NHƯ MỘT KỶ NIỆM 2015

Written by xbvn on Tháng Mười Một 21st, 2015. Posted in Cựu sinh viên XB, Đại Chủng Viện Huế

 như một kỷ niệm

2015

 

– ĐẠI CHỦNG VIỆN HUẾ –

 

lời mở

Theo hẹn, Như Một Kỷ Niệm 2015 lại góp mặt dịp mừng Lễ Mẹ Dâng Mình, ngày Truyền thống Xuân Bích, cũng là ngày đại lễ của Đại chủng viện Huế.

Dịp này gia đình chủng viện có niềm vui đặc biệt, một niềm vui sờ được thấy được. Đó là hai khối nhà mới được chính thức khánh thành, đáp ứng nhu cầu chỗ sinh hoạt cho gần hai trăm chủng sinh, sĩ số cao nhất từ trước tới nay – bởi niên khóa này là lần đầu tiên Đại chủng viện có đầy đủ tất cả bảy lớp thuộc hai phân khoa Triết học và Thần học, chưa kể anh em lớp Năm Thử đang tạm vắng nhà. Đây cũng là niềm vui của Tổng giáo phận Huế, của các giáo phận liên hệ, của Hội Thánh ở Việt Nam, Hội Thánh hoàn vũ, của mọi người… Xin tạ ơn Thiên Chúa, và chân thành tri ân các ân nhân xa gần đã quảng đại giúp đỡ để chủng viện có được hình hài như hôm nay.

Như Một Kỷ Niệm 2015, theo thông lệ, là một diễn đàn được góp tiếng bởi các thành viên Xuân Bích, các sinh viên, cựu sinh viên Xuân Bích, và thân hữu đó đây. Chủ đề của năm, Chiêm niệm trong Đời sống Linh mục Giáo phận, được phản ảnh trong một số bài về đời sống thiêng liêng nói chung, về linh hướng và cầu nguyện nói riêng. Ngoài ra, các bài khác – nhiều thể loại – sẽ xoay quanh những đề tài quen thuộc như ơn gọi, đời sống chủng viện, cảm nghiệm từ môi trường mục vụ…

Ban biên tập chân thành cám ơn tất cả các cộng tác viên đã đóng góp bài vở. Những trang này mong được coi như lời bập bẹ phần nào tâm tình của gia đình ĐCV, chia sẻ cho nhau và cho mọi người. Xin Mẹ Dâng Mình dìu dắt tất cả chúng ta.

BBT/NMKN/2015

Thư cha Giám tỉnh Xuân Bích Pháp

JMMicas

Paris, 21.11.2015

Lễ Mẹ Dâng Mình

Các bạn chủng sinh, quý linh mục, cựu sinh viên và anh em Xuân Bích thân mến,

«Lạy Chúa Giê-su, sống trong Mẹ Ma-ri-a, xin ngự đến và hoạt động trong tôi tớ Chúa, trong thần trí thánh thiện, với sức mạnh tràn đầy, trên những lối đường hoàn hảo, bằng các nhân đức đích thật, trong sự hiệp thông các mầu nhiệm thánh, xin chế ngự mọi quyền lực ác thù, nhờ Chúa Thánh Thần, trong vinh quang Chúa Cha. » (Lời nguyện của cha Olier)

Chuẩn bị cho ngày lễ trọng đại 21/11/2015 này, tôi rất vui mừng gặp gỡ anh em qua lá thư này, báo trước cho tôi niềm vui sẽ được ở cùng anh em năm nay để cử hành lễ Mẹ dâng mình vào Đền thờ. Vào những ngày này, như mọi năm khác, các cựu sinh viên tụ họp nhau trong cuộc gặp mặt huynh đệ tạ ơn. Về phía mình, dù còn chưa hoàn toàn hiểu hết, thế hệ trẻ đã ghi lại truyền thống này vào trong ký ức và trong tương lai của mình nữa: ngày mai đến lượt mình, họ sẽ trở thành cựu sinh viên và sẽ tìm về đây để mừng lễ này! Chủng viện là nơi thích hợp và tốt đẹp, để ơn gọi trở thành mục tử theo gương vị Mục Tử nhân lành của chúng ta, được phân định và đồng hành một số năm tháng. Đối với phần đông chúng ta, một khi trở thành linh mục, chúng ta sẽ nhớ lại ngôi trường-gia đình này, nơi mình được sinh ra trong chức tư tế tông đồ. Nếu chúng ta không trở thành linh mục, chúng ta cũng sẽ nhớ lại ngôi trường-gia đình này, nơi mình đã được giúp đỡ để tìm ra chỗ đứng Ki-tô hữu của mình trong lòng Giáo hội, đại gia đình của tất cả chúng ta.

nmkn1

  Anh em linh mục và cựu sinh viên thân mến,

Sự hiện diện trung thành của anh em luôn là một nguồn động viên, khích lệ lớn lao đối với các nhà đào tạo hôm nay, và cho các chủng sinh nữa. Vào tháng Tư vừa rồi, nhân chuyến viếng thăm Việt Nam của Hội đồng tỉnh Pháp, chúng tôi đã có niềm vui được gặp gỡ một số anh em tại Sài Gòn. Hạnh phúc biết bao khi cảm nhận được lòng biết ơn và tình bạn mà anh em dành cho chúng tôi! Chủng viện của anh em hôm nay vẫn còn được tiếp nhận con số chủng sinh đông đảo. Họ chính là đàn em đông đúc mà Chúa Thánh Thần ban cho anh em. Phần lớn họ sẽ trở thành những người anh em linh mục trong các giáo phận của anh em mai ngày. Anh em vô cùng quý giá trong mắt họ, và tôi tin họ cũng rất quý giá trong mắt anh em. Cảm ơn anh em vì đã hiện diện nơi đây vì họ! Sự gắn bó của anh em đối với chủng viện khuyến khích họ đặt niềm tin vào ngôi trường này ngày hôm nay, giao phó đời mình cho việc đào tạo và bước đi trên con đường phân định ơn gọi. Điều này giúp ích rất nhiều cho các nhà đào tạo ngày nay, là những người đã tiếp bước thế hệ các nhà đào tạo của anh em xưa kia. Cảm ơn anh em một lần nữa vì đã hiện diện, và rất vui được làm quen với anh em khi có cơ hội, hoặc trong vài ngày tới, hoặc vào tháng 7/2016!

nmkn2

Các bạn chủng sinh thân mến,

Ngày 19/11/2015 này sẽ là một ngày ghi dấu trong ký ức của chủng viện. Việc xây thêm khu nhà mới đã đem lại cho các bạn những chỗ ở đẹp hơn, và rất cần thiết. Hôm nay là ngày khu nhà được long trọng và chính thức hoàn thành. Tôi rất vui được hiện diện với các bạn để sống thời khắc lớn lao và tốt đẹp này trong lịch sử chủng viện. Năm ngoái, tôi đã viết cho các bạn rằng công trình xây ngôi nhà mới «nói lên rằng cộng đoàn Chủng viện đang tiến triển, và cũng cho thấy rất nhiều Kitô hữu đang hỗ trợ công việc đào tạo trong Chủng viện: đó là giáo dân từ các giáo phận của các bạn cũng như nhiều giáo phận khác, linh mục, giám mục, các linh mục Xuân Bích khắp thế giới, những nhà hảo tâm ẩn danh, cá nhân cũng như tập thể, rất nhiều người đã quảng đại góp phần vào ngôi nhà các bạn đang sử dụng. Đây chắc chắn là một trợ lực lớn lao và một lời mời gọi đối với các bạn. Một trợ lực lớn lao bởi vì nó thể hiện tình yêu của Giáo hội đối với thiên chức linh mục. Một lời mời gọi các bạn trở nên những linh mục tốt lành, không gian dối, đáp ứng những gì Giáo hội chờ mong nơi các linh mục. Chúc các bạn mạnh mẽ và vững chắc trong ơn gọi của mình!” Tôi rất vui được nhắc lại những lời mà tôi xác tín rất mạnh mẽ này. Các bạn hãy cho thấy mình xứng đáng với sự tin tưởng lớn lao mà Giáo hội dành cho các bạn: không nhất thiết phải trở thành linh mục như là điều kiện bắt buộc, nhưng hãy chân thành lắng nghe tiếng Chúa Thánh Thần nhằm luôn luôn thực thi ý Chúa, hãy tin tưởng vào các nhà đào tạo, hãy sống mỗi ngày ơn gọi phép rửa của các bạn, và nếu một ngày nào đó, Đức giám mục gọi các bạn lãnh nhận chức thánh, thì hãy để cho mình được đào luyện trở thành những linh mục đích thật mà Giáo hội đang rất cần đến, trong đất nước các bạn và trên toàn thế giới.

nmkn3

Anh em linh mục Xuân Bích thân mến,

Tôi rất vui được gặp lại anh em một lần nữa trong vài ngày tới. Tôi sẽ đến Huế trong chuyến kinh lý chính thức đầu tiên của mình. Tôi sẽ ở đây một thời gian với mỗi người, với Hội đồng chủng viện, với các chủng sinh, với những anh em Xuân Bích khác ở ngoài chủng viện. Về tất cả điều đó, tôi đã cảm nhận trước niềm vui. Vui vì thấy mỗi người trong anh em đã dần dần đảm nhận chỗ đứng của mình trong ê-kíp chủng viện. Vui vì thấy tình huynh đệ thâm sâu luôn kết nối các thế hệ Xuân Bích Việt Nam già trẻ với nhau. Vui vì cảm nhận được sự tin tưởng mà các giám mục Việt Nam dành cho Hội Xuân Bích: chính là nhờ sự dấn thân đầy chất lượng và có năng lực của mỗi thành viên Xuân Bích, từng người một, ở những nơi đã phục vụ trước đây hoặc đang phục vụ hôm nay. Tôi cũng nghĩ đến những người lớn tuổi nhất trong anh em, đặc biệt là những người hiện đang đau ốm. Tôi xin bảo đảm với mỗi người trong anh em sự gần gũi và tình thân sâu xa nhất. Năm nay, danh sách mừng lễ ngắn gọn thôi, và tôi xin chia vui trước với cha Phan-xi-cô Xa-vi-ê Trần Anh Duy, người anh em sẽ mừng kỷ niệm 10 năm linh mục vào ngày 01/12 tới đây! Một lần nữa, nhân danh tất cả thành viên Hội đồng tỉnh Pháp, tôi xin gởi lời cảm ơn chân thành đến anh em vì sự đón tiếp nhiệt tình dành cho chúng tôi từ Sài Gòn cho đến Huế và Đà Nẵng, cũng như dành cho Henri de la Hougue và tôi ở Hà Nội và Thái Bình với Đức cha An-phong Nguyễn Hữu Long. Vào tháng 7 tới đây, anh em sẽ gánh một trọng trách là tổ chức cuộc gặp gỡ «khu vực» lần thứ nhất, cuộc gặp gỡ của những anh em Xuân Bích vùng Á châu, được Hội đồng Trung ương hỗ trợ. Các anh em từ Nhật Bản và Trung Hoa đã chuẩn bị cho cuộc gặp tốt đẹp này. Tôi cũng sẽ có mặt, cùng với cha Bề trên Tổng quyền và cha Bề trên Giám tỉnh Canada, đó sẽ là một thời điểm trọng đại!

Xin mừng lễ tất cả! Chúng ta hãy vui mừng và tự hào vì được Chúa mời gọi sống theo Ngài. Hãy vui mừng và tự hào được phục vụ Giáo hội ở nơi đâu Giáo hội đưa chúng ta đến. Hãy vui mừng và tự hào theo gương Mẹ Ma-ri-a, bằng cách kết hợp trọn cả tâm hồn với bài ca Magnificat của Mẹ: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng trong Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi!”

Jean-Marc Micas, PSS

Bề trên Giám tỉnh Pháp

***

VIỆC LINH HƯỚNG

TRONG CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO

CÁC ỨNG SINH LINH MỤC Ở CHỦNG VIỆN

Bernard Pitaud, PSS

pitaud

  1. Dẫn nhập: Giáo hội và việc đào tạo cho tác vụ linh mục

Kiểu nói “linh hướng”, nhất là kiểu nói “cha linh hướng / linh giám”, có thể gây ra những hiểu lầm, nên cần được giải thích ngay từ đầu bài viết này. Trong rất nhiều chủng viện, cha linh giám là người chịu trách nhiệm việc đào tạo thiêng liêng, qua việc giảng dạy và cùng lúc đồng hành thiêng liêng với một số chủng sinh (các chủng sinh còn lại được đồng hành bởi các linh mục khác được bổ nhiệm làm việc này). Việc linh hướng vì thế có thể được hiểu theo nghĩa rộng này. Còn ở đây, chúng ta sẽ hiểu việc linh hướng theo nghĩa hẹp, tức là việc đồng hành cá nhân thuộc phạm vi tòa trong. Vì vậy, đây là một việc rất chuyên biệt, đòi hỏi sự liên tục và đều đặn trong suốt thời gian đào tạo.

Mục tiêu căn bản của việc đào tạo ứng sinh linh mục là nhằm giúp các chủng sinh chuẩn bị cho đời sống tương lai qua việc đào tạo nhân bản, thiêng liêng, trí thức và mục vụ cách thích hợp, dựa theo những quy chuẩn đã được đặt ra trong các bản “Ratio” khác nhau của Giáo hội toàn cầu và địa phương. Nhưng bên trong việc đào tạo đó, cần có một sự phân định thiêng liêng nhằm lượng giá khả năng phù hợp của ứng sinh, trước khi giới thiệu lên Đức giám mục để chịu chức. Vì chính Đức giám mục là người, xét cho đến cùng và do trách nhiệm giám mục, chuẩn nhận việc đào tạo ở chủng viện dành cho các ứng sinh của giáo phận mình và quyết định gọi họ vào linh mục đoàn giáo phận hay không. Đức giám mục làm việc này dựa trên sự giới thiệu của Hội đồng chủng viện, mà Hội đồng này, trong một số trường hợp, có thể đưa ra một nhận định tiêu cực nếu họ xét thấy một ứng sinh không hội đủ những yếu tố cần thiết.

Hội đồng này đưa ra nhận định và trình bày với Đức giám mục theo tòa ngoài, dựa trên sự hiểu biết về chủng sinh qua dòng thời gian, và thẩm định khả năng của chủng sinh theo các chiều kích khác nhau của việc đào tạo. Đó là một nhiệm vụ tinh tế, được ủy thác cho các linh mục được xem là có khả năng phán đoán, có kinh nghiệm thiêng liêng và mang tâm thức mục vụ. Nó đòi hỏi một thái độ chia sẻ thật sự đời sống của chủng sinh, một sự cảm thông với những khát vọng của họ, và một cuộc đối thoại huynh đệ chân thành. Đây đích thật là một công việc của Giáo hội, vì chức tư tế của hàng linh mục là nhân danh Chúa Ki-tô mà phục vụ chức tư tế của các tín hữu, nhằm giúp họ tăng trưởng trong đức tin, đức cậy và đức mến. Chính vì vậy mà toàn thể Giáo hội tham gia vào quá trình đào tạo và chọn gọi các ứng sinh lên chức linh mục: Đức giám mục dĩ nhiên là người có thẩm quyền sau cùng, Hội đồng chủng viện được Đức giám mục bổ nhiệm, và sau nữa là tất cả những ai mà Giáo hội tham vấn, gồm linh mục, phó tế, nam nữ tu sĩ, giáo dân, là những người quen biết các ứng sinh và có thể đưa ra ý kiến đánh giá.

Chức tư tế của hàng linh mục là một hồng ân mà Giáo hội nhận được từ Chúa Ki-tô nhằm phục vụ con người, vì thế, chỉ được trao ban cho những ai có khả năng phù hợp theo cái nhìn của Giáo hội để thi hành sứ vụ này. Do đó, cần có một sự phân định dài lâu nhằm xác minh và thử thách các khả năng này. Cả Giáo hội và ứng sinh đều dấn thân vào quá trình này, mỗi bên theo cách thức và vai trò của mình: Giáo hội với tư cách là người chịu trách nhiệm chọn gọi và phong chức linh mục, ứng sinh với tư cách là người trao hiến cách tự do cho Giáo hội để phục vụ. Cả hai đều chỉ có một mục đích: lợi ích của các cộng đoàn tín hữu và của tất cả những ai mà các linh mục tương lai gặp gỡ và thi hành sứ vụ. Đó chính là nền tảng sự tin tưởng mà Giáo hội và ứng sinh dành cho nhau trong suốt những năm tháng đào tạo trước khi chịu chức. Ứng sinh đặt niềm tin vào Giáo hội vì biết Chúa Thánh Thần đang hoạt động trong Giáo hội, và bởi chính trong Giáo hội và vì Giáo hội mà các linh mục hiến mình phục vụ con người; còn Giáo hội tin tưởng ở các ứng sinh vì biết rằng Chúa Thánh Thần cũng đang hoạt động nơi họ, khiến họ trao ban chính mình với tất cả sự chân thành, không che giấu.

  1. Niềm tin vào Giáo hội là người mời gọi và sự dấn thân cá nhân cách tự do

Trong viễn tượng này, trở thành linh mục không thể được xem là việc thi hành một ước vọng cá nhân. Các linh mục dấn thân phục vụ Giáo hội qua việc loan báo Tin mừng, và họ nhận sứ vụ này từ Giáo hội. Họ liên kết mật thiết với Giáo hội, không thể tách rời. Họ là thừa tác viên của Giáo hội. Họ nói và hành động nhân danh Giáo hội. Đời sống của một linh mục sẽ ra sao nếu thiếu đi niềm xác tín mà chúng ta đang nói tới đây? Dĩ nhiên đời sống này phải bắt đầu ngay từ thời gian đào tạo. Nó là tiền đề của sự cộng tác mà họ sẽ thể hiện sau này với giám mục của mình, với linh mục đoàn mà họ làm việc chung, và với giáo dân mà họ thi hành tác vụ. Để nhận định dễ dàng hơn, điều cần thiết là các ứng sinh phải bộc lộ con người mình để những người có trách nhiệm đào tạo có thể đánh giá một cách ý thức và đầy đủ về những khả năng thích hợp của ứng sinh đối với sứ vụ linh mục. Nếu họ che giấu những nết xấu trong tính cách của mình hoặc những tình tiết nghiêm trọng của lịch sử bản thân vì sợ không được làm linh mục, thì họ có nguy cơ sống đời linh mục như một cuộc chinh phục cá nhân, chứ không như một hồng ân Chúa ban qua tay Giáo hội. Một thái độ như vậy, nếu có, là một hình thái phủ định, thường là một cách vô thức, về chính bản tính chức tư tế của hàng linh mục. Đó là thái độ xem chức linh mục như một giá phải trả, chứ không phải là một hồng ân, xem đó là việc thực hiện một dự án cá nhân, chứ không phải là việc đón nhận một lời mời gọi từ Chúa qua Giáo hội. Dĩ nhiên trong thực tế, mọi việc thường phức tạp hơn, mờ mịt hơn, và khó xác định. Vì thế, điều cốt yếu là giúp các ứng sinh linh mục đừng cư xử như thể là người làm chủ dự án của mình, nhưng là đón nhận dự án đó từ Chúa qua Giáo hội. Đây là một trong những mục tiêu chính yếu của việc đào tạo. Ta có thể nói rằng khi một ứng sinh linh mục chân thành tin tưởng đặt để ơn gọi của mình vào tay Giáo hội, thì người đó sẽ sẵn sàng thi hành sứ vụ của mình với một sự tự do thiêng liêng mang lại hoa trái dồi dào. Nhưng tin tưởng phó thác vào Giáo hội không đồng nghĩa với một thái độ hoàn toàn trơ ì, thụ động. Giáo hội cần sự dấn thân tích cực của các ứng sinh. Trong phần lớn trường hợp, chính các ứng sinh tự mình đến với Giáo hội, do được thúc đẩy bởi một tiếng gọi nội tâm mà họ nghe được từ giữa cuộc sống Ki-tô hữu và muốn trải nghiệm tiếng gọi ấy, nên họ bày tỏ ước nguyện với Giáo hội. Còn trong một số trường hợp khác, chính Giáo hội, qua trung gian một linh mục hoặc các thành viên của cộng đoàn địa phương, khởi xướng một đề nghị trực tiếp với những bạn trẻ có đời sống Ki-tô hữu mạnh mẽ và xác tín; các ứng sinh lúc đó phải xem câu hỏi người ta đặt ra cho mình như là của chính mình vậy. Dù việc tiếp xúc giữa Giáo hội và ứng sinh có theo hình thức nào đi nữa, thì chính ứng sinh, hoặc là người chủ động bày tỏ ước nguyện của bản thân hoặc là người đón nhận lời mời gọi của Giáo hội, phải cho thấy sự dấn thân tích cực trong việc định hướng đời sống đang mở ra trước mắt mình. Được cụ thể hóa qua việc phong chức, ơn gọi linh mục thật ra là cuộc gặp gỡ giữa hai ước nguyện, thường là mãnh liệt như nhau: một là mong ước của Giáo hội, vì Giáo hội cần các linh mục và ký kết giao ước với những người mà Giáo hội quyết định chọn gọi; hai là ước vọng của ứng sinh, người dấn thân trọn vẹn vào một dự án mà mình xây dựng song cũng đồng thời giao phó nó trong tay Giáo hội.

  1. Linh hướng: yếu tố hàng đầu trong cơ chế đào tạo

Cần phải luôn nhớ lại cuộc gặp gỡ giữa hai ước nguyện trên đây và cuộc đối thoại kèm theo đó, nếu người ta muốn định vị đúng việc linh hướng trong toàn thể chương trình đào tạo linh mục. Cuộc đối thoại này được biểu tượng trong lời trao đổi diễn ra trong chính nghi thức truyền chức, giữa vị giám mục và người sắp lãnh nhận chức thánh. Đức giám mục hỏi ứng sinh có muốn được truyền chức và có chấp nhận những đòi hỏi của chức vụ sắp được giao phó cho mình hay không. Câu hỏi này rõ ràng không hoàn toàn mang tính hình thức. Câu trả lời cũng biểu lộ một ý chí tự do và xác quyết mạnh mẽ. “Thưa, con muốn”, lời đáp của người thụ phong có thể được hiểu thế này: “Con muốn với tất cả sức mạnh của ý chí, tận hiến chính mình như một quà tặng tự do tự nguyện”.

nmkn4

Qua cuộc đối thoại này, Giáo hội cho thấy tầm quan trọng của việc bày tỏ ước nguyện nơi các ứng sinh, và của sự tự do nơi họ nữa. Người ta chỉ có thể liều mình sống sứ vụ linh mục, nếu người ta dấn thân với tất cả sức lực và sự quảng đại do lòng khát khao của mình. Chính ở đây, việc linh hướng đóng vai trò quan trọng. Trong việc đào tạo, đây chính là nơi ưu tiên để xem xét và giáo dục ý hướng của các ứng sinh. Vì lý do đó, Giáo hội muốn làm sao để các chủng sinh có được các phương thế linh hướng nghiêm túc và đầy đủ. Các cha linh hướng được Đức giám mục bổ nhiệm, vì đây là một công việc chính thức, đòi hỏi kinh nghiệm và khả năng. Mặt khác, một trong những nhiệm vụ của cha giám đốc chủng viện là lo liệu làm sao để mỗi chủng sinh có một cha linh hướng, và đảm bảo cho việc lựa chọn linh hướng được hài hòa. Việc lựa chọn cha linh hướng được thực hiện qua trung gian cha giám đốc. Cha giám đốc cũng chính là người mà chủng sinh sẽ thưa chuyện khi muốn thay đổi cha linh hướng. Cha giám đốc phải lưu ý làm sao để việc thay đổi cha linh hướng không phải là một ý thích nhất thời, nhưng nếu ngài nhận thấy có sự thiếu tự do thật sự trong tương quan đôi bên, thì ngài sẽ tạo điều kiện thay đổi dễ dàng, luôn với ý hướng mang lại cho các chủng sinh những phương thế dấn thân cách tự do nhất.

Một điều rất may mắn và vẫn thường xảy ra là, trước khi bước vào giai đoạn đào tạo ở chủng viện, các chủng sinh đã có kinh nghiệm về việc linh hướng, vốn là động lực đưa họ đến ngưỡng cửa chủng viện. Vị linh hướng đã đồng hành với một chủng sinh ở giai đoạn tiền chủng viện này, dù từng có vai trò quan trọng thế nào đi nữa, thì giờ đây cũng phải biết xóa mình đi. Nếu ngài cứ tiếp tục gặp gỡ thường xuyên người thụ hướng cũ của mình, sẽ khiến họ khó tạo lập sự tin tưởng với cha linh hướng mới. Kiểu “linh hướng song đôi” như vậy luôn có hại, người ta không nói cùng một sự việc cho cả hai vị linh hướng, và ít nhiều có khuynh hướng chọn lọc những lời khuyên nhận được. Điều này không có nghĩa là các chủng sinh phải cắt đứt hoàn toàn mối liên hệ, mà chỉ muốn nói rằng họ phải làm cho mối liên hệ đó tiến triển nhằm giúp cơ chế đào tạo đóng vai trò trọn vẹn hơn.

Như vậy, việc linh hướng không được tách rời khỏi cơ chế đào tạo, ngược lại, nó là thành phần không thể thiếu, tùy theo mức độ trong đó vai trò của cơ chế đào tạo là thiết lập cuộc đối thoại giữa điều mà chúng ta đã gọi là ước vọng của Giáo hội và của ứng sinh, cuộc đối thoại mang ý nghĩa và đạt tới đỉnh cao trong lời vấn đáp ngày lễ phong chức. Thật vậy, việc linh hướng nhằm giúp xem xét và tinh luyện động cơ, ý hướng của người chủng sinh, và nhờ đó giúp họ chuẩn bị cho cuộc đối thoại với Giáo hội. Một cuộc hội thảo cách đây mấy năm, có một bài tham luận về đề tài này mang tựa đề “Việc linh hướng hay sự phòng vệ của người thụ hướng”, như thể người thụ hướng có những lý do để tự bảo vệ mình trước một Giáo hội bị coi là tấn công hoặc đe dọa anh ta. Điều đó là đúng nếu như có một cuộc cạnh tranh giữa đôi bên. Chúng ta đã nhấn mạnh điều này: cả cơ chế đào tạo lẫn người linh mục tương lai đều phụ thuộc vào một thiện ích vượt cao hơn họ: đó là lợi ích của những người nam, người nữ mà người linh mục tương lai nhận lãnh trách nhiệm săn sóc mục vụ. Như vậy, hai bên cùng có chung “lợi ích”. Và sự phân định của mỗi bên được đặt trên một nền tảng chung, đó là thiện ích của Giáo hội. Chính vì vậy, các quyết định sau cùng của họ liên quan đến định hướng chức thánh thông thường phải phù hợp với nhau, vì Chúa Thánh Thần soi sáng cho cả hai, cả cơ chế đào tạo lẫn ứng sinh linh mục. Thế nhưng, việc phân định cũng là việc của con người, và có thể xảy ra là những cái nhìn khác nhau đưa đến những kết luận khác nhau. Đau lòng nhất là trường hợp một ứng sinh cứ khăng khăng theo định hướng của mình, trong khi Hội đồng chủng viện đề nghị người đó từ bỏ ý định tu trì. Từ đó cho thấy tầm quan trọng của việc trao đổi, đối thoại trong suốt quá trình đào tạo. Thật vậy, cha giám đốc chủng viện gặp gỡ mỗi chủng sinh cách đều đặn (kinh nghiệm cho thấy nhịp độ hai lần mỗi năm là tốt) để cho họ biết quá trình tiến triển của mình, theo cách thức mà Hội đồng chủng viện nhìn nhận theo tòa ngoài. Chính trong cuộc gặp gỡ này, cha giám đốc cho chủng sinh biết những điểm tích cực, đồng thời cả những nhận xét tiêu cực nhằm giúp chủng sinh sửa mình. Đôi khi, ngài phải cho chủng sinh biết những e ngại của Hội đồng chủng viện về tương lai của họ, nhằm hướng dẫn họ đặt ra những câu hỏi căn bản hơn nữa về định hướng của mình. Cuộc trao đổi giữa cha giám đốc và chủng sinh tất nhiên sẽ được lặp lại trong việc linh hướng. Cha linh hướng cần lưu tâm nhất đến việc chủng sinh đã hiểu như thế nào về ý kiến mà cha giám đốc đã nói, nhằm giúp họ suy nghĩ và tiến triển hơn trong sự phân định của bản thân.

  1. Người thụ hướng và cha linh hướng

Không phải cha linh hướng là người phân định, nhưng là chính chủng sinh. Chính chủng sinh là người cho ý kiến về định hướng đời mình, và là người quyết định tiến lên chức linh mục hay không. Người chủng sinh không cần phải đợi cha linh hướng chỉ bảo tương lai của mình. Cha linh hướng hiện diện ở đó là để giúp người chủng sinh phân định, và không làm thay. Chính người chủng sinh dấn thân vào cuộc, và cha linh hướng phải để cho anh được hoàn toàn tự do mà đưa ra một quyết định đầy trách nhiệm. Một trong những cám dỗ của cha linh hướng, khi thấy người thụ hướng do dự, là tìm cách giải quyết mau chóng tình trạng lưỡng lự của họ, thay vì dùng thời gian để giúp họ định hình tính cách của mình rồi tự quyết định sự việc một cách trưởng thành. Như vậy, nói đúng hơn, không phải cha linh hướng đại diện cho cái được gọi là tòa trong (tức là nơi đưa ra nhận định), nhưng là chính bản thân chủng sinh; cha linh hướng giúp họ làm việc này: là xây dựng con người nhân bản và thiêng liêng của mình làm sao để có thể đưa ra một lựa chọn đúng đắn, dưới tác động của Chúa Thánh Thần. Điều này không có nghĩa là cha linh hướng giữ thái độ im lặng thụ động. Nếu ngài nhận thấy người thụ hướng đang lầm lẫn khi định hướng tiến đến chức linh mục, thì ngài phải cho anh biết điều đó. Trong trường hợp ngược lại, ngài có thể kín đáo cho biết rằng quyết định xin phong chức mà người thụ hướng đưa ra là phù hợp với quá trình phân định bấy lâu nay. Nhưng ngài phải tránh quyết định thay cho người thụ hướng, và đừng đi trước anh trong sự lựa chọn này.

  1. Tôn trọng tự do của ứng sinh và sự tin tưởng của họ đối với cha linh hướng

Bây giờ ta hãy trở lại với ý tưởng đã được đề xuất trên đây: trong việc đào tạo, linh hướng là nơi ưu tiên để xem xét và giáo dục ý hướng của các ứng sinh. Nơi ưu tiên có nghĩa không phải là nơi duy nhất, vì toàn bộ việc đào tạo góp phần vào đó. Tuy nhiên, chính trong khuôn khổ việc linh hướng mà người ta có thể nhìn lại và tóm kết cả cuộc đời mình; những tình tiết cuộc đời xem ra rời rạc giờ đây có thể gắn kết làm một; người ta có thể dệt nên tấm lưới đan kết các sự kiện với nhau, nhờ vào khoảng cách mà cuộc trao đổi với cha linh hướng mang lại; toàn bộ đời sống nhờ đó mặc lấy ý nghĩa, tìm thấy lối đi và định hướng, qua việc đặt mọi phần của cuộc sống vào đúng vị trí trong lịch sử bản thân.

Việc xếp đặt lại mọi sự này sẽ được làm tốt hơn nhiều nếu người chủng sinh chịu để cho ánh sáng chiếu soi cách trung thực trên những động lực, ý hướng sâu xa của mình, trên những góc mờ khuất nhất của con người mình, nhằm giúp nhận ra bản thân cách tốt hơn, và nhờ vậy cho phép cha linh hướng giúp mình cách hiệu quả nhất. Như vậy, trung thực về bản thân rõ ràng là một đòi buộc, nhưng cũng là một trong những điều kiện thiết yếu để tiến bộ về đàng thiêng liêng, để thật sự chấp nhận bản thân trước mặt Chúa, để đón nhận với sự biết ơn lòng thương xót của Chúa, để lượng giá chính xác các khả năng của mình theo cái nhìn của Chúa, và nhờ đó có đủ thành thật khi tự hiến để phục vụ Giáo hội.

Như thế, trong việc linh hướng, rõ ràng người khởi xướng không phải là cha linh hướng, mà phải là chủng sinh. Đã hẳn, cha linh hướng có thể thúc đẩy, khuyến khích, khuyên bảo, nhưng không làm thay người thụ hướng. Duy chỉ người thụ hướng có khả năng mở rộng cánh cửa tâm hồn, điều mà mọi truyền thống linh đạo đều xem là một điều kiện thiết yếu để tiến bộ về đàng thiêng liêng. Chỉ khởi đi từ việc rộng mở lương tâm này mà cha linh hướng mới có thể, bằng kinh nghiệm và sự cảm thông chân thành của mình, giúp người thụ hướng làm sáng tỏ hết sức có thể những gì còn tối tăm mờ mịt trong đời sống của họ, giúp họ nhận ra ý muốn của Chúa và đưa ra quyết định cần thiết qua việc phân định.

Điều này giả thiết người thụ hướng phải có một sự tin tưởng đặc biệt đối với cha linh hướng. Người ta không thể vén mở lương tâm và bày tỏ những động cơ sâu kín của lòng mình, nếu lo ngại trước những phản ứng của người nghe, hoặc cảm thấy không được thông hiểu, thậm chí bị xét đoán. Ít ra người thụ hướng cần được an tâm về sự kín đáo của cha linh hướng. Về vấn đề này, luật giữ bí mật phải được áp dụng. Đó là điều kiện cần thiết để người thụ hướng có thể thổ lộ với tất cả tự do. Đã xảy ra trường hợp luật này bị đặt vấn đề. Ví dụ trường hợp cha linh hướng biết được những sự kiện hoặc hoàn cảnh nào đó tự bản chất ngăn trở người thụ hướng tiến chức, ngài không có bổn phận phải nói ra sao? Trong trường hợp đó, cha linh hướng trước tiên có bổn phận phải thông báo cho người thụ hướng về trách nhiệm nặng nề họ phải chịu nếu tiếp tục tiến chức, mời họ nói ra ở tòa ngoài, yêu cầu họ đi gặp bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý nếu đó là những điều gây mất sự cân bằng tâm lý, tình cảm. Trong một số trường hợp và nếu không có nguy cơ bị vu khống hay hiểu lầm, cha linh hướng thậm chí có thể ngừng việc đồng hành và đề nghị họ thay đổi cha linh hướng. Nhưng nếu các vị linh hướng được phép tiết lộ điều mình biết, ngay cả trong những điều kiện rất hợp lý, thì việc này sẽ làm tổn thương nghiêm trọng đến sự tin tưởng của các chủng sinh, không chỉ đối với các vị linh hướng mà còn với cả toàn bộ cơ chế đào tạo nữa; hơn thế, điều này có thể dẫn đến hậu quả tai hại: những ai cảm thấy lo lắng về tương lai của mình sẽ không còn cởi mở nữa, và như thế sẽ không được trợ giúp để suy nghĩ thấu đáo về hoàn cảnh của mình. Vậy các cha linh hướng không được can thiệp ở Hội đồng chủng viện khi liên hệ đến những người thụ hướng của mình, và thông thường trong đời sống hằng ngày, các ngài phải giữ một sự kín đáo lớn nhất về họ nữa.

Sự kín đáo này nhấn mạnh rằng việc linh hướng có mục tiêu hàng đầu là việc đào tạo con người bên trong, ở đó họ lắng nghe tiếng Chúa Thánh Thần, ở đó, như các bậc thầy của Trường phái linh đạo Pháp thường nói, Chúa Giê-su Ki-tô được thành hình trong các tâm hồn, ở chốn sâu thẳm nhất này của con tim là nơi tinh luyện thái độ sẵn sàng với Chúa Thánh Thần và là nơi chuẩn bị lễ vật dâng lên Chúa Cha. Trong một chủng viện, hành trình chuẩn bị cho việc tiến đến chức thánh phải dựa trên nền tảng của việc đào sâu đời sống Ki-tô hữu. Người ta không thể được đào luyện tinh thần của chức tư tế linh mục mà không đồng thời tiến sâu hơn luôn mãi trong đời sống Ki-tô hữu. Không phải người ta hết làm người Ki-tô hữu khi trở thành linh mục, ngược lại, họ phải sống Phép Rửa của mình cách sâu xa hơn. Khi dấn thân phục vụ các Ki-tô hữu khác, các linh mục vẫn là anh em của họ, và sống các đòi hỏi của Tin mừng khi thi hành tác vụ. Về điểm này, còn có thể kể đến một tình huynh đệ đích thật giữa các nhà đào tạo với những người chuẩn bị tiến chức. Bên cạnh việc thực thi trách nhiệm đối với các tiến chức, trong đời sống thường ngày của mình, các nhà đào tạo cũng sống chung một tiếng gọi Tin mừng với họ. Điều đặc biệt quan trọng là việc các chủng sinh nhận thấy được rằng các nhà đào tạo của mình sống kết hợp mật thiết với Chúa Ki-tô, khi thi hành sứ vụ bên cạnh họ. Cũng quan trọng không kém là việc các người thụ hướng cảm thấy được rằng cha linh hướng nói với mình bằng một kinh nghiệm sâu xa, ngay cả khi ngài không hề tìm cách áp đặt kinh nghiệm đó, cũng như không muốn nhào nặn họ theo gương mẫu của mình.

Vậy chúng ta hiểu rằng việc linh hướng phải đề cập đến toàn bộ đời sống; trước hết, bởi vì không gì có thể ra ngoài Tin mừng Chúa Ki-tô; sau nữa, bởi vì khi muốn trở thành linh mục, người ta cần phải xem xét hết mọi chiều kích cuộc đời trước mặt Chúa. Có thể xảy ra trường hợp là các chủng sinh ngần ngại nói về một vài khía cạnh nào đó của đời mình, chẳng hạn về tiền bạc hay tính dục. Nhưng làm sao họ có thể cam kết sống đời độc thân mà không thể nói với một ai khác về những khó khăn, rắc rối của họ ở vấn đề này; không thể suy nghĩ cùng với cha linh hướng về cách thức sống đời tính dục của mình; và không thể đánh giá xem liệu mình có thể từ bỏ đời sống hôn nhân, gia đình để sống đời dâng hiến cách hạnh phúc mà không phải che giấu những khó khăn hay không? Đứng trước những thái độ im lặng như vậy, vai trò rất quan trọng của cha linh hướng là mời gọi các chủng sinh mạnh dạn nói về những chủ đề tế nhị mà họ thường ngần ngại đề cập. Chính đây là lúc mà mối liên hệ tốt đẹp giữa cha linh hướng và người thụ hướng sẽ có thể giúp làm cho cuộc đối thoại dễ dàng hơn.

Nguyễn Hữu Đức, PSS,

(dịch)

 nmkn5

“LÂU ĐÀI NỘI TÂM” nói gì

về những chia trí trong cầu nguyện?

Chia trí trong cầu nguyện, đó là cái ‘tội’ mà các cha giải tội thường nghe nhất. Đó cũng là ‘vấn đề’ mà các vị linh hướng thường được trình bày nhất trong các cuộc gặp gỡ đồng hành thiêng liêng. Nhưng phải chăng chia trí chỉ đơn giản là ‘tội’, là ‘vấn đề’? Có nên nhìn những chia trí như là ân phúc thay vì là cái gì đáng nguyền rủa không?

Trong “Lâu Đài Nội Tâm”, Têrêsa khẳng định rằng chia trí luôn luôn còn mãi với chúng ta. Và mục tiêu của cầu nguyện không phải là tống khứ những chia trí. Bởi vì việc cố sức tống khứ những chia trí lại cho thấy đó chính là một dạng chia trí khác!

Chia trí là một phần của cầu nguyện. Nó kêu gọi ta chú ý đến dòng ý thức của mình. Dòng ý thức này cho biết rằng ta đang sống. Xét như một đặc tính của hiện hữu con người, những chia trí cũng là thụ tạo của Thiên Chúa. Thiên Chúa nói với ta xuyên qua chúng, cũng giống như Thiên Chúa nói với ta xuyên qua mọi thụ tạo khác vậy. Vì thế, những chia trí có thể phục vụ như một “lời của Chúa” mời gọi chúng ta hiểu biết chính mình nhiều hơn và buông tâm trí mình cho Thiên Chúa cách sâu xa hơn. Thiên Chúa dùng mọi cơ hội để giúp chúng ta cảm thấu cả Ngài lẫn chính mình. Những chia trí cung ứng cửa ngõ đích thực dẫn đến sự sống viên mãn hơn trong Thiên Chúa. Chúng thường phản ảnh các thực tại sâu xa giấu ẩn trong tâm hồn con người. Chúng có thể cho thấy những giá trị và những gì mà chúng ta quí chuộng. Chúng cũng có thể cho thấy rõ những quyến luyến của ta, và sự mỏng dòn riêng của ta đối với tội lỗi. Đồng thời, sự chán nản mà ta cảm thấy do những chia trí của mình là dấu cho thấy nỗi khát khao Thiên Chúa trong tâm hồn mình, nỗi khát khao này cùng tồn tại với những xung đột bên trong chúng ta.

Bảy cư sở trong “Lâu Đài Nội Tâm” phản ảnh các cấp độ khác nhau của cầu nguyện – và đồng thời cũng phản ảnh các cấp độ khác nhau của chia trí. Chúng ta được kỳ vọng cố gắng khám phá các cấp độ khác nhau của những chia trí, và ý nghĩa của chúng. Nhờ sự nhận hiểu này, chúng ta có thể lắng nghe một cách mới mẻ thông điệp từ những chia trí của chúng ta, và khám phá tiềm năng đem lại sự chuyển hóa của chúng.

Chia trí giúp chúng ta trực giác về chính mình. Theo Karl Rahner, để biết mình, trực giác này còn hữu hiệu hơn cả sự tự thức của tâm trí.

Hành trình xuyên qua “Lâu Đài Nội Tâm” của Têrêsa chính là hành trình khám phá VÔ THỨC SIÊU NHIÊN của Jacques Maritain. Chia trí trong cầu nguyện chính là những cú ngoi lên của vô thức siêu nhiên này.

Vì thế, nếu bạn thấy mình đã chia trí trong giờ nguyện gẫm sáng nay, và bạn chỉ đơn giản thưa với Chúa: “Lạy Chúa, xin tha thứ cho con”, hoặc thưa với Cha giải tội: “Con đã phạm tội chia trí trong cầu nguyện” – thì chẳng có ý nghĩa gì mấy. Bạn sẽ chẳng đi đến đâu cả!

Thay vào đó, nếu bạn không dừng lại ở chỗ xác định có hay không có chia trí, mà còn khám phá để gọi tên những chia trí của mình, truy ‘lý lịch’ của chúng cho đến tận xuất xứ của chúng, thì bạn đang nắm hiểu vô thức thiêng liêng của mình nhiều hơn, và do đó biết mình nhiều hơn.

Bằng cách đó, chia trí được thấy là ân phúc, là tiếng mời gọi của Chúa, chứ không phải là một cái gì đáng nguyền rủa.

Thiên Phong (tóm lược theo Sr. Vilma Seelaus, OCD., Distractions in Prayer: Blessing or Curse?: St. Teresa of Avila’s Teachings in The Interior Castle)

 

 Câu chuyện tình khó tin

nhưng có thật

Bernard Phạm Hữu Quang, PSS


Trong bối cảnh của Thượng Hội Đồng Giám Mục thảo luận về gia đình (2015) và Năm Lòng Thương Xót Chúa (2016), bài này nói về một câu chuyện tình rất đặc biệt mà có lẽ mọi người đã từng nghe qua, kèm theo một vài suy tư xin chia sẻ.

nmkn6

     Chàng trai nọ, vì một tiếng thì thầm linh thiêng nào đó thúc đẩy, đi đến hôn nhân với một cô gái “điếm”. Trước lời ngỏ của chàng trai, đặc biệt với những món quà rất hấp dẫn do chàng mang đến, cô gái bằng lòng về chung sống với chàng. Sau một thời gian ngắn, nàng đã sinh hạ liên tục cho chàng ba người con. Những người con với những cái tên có vẻ kỳ quặc đã trở nên những dấu chỉ quan trọng cho người cùng thời…

Thế rồi, xung khắc xảy đến từ bên trong của cuộc sống vợ chồng: tính tình, sở thích khác biệt, cách đối xử với nhau qua lời nói, cử chỉ, hành động, và nhất là thói ‘ngựa quen đường cũ’, cô gái trở lại nghề xưa, bỏ bê chồng con để chạy theo các tình nhân của nàng. Cám dỗ đến từ bên ngoài cũng không nhỏ: những cuộc vui của các lễ hội theo mùa mà thường kèm theo là những hành vi tính dục, những nghi thức tôn giáo diễn tả tính phong nhiêu của vũ trụ, đất đai… Khi đến với các tình nhân, nàng lại coi những thứ mà người chồng ban cho nàng (bánh, nước, rượu, len vải, áo quần, đồ trang sức vàng bạc nhiều vô kể) như là những thứ do các tình nhân tặng nàng. Nàng chỉ biết vui chơi, hội hè, đình đám… bên những tình nhân của mình. Nàng đã quên đi chồng con và những trách nhiệm làm vợ và làm mẹ của mình.

Về phía người chồng, chúng ta có thể tưởng tượng được thái độ của chàng trước sự phản bội của người đàn bà mà chàng đã cưới về. Chàng vô cùng tức giận. Chàng cũng từng nghĩ đến những phương cách đối phó trước sự bất trung của người vợ:

-Thứ nhất, chàng suy tính lôi kéo những đưa con về phía mình để đưa mẹ chúng ra tòa. Chàng nói với các con: “Hãy đưa mẹ các ngươi ra tòa, đưa nó ra tòa đi!” Chàng muốn chính thức li dị người đàn bà trắc nết và vô ơn đó. Chàng đe dọa sẽ lột trần truồng nàng ra như ngày nàng mới lọt lòng mẹ nếu nàng không chịu vứt bỏ những dấu vết “đĩ thỏa trên mặt” nàng và những dấu ngoại tình trên người nàng. Chàng sẽ làm cho người đàn bà bất trung đó trở thành cằn cỗi. Những nét lôi cuốn bên ngoài của nàng sẽ bị cất đi và nàng sẽ nhục nhã vì bị lột trần trước mặt mọi người. Đây là phương thế sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến con người thể lý của người đàn bà.

-Thứ hai, để ngăn cấm việc vợ mình đi tìm các tình lang, chàng suy tính làm thế nào để xây các bờ tường thật cao, lấy gai góc chặn các lối đi. Đồng thời, chàng sẽ đòi lại tất cả những món quà mà chàng đã tặng cho nàng: lúa mì, rượu mới, áo quần, đồ trang sức, vàng bạc… Đây là chiến lược bao vây kinh tế. Chàng muốn tách nàng khỏi các tình nhân của nàng và lấy lại những gì thuộc về mình, ngay cả tiếng tăm. Chàng không muốn các tình lang của vợ mình hưởng những gì mà chàng ban cho nàng. Chàng hy vọng là khi làm như thế, người vợ, vì không đi tìm được các tình nhân và cũng chẳng còn gì để sống, sẽ quay lại với chàng. Nhưng nàng vẫn không trở lại.

-Thứ ba, chưa chịu thua, chàng nghĩ ra một chiến lược khác có tính tâm lý xã hội. Tâm lý chung là các cô các bà thích những ngày lễ hội hơn các ông vì đó là dịp để các bà các cô chưng diện và khoe sắc đẹp của mình. Biết như thế, chàng tính toán là sẽ tìm cách dẹp đi tất cả mọi cuộc vui mà người đàn bà chạy theo: những bữa lễ hội, đình đám, những cuộc họp mặt… Những ngày mà nàng đeo nhẫn, đeo kiềng chạy theo đám tình nhân của nàng sẽ bị dẹp bỏ hết.

Tới đây, chúng ta thấy sự ích kỷ, nhỏ mọn, ghen tương của người chồng bị phản bội. Chàng nghĩ: ta không được nàng thì cũng không ai được nàng cả. Chàng đúng là một người chồng tốt, nhưng là một người chồng rất ích kỷ và ghen tương. Chàng tìm nhiều cách, nhiều hình phạt khác nhau để chiếm lại nàng. Chàng nghĩ: nếu không chiếm lại được chút tình cảm nào của nàng thì ít nhất cũng không để mình thua các tình lang khác, mình phải lấy lại những của cải vật chất mà mình đã bỏ ra để cưới nàng, và đồng thời mình phải trả thù người đàn bà không chung thủy đó. Nói tóm lại, ăn không được thì phải đạp đổ để không ai được ăn cả!

Nhưng vô vọng, người vợ không trở về với chồng mình!

Người chồng lại tìm phương cách khác, lần này có vẻ tích cực hơn, đó là dùng chiến thuật tâm lý tình cảm. Chàng tự nhủ: “này ta sẽ quyến rũ nàng, đưa nàng vào sa mạc, để cùng nàng thổ lộ tâm tình”. Phải, vợ chàng đã trở nên sa đọa vì sống trong một môi trường đầy cám dỗ, đầy thú vui mê hoặc. Việc nàng cần, đó là đi vào sa mạc hoang vắng để nhìn lại chính nàng, để suy tưởng lại hạnh phúc của thời đính ước, để nhìn lại những trắc trở trong tương quan vợ chồng, để sửa đổi mình nhằm làm cho tương quan đó nên tốt đẹp hơn. Nhưng làm sao để quyến rũ nàng được nàng đây? Chàng suy nghĩ: tiền tài, của cải vật chất… nàng đã từng có; những ngày lễ hội, những cuộc vui… nàng cũng đã trải qua, và xem ra nàng thích thú những lễ hội đó hơn là những cuộc gặp gỡ riêng với chàng. Thật không dễ, nhưng chàng vẫn vun quén dự định là sau những ngày êm đềm trong sa mạc, khi nàng trở lại với chàng, chàng hứa sẽ thiết lập một giao ước với nàng, “một hôn ước vĩnh cửu… trong công minh và chính trực, trong ân tình và xót thương, trong tín thành”. Qua hôn ước đó mọi người, ngay cả thú vật đồng hoang cũng được hưởng sự bình an. Những đứa con sẽ được chúc phúc, được yêu thương, và hoàn toàn thuộc về cả hai người.

Những kế sách người chồng nghĩ ra để hoặc đe dọa, phạt, hoặc quyến rũ vẫn không hiệu nghiệm! Với thời gian, có lẽ chàng đã quên đi người đàn bà phụ tình đó. Chàng nghĩ là nàng không xứng đáng với mình và do đó, nàng không đáng để chàng bận tâm nữa. Thời gian cũng là liều thuốc chữa hay… Có lẽ, với thời gian, chàng đã tìm lại được chút bình an cho tâm hồn…

Nhưng, chính lúc đó, lúc chàng đã tìm lại phần nào sự yên tĩnh của tâm hồn thì cũng như lần trước, lại có tiếng thôi thúc huyền nhiệm bên trong, ra lệnh cho chàng “đi yêu lại người đàn bà đang có tình nhân và đang ngoại tình”. Sự khác biệt với lần trước, và cũng là yếu tố quan trọng trong lần này, đó là động từ “yêu”. Phải, lần trước, chàng được lệnh đi “cưới một người đàn bà làm điếm”; lần này, chàng được sai không phải đi cưới mà đi yêu cũng người đàn bà đó. Lý do đưa ra để thuyết phục chàng lần này là: “cũng như Đức Chúa yêu thương con cái Israel, trong khi chúng lại quay lưng đi theo các thần khác”.

Nghe theo lời thầm kín, thiêng liêng đó, người đàn ông đã bỏ ra một món tiền nhỏ không đáng kể, một món tiền không đủ để mua lại một người nô lệ, để chuộc vợ mình về. Chàng ra điều kiện cho nàng và cũng cho chính mình: “Trong một thời gian, mình cứ ở yên cho tôi, không được đi khách, không được theo người đàn ông nào cả; phần tôi, tôi cũng xử với nàng như thế”. Đúng thế, cả hai cần thời gian và không gian cho riêng mình cũng như cho nhau, dù trong hôn nhân. Trong lần gặp gỡ đầu tiên hai người đã đến với nhau quá nhanh. Họ cưới nhau cho dù trước đó không biết nhau. Trong thời gian sống với nhau chưa đầy 8 năm mà 3 đứa con đã ra đời. Họ không có thời gian cho nhau. Họ quá vội vã đến với nhau và sinh con. Nhịp điệu của tình yêu cần có thời gian và không gian để lớn lên, trong sự kính trọng và yêu thương nhau, chứ không phải chỉ nhờ vào những món quà vật chất hay đời sống tính dục. Những món quà vật chất sẽ làm cho con người lóa mắt và mù quáng, không nhận ra được ý nghĩa đích thực của tình yêu. Một đời sống tính dục buông thả trong hôn nhân cũng không mang lại hạnh phúc thật sự và bền lâu cho đời sống lứa đôi.

Trên đây là câu chuyện của ngôn sứ Hôsê và người vợ có tên là Gôme được tìm thấy trong 3 chương đầu của cuốn sách Thánh Kinh có tên là Hôsê. Câu chuyện đã được diễn giải theo cách hiểu của chúng ta. Câu chuyện đó có thể là một câu chuyện tình có thật của một ngôn sứ với một cô gái “điếm” để nói lên một câu chuyện tình khác thật hơn là câu chuyện tình của Đức Chúa với Israen, dân riêng Ngài; và đó cũng là câu chuyện tình giữa Thiên Chúa và mỗi người chúng ta. Câu chuyện đó nói với chúng ta ít là những điểm sau đây:

Thứ nhất, câu chuyện của ngôn sứ Hôsê và nàng Gôme trình bày trước hết bản chất của tội. Gôme là một cô gái điếm, nhưng không phải là một cô gái đứng đường thông thường. Nàng là một cô “điếm thánh” (hay điếm đền thờ) của tôn giáo thờ thần Baan. Thần Baan là vị thần của thiên nhiên, của sự phì nhiêu, trù phú của đất đai, thiên nhiên. Những ai muốn được ân huệ của thần Baan thì quan hệ với những cô gái điếm này, và dâng cúng tiền bạc cho đền thờ ấy. Trong câu chuyện, Gôme biểu trưng cho Israen, dân được Thiên Chúa chọn làm dân riêng của Ngài qua Giao Ước ký kết tại Sinai. Israen đã trở nên một dân tộc thánh thiện, một dân tư tế dành riêng cho Ngài. Điều kiện trong Giao Ước Ngài ký kết với họ là lòng trung thành của họ đối với Ngài; họ không được thờ các thần khác.

Nhưng Israen đã phản bội, chạy theo thần Baan và bỏ Đức Chúa, Thiên Chúa của mình, Đấng đã cứu họ khỏi kiếp nô lệ tại Ai Cập; Đấng đã dẫn dắt họ qua khỏi sa mạc chết chóc; Đấng đã đánh đuổi mọi quân thù của họ và ban cho họ Đất Hứa làm gia nghiệp, đất chảy sữa và mật ong. Đất và những gì trong đó, bao gồm cả những con người được sinh ra trong đó, là những món quà mà Thiên Chúa, như người chồng, đã ban cho Israen, vợ mình. Nhưng Israen đã bao phen phản bội Thiên Chúa, chạy theo các thần dân ngoại, thờ phượng các thần đó và coi các thần đó là những vị đã ban cho họ nhiều quà cáp, giàu sang, trù phú. Như thế, bản chất tội chính là sự phản bội lại Đức Chúa, phản bội lại tình yêu của Ngài để chạy theo thần Baan.

Câu chuyện của Hôsê và Gôme nhắc nhở đến Bí Tích hôn nhân mà đôi vợ chồng ký kết với nhau trước mặt nhân chứng của Giáo Hội. Họ thề hứa sẽ yêu thương, tôn trọng và chung thuỷ với nhau trọn đời dù khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi bệnh hoạn cũng như lúc mạnh khoẻ. Lời thề hứa đó trang trọng và giá trị lắm! Tuy nhiên, nhiều người, cách này hay cách khác, đã phản bội lời thề với người phối ngẫu của mình để chạy theo các Baan (thần tượng) khác: tiền của, tình dục…

Câu chuyện của Hôsê và Gôme cũng nhắc đến Giao Ước mà Thiên Chúa ký kết với mỗi người chúng ta qua bí tích Rửa Tội, qua đó chúng ta thuộc về Thiên Chúa và kết giao với Ngài. Nhưng như dân Israen, biết bao lần chúng ta bỏ Thiên Chúa để chạy theo những tình nhân khác. Những tình nhân hiện đại của chúng ta cũng vẫn là Baan, nhưng mang những mặt nạ khác nhau: tiền tài, danh vọng, nhục dục, thành công… Biết bao hồng ân chúng ta đón nhận từ Thiên Chúa nhưng chúng ta, như Gôme, cứ nghĩ đó là công sức chúng ta làm ra hoặc do ông chủ này, bà chủ nọ ban cho. Chúng ta mê say chạy theo những cuộc vui do các vị thần thế gian tạo nên và lãng quên Thiên Chúa.

Thứ hai, câu chuyện của Hôsê và Gôme không chỉ là câu chuyện tình đơn phương hay câu chuyện của một người đàn ông quảng đại đối với cô gái lăng loàn, không xứng đáng; hơn hết, đây là một câu chuyện của hai cuộc “trở về”.

-Hôsê trở về. Trong mọi cuộc hôn nhân bị đổ vỡ, luôn luôn có sự lầm lỗi của cả đôi bên, cách này hay cách khác. “Một bàn tay không vỗ nên tiếng”! Hôsê, một cách nào đó cũng đã tham dự vào sự đổ vỡ của gia đình chàng. Có lẽ chàng là người chồng tốt, tận tuỵ, biết lo lắng, chăm sóc đời sống vật chất của vợ con, nhưng thiếu nhạy cảm đối với tính tình, ước muốn, và ngay cả những khiếm khuyết của vợ. Chàng tỏ ra quá nghiêm khắc, chi li, và hay ghen. Chàng là ngôn sứ, người của Thiên Chúa, nên chàng rất trung thành với Đức Chúa. Nhưng việc chàng quá nghiêm khắc, quá đòi hỏi có lẽ đã làm cho Gôme, vợ chàng, khó chịu chăng. Không phụ nữ nào muốn sống chung với người chồng quá ghen tương, quá khắt khe để rồi luôn luôn giận dữ, gắt gỏng và bắt lỗi.

Còn nữa, khi đến với Gôme trong lần đầu, có lẽ Hôsê lấy cô gái “điếm đền thờ” đó chỉ vì do Thiên Chúa yêu cầu hay vì một lý do nào đó (gia đình, thương hại, hoặc muốn thay đổi người phụ nữ tội lỗi…), ngoại trừ tình yêu (bản văn Kinh Thánh không nói đến yêu trong lần đầu, Hs 1:2) . Là một người tôn thờ Đức Chúa và trung thành với luật lệ, Hôsê tự nghĩ là với lối sống đạo đức, nghiêm túc, làm gương của mình, chàng sẽ thay đổi người đàn bà mà Thiên Chúa đặt để bên cạnh chàng. Chính vì nghĩ như thế, nên khi nàng bỏ ra đi, Hôsê trở nên rất gắt gỏng và giận dữ. Như một sự trả thù, chàng tìm mọi cách để lấy lại tất cả những gì chàng đã bỏ ra: thời gian, quà cáp, tiền của, lòng thương hại… chỉ trừ tình yêu là điều mà chàng chưa bỏ ra! Nhưng tất cả mọi phương thức, mọi kế sách, chiến thuật để đưa nàng về lại đều vô hiệu.

Tuy nhiên, Hôsê đã quên điều quan trọng cần thực hiện để cảm hóa người vợ không chung thủy đó chính là việc thay đổi chính mình, thay đổi nhận thức của chàng về tình yêu, thay đổi lối cư xử của chàng đối với con người mà chàng đã từng chung sống. Chàng đã lẫn lộn tình yêu với những món quà chàng mang đến cho nàng; để rồi khi bị phản bội chàng tìm hết mọi cách để đòi lại quà! Chàng quá ích kỷ. Hôsê ghen với các tình nhân của Gôme. Ghen cũng là một dấu chỉ biểu lộ của tình yêu, nhưng một tình yêu thiếu trưởng thành, thiếu tự tin. Hôsê cần trở về với ý nghĩa đích thực của tình yêu: đó là cho đi một cách hoàn toàn nhưng không; đó là chấp nhận người mình yêu như nàng là vậy. Hôsê cũng không nên nghĩ là sự đạo đức và cách sống nghiêm khắc của mình sẽ cảm hoá và thay đổi Gôme. Không, chỉ có tình yêu thật mới là điều mà Hôsê cần có để thay đổi. Hôsê được sai đi lấy lại Gôme làm vợ, lần này chỉ vì ‘yêu’, nhưng không phải bất cứ tình yêu nào cũng được, mà yêu như Thiên Chúa yêu. Phải, tình yêu của Thiên Chúa là gương mẫu cho mọi tình yêu khác trên trần thế.

-Thiên Chúa “thay đổi”. Nếu Gôme, người vợ trong câu chuyện, là biểu tượng cho dân Israen, thì Hôsê biểu tượng cho Thiên Chúa. Và như nói trên, nếu Hôsê phải thay đổi quan niệm và cách ứng xử của chàng với vợ mình, thì trong cùng một lô-gích đó, Thiên Chúa cũng cần “thay đổi” những kỳ vọng đặt nơi dân Israen, để trở thành tấm gương cho Hôsê: “ngươi hãy đi yêu người đàn bà đang có tình nhân và đang ngoại tình, cũng như Đức Chúa yêu thương con cái Israen” (Hs 3:1). Thiên Chúa thường được trình bày trong Cựu Ước là Thiên Chúa nghiêm khắc, xử phạt, và hay ghen; và Israen là một dân “cứng đầu” và hay phản bội, thì đó cũng là điều dễ hiểu. Gôme đã không chịu được một người chồng “khó tính” như Hôsê thì Israen cũng đã không đáp ứng được những đòi hỏi khắt khe – được thể hiện qua các luật lệ – của Thiên Chúa.

Tân Ước cũng trình bày một Thiên Chúa đó, nhưng Ngài được định nghĩa là “Tình Yêu”. Tân Ước phác hoạ cho chúng ta thấy rõ hơn khuôn mặt đích thực của Thiên Chúa, một Thiên Chúa “trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1,14), Ngài “có lòng hiền lành và khiêm nhượng” (Mt 11,29), Ngài không kết án người phụ nữ ngoại tình bị bắt quả tang (cf. Ga 8,1-11), Ngài dạy “hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét” mình (Lc 6,27), Ngài chủ động đi tìm “con chiên lạc” (Lc 15,47), Ngài tha thứ cho các môn đệ việc bỏ Ngài chạy tán loạn khi Ngài bị bắt, Ngài không chấp tội Phêrô, kẻ chối Ngài 3 lần, Ngài tha tội cho những kẻ đã đóng đinh Ngài trên thánh giá (Lc 23,34), Ngài tha tội cho kẻ trộm sám hối (Lc 23,39tt.)… Xem ra Thiên Chúa “thay đổi” thái độ từ nghiêm khắc đến thương xót đối với con người. Và Ngài cũng chờ đợi con người đáp trả bằng tình yêu.

Ngay cả chúng ta hôm nay cũng phải thay đổi cái nhìn của chúng ta về Thiên Chúa, một cái nhìn ảnh hưởng đến thái độ sống của chúng ta. Chúng ta có thể thường nghĩ về Thiên Chúa như một vị quan tòa nghiêm khắc, luôn sẵn sàng ra hình phạt mỗi khi ta có lỗi. Chúng ta bắt ép mình để làm những việc này nọ để như là lấy điểm với vị thẩm phán nghiêm khắc đó. Và khi làm được điều gì, chúng ta trở nên tự mãn, kiêu ngạo… Khi sai lầm, chúng ta trở nên giận dữ với chính mình, thường đổ lỗi cho tha nhân, và than trách Thiên Chúa. Và từ đó chúng ta cảm thấy khó chịu, bực bội, thiếu tự do trong tương quan với Thiên Chúa. Để rồi nhiều khi chúng ta muốn bắt chước người phụ nữ trong câu chuyện đi tìm các tình lang khác… Thiên Chúa thấu hiểu điều đó. Do đó, có thể nói rằng Ngài đã “thay đổi” cái nhìn và cách cư xử đối với con người. Nói khác đi, lời Chúa mạc khải cho chúng ta về Thiên Chúa dưới một góc độ khác tròn đầy hơn: một Thiên Chúa nhân ái, yêu thương. Từ đời đời Ngài yêu thương chúng ta không phải vì nhan sắc hay do công nghiệp mình tạo ra. Không, Ngài chấp nhận mỗi người chúng ta như những con người yếu đuối. Ngài ban cho tất cả, ngay cả người Con yêu dấu và duy nhất của Ngài, Đức Giêsu Kitô, vì yêu thương chúng ta. Tình yêu của Ngài bao gồm sự tôn trọng dành cho mỗi người. Chúng ta có quyền từ chối tình yêu của Ngài, và sự từ chối đó gắn liền với hậu quả của nó. Yêu nhau thì không bóp chết tự do của người mình yêu. Nhưng tự do không có nghĩa là làm gì thì làm! Sự lựa chọn tự do luôn kèm theo trách nhiệm và hậu quả. Tình yêu bao gồm một lời mời gọi thay đổi và lớn lên. Tình yêu Thiên Chúa mời gọi chúng ta sống xứng đáng là người yêu của Ngài. Mỗi người hãy là một người tình đáng yêu của Thiên Chúa và của nhau (đối với những ai sống trong đời sống hôn nhân). Muốn được yêu thì hãy là kẻ đáng yêu!

Thứ ba, cuộc hôn nhân của Hôsê và Gôme là biểu tượng cho giao ước giữa Đức Chúa với Israen; nhưng giao ước giữa Đức Chúa và Israen trở thành tiên trưng của giao ước giữa Đức Kitô và Giáo Hội; để rồi giao ước giữa Đức Kitô và Giáo Hội lại trở thành đối tượng và cùng đích mà bí tích hôn nhân Công Giáo nhắm đến. Sau những trục trặc trong đời sống lứa đôi, Gôme tự ý bỏ chồng con đi theo tình nhân, và Hôsê có sáng kiến riêng để kết án Gôme cách công khai (Hs 2,4). Chàng cũng đã nghĩ ra nhiều phương kế để trừng phạt và chia lìa nàng… (Hs 2,4-16). Nhưng Đức Chúa đã kêu gọi Hôsê và sai chàng đi yêu nàng lại (Hs 3,1). Hôsê đã vâng phục đáp trả lời mời gọi của Đức Chúa (Hs 3,2-3). Như thế, hôn nhân của Hôsê với Gôme, cho dù bao sóng gió, thử thách, cay chua, và đau khổ, vẫn thực hiện điều nằm trong thánh ý Thiên Chúa và được Đức Giêsu nhắc lại sau này: “Sự gì mà Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly” (Mt 19,6). Phải chăng, tất cả những ai sống trong bậc hôn nhân Công Giáo cũng được mời gọi để tự đặt cho mình những câu hỏi liên quan đến hôn nhân, bao gồm: kết hợp, trắc trở, chia ly, tha thứ, và tái kết hợp trong sự kính trọng và yêu thương?

Dĩ nhiên, đời sống hôn nhân không dễ dàng và đơn giản. Trung thành với nhau trong hôn nhân là một thách đố lớn, nhất là trong thời đại hôm nay. Hoà giải và tái kết hợp trong hôn nhân, theo lẽ tự nhiên con người, là một điều khó, nếu không muốn nói là không thể thực hiện! Tuy nhiên, những người sống bí tích hôn nhân cũng được mời gọi đến niềm hi vọng: “Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (Lc 1,37). Thiên Chúa cũng hiểu những khó khăn và ý định của Hôsê, nên khi ra lệnh cho Hôsê đi lấy lại người vợ đã chia tay, Ngài mời gọi Hôsê bắt chước Ngài: “Một lần nữa, ngươi cứ đi yêu người đàn bà đang có tình nhân và đang ngoại tình, cũng như Đức Chúa yêu thương con cái Israen trong khi chúng lại quay lưng đi theo các thần khác và thích bánh nho” (Hs 3,1). Những ai sống đời hôn nhân, những ngôn sứ của thời đại hôm nay, cũng được mời gọi bắt chước ngôn sứ Hôsê và Thiên Chúa thực thi lòng thương xót ngay trong đời sống hôn nhân. Những ai đang gặp khó khăn trong đời sống hôn nhân và đang nghĩ tới li dị cũng được mời gọi đọc lại câu chuyện của Hôsê và Gôme, của Thiên Chúa với Israen, của Đức Kitô và Giáo Hội, cũng như của Đức Kitô và mỗi người chúng ta, những người đã được đính hôn với Đức Kitô (2Cr 11,1tt.).

Huế 26 tháng 10 năm 2015

 nmkn7

NHẤN MẠNH LÒNG THƯƠNG XÓT,

BERGOGLIO GÂY XÁO TRỘN TRONG GIÁO HỘI

Ý kiến của Enzo Bianchi, Tu viện trưởng cộng đoàn Bose (Ý). Bài được đăng trên La Repubblica ngày 14/10/2015. Bản dịch tiếng Pháp của Sư huynh Matthias Wirtz, cộng đoàn Bose (La Croix, 29.10.2015).

Từ « apocalypse » không chỉ một cái gì có tính thảm họa, như nhiều người nghĩ, đúng hơn nó có nghĩa một « màn che được cất đi »; đó là một sự vén màn (révélation), sự hiện lộ của một thực tại vốn bất ngờ hay ẩn giấu. Theo nghĩa đó, những gì bộc lộ không chỉ trong những ngày này ở Thượng hội đồng, mà kể từ đầu triều đại giáo hoàng của Đức Phanxicô, quả là một sự vén màn cho thấy những tình thế tưởng chừng là bất khả, và phơi bày sự thật của lương tâm và tâm hồn người ta, thường che giấu đằng sau những nịnh hót, những thói giả hình của ngôn ngữ và thái độ.

nmkn8

Điều gì can hệ trong cuộc đối chất ở Thượng hội đồng, vốn đôi khi được thấy như một trận chiến quyết liệt? Đó không phải là những gì Giáo Hội tin trong niềm vâng phục của mình đối với Tin Mừng. Cách riêng, điều can hệ ở đây không phải là giáo lý Công giáo về tính bất khả phân ly của hôn nhân – và Đức Giáo hoàng Phanxicô đã hơn một lần tuyên bố bảo đảm về điều đó – cũng không phải là một sự thương lượng của Giáo Hội, và trước hết là sự thương lượng của các mục tử, về gia đình ngày nay, về sự khủng hoảng của nó, về những vết thương mà nó có thể ghi lại trong các câu chuyện tình yêu, về sự mong manh của nó, cũng như về những thành công luôn luôn bất toàn và mâu thuẫn của nó. Không phải thế, điều can hệ ở đây chính là chiều kích mục vụ, tức thái độ cần có đối với những người lầm lạc và đối với xã hội hiện nay. Và theo nghĩa này thì chính Giáo Hội – vốn đã lãnh nhận các bí tích từ Chúa và tin vào chúng với lòng vâng phục, để làm người ban phát các bí tích – có nhiệm vụ ấn định kỷ luật qua việc canh tân nó và làm cho nó trung tín hơn với Tin Mừng vốn luôn được hiểu tốt hơn trong dòng lịch sử nhờ tác động của Chúa Thánh Thần.

Cần nói rõ: điều gây xáo trộn ở đây chính là lòng thương xót! Nghe thật khó tin. Nhưng chúng ta không được quên rằng Chúa Giêsu đã không bị kết án và xử tử bởi vì Người đã phạm tội nào đó theo luật Rôma, cũng không phải bởi vì Ngài đã bác bỏ lời Thiên Chúa được chứa đựng trong lề luật và các ngôn sứ, nhưng chính vì lối cư xử quá giàu lòng thương xót của Người vốn phá vỡ các rào chắn do những người công chính lòng chai dạ đá dựng nên chống lại các tội nhân công khai: quả thế, Người đã loan báo ơn tha thứ mà không nại đến một công lý báo thù và trừng phạt nào, Người thích lui tới với những người được xem là đĩ điếm, tội lỗi, và đồng bàn với họ. Cách cư xử của Người cho thấy rằng lòng thương xót không phải là một sự điều tiết để làm giảm nhẹ công lý, cũng không phải là một sự cứu giúp cho những ai không biết chân lý. Công lý của Thiên Chúa luôn luôn là lòng thương xót, hơn thế nữa, chính lòng thương xót thiết lập công lý và làm cho chân lý rực sáng mà không làm lòa mắt người ta. Kẻ thù của Chúa Giêsu là những chuyên viên Thánh Kinh (các kinh sư) và những người « đạo đức » vốn đặt niềm tin nơi chính mình và nơi lối hành xử nệ luật.

Cũng vậy, người ta thấy rằng một sự chống đối tương tự cũng đang nổi lên chống lại Đức Giáo hoàng Phanxicô và chống lại con đường ngài muốn vạch ra cho Giáo Hội, tức là cuộc lên đường đi ra đến với những vùng ngoại vi hiện sinh của một nhân loại đang đau khổ và đang cầu xin tình thương, sự ân cần, lòng trắc ẩn, trong một thế giới ngày càng khắc nghiệt hơn, ngày càng suy giảm khả năng gần gũi và huynh đệ hơn. Tôi đã có dịp viết về điều đó ngay từ những bước đầu của triều giáo hoàng này: nếu Đức Giáo hoàng trung thành với Tin Mừng, ngài sẽ đối mặt với sự chống đối, ngay cả đối mặt với sự tẩy chay và khinh mạn, bởi vì ngài sẽ không thể hơn Chúa của mình. Chúa Giêsu đã tiên báo rõ điều đó khi giải thích những truân chuyên của Người và của các ngôn sứ trước Người.

Điều gây ngạc nhiên, đó là những người đã đưa ra không phải những phê phán hay những tranh cãi đối với các vị giáo hoàng trước, nhưng chỉ đơn thuần đặt ra cho các giáo hoàng ấy những câu hỏi, thì ngay lập tức bị coi là «không Công giáo». Đang khi đó ngày nay, nhờ sự tự do mà Đức Phanxicô muốn bảo đảm cho cuộc tranh luận, một số người đi đến nghi ngờ rằng ngài cho phép việc thao túng một cuộc thảo luận mà – trong Giáo Hội – vốn luôn có nghĩa là lắng nghe người khác, là diễn đạt hùng hồn về những xác tín riêng mà không cố chấp, là ý thức rằng Đức Giáo hoàng, đấng kế vị thánh Phêrô, «cùng mở đường với» (syn-odos) các giám mục, nhưng đồng thời cầm trịch mối hiệp thông của các ngài bằng một đặc sủng và một sự ủy nhiệm riêng đến từ chính Chúa.

Chúng ta như trở lại thời Công đồng, trở lại với những phản đối ít nhiều lộ liễu, những lời nói xấu chống lại Đức Gioan XXIII và Đức Phaolô VI; nhưng ta không được hoảng sợ về điều đó. Trong lịch sử của mình, Giáo Hội đã từng trải qua những thời khắc gay go hơn, ngay cả dù những sóng gió này rõ ràng không mang lại một chứng tá  parrhésie (phát biểu tự do và thẳng thắn) và sự hiệp thông huynh đệ. Đáng ngạc nhiên là sự phản đối này đến từ chính những người mà Đức Giáo hoàng Phanxicô đã muốn sát cánh với ngài trong việc cai quản Giáo Hội, hay những người mà ngài đã bổ nhiệm để trợ giúp ngài vạch ra một con đường cải cách thể chế. Nhưng chính dữ kiện ấy lại cho thấy Giáo hoàng hiện nay là ai: đó không phải là một Giáo hoàng gạt bỏ những người mà ngài biết là khác biệt với ngài, những người có những nhạy cảm rất xa vời; đó không phải là một «nhà cai trị» cho ra rìa những ai có những chọn lựa mục vụ khác. Tất cả mọi người đều có thể công nhận thái độ này của ngài, thái độ chắn chắn làm hại đến ngài và làm cho công việc phục vụ Giáo Hội của ngài trở nên khó nhọc hơn. Vả lại, trong Giáo Hội, có những người muốn rằng Đức Giáo hoàng Phanxicô chỉ là một dấu ngoặc ngắn ngủi, những người khẳng định rằng «vị Giáo hoàng này không được mình ưa thích», những người đánh giá ngài «yếu kém trong giáo thuyết», những người không thích tinh thần đại kết của ngài trong đó ngài ước ao ôm lấy tất cả các Kitô hữu, và không dựng nên bất kỳ bức tường nào đối với những người ngoài Kitô giáo và hết mọi người nam nữ trên thế giới.

Được đức Bênêđictô XVI chọn lựa, tôi đã tham dự hai Thượng hội đồng. Và, tôi không thấy nơi Thượng hội đồng đang diễn tiến này một thủ tục khác biệt tận căn, ngoại trừ việc Đức Giáo hoàng Phanxicô mời gọi phát biểu tự do và thẳng thắn (parrhésie) cùng với một phương pháp khác, nhằm phục vụ cho sự tự do phát biểu. Chẳng hạn, sự kiện phổ biến bản tóm tắt cuộc thảo luận mà không cung cấp danh tánh những người phát biểu cũng như những câu mà họ đã phát biểu, điều này giúp tránh việc phân loại các giám mục như là thiên về truyền thống hay thiên về đổi mới, bảo thủ hay tự do… dựa trên những quả quyết rõ ràng (tức hiển nhiên) vốn không phản ảnh tác động của cuộc đối chất và đối thoại diễn ra trong buổi tranh luận. Những sự khác biệt là chính đáng, nhất là trong một hội nghị thực sự có tính công giáo, trong đó các giám mục là những phát ngôn viên thay cho dân của mình, là những người gìn giữ đức tin được hội nhập văn hóa vào một vùng cụ thể, mà các vùng thì dường như không luôn luôn tương hợp với nhau.

Làm «người phục vụ hiệp thông» thật là không dễ cho Đức Giáo hoàng Phanxicô, nhưng người Công giáo cũng tin rằng nơi ngài có lời hứa mà chính Chúa Giêsu đã hứa với Phêrô: «Thầy đã cầu nguyện cho con, để đức tin của con không mất đi. Phần con, hãy củng cố các anh em của con!» Đây là một thời khắc vén màn trong Giáo Hội, và cũng không phải là thời khắc vén màn lần cuối cùng. Ước gì mỗi người đảm nhận những trách nhiệm của mình đối với sự hiệp thông Công giáo, và hơn nữa, đối với Tin Mừng mà mình nói là muốn vâng phục.

Tý Linh dịch

 nmkn9

TÔI DỰ HỌP MẶT

CỰU SINH VIÊN XUÂN BÍCH

Tám mươi sáu linh mục quây quần với nhau trọn ba ngày. Họ đến từ khắp nơi – Huế, Đà Nẵng, Kon-tum, Qui Nhơn, Nha Trang, Ban mê thuột, Phan Thiết, Xuân Lộc, Saigon, Mỹ Tho, Vĩnh Long, Cần Thơ, Long Xuyên. Và họ thuộc mọi lứa tuổi, từ lứa trẻ măng mới chịu chức được vài tuần cho đến các bậc bô lão U90, ngay cả U100.

nmkn10

Đó là cuộc họp mặt thường niên các Cựu Sinh Viên Xuân Bích, diễn ra trong ba ngày, từ 7 đến 9 tháng 7, 2015.

Thật là “đến hẹn lại lên” đúng nghĩa sát chữ! Bởi vì, suốt hai mươi năm nay, năm nào cũng vậy – vẫn là vào khoảng này của mùa hè và vẫn là nơi tòa giám mục bên hồ Xuân Hương thơ mộng này…

Họ chẳng làm gì sôi động náo nhiệt. Họ chỉ dâng lễ và đọc kinh nguyện một cách đơn sơ với nhau, nghe đôi ba bài chia sẻ của vài anh em trong số họ về những khía cạnh của đời sống và sứ vụ linh mục, hoặc trao đổi những tin tức tản mạn… Họ dùng bữa huynh đệ và tụm năm tụm ba bách bộ với nhau ngoài sân, dưới vườn, hay trên các hành lang…

Trong các cuộc hàn huyên tâm sự, họ hỏi thăm nhau về ai còn ai mất, về sức khỏe và những vui buồn trong hiện tại… Họ không quên nhắc thật nhiều về những kỷ niệm  xưa, về thầy, về bạn của năm nảo năm nào…

Họ sưởi ấm cho nhau và cùng nhau tìm sự sưởi ấm nơi Thầy Chí Thánh, nơi Mẹ Nhân Lành, để trung thành bước tới trong đời sống và sứ vụ của họ, mỗi người với hoàn cảnh riêng mình. “Lạy Chúa, Chúa là phần sản nghiệp con được hưởng, là chén phúc lộc dành cho con. Số mạng con, chính ngài nắm giữ” – từng người trong họ đã quì gối tuyên lại lời hứa trung thành và phó thác như thế!

nmkn11

Bạn có thể gọi đó là một kỳ nghỉ hè, một khóa thường huấn, một cuộc tĩnh tâm, hay một cuộc hội ngộ vui vầy. Vì mấy ngày họp mặt này dường như bao hàm tất cả các đặc tính ấy.

Cuộc họp mặt Cựu Sinh Viên Xuân Bích năm nay đã lùi lại sau lưng. Tôi theo xe các cha về nam. Cái nắng nóng miền xuôi gợi nhớ khí trời mát dịu và những cơn mưa lất phất của mấy ngày ở Đà Lạt. Nhưng điều tôi nhớ nhiều hơn, đó là những nụ cười ấm áp và những câu chuyện thân tình trao nhau giữa các anh em linh mục Cựu Sinh Viên Xuân Bích. Tôi chịu, không biết cách nào tả cho rõ hơn cái nét thân tình này. Nhưng bạn tin đi, ở giữa họ, dù già hay trẻ, dù đến từ miền ngược hay miền xuôi, có một mối tình huynh đệ linh mục rất lạ. Hẹn năm sau!

Th.Ph. (10.7.2015)

*** ***

NHỮNG SỰ KIỆN NĂM QUA

(kể từ Giỗ Tổ Xuân Bích 2014)

 NIÊN KHÓA 2014-2015

01/1/2015: ĐCV tham dự Thánh lễ thụ phong mười Thầy Phó tế thuộc Khóa VII của Địa phận Huế tại nhà thờ Chính Tòa Phủ Cam.

– 05/1/2015: Cha Piô Ngô Phúc Hậu đến thăm ĐCV và chia sẻ kinh nghiệm truyền giáo trong ba ngày (05 đến 07 tháng 01).

– 10/1/2015: Lớp Tu Đức vào tháng Sa Mạc tại Đan viện Thiên An (10/1-08/2/15).

– 18/1/2015: Năm Thầy thuộc khóa VII của Địa phận Đà Nẵng được truyền chức Phó Tế dịp kỷ niệm 400 năm hạt giống Tin Mừng đến Hội An. Hầu hết các Cha trong Ban Đào tạo đi tham dự Thánh lễ này tại Nhà thờ Chính Tòa Đà Nẵng.

nmkn12

– 22/1/2015: Đức Hồng Y Fernando Filoni, Tổng trưởng Bộ Loan Báo Tin Mừng, Đức Tổng Giám Mục Leopoldo Girelli, Đại diện không thường trú của Đức Thánh Cha tại Việt Nam, và phái đoàn các Giám Mục thuộc HĐGMVN ghé thăm ĐCV Huế.

– 09/2/2015: Thánh lễ trao tu phục cho anh em lớp Tu Đức do Đức Tổng Ph.X. Lê Văn Hồng chủ sự.

– 01/3/2015: ĐCV đón chào phụ huynh các thầy về tham dự “Ngày họp mặt phụ huynh chủng sinh”.

nmkn13

– 09/3/2015: ĐCV dâng Thánh lễ cầu nguyện cho Cha giáo G.B. Trần Ngọc Quỳnh nhân ngày giỗ của ngài.

– 18/3/2015: ĐCV hiệp thông cầu nguyện và chia vui với các Thầy khóa VII thuộc Địa phận Kontum được truyền chức Phó Tế.

– 24/3/2015: Đức Tổng Giám Mục Ph. X. Lê Văn Hồng đến ĐCV huấn đức cho các chủng sinh về đề tài “Mùa Chay”.

– 26/3/2015: Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh cùng với một số Cha trong Giáo phận Kontum thăm ĐCV và chia sẻ về đề tài “Loan Báo Tin Mừng”.

nmkn14

– 22/4/2015: Các Cha thuộc Tỉnh Hội Xuân Bích Pháp đến viếng thăm và làm việc tại ĐCV Huế.

nmkn15

– Từ ngày 11 – 16/5/2015: Cha Giuse Trần Sĩ Nghị, S.J., chia sẻ với các chủng sinh về đề tài “Trưởng thành tâm cảm trong đời tu”.

nmkn16

– 19/5/2015: Đức Cha Giuse Châu Ngọc Tri chia sẻ với các thầy về “Sứ vụ của linh mục giáo phận”.

– 29/5/2015: Thánh lễ bế giảng năm học và trao ban Tác vụ Đọc sách cho lớp Thần 1 (khóa X), Tác vụ Giúp lễ cho lớp Thần 2 (khóa IX), do Đức Tổng Giám Mục FX. Lê Văn Hồng chủ tế.

NIÊN KHÓA 2015-2016

– 03/9/2015: ĐCV hân hoan chào đón 178 thầy thuộc bốn Địa phận Huế, Đà Nẵng, Kontum, Hưng Hóa về tựu trường. Năm nay, Ban Giám đốc bao gồm 13 cha, trong đó có một thành viên mới là cha G.B. Nguyễn Văn Hào mới du học từ Pháp về. Ngoài ra, cha Giuse Vũ Thanh Tuấn thuộc Giáo Phận Thái Bình, ứng viên Xuân Bích, cũng bắt đầu tạm trú trong gia đình Chủng viện.

nmkn17

– 05/9/2015: ĐCV tổ chức lễ Giỗ mãn tang Cha cố Ph. X. Nguyễn Tiến Cát. Thánh lễ do Đức Cha Anphong Nguyễn Hữu Long chủ tế cùng rất đông các thế hệ linh mục là môn sinh của Cha cố từ ba Địa phận Huế, Đà Nẵng, Kontum về tham dự để hiệp ý cầu nguyện cho ngài.

– 08/9/2015: Thánh lễ Tạ ơn tại ĐCV của 25 tân linh mục khóa VII thuộc ba Giáo phận Huế, Đà Nẵng, Kontum. Trong buổi tiệc mừng, có sự hiện diện đặc biệt của Đức Cha Antôn Vũ Huy Chương, Giám mục giáo phận Đà Lạt, Chủ tịch Ủy ban Giáo sĩ trực thuộc HĐGMVN.

– Từ 07-09/9/2015: ĐCV tổ chức chương trình ngoại khóa đầu năm, chuyên đề “Truyền Thông” dưới sự hướng dẫn của Cha Phêrô Hoàng Gia Thành, Đà Nẵng, và nhà báo Matthêu Nguyễn Chương, đến từ Sài Gòn.

– 10/9/2015: Thánh lễ khai giảng năm học mới do Đức Tổng Giám mục Ph. X. Lê Văn Hồng chủ tế.

– 02/10/2015: ĐCV khai mạc giải bóng chuyền cúp Xuân Bích năm 2015 với trận mở màn giữa hai lớp Thần 3 và Triết 1. Năm nay, vì sân bóng đá đang được tôn tạo nên giải bóng chuyền được tổ chức thay thế cho giải bóng đá như thông lệ hằng năm.

– 24/10/2015: Quý Cha trong ban Đào tạo và bốn lớp Thần học đại diện cho ĐCV đến nhà Tang lễ của Địa phận Huế để dâng Thánh lễ cầu nguyện cho cha giáo Phêrô Phan Xuân Thanh vừa mới qua đời.

– Từ chiều 26/10 đến sáng 01/11: Chủng sinh đoàn tĩnh tâm thường niên dưới sự hướng dẫn của cha Giuse Nguyễn Tất Trung, OP. Hòa nhịp với năm “Đời sống thánh hiến”, năm kỷ niệm lần thứ 500 sinh nhật của thánh nữ Tê-rê-xa A-vi-la, và theo đề nghị của Hội Xuân Bích, Đại chủng viện Huế chọn chủ đề : “Chiêm niệm trong đời sống linh mục giáo phận” cho suốt năm học này. Do đó, đây cũng là chủ đề chính được Cha giảng phòng chia sẻ trong kỳ tĩnh tâm.

nmkn18

Tìm hiểu về khu đất Đại chủng viện Huế

n tượng đầu tiên khách tới thăm chủng viện Huế thường là về những đường nét cổ kính in đậm dấu thời gian. Có thể nói sắc mầu quá khứ và dấu vết thời gian đã làm nên bản sắc rất riêng, làm nên vẻ đẹp trầm mặc của xứ Huế. Nhìn những đường nét hoa văn cổ kính, người ta không khỏi chạnh lòng nghĩ về quá khứ vàng son, về nguồn gốc, và rồi chợt tự hỏi vẻ đẹp kia có tự bao giờ. Người viết bài này xin được cùng quí vị lục lọi lại một vài ghi chép xưa để tìm lại dấu tích mảnh đất Đại chủng viện Huế hiện nay.

nmkn19

Từ tư liệu cổ

Trong Văn khố Hội Thừa Sai Paris, chúng tôi tìm được tài liệu có nhan đề Historique du Grand Séminaire de Hué, mã số 1933/575-586, do linh mục J.B. Roux (Cố Ngôn) viết vào năm 1933, trong đó có đoạn văn như sau[1]:

Un événement important dans la vie du séminaire marque cette année 1888. Le 20 octobre le P. Renauld, nommé aumônier des troupes et curé de la paroisse de Thuận-An, quitte la direction du séminaire et l’établissement lui-même est transféré à Phú-Xuân, sur la rive gauche du fleuve, à quelque six cents mètres en aval de Thợ-Đức. C’est là qu’il est encore aujourdhui. Mgr Caspar avait fait l’acquisition dans ce quartier de plusieurs terrains, appartenant à des familles princières et contigus l’un à l’autre. Il y établit son évêché, la procure, la Ste Enfance et le grand séminaire. Ce dernier occupa un vaste jardin qui avait appartenu jadis à la fille aînée du roi Minh-Mạng, comme en fait foi une inscription retrouvée sur la porte d’entrée.

Đoạn văn trên đây được dịch như sau[2]:

Một biến cố quan trọng trong cuộc sống của chủng viện đánh dấu năm 1888 này. Ngày 20.10, cha Renauld, được bổ nhiệm làm tuyên úy quân đội và làm cha sở giáo xứ Thuận An, đã thôi điều hành Chủng viện và chính Chủng viện được chuyển đến Phú Xuân, bên tả ngạn của sông Hương, khoảng 600m về phía hạ lưu Thợ Đức. Ngày nay, chủng viện vẫn còn nằm ở đây. Đức cha Caspar đã mua nhiều đất đai trong khu phố này, chúng thuộc về các gia đình hoàng thân và giáp kề với nhau. Tại đây, ngài đã lập tòa giám mục, trụ sở quản lý, Nhà Dục Anh (Sainte Enfance) và Đại Chủng viện. Đại Chủng viện chiếm một khu vườn rộng lớn mà ngày xưa vốn thuộc về trưởng nữ của vua Minh Mạng, như câu văn khắc được tìm thấy trên cổng vào chứng thực.

Đoạn văn cung cấp cho chúng ta một số thông tin quan trọng sau đây:

– Vào năm 1888, Đại chủng viện Huế đã được chuyển từ Thợ Đúc (bản văn tiếng Pháp và bản dịch ghi nhầm thành Thợ Đức) qua Phú Xuân, cũng là vị trí của Đại chủng viện Huế vào năm 1933 và hiện nay.

– Trước đó, Đức cha Caspar đã mua nhiều mảnh đất cận kề nhau thuộc các gia đình hoàng tộc tại vùng Phú Xuân. Mảnh đất với bốn cơ sở lúc đó (Tòa Giám mục, sở quản lí, nhà Dục Anh, Đại chủng viện) rất có thể chính là khu vực từ Dòng thánh Phaolô cho tới Đại chủng viện nằm trên đường Kim Long hiện này.

– Bản văn cho biết Đại chủng viện nằm ở khu vườn vốn thuộc về một công chúa, như câu văn khắc trên cổng chứng thực.

Đến câu văn khắc

Phần cước chú liên quan đến câu văn khắc được ghi như sau: « (caractères chinois) : Texte de l’inscription, qui se lit en sino-annamite : An Thạnh Trưởng công chúa đệ, et signifie : Palais de la princesse fille aînée (nommée) An Thạnh. » Chúng tôi xin được tạm dịch « (chữ Hán) : Câu văn khắc được đọc theo âm Hán-Việt : An Thạnh Trưởng công chúa đệ, nghĩa là : Phủ đệ của Trưởng công chúa An Thạnh ». Thông tin này giúp chúng tôi biết được vị trí vốn có của câu văn khắc hiện vẫn được lưu giữ tại Đại chủng viện Huế.

nmkn20

Phiến đá với câu văn khắc

Nhìn dòng chữ này và đọc thông tin cho biết phiến đá mang dòng chữ vốn nằm trên cổng, chúng tôi liên tưởng tới chiếc cổng rêu phong cổ kính ở số 24 đường Kim Long, nằm không xa cổng Chủng viện Huế, trên đó cũng có phiến đá tương tự với dòng chữ Diên Phước Trưởng công chúa từ môn, tức là Cổng từ đường Trưởng công chúa Diên Phước.  

nmkn21  

Cổng từ đường Trưởng công chúa Diên Phước

Tuy nhiên, bộ Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, quyển 210 về dinh thự ở kinh đô, có mục về phủ đệ với qui cách rất cụ thể[3]:

Gia Long năm thứ 15, chuẩn định: Phàm dựng làm nhà phủ hoàng tử, công chúa, thì chính đường 5 gian 2 chái, tiền đường 7 gian chung quanh mái chồng, hợp làm một tòa, lợp ngói âm dương, bốn chung quanh xây bao quanh bằng tường gạch, mặt trước mặt sau đều mở một cửa vòm, trong cửa xây bình phong.

Chi tiết về « cửa vòm » trên đây, cùng với thông tin từ tài liệu của linh mục J. B. Roux vào năm 1933 về « câu văn khắc trên cổng » khiến chúng tôi nghĩ rằng rất có thể câu văn khắc An Thạnh Trưởng công chúa đệ đã được đặt trên cửa vòm mà chúng ta nhìn thấy xa xa trong bức ảnh chụp dưới đây.

nmkn22

Chúng tôi thấy cũng cần phải nói thêm rằng bản văn tiếng Pháp dịch Trưởng công chúa thành fille aînée du roi Minh-Mạng là không chính xác. Trưởng công chúa vốn không phải là công chúa lớn nhất, mà là tước thường được vua ban cho các chị em gái của mình. Trưởng công chúa An Thạnh cũng không phải là con gái vua Minh Mạng, mà là con gái vua Thiệu Trị và là chị em gái với Trưởng công chúa Diên Phước với hình ảnh cổng vào từ đường chúng ta thấy ở trên.

Vậy An Thạnh Trưởng công chúa là ai?

Như chúng tôi vừa bàn, An Thạnh Trưởng công chúa là tước được ban cho một trong những người con gái của vua Thiệu Trị. Tên gọi và tước hiệu của người chị em gái của Trưởng công chúa An Thạnh, công chúa Diên Phước, được nhắc tới trong bộ Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ[4], nhưng bộ sách này lại không nói gì về công chúa An Thạnh.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết rằng Trưởng công chúa An Thạnh tên là Nhàn Yên (嫻燕), là một trong 35 người con gái của vua Thiệu Trị. Người sinh ra công chúa Nhàn Yên là bà lệnh phi Nguyễn Thị Nhậm (令妃阮氏任), quê tại vùng đất nay là tỉnh An Giang, con của Kinh môn Quận công Nguyễn Văn Nhơn, một trong Gia Định ngũ hổ tướng. Xét theo thông lệ các triều đại, tước Trưởng công chúa thường chỉ được vua ban cho các chị em gái của mình, công chúa Nhàn Yên hẳn đã nhận tước Trưởng công chúa sau khi hoàng tử Hồng Nhậm lên ngôi, tức là vua Tự Đức (1848-1883). Ngoài những chi tiết nêu trên, chúng tôi hiện chưa biết gì thêm về Trưởng công chúa An Thạnh. Tài liệu của linh mục J. B. Roux được kể ra trên đây chỉ cho biết Đức Giám mục Caspar đã mua nhiều mảnh đất liền nhau tại khu vực này, và mảnh đất của chủng viện vốn thuộc về một vị Trưởng công chúa. Tài liệu này không cho biết chính xác những mảnh đất này đã được mua vào năm nào, cũng không cho biết Đức Giám mục Caspar đã mua mảnh đất chủng viện trực tiếp từ vị Trưởng công chúa hay qua trung gian.

nmkn23

Phần mộ của linh mục J. B. Roux (Cố Ngôn) tại chủng viện Huế

 

Chúng tôi đã cố gắng tìm lại một số tư liệu cổ để xem xét về nguồn gốc mảnh đất hiện nay là Đại chủng viện Huế. Sau bao nhiêu biến động của lịch sử, dấu vết còn lại không nhiều, rất nhiều câu hỏi được đặt ra vẫn chưa có được những câu trả lời thỏa đáng. Chúng tôi rất mong được những bậc cao minh chỉ bảo thêm cho.

                                              Vinhsơn Trần Minh Thực, PSS

 

Niềm Vui Ngày Lễ

            “trong Chủng viện có vui không Thầy”, một em trong lớp giáo lý hỏi tôi như thế. Tôi đã trả lời em rằng có nhiều niềm vui lắm. Giờ đây, trước lễ Giỗ Tổ cuối cùng với tư cách chủng sinh, tôi muốn chia sẻ cảm nghiệm về một trong những sự kiện vui nhất này.

nmkn24

            Ngày Giỗ Tổ Xuân Bích hằng năm là ngày Lễ Đức Mẹ Dâng Mình (21-11). Đây là dịp mà các cựu sinh viên Xuân Bích về thăm lại mái trường xưa. Tất nhiên đại đa số các cựu sinh viên là các linh mục. Nhưng bên cạnh đó cũng có những anh em sống ơn gọi gia đình nữa.

nmkn25

Các cựu sinh viên thường đến chủng viện từ chiều hôm trước ngày lễ. Và chương trình khởi động là giao lưu thể thao. Bóng đá thường là môn được chọn, ngoại trừ khi gặp mưa dầm. Các anh cựu sinh viên luôn muốn chứng tỏ rằng “gừng càng già càng cay”. Đội hình cựu sinh viên gồm những lão tướng kinh nghiệm trận mạc kết hợp với sức trẻ của các anh em năm thử. Bên kia chiến tuyến là các anh em trong nhà, một đội hình “hữu nghị”. Nếu đem đội hình thực tế ra thì có hơi quá sức với các đàn anh! Luôn có mặt trong đội hình chủng viện nhiều năm, tôi cảm nhận niềm vui đặc biệt của trận đấu giao lưu này. Niềm vui cũng được thấy rất rõ nơi các anh cựu sinh viên. Các anh chơi hết sức mình trong mỗi đường bóng, cho thỏa niềm đam mê, cho thỏa nỗi nhớ sau bao năm tháng. Thường thì mỗi cầu thủ chỉ xuất hiện năm hay mười phút, nhưng ai nấy đều mãn nguyện. Tôi thấy nụ cười trên khuôn mặt mọi người. Trận đấu thường gay cấn, nhưng cuối cùng thường kết thúc với tỉ số hòa, để ai nấy đều được vui. Sau trận đấu, các anh thường nói: “Tụi em tuy mạnh, nhưng không bằng các anh hồi xưa mô”. Tôi sẽ ghi nhớ câu này để sau có dịp dùng lại.

            Các bữa ăn trong ngày lễ Giỗ Tổ cũng vui lắm. Để mọi người dễ hàn huyên tâm sự rộng rãi hơn, các bữa ăn được dọn theo kiểu “buffet”. Nhiều cảm xúc nhất, đó là khoảnh khắc hàn huyên ban đêm, sau khi dâng lời kinh lên Mẹ. Rất đơn sơ, chỉ vài món nhắm với ít bia hoặc rượu nhẹ mà thôi, nhưng mọi người đều thích thú. Anh em xúm chụm, kể lại nhiều chuyện năm xưa, hay về trận bóng hồi chiều, hoặc về những vui buồn trong mục vụ hiện tại … Thật là một khung cảnh gia đình đầm ấm. Hầu như không có khoảng cách trong thời khắc này. Các cha lớn tuổi cũng đến trò chuyện với bọn trẻ chúng tôi, kể những chuyện vui ngày xưa trong thời sinh viên của các ngài.

           Một trong những chương trình chính yếu của ngày lễ Xuân Bích là những tiết mục văn nghệ và giao lưu gặp gỡ. Đa số các tiết mục đều là “cây nhà lá vườn”, trong đó thế hệ đàn em thể hiện ‘tài năng’, giúp vui cho các cha đàn anh cũng như cho mọi người. Các tiết mục ngày càng hiện đại và bất ngờ hơn, chứ không chỉ đóng khung trong những hình thức qui ước là các bài hát và các vở kịch như hồi trước. Nếu như tiết mục biểu diễn võ thuật mang đến cho khán giả sự trầm trồ thán phục, thì tiết mục biểu diễn thời trang thực sự làm “vỡ tung” hội trường bằng những tràng pháo tay nồng nhiệt.

Niềm vui không chỉ ở các tiết mục văn nghệ mà còn ở những bài chia sẻ mục vụ thiết thực của các cha đàn anh đi trước. Đó như là những chia sẻ, động viên, những lời khuyên thiết thực giúp chúng tôi tiếp cận sứ vụ mục vụ sau này.

nmkn26

Đỉnh cao của lễ Giỗ Tổ là Thánh lễ kính Đức Mẹ Dâng Mình. Thánh lễ này luôn đem lại những cảm xúc đặc biệt. Đầu tiên là nghi thức dâng hương tưởng nhớ các bậc tiền nhân. Nghi thức này giúp tôi hiểu biết khái quát lịch sử sự hiện diện và sứ mạng của các cha Xuân Bích ở Việt Nam. Tôi như thấy được nơi mọi người tâm tình tri ân và cảm phục.

nmkn27

Sau bài giảng là nghi thức tuyên hứa hết sức cảm động. Đức Cha chủ tế và tất cả các cha đồng tế lần lượt đến quỳ trước bàn thờ và lặp lại lời hứa tận hiến: “Lạy Chúa, Chúa là phần gia nghiệp của con, là chén phúc lộc dành cho con, vận mạng con chính Ngài nắm giữ” (Tv 16,5). Nó hòa nhịp với hình ảnh Đức Maria xưa kia tiến lên đền thờ dâng mình cho Thiên Chúa.

nmkn28

Sau thánh lễ, toàn thể cộng đoàn tiến ra Diễm Tụ Đài để quây quần bên Mẹ. ‘Nghi thức’ cuối cùng là chụp chung tấm hình lưu niệm. Rất vui!

            Đức Thánh Cha Phanxicô nói “nét đẹp của đời dâng hiến chính là niềm vui”. Quả thật, đời sống cộng đoàn tại chủng viện đã mang đến cho tôi nhiều niềm vui, không chỉ trong dịp lễ Giỗ Tổ mà còn trong rất nhiều điều khác nữa.

Tôi trân trọng những niềm vui dưới mái trường này, và muốn lưu giữ trong ký ức mình mãi mãi.

                                                                 JOSHUY (Thần IV)

nmkn30

Thư gửi anh

Anh trai quý mến,

Có lẽ khi nhận được thư này anh sẽ bất ngờ lắm, và anh cũng sẽ nói con bé này rảnh, hay con bé này lắm chuyện… vì vừa mới về hè gặp nó mà giờ thư với từ.

Anh trai à, em viết thư lần này không phải vì em rảnh, cũng không phải vì nhớ anh nhưng, nói sao được nhỉ? À, em viết chỉ vì muốn chia sẻ một chuyện mà mấy hôm vừa rồi em không dám nói trực tiếp với anh. Mà thôi em đi thẳng vào vấn đề luôn. Số là hè vừa rồi thấy anh về mạnh khỏe và chững chạc hơn, em và gia đình rất mừng. Nhưng em thấy một điều là anh rất giống với thanh niên ngoài đời bây giờ, đó là, việc anh dùng smartphone.

Thực ra, chẳng có vấn đề gì nếu người ta dùng nó đúng lúc đúng chỗ, nó sẽ rất tiện dụng và văn minh nữa là khác. Nhưng nếu lúc nào cũng kè kè nó bên mình, mắt dán vào màn hình thì quả là rất gây dị ứng cho người xung quanh. Càng chướng mắt, khi đó là những ‘thầy tu’ như anh.

Trước đây mỗi dịp anh về nghỉ hè hay nghỉ tết là không khí gia đình rộn hẳn lên, mọi người chuyện trò quây quần bên nhau. Em còn nhớ anh kể rất nhiều chuyện vui trong chủng viện, trong cuộc sống tu trì. Anh còn vào phòng học của em để kiểm tra bài vở của em nữa. Còn em thì kể cho anh nghe những chuyện vui buồn ở nhà, chuyện mấy đứa con trai trong làng thất vọng vì nghe tin em quyết định đi tu…hihi. Anh thường thì thầm tâm sự với bố mẹ nữa… những lúc như thế em thấy thật ấm lòng và thấy gia đình đình mình thật gắn bó và hạnh phúc.

Nhưng kỳ hè vừa rồi, em thấy anh bận rộn hẳn lên với chiếc smartphone. Hầu như anh không còn thời gian cho em, cho bố mẹ nữa. Phần lớn thời gian, mắt anh như dán chặt vào màn hình điện thoại, ngón tay thì bấm bấm quẹt quẹt… Anh không còn nói chuyện với em nữa. Cả với bố mẹ, anh cũng chỉ chuyện trò qua loa, ừ ừ dạ dạ cho xong Thậm chí trong các bữa cơm, mắt anh cũng thường xuyên liếc vào cái điện thoại, lâu lâu anh mới nói một câu bâng quơ chẳng ăn nhập vào đâu… Những lúc như thế em cảm thấy không khí trong gia đình chùng hẳn xuống, nếu không nói là buồn. Ai cũng muốn ăn nhanh để rời bàn.

Em tự hỏi tại sao “hội chứng smartphone” cũng cuốn phăng được cả những người đi tu như anh. Hay lên làm ‘thầy’ rồi thì phải thế? Hay anh phải học hành nhiều nên phải lên mạng mọi lúc mọi nơi? Trước đây lễ xong em còn thấy anh quỳ lại một lúc rồi mới ra về, và khi ra về anh thường trò chuyện với các ông các bà, với bạn bè, với các em nhỏ… Nhưng bây giờ lễ xong, ra khỏi nhà thờ là thấy anh chấm chấm quẹt quẹt rồi. Em nhận thấy một vài người nhìn anh và khẽ thở dài rồi đó; em không biết họ nghĩ gì về anh, nhưng chắc là không mấy tích cực.

Anh ạ, là em gái, em không ngại chia sẻ điều em nghĩ với anh trai mình – chứ em cũng biết nhiều linh mục tu sĩ khác cũng vậy. Có lần trong Thánh lễ cha xứ mình dùng ipad thay cho sách lễ. Ở phần phụng vụ Lời Chúa, khi mọi người đang lắng nghe Bài Đọc thì cha cứ đăm chiêu chấm chấm quẹt quẹt cái ipad. Mấy em nhỏ thấy vậy liền nói với nhau “Ồ,cha đang chơi game”! Em nghĩ “hội chứng smartphone” nơi tu sĩ là có thật và nó đang diễn ra. Nhiều thầy nhiều sơ sắm smartphone, và đi đâu cũng bám bấm quẹt quẹt, đôi khi ngay cả trong Thánh lễ… Em tự hỏi sao họ giỏi thế, không cày không bừa, không gieo không vãi mà “một tay nâng cả nửa tấn thóc” hay có vị còn nâng “cả tấn thóc” trên tay một cách nhẹ nhàng. Em lại nghĩ lung, có phải họ tìm bù trừ những gì mà họ phải ‘hy sinh’ trong tư cách là tu sĩ?

Anh quý mến, em chỉ thấy sao nói vậy thôi. Có gì không đúng thì anh cứ ‘cốc đầu’ em nhé. Em luôn quí mến và tin tưởng anh. Và em luôn cầu nguyện cho anh được vui tươi, bình an trong mọi sự chọn lựa của mình.      

                                                         Em gái

Phan Viết Trí (năm Thử)

nmkn31

mẹ và con

Tháng năm dưới cầu nước chảy,

vò võ thân cò, tóc mẹ điểm sương…

Có những cái phi thường rất thường – và vì thường quá nên người ta dễ xem thường. Nhưng đâu phải vì bị xem thường mà một điều phi thường phải biến thành thường. Và có những lúc nào đó giữa cuộc đời thường, do một cơ duyên bất chợt, người ta sững sờ nhận ra điều mình vẫn tưởng là thường ấy thực sự không phải là thường.

Mỗi lần như thế, họ thấy mình lớn lên hơn một chút, bớt kiêu ngạo hơn một chút, và ‘người’ hơn một chút…

Một trong những thực tại hẩm hiu đó là người mẹ!

Còn gì thường hơn ý nghĩ rằng tôi có mẹ – thường đến nỗi tôi chẳng bao giờ tò mò nghĩ xa hơn. Trong số những thứ mà tôi có, tôi có mẹ, thế thôi! Đó không là vấn đề, cũng chẳng là mầu nhiệm. Tôi cho sự hiện hữu của mình là tất nhiên, tất yếu. Thế giới thụ tạo này đều bất tất, ngoại trừ… tôi!

Ồ không, đã có một lúc tôi bắt đầu có. Thiên Chúa có thể và thực sự dựng nên tôi từ hư không; nhưng Ngài đã muốn dùng mẹ làm chặng cuối cùng để chuyển hư không thành thực hữu – là tôi đây.

Đi trong cuộc đời, tôi mải lo chiếm hữu – nếu không những điều xấu thì những điều tốt. Tôi thường hướng về Chúa để bày tỏ lòng tri ân về những điều tốt lành mà mình có được: kiến thức, danh dự, tiền bạc, tình bạn, tình yêu… Tôi ít khi nhớ tạ ơn về cái có đầu tiên của mình: tôi có. Chính vì thế mà với tôi, mẹ vẫn nhàn nhạt, xa xa.

Từ khi có tôi, tôi có mẹ. Mẹ là gia nghiệp tôi lãnh nhận trước nhất và trực tiếp nhất, ở ngoài tôi. Gia nghiệp này đã dọn sẵn cho tôi.

Ấy chính người đàn bà ấy, với tất cả những hay dở của bà – chứ không phải một ai khác – là mẹ tôi, trong ý định muôn đời của Đấng Tạo Thành.

Như bất kỳ ai, chàng trai Giêsu Nadarét cũng có một người mẹ:

Tháng thứ sáu, Thiên Chúa sai thiên sứ Gabrien tới một thành của Galilê tên là Nadarét, đến với một trinh nữ… trinh nữ ấy tên là Maria.”  (Lc 1,26-27).

Mẹ là mạc khải đầu tiên, từ khi tôi còn chưa biết đọc Thánh Kinh, chưa biết nghe giáo lý – rằng Thiên Chúa sáng tạo vì yêu thương, và rằng Ngài trung tín yêu thương vì Ngài đã sáng tạo. Thật vậy, phải mất một thời gian khá lâu tôi mới bập bẹ được tiếng “mẹ” đầu tiên – tiếng “mẹ” ấy hầu như chỉ là một vỏ âm thanh vô tư, vô tình, vô nghĩa lý. Nhưng mẹ thì đã gọi “con ơi” thật nồng nàn thiết tha trong sâu thẳm lòng bà, tự thuở nào tôi mới tượng hình trong dạ. Tình yêu ấy bằng lời thì ít, bằng im lặng thì nhiều. Mẹ đã một lần rút ruột sinh con, mẹ chấp nhận suốt một đời làm thân tằm rút ruột. Tôi chỉ có một việc là nhận lãnh, nhận lãnh và nhận lãnh…

Lớn lên, trường đời dạy tôi: Hòn đất ném đi, hòn chì ném lại! Tôi hiểu rằng nhận lãnh một chiều là bóc lột. Nhưng cơ hồ đó là cái hiểu chỉ để sống với đời – chứ không phải để sống với mẹ tôi. Đã bao lần tôi phải trả giá đắng cay, vì lỡ không sòng phẳng với đời; nhưng tôi đâu có phải trả giá nào vì không sòng phẳng với mẹ tôi đâu! Kỳ thực, mẹ cũng chẳng bao giờ quyết liệt lập luận với tôi: hòn đất ném đi hòn chì ném lại!

Mẹ không lập luận, không đòi buộc. Mẹ chỉ biết yêu thương và âm thầm nhẫn nại đợi chờ. Tình yêu giúp người ta hy vọng. Mẹ vẫn hy vọng một ngày tình yêu của tôi lên tiếng – và cơ sở của niềm hy vọng ấy không phải gì khác ngoài tình mẹ yêu tôi.

Ngày Giêsu vừa đến tuổi khôn, mải mê ‘trò chuyện’ đâu đâu, đến độ lạc mất mẹ ba ngày. Kiếm tìm đôn đáo, gặp được, mẹ Người nói:

Sao con nỡ làm thế? Cha con và mẹ đã lo lắng tìm con.” (Lc 2,48).

Một lời trách nhẹ! Hơn một lời trách: một xác nhận yêu thương! Và hơn cả một lời xác nhận yêu thương: một diễn tả niềm hy vọng tình yêu được đáp trả. Đừng quên, Giêsu bấy giờ đã lớn khôn rồi.

Với thời gian, tôi cũng lớn khôn. Mẹ thì già đi. Tháng năm làm thân cò vò võ. Tôi bước ra với đời, chân trời lồng lộng thênh thang. Mẹ rút về ở phía sau, dõi trông theo, bồn chồn, hy vọng. Không phải vì mẹ vuột mất tôi (bà nào có ý níu tôi bao giờ!) – nhưng vì đó là qui luật của tình yêu. Tình yêu thật thì mở rộng ra chứ có thể nào khép lại? Mẹ tự đồng hoá với tôi; và khi dâng hiến tôi cho đời, ấy là mẹ tự hiến cho đời.

Một cách nào đó, thật bất ngờ, mẹ sẽ hiện diện với tôi trong lần cuối cùng dâng hiến, như:

Đứng bên thập giá Đức Giêsu, có mẹ Ngài…” (Ga 19,25).

Có những cái phi thường rất thường. Song đừng vì thường quá mà nỡ xem thường, người ơi!

Th.P.

 

 Hoàng hôn không tắt nắng

 Một chiều vắng, tôi bước chậm rãi ngắm nhìn các ngôi mộ phía sau nhà nguyện Đại chủng viện. Ở đây có hơn sáu mươi ngôi mộ. Ngoài những mộ của các cha các thầy người Việt, số còn lại là mộ phần của các cha thuộc Hội Thừa Sai Paris (MEP). Những áng mây chiều vươn cao như tấm màn lấp dần ánh mặt trời. Những tia nắng yếu ớt xuyên qua kẽ lá đậu lại thưa thớt trên một vài ngôi mộ. Những mảng rêu phong như muốn vươn ra khỏi lớp sơn trắng để tận hưởng chút nắng cuối cùng. Đọc tên từng bia mộ trong thinh lặng, tôi chợt tự hỏi các ngài là ai, và điều gì thúc đẩy các ngài đến đây, để sống và chết ở xứ sở này. Bỗng dưng, lòng tôi dâng trào cảm xúc. Tôi ngưỡng mộ các ngài, và trộm nghĩ các ngài an nghỉ nơi đây tựa hồ ánh hoàng hôn không bao giờ lịm tắt.

nmkn32

Tôi hình dung những cuộc hành trình của các ngài thuở ấy. Các ngài từng có cha mẹ, quê hương, tổ quốc… nhưng dám bỏ lại sau lưng tất cả những gì thân thương nhất để đi đến một xứ sở hoàn toàn xa lạ, với muôn vàn sự khác biệt. Chắc hẳn, vì là linh mục của Chúa, được thúc đẩy bởi tình yêu, bởi sứ mạng loan báo Tin Mừng, các ngài đã không ngần ngại lên đường. Tôi từng đọc trong những trang sử về những cuộc hành trình vượt biển đầy gian nan của các vị thừa sai. Những chuyến đi dài trên các con tàu còn thô sơ thời đó… Bão tố, đá ngầm, dịch bệnh, sự thiếu thốn nhu yếu phẩm… và đủ thứ nguy hiểm luôn rình rập! Dường như không ai biết rõ con số những người đã phải bỏ mình trên đại dương bao la. Thật vậy, một khi đã lên thuyền, không ai dám chắc mình sẽ an toàn cập bến. Các nhà thừa sai đã ra đi trong đức tin, trong niềm tín thác, và trong tình yêu “lớn hơn mạng sống”!

Các vị được cập bến an toàn không có nghĩa là hết khó khăn nhưng là bắt đầu đối diện với những khó khăn mới. Những khác biệt về ngôn ngữ, phong tục, văn hóa, khí hậu và thổ nhưỡng cần phải làm quen. Các ngài từng bước thích nghi chính mình với đời sống và con người bản địa để gần gũi họ, hiểu họ và giới thiệu Tin Mừng cho họ. Với tình yêu chân thành và nhiệt tâm tông đồ cháy bỏng, các ngài chinh phục được trái tim của dân chúng, giúp họ đón nhận đức tin, thiết lập những cộng đoàn Hội Thánh địa phương… Các ngài còn ra sức đào tạo hàng linh mục bản địa hầu tiếp nối công cuộc loan báo Tin Mừng trên cánh đồng màu mỡ và bao la này. Trong số những thừa sai an nghỉ nơi đây, có những tên tuổi đã từng đón nhận gông cùm, xiềng xích, tù đày, và thậm chí hy sinh cả tính mạng để làm chứng cho Đức Ki-tô trong những giai đoạn bị bách hại. Có những tên tuổi khác khá gần gũi với người thời nay. Các ngài là những chứng nhân đức tin góp phần khơi nguồn và tô điểm cho dòng chảy lịch sử của Giáo Hội Việt Nam như mọi người thấy cho đến hôm nay. Thật khó có thể kể hết công lao của các nhà thừa sai trên đất nước này qua các thế kỷ…

Các Ngài đã đánh dấu một buổi bình minh rực sáng, không theo nghĩa trần tục, nhưng đó là ánh quang của Đức Ki-tô được người tín hữu Việt Nam đón nhận trong đức tin. Các ngài không tìm vinh danh chính mình nhưng là làm tất cả cho “danh Chúa được cả sáng”.

Có lẽ, đây là nơi hiếm hoi trên đất Việt qui tập khá nhiều mộ phần của các linh mục Hội Thừa Sai. Ngày ngày, các ngài cùng hòa chung kinh nguyện và Thánh lễ trong hiệp thông với quý cha giáo và các thế hệ chủng sinh. Chắc hẳn các ngài không ngừng chuyển cầu cùng Chúa cho công cuộc đào tạo linh mục nơi đây được tốt đẹp như lòng Chúa mong ước. Hình ảnh những ngôi mộ nằm kề sát phía sau Nhà Nguyện luôn là một lời nhắc nhớ âm thầm nhưng đầy ấn tượng về ý nghĩa cuộc đời, về ơn gọi và sứ mạng của mỗi người, trong sứ mạng mà Hội Thánh nhận từ Chúa Giêsu và đang tiếp tục thực thi trong Thánh Thần.

Vào tháng cầu cho các đẳng linh hồn, hay trong những dịp thuận tiện, các thầy thường viếng mộ phần của các nhà thừa sai và thành kính cầu nguyện. Đó luôn mãi là một hình ảnh đẹp diễn tả mầu nhiệm hiệp thông trong đức tin và trong sứ mạng.

Nhìn những sợi nắng chiều vương trên các ngôi mộ, tôi thấy như hình bóng các vị thừa sai vẫn còn in dấu trên mảnh đất chủng viện thân yêu này. Hình bóng của các ngài không bao giờ tan biến trong con tim của những ai yêu mến các ngài.

TN

 

Xóm Nhỏ      (truyện ngắn)

Trời đã về chiều trên Xóm Nhỏ. Nắng tắt nhưng trời chưa tối hẳn. Dưới chân đồi Bà Mụ, đêm dường như đến sớm hơn. Lằn ranh phân cách giữa ngày với đêm làm cho cảnh vật hiện lên như một bức tranh nửa tối nửa sáng đầy huyền ảo. Từng tốp người lẫn súc vật ngoài đồng kéo nhau ra về, hối hả. Những nón lá, nón cối đã ngả màu cứ nhấp nhô, thoáng ẩn thoáng hiện giữa những bóng cây ven đường. Có tiếng của đám trẻ đi mò cua í ới gọi nhau về làng. Gọi là làng nhưng thật ra đó chỉ là một xóm nhà tồi tàn nằm gọn trên gò đất sát chân đồi. Không biết có phải vì diện tích khiêm tốn cùng số dân ít ỏi của nó hay không mà làng đã được gọi tên Xóm Nhỏ từ bao giờ.

nmkn33

Trên con đường chính dẫn lên xã, con Bình đang đạp xe lóc cóc trở về. Nó vội vã đến chẳng buồn chào hỏi ai dọc đường. Vừa rẽ vô ngõ, nó gọi toáng lên:

– Bố ơi, bố! Thằng Minh có thơ về!

Ông Mẫn vẫn chưa tỉnh cơn say, còn đang lơ mơ ngủ trên cái chõng tre kê dưới mái hiên. Nghe tiếng con Bình, ông lồm cồm ngồi dậy, mặt cau có:

– Mày làm gì cứ như ma rượt vậy ? Con gái với chả con lứa!

Con Bình chẳng buồn bận tâm đến vẻ bực dọc của ông. Nó hí hửng dúi vào tay ông cái phong thơ lấy ra từ túi áo.

– Nó đi chuyến vừa rồi mãi đến hôm nay mới có thơ về. Bố xem có gì mới không ?

Ông Mẫn vừa bóc bì thơ vừa lẩm bẩm:

– Lại gởi thơ về xin tiền như mọi bận chớ gì mà làm ầm cả lên. Rõ khổ, học với chả …

Chưa nói hết câu ông đã im bặt. Quả thật, bức thơ lần này có khác với những lần trước. Đó không phải là một tờ giấy trắng chi chít chữ, mà chỉ duy có một tấm hình nhỏ. Ông Mẫn đứng bật dậy như để tỉnh người đặng xem cho rõ. Ông nhìn tấm ảnh, chớp mắt mấy cái rồi bước ra chỗ có nhiều ánh sáng hơn đưa bức ảnh lên xem. Trong hình là thằng Minh, con trai ông, mặc chiếc áo chùng thâm đứng dưới chân tượng Đức Mẹ màu trắng giữa những cây cổ thụ xanh um tùm lá. Mãi một lúc sau, tin chắc là mình không nhìn lầm, ông Mẫn cảm động bật lên thành tiếng như một đứa trẻ:

– Ơ… ơ… thằng Minh! Đúng là thằng Minh nhà mình rồi! Hoan hô!

Chợt ông cất tiếng gọi:

– Bà ơi! Bà nó đâu rồi? Lên trông thằng Minh nhà mình này!

Bà Mẫn đang lúi cúi nhặt củi khô sau nhà. Nghe tiếng ông gọi, bà hốt hoảng tưởng có chuyện chẳng lành, liền vứt mấy khúc củi xuống đất, chạy vội lên nhà vừa lo lắng hỏi:

– Lạy Chúa! Thằng Minh nó làm sao? Chuyện gì thế ông?

Ông Mẫn vẫn chưa hết xúc động, và như để trấn an bà, ông chìa tấm hình ra.

Bà Mẫn cầm lấy tấm hình, lặng nhìn một hồi lâu, cảm động không nói nên lời. Hai khóe mắt bà ngấn những giọt nước mắt, lăn dài xuống má. Cả cuộc đời đã quen chịu khổ, nay có được niềm vui, bà cũng không thốt nổi thành lời. Con Bình nãy giờ chăm chú quan sát từng cử chỉ, lời nói khác thường của bố mẹ, nó không nhịn được nữa, vội chạy tới giành lấy tấm hình trong tay bà Mẫn, đưa lên xem rồi nhảy cẫng lên.

– Ôi! Giêsu Ma! Thằng Minh làm thầy rồi!

“Cậu Minh con nhà ông Mẫn đi tu đã đỗ chức thầy !” Mẩu tin ấy nhanh chóng lan ra trong khắp Xóm Nhỏ. Quả thật, trong cái xóm đạo heo hút không có bóng linh mục này, chuyện một người đi tu như cậu Minh là điều chưa từng có.

nmkn34

Theo như người ta kể lại, dân làng này vốn là những người di cư mãi đâu từ một tỉnh ngoài Bắc, theo chân một ông cố đạo vào tận đây lập nghiệp. Nhân lúc cha cố đi công tác trong Nam thì biến cố 75 xảy ra. Từ đó ngài không trở lại, không biết vì lý do gì . Kể từ đó, đời sống đạo trong làng nằm dưới sự dẫn dắt của một ông trùm cả. Mỗi năm vài lần có một linh mục về đây dâng lễ và ban các phép thánh. Những dịp như thế thật sự là những ngày lễ hội. Người ta mở tiệc linh đình, mời cả các bạn bè từ các làng lân cận về dự. Ngày lễ trôi qua, người người lại tất bật với việc đồng việc ruộng. Quanh năm chân lấm tay bùn, bán mặt cho đất bán lưng cho trời, chẳng ai dám mơ tưởng những chuyện xa xôi.

Gia đình ông Mẫn có một người bà con sống trên phố huyện. Nhân một chuyến về thăm, người bà con ấy đã thuyết phục ông bà cho thằng Minh lên ở trọ nhà mình để đi học. Sau khi bàn qua tính lại, ông Mẫn bảo vợ:

– Cứ để cho nó đi. Bà chớ phải lo. Nhà ông ấy với chỗ tôi thể gì cũng là họ hàng thân thích. Vả lại, họ giữ đạo khéo lắm. Thằng Minh mà được họ lo cho ăn học thì tốt phúc cả đời nhà nó đi chứ lỵ !

Bà Mẫn sụt sùi đáp:

– Tôi thì tôi thương nó xa nhà xa quê, chứ tôi nào có tiếc gì. Để nó ở nhà tôi còn lo hơn ấy chứ, nhỡ vài năm nữa nó sinh tật rượu chè như ông thì khốn !

Những lần về thăm nhà, Minh thường bảo ở quê năm thì mười họa mới thấy cha cố tới dâng lễ, chứ trên phố huyện bác nó rất thân với một cha xứ. Bác nó thường mời cha về nhà dùng cơm nên nó được hầu chuyện cha luôn.

Rồi sau khi học xong trung học, Minh về xin phép bố mẹ cho nó đi tu. Ông Mẫn lại bảo vợ:

– Cứ để cho nó đi. Bà chớ phải lo. Thằng Minh mà được ở trong nhà Đức Chúa Trời thì tốt phúc cả đời nhà nó đi chứ lỵ !

Bà Mẫn lại rưng rưng đáp:

– Tôi thì tôi xót con mình rứt ruột đẻ ra mà chả chăm lo cho nó được là bao, chứ tôi nào có tiếc gì. Nói thật, tôi còn lo cho ông hơn cả lo cho nó đi chứ !

Minh vốn đã quen xa nhà nên nó đi chuyến này ông bà cũng chẳng nghĩ ngợi gì nhiều. Bẵng đi một thời gian, nay nó có tin vui gởi về. Ông bà mừng lắm, hãnh diện lắm.

Tối hôm đó, Xóm Nhỏ trở nên nhộn nhịp khác thường. Dù không hẹn, kẻ trước người sau lần lượt kéo đến nhà ông bà Mẫn để mừng cho ông bà và nhất là để được xem tấm hình cậu Minh mặc áo dòng. Chưa bao giờ nhà ông Mẫn tiếp nhiều lượt khách đến như thế, ngay cả những ngày kỵ giỗ. Cái căn nhà ọp ẹp không đủ sức chứa, khách ngồi tràn ra cả ngoài sân. Ông Mẫn bỗng nhiên thấy mình quan trọng hẳn ra. Ông dự định sẽ thu xếp lên phố huyện một chuyến, trước là để cám ơn và báo tin cho ông bác mừng, sau là cho người ta phóng to bức ảnh mang về treo chỗ trang trọng trong nhà. Bà Mẫn thì luôn miệng cám ơn đáp lễ những lời khen ngợi. Họa hiếm lắm người ta mới thấy bà tươi vui như thế. Suốt cả buổi tối, con Bình chỉ lúi húi dưới bếp, bận rộn nấu nước chè xanh mời khách. Dù mệt, nó vẫn thấy lâng lâng vui sướng trong lòng.

Nhưng cũng từ hôm đó, những người vốn chẳng ưa gì gia đình ông Mẫn bắt đầu xì xào, dè bỉu cái nết hay rượu chè của ông. Xưa nay, trong cái Xóm Nhỏ này, ai cũng biết, ông tuy tốt bụng, nhưng phải cái tật nhậu nhẹt say xỉn, mà mỗi lần say khướt là ông đi lang thang, nói năng lè nhè làm trò cười cho thiên hạ. Cái tật đó được người ta thêm thắt, phóng đại và kể đi kể lại nhiều lần đến nỗi nhiều mẩu chuyện về ông đã trở thành “giai thoại”. Nhưng họ có nói, có kể cũng chỉ để làm vui, chứ chẳng có ác tâm gì. Nay bỗng dưng họ nhắm vào đó để dè bỉu gia đình ông. Người ta nghe câu nói đầy chua chát của bà Tám Nở:

– Ối giời ơi, khen cho lắm vào! Nay mai nó ôm gói quay về cho mà nhục mặt. Con nhà nát rượu như thằng bố nó thì đời nào người ta để cho tu. Rõ thật, cứ nhìn cây khắc biết quả!

Ông Mẫn cay đắng lắm. Ông tự trách mình nhưng cũng oán ghét đám người kia lắm. Bà Mẫn thì chưa kịp mừng đã lại thấy tủi. Bà cũng vì thương con mà hay quạu quọ với chồng. Con Bình thì trở nên buồn rầu, ít nói. Khách đến chơi nhà cũng thưa dần.

Một tối nọ, ông Mẫn không sao chớp mắt được. Nằm trên giường, ông mải trằn trọc suy nghĩ về những chuyện vừa mới xảy ra cho gia đình ông, trong xóm làng ông. Khốn nạn cho cái sự đời! Trong cái làng mông quạnh này, mọi người đàn ông đều uống rượu chớ phải gì mình ông. Ai ai cũng say xỉn đó chứ. Ông có uống rượu, có say xỉn. Nhưng xưa nay có ai trách cứ gì ông đâu. Sao nay thấy gia đình ông có được niềm vui họ lại nhắm vào một tật xấu của ông mà bêu riếu? Chao ôi, đời!

nmkn35

Ông Mẫn rón rén trở dậy đi ra nhà ngoài. Ông châm đèn đặt trên chõng rồi lấy hình thằng Minh ra xem. Cái tấm ảnh được chuyền qua tay nhiều người đã trở nên cũ nhàu. Ông thấy con trai mình thoáng cười, nhưng đôi mắt có ẩn nét u buồn, cái buồn ông bắt gặp trên khuôn mặt bà Mẫn. Ông lật ngược tấm ảnh, lẩm nhẩm đọc hàng chữ nó viết ở mặt sau: “Con đã được mặc áo dòng. Xin bố mẹ cầu nguyện cho con”. Ông giật thót người. Những con chữ mà ông đã đọc đi đọc lại nhiều lần giờ bỗng chọc mạnh vào lòng ông như một mũi kim châm. Lẽ nào con ông lại xin một người bố đầy lầm lỗi như ông cầu nguyện cho? Trong phút chốc, ông nhận thấy mình có lỗi với vợ, với con. Ông đã làm khổ bà Mẫn biết mấy, giờ lại còn làm vạ lây cho nữa. Ông hối hận vô cùng. Rồi ông chợt hiểu, hai tiếng “cầu nguyện” ở đây có nghĩa rằng ông phải đổi khác. Ông nhất quyết sẽ bỏ rượu, sẽ bù đắp phần nào những tổn thương còn đọng trong tâm hồn vợ con mình. Ông quyết thay đổi, trở thành một người chồng, người cha gương mẫu. Tấm hình chợt nhòa đi trước mắt ông, ông nhận ra mình đang khóc.

Tiếng ho của bà Mẫn làm ông sực tỉnh. Thì ra bà đã đứng bên cạnh ông từ lúc nào. Ông ngượng ngùng quay mặt đi, cố để bà khỏi thấy hai dòng nước mắt. Nhưng ông không giấu được trước sự tinh tế của vợ mình. Bà đặt bàn tay lên vai ông, khẽ nói:

– Ông ạ, thằng Minh nhà mình nó đi tu, nhưng tôi thấy ông mới thật sự là người đang thay đổi.

Ông Mẫn không trả lời, đứng dậy, đẩy cửa bước ra ngoài.

Trời đêm se lạnh. Tiếng côn trùng rả rích vang rền như một bản hòa tấu hùng vĩ tràn ngập khắp không gian. Xa xa, vài đám lửa đồng cháy lập lòe như đang nhảy múa. Những đám lửa mà có nhiều lần, trong cơn say, ông Mẫn vẫn chửi sa sả vì ngỡ đám ma trơi hiện ra trêu chọc ông, thì giờ chúng làm ông cảm thấy ấm áp trong cõi lòng. Ông ngước nhìn trời. Mảnh trăng thượng tuần trên đỉnh đồi Bà Mụ cong như môi cười nhìn ông trìu mến.

NGUYỄN HƯNG TUẤN, Thần I.

    nmkn36          

 hội ngộ

Lũ bạn năm xưa,

Một thời quậy phá,

Sân trường gạch đá,

Ghi bao nhiêu diễm ảnh ấu thơ.

Gặp lại nhau nay tóc ngả mầu tro,

Chuyện ngày nào nói thâu đêm không hết,

Có gì đâu, chỉ là bao nhiêu chi tiết,

Chảy miên man theo kí ức học trò.

Ngày xưa,

Ôi ngày xưa trong câu kể nhỏ to,

Trong tiếng cười giòn tan

Như khi ta còn nhỏ!

Gương mặt nhăn nheo hằn bao gian khó,

Như bừng lên rạng rỡ tuổi thiếu niên,

Ánh mắt như sáng lại thủa êm đềm,

Bên thầy, bên bạn, bên trường xưa yêu dấu.

Gặp lại nhau sau bao nhiêu giông bão,

Lũ bạn năm xưa,

Cùng sống lại bao kí ức tuổi thơ,

Vẫn tinh nguyên tình thầy nghĩa bạn.

                         Kim Ân

 nmkn37

thầm thì

Hôm nay con trở về trường cũ

Nghe tâm hồn xao xuyến bâng khuâng

Không còn dáng cha hiền đứng đó

Đón con về bên mái nhà xưa

 

Vẫn hàng cau ao cá thân quen

Vẫn lớp học vẫn bàn ghế ấy

Cuối hành lang như còn thấp thoáng

Bước chân cha sớm tối đi về

[…]

Người nằm đó ai quên ai nhớ

Bên dòng đời vẫn lặng lẽ trôi

Cả cuộc đời cho đàn con nhỏ

Êm đềm như một khúc diệu ca

 

Bia mộ lạnh không hoa không nến

Chữ khắc ghi không bóng không hình

Tìm đâu thấy giọng cha trìu mến

Cha đâu rồi, con đã về đây

                                                             Nhím Xù

 

 

 tâm tình

Ngày nào con còn thơ,

Chủng viện, nào dám mơ;

nơi Giêsu Thầy dạy

bậc môn đệ, tông đồ.

Hôm nay con nào ngỡ,

giật mình đứng chơ vơ

trước cổng Đại chủng viện;

chuyện thật mà như mơ!

Lòng bỗng nhiên tự hỏi

Đại chủng viện đây ư?

Nơi môn đồ của Chúa,

đâu dành cho trẻ hư…

Như con, người khờ dại,

tài hèn, trí không cao;

siêng năng việc nhân thế

nhút nhát việc Chúa giao.

Ân thiêng tự nơi nao,

dám đâu con nghĩ tới;

tình thương vượt tầm với,

quá sức con thân gầy.

Nhưng vâng lời Chúa dạy,

phó thác trọn nơi Cha

cùng Chúa Con chí ái

với Thánh Thần Ngôi Ba.

Thân này, thân tôi tớ,

ân sủng hóa con Cha;

hạnh phúc, con dâng tiến

muôn lời tán tụng ca.

Gioakim Nguyễn Thanh Toàn, TĐ.

Đăk Pxi, cái tên nghe quen thuộc

 

Con sông Đăk Pxi

Tháng thực tập hè của chúng tôi bắt đầu sáng ngày 4/7 khi chúng tôi tập trung nhận Bài Sai tại nhà nguyện Bok Do thuộc giáo xứ Đức An. Chúng tôi lên đường vào chiều ngày hôm đó. Tiết chiều nhẹ, dễ chịu. Chiếc xe buýt chầm chậm lăn bánh rời bến đưa chúng tôi đến ngã ba Đăk Hring, vượt đoạn đường gần 100 cây số. Đoạn đường ấy chẳng có gì là quá xa xôi đối với chúng tôi trên vùng đất Tây Nguyên này. Vượt hàng trăm cây số về nhà mẹ tĩnh tâm hàng tháng đã là chuyện bình thường của chúng tôi vài năm trước đây, khi chúng tôi tập làm quen với vùng đất Tây Nguyên. Những dặm đường đã đi cả vào nỗi nhớ và những giấc mơ, với những mùa hoa cỏ vàng, bươm bướm bay ngập tràn các lối đi, với những ngày mưa dầm rét mướt, nhất là với hình ảnh những con người ẩn hiện trong cảnh vật… Về với núi rừng, chúng tôi lại thấy được trầm mình trong lòng mẹ Tây Nguyên…

nmkn38

Đăk Pxi, cái tên nghe quen nhưng chưa một lần tôi đặt chân đến, dù đã hàng chục lần tôi đi ngang ngã ba Đăk Hring này. Đăk Pxi, mảnh đất đạo vốn gắn bó lắm với bão đời dữ dội, đã từng được ghi lại trong tâm thức tôi, để rồi có ngày tôi được đặt chân đến và được trải nghiệm chứ không còn phải mường tượng nữa.

Sông Đăk Pxi là một trong ba con sông lớn, bên cạnh hai sông Đăk Tơkan và Xêxan, đổ ra sông Pôkô. Cùng với sông Đăk Tơkan, nó bắt nguồn từ núi Ngọc Linh nằm ở phía bắc tỉnh Kon Tum. Hình ảnh của con sông này rất gần gũi, thân thiện với đời sống của người dân nơi đây, trở nên nguồn sống cho con người và súc vật. Người ta thích lập làng ở ven sông suối vì điều đó tiện lợi cho sinh hoạt đời sống. Cũng vì vậy mà tiếng đàn pơrôu vang lên từ những cây lồ ô va vào nhau được con nước đưa đẩy như tiếng lòng của người mẹ núi rừng ngân lên đêm ngày vỗ về, nâng niu những đứa con mình. Từ lòng mẹ ấy, người ta đến để đắm mình cho vơi đi những nỗi vất vả của ngày sống, cho thấm vào mình hai tiếng tạ ơn núi rừng. Từ lòng mẹ ấy, suốt bốn mùa cá như nguồn sống tuyệt vời nuôi sống con người. Từ lòng mẹ ấy, phù sa bồi đắp vào đồng ruộng sau những lần con nước lên xuống, đem thêm niềm vui cho ngày mùa.

Nhưng tất cả bức tranh tuyệt mỹ của thiên nhiên và đời sống ấy đã không còn, sau cơn ác mộng do chính con người tạo ra, và dường như còn kéo dài bất tận, buông trùm một bóng tối trên đời sống người dân. Trên con sông này, chỉ trong một thời gian ngắn, người ta đã xây năm cái đập thuỷ điện. Năm cái đập trên một con sông, thật quá sức tưởng tượng. Chúng đã thay đổi hoàn toàn môi trường sinh thái dọc con sông. Cá không còn nữa, mực nước nông hơn rất nhiều, chỉ đến đầu gối người lớn. Trong cơn bão năm 2009, cát đổ về lấp đầy lòng sông, mọi ngóc ngách còn lại là nơi sinh sống của cá đã bị lấp đầy. Mùa mưa về, những cơn mưa như nước mắt của rừng đổ về con sông, đỏ ngầu như máu, cuồn cuộn chảy như gào thét, tựa như tiếng ray rứt của đứa trẻ đang bị bức tử trong lòng mẹ. Tiếng thét ấy mấy ai đã nghe được, mà nếu nghe được liệu họ có đồng cảm với con sông và dũng cảm lên tiếng bênh vực cho nó? Có người chỉ lắc đầu chán nản, có người thì bàng quan. Tấn tuồng đời vẫn thế, tiếng khóc tiếng cười lẫn lộn. Kẻ gây nên nỗi đau cho người đôi khi cũng cho thấy cảm xúc của người xem kịch. Sự kiêu ngạo, giả dối, tham lam dù được che chắn cách nào thì nó cũng tự phơi bày. Tiếng thét gào từ lòng sông vẫn vang lên. Câu chuyện thiên địa nhân hòa của thuở nào không còn nữa, chỉ còn trong ký ức và những lời kể. Sông Đăk Pxi của một thời…

Giáo xứ Kon Dŭ: sức sống mới

Chúng tôi đến giáo xứ Kon Dŭ khi chiều đã xế. Cơn mưa tầm tã chớp nhoáng đổ xuống làm tăng thêm vẻ trong xanh của núi đồi bao la. Giáo xứ ở cách mười cây số kể từ ngã ba Đăk Hring. Khi ngồi trên xe, chúng tôi có cảm tưởng như núi đồi đang múa nhảy và uốn éo theo những cung đường dập dềnh lên xuống và ngoằn ngoèo.

Khung cổng gỗ làm bằng lồ ô đơn sơ hiện ra trước mắt chúng tôi với cây thánh giá gỗ được cột chặt ở đỉnh vòm cổng. Khung cổng ấy mộc mạc vươn cao, nhìn có vẻ không chắc nhưng lại thách thức bao cơn bão tố của núi rừng, của thiên nhiên, của thời cuộc… qua năm tháng. Cuối cùng chúng tôi cũng vào trong không gian nhà xứ. Ngôi nhà thờ bằng khung sắt lợp tôn tạm bợ, chờ đợi được hóa thân trở thành một ngôi nhà thờ khang trang trong tương lai gần (niềm tin ấy bao giờ cũng thật gần gũi đối với người dân ở vùng đất này, vì nó đã đi vào trong những giấc mơ của họ). Đó cũng là một hình ảnh hứa hẹn những đổi mới trong nếp sống về mọi phương diện của người dân. Nhà xứ chiều thứ bảy tấp nập, rộn ràng, đầy niềm vui và tiếng cười sau giờ lễ chiều. Người ta ra vào nhà xứ như thể nhà mình. Một hình ảnh thật gần gũi và thân thiện.

Cha Antôn ra đón chúng tôi trong chiếc áo chùng thâm. Công việc ngày thứ bảy của ngài còn kéo dài cho đến tối muộn. Không nói nhiều chắc ai cũng mường tượng ra được tính cách của ngài qua những gì miêu tả trên đây về nhà xứ. Chúng tôi cũng dần dần hội nhập vào giáo xứ dễ dàng nhờ tính cách vui tươi, nồng nhiệt của ngài.

Chưa đâu trên mảnh đất Sêđang này tôi thấy có một đời sống đạo được tổ chức quy củ như ở Giáo xứ Kon Dŭ. Trong Thánh lễ sáng Chúa Nhật, Thánh lễ xưng tội / rước lễ lần đầu của các em nhỏ, các em mặc trang phục truyền thống của người Sêđang. Như chúng tôi biết thì màu sắc trang phục của người Sêđang khá đơn giản, không quá sáng và sặc sỡ như màu sắc trang phục của người Bana và người Jrai. Ở đây, trong Thánh lễ, vẻ đẹp của người Sêđang được tôn lên cách đặc biệt bên cạnh những điệu nhảy trong tiếng cồng chiêng rộn ràng tiến vào nhà Chúa. Các ban ngành ở đây cũng được chia ra hoạt động rất năng động như giới gia trưởng, giới hiền mẫu, ban giáo lý viên, ca đoàn thiếu nhi, ca đoàn người lớn, và cuối cùng là một giới rất khoẻ: giới trẻ.

Chúng tôi đã được tiếp xúc với từng giới, từng ban ngành, chúng tôi cảm nhận được hơi thở sống động của xứ đạo, nhưng chúng tôi cũng cảm nhận được những vấn đề họ đang phải đối mặt trong cuộc sống, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay. Đặc biệt chúng tôi cảm nhận được vẻ đẹp của chính tâm hồn và sự đơn sơ của họ nổi bật trên núi rừng Tây Nguyên. Dù cuộc sống thay đổi, vẻ đẹp ấy vẫn cứ sáng ngời lung linh, ngay trong cái nét nhẫn nhục, cam chịu pha lẫn một chút mặc cảm tự ti. Chỉ trong Thiên Chúa họ mới thực sự giàu có và tràn đầy sức sống mà thôi. Trong Kitô giáo, họ giữ lại được vẻ đẹp tâm linh nguyên sơ của tâm hồn, của cha ông, chỉ khác là giờ đây không gian rừng đã được thay thế bằng nhà thờ, và căn bản của niềm tín ngưỡng là niềm tin vào Thiên Chúa quan phòng.

Giáo xứ có mười sáu làng với sáu ngàn dân. Hầu như các làng đều nằm ven đường lộ men theo và nép mình bên sườn núi, phía bên kia đường là con sông Đăk Pxi lượn lờ gào thét. Người Kinh đã vào đây khá nhiều, và con số người Kinh lên đây nhập cư theo xu hướng cơ học đều đặn tăng lên mỗi năm. Họ mang đến cách sống mới, vô tình tạo sức thu hút và lôi kéo thanh thiếu niên theo những xu hướng không thích hợp, nói khác đi là lối sống lai căng. Nói cho đúng thì nguyên nhân là sự khác biệt về văn hoá, về cách sống, cùng với sự khủng hoảng mất rừng, mất đất, mất nguồn cội, cùng với những trào lưu từ thế giới bên ngoài qua âm nhạc, phim ảnh ồ ạt đổ về miền đất này đã khiến đời sống của người Sêđang bị chới với, chao đảo. Người dân Sêđang vốn rất đơn sơ và hiền lành. Sự hiện diện của nhà thờ Kon Dŭ và niềm tin vào Đức Kitô như chiếc thuyền Nôê đưa họ tháp nhập nền văn hoá của mình vào niềm tin Kitô giáo. Nơi đây họ thấy được “khuôn mặt” của dân tộc mình, được trầm lắng để nhận ra những cơn sóng xô đẩy của xã hội, và trên hết nơi đây họ được vị chủ chăn, được các dì hướng dẫn để gặp gỡ Thiên Chúa, Đấng yêu thương họ.

Ở giáo xứ có một cộng đoàn các dì Mến Thánh Giá Thủ Thiêm. Sự hiện diện của các dì trong giáo xứ trở thành một phần không thể thiếu trong việc nâng cao ý thức sống của người dân về mọi phượng diện. Các dì đã hiện diện đến 90% thời gian trong ngày ở nhà xứ để hướng dẫn, đồng hành với đủ các thành phần của giáo xứ. Thành phần đặc biệt phải kể đến là các em nhỏ và thanh thiếu niên, những mầm non của giáo xứ. Những ngày hè là những ngày năng động nhất của các em, khi các em hiện diện hầu như trọn vẹn thời gian hè ở gia đình và giáo xứ. Thời gian hè có thêm các dì về tăng cường. Các dì dạy các em múa hát, sinh hoạt vòng tròn mỗi sáng sớm và chiều muộn, đồng hành với các em suốt những ngày hè. Phải yêu trẻ thế nào mới có thể hoàn toàn hòa nhập với các em như thế! Nơi bọn trẻ, mùi mồ hôi, mùi nắng khét cháy da đầu, mùi phân trâu… hoà quyện trong tiếng cười, tiếng gọi í ới, trong niềm vui đuổi bắt nhau. Ơi tuổi thơ! Những đứa trẻ cần được lớn lên với tương lai vững mạnh cho một sức sống rất phong phú của dân tộc mình trong một vẻ đẹp rất ‘bản sắc’!

Lớp học của chúng tôi

Chúng tôi phụ trách dạy kèm các môn học cho các em từ lớp sáu đến lớp mười hai. Mỗi người phụ trách kèm vài lớp cho các em, mà chủ yếu là môn toán. Ôi! Có lớp học nào mà thầy giáo lại dạy tổng hợp đâu chứ, và cũng có lớp học nào mà học sinh lại phải đi vật lộn với con chữ khổ cực như các học sinh của chúng tôi, khi mà hầu hết chúng đã mất căn bản – mà chúng cũng không thể mường tượng được những con chữ ấy lại có khả năng chắp đôi cánh đưa chúng vào tương lai. Vì không ý thức hết tầm quan trọng của việc học nên các em chỉ thấy sự hiện diện của mình ở đây là niềm vui, vui vì thấy đông vui, vui vì được cha xứ và mọi người yêu thương và bao bọc. Cũng không ít em lơ là việc học. Con chữ thì vô tình, khó ghi nhớ nhưng rất dễ quên. Các em lại quá vô tư.

nmkn39

Ngày thứ hai đầu tiên ở giáo xứ, chúng tôi mới bất ngờ nhận ra có những lớp học ‘tổng hợp’ như thế ở đây. Qui tụ được các em về đây học hành đã là khó, nhưng để có thể được qui tụ các em về đây học hành lại là một vấn đề còn khó hơn nhiều. Đó là điều khó tin đang diễn ra trước mắt chúng tôi, món quà của Chúa bao giờ cũng thật bất ngờ. Không nơi đâu trên vùng Sêđang này các em được quan tâm nhiều và có điều kiện để học tập như ở đây. Các em được chăm sóc cả đến từng bữa ăn. Nếu ý thức được tất cả những ân phúc ấy các em sẽ cố gắng hơn. Gia đình các em cũng được khích lệ bởi những ân phúc đó, để cho phép các em tiếp tục ăn học.

Sĩ số lớp học của tôi bao giờ cũng ít nhất, nhiều lắm là 7, 8 em, nhưng con số ấy thường rớt xuống chỉ còn 1, 2 em. Chỉ cần đẩy các em suy nghĩ một chút là các em chán nản, nghe dạy những gì hơi khó một chút là các em bỏ cuộc. Thế nên chúng tôi phải thật mềm mỏng và nhẫn nại với các em. “Eh pro dei cha pá!” (thầy tự làm khổ mình!) thường là câu cửa miệng của vài em nói với chúng tôi khi chúng cảm thấy không muốn học nữa. Có lẽ bọn trẻ nghĩ chúng tôi đang tự làm khổ bản thân khi dạy học cho chúng!

Hầu hết các em đều mất căn bản. Không biết gì cả nhưng vẫn được lên lớp. Người ta chạy theo thành tích hão. Các em kể rằng ở trường thầy cô chỉ lên lớp viết bài rồi về nhà, mặc cho lũ học sinh ngơ ngác, muốn học hay không tuỳ ý. Đến ngày thi, thầy cô cũng chỉ đơn giản viết đáp án lên bảng, đôi khi làm bài dùm cho những em nào đó nếu chúng không biết chữ!

Dạy kèm các em, chúng tôi kiên nhẫn đi từng bước để giúp các em hiểu. Nhưng thật khó khăn. Con chữ cứ trượt đi, và chúng tôi cố gắng níu nó lại. Có lẽ thấy vất vả như vậy nên con số các em từ các làng về đây học tập chẳng được bao nhiêu. Có những lúc rảnh tôi vào làng, thấy hầu hết bọn trẻ đều kéo nhau lên nương hay ra ruộng, những cái cuốc, cái liềm vẫn quen thuộc với chúng hơn là bút mực sách vở. Vào các buổi tối, những đứa lớn hơn, độ tuổi 15, 16, thì dễ tụm ba tụm bảy đùa nghịch, thậm chí uống rượu. Chúng tôi cố gắng giúp các em thấy mình được yêu thương, được tin tưởng, mong sao góp phần giúp các em có thể lớn lên một cách lành mạnh.

Học nói

Ngoài những giờ dạy kèm các em, chúng tôi cố gắng học tiếng Sêđang. Không học trên sách vở thì cũng cố gắng hỏi đây một chút, hỏi kia một chút. Người ta bảo tiếng Sêđang khó học. Khi tiếp xúc, chúng tôi cũng thấy khó học. Nhưng dần dần chúng tôi cũng cảm thấy thú vị qua từng bước tập nói tập đọc.

Tiếng Sêđang khó có lẽ vì trước hết nó được nói phụ thuộc theo vùng, và rồi phụ thuộc theo làng nữa, do sự cách biệt về địa lý xưa kia. Thực tế là dù hai làng ở cạnh nhau, người ta vẫn nói cách khác nhau. Tiếng Sêđang thường được phân chia thành tiếng Sêđang Đăk Pơxi, tiếng Sêđang Đăk Tô, tiếng Sêđang Tumơrông, tiếng Sêđang phía Đăk Rơông. Cũng may, thời buổi này nhờ giao thông dễ dàng nên người Sêđang ở các vùng hiểu nhau hơn, và họ cũng biết chấp nhận những khác biệt. Chúng tôi chủ yếu được học và tiếp xúc với tiếng Sêđang Đăk Tram thuộc huyện Đăk Tô. Một thuận lợi là tiếng Sêđang ‘nhà đạo’ chủ yếu là tiếng Sêđang Đăk Tô.

Vì đã biết qua tiếng Sêđang nên chúng tôi có thể giao tiếp thông thường được. Người ta chỉ cho chúng tôi cách phát âm sao cho đúng, rồi cách nói thế nào cho đúng câu. Phải nói rằng việc nghe đôi khi không dễ vì âm các vùng khác nhau, nên chúng tôi phải tập nghe lại từ đầu với âm sắc từng vùng. Người trong làng nói chuyện với nhau khá nhanh, đôi khi họ nuốt âm, chúng tôi phải đoán, phải dựa vào cử chỉ, vào những từ nghe được mà đoán.

Điều thú vị là đôi khi người ta hỏi chúng tôi có phải là người Seđang không, và thường người ta sẽ kết luận chúng tôi là người Bana nếu chúng tôi chưa nói rõ cho họ biết. Bởi thế chúng tôi thấy hãnh diện khi nghĩ mình có gì đó giống người trong làng (ít nhất là chúng tôi có nước da đen hơn khi lên vùng đất này!) Việc biết tiếng quả là một cầu nối quan trọng giúp chúng tôi hòa nhập với mọi người ở đây, người có đạo cũng như không có đạo.

Học tiếng không phải là chuyện một sáng một chiều. Chúng tôi hiểu mình chỉ mới ở mức “ê a” mà thôi. Việc học tiếng cần được bồi đắp hơn sau mỗi mùa hè, và chúng tôi cần thực sự yêu nó và say mê nó, vì nó là công cụ của sứ vụ.

Cuộc sống nghèo

Mùa mưa về. Những cơn mưa cứ kéo dài lê thê, ngày này qua ngày khác. Không hẳn là trời mưa liên tục trong ngày, nhưng trời đất dễ khiến có cảm tưởng như vậy, khi người ta thấy vướng víu tay chân không làm được nhiều việc chỉ vì trời mưa. Thế nên tôi thường tranh thủ sử dụng những khoảng thời gian có thể được để vào làng, nhằm tìm hiểu về vùng đất này.

Con đường làng thường vắng hoe, không một bóng người, thỉnh thoảng chúng tôi lại thấy những đứa trẻ tập trung đây đó trong các sân, đứa lớn trông coi đứa nhỏ, tay chân đứa nào cũng đỏ au bùn đất, quần áo xốc xếch, mũi thò lò sụt sịt. Vì đã biết tôi, đứa nào cũng nhoẻn miệng cười tinh nghịch, không hề cho thấy chút gì đó ngại ngùng, rụt rè như thấy ở người lớn. Chúng thể hiện sự tinh nghịch rất thông minh của mình, đôi khi ăn nói rất láu lỉnh. Những ngày hè này là thời gian thu hoạch lúa. Tận dụng ngày nắng, hầu như nhà nào cũng đem lúa ra phơi, rồi một hai người lớn ngồi đó, vừa đuổi gà vừa trò chuyện với nhau. Thấy họ, chúng tôi vào trò chuyện. Chúng tôi thường hỏi về đời sống kinh tế của gia đình. So ra thì số lúa họ đang phơi rất ít ỏi. Vì biết chúng tôi nên họ dễ dàng thổ lộ những khó khăn trong cuộc sống. Mà chẳng cần hỏi thì chúng tôi cũng biết họ rất nghèo, khi nhìn qua căn nhà gỗ cũ kỹ, thậm chí là vách nứa, vách đất với sàn lát bằng lồ ô hay nền đất, có khá lắm thì cũng là ngôi nhà xây cấp bốn đơn sơ. Nét nhọc nhằn in trên từng khuôn mặt.

Dù lập gia đình khá sớm, các đôi vợ chồng trẻ đều hiểu thế nào là trách nhiệm nặng nề và đều sẵn sàng đón nhận những cơ cực mà họ vốn không hề mường tượng trước. Bán mặt cho đất, bán lưng cho trời là hoàn cảnh của họ. Cái cảnh đi lên từ cục đất, hòn than ấy, ai có thể giúp họ đây? Cái nghèo vốn vô tội nhưng nó lại sinh ra vô số tội, mà trước hết là sự thất học và thiếu hiểu biết. Họ ưa nhìn xuống, điều đó nói lên cái tủi, cái đau đáu trong lòng mà họ cảm nhận khi gặp một người Kinh lạ hoắc đi qua. Hoặc giả họ tỏ vẻ cứng cỏi, ngang tàng để che giấu đi nỗi lòng và thân phận mình. Hình như đang có một cuộc khủng hoảng tâm lý nơi hầu hết người sắc tộc trên Tây Nguyên, đặc biệt đối với những người trong các làng gần thành phố, khi họ thấy chới với trước tình trạng mất đất, mất rừng, mất văn hoá. Muốn có sự cân bằng cần có thời gian và nhiều sự bù đắp khác… Và tổn thương nào lại không có vết sẹo để lại, đặc biệt khi nó là tổn thương tinh thần.

Cái nghèo là hậu quả đương nhiên. Trước hết, họ mất rừng, mất đất. Không còn thú rừng, không còn cây rừng. Những gia đình trẻ muốn có một ngôi nhà gỗ cho hẳn hoi bắt đầu thấy khó trong việc tìm gỗ làm nhà, điều vốn chẳng khó gì đối với cha ông họ.

Cuộc sống không còn dễ dãi như trước kia nữa, nhưng cái phong thái nhẩn nha, dễ dãi đã trở thành tính cách của họ. Đặc biệt, do cái rét lạnh của núi rừng, rượu đã đi từ văn hoá vào trong cuộc sống của họ, và từ lúc nào rượu trở nên gắn liền với cái nghèo của họ. Có những buổi tối chúng tôi vào làng chơi, ghé thăm các gia đình và trò chuyện với họ, chúng tôi nhận ra mười gia đình thì có đến chín gia đình uống rượu. Đời sống cơ cực thì đôi khi một chén rượu để giải khuây là điều chính đáng, nhưng ngồi lại với nhau quanh một ché rượu (thường là rượu đế) dần sẽ thành thói quen và sẽ thật là một thảm hoạ khi người ta tự huỷ hoại thân thể mình và không đủ tỉnh táo để trách nhiệm gia đình mình.

Đất đai bị bỏ hoang rất nhiều. Đó là những mảnh đất quanh nhà, lẽ ra nó nên được canh tác để trồng rau, hay trồng một loại cây công nghiệp thay vì để cho cỏ mọc lên um tùm. Việc trồng cây công nghiệp còn rất mới mẻ đối với người dân trên mảnh đất này và đòi hỏi có tiền đầu tư. Nhưng người ta có thể sử dụng những mảnh đất ấy cho việc trồng rau, trồng mì, hay bời lời là những loại cây thông dụng.

Trong buổi gặp gỡ các bà mẹ, chúng tôi rất vui được gặp khoảng 150 bà mẹ. Trong buổi gặp gỡ các gia trưởng, chúng tôi rất vui được gặp trên 70 người. Họ là những người nhiệt tâm sống đạo và có một đời sống gương mẫu. Cuộc nói chuyện của chúng tôi cũng chỉ xoay quanh những gì rất gần gũi của cuộc sống đạo. Họ là những người hiểu được tình trạng của dân tộc mình, và họ tha thiết tìm cách đưa con cái mình ra khỏi cảnh nghèo cơ cực mà tiến bước ra giữa dòng đời. Niềm vui sống Tin Mừng là chỗ dựa và là ngọn lửa nung nấu họ. Họ không cô đơn, họ cùng tiến bước với nhau, và họ có cha xứ cùng các dì nâng đỡ trong nhiều phương diện.

Chúng tôi cũng được tiếp xúc với hơn 200 bạn trẻ, đô tuổi từ 15 đến 18, trong một ngày thứ bảy, khi các em tập trung về nhà xứ vui chơi sinh hoạt. Các em thật trong sáng và dễ thương. Hầu hết đã nghỉ học. Có nhiều em trai cũng bấm lỗ đeo khuyên tai, nhuộm tóc lòe xòe kiểu Hàn Quốc… Mốt? Cách ăn mặc, nam cũng như nữ, cũng có vẻ gì đó cho thấy lạ lẫm, trong khi các em vẫn bộc lộ tính cách của người trong làng. Tình trạng pha tạp này cho thấy một sự mất cân bằng nơi cuộc sống các em. Một số em có vẻ ngang tàng, thích nổi loạn. Các em không chỉ chịu cảnh nghèo về vật chất, nhưng còn phải chịu cảnh nghèo về tinh thần, có lẽ nghèo cả lòng tự hào dân tộc, khiến các em bị bó buộc và cam chịu, để mặc cho số phận đưa đẩy. Các em cần được đồng hành và được yêu thương.

Những làng ngoại đạo: câu chuyện tình chưa kể

Ngoài 16 làng của giáo xứ, giáo xứ còn đảm nhận ba làng ngoại đạo ở phía núi Đăk Kôi, cách nhà thờ Kon Dŭ khoảng 25 cây số. Chúng tôi lên đường vào Đăk Kôi vào một ngày khá đẹp trời, một quà tặng rất bất ngờ Chúa ban vì những ngày trước và sau đó là những ngày mưa dầm dề. Bầu trời ảm đạm, không hứa hẹn gì cho một ngày khô ráo cả. Chúng tôi theo chân ba chú vào các làng xa ấy thăm người thân. Đường lộ giờ đã được làm khá tốt, nên hành trình của chúng tôi không khó khăn lắm.

Ba làng đó Đăk reng, Tu Rbang, và Preang Noh. Đến nơi, bước vào nhà một người quen, rất may chúng tôi được dịp gặp một người trong câu truyện hội ngộ cách đây vài tháng của họ với Đức cha Micae khi ngài đến thăm làng. Ngài đã vào và ăn cơm ở gia đình này. Câu chuyện về Đức Giám mục đặt chân đến mọi nơi trong giáo phận của ngài là một câu chuyện rất ấn tượng đối với những con người nơi đây. Theo đúng nghĩa, nơi đây vẫn còn là vùng sâu vùng xa của tổ quốc. Ba làng ở kề nhau, tại một nơi thật heo hút và hầu như bị cô lập. Cũng qua đoạn đường ra Đăk Hring xuống Kon Tum mà họ đi ngang qua nhà thờ Kon Dŭ. Họ tiếp xúc với các làng có đạo qua đoạn đường này. Rồi họ biết Chúa qua các làng này. Tiếng của cõi lòng, tiếng của con tim thì có ai ngăn cản được chứ, mà cũng có ai cưỡng lại được đâu. Một khi nó đến thì nó khiến người ta trăn trở, khát khao và rồi khiến người ta quyết định. Câu chuyện hội ngộ ấy được kể lại thì có khác gì câu chuyện người thiếu nữ nghe biết về chàng trai và đem lòng yêu thương chàng, để rồi một ngày kia được gặp chàng, rồi cứ hoài tương tư. Chỉ khác là ở đây họ đang luyến ái với Đấng tạo dựng nên họ. Thế nào mà một câu chuyện tình yêu lại không được kể tiếp nhỉ!…

Ghè rượu đã được chuẩn bị để đón chúng tôi. Ôi thân tình biết mấy! Vị rượu ngọt chua cứ thế men theo mạch chuyện. Nào là chuyện về các loại cây quý, về mùa màng, về những cuộc trao đổi làm ăn với người Kinh, về chuyện làng, chuyện họ hàng. Tiếng Sêđang cứ đều đều như thế trong câu chuyện. Tiếng Sêđang ở đây còn khó nghe hơn tiếng Sêđang Đăk Pơxi, chúng tôi phải cố gắng đoán mới hiểu. Tiếng Sêđang là cầu nối, nhưng với mạch chuyện đang tuôn chảy và với mối thân tình được nối kết từ câu chuyện hội ngộ kia, chúng tôi chỉ ngồi hiện diện thôi cũng đủ. Khi người ta đã có thể cảm nhận được hướng cả hai cùng nhìn, thì tiếng nói của con tim cũng bắt đầu hoà điệu. Rượu như chất xúc tác nhẹ nhàng làm tăng thêm cảm xúc của gia chủ.

Chúng tôi cũng ghé thăm một chú yao phu ở làng Đăk Rong đi bước nữa trong hôn nhân với một người ở làng này. Anh đã bỏ đạo từ ngày về làng này – như nhiều người nói với tôi như thế về anh. Có lẽ vì xa xôi mà anh phải xa Chúa. Tôi nhìn thấy trên tay anh đang đeo chuỗi tràng hạt, tôi bắt lấy và xem, anh nhoẻn miệng cười. Nụ cười thật hạnh phúc và đơn sơ như thể muốn khẳng định rằng anh đang sống đạo theo cách mà anh cảm nhận trong hoàn cảnh cụ thể của anh. Thế giới riêng nào lại không có những câu chuyện của nó. Chúng tôi chào tạm biệt anh trong mối thân tình như thể chúng tôi đã quen biết anh từ lâu. Nghĩ về hoàn cảnh rất riêng của anh, chúng tôi thấy có lẽ cuộc đời anh cũng giống như câu truyện tổ phụ Giuse trong Cựu Ước. Biết đâu… Câu chuyện tình yêu nên được kể theo cách riêng của nó và nó được viết trên dòng chảy thời gian đang nhẹ trôi từng ngày…

Ba chú dẫn đường đưa chúng tôi lên đây là những thợ xây từ các làng của giáo xứ Kon Dŭ thường đến đây xây nhà. Nhóm thợ xây ấy có tên là “Lên Đường”. Thay vì lấy sáu triệu tiền công họ chỉ nhận ba triệu. Trong những năm gần đây, nhiều anh em trong các làng ở dưới dần dần được cha sở tạo điều kiện để học xây nhà, học làm nhiều ngành nghề khác nữa. Giờ họ đã có thể tự đứng trên đôi chân của mình, và hơn thế nữa, họ sống và loan báo Tin Mừng theo cách riêng của họ. Cũng lại một câu chuyện tình yêu được kể rất thú vị! Lên Đường! Câu chuyện về ba làng kể trên là một cuộc lên đường như vậy. Họ đang lên đường trong chuyến hành trình đầy hứa hẹn. Những người thợ xây cũng lên đường. Chúng tôi cũng phải lên đường như vậy…

Cánh Kiến

(và nhóm thực tập tháng hè tại giáo xứ Kon Dŭ)

 

*******

Vì Chúa Thương Con

 Ngày xửa, ngày xưa… cách đây 24 năm, có một cậu bé sinh ra tại làng quê nọ. Giống như bao đứa trẻ thôn quê khác, tuổi thơ của cậu gắn liền với đuôi bò, với những ruộng lúa và với những cánh diều chở đầy mơ ước. Nhận ảnh hưởng từ nếp ngoan đạo của ba mẹ, cậu năng đi lễ sáng hằng ngày. Vì siêng năng và được học giáo lý sớm, mới lớp hai cậu đã được hồng ân rước Chúa vào lòng. Cậu vẫn hằng ao ước được trở thành một chú giúp lễ, giống như các anh lớn, và một ngày nào đó được làm lễ giống như cha xứ của mình.

nmkn40

Thế rồi, buổi sáng đẹp trời hôm ấy, khi tan lễ, cậu được anh trai (là một thành viên ban giúp lễ) dẫn vào phòng áo để xin cha sở cho cậu được vào ban giúp lễ. Cha sở biết thằng bé siêng năng và cũng biết khá rõ gia đình nó, nên cha “OK” liền. Thế là mơ ước bấy lâu của cậu trở thành hiện thực. Ngày đầu tiên giúp lễ, cậu vui lắm vì được mặc áo trắng dài, được đứng bên cạnh cha. Ôi, thật là hãnh diện.

Thuở nhỏ, cậu khá lười và thường thích đi chơi hơn là học bài. Vì phải học hai buổi ở trường nên cứ sau mỗi giờ tan trường là cậu vội vã chạy ngay về nhà để được đi chơi với chúng bạn. Những trò chơi như thả diều, bắn bi, năm mười trốn tìm, kháng chiến bùng nổ… đã in sâu vào ký ức tuổi thơ của cậu, làm sao mà quên được.

Thời gian dần trôi, cậu bé ngây thơ bé bỏng ngày nào cũng lớn lên. Và cậu bắt đầu ngang bướng với ba mẹ, muốn làm theo ý của riêng mình. Nhưng nhờ sự yêu thương, dạy dỗ, hướng dẫn và đồng hành của ba mẹ, cậu đã vượt qua được giai đoạn khủng hoảng của tuổi mới lớn ấy mà không làm cho ba mẹ phải phiền lòng. Trong giáo xứ, cậu khá hiền và đơn sơ nên mọi người nghĩ cậu sẽ đi tu làm cha, và đó cũng là ước muốn của ba mẹ cậu.

Thế nhưng, trong những năm trung học phổ thông, cậu đã vạch cho mình một con đường riêng, hoàn toàn khác với suy nghĩ của ba mẹ và mọi người…

Thế rồi, vào một sáng Chúa Nhật nọ của năm thánh linh mục, cậu đi lễ và nghe đọc thư của Đức Cha gửi cho gia đình giáo phận, cách riêng gửi đến những bạn trẻ có ý hướng đi tu. Dường như cậu được đánh động đặc biệt bởi hình ảnh “lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít” trong bức thư ấy. Cậu lặng thinh suy nghĩ về cùng đích của đời mình, về tình thương của Chúa dành cho mình. Cậu muốn dấn thân để đáp trả tiếng gọi của Chúa. Vì muốn hướng con đi tu, nên khi lễ xong, vừa ra khỏi nhà thờ, ba cậu hỏi:

– Lúc nãy con có nghe thư của Đức Cha không?

– Dạ, con có nghe. Cậu trả lời.

Thế con tính sao?

Cậu trả lời ngay lập tức:

– Con muốn đi tu!

Về đến nhà, cậu vội vã đi làm hồ sơ để kịp hạn nộp vào chủng viện. Không lâu sau đó, cậu được nhận vào Chủng Viện Thừa Sai Kon Tum. Ngày mẹ dẫn cậu xuống chủng viện nhập học, hai mẹ con đã khóc, vì cậu đã có bao giờ xa ba mẹ ngày nào đâu. Mới xa nhà có mấy ngày mà cậu sốt li bì, đến nỗi ba mẹ phải chạy hơn 50 cây số để đến thăm. Cậu không có xe đạp để đi lại. Thế là hôm ấy, khi lễ sáng vừa xong, trời vẫn còn mờ sương, ba cậu đã vượt qua đoạn đường hơn 50 cây số ấy giữa trời đông giá rét để mang đến cho cậu chiếc xe đạp. Cậu nhận ra tình thương yêu mà ba mẹ dành cho mình lớn biết chừng nào.

Thời gian một năm ở chủng viện cũng hết, nhờ ơn Chúa, cậu thi đậu vào một trường ở Sài Gòn. Sài Gòn điểm đến thứ hai trong cuộc đời cậu. Đó là chốn đô thị phồn hoa khác xa với vùng quê bình yên của cậu. Vừa đặt chân đến Sài Gòn, cậu bị choáng ngợp bởi sự ồn ào và phức tạp của nơi đây. Và rồi, cậu cũng quên dần đi cảm giác đó. Ngày tựu trường, cậu đến trường như biết bao sinh viên khác. Mỗi ngày đến trường đối với cậu là một niềm vui, vì cậu được gặp thầy cô và bạn bè. Vốn hiền lành và vui tính nên cậu bắt đầu được mọi người chú ý đến. Qua những giờ học, những lần tiếp xúc, các bạn nhận ra cậu có gì đó là lạ, khác hẳn với nhiều người khác. Họ tò mò muốn biết cậu là ai, ở đâu. Khi biết cậu đi tu, các bạn trong lớp nghịch ngợm gọi cậu bằng “cha”, một biệt danh dễ thương . Nghĩ lại cậu vẫn thấy vui.

Một năm trôi qua. Đến năm thứ hai cậu bắt đầu nhận ra rằng con đường đi tu không phải là một màu hồng như cậu vẫn thường nghĩ. Cậu cảm nhận những khó khăn và thử thách trong đời sống ơn gọi của mình. Cậu cảm thấy cô đơn, lạc lõng. Và cậu cần ai đó để chia sẻ và giúp cậu vượt qua cơn khủng hoảng thứ hai trong đời. Cậu chạy đến với Chúa và tâm sự hết với Chúa. Cậu chia sẻ cho Chúa những khó khăn, những cám dỗ mà cậu đang gặp phải, và Chúa đã không bỏ mặc cậu. Cậu nhận ra được thánh ý của Chúa qua Cha linh hướng đáng kính của mình. Cậu cũng nhận ra một điều mà đối với cậu đó là một chân lý vô cùng quan trọng: Đời sống tu trì sẽ rất buồn và vô vị nếu không biết chạy đến với Chúa!

Sau khi tốt nghiệp, cậu trở về lại giáo phận và tiếp tục chương trình tiền-đại-chủng-viện. Biết tin cậu sắp được đi tu học ở Đại chủng viện Huế, ba mẹ mừng lắm, gặp ai ba mẹ cũng khoe. Nhưng trước khi đi, mẹ cậu có dặn: “Bây giờ con đã lớn, đã có thể tự do quyết định cho cuộc đời mình. Ba mẹ muốn con đi tu nhưng ba mẹ không ép. Nếu con thấy rằng con thật sự yêu mến Chúa và Giáo hội của Chúa thì con hãy đi, bằng không thì con ở nhà cũng được. Ba mẹ muốn thấy một linh mục đạo đức thánh thiện hơn là một linh mục làm mất lòng Chúa.” Như Đức Mẹ dâng mình trong Đền thờ, cậu chạy đến bên Chúa, suy nghĩ và cầu nguyện. Cậu dâng cuộc đời mình cho Chúa và từ đây cậu nhận ra được thánh ý của Chúa cho mình.

Ngày 3 tháng 9 năm 2015 là một ngày trọng đại trong đời cậu, vì từ đây cậu chính thức gia nhập Đại chủng viện Huế. Nơi đây, cậu cảm thấy bình an, được nâng đỡ và được thúc đẩy không ngừng tìm hiểu hơn nữa về tiếng gọi của Chúa dành cho mình.

Tạ ơn Chúa vì trong suốt đời con, Chúa vẫn luôn yêu thương và gìn giữ con. Những ngày tháng con chập chững bước đi theo Chúa, Chúa luôn ở sát bên con. Con nhận ra rằng: Chỉ vì Chúa thương con! Deo Gratias!

Đaminh Võ Thành Liêm, TĐ.

 

đi Xuân Phú lại đạp lên Phường Đúc!

  Năm 2011, khi cầu Dã Viên chưa hoàn thành, mỗi khi đi sang phía nam Sông Hương chúng tôi qua cầu Phú Xuân hoặc phải qua cầu hẹp Bạch Hổ. Vào sáng Chúa Nhật nọ, hai anh em chúng tôi đi mục vụ tại Trung tâm Xuân Phú (ở gần đường Bà Triệu), chúng tôi không qua lối cầu Phú Xuân mà lại qua cầu hẹp Bạch Hổ (rộng khoảng 90 cm). Tới gần nửa cầu thứ nhất (có 2 cầu), đột nhiên, ai cũng phải dừng lại vì bị kẹt xe, vậy là mọi người đều phải bắt đầu đi xe “bò”. Trước sự thể ấy, hầu như ai cũng càm ràm và hối thúc. May thay, khoảng hai phút sau cầu đã thông lại.

nmkn42

Tới khoảng 20 mét, ngay trước nhà máy nước Dã Viên, chúng tôi thấy có một người phụ nữ khoảng trên năm mươi tuổi đang dắt xe đạp với một sọt rau gì đó ở phía sau. Ai nhìn thấy cũng biết “thủ phạm” vụ kẹt xe đây rồi. Chúng tôi quyết định dừng lại và hỏi:

–     Xe bị gì vậy Dì? Tôi hỏi.

–     Xe Dì bị lủng lốp, người phụ nữ ấy trả lời.

–     Dì đi tới đâu vậy?

–     Chợ Phường Đúc.

Nhìn đồng hồ, chúng tôi quyết định phụ Dì ấy một chút, có trễ một chút cũng không sao. Vậy là anh bạn tôi chở sọt rau, tôi bảo Dì đạp xe tôi qua cầu trước, còn tôi thì vừa ngồi sau chiếc xe hỏng vừa chọi chân cho mau qua cầu kẻo làm kẹt xe thêm một lần nữa thì bị chửi chết.

Qua khỏi cầu thứ hai, anh bạn tôi vẫn chở sọt rau, tôi chở Dì ấy đi, một tay lái một tay dắt xe, vì không có cách nào khác tốt hơn. Đi một lát, tôi hỏi thăm thì biết Dì ấy ở An Hòa (gần giáo xứ Đốc Sơ). Dì ấy tiếp lời:

–     Cám ơn hai cậu, phiền hai cậu quá.

–     Dạ không có chi mô Dì, tôi đáp, vả lại gần mà, anh em cháu cũng rất vui khi phụ Dì một chút.

–     Hai cậu ở mô?

–     Dạ anh em cháu ở Kim Long.

–     À, người có đạo phải khôn (phải không)?

–     Dạ, chúng cháu là người công giáo.

–     Rứa là hai cậu đi học để làm cha đạo hả? Dì hỏi tiếp.

–     Dạ.

–     Gần nhà Dì, mấy người có đạo họ cũng sống tốt lắm. Cám ơn Ông Trời.

Vừa lúc ấy, Dì bảo chúng tôi là đã tới chợ Phường Đúc rồi. Chúng tôi chào Dì với lời chúc Dì và gia đình được sức khỏe và nhiều ơn lành của Ông Trời, và Dì chào chúng tôi với lời cám ơn ngọt ngào.

Cả ba người đều vui, chúng tôi vui vì Chúa đã đồng hành thật rõ với chúng tôi trong buổi mục vụ Chúa Nhật này và đã đem lại niềm vui cho người khác, người phụ nữ này vui vì có Ông Trời giúp trong lúc lỡ đường xe hỏng.

Chuyện mục vụ Xuân Phú mà đi lên Phường Đúc rồi mới quay về là như vậy. Chúng tôi rất vui vì gặp việc mục vụ ngoài dự kiến này, và cũng rất vui vì qua cuộc trò chuyện ấy chúng tôi biết được sự tốt lành nơi người giáo dân ở trong môi trường sống của mình mà người lương dân đã nhận ra.

Tạ ơn Chúa về việc Chúa làm, với chúng tôi đó như một kỷ niệm vậy!

Đ.P.T.H.

 

Lời cầu nguyện của một linh mục

 Lạy Chúa Giêsu lòng con mến yêu,
xin cho con luôn sống xứng đáng là linh mục của Chúa.

Là linh mục của Chúa,

xin cho con nên đồng hình đồng dạng với Chúa.

xin cho con luôn hết mình vì sứ vụ.

xin cho con dám hi sinh hiến mạng vì đoàn chiên.

 

Là linh mục của Chúa,  

xin cho con luôn biết lắng nghe Lời Chúa.

xin cho con nhiệt tâm sống và rao giảng Lời Chúa.

 

Là linh mục của Chúa,  

xin cho con biết cảm thông với nỗi khổ của người nghèo.

xin cho con đừng chạy theo những thói đời hưởng thụ,
đừng tìm an nhàn, đừng sống xa hoa, trong khi bao người đang khốn cùng.

 

Là linh mục của Chúa,  

xin cho con biết chân thành tôn trọng mọi người.

xin cho con đừng bắt ai phải chịu đựng mình.

xin cho con biết vượt qua tự ái, khiêm tốn nhận lỗi, và trân trọng những góp ý chân thành của người khác.

xin đừng để con lạm dụng quyền bính, hành xử cách độc đoán, độc tài.

xin cho con biết quên mình phục vụ, chứ không đòi được người ta phục vụ.

xin cho con biết đem niềm vui đến cho mọi người con gặp gỡ.

 

Là linh mục của Chúa,  

xin cho con biết hiệp thông với giám mục và linh mục đoàn.

xin cho con biết xây dựng và vun xới mối hiệp thông trong giáo xứ.

xin cho con biết tháo gỡ những bất hòa, đón nhận những chiên lạc và chữa lành các thương tích.

xin cho con đừng bao giờ làm một ai vì con mà trở nên xa Chúa xa nhà thờ.

xin cho con luôn biết khiêm nhường khi thành công, nhẫn nại khi thất bại và không quản ngại trước gian nan thử thách.

 

Là linh mục của Chúa,  

xin đừng để con trôi trong men say của thành công và ảo tưởng.

xin cho con biết trông cậy vào sức mạnh của Chúa, đừng để con rơi vào cạm bẫy của thế gian.

xin cho con luôn ý thức sự mỏng giòn yếu đuối của phận người, biết đứng dậy khi vấp ngã, và luôn tin tường vào Chúa.

 

Là linh mục của Chúa,  

xin cho con biết yêu mến Thánh Thể và luôn kết hiệp với Chúa trong đời sống hàng ngày.

xin cho con biết dâng Thánh Lễ, cầu nguyện và xét mình mỗi ngày cách chuyên cần và sốt sắng.

xin cho con biết yêu mến Mẹ Maria, yêu mến tràng chuỗi Mân Côi và năng chạy đến cùng Mẹ.

Nhân Tâm

 

 

tâm trạng những ngày mới vào Chủng viện…

Các chàng trai lớp Tu Đức nói gì?

nmkn41

-A L.:

“Điều tôi cảm nhận sâu sắc nhất trong những ngày đầu, đó là đời sống thiêng liêng… Sinh hoạt thiêng liêng ở đây giúp tôi lắng đọng tâm hồn, như nghe được tiếng nói của con tim mình, và tôi thấy gần gũi với Chúa hơn.”

-N.T.T.:

“Sau hơn ba tuần tại ĐCV, tôi thấy sự ấm cúng của một gia đình, với tình yêu thương huynh đệ và sự quan tâm của các cha, nhất là cha giám đốc… Nhưng tôi cũng mang trong mình sự phân vân…”

-T.Đ.T.:

“Tôi cảm nghiệm một điều rằng tôi có thể sống với những khác biệt về văn hóa vùng miền… Mọi người có thể hòa hợp với nhau, vì tất cả đều là những chi thể trong thân thể mầu nhiệm với Chúa Kitô là Đầu.”

-T.Q.P.:

“Chân ướt chân ráo đến Huế ngày đầu, trời chưa sáng tỏ, đã có vài anh lớp trước đứng đón để chúng tôi khỏi cảm giác xa lạ lạc lõng buổi đầu… Chắc hẳn trong những ngày đầu tôi có nhiều thiếu sót, nhưng được các cha cảm thông và tận tình chỉ dạy…”

-N.H.P.:

“Khung cảnh, bầu khí và cách tổ chức ở ĐCV rất tốt… Từ cơ sở vật chất cho đến chương trình học tập, tất cả đều được chuẩn bị kỹ lưỡng và lên kế hoạch rõ ràng… Thêm vào đó, các cha rất hiền lành, khiêm tốn… Các anh em ai cũng dễ gần gũi, thân thiện.”

-A N.:

“Những ngày đầu, tôi thực sự hết sức bỡ ngỡ… về nhiều cái, như giọng nói, môi trường sống… Nhiều lúc anh em Huế hay Quảng Nam nói chuyện, tôi chẳng hiểu gì cả, có lúc tôi chỉ gật đầu cho qua chuyện.”

-V.T.L.:

“Tôi cảm nhận chủng viện là một gia đình thật sự. Đã trải qua một thời gian sống xa gia đình, tôi nghĩ rằng mình đã quen với điều đó; nhưng không, trong tôi vẫn có chút gì đó nhớ ba mẹ và anh em… Chính nhờ bầu khí gia đình ở đây mà tôi dần vơi đi cảm giác nhớ nhà.”

-H.T.H.

“Tôi từng có một ước mơ vĩ đại… Và ước mơ ấy thành hiện thực vào 3 giờ chiều ngày 3 tháng 9 năm 2015: tôi đặt chân vào cổng ĐCV để được rèn luyện trở thành “alter Christus”. Cổng ĐCV nhỏ và đơn sơ, nhưng bước vào cổng ấy là một hồng ân!”

-P.C.P.:

“Hình ảnh tôi ấn tượng hơn cả là các cha giáo cùng tham gia giờ thể thao với các chủng sinh. Trong giờ này, các ngài hoàn toàn không phải như một giáo sư uy nghiêm đứng lớp, nhưng là một người bạn, một người anh cùng chia sẻ giờ phút giải trí với các bạn nhỏ của mình…”

-Đ.M.H.:

“Tôi thích giờ cầu nguyện và giờ dọn gẫm. Những giờ này giúp tôi có nhiều ý tưởng cũng như hiểu sâu hơn về Tin Mừng, giúp tôi cầu nguyện sốt sắng hơn, gần Chúa hơn…”

-L.H.C.:

“Những sự mới mẻ ở đây đôi khi làm tôi bối rối. Một môi trường sống mới, một thời khóa biểu mới, những mối quan hệ mới… Tất cả tạo cho tôi một quyết tâm mới!”

-H.T.C.:

“Sự choáng ngợp là điều tôi cảm nhận trong thời gian đầu. Tôi thấy nhà cửa ở đây chẳng có qui luật nào cả, và để nhớ hết không phải là điều dễ. Thật buồn cười, trong buổi tối đầu tiên, sau khi dùng bữa và đi dạo thì tôi đã không còn nhớ được dãy nhà của mình nữa!”

-Đ.V.P.:

“Tôi cảm nhận rằng Chúa nhân lành đã đưa tôi tới ngôi nhà này. Niềm vui đó xen kẽ với những tâm trạng buâng khuâng, vì là lần đầu tôi đi học xa, đến một vùng nằm giữa đất nước Việt Nam. Đất trời, con người, giọng nói… ở đây làm tôi bỡ ngỡ.”

-T.M.Q.:

“Ban đầu, ăn cơm xong, mấy anh em chúng tôi thường đi chung với nhau, vì còn xa lạ với những anh em khác. Nhưng càng ngày tôi càng thấy các anh em trong chủng viện rất dễ gần, dù chưa biết tên nhau… Có nhiều anh vui vẻ hỏi tôi tên gì, đến từ giáo phận nào, và tự giới thiệu về mình cho tôi nghe.”    

-T.T.C.:

“Tôi rất vui sống với các anh em khác địa phận. Một vài tập quán hơi khác, nhưng dễ mến… Ở sân chơi rất vui… Nhất là những giờ kinh lễ, nguyện gẫm… tâm hồn tôi trở nên bình lặng cách lạ thường, dù đôi lúc hơi buồn ngủ… Nhìn chung, tôi cảm nhận được tình yêu thương ấm áp của gia đình.”

-P.A.H.:

“Hình ảnh ấn tượng đối với tôi là các thầy mặc áo dòng tham dự Thánh lễ, nhìn xuống thật là đẹp. Và tôi cũng ước mong một ngày nào đó mình cũng được mặc chiếc áo dòng đó…Tôi ý thức rằng con đường trước mặt vẫn còn nhiều khó khăn, đòi hỏi nơi tôi nỗ lực hết mình.”

-L.Q.N.:

“Dù đã sống cộng đoàn khá lâu, nhưng những ngày đầu ở ĐCV tôi cũng cảm thấy bối rối và lo lắng… Tôi lo lắng không biết sẽ thích nghi với môi trường mới thế nào. Qua vài tuần, tôi dần ổn định tinh thần, nhờ sự giúp đỡ và hướng dẫn của các cha giáo và anh em.”

-P.V.L.:

“Cuộc sống ở đây không quá ồn ào, thật là yên bình, không bon chen, không tranh giành, oán ghét… Cuộc sống thật đẹp. Nhà cửa và khung cảnh thoáng đãng. Những tâm hồn đẹp cùng nhau chung sống, giúp đỡ nhau cùng thăng tiến trên con đường…”

-T.T.D.: (trích thư gửi ba mẹ)

“Thưa ba mẹ. Con tựu trường được gần một tháng rồi… Những ngày đầu con rất bỡ ngỡ… nhiều lúc nghe tiếng chuông báo giờ, mấy anh em chung phòng cứ ngơ ngác hỏi nhau giờ ni làm chi… Đến bây giờ con đã quen với đời sống chủng viện. Sống trong môi trường này con mới cảm nhận việc quí trọng sự thinh lặng…”

-N.H.T.:

“Khi đặt chân tới chủng viện, trong tôi có nhiều cảm xúc vui buồn lẫn lộn. Vui vì mình bắt đầu giai đoạn mới trong đời sống tu trì của mình. Buồn vì phải xa gia đình, xa nhà… Tôi cũng lo nữa. Lo không biết ở đây có hợp không, sống được không, ăn được không… nhưng rồi những nỗi lo đó tan dần, còn niềm vui giữ lại…”

-N.V.T.:

“Trong những ngày đầu ở đây, tôi gặp khó khăn nhiều nhất là về thời tiết. Trời rất oi bức, nắng gắt, hoàn toàn khác với ở Pleiku. Tôi hay bị mất ngủ, có đêm thức tới sáng… Việc giữ thinh lặng cũng khó khăn… Tôi đang dần khắc phục những khó khăn của mình…”

-N.K.P.:

“Khi bước xuống nhà cơm, tôi choáng ngợp bởi số lượng đông đảo các anh em chủng sinh… Một cảm giác ban đầu nay đang mất dần trong tôi, đó là sự lạc lõng và cô đơn… Nhờ những lời chia sẻ của các anh em lớp trên, tôi phần nào cảm thấy hòa nhập và ổn hơn…”

-N.Đ.T.:

“Thời gian đầu, tôi thực sự rất lúng túng và không định hướng được ngày sống của mình. Tất cả những việc làm, cung cách ứng xử, tôi đều nhìn các anh em trước, họ làm như thế nào thì mình bắt chước mà thôi. Đôi lúc tôi không biết mình đang ở đâu và sẽ làm những gì… Nhưng rồi, tôi tương đối thích nghi được.”

-V.T.Đ.:

“Bước vào ĐCV, tôi hoàn toàn bị chìm ngập trong sự ngạc nhiên, thích thú, và nhiều cảm xúc bởi sự mới lạ của khung cảnh, môi trường ở đây. Tôi thực sự háo hức vì đây là môi trường mà mình ước mơ… Không gian cùng với cảnh vật ở đây cho tôi cảm giác yên bình và thích thú… Nhưng điều làm tôi ấn tượng nhất là những con người ở đây, các cha giáo và anh em chủng sinh… rất thân tình gần gũi.”

-N.T.T.:

“Bước chân vào đây, tôi vừa mừng vừa lo. Tuần sống đầu tiên xem ra vẫn còn khó khăn đối với tôi, giờ ngủ vẫn chưa quen. Gặp anh em tôi chưa biết xưng hô ra sao, vì chưa biết tên nhau, cũng chưa biết lớp nào… Vào tuần học chính thức, mọi thứ xem ra ổn định hơn đối với tôi… Ở trong chủng viện, không được tự do đi đây đi đó, cập nhật thông tin thời sự như thế giới bên ngoài, nhưng đổi lại, tôi được sống trong một nơi bình an, thánh thiện…”

-L.V.T.

“Mọi thứ đều xa lạ đối với mình, không chỉ là nơi chốn, mà cả con người và văn hóa nữa… nhất là sự khác biệt về các nghi thức phụng vụ như Thánh lễ, kinh Phụng vụ, nguyện gẫm… Nhưng may mắn, sự khác biệt ấy làm tôi thấy sốt sắng hơn… Ở gần một tháng rồi, tôi thấy mình quen hơn với mọi sự ở đây.”

-N.T.D.:

“Ngày đầu tại chủng viện, tôi bỡ ngỡ như một đứa nhỏ được bố mẹ đưa đi xem phố xá vậy. Tôi thấy cái gì cũng muốn xem, và tò mò muốn đi thăm hết mọi nơi trong chủng viện, nhưng lại không thể nhớ được vị trí của những chỗ mình đã viếng thăm… Phòng tôi có bốn người, lại thuộc bốn giáo phận khác nhau nên khi nói chuyện tôi gặp khó khăn trong việc nghe những câu hỏi của các anh em miền trung… Sau ba tuần sống ở đây, tôi thấy mọi người rất gần gũi và quan tâm đến nhau.

-T.L.T.:

“Tôi nhận ra rằng mối tương quan gần gũi tạo nên một niềm vui lan tỏa, chứ không phải là những ồn ào, náo nhiệt bên ngoài mới tạo nên niềm vui đích thực… Nghĩ đến chặng đường trong tương lai mình phải đi qua, tôi không còn e sợ như lúc ban đầu nữa, bởi vì xung quanh tôi luôn có những người bạn đồng hành.”

-A.O.:

’Lạy Chúa, vì họ, con xin hiến thánh mình con’. Tôi đã chọn câu này làm kim chỉ nam trong cuộc sống chủng viện cũng như suốt đời mình, dù tôi sẽ làm linh mục hay không. Đặt chân tới chủng viện, tâm trạng tôi rất bình an và hạnh phúc… Trong những ngày đầu, tôi luôn cảm thấy hạnh phúc như vậy… hạnh phúc được sống với các cha và các anh em, tuy văn hóa phong tục khác nhau, nhưng cùng chung lý tưởng. Chỉ cần một lý tưởng, tất cả sẽ thành một.”

-T.D.K.:

“Tôi hăng hái lên đường nhập ĐCV như thanh niên nhập ngũ vậy. Trước mắt tôi, Huế êm ả như dòng sông Hương thơ mộng vậy… Người Huế hết sức dễ thương, nhưng khi giao tiếp thật khó để hiểu hết những lời họ nói. Tôi đã cảm thấy đây như là nhà của mình.”

-T.C.K.:

“Ở đây không có đi học rồi về nhà như ở ngoài đời. Đôi khi người ta nghĩ như tù, nhưng với những người trong chủng viện thì lại là niềm vui tự do… Con người ở đây rất dị biệt nhưng lại hiệp nhất trong kinh lễ, sinh hoạt mà không có một sự hỗn độn nào…”

-M.V.N.:

“Những ngày đầu của năm học, tôi được quen biết với các anh em trong lớp. Ngôn ngữ, văn hóa khác nhau, nhưng mọi người trở nên gần gũi, thân thiết…”

-N.C.N.:

“Mặc dù còn bỡ ngỡ, tôi có cảm giác rằng đây là một nơi đầy niềm vui, đầy tình người. Nơi đây tôi sẽ có những người bạn, những người anh em thật chân thành…”

-P.V.T.:

“Tôi thấy tất cả các ạn đều vui tươi. Các cha giáo thì rất nhiệt thành và hiền từ, làm cho tôi thấy hạnh phúc và tự tin hơn…”

-H.Q.H.:

“Một ấn tượng đặc biệt đối với tôi là Cha Cố Mẫn. Ngài đã gần 80 tuổi mà vẫn còn minh mẫn, hăng say giảng dạy. Ngài luôn mặc áo chùng thâm, với tay trái cầm quyển Tu Đức, tay phải chống gậy, luôn luôn đến lớp trước 5 phút…”

-N.H.N.:

“Thật là hạnh phúc lớn lao cho tôi được học tập tại chủng viện này. Tôi cảm nhận được đây không chỉ là ngôi trường, mà còn là một đại gia đình hiệp thông với nhau.”

 Phóng viên NMKN

nmkn43

thư giãn …..

  1. Tặng các thầy đang học Luận Lý:

-Teacher: How old is your father?
-Kid:        He is 6 years.
-Teacher: What? How is this possible?
-Kid:        He became father only when I was born.
Logic!

  1. Tặng các thầy không tin ‘cái lý có chân’:

-TEACHER: Maria, go to the map and find North America .
-MARIA:    Here it is.
-TEACHER: Correct. Now class, who discovered America?
-CLASS:      Maria.

  1. Tặng các thầy thiếu tự tin:

-TEACHER: Winnie, name one important thing we have today

                   that we didn’t have ten years ago.
-WINNIE:    Me!

  1. Tặng các thầy cao dưới 1,4 mét:

-TEACHER: Glen, why do you always get so dirty?
-GLEN:        Well, I’m a lot closer to the ground than you are.

  1. Tặng các thầy thích phim hành động:

-TEACHER: George Washington not only chopped down his father’s cherry tree, but also admitted it. Now, Louis, do you know why his father didn’t punish him?
-LOUIS: Because George still had the axe in his hand…

  1. Tặng các thầy đang nghiên cứu chủ nghĩa thực dụng:

-TEACHER: Now, Simon , tell me frankly, do you say prayers

                   before eating?
-SIMON:    No sir, I don’t have to, my Mom is a good cook.

  1. Tặng các thầy đang viết luận văn:

-TEACHER: Clyde , your composition on ‘My Dog’ is exactly the

                   same as your brother’s.. Did you copy his?
-CLYDE :    No sir, It’s the same dog.

8. Tặng các thầy dạy học:

 -TEACHER: Harold, what do you call a person who keeps on

                   talking when people are no longer interested?
-HAROLD: A teacher!

Haha!

Chuyện có thật trăm phần trăm

Đó là một cuộc hội nghị qui tụ các linh mục phụ trách đào tạo từ các đại chủng viện toàn quốc.

Tại buổi hội thảo ấy, một linh mục phát biểu ý kiến:

Dạ. Con thấy mấy ngày này chúng ta đâu có trở về với Chúa đâu!

Ồ, có lý! Đúng thế, đúng thế!

Mọi người nhao nhao đồng ý. Vị giám mục duy nhất hiện diện, cũng là chủ tọa của hội nghị, lên tiếng:

– Chúng ta không cần lời Chúa đâu. Tốt nhất là loại bỏ lời Chúa luôn!

?????

Bạn nghĩ điều gì đang diễn ra vậy?

Bật mí:

Đó là buổi hội thảo cuối cùng, góp ý hiệu chỉnh bản văn đúc kết hội nghị; và mọi người đang bàn việc thêm, bớt, sửa chữa cách diễn đạt mấy câu đầu tiên vốn ban đầu được dự thảo là: [xem tiếp trang sau]

Phần anh (Simon), một khi đã trở lại, hãy làm cho anh em của anh nên vững mạnh(Lc 22,32). Các nhà đào tạo của các đại chủng viện tại Việt Nam đã trở về với Chúa và ngồi lại với nhau để chia sẻ kinh nghiệm…

Thì ra, linh mục kia đề nghị bỏ phần in đậm; còn vị giám mục đề nghị bỏ phần trích dẫn lời Chúa (in nghiêng)!

nmkn44

Cuối cùng, ý kiến của linh mục ấy được tán thành và áp dụng, còn ý kiến của vị giám mục đã bị bác bỏ!

———————

MỤC LỤC

-Lời mở ……………………………………………………………………………..     3

-Thư cha Giám tỉnh XB Pháp …………………………………………….      4

-Việc linh hướng trong chủng viện ……………………………………     9

Lâu Đài Nội Tâm nói gì về chia trí trong cầu nguyện? ……..   22

-Câu chuyện tình khó tin nhưng có thật ………………………….      25

-Nhấn mạnh lòng thương xót, Bergoglio gây xáo trộn …….     38

-Tôi dự họp mặt cựu sinh viên XB …………………………………..     43

-Những sự kiện năm qua ………………………………………………..     45

-Tìm hiểu về khu đất ĐCV Huế ……………………………………….      49

-Niềm vui ngày lễ …………………………………………………………..      56

-Thư gửi anh ………………………………………………………………….      60

-Mẹ và con …………………………………………………………………….      63

-Hoàng hôn không tắt nắng …………………………………………..       66

-Xóm Nhỏ (truyện ngắn)………………………………………………..        70

-Hội ngộ – Thầm thì – Tâm tình (thơ) ……………………………..       77

-Đăk Pxi, cái tên nghe quen thuộc ………………………………….      80

-Vì Chúa thương con ………………………………………………………      94

-Đi Xuân Phú lại đạp lên Phường Đúc …………………………….      98

-Lời cầu nguyện của một linh mục …………………………………    100

-Tâm trạng những ngày mới vào chủng viện …………………     102

-Thư giãn ………………………………………………………………………     110

-Haha! Chuyện có thật trăm phần trăm ………………………..     112

——————————–

[1] Bản văn được trích từ tài liệu trong trang điện tử http://archives.mepasie.org/bulletin-des-missions-etrangeres/historique-du-grand-sa-c-minaire-de-hua-c-annam, tra cứu ngày 10-9-2015.

[2] Bản văn được trích từ tài liệu trong trang điện tử http://tonggiaophanhue.net/home/dulieu/tonggiaophanhue/tulieu/lich_su_dai_chung_vien_hue/, truy cập ngày 10-9-2015.

[3] Nội các triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, bản dịch của Ngô Hữu Tạo-Nguyễn Mạnh Duân, nhà xuất bản Thuận Hóa 1993, tập 13, tr. 150.

[4] Nội các triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, tập 1, tr. 119.

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Một 2024
H B T N S B C
« Th10    
  1 2 3
4 5 6 7 8 9 10
11 12 13 14 15 16 17
18 19 20 21 22 23 24
25 26 27 28 29 30