NHỚ MÃI NỤ CƯỜI CỦA CỐ!

Written by lcd on Tháng Sáu 20th, 2014. Posted in Thiên Phong, Xuân Bích Việt Nam, Đại Chủng Viện Huế

Thứ Tư, 18.6. 

Buổi sáng, Thánh Lễ an táng Cha Trần Phúc Nhân tại Chí Hòa, trong số khoảng hai trăm linh mục đồng tế có sự hiện diện của các linh mục Xuân Bích đang có mặt ở Saigon và vùng lân cận: các Cha Hiệp, Đán, Hoan, Thậm, Nhân, Thứ, Thực, và mình. Người quá cố là một người bạn thiết nghĩa của Xuân Bích.

 Buổi chiều, trên đường ra sân bay trở về Huế, hai Cha Thứ và Thực gọi cho mình, báo tin: “Cố Hiển đang trên đường về Chu Hải, vì các bác sĩ ở Bệnh viện Thánh Tâm (Hố Nai) cho biết ngày giờ của ngài rất gần rồi…” Khoảng 8 giờ tối, mình nhận được email của Đức Cha Long từ Hưng Hóa: “Cha cố Antôn Trần Minh Hiển đã an nghỉ trong Chúa lúc 6 giờ 30 chiều nay.” Mình bất giác tự hỏi: Chúa có ‘coi ngày’ không đó? Những ngày này là những ‘ngày tốt’ cho Thiên đàng đến vậy sao? 

Cha cố Antôn, niên trưởng Xuân Bích VN, đã ngã bệnh nặng từ ba tháng nay, việc Cố ra đi không làm ai bất ngờ. Nhưng mất Cố vẫn thấy như là ‘mất hồn’. Mất rất nhiều, nhiều lắm!

Xuân Bích Việt Nam và bao lớp học trò của Cố đó đây không còn nữa người anh, người cha, người thầy hiền lành, khiêm tốn, nhỏ nhẹ, ân cần, luôn đầy một tấm lòng như mẹ hiền.  

Nếu phải nói về sự mất mát này bằng một hình tượng, mình chợt nghĩ đến nụ cười của Cố.

Mất Cố Hiển là mất nụ cười rất hồn hậu, dễ thương ấy,

nụ cười gần như thường trực trên khuôn mặt cương nghị nhưng hiền lành và phảng phất nét khắc khổ ấy,

nụ cười vẫn bất khuất trước những cơn đau rúc rỉa tấm thân tàn tạ ấy của vị linh mục phải chống chọi với đủ thứ bệnh hoạn ở tuổi xế chiều. 

Mười ngày trước, ghé thăm Cố tại giường trong phòng bệnh viện, mình nắm tay Cố và cảm nhận Cố nắm bàn tay mình rõ chặt, trong khi Cố nhìn vào mắt mình, vẫn với nụ cười ấy! Và đó là lần cuối! 

Mình gặp và biết Cha cố Antôn lần đầu tiên vào đầu thập niên 2000, lúc ấy mình đang làm ‘phòng bộ’ tòa giám mục ĐN và được chỉ định tháp tùng Cố trong chuyến đưa hai Cha XB Mỹ đi thăm Phố Cổ Hội An. Phố Cổ là phố đi bộ – thế là, chủ và khách lội bộ ròng rã qua các con phố, thăm các cửa hiệu, các di tích, các nhà trưng bày, các cảnh quan… Hai vị khách xem chừng thích thú lắm, thích thú cả với những gì được xem lẫn với cái món ‘đi bộ’ này. Mình thì năm ấy còn khá ‘trai trẻ’, nên dẫu thế nào cũng “xa va”. Chỉ có Cố thật tội nghiệp. Cố bị gai cột sống nên phải bước đi lom khom, và trong suốt ba tiếng đồng hồ Cố phải khó nhọc trong mỗi bước như vậy, ráng theo kịp hai ông Mỹ có chân rất dài và sải bước rất nhanh (hai vị, một đương kim tổng quyền và một tổng quyền tương lai của XB, lúc ấy chưa phát hiện ra sự khổ sở của Cố Hiển!) Thế mà, mỗi lần mình hỏi Cố mệt lắm không, Cố chỉ mỉm cười, nhỏ nhẹ: “Không mệt đâu, mình đi được mà!” Cố tận tình hiếu khách như vậy đó!  

Ít lâu sau, mình nhập ĐCV Huế, được gặp lại Cố và được thưởng thức nụ cười ấy của Cố hằng ngày. Là giám đốc chủng viện, nhưng nhìn Cố giống như một bác quản gia hơn. Y phục tuềnh toàng, cũ sờn, đội nón lá, Cố thường lui cui đâu đó trong vườn, chăm sóc ‘cây cá cảnh’, hoặc ở một góc nhà chơi, hì hụi dọn dẹp hay sửa chữa món gì đó, hoặc trò chuyện với nhóm công nhân xây dựng (chủng viện thường có những hạng mục xây dựng, sửa chữa). Và ở đâu cũng vậy, ai gặp Cố, hầu như luôn gặp thấy cùng một nụ cười. 

Cố giảng dạy trên lớp cả Tín lý và Giáo phụ. Giáo trình của Cố biên soạn thật … nặng ký (cả theo nghĩa đen!) Giáo phụ là một trong số các môn mình còn thiếu và cần bổ túc, vì thế mình không chỉ theo học và làm bài trên lớp, mà còn phải làm một số bài riêng với Cố nữa. Mình còn nhớ cảm giác choáng váng khi Cố trao cho mình mấy quyển Giáo phụ học dày cộm kèm với một lô lốc các Phụ trương. Phen này là ‘từ chết tới bị thương’ đây! Mình cắm đầu học như điên suốt mấy tuần, nhưng vẫn không đủ tự tin. Đến ngày hẹn làm bài, buổi sáng, mình tình cờ gặp Cố đang loay hoay chỗ công trình xây dựng phía sau nhà nguyện. “Cố ơi, chiều nay lúc 2 giờ con đến phòng Cố làm bài Giáo phụ nhé!” Cố cười cười, nhìn mình, và nói nho nhỏ như sợ ai nghe thấy: “Ờ … ông nên xem kỹ cách riêng chương về Augustinô nha”. Quả thật, chiều hôm ấy, đề bài Cố đưa cho mình là về… Augustinô! Ôi, con thương Cố nhất trần đời, Cố ơi! 

Sau này, Cố thôi làm giám đốc chủng viện, về nghỉ hưu trong nam, song vẫn tiếp tục ra Huế giảng dạy hằng năm. Còn mình, sau chịu chức ít lâu, đi học về, có chân dạy học ở ĐCV Huế, rồi mình nhập XB, lại đi học lần nữa và về thường trú hẳn ở chủng viện, càng có duyên tiếp tục gặp Cố và tiếp tục gặp nụ cười ấy của Cố, trong những dịp Cố ra chủng viện hay những dịp họp mặt, tĩnh tâm XB hằng năm.  

Hè năm rồi, Cố vẫn lặn lội mang nụ cười ấy lên Đà Lạt tham dự kỳ tĩnh tâm thường niên XBVN. Hình như có linh tính gì đó, nên dịp này Cố đã tặng cho mỗi anh em XB một bản copy luận văn của Cố ngày xưa. Một món quà từ giã? Mới đây hơn, hồi sau Tết âm lịch, Cố vẫn đến được với một số anh em dịp họp mặt đầu năm tại Nhân Hòa, Saigon. Hè năm nay, Vũng Tàu được chọn làm địa điểm tĩnh tâm cũng bởi vì để thuận tiện cho Cố Hiển tham dự. Nhưng Cố không còn đủ sức nữa rồi! Mình nhớ hình như đây là lần đầu tiên Cố vắng mặt trong một dịp như vậy. 

Và Cố sẽ không bao giờ có mặt với mọi người được nữa!

Nụ cười ấy của Cố đã đi về trời,

như chính cuộc đời tận tụy của Cố đã trở thành của lễ hiến tế dứt khoát chiều nay.

 “Con xin làm của lễ hiến dâng trên bàn thờ…

Con xin làm tôi tớ sống cho muôn con người,

đôi tay rộng yêu thương ôm trọn mọi khó nghèo.

Đời con xin là muối, là men cho trần gian,

niềm vui hay khổ đau tháng ngày xin hiến tế.

 

Vì Ngài đã gọi, thì con đây xin đến hiến dâng đời con.

Vì Ngài đã chọn, thì xin thương đón lấy tấm thân mọn hèn.”

 

THIÊN PHONG

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Một 2024
H B T N S B C
« Th10    
  1 2 3
4 5 6 7 8 9 10
11 12 13 14 15 16 17
18 19 20 21 22 23 24
25 26 27 28 29 30