NHƯ MỘT KỶ NIỆM 2016

Written by xbvn on Tháng Mười Một 24th, 2016. Posted in Cựu sinh viên XB, Như một kỷ niệm 2013, Xuân Bích Việt Nam, Đại Chủng Viện Huế

Lời mở

Đến hẹn lại lên! Cứ mỗi dịp “Giỗ Tổ Xuân Bích” về, thì “Như Một Kỷ Niệm” lại đến. Tập “Như Một Kỷ Niệm 2016” trên tay bạn năm nay muốn tiếp tục một truyền thống tốt đẹp lâu nay của ngày Giỗ Tổ Xuân Bích, dịp lễ Đức Mẹ Dâng Mình vào Đền Thánh.

bia-nhu-mot-ky-niem-2016

Đơn sơ, ý nghĩa và giàu hình ảnh, “Như Một Kỷ Niệm 2016” ghi lại những nét chấm phá của đời sống và sinh hoạt của Chủng viện trong năm vừa qua, nhưng đồng thời cũng “nhìn về quá khứ với lòng biết ơn” khi thoáng nhìn về lịch sử Hội Xuân Bích tại Việt Nam, để từ đó thúc giục “sống hiện tại với lòng say mê”, cũng như “hướng về tương lai với niềm hy vọng”.

Một cái nhìn tri ân đối với cha Adrien Villard (Triệu Bá Vi), vị linh mục Xuân Bích và là ân sư của nhiều thế hệ sinh viên Xuân Bích, đã được Chúa thương gọi về trong năm qua, mà một lần nữa chúng ta có dịp đọc lại bức thư của ngài trong chuyến trở lại thăm Việt Nam năm 2005, một đất nước mà ngài không bao giờ ngừng yêu mến và kính trọng.

Qua “Như Một Kỷ Niệm 2016”, gia đình Đại Chủng Viện Huế hân hoan kính mừng: Đức cha Giuse Nguyễn Chí Linh, tân Tổng Giám mục giáo phận Huế; lòng biết ơn đối với Đức cha Phanxicô Xaviê Lê Văn Hồng, nguyên Tổng Giám mục giáo phận Huế, đã yêu thương dìu dắt Chủng viện trong suốt những năm qua; Đức cha Giuse Đặng Đức Ngân, tân Giám mục giáo phận Đà Nẵng; Đức cha Aloisiô Nguyễn Hùng Vị, tân Giám mục giáo phận Kontum; Đức cha Gioan-Maria Vũ Tất, Giám mục giáo phận Hưng Hóa, và Đức cha Anphong Nguyễn Hữu Long, Giám mục Phụ tá của ngài.

Ban biên tập “Như Một Kỷ Niệm 2016” cám ơn quý Cha và quý Thầy đã gửi bài góp phần làm cho phong phú và thêm ý nghĩa cho tập “Như Một Kỷ Niệm” năm nay.

BBT NMKN 2016

presentmary

————–

JMMicas

Thư Cha Giám Tỉnh Xuân Bích Pháp

Thứ Hai, ngày 21 tháng 11 năm 2016

Anh em Xuân Bích,

Quý linh mục, cựu sinh viên Xuân Bích

và quý chủng sinh thân mến,

Nhân ngày lễ trọng kính Đức Mẹ dâng mình vào Đền Thờ, Bổn mạng của Hội linh mục Xuân Bích, tôi vui mừng viết đôi dòng để nói lên tâm tình quý mến, lời cầu nguyện và sự gần gũi thân tình của tôi đối với mọi người.

Với các bạn chủng sinh thân mến, tôi muốn bày tỏ sự quý mến đượm tình cha con và lời động viên khích lệ các bạn trong đoạn đường đời hết sức đặc biệt và thiết yếu này. Cha Olier, đấng sáng lập Hội linh mục Xuân Bích, một linh mục và cha sở tuyệt vời ở nước Pháp vào thế kỷ 17, đã nhiều lần nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc tiến lên chức linh mục “qua cửa ơn gọi”. Trở thành linh mục, phục vụ anh chị em tín hữu qua việc thi hành chức linh mục thừa tác, là một đặc ân cao cả mà Giáo hội kêu mời chúng ta hướng đến. Đây đồng thời cũng là một trách nhiệm vô cùng lớn lao: trách nhiệm làm cho khuôn mặt Chúa Ki-tô Tôi tớ tỏa sáng rạng ngời giữa lòng Dân Thiên Chúa, khuôn mặt của Đấng cúi xuống rửa chân cho các môn đệ, khuôn mặt của Đấng mang lấy y phục của người phục vụ. Cùng với Ngài, trở nên mục tử của Dân Thiên Chúa, nên đồng hình đồng dạng với Đấng Phu Quân của Giáo hội, đòi hỏi chúng ta phải là những con người đầy tinh thần tông đồ và truyền giáo, tốt lành, siêng năng và gương mẫu, thấm nhuần đức tin, đức cậy và đức mến. Gia nhập linh mục đoàn giáo phận đòi chúng ta phải có tinh thần huynh đệ với các anh em linh mục khác, với các thừa tác viên và mọi tín hữu trong giáo phận, tôn trọng những người nam nữ sống đời thánh hiến, vâng phục và trung thành với hàng giám mục. Phụ trách một giáo xứ đòi hỏi chúng ta phải là người quản lý tốt những tài sản của Giáo hội, để nhằm phục vụ công cuộc bác ái và truyền giáo. Các bạn thân mến, ngôi nhà các bạn đang sống thật đẹp, tôi vẫn không quên những nghi lễ tuyệt vời của ngày làm phép và khánh thành ngôi nhà cách đây một năm. Xin hãy chăm sóc ngôi nhà, xin hãy quan tâm đến nhau trong tình huynh đệ, động viên nhau làm việc và thực hành nhân đức. Xin hãy trở nên những linh mục tốt lành và thánh thiện, nếu Giáo hội kêu gọi anh em. Hãy đặt niềm tin vào Giáo hội, tin tưởng ở các nhà đào tạo và các cha linh hướng. Và như cha Olier thường nói: “Hãy buông mình cho Chúa Thánh Thần!”. Chúa sẽ ban lại gấp trăm những của lễ hy sinh mà các bạn dâng tiến hôm nay. Ngài sẽ ban cho các bạn niềm vui tràn đầy mà không ai và không gì có thể mang lại.

Với các anh em linh mục, cựu sinh viên Xuân Bích thân mến, tôi muốn nói lên một lần nữa lòng biết ơn đối với sự trung thành của anh em: anh em không quên những gì anh em đã lãnh nhận từ các ân sư ngày xưa. Họ đã phục vụ với sự tận tâm và quảng đại trong các chủng viện, nơi anh em đã được chuẩn bị để lãnh nhận chức thánh. Mùa hè vừa qua, chúng ta đã nghe tin từ trần của một trong những bậc trưởng thượng đáng kính, cha Adrien Villard Triệu Bá Vi, người Pháp, đã phục vụ lâu năm ở Việt Nam. Nhiều người trong anh em đã biết ngài, từng là học trò hoặc con linh hướng. Đời linh mục của chúng ta được ghi dấu bởi những hình ảnh linh mục như thế, những người đã góp phần làm nên chúng ta ngày nay. Tôi xin chân thành cảm ơn sự nâng đỡ, chứng tá cũng như sự hiện diện của anh em trong gia đình cựu sinh viên Xuân Bích. Anh em là một dấu chỉ khích lệ đối với các chủng sinh hôm nay. Anh em cho họ thấy rằng dầu gặp bao nhiêu khó khăn đi nữa, người ta vẫn có thể sống đời chủng sinh cách tốt đẹp; dầu có thể gặp bao điều trái ý mặc lòng, thời gian thụ huấn vẫn là khoảng thời gian hạnh phúc, khi Chúa Thánh Thần đào luyện uốn nắn chúng ta, khi được nuôi dưỡng bằng tình huynh đệ linh mục và tinh thần tông đồ. Để trở thành linh mục, điều đó vô cùng quan trọng; để suốt đời là linh mục, điều đó vô cùng cần thiết. Chủng viện rất cần đến chứng tá và sự trung thành của anh em, không chỉ các chủng sinh cần đến mà cả các nhà đào tạo hôm nay nữa. Hội linh mục Xuân Bích rất hạnh phúc được có tất cả anh em đồng hành với mình, cách đều đặn, trung thành, thân tình và huynh đệ. Nguyện xin Chúa chúc lành cho anh em luôn mãi, đang làm mục vụ hay nghỉ hưu, sức khỏe và hy vọng!

Sau cùng, với anh em Xuân Bích thân mến, tôi muốn nói lên tình mến và sự gần gũi của tôi đối với anh em. Nhân danh Hội đồng tỉnh Pháp, tôi cũng muốn nói lên lòng tự hào đối với công việc của anh em đang làm. Tháng bảy vừa qua, anh em đã cho thấy khuôn mặt tốt đẹp của Hội Xuân Bích, nhân dịp gặp gỡ lần đầu tiên của anh em Xuân Bích Á châu. Anh em Xuân Bích từ Nhật Bản và Trung Hoa, cha Bề trên Tổng quyền, cha Giám tỉnh Canada và tôi, vô cùng biết ơn anh em vì sự đón tiếp và tổ chức tốt đẹp cuộc gặp gỡ này, và còn hơn nữa, vì anh em đã chứng minh thật tuyệt vời cái điều cơ bản làm nên chúng ta: một “Hội nhỏ bé” các linh mục giáo phận, khác biệt nhau về lối sống và cách cảm nhận, khác biệt nhau về văn hóa và cách đào tạo… nhưng liên kết với nhau nhờ một sứ mệnh cao quý và lớn lao: sứ mệnh phục vụ các linh mục. Phần lớn anh em đang làm việc ở Đại chủng viện Huế, một số ở các giáo xứ hoặc sứ vụ này khác. Tôi xin cảm ơn anh em vì sự dấn thân quảng đại và rất cần thiết này đối với Giáo hội. Tôi đặc biệt nghĩ đến những anh em lớn tuổi, sức khỏe đáng lo ngại, những người sắp kết thúc hành trình dương thế. Nguyện xin Chúa gìn giữ mỗi người trong anh em, xin Ngài gìn giữ tình huynh đệ Xuân Bích và chứng tá tốt đẹp của anh em giữa hàng linh mục, nơi các giáo phận anh em làm việc. Tôi hết lòng cảm ơn vì tình thân ái và huynh đệ mà anh em bày tỏ qua nhiều dịp khác nhau. Tôi đặc biệt cảm ơn Đức cha Anphong Nguyễn Hữu Long, Giám mục phụ tá Hưng Hóa, vì đã ân cần tiếp đón và cho tôi có được những cuộc gặp gỡ tuyệt vời trong giáo phận ngài, sau kỳ gặp mặt của anh em Xuân Bích Á châu. Nếu có thể, tôi muốn nói rằng tôi yêu mến anh em tất cả bằng con tim chân thành và lớn lao nhất. Nhưng tôi muốn tôn trọng sự kín cẩn nổi tiếng của người Việt, nên tôi sẽ không nói gì thêm nữa! Nguyện xin Chúa gìn giữ anh em. Xin Ngài ban cho anh em có thêm nhiều ơn gọi Xuân Bích tốt lành để có thể tiếp tục phục vụ tại các giáo phận trên quê hương anh em. Xin cha Olier gìn giữ mỗi người trong anh em!

Cuối thư, tôi xin gửi gắm mọi thành viên Xuân Bích tỉnh Pháp cho lời cầu nguyện của anh em.

Xin mừng lễ và xin Chúa chúc lành!

                                                                                                            Jean-Marc MICAS, PSS

sulpice

                                                                                                            Bề trên Giám tỉnh Pháp

                                                                                    (Lm. Micae Nguyễn Hữu Đức, PSS, chuyển ngữ)

***

NÉT ĐẸP ẨN GIẤU TRONG VĂN KHỐ

THOÁNG NHÌN VỀ LỊCH SỬ

HỘI XUÂN BÍCH TẠI VIỆT NAM

Ngày 30 tháng 10 năm 1929, hai linh mục Xuân Bích, các cha Paliard và Uzureau tới Sài Gòn, sau một hành trình dài trên biển. Các ngài còn phải mất một tháng rưỡi để rong ruổi theo từng chặng nhỏ 1613 km từ Sài Gòn tới Hà Nội. Do vậy, các ngài tới Hà Nội vào khoảng giữa tháng 12 cùng năm. Thời điểm này đánh dấu khởi dầu cuộc dấn thân khó khăn nhưng cũng mang lại nhiều hoa trái của Hội các linh mục Xuân Bích tại Việt Nam.

chapaliard

Các cha Uzureau (bên trái) và Paliard (bên phải) ăn mặc theo kiểu Việt Nam

Trước hết, cuộc dấn thân này chính là cơ hội tái khám phá vẻ đẹp cũng như những mạo hiểm trong sứ vụ Xuân Bích. Vào đầu tháng 5 năm 1929, trước lời đề nghị đi lập chủng viện ở Đông Dương của cha Verdier, phó bề trên Hội, lúc đó giữ vai trò bề trên, qua trung gian cha Jeuné, bề trên chủng viện Lyon, cha Paliard đã trả lời: “Cha đoán được sự ngạc nhiên của con: con thú thật với cha rằng khi vào Hội, năm 1921, con đã không hề nghĩ tới việc Truyền Giáo”. Sau một tháng suy nghĩ, cha Paliard đã đáp lời “xin vâng”. Theo tường thuật của cha Paliard, những cuộc giã từ trước chuyến ra đi của hai cha Paliard và Uzureau đã diễn ra hết sức xúc động. Nhiều năm sau biến cố này, vào năm 1956, cha Paliard kể lại rằng: “Cha tôi đã đến tiễn tôi lên tầu. Bước lên tầu, vào lúc khởi hành, tôi đã không cầm được nước mắt. Tôi chẳng biết khi nào mình mới có thể trở về. Cha tôi đã già, đã khá yếu mệt vài năm trước đây; tôi biết chắc rằng tôi sẽ chẳng còn gặp lại cha tôi trên cõi đời này”. Về phần cha Verdier, cảm xúc của ngài về biến cố này được cha Paliard ghi lại, dựa theo những điều cha Boisard miêu tả: “Cuộc ra đi của các cha Paliard và Uzureau đã gây xúc động sâu xa nơi cha Verdier. Những ngày sau đó, kí ức về những anh em Xuân Bích thân thương vẫn không ngừng trở lại với ngài. Ngài nói về các anh em. Ngài cầu mong họ thành công và dự đoán những hi sinh, những đau khổ của anh em. Ngài thường xuyên lặp đi lặp lại: ‘Ôi những đứa con khốn khổ, những đứa con khốn khổ, phải bước chân vào chốn vô định như thế!’”. Khi đọc lại những lời này, cha Paliard biểu lộ những lời từ tận đáy lòng: “Chúng con, các anh em cùng với con, đã không bao giờ nuối tiếc vì đã đáp lại lời kêu gọi của cha, và con tin rằng 20 năm mà con đã sống ở đó vẫn mãi là những năm tháng đẹp nhất của cuộc đời con”.

chungvienxbhanoi

Chủng viện Xuân Bích tại Hà Nội, năm học 1934-1935

Lịch sử liền sau đó cho thấy rằng giữa những khó khăn chồng chất, sứ vụ của Hội Xuân Bích tại Hà Nội đã thật sự toả sáng. Kể từ ngày khai giảng đầu tiên, mùng 2 tháng 9 năm 1933, mọi chuyện đều diễn tiến tốt đẹp tại chủng viện Xuân Bích Hà Nội. Công việc của các linh mục Xuân Bích được đánh giá rất cao. Từ năm 1945, tình trạng chủng viện ngày càng trở nên đáng ngại. Đêm ngày 19 tháng 12 năm 1946, Việt Minh đã bắt làm con tin sáu linh mục Xuân Bích (các cha Léon Paliard, Paul Uzureau, Pierre Gastine, Daniel Bouis, Antoine Carret và André Courtois). Cha Daniel Bouis đã chết ngày 2 tháng giêng năm 1948, lúc còn bị giam giữ, còn các cha khác đã được trả tự do ngày 24 tháng 12 năm 1949. Tuy nhiên, ngay ở giữa tình trạng khó khăn này mà mọi người nhận thấy sức toả sáng của Hội Xuân Bích. Viết cho cha bề trên tổng quyền để ca ngợi những phẩm chất của nhà đào tạo, đồng thời nhấn mạnh rằng mình rất cần đến các cha Paliard và Uzureau, Đức cha Giuse Trịnh Như Khuê đã viết thêm trong bức thư đề ngày 14 tháng 3 năm 1951:  “Cha Paliar tốt lành đã để lại nơi đây danh tiếng mà Cha Bề Trên không thể nghi ngờ; biết bao những ảnh hưởng ngài đã tạo nên nơi giới trẻ trí thức Hà Nội, thật khó đo lường. Chính con, con đã thường xuyên sung sướng được hưởng những lời khuyên thật sáng suốt của cha Uzureau. Và những vị khác cũng thế.” Chắc hẳn do sự toả sáng này mà vào đầu năm 1954, các vị hữu trách đã muốn chủng viện Xuân Bích Hà Nội trở thành Giáo Hoàng chủng viện. Tuy nhiên, những biến cố liền sau đó tại Việt Nam đã cản trở dự định này.

chauzureau

Cha quản lí Uzureau và những người phục vụ trong chủng viện Hà Nội

(© Archives des Missions étrangères de Paris)

Trong một cái nhìn toàn diện hơn, lịch sử cuộc dấn thân của Hội Xuân Bích tại Việt Nam mang nét đẹp đan xen ánh sáng và bóng tối, ít nhiều gần gũi với những chặng đường quan trọng trong Kinh Thánh. Trong những năm 1929-1933, những bước chân dò dẫm của những linh mục Xuân Bích đầu tiên tại Việt Nam rất gần gũi với những bước chân của Ápraham trước lời mời gọi của Thiên Chúa. Những thăng trầm lịch sử sau đó đã đưa các linh mục Xuân Bích đi khắp nơi từ Bắc chí Nam. Như thế, trong những năm 1933-1994, việc các linh mục Xuân Bích tại Việt Nam dấn thân vào nhiều lĩnh vực khác nhau mang sắc thái giống như cuộc hành hương của dân Ítraen ở Aicập và trong hoang mạc hướng về miền Đất Hứa. Cũng trong chiều hướng này, việc chủng viện Huế được uỷ thác cho Hội Xuân Bích, từ năm 1994 trở lại đây, có phần giống với biến cố dân Ítraen đi vào Đất Hứa. Lịch sử Kinh Thánh đã cho ta thấy rằng cuộc hành trình đức tin của dân Ítraen đã không dừng lại với biến cố tiến vào Đất Hứa, nhưng thực ra biến cố này mở ra một trang mới đòi hỏi những cố gắng tinh tế hơn để luôn trung thành với lời kêu gọi của Thiên Chúa. Cuộc dấn thân của các linh mục Xuân Bích tại chủng viện Huế dĩ nhiên cũng theo cùng một chiều hướng của lịch sử lâu dài và phong phú này.

dcvhue

dcvhue2016

Chủng viện Huế, thánh lễ khai giảng năm học 2016-2017

Vào năm 2019, các linh mục Xuân Bích tại Việt Nam sẽ mừng kỉ niệm 90 năm hiện diện tại miền đất này. Những thành quả dồi dào phong phú trong quá khứ và những dấu hiệu đầy khích lệ trong hiện tại bảo đảm một tương lai đầy hứa hẹn cho sứ vụ Xuân Bích.  Bài viết này chỉ giống như vài nhát chổi giúp làm lộ ra vài ba nét đẹp ẩn giấu của một lịch sử vừa sâu sắc, vừa phong phú trong hành trình phục vụ của Hội Xuân Bích tại quê hương Việt Nam.

Vinhsơn Trần Minh Thực, PSS

*****

chavi

VỀ LẠI MÁI NHÀ XƯA

(KÝ SỰ CỦA CHA ADRIEN VILLARD)

            Tôi đã do dự mãi trước khi nhận lời sang thăm Việt Nam vài tuần như hồi Tháng 11/2000 trước đây. Tôi sợ mệt và vì tuổi tác nữa… Tuy nhiên, tôi đã có lý biết bao khi chấp nhận lời mời này!

            Tôi vừa trải qua ba tuần lễ tuyệt vời ở đất nước rất thân yêu ấy, và nhất là tôi đã có niềm vui được gặp lại bao nhiêu bạn bè, và được quen biết thêm rất nhiều người mới. Tôi đã có được những ngày tốt đẹp này là nhờ những người mời tôi đến, và đã gánh vác tất cả những lo âu và trách nhiệm về tổ chức cũng như về diễn tiến tốt đẹp của chuyến đi. Tôi xin đặc biệt cám ơn Cha Kim Hương, xin cám ơn Cha Lộc, xin cám ơn Cha Bề trên Đại Chủng viện Huế, Cha Quản lý, các cha cựu sinh viên và các cha giáo sư đồng nghiệp của tôi ở Huế, các con thiêng liêng ở Hà Nội, Thị Nghè, Huế và Vĩnh Long.

            Khởi hành từ Paris – Roissy ngày 01/11, sau mười hai giờ bay không quá cảnh, chúng tôi – Cha Lộc và tôi – đã được Cha Đán và Soeur Dung đón tại sân bay Nội Bài, Hà Nội. Nhờ sự quảng đại của Đức Tân Giám mục Thanh Hóa, chúng tôi được sử dụng chiếc xe của Tòa Giám mục để di chuyển trong vài ngày.

            Trước hết, chúng tôi được tiếp kiến Đức cha Kiệt, Giám mục Lạng Sơn và đồng thời là Giám quản Tông tòa Hà Nội cho Đức Hồng Y Tụng. Chúng tôi đã không gặp được Đức Hồng Y vì ngài đang rất mệt. Tôi đã gặp lại Hà Nội mà tôi đã rời đi từ năm 1954 sau bốn năm có mặt tại Đại Chủng viện ở phố Nhà Chung: chúng tôi đã đi thăm nơi trước đây là Đại Chủng viện Xuân Bích, hiện nay là khách sạn La Thành, và rất nhiều nơi đầy kỉ niệm khác ở Hà Nội: nào là Văn Miếu, chùa Một Cột, nhà thờ Lớn, rồi phong cảnh hồ Hoàn Kiếm. Những ngày sau đó, chúng tôi đã đi thăm nhiều tỉnh miền Bắc: Sơn Tây, Bắc Ninh, vịnh Hạ Long (bốn giờ dài du lịch trên vịnh, cầu nguyện, viếng mộ Cha Yves Hémon); tại Thái Bình, chúng tôi đã được Đức Cha Sang tiếp rất thân mật; sau đó, chúng tôi đi thăm Bùi Chu, Nam Định, Phú Nhai và tại Phát Diệm, chúng tôi đã được Đức Cha Yến nói chuyện khá lâu về địa phận của ngài, và đưa chúng tôi đi tham quan nhà thờ mới được tân trang. Chiều hôm đó, chúng tôi được Đức Giám mục Thanh Hóa tiếp (có đi viếng mộ Đức cha Lâm), tham quan di tích hoàng thành và lăng tẩm thời Lê. Chúng tôi cũng đã được thông báo về cuộc triển lãm quan trọng đang diễn ra tại Hà Nội, về những phát hiện rất đa dạng và phong phú cách đây vài chục năm tại khu vực tỉnh Thanh Hóa: những phát hiện thuộc về thời tiền sử và nền văn hóa cổ Đông Sơn. Chúng tôi đã đi thăm bãi biển đẹp Sầm Sơn.

            Tối hôm sau, chúng tôi đã đáp xe lửa (toa giường nằm thoải mái) để đi Huế và đến Huế sáng Thứ Ba, ngày 16/11. Ngay hôm sau, trên con đường đẹp ven triền núi đầy mây, chúng tôi đi Đà Nẵng (Tourane) thăm Đức cha Tĩnh; tôi nghĩ thành phố cảng lớn về ngư nghiệp và thương mại này là một trong những thành phố quan trọng nhất Việt Nam ngày nay; đường phố, những cây cầu, những công trình xây dựng quy hoạch về không gian đô thị đã thay đổi rất nhiều đến nỗi đối với một người rất am tường trước đây về thành phố này có lẽ cũng cảm thấy bị lạc đường nếu không có một người dẫn đường tốt. Chiều hôm đó, chúng tôi đã trở về với những ngày tuyệt vời ở Huế. Trước hết là cuộc tiếp đón của Chủng viện: sự ân cần hiếu khách đầy tình huynh đệ của Cha Tân Bề trên, của Cha Tân Quản lý và của các cha giáo sư đồng nghiệp mà tôi quen biết (cựu sinh viên và giáo sư đồng nghiệp), nhưng cũng có sự đón tiếp thân tình của các chủng sinh, tôi không biết ai cả, vì khi tôi rời Huế vào dịp Tết năm 1975 thì các em mới sinh ra. Chúng tôi đi thăm Đan viện Thiên An. Ở Huế, chúng tôi còn đi tới một vài điểm tham quan du lịch đẹp: lăng Minh Mạng, khu Đại Nội rộng mênh mông, chùa Thiên Mụ, Văn Miếu (Quốc Tử Giám). Tuy nhiên, điều tôi nhớ nhất là những cuộc gặp gỡ, lễ và những cuộc mừng lễ ở Chủng viện Xuân Bích cũng như ở Phú Xuân. Đặc biệt tôi sẽ nhớ mãi Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội ở Phú Xuân vào buổi chiều do Đức Cha Thể, Tổng Giám mục Huế làm chủ tế, bổn mạng Hội dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm, kỷ niệm 150 năm Đức Thánh Cha Piô IX công bố tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Chúng tôi cũng không quên sự lộng lẫy huy hoàng của ngày Thứ Ba, 23/11 với Đức cha Thể và Đức cha Tĩnh, trước sự hiện diện của rất đông sinh viên chủng sinh và một số lớn các cựu sinh viên linh mục. Chúng tôi đã mừng Lễ Đức Mẹ dâng mình vào đền thánh với lời kinh “Dominus Pars”, chúng tôi đã lặp lại lời khấn hứa. Chúng tôi đã đi tham quan động tiền sử Phong Nha mà Cha Cadière đã từng nghiên cứu. Tôi đi ngang vùng Quảng Bình, Quảng Trị và các vùng phụ cận mà trước đây tôi chưa từng biết hay chỉ biết sơ sơ, và dừng lại khá lâu trên cây cầu Hiền Lương nổi tiếng ở vĩ tuyến 17. Chúng tôi đã có thời giờ để làm một cuộc hành hương về Nhà thờ Đức Mẹ La Vang.

            Chiều ngày 23/11, chúng tôi đáp máy bay đi thành phố Hồ Chí Minh, và ngay sáng hôm sau lại đáp máy bay đi Đà Lạt để sống ba ngày gặp mặt tuyệt vời của các cựu sinh viên Xuân Bíchvới rất nhiều cuộc trao đổi, cầu nguyện chung sốt sắng. Xin cám ơn Đức Cha Nhơn, từ khi về nhậm chức Đà Lạt, năm nào cũng nồng hậu tiếp đón các cựu sinh viên Xuân Bích về gặp mặt thường niên tại Tòa Giám mục Đà Lạt. Chúng tôi đã cùng nhau trân trọng những bài tham luận của Đức cha Nhơn, Đức cha Hòa và Cha Minh, Tổng Đại diện Sài Gòn, của Cha Đồng Cần Thơ. Buổi gặp mặt thường niên ở Đà Lạt đã được tổ chức từ mười hai năm nay; theo ý tôi, đây là một thành công và ước gì Hội Xuân Bích tại các nước khác trên thế giới cũng tổ chức được như thế. Ngay sáng hôm sau, mạng Viet – Catholic Network đã cho đăng tải một bản tổng kết dài về ba ngày gặp gỡ tuyệt vời này.

            Bằng xe đò, đêm hôm đó chúng tôi trở về thành phố Hồ Chí Minh. Tôi còn lại một tuần lễ dài nữa trước khi về Pháp. Nhờ sự hiếu khách nồng hậu của Cha Kim Hương, tôi đã có được nhiều cuộc gặp gỡ với các bạn bè cũ thời xưa, cũng như đi thăm nhiều người khác tại các họ đạo, tu viện và các gia đình. Tôi đã dành một ngày để đi thăm Chủng viện Thánh Quý ở Cần Thơ, một buổi ở Vĩnh Long, nơi Đức cha Tân làm giám mục. Ngài cũng rất niềm nở, ngài đã tụ họp các cựu sinh viên Xuân Bích ở Vĩnh Long lại dùng bữa chung với nhiều trao đổi phong phú, rồi chúng tôi đi thăm một cồng đồng Công giáo ở Văn Thánh, là nơi tôi có gắn bó với một kỷ niệm rất sống động. Tôi đã dành thời gian một buổi chiều để đi thăm Cha Hiển, cựu Bề trên Chủng viện Huế vừa bị mổ, ngài đang nghỉ tại một họ đạo do chính ngài thành lập gần Vũng Tàu. Tôi đã đi thăm và nói chuyện khá lâu với Đức Hồng y Phạm Minh Mẫn, Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh, và rồi còn nhiều cuộc gặp gỡ thân mật khác trong đó có nhiều người là cựu sinh viên Xuân Bích không trở thành linh mục đã chọn làm chứng nhân cho Chúa Giêsu trong nghề nghiệp và trong gia đình.

            Than ôi! Thời gian trôi qua nhanh quá. Ngày Thứ Sáu, 3/12, trước nửa đêm một chút, được nhiều bạn bè tháp tùng ra sân bay Tân Sơn Nhất, thành phố Hồ Chí Minh, trên chuyến bay của hãng hành không Việt Nam, sau mười hai giờ bay đêm rất êm ả, không quá cảnh, tôi đã đáp xuống sân bay Roissy lúc sáu giờ sáng. Vừa bước ra khỏi máy bay, tôi đã được hai người bạn Việt Nam tại Paris ra đón.

            Rất nhiều lần trong suốt ba tuần lễ tại Việt Nam, tôi đã được hỏi về cảm xúc chủ yếu của tôi khi tiếp xúc lại với Việt Nam, nơi tôi đã sống suốt từ Tháng 9/1950 đến Tháng 10/1975, tôi thường trả lời đó là một cảm xúc rất đơn giản về tiếng Việt ngự trị trong tình cảm và tư tưởng của tôi trong suốt những ngày này. Đó là sự “hoài niệm” (tiếng Pháp gọi là “nostalgie”) một thời đã sống mà thường có khó khăn, nhất là vì chiến tranh, đối với tôi, đó là một thời tươi đẹp và rạng rỡ, biết bao kỷ niệm với bao nhiêu bạn bè; tiếp xúc với những phong cảnh, đền đài, dinh thự, những tác phẩm nghệ thuật, sản phẩm văn chương với cuộc sống văn hóa mang tính nhân bản sâu sắc. Đó là sự “hoài niệm” với một tình cảm tạ ơn Chúa sâu đậm vì đã cho phép tôi được sống những năm dài phụng sự Giáo hội Việt Nam.

            Tuy nhiên, khi suy nghĩ, tôi thấy rằng đó không phải là cảm xúc mạnh nhất của tôi về chuỗi ngày ngắn ngủi này. Điều gây ấn tượng nhất cho tôi sau ba mươi lăm năm xa cách, đó là sức sống tuyệt vời của Giáo hội Việt Nam cùng với sức trẻ và sự năng động của Giáo hội, đó là về mặt hữu hình (gia tăng về số người lớn học giáo lý, nhiều nhà thờ mới mọc lên, nhiều trung tâm hoạt động mục vụ, trung tâm Thánh kinh Giáo lý, trung tâm dịch Thánh kinh và đặc biệt là trung tâm dạy Thánh kinh tại Sài Gòn. Hầu như tất cả các nhà thờ tôi đi thăm đều được bảo trì, tân trang rất tốt và đẹp) cũng như cả về mặt vô hình như lãnh vực mục vụ truyền giáo; cùng với, hơn thế nữa, sự trở lại ngày càng rõ nét của với các hoạt động xã hội của Giáo hội trong lãnh vực giáo dục (gia tăng đặc biệt các lớp mẫu giáo), chăm sóc y tế. Tôi kính phục và cảm tạ Chúa về sự tăng trưởng thiêng liêng đã nảy sinh từ một thời gian thử thách khó khăn và thường bị bách hại. Tôi đặc biệt nghĩ đến sự gia tăng số lượng và chất lượng thỉnh sinh vào chức linh mục và thỉnh sinh vào các dòng tu nam và nữ. (Tôi nghĩ nhiều đến Dòng Phú Xuân, Dòng Saint Paul de Chartres và Dòng Mến Thánh Giá).

            Tháng Chín vừa qua, cuộc họp các giám mục toàn quốc tại Hà Nội đã đưa ra những con số sau đây: số người Công giáo trong cả nước là 5.667.428 người, tăng thêm 100.000 trong một năm. Số linh mục Tháng 9/2004 là 2927 người (467 tu sĩ), tất cả đều là người Việt Nam. Số đại chủng sinh là 1217 người. Số nam tu sĩ là 1823 (467 linh mục). Số nữ tu lên đến 1142 người. Một điều khác cũng thấy rất rõ là số người tham dự Thánh lễ ngày Chúa nhật (tại các họ đạo mà tôi đã đi qua) chắc chắn là nhiều hơn hẳn tổng số người “đi xem lễ ngày Chúa nhật thường” trên toàn nước Pháp.

          12/4/2005

 Adrien Villard (Triệu Bá Vi)

hoasung

LƯU DẤU

Bạn hỡi cùng tôi ngẫm phút giây

Năm tháng qua mau nghĩa đong đầy

Một mai cất bước trên đường thẳm

Nhớ nhé nơi đây phút sum vầy.

Sốt mến Nhà Cha vang tiếng nguyện

Êm đềm lớp học vạn lời khuyên

Rộn rã sân chơi lòng phấn khởi

Ríu rít bàn ăn tỏ bao niềm.

Mục vụ đường xa anh chẳng quản

Thứ Năm chiều đến đạp thênh thang

Xứ Huế dòng Hương tràn nắng nhạt

Dừng chân Thiên Mụ ngắm sông vàng.

Trường ta soi bóng bên sông đó

Lưu dấu hình ai những chuyến đò

Hẹn anh mai mốt mình trở lại

Tình thầy nghĩa bạn kể nhỏ to.

***

Xuân sắc diễm tụ toàn thiên ý

Bích thảo lưu hương thỏa nhân tình.

            VTB

**********

nendien

ÁNH SÁNG TRONG ĐÊM… KHÔNG ĐIỆN

Cơn bão số 3 vừa rồi quét qua Huế, để lại nhiều hậu quả cho bà con nơi đây. Chúng tôi trong Chủng viện đâu có thể biết được những hậu quả đó nặng nhẹ tới mức nào, nhưng, riêng Chủng viện chúng tôi, cơn bão đi qua, còn sót lại ít là một kỉ niệm như thế.

Sau một tuần mưa rào rền rã,Huế, mất điện toàn thành phố! Có vẻ chẳng liên quan lắm, vì Chủng viện chúng tôi có chiếc máy phát những nhiều chục kí (Kw), đủ điện dùng cho cả nhà trong nhiều ngày mà! Ấy thế mà bao nỗi khốn đốn lại đến từ ngay chính thứ mà chúng tôi vẫn tin tưởng này đây. Buổi sáng, Chủng viện vẫn ung dung dùng điện trong khi toàn thành phố đã bị cúp. Máy điện vẫn chạy êm ru, đều đều, “cũ như vẫn”. Chiều, đi thể thao về, anh em nhốn nháo….: Mất điện! Các “thầy bói” bắt đầu nổi lên như nấm để đưa ra lý do, có đến hơn cả nhiềungàn lẻ một lý do được đưa ra để giải thích hiện tượng này: nào là máy điện nóng do hoạt động lâu giờ nên tắt, lát bật lại; nào là hết dầu; nào là tiết kiệm; nào là…đủ thứ nào là! Mọi người cùng chờ, ai cũng thấy nhớ tiếng máy nổ da diết, một nỗi nhớ tới…cuồng nhiệt. Nhưng đáp lại nỗi nhớ mong đó, chỉ duy nhất có một sự im ắng tới đáng lo. Trời thì cứ dần tối, mưa thì cứ tiếp tục rơi, chẳng để ý gì đến chúng tôi cả, hững hờ dễ sợ! Tiếng chuông báo hiệu giờKinh Chiều lạnh lùng vang lên, điện vẫn chưa thấy đâu… Xuống nhà nguyện mới tá hỏa: máy phát điện của chúng tôi đã trong tình trạng… tắtđiện.com từ chiều!

Thử tưởng tượng mà xem, một chủng viện rộng lớn như thế này, gần 200 con người, bây giờ sống trong cảnh không điện, rồi cũng sẽ đến tình trạng không nước nhanh thôi, sẽ như thế nào đây! Ai đã tới Chủng viện về đêm, nhất là trong giờ đi dạo sau ăn tối, mới thấy được sự rực rỡ của ánh đèn chủng viện: đủ màu, đủ loại… Ấy thế mà tình hình này thì…

Băn khoăn lết chân xuống nhà nguyện, ai cũng ôm trong lòng cùng một nỗi lo lắng: mất điện thế này, thấy chi mà đọc kinh! Rồi, trong đầu óc mỗi người lại hiện lên cả tỷ tỷ giải pháp cho tình thế này…

Đặt chân vào nhà nguyện, tôi sững người! Trời ơi, một cảnh tượng thật sự là “xưa nay chưa từng thấy”: khắp nhà nguyện đang lung linh ánh nến! Tôi lặng người, chẳng còn nhớ tới việc cúi chào Thánh Thể nữa.

Bạn có hình dung được không, mỗi dãy ghế vài ba ngọn nến đang lung linh, vài anh em đi sớm đã an vị, và lấp ló sau mỗi bóng người, có ánh nến đang mập mờtỏa sáng! Nhưng, không ổn! Mỗi ghế thường ngồi tới năm thầy, mà giờ có dãy ghế chỉ được có hai ngọn nến! Làm sao đây? Có người sẽ nghĩ ra giải pháp là hai người đọc, ba người ngồi nghe theo diện “hiệp thông”. Nhưng không! Cảnh tượng đến giờ mới thấy đẹp, cái đẹp thực sự! Thật tuyệt vời biết bao khi được chứng kiến cảnh một thầy đứng nâng sách, một thầy cầm ngọn nến, hai thầy cùng đọc chung… Tình huynh đệ là đây! Thiên Đàng là đây chứ đâu! Vài ngọn đèn pin ánh lên, và thật tuyệt là, tôi thấy có nhiều thầy cầm đèn pin, cố hết sức tính toán làm sao để tìm một góc chiếu sao cho vừa đủ sáng cho người bạn bên cạnh, lại cũng đủ sáng cho người anh em ngồi ghế trước! Quan tâm đến nhau, một việc thật tử tế! Và, nói điều này ra, sẽ có người cho rằng nó hơi mang tính chất nịnh nọt, nhưng, thật sự rất đẹp là hình ảnh cha Giám đốc mang chiếc đèn thuộc loại ưu tiên của mình tới tận ghế của chủng sinh để nhường cho các thầy! Và thế là, các cha cũng phải dùng chung đèn với nhau!

Bước vào nhà ăn, ôi, một lần nữa, cảnh tượng lạ kỳ lại chạm vào đôi mắt: trên mỗi bàn ăn đều đang rung rinh một ngọn nến! Khi ánh sáng trở nên thiếu thốn, thì sự quan tâm của anh em trong cùng một bàn ăn lại trở nên dạt dào hơn! Lúc đó, anh em không cần ánh điện để soi sáng, nhưng anh em bắt đầu quan sát bằng sự nhạy cảm, sự chú ý tới nhau, sự phục vụ, tình yêu thương, và, tôi thích dùng từ “tử tế” một lần nữa!

Chủng viện trong đêm không điện thật kì bí. Rập rờn sau khung cửa kính kia là những ánh nến nơi bàn học của các thầy, và ánh đèn pin mờ mờ, đục đục của các cha! Những ngọn nến vẫn sẵn đó, nhưng mọi ngày nào ai thấy được! Chúng vốn vẫn được đặt ngay trước “bàn thờ cá nhân”, thường có tượng Thánh giá, tượng Mẹ Maria hay vị thánh Quan thầy của các thầy; những ngọn nến vẫn hằng đêm được thắp lên trong giờ kinh cuối cùng trước khi đi ngủ của các thầy…mọi ngày chúng vẫn sáng, nhưng chẳng ai thấy, hôm nay, mất điện, chúng lại tỏa sáng mạnh mẽ, rõ ràng và lung linh một cách lạ lạ! Những ánh sáng hằng đêm bị che phủ, bị vùi lấp bởi ánh đèn điện le lói, thì hôm nay, chúng đang ung dung tỏa sáng. Và kìa, khi những thứ rực rỡ bề ngoài mất đi thì những điều âm thầm, trầm lắng mới hiện lên rõ nét!

Bạn có hình dung được không, ngay giữa lòng thành phố, một thánh lễ không điện?! Toàn nhà nguyện rợp một màu áo chùng đen, vẫn lấp ló những ngọn nến lập lờ. Và thật là kỳ diệu, ai cũng nhận thấy rằng lời kinh, tiếng hát… nơi nhà nguyện hôm đó bỗng trở nên rõ hơn, vang hơn, trong hơn, ấm hơn, tâm tình hơn! Dường như ai cũng đang cố gắng đọc, hát, đáp làm sao cho to hơn, tâm tình hơn, để đỡ phần cho những anh em nào đó đang ngồi ở những vị trí có ít ánh sáng hơn!

Tình cảnh một ngày thiếu điện đó khiến nhiều thầy hoài niệm về một thời không điện mà nửa đời các thầy đã trải qua. Nhiều thầy khác nghĩ tới một tương lai, ở một nơi nào đó trong nẻo đường sứ vụ, không biết điện là gì! Nhiều thầy khác có cơ hội để nhớ tới những bản làng mà họ đã tới, đã sống, nơi đó, một tháng, hai tháng, cả năm, chính các thầy cũng sống trong cảnh không điện với bà con dân tộc! Và, không biết còn bao nhiêu ý nghĩ khác nữa, mà chỉ có đương sự mới biết được! Nhưng, có lý do để hy vọng rằng, mai mốt trên đường sứ vụ, sẽ không có chuyện một thánh lễ, một buổi cầu nguyện nào bị hủy, chỉ vì lý do…mất điện!

Điện ơi, lâu lâu, mi cứ ngủ một giấc vừa vừa, để cho chúng tôi có một chút cảm nghiệm, để cho bọn ta một cơ hội để mà thương, để mà cảm, để mà tập và để sống! Mất điện, sẽ còn nhắc tới mi dài dài, ta sẽ còn gọi tên mi, như một kỷ niệm!

TIỂU LINH HÀN

nghiatrang

TẢN MẠN VỀ CÁI CHẾT

Tháng mười một, tháng Giáo Hội dành riêng để cầu nguyện cho những người đã khuất. Cũng trong tháng này, nhờ vào việc tưởng nhớ những người ra đi vĩnh viễn không hẹn ngày trở lại, những người đang ở lại trên cõi đời này lại có cơ hội để ngẫm nghĩ về cái chết. Cái chết là ngưỡng cửa mà ai trong đời cũng phải một lần bước qua. Bởi lẽ, con người có sinh ắt phải có tử. Chết là định luật tự nhiên. Thế nhưng, khi đối diện với tử thần, con người thường mang trong mình một nỗi sợ hãi khôn xiết.

Con người thường quan niệm cái chết là chuyện xui xẻo, tai họa và là nỗi ám ảnh của hết thảy mọi người. Vì cái chết là dấu chấm hết của một đời người. Cái chết dập tắt mọi ước mơ và bao kế hoạch cho định hướng tương lai của một kiếp người. Nó vùi lấp đi hạnh phúc còn đang dang dở của một mảnh đời. Nó gây ra bao cảnh đau thương tan tác, chia ly trong tiếc nuối, bao tiếng khóc than và những giọt nước mắt. Cái chết thường đến mà không bao giờ hẹn trước, nó như một vị khách không mời mà cứ tới. Có khi nó đến với người đang ở tuổi nửa chừng xuân mơn mởn, với người đang trên đà thành công đỉnh điểm, với người đang nếm trải phong sương bụi trần giữa đời chứ nó không nhất thiết chỉ đến với người đau yếu bệnh tật hoặc người già cả, đầu bạc trắng phong sương. Thời khắc cái chết đến có lúc khi bình minh vừa mới thức giấc, khi hoàng hôn chập chờn buông xuống hay khi trời đã về đêm. Nó rình rập con người ở mọi lúc, có khi đang ngủ say, đang đi xe, đang rong chơi hoặc trong lúc vui cười. Cái chết chẳng sợ cường quyền, không nhận quà hối lộ, không mềm lòng trước một lời năn nỉ van xin. Nó lạnh lùng và không chút mảy may thương xót. Cái chết chẳng chừa một ai, nó muốn đến với ai thì đến. Cái chết không phân biệt nam nữ, già trẻ, xấu đẹp, giàu nghèo, sang hèn, giỏi dốt. Sự đa dạng ở đời rồi cũng đưa con người ta đi vào cái chết. Người mang kiếp nghèo bất hạnh hay người giàu sang quyền quý oai phong, tất cả rồi cũng đi vào cái chết mà thôi. Oái ăm thay, có người khao khát sống thì cái chết lại đến, có người chán sống mong muốn chết thì cái chết lại không đến gõ cửa cuộc đời. Người ước mong được chết bởi vì họ cảm thấy định mệnh nghiệt ngã và đời có lắm đau khổ truân chuyên. Khi đó họ nhìn vào những bất tất của đời thường như một cái gì đó phi lý, vô nghĩa và không cần đáng sống. Cái chết giúp họ chìm vào một giấc ngủ dài yên bình, thanh thản. Cái chết đến để đem họ lánh xa những gì tranh giành, cấu xé của nhân gian và trút bỏ hết tất cả những gì muộn phiền vương vấn nơi cõi dương thế. Họ bỏ lại đằng sau mọi bám víu vô nghĩa của một chặng đường đời dài đằng đẵng với nhiều gian nan, vất vả, lầm than. Với họ chết là cách chọn đi ra khỏi thế gian, mà tìm cho mình một chốn khác bình yên. Mặc kệ người ta cứ mãi nổi chìm với thế sự ở đời, họ cũng chẳng còn phải lo lắng, bận tâm dòm ngó nữa. Cái chết là giải pháp tối ưu để giải thoát họ khỏi mọi ảo ảnh phù vân, những cuộc chạy đua trên đường đời.

Với những ai non yếu đức tin, cái chết là một điều khinh khủng và đáng lo sợ. Do đó, họ muốn tránh né không muốn nghe, không muốn nói đến cái chết. Ngược lại, với những ai mang trong mình đức tin mạnh mẽ và kiên vững, cái chết là điều cần thiết ngõ hầu giúp họ biết mến yêu cuộc sống. Họ sống cho Chúa cách trọn vẹn qua việc phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân. Thánh Phaolô đã khẳng định: “Đối với tôi, sống là Đức Kitô, và chết là một mối lợi” (Pl 1, 21). Chúng ta hãy sống hết mình từng khoảnh khắc mà Chúa ban cho, thì khi cái chết ập đến chúng ta không còn than van, khóc lóc nữa. Cái chết chỉ là tiến trình chuyển tiếp tuyệt vời cho những ai đã tích cực sống điều thiện hảo. Hãy sắp đặt cho mình một cái chết trong Đức Kitô, đừng chết trong tội lỗi. Vì Đức Kitô là Đấng Phục Sinh đã chiến thắng tử thần, Ngài là Đấng duy nhất mở lối dẫn đưa con người vào hưởng cuộc sống trường sinh. Nơi ấy là một thế giới vĩnh cửu, hạnh phúc tuyệt đối và không bao giờ tàn lụi; là quê hương chung của mọi kiếp nhân sinh, nơi con người không bao giờ cảm thấy cô đơn, tuyệt vọng, sầu khổ.

 Cang Trần, Thần II

******

TÌNH CHA LUÔN BƯỚC BÊN CON

tinhcha

CHÚA ĐÃ SAI CON ĐI

chuasaicon

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Hai 2024
H B T N S B C
« Th11    
  1
2 3 4 5 6 7 8
9 10 11 12 13 14 15
16 17 18 19 20 21 22
23 24 25 26 27 28 29
30 31