thế giới ».

Chọn lựa ưu tiên cho người nghèo

Những tiêu chí nhập cảnh, cách thức đón tiếp phải xem xét cách nghiêm túc sự kiện rằng những người nghèo cách nào đó có nhiều quyền hơn những người khác. Chính vì họ không được bảo vệ bởi của cải, mạng lưới, những cuộc vận động hành lang, bảo hiểm…. Do đó, đối diện với bất kỳ chính sách công nào, người Kitô hữu phải chú ý đến những hệ quả của nó trên những người mong manh và bị đe dọa nhất.

Đối diện với « sự khốn cùng của thế giới », câu hỏi đúng không phải là : « Ai có thể tiếp nhận chúng ta cách hợp lý ? », nhưng là « Chúng ta có « tham gia » vào việc tiếp nhận sự khốn cùng này không, có tính đến khả năng, trách nhiệm, giá trị của chúng ta không ? » Ở đây, chúng ta ám chỉ đến câu nói nổi tiếng của Michel Rocard : « Nước Pháp không thể tiếp nhận mọi sự khốn cùng của thế giới, nhưng nó phải biết tham dự vào đó cách trung thành ». Đừng quên nửa câu sau, viện cớ rằng nửa câu đầu là đúng !

Nhưng can thiệp gần đây về vấn đề di cư và tỵ nạn

Từ năm 1914, các Đức Giáo hoàng đã phát biểu cách đều đặn về di cư. Ban đầu, chủ đề bận tâm lớn là mối ưu tư mục vụ đối với người Công giáo rời bỏ quê hương của mình. Dĩ nhiên, mối ưu tư này vẫn tiếp tục cách rất chính đáng ; nhưng, từ Công đồng, các bản văn này cũng bàn cách rộng rãi về những vấn đề di cư nói chung.

Đối với Vatican, các bản văn tham chiếu là văn kiện năm 2004 ; Đức ái của Chúa Kitô đối với người di cư, và các sứ điệp mà Đức Giáo hoàng gởi mỗi năm cho ngày tháng Giêng (xem trên trang web của Vatican).

Các Hội đồng Giám mục của các quốc gia phát biểu tùy theo hoàn cảnh. Bộ sưu tập hay về  các bản văn đa dạng, đến từ các nước rất khác nhau (Mêxicô, Côlômbia, Bỉ, Hoa Kỳ, Đức, Anh, Ý, Canada, Guatemala, Marốc, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Pháp) trong  Les Églises, les migrants et les réfugiés, 35 textes pour comprendre, coordonné par B. Fontaine, éd. de l’Atelier, 2006.

Những điểm đồng thuận

Nhập cư : một quyền

« Điều cấp bách là, đối với người di cư, chúng ta phải biết vượt qua một thái độ dân tộc chủ nghĩa hẹp hòi để thiết lập một quy chế nhìn nhận một quyền di cư, tạo điều kiện cho sự hội nhập của họ… Đó là bổn phận của mọi người – và cách đặc biệt là của người Kitô hữu – làm việc hăng hái để thiết lập tình huynh đệ phổ quát… » (Phaolô VI, tông thư Octogesima Adveniens, số 17, năm 1971).

Giáo hội nhiều lần nhấn mạnh sự mâu thuẫn của luật pháp quốc tế nhìn nhận quyền di cư mà không nói gì về  hệ quả hợp lý của nó, là quyền nhập cư : « Giáo hội chất vấn giá trị của quyền di cư mà vắng mặt một quyền tương ứng với sự nhập cư » (Gioan Phaolô II, sứ điệp năm 1996).

Bàn về các nguyên nhân

Về điểm này, các bản văn của Giáo hội không nói những điều gì rất độc đáo so với tất cả những gì người ta nói về các nguyên nhân của di cư. Chúng tôi chỉ gợi lên hai điểm nhấn :

+ Sự toàn cầu hóa : « Chúng ta đã quen với sự lưu thông tự do của tiền bạc, hàng hóa, thông tin, nhưng chúng ta lại e ngại hơn trước quyền tự do đi lại của con người. Chúng ta có thể vừa thực hành tự do thương mại vừa đồng thời chặn đường cho người nhập cư hoặc đưa họ về nước không ? » (Ngươi đã làm gì em ngươi ?, Sứ điệp của Hội đồng thường vụ, 18/10/2006).

+ Sự kém phát triển : « …Sống trên chính quê hương mình là một quyền cơ bản của con người. Nhưng quyền này chỉ trở nên hữu hiệu nếu chúng ta kiểm soát liên tục các nhân tố thúc đẩy di cư. Những nhân tố này, trong số các nhân tố khác, là những xung đột nội bộ, các cuộc chiến tranh, hệ thống quản trị, sự phân phối không công bằng các nguồn lực kinh tế, chính sách nông nghiệp không phù hợp, công nghiệp hóa phi lý, nạn tham nhũng lan tràn » (Gioan Phaolô II, 9/10/1998, diễn từ cho Hội nghị thế giới về mục vụ cho người di dân và tỵ nạn).

Quyền điều chỉnh của các Nhà nước

Giáo hội không phản đối trách nhiệm chính đáng của công quyền trong việc điều chỉnh dòng người di cư, với điều kiện nó được thực hiện phù hợp với luật pháp của Châu Âu và quốc tế : « Vì công ích, chính quyền có thể quy định một số điều kiện pháp lý cho quyền nhập cư, nhất là đòi hỏi các người di cư phải tôn trọng các bổn phận đối với quốc gia tiếp nhận họ… » (GLGHCG, 2241).

Cái nhìn tích cực về hội nhập

Sự hội nhập,  một đề tài tái diễn. Chúng tôi chỉ trích bản văn này, đại diện cho nhiều bản văn khác :

« Trong các xã hội của chúng ta bị ảnh hưởng bởi hiện tượng di cư toàn cầu, cần thiết là phải tìm kiếm một sự quân bình đúng đắn giữa việc tôn trọng căn tính riêng của mình và việc nhìn nhận căn tính của người khác. Quả thế, cần phải nhìn nhận tính đa nguyên chính đáng của các nền văn hóa hiện diện trong một nước, giữ gìn việc bảo vệ trật tự mà hòa bình xã hội và tự do của các công dân tùy thuộc vào.

Quả thế, chúng ta phải loại trừ các mô hình dựa trên sự đồng hóa, có khuynh hướng biến người khác thành một bản sao của chính mình, cũng như các mô hình đẩy người nhập cư ra bên lề xã hội, bao gồm những thái độ có thể đi đến chỗ chọn lựa sự phân biệt sắc tộc. Con đường phải theo là sự hội nhập đích thực trong một viễn cảnh cởi mở, khước từ việc chỉ xem xét những sự khác biệt giữa người nhập cư và dân cư địa phương » (Gioan Phaolô II, Sứ điệp năm 2005).

Bổn phận giáo dục các tín hữu

« Vấn đề là phải biết làm thế nào liên kết với công cuộc liên đới này những cộng đoàn Kitô hữu thường bị chinh phục được bởi một dư luận đôi khi thù nghịch với người nhập cư » (Gioan Phaolô II, Sứ điệp năm 1996).

« Khi sự hiểu biết vấn đề bị điều kiện hóa bởi những thành kiến và những thái độ bài ngoại, thì Giáo hội không được quên làm cho tiếng nói về tình huynh đệ được lắng nghe, kèm theo đó bằng những cử chỉ chứng thực sự trỗi vượt của lòng bác ái » (Gioan Phaolô II, Sứ điệp năm 1996).

Những điểm nóng

Người nhập cư bất hợp pháp

« Hoàn cảnh bất hợp pháp không cho phép coi thường phẩm giá của người di cư, vốn có những quyền bất khả tước bỏ, mà không thể bị xâm phạm cũng như không biết đến »…

« Trong Giáo hội, không ai là xa lạ và Giáo hội không xa lạ với bất kỳ ai hay bất kỳ ở đâu. Là bí tích của sự hiệp nhất, và do đó là dấu chỉ và là sức mạnh đoàn tụ toàn thể nhân loại, Giáo hội là nơi mà người nhập cư trong hoàn cảnh bất hợp pháp được nhìn nhận và tiếp nhận như là anh em. Các giáo phận khác nhau có bổn phận vận động để những người này, bị bó buộc phải sống bên ngoài sự bảo vệ của xã hội dân sự, tìm thấy một tình cảm huynh đệ trong cộng đoàn Kitô hữu. Tình liên đới là một sự lãnh  trách nhiệm đối với những người khó khăn. Đối với Kitô hữu, người di cư không chỉ là một cá nhân cần được tôn trọng theo những chuẩn mực do luật pháp xác định, nhưng còn là một nhân vị mà sự hiện diện của họ chất vấn người Kitô hữu và những nhu cầu của họ trở thành một sự dấn thân có trách nhiệm của người Kitô hữu. « Ngươi đã làm gì em ngươi ? » (x. St 4, 9-10). Câu trả lời không phải được đưa ra trong những giới hạn do luật pháp áp đặt, nhưng trong quan điểm của tình liên đới.» (Sứ điệp của Đức Gioan Phaolô II nhân ngày thế giới di dân năm 1996).

Đối với Năm Thánh (năm 2000), Đức Giáo hoàng đã đề nghị một sự hợp thức hóa :

« …Hãy để cho xảy ra một cử chỉ hòa giải, là chiều kích riêng của Năm Thánh, dưới hình thức một sự hợp thức hóa một bộ phận lớn những người nhập cư này mà, hơn những người khác, đang chịu đựng bi kịch của sự bấp bênh và không chắc chắn, tức là những người nhập cư đang ở trong hoàn cảnh bất hợp pháp » (Gioan Phaolô II, 9/10/1998, diễn văn cho Hội nghị thế giới về việc chăm sóc mục vụ cho người di cư và tỵ nạn).

Hoa Kỳ : « Tuy được hưởng lợi về mặt kinh tế từ sự hiện diện của các công nhân bất hợp pháp, nhưng đất nước chúng ta lại nhắm mắt làm ngơ khi những công nhân này bị chủ bóc lột…Đồng thời, chúng ta biến họ thành những con dê thục tội cho các vấn đề xã hội của chúng ta và chúng ta coi họ như là những mối đe dọa cho sự an toàn của chúng ta và như là những tội phạm để biện minh cho việc thông qua luật chống nhập cư » (ĐHY Mahony, Los Angeles, trong le grand débat de 2007).

Quyền sống trong gia đình

Đây cũng là đề tài tái diễn. Chúng ta hãy trích một vài tham luận :

« Cần phải tránh nại đến việc sử dụng các quy định hành chánh nhằm giảm thiểu  các tiêu chí thuộc về gia đình, và hệ quả là đặt ra ngoài vòng pháp luật, một cách vô căn cớ, những người mà không có luật pháp nào có thể chối bỏ quyền được chung sống trong gia đình » (Gioan Phaolô II, 1996).

Thư của Cecef gởi cho Thủ tướng Villepin :

« …Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến việc tôn trọng quyền sống riêng tư và gia đình. Được dẫn dắt chủ yếu bởi ưu tư tránh sự gian lận, các biện pháp được chứa đựng trong dự luật, nếu được thông qua, sẽ có hậu quả làm suy yếu hay trì hoãn sự đoàn tụ các gia đình nước ngoài hay các cặp vợ chỗng hỗn hợp, và khiến toàn bộ gia đình rơi vào tình trạng không chắc chắn lâu dài về khả năng của họ được định cư bền vững ở Pháp ».

Thông tri của  Đức cha Berranger và Đức cha Shokert (mùa Thu 2007) :

« Tuy nhiên, chúng tôi quan ngại về những điều kiện ngày càng bị hạn chế đối với việc đoàn tụ gia đình vốn là một quyền luôn cần được tôn trọng… »

Quyền tỵ nạn

« Số người không tuân thủ các quy định của các công ước quốc tế về việc bảo vệ người tỵ nạn không ngừng gia tăng. Thật cấp bách lưu tâm đến sự thay đổi các nguyên nhân trốn tránh…Việc bảo vệ người tỵ nạn, được chuẩn hóa theo luật pháp quốc tế, cần thiết phải mở rộng, … bên cạnh sự bắt bớ chính trị, mà quyền tỵ nạn bàn tới, có rất nhiều nguyên nhân ra đi mà cần phải được xem xét cách nghiêm túc. » (Hội đồng Giám mục Đức, 3/1995, Documentation catholique, 7/595, tr. 453).

Ở cấp độ Liên hiệp Châu Âu, sáu tổ chức – Caritas Châu Âu,  Ủy ban các Giáo hội bên cạnh người di cư ở Châu Âu (Ccme), Ban thư ký của Ủy ban các Hội đồng Giám mục Châu Âu (Comece), Ủy ban di cư quốc tế công giáo, Cơ quan Tỵ nạn Châu Âu của dòng Tên (Jrs) và Hội đồng Quaker về các vấn đề Châu Âu – đã đưa ra 12 khuyến nghị vào tháng 10/2004. Chính sách di cư và tỵ nạn của Liên Hiệp phải cung cấp một khuôn khổ cho các kế hoạch hợp thức hóa đối với người di cư bất hợp pháp, nhìn nhận sự đoàn tụ gia đình như là một quyền căn bản, một lối tiếp cận chung về chính sách hội nhập và một chính sách trả về tái tiếp nhận chung. Những chuẩn mực cao quý trong chính sách tỵ nạn Châu Âu phải được đảm bảo. Trong mưu toan đẩy nhanh thủ tục tỵ nạn, một số thủ tục đã vi phạm các quy định của luật pháp, cách riêng khái niệm « đất nước thứ ba an toàn ». Những người tỵ nạn phải được đảm bảo một quy chế được bảo vệ trong quá trình thủ tục xin tỵ nạn của họ và được tiếp cận thị trường lao động ».

« Chắc chắn, chúng ta không thể nhận tất cả mọi người, nhưng chúng ta cũng không thể trả về tất cả những người trốn tránh. Đất nước chúng ta phải có thể tiếp tục nhận những người  tỵ nạn chính trị và những người có nguy cơ bị bắt bớ, bao gồm cả bách hại tôn giáo, ở nước của họ » (Ngươi đã làm gì em ngươi ? Sứ điệp của Hội đồng thường trực, 18/10/2006).

Nhập cư có chọn lựa

« « Như người Samaritanô nhân hậu, Giáo hội cảm thấy bổn phận gần gũi người lẩn trốn và tỵ nạn, hình ảnh hiện đại của người lữ hành bị cướp sạch, bị đánh và bị bỏ rơi bên đường ». Lời này của Đức Gioan Phaolô II đã không mất gì tính thời sự của nó. Tự nó chính đáng do việc tham chiếu đến Tin Mừng, mà người Kitô hữu khước từ bằng nguyên tắc chọn lựa giữa người di cư tốt và xấu, giữa người trốn tránh và người hợp pháp, giữa công dân đầy đủ giấy tờ và những người khác không có. Dù họ là ai, họ đều là  người anh chị em của chúng ta » (Thông tri của Đức cha Berranger và Đức cha Shokert, mùa Thu 2007).

 Những điểm nghi vấn

Vâng theo luật lệ : vâng, nhưng không phải là tuyệt đối

« Điều quan trọng là phải giúp đỡ người di cư trong hoàn cảnh bất hợp pháp thực hiện các thủ tục hành chánh để được giấy phép cư trú. Các thể chế xã hội và từ thiện có thể tiếp xúc với chính quyền để tìm kiếm, trong việc tôn trọng luật pháp, những giải pháp thích hợp với các trường hợp khác nhau » (Gioan Phaolô II, sứ điệp 1996).

 Nhưng khi có xung đột, sách Giáo lý Giáo hội Công giáo nói rõ (số 2242) : « Người công dân có nghĩa vụ, theo lương tâm, không tuân theo những luật lệ của chính quyền dân sự khi các luật lệ này nghịch với những đòi hỏi của trật tự luân lý, nghịch với những quyền căn bản của con người hoặc với những giáo huấn của Tin Mừng. Sự từ chối vâng phục chính quyền dân sự khi họ đòi hỏi những điều nghịch với lương tâm ngay thẳng, được biện minh bởi sự phân biệt giữa việc phục vụ Thiên Chúa và việc phục vụ cộng đồng chính trị. « hãy trả cho Xê-da những gì thuộc về Xê-da, và trả cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa » (Mt 22, 21). « Phải vâng lời Thiên Chúa hơn là người ta » (Cv 5, 29). »

Hoa Kỳ (năm 2007) : « Đức Hồng y Roger Mahony của Los Angeles đã từng hứa rằng ngài sẽ kêu gọi các linh mục của ngài bất tuân dân sự nếu luật được thông qua. Điều đó « thực sự có nghĩa là sẽ hình sự hóa các hoạt động của người Samaritanô nhân hậu, và có lẽ thậm chí các hoạt động của Chúa Giêsu », Thượng nghị sĩ Hillary Clinton đã phẫn nộ, người mà tuần vừa rồi đã có ý tưởng đưa Chúa Giêsu can thiệp trong một cuộc tranh luận vốn đã sôi nổi ». (Trích trong Bernard Fontaine (coord.), Les Églises, les migrants et les réfugiés. 35 textes pour comprendre, éd. de l’Atelier, 2006, tr. 64).

Việc chiếm giữ các ngôi nhà thờ hay các tòa nhà giáo xứ

« Trong một xã hội thế tục và tục hóa, phải chăng các ngôi nhà  thờ phải trở thành những nơi tôn nghiêm duy nhất mà những người muốn bày tỏ sự khốn quẫn của họ nương náu? » (Cecef, 7/1996)

« Khi cánh cửa hành chánh đóng lại, thì các ngôi nhà thờ là phương sách cuối cùng của họ. Chắc chắn, họ có thể chọn những nơi đón tiếp khác. Nhưng họ biết rằng không có gì chạm đến phẩm giá của con người mà xa lạ với Giáo hội » (Ủy ban Giám mục về di dân, 7/4/1998, « Tôi đã thấy sự khốn khổ của dân tộc mình »).

« …Chúng tôi cho là không phù hợp…các địa điểm Công giáo – nhà thờ, nhà nguyện, những nơi thờ phượng, các cơ sở dành riêng cho các hoạt động đặc thù của việc loan báo Tin Mừng và mục vụ – được cung cấp cho các tín hữu của các tôn giáo không phải là Kitô giáo, và chúng còn càng ít được sử dụng hơn nữa để đòi các yêu sách đối với cơ quan công quyền » (La charité du Christ envers les migrants, 2004, số 61).

Các Giám mục Bỉ : « Các Giám mục hiểu rằng một số người nhập cư không có giấy tờ tùy thân nại đến « việc chiếm giữ các ngôi nhà thờ » để làm cho công chúng quan tâm đến sự khốn quẫn của họ. Các ngài chấp nhận rằng điều đó được làm, nếu các nhà chức trách địa phương đã đồng ý » (Bernard Fontaine, op. cit. tr 30.).

Kết luận

Người Kitô hữu không ngây thơ. Họ không cần phải phủ nhận rằng việc di cư có liên quan đến các vấn đề. Nhưng họ tìm thấy nơi các nền tảng của mình những lý do mạnh mẽ để xem sự hiện diện của người ngoại kiều không phải như một gánh nặng, nhưng là như một cơ hội. Họ được mời gọi chuyển từ lưu vong sang di cư, từ sự xâm nhập sang sự thích ứng, từ sự than vãn về điều xấu sang việc tìm kiếm « các dấu chỉ của thời đại », từ sự gây phiền toái sang tính khác biệt, từ nỗi sợ hãi sang lời hứa. « Người ngoại kiều, người khác, có tầm quan trọng sống còn đối với mọi người. (…) Nhất là, ngày nay, chúng ta tin tưởng đảm bảo căn tính của chúng ta tốt hơn bằng cách rút vào không gian quốc gia hay tôn giáo….Nhưng do điều đó mà bạo lực đang lan tràn. (…) Từ khóa của đức tin của tôi là đối thoại. Không phải bằng chiến thuật hay bằng chủ nghĩa cơ hội, nhưng bởi vì đối thoại làm nên mối tương quan của Thiên Chúa với con người và của con người với nhau » (Pierre Claverie, dòng Đa Minh, Giám mục giáp phận Oran, bị sát hại vào tháng 8/1996).

(Tý Linh chuyển ngữ)

Tags:

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Một 2024
H B T N S B C
« Th10    
  1 2 3
4 5 6 7 8 9 10
11 12 13 14 15 16 17
18 19 20 21 22 23 24
25 26 27 28 29 30