NHỮNG ĐỊNH HƯỚNG CHO VIỆC NGHIÊN CỨU VÀ GIẢNG DẠY HỌC THUYẾT XÃ HỘI CỦA GIÁO HỘI TRONG VIỆC ĐÀO TẠO LINH MỤC
(do Bộ Giáo Dục Công Giáo phổ biến ngày 27/06/1989)
Mở đầu
1. Trong những thập niên vừa qua, Bộ Giáo Dục Công Giáo, vốn quan tâm đến những đòi hỏi phát xuất từ cuộc canh tân của Công đồng, đã nhiều lần giới thiệu cho các chủng viện và các Học viện thần học khác nhau những chỉ dẫn thích hợp với những lĩnh vực khác nhau của việc đào tạo linh mục[1]. Bây giờ, Bộ xét thấy là lúc thích hợp để, một lần nữa, nói với các Giám mục, các nhà giáo dục của các chủng viện và các giáo sư nhằm đề nghị những định hướng cho việc nghiên cứu và giảng dạy học thuyết xã hội của Giáo Hội.
Khi đưa ra sáng kiến này, chúng tôi ý thức đứng trước một sự cần thiết thực sự, được cảm nhận cách sống động hôm nay, giúp cho gia đình nhân loại hưởng được những kho tàng phong phú được chứa đựng trong học thuyết xã hội của Giáo Hội, nhờ thừa tác vụ của các linh mục được đào tạo tốt và ý thức về những bổn phận khác nhau đang chờ đợi họ. Ngày nay, vào một thời điểm phong phú như thế với những đào sâu và nghiên cứu về đề tài này, như Thông điệp Sollicitudo rei socialis (Những mối bận tâm xã hội) gần đây của Đức Gioan-Phaolô II, trong số những văn kiện khác, cho thấy, thật là quan trọng việc các ứng viên linh mục thủ đắc một ý tưởng rõ ràng về bản chất, những mục đích và những thành tố chủ yếu của học thuyết này, để có thể áp dụng nó trong hoạt động mục vụ trong toàn vẹn của nó, như nó được trình bày và đề nghị bởi Huấn Quyền[2].
Quả thế, trong lãnh vực này, hoàn cảnh đòi hỏi một sự làm sáng tỏ thích hợp những khái niệm khác nhau, như ta sẽ thấy trong các chương khác nhau của tập « Những Định Hướng » này.
Trước tiên, chúng ta sẽ lưu ý rằng trong tập « Những Định Hướng » này, hai thuật ngữ : « học thuyết xã hội » (doctrine sociale) và « giáo huấn xã hội » (enseignement social) của Giáo Hội sẽ được dùng cách không phân biệt. Chúng ta biết những sắc thái được bao hàm trong mỗi thuật ngữ này. Quả thế, « học thuyết » nhấn mạnh đến khía cạnh lý thuyết của vấn đề hơn, và « giáo huấn » nhấn mạnh đến khía cạnh lịch sử và thực tiễn, thế nhưng cả hai từ ngữ đều muốn chỉ cùng một thực tại. Việc sử dụng xen kẽ chúng trong Huấn Quyền của Giáo Hội về xã hội, Huấn Quyền long trọng cũng như thông thường, của Giáo hoàng và Giám mục, cho thấy sự tương đương hỗ tương.
Bên kia mọi xung đột lời nói hay lối diễn tả, thực tại được học thuyết xã hội hay giáo huấn xã hội chỉ ra, tạo nên « một gia sản phong phú », mà Giáo Hội đã thủ đắc dần dần bằng việc múc lấy ở Lời Chúa và bằng việc chú tâm đến những hoàn cảnh thay đổi của các dân tộc ở những thời kỳ lịch sử khác nhau. Đó là một gia sản cần được bảo tồn cách trung thành và cần được phát triển dần dần từ những đáp trả đối với những cấp bách mới mẻ của xã hội loài người.
2. Ngày nay, học thuyết xã hội được kêu gọi, cách càng ngày càng kiên trì hơn, mang lại sự đóng góp đặc thù riêng của nó vào cuộc phúc âm hóa, vào cuộc đối thoại với thế giới, vào việc giải thích kitô giáo về thực tại và vào những định hướng của hoạt động mục, để soi sáng những sáng kiến đa dạng trên bình diện thế tục với sự trợ giúp của các nguyên tắc lành mạnh. Quả thế, những cấu trúc kinh tế, xã hội, chính trị và văn hóa đang kinh nghiệm được những biến đổi sâu xa và nhanh chóng liên quan đến chính tương lai của xã hội loài người ; bởi đó, chúng cần đến một định hướng chắc chắn. Nó hệ tại việc thăng tiến một sự tiến bộ xã hội đích thực đòi hỏi một sự tổ chức đúng đắn những cấu trúc này để bảo đảm cách hữu hiệu công ích của tất cả mọi người; nếu điều đó không được thực hiện, thì người ta hẳn sẽ chứng kiến sự trở lại của những đám đông dân chúng với hoàn cảnh « cái ách hầu như nô lệ » này, mà đức Lêô XIII đã nói đến trong thông điệp Tân Sự (Rerum Novarum)[3].
Do đó, thật rõ ràng rằng « đại tấn kịch » của thế giới đương đại, bị gây nên bởi nhiều đe dọa mà sự tiến bộ của con người thường kèm theo đó, « không thể để cho bất kỳ ai dửng dưng[4] ». Vì thế, sự hiện diện phúc âm hóa không ngừng của Giáo Hội trở nên cấp bách và quyết định hơn trong thế giới phức tạp của các thực tại trần thế quyết định số phận của nhân loại.
Tuy nhiên, nếu Giáo Hội can thiệp vào lãnh vực này, thì nó vẫn ý thức về những giới hạn của riêng mình. Nó không có tham vọng mang lại một giải pháp cho tất cả các vấn đề hiện nay trong bối cảnh bi thảm của thế giới đương đại, huống hồ là vì đang tồn tại những khác biệt phát triển to lớn giữa các quốc gia, và những hoàn cảnh mà người kitô hữu dấn thân vào lại rất đa dạng[5]. Nhưng, dưới « ánh sáng Tin Mừng[6]», Giáo Hội có thể và phải mang lại những nguyên tắc và những định hướng không thể thiếu cho việc tổ chức đúng đắn đời sống xã hội, cho phẩm giá của nhân vị và cho công ích. Thực tế, Huấn Quyền thường đã và đang can thiệp trong lãnh vực này với một học thuyết mà hết mọi tín hữu được kêu gọi học hỏi, giảng dạy và áp dụng. Vì lý do này, nên dành một chỗ đặc biệt, trong sự hài hòa với những nghiên cứu triết học và thần học, cho việc giảng dạy học thuyết này trong việc đào tạo các linh mục tương lai, như đức Gioan XXIII đã phát biểu rõ ràng về vấn đề này[7] và như chúng ta mong muốn nhắc nhở điều đó một lần nữa trong tập « Những Định Hướng » này, được nghiên cứu hợp tác với Ủy Ban Tòa Thánh « Công Lý và Hòa Bình » và được tán thành bởi Hội đồng khoáng đại của Bộ Giáo Dục Công Giáo.
Cấu trúc của văn kiện này bao gồm sáu chương, trong đó năm chương đầu tiên dựa vào bản chất của học thuyết xã hội của Giáo Hội : chiều kích lịch sử, lý thuyết và thực hành của nó trong ba yếu tố cấu thành nó, tức là những nguyên tắc trường tồn, những tiêu chí phán đoán và những chỉ dẫn hành động. Chương thứ sáu trình bày một vài chỉ dẫn để đảm bảo cho các ứng viên linh mục một nền đào tạo thích đáng về học thuyết xã hội.
I. BẢN CHẤT CỦA HỌC THUYẾT XÃ HỘI
3. Những yếu tố cấu thành của học thuyết xã hội
Những lưỡng lự vẫn còn phổ biến đây đó về cách dùng thuật ngữ « học thuyết xã hội » của Giáo Hội, nhưng còn cả về chính bản chất của học thuyết này, mà đòi hỏi làm sáng tỏ vấn đề về mặt trí thức luận, cội rễ của những hiểu lầm. Cho dầu, trong văn kiện này, chúng ta không có tham vọng phát biểu cách chuyên nghiệp hay giải quyết tất cả mọi vấn đề về mặt tri thức luận liên quan đến học thuyết xã hội, thế nhưng chúng ta hy vọng rằng một sự suy tư đào sâu về những yếu tố cấu thành diễn tả bản chất của nó sẽ giúp hiểu tốt hơn những thuật ngữ trong đó vấn đề được đặt ra. Dù sao, cũng tốt để nhớ lại rằng ở đây chúng ta đề nghị làm rõ những yếu tố cấu thành này, như chúng ta có thể diễn dịch chúng cách trực tiếp từ những tuyên bố của Huấn Quyền chứ không như chúng được tìm thấy nơi các chuyên viên. Quả thế, cần thiết luôn phân biệt học thuyết xã hội chính thức của Giáo Hội với những lập trường khác nhau của các trường phái, đã giải thích, khai triển và tổ chức cách có hệ thống tư tưởng xã hội được chứa đựng trong các văn kiện Tòa Thánh[8].
Những yếu tố thiết yếu mô tả và xác định bản chất của học thuyết xã hội được trình bày như vậy[9] : giáo huấn xã hội của Giáo Hội có nguồn gốc từ cuộc gặp gỡ của sứ điệp Tin Mừng và từ những đòi hỏi luân lý của nó, với những vấn đề đang nảy sinh trong đời sống xã hội. Những cấp trật được làm nổi bật như thế trở nên chất liệu của suy tư luân lý đang chín mùi trong Giáo Hội xuyên qua việc nghiên cứu khoa học, nhưng cũng xuyên qua kinh nghiệm của cộng đoàn kitô hữu đang phải đối diện mỗi ngày với những hoàn cảnh khốn khổ khác nhau và cũng như và nhất là những vấn đề được đặt ra bởi sự xuất hiện và sự phát triển của hiện tượng công nghiệp hóa và của những hệ thống kinh tế xã hội gắn liền với nó.
Học thuyết này được hình thành qua việc nhờ đến khoa thần học và triết học, là những khoa mang lại cho nó một nền tảng, và qua việc nhờ đến các khoa học nhân văn và xã hội mang lại cho no một sự bổ túc. Học thuyết này được khai triển trên những khía cạnh đạo đức của cuộc sống, không chểnh mảng các khía cạnh chuyên môn của các vấn đề, để phán đoán chúng với tiêu chí luân lý. Khi dựa trên « những nguyên tắc luôn luôn có giá trị », nó kéo theo « những phán đoán ngẫu nhiên », bởi vì nó được phát triển chuyển biến theo những hoàn cảnh thay đổi của lịch sử và vì nó định hướng đến « hành động hay thực hành (praxis) kitô giáo ».
4. Quyền tự trị của học thuyết xã hội
Cho dầu học thuyết xã hội này đã được hình thành trong suốt thế kỷ XIX như là bổ túc cho khảo luận về luân lý dành cho nhân đức công bằng, nhưng bây giờ nó đã thủ đắc một quyền tự trị đáng kể do sự phát triển liên tục, hữu cơ và hệ thống của suy tư luân lý của Giáo Hội về những vấn đề xã hội mới mẻ và khó khăn. Như thế, chúng ta có thể khẳng định rằng học thuyết xã hội có một căn tính riêng với một bộ mặt thần học rất xác định.
Để có một ý tưởng đầy đủ về học thuyết xã hội, cần phải dựa vào các nguồn mạch của nó, vào nền tảng và đối tượng của nó, vào chủ thể và nội dung, vào những cứu cánh và phương pháp : biết bao yếu tố cấu thành nó như là một môn riêng biệt và tự trị, lý thuyết và đồng thời thực tiễn, trong lãnh vực rộng lớn và phức tạp của khoa thần học luân lý, trong mối tương quan chặt chẽ với luân lý xã hội[10].
Các nguồn mạch của học thuyết xã hội là Kinh Thánh, giáo huấn của các Giáo Phụ và của các thần học gia lớn của Giáo Hội và chính Huấn Quyền. Nền tảng và đối tượng đầu tiên của nó là phẩm giá của nhân vị cùng với những quyền bất khả xâm phạm của nó mà hình thành nên cốt lõi của « chân lý về con người[11]». Chủ thể là toàn thể cộng đoàn kitô hữu trong sự hài hòa và dưới sự dẫn dắt của các mục tử hợp pháp của nó, trong đó cả các giáo dân nữa, với kinh nghiệm kitô hữu của mình, là những người cộng tác chủ động. Nội dung, mà tổng hợp tri thức về con người, về nhân loại và về xã hội[12], phản ảnh con người trọn vẹn, con người xã hội như là chủ thể xác định và thực tại nền tảng của nhân chủng học kitô giáo.
5. Bản chất thần học
Xét như là bộ phận của quan niệm kitô giáo về cuộc sống[13], học thuyết xã hội của Giáo Hội mặc lấy một đặc tính thần học tuyệt vời. Quả thế, giữa Tin Mừng và cuộc sống hiện thực, chúng ta có một chất vấn hỗ tương mà, trên bình diện thực tiễn của việc phúc âm hóa và của tiệc thăng tiến con người, được cụ thể hóa trong những mối liên hệ chặt chẽ thuộc trật tự nhân chủng học, thần học và thiêng liêng, đến nỗi đức ái, đức công bằng và hòa bình là không thể tách rời, trong việc thăng tiến nhân vị theo Kitô giáo[14].
Đặc tính thần học của học thuyết xã hội này cũng được diễn tả trong cứu cánh mục vụ của nó đối với việc phục vụ thế giới, cứu cánh mà hướng đến việc khuyến khích sự thăng tiến con người toàn diện nhờ có hành động giải thoát của kitô giáo, trong viễn ảnh trần thế và siêu việt của nó[15]. Nó không hệ tại việc chỉ truyền đạt một « kiến thức thuần túy », nhưng là một kiến thức lý thuyết thực hành có tầm mức và tác động mục vụ, trong sự liên kết với sứ mệnh loan báo Tin mừng của Giáo Hội, để phục vụ toàn thể con người, mỗi người và tất cả mọi người. Chính sự hiểu biết đúng đắn về con người hiện thực và về số phận của nó[16] mà Giáo Hội có thể mang lại như là đóng góp của mình cho việc giải quyết các vấn để của con người. Chúng ta có thể nói rằng, ở mỗi thời đại và trong mỗi hoàn cảnh, Giáo Hội theo đuổi một lần nữa con đường này bằng cách thực hiện trong xã hội một nhiệm vụ gồm ba phương diện : loan báo chân lý về phẩm giá của con người và về các quyền của nó, tố giác những hoàn cảnh bất công và đóng góp vào những thay đổi tích cực trong xã hội và vào sự tiến bộ đích thực của con người[17].
6. Chiều kích ba phương diện của học thuyết xã hội
Học thuyết xã hội bao gồm một chiều kích ba phương diện : lý thuyết, lịch sử và thực hành. Những chiều kích này mô tả cấu trúc chủ yếu của nó và có quan hệ chặt chẽ và không thể tách rời giữa chúng.
Trước hết, có một « chiều kích lý thuyết », bởi vì Huấn Quyền của Giáo Hội đã trình bày cách rõ ràng trong các văn kiện xã hội của mình một suy tư hữu cơ và hệ thống. Huấn Quyền chỉ ra con đường chắc chắn để xây dựng các mối quan hệ của đời sống chung trong một trật tự mới, theo những tiêu chí phổ quát có thể được mọi người chấp nhận[18]. Dĩ nhiên, nó hệ tại những nguyên tắc luân lý trường tồn, chứ không phải là những nguyên tắc lịch sử hay thay đổi, cũng không phải là « những thứ kỹ thuật mà Huấn Quyền không có những phương tiện tương xứng cũng không có sứ mệnh nào cho chúng[19]».
Tiếp đến, trong học thuyết xã hội của Giáo Hội, có « một chiều kích lịch sử », vì chưng, nơi nó, việc sử dụng các nguyên tắc đều nằm trong một nhận thức hiện thực của xã hội và được gợi hứng bởi ý thức về những vấn đề của nó.
Sau cùng, có « một chiều kích thực hành », bởi vì học thuyết xã hội không dừng lại chỉ ở việc trình bày các nguyên tắc trường tồn của suy tư, cũng không dừng lại ở chỉ việc giải thích các điều kiện lịch sử của xã hội, nhưng còn đề nghị áp dụng cách hiệu quả những nguyên tắc này trong thực hành, bằng cách biểu lộ chúng cách đúng đắn trong những hình thức và chừng mực mà các hoàn cảnh cho phép hay đòi hỏi[20].
7. Phương pháp luận của học thuyết xã hội
Chiều kích ba phương diện tạo điều kiện dễ dàng cho sự hiểu biết tiến trình năng động quy nạp-diễn dịch của phương pháp luận mà, cách chung, từng được theo trong các văn kiện xa xưa hơn, lại được làm rõ hơn trong thông điệp Mater et Magistra (Mẹ và Thầy) và được chấp thuận cách quyết định trong Hiến Chế mục vụ Gaudium et Spes và trong các văn kiện về sau. Phương pháp này được khai triển trong ba giai đoạn : nhìn, phán đoán và hành động.
Nhìn là nhận thức và nghiên cứu các tương quan hiện thực và những nguyên nhân của chúng, mà việc phân tích chúng thuộc về thẩm quyền của các khoa học nhân văn và xã hội.
Phán đoán là giải thích cùng chính thực tại dưới ánh sáng của những nguồn mạch của học thuyết xã hội, chúng xác định việc phán đoán đối với các hiện tượng xã hội và những bao hàm luân lý của chúng. Nằm ở giai đoạn trung gian này là chức năng riêng của Huấn Quyền của Giáo Hội mà rõ ràng hệ tại trong việc giải thích thực tại theo quan điểm đức tin và trong việc đề nghị « những gì mà Huấn quyền có về phần mình : một quan niệm toàn diện về con người và về nhân loại[21]». Rõ ràng rằng trong việc nhìn và phán đoán thực tại, Giáo Hội không là và cũng không thể là trung lập, vì Giáo Hội không thể không tuân theo bậc thang giá trị được trình bày trong Tin Mừng. Nếu, giả thiết, Giáo Hội tuân theo những bậc thang giá trị khác, thì giáo huấn của Giáo Hội sẽ không phải là giáo huấn được ban cách hữu hiệu, nhưng bị giảm thiểu thành một thứ triết lý hay thành một thứ ý thức hệ phe nhóm.
Hành động được sắp xếp để thực hiện những chọn lựa. Nó đòi hỏi một sự hoán cải thực sự, tức là sự biến đổi bên trong : đó là sự ứng trực, cởi mở và trong suốt dưới ánh sáng thanh tẩy của Thiên Chúa.
Khi mời gọi các tín hữu thực hiện những chọn lựa cụ thể và hành động theo những nguyên tắc và phán đoán được diễn tả trong học thuyết xã hội của mình, Huấn Quyền đề nghị cho họ hoa trái của nhiều suy tư và kinh nghiệm đã chín mùi dưới sự trợ giúp đặc biệt mà Chúa Kitô đã hứa cho Giáo Hội của Ngài. Người kitô hữu đích thực phải theo đuổi học thuyết này và đặt nó « ở nền tảng của sự khôn ngoan của họ, của kinh nghiệm của họ, để thể hiện nó cách cụ thể trong những phạm trù hành động, tham dự và dấn thân[22] ».
8. Phương pháp phân định
Chúng ta không thể đưa vào thực hành những nguyên tắc và những định hướng luân lý mà không có sự phân định thích đáng đưa toàn thể cộng đoàn kitô hữu và mỗi người cách riêng tìm hiểu « các dấu chỉ của thời đại » và giải thích thực tại dưới ánh sáng của sứ điệp Tin Mừng[23]. Cho dầu việc phân tích thực tại xã hội cách khoa học không thuộc phận vụ của Giáo Hội[24], nhưng việc phân định của người kitô hữu, như việc nghiên cứu và đánh giá chân lý, đưa đến việc nghiên cứu những nguyên nhân thực sự của cái xấu trong xã hội và đặc biệt của sự bất công và chấp nhận các kết quả chắc chắn, tránh khỏi ý thức hệ, của các khoa học nhân văn. Mục đích là đạt đến một phán đoán khách quan về thực tại xã hội dưới ánh sáng của những nguyên tắc trường tồn và cụ thể hóa, theo những khả năng và những cơ hội mà các hoàn cảnh mang lại, những chọn lựa thích đáng nhất mà loại trừ những bất công và giúp cho những biến đổi chính trị, kinh tế và văn hóa cần thiết trong mỗi trương hợp[25].
Trong viễn ảnh này, việc phân định của người kitô hữu không chỉ giúp soi sáng những hoàn cảnh địa phương, vùng hay thế giới, nhưng còn và chủ yếu giúp khám phá kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, được thực hiện trong Chúa Giêsu-Kitô, cho các con cái của Ngài ở những thời kỳ khác nhau của lịch sử. Rõ ràng rằng việc phân định này phải được đặt trong một thái độ trung tín không chỉ đối với các nguồn mạch của Tin Mừng, nhưng còn đối với Huấn Quyền của Giáo Hội và những mục tử hợp pháp của nó.
9. Thần học và triết học
Vào giây phút mà học thuyết xã hội của Giáo Hội quy nạp chân lý, những yếu tố đánh giá và phân định từ Mạc Khải, bằng việc đòi cho mình « đặc tính áp dụng Lời Chúa vào đời sống của con người và của xã hội[26]», thì nó cần đến một chỗ dựa triết học và thần học vững chắc. Quả thế, ở nền móng của nó là một nền nhân chủng học được rút ra từ Tin Mừng mà chứa đựng « như là lời khẳng định hàng đầu » ý tưởng về con người « như là hình ảnh của Thiên Chúa, không thể giảm thiểu thành chỉ là một mảnh của thiên nhiên hay thành một yếu tố vô danh của thành trì nhân loại »[27]. Nhưng lời khẳng định nền tảng này ăn khớp với nhiều lối trình bày giáo thuyết – chẳng hạn như học thuyết về đức ái, về mối tử hệ thần linh, về tình huynh đệ mới trong Chúa Kitô, về tự do của những con cái của Thiên Chúa, về phẩm giá nhân vị và về ơn gọi vĩnh cửu của mỗi người – mà chỉ đạt được ý nghĩa trọn đầy và giá trị của chúng trong bối cảnh của nền nhân chủng học siêu nhiên và của nền tín lý toàn thể của Công giáo.
Đồng thời với những dữ kiện phát xuất từ Mạc Khải, học thuyết xã hội đảm nhận, nhắc nhớ và giải thích những nguyên tắc luân lý căn bản khác nhau có tính chất lý tính, bằng cách cho thấy sự liên kết giữa những dữ kiện mạc khải và những nguyên tắc của lý trí ngay thẳng, mà điều chỉnh các hành vi của con người trong lãnh vực đời sống xã hội và chính trị. Bởi thế, cần thiết nhờ đến suy tư triết học để đào sâu những khái niệm như thế (chẳng hạn như tính khách quan của chân lý, của thực tại, của giá trị của nhân vị, của những chuẩn mực của hành động và những tiêu chí chân lý) và để làm sáng tỏ chúng dưới ánh sáng của những nguyên nhân vừa qua. Thực tế, Giáo Hội dạy rằng các thông điệp xã hội cũng nhờ đến « lý trí ngay thẳng » để tìm ra những chuẩn mực khách quan của luân lý tính của con người, mà điều chỉnh không chỉ đời sống cá nhân nhưng còn đời sống xã hội và quốc tế[28].
Trong viễn ảnh này, rõ ràng là một nền tảng triết học và thần học chắc chắn sẽ giúp các giáo sư và học sinh tránh được những giải thích chủ quan về những hoàn cảnh xã hội cụ thể, cũng như tránh khỏi một sự tổ chức có thể các hoàn cảnh xã hội cụ thể này theo những cùng đích hay lợi ích ý thức hệ.
10. Các khoa học thực chứng
Học thuyết xã hội cũng sử dụng các dữ kiện đến từ các khoa học thực chứng và, cách đặc biệt, các khoa học xã hội, mà cấu thành một dụng cụ quan trọng, dù không độc chiếm, đối với sự hiểu biết thực tại. Việc nhờ đến các khoa học này đòi hỏi một sự phân định chăm chú, trên cơ sở một sự trung gian triết học thích hợp, bởi vì người ta có thể chuốc lấy nguy hiểm nhượng bộ cho áp lực của các ý thức hệ nhất định trái với lý trí ngay thẳng, với đức tin kitô giáo và rốt cuộc, trái với chính những dữ kiện của kinh nghiệm lịch sử và của việc nghiên cứu khoa học. Dầu sao, một « cuộc đối thoại có hiệu quả[29]» giữa luân lý xã hội kitô giáo (thần học và triết học) và các khoa học nhân văn là không chỉ có thể, nhưng còn cần thiết đối với sự hiểu biết thực tại xã hội. Một mặt, sự phân biệt rõ ràng giữa thẩm quyền của Giáo Hội và, mặt khác, thẩm quyền của các khoa học thực chứng không tạo nên bất kỳ ngăn trở nào cho cuộc đối thoại, nhưng, trái lại, tạo điều kiện dễ dàng cho nó. Chính vì thế, việc đón nhận và điều hòa cách thích đáng, giữa các thẩm quyền, những dữ kiện được đề nghị bởi các nguồn mạch của học thuyết xã hội, được đề cập trên đây, và những dữ kiện được cung cấp bởi các khoa học thực chứng là nằm trong đường hướng của học thuyết xã hội của Giáo Hội. Rõ ràng rằng học thuyết này sẽ luôn có, như là điểm quy chiếu chính yếu, lời nói và mẫu gương của Chúa Kitô và truyền thống Kitô giáo, được xem xét trong sứ mệnh loan báo Tin mừng của Giáo Hội.
11. Sự tiến triển của học thuyết xã hội
Như chúng ta đã nói, học thuyết xã hội của Giáo Hội, do đặc tính trung gian của nó giữa Tin Mừng và thực tại cụ thể của con người và xã hội, cần được liên tục cập nhật và làm cho có khả năng đáp trả lại những hoàn cảnh mới của thế giới và lịch sử[30]. Thực tế, trong những thập niên nối tiếp nhau, nó đã biết đến một sự tiến triển đáng kể. Đối tượng ban đầu của học thuyết này là những gì người ta gọi là « vấn đề xã hội », tức là toàn bộ những vấn đề kinh tế chính trị xuất hiện trong những nơi nhất định của thế giới Âu Mỹ theo sau « cuộc cách mạng công nghiệp ». Ngày nay, « vấn đề xã hội » không còn bị giới hạn nữa vào những vùng địa lý riêng biệt, nhưng nó có một chiều kích thế giới[31], và nó bao gồm nhiều khía cạnh, kể cả chính trị, trong mối liên hệ với các tương quan giai cấp và với sự biến đổi xã hội đã diễn ra và vẫn còn đang trên đường thực hiện. Dù sao, « vấn đề xã hội » và « học thuyết xã hội » vẫn là những thuật ngữ tương quan.
Trong sự tiến triển của học thuyết xã hội, thật quan trọng để nhấn mạnh rằng, dù hoàn toàn là « một hệ thống » học thuyết khá chặt chẽ, nhưng nó không bị giảm thiểu thành một hệ thống khép kín, trái lại nó tỏ ra chú tâm đến sự tiến triển của các hoàn cảnh và có khả năng trả lời cách thích đáng cho các vấn đề mới mẻ và cho cách thế mới mẻ mà chúng được đặt ra. Điều này là kết quả của một việc xem xét khách quan các văn kiện của các Giáo hoàng kế tiếp nhau – từ đức Lêô XIII cho đến đức Gioan-Phaolô II (và đức Bênêđictô XVI) – và trở nên còn rõ ràng hơn nữa kể từ Công đồng Vatican II.
12. Tính liên tục và sự tiến triển
Dù có những khác biệt về lối trình bày, về phương pháp luận và về văn phong mà người ta ghi nhận nơi các văn kiện khác nhau, thế nhưng, chúng không làm nguy hại đến căn tính chính yếu và sự duy nhất của học thuyết xã hội của Giáo Hội.
Chính vì lý do này mà chúng ta sử dụng từ ngữ « tính liên tục » để diễn tả mối tương quan giữa các văn kiện, cho dầu mỗi văn kiện trả lời cách cụ thể cho những vấn đề của thời đại mình. Chẳng hạn, « những người nghèo » mà một số văn kiện gần đây nói đến không phải là « những người vô sản » mà đức Lêô XIII nói đến trong thông điệp Tân Sự (Rerum Novarum) của ngài, hay là « những người thất nghiệp » nằm ở trọng tâm chú ý của đức Piô XI trong thông điệp Tứ Thập Niên (Quadragesimo anno) của ngài. Ngày nay, con số của họ tỏ ra lớn hơn vô cùng, và thuộc về đó tất cả những ai mà, trong xã hội sung túc, bị loại trừ khỏi quyền sử dụng tự do, chính đáng và đảm bảo các của cải của trái đất. Vấn đề càng nghiêm trọng hơn nếu trong một số phần của trái đất, và đặc biệt trong Thế Giới Thứ Ba, hoàn cảnh này đã trở thành cách có hệ thống và hầu như được thể chế hóa.
13. Nghĩa vụ và quyền giảng dạy
Đối diện với cộng đồng chính trị, trong sự tôn trọng và khẳng định quyền tự trị hỗ tương trong lãnh vực riêng của họ, vì tất cả hai đều nhằm phục vụ ơn gọi cá nhân và xã hội của các nhân vị, Giáo Hội khẳng định thẩm quyền riêng của mình về học thuyết xã hội và quyền giảng dạy học thuyết đó vì lợi ích và ơn cứu độ của con người ; với mục đích này, Giáo Hội sử dụng mọi phương tiện mà Giáo Hội có thể có được, theo sự đa dạng của các hoàn cảnh và của các thời đại[32].
Khi xem xét con người « trong chân lý trọn vẹn của cuộc sống của nó, của hữu thể cá vị của nó và đồng thời của hữu thể cộng đoàn và xã hội của nó[33], Giáo Hội ý thức rõ rằng số phận của nhân loại được gắn liền với Chúa Kitô cách chặt chẽ và hiển nhiên. Giáo Hội xác tín về sự cần thiết không thể thay thế được của sự trợ giúp mà Ngài ban cho con người và vì thế không thể bỏ mặc con người. Như đức Gioan-Phaolô II đã phát biểu về vấn đề này, Giáo Hội tham dự cách sâu xa vào những thăng trầm của toàn thể nhân loại, khi coi con người là con đường hàng đầu và nền tảng trong việc thực hiện sứ mệnh của mình, « con đường mà, cách bất biến, thông qua mầu nhiệm Nhập Thể và Cứu Chuộc[34]». Theo cách này, Giáo Hội tiếp tục sứ mệnh cứu độ của Chúa Kitô, vâng phục lệnh truyền rao giảng Tin Mừng cho mọi dân tộc[35] và phục vụ tất cả những ai bần cùng, hoặc xét như là những cá thể, hoặc xét như là những nhóm hay giai cấp xã hội, và cảm nhận cách mãnh liệt sự cần thiết biến đổi và cải cách để cải thiện các điều kiện sống của họ.
Trung thành với sứ mệnh thiêng liêng, Giáo Hội đương đầu những vấn đề này dưới khía cạnh luân lý và mục vụ là đặc thù của mình. Trong thông điệp Mối Quan Tâm Xã Hội (Sollicitudo rei socialis) đức Gioan-Phaolô II đã ám chỉ cách rõ ràng đến khía cạnh này, khi ngài quy chiếu đến những vấn đề phát triển, khẳng định rằng, vì lý do này, nó chính đáng bước vào trong sứ mệnh của Giáo Hội. Do đó, Giáo Hội « không thể bị cáo buộc là đã vượt quá lãnh vực thẩm quyền riêng và, còn ít hơn nữa, sự ủy nhiệm được lãnh nhận từ Chúa[36]».
Ở bên ngoài phạm vi của các tín hữu của mình, Giáo Hội đề nghị học thuyết xã hội của mình cho tất cả những người thiện chí, bằng cách khẳng định rằng những nguyên tắc căn bản của Giáo Hội là « được thủ đắc bởi lý trí ngay thẳng[37] » được Tin Mừng soi sáng và hoàn thiện.
II. CHIỀU KÍCH LỊCH SỬ CỦA HỌC THUYẾT XÃ HỘI
14. Đối diện với mưu toan của một số người muốn gieo rắc « sự nghi ngại và ngờ vực » về tính hữu hiệu của học thuyết xã hội, vì được coi như là trừu tượng, suy diễn, tĩnh tính và không có sức mạnh phê phán, đức Gioan-Phaolô II đã nhiều lần nhắc lại sự cấp bách của một hành động xã hội kêu gọi đến « gia sản phong phú và phức tạp » được chỉ rõ dưới thuật ngữ « Học thuyết xã hội hay Giáo huấn xã hội của Giáo Hội[38] ». Các vị tiền nhiệm của ngài là đức Gioan XXIII và đức Phaolô VI, và các Nghị Phụ của Công đồng Vatican II[39] đã làm như thế. Trong tư tưởng của các Giáo hoàng và của Công đồng đã lộ ra ý định thể hiện được rằng, qua hành động xã hội của người kitô hữu, sự hiện diện của Giáo Hội trong lịch sử phản ánh sự hiện diện của Chúa Kitô, Đấng biến đổi các tâm hồn và các cơ cấu bất công do con người tạo nên.
Lời kêu gọi này đặc biệt được cảm nhận trong những điều kiện văn hóa và xã hội của thời đại của chúng ta. Chính vì thế Huấn Quyền hiện nay của Giáo Hội đã truyền một đà năng động mới cho học thuyết xã hội, giải thích những thái độ thù nghịch đang gia tăng của một số người, thường được chấp nhận theo cách không phê bình, và cho thấy trách nhiệm nặng thế dường nào của những ai từ chối một cụng cụ thích đáng như thế cho việc đối thoại của Giáo Hội với thế giới và hữu hiệu như thế cho việc giải quyết các vấn đề xã hội đương đại.
1. Chiều kích xã hội của sứ điệp Kitô giáo nguyên thủy
15. Lịch sử cứu độ
Học thuyết xã hội bén rễ trong lịch sử cứu độ và tìm thấy nguồn gốc của nó trong chính sứ mệnh cứu độ và giải thoát của Chúa Giêsu-Kitô và của Giáo Hội. Nó gắn với kinh nghiệm đức tin vào ơn cứu độ và vào sự giải thoát toàn diện của Dân Thiên Chúa, mà trước tiên được mô tả trong sách Khởi Nguyên, trong sách Xuất Hành, trong sách các Ngôn Sứ và trong các thánh vịnh, và tiếp theo là trong đời sống của Chúa Giêsu và trong các Tông Thư[40].
16. Sứ mệnh của Chúa Giêsu
Sứ mệnh của Chúa Giêsu và chứng tá đời sống của Ngài đã làm sáng tỏ rằng phẩm giá đích thực của con người được tìm thấy trong một tinh thần được giải thoát khỏi sự dữ và được canh tân bởi ân sủng cứu độ của Chúa Giêsu. Tuy nhiên, các bản văn phong phú của Tin Mừng cho thấy rằng Chúa Giêsu đã không dửng dưng hay xa lạ trước vấn đề phẩm giá và các quyền của con người, cũng không trước những nhu cầu của những người yếu đuối nhất, những người túng thiếu nhất và những nạn nhân của bất công. Trong mọi lúc, Ngài đã tỏ cho thấy một sự liên đới thực sự với những người nghèo nhất và những người khốn khổ nhất[41]; Ngài đã đấu tranh chống bất công, sự giả hình, những lạm dụng quyền lực, sự tham lam thu lợi của những kẻ giàu, dửng dưng với những đau khổ của người nghèo, bằng cách nhắc lại cách mạnh mẽ việc tính sổ cuối cùng, khi Ngài sẽ trở lại trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết.
Rõ ràng Tin Mừng chứa đựng một vài chân lý nền tảng đã nhào nắn tư tưởng xã hội của Giáo Hội trong hành trình xuyên qua các thế kỷ của mình. Chẳng hạn như, Chúa Giêsu khẳng định và tuyên bố một sự bình đẳng chủ yếu về phẩm giá giữa mọi người, nam và nữ, dù sắc tộc, quốc gia hay chủng tộc, văn hóa, thuộc về chính trị hay thân phận xã hội của họ thế nào. Vả lại, sứ điệp của Ngài chứa đựng một quan niệm về con người được xem như là một hữu thể có tính xã hội bằng vào chính bản tính của nó, xét như là được khẳng định phẩm giá của hôn nhân mà cấu thành hình thức giao tiếp đầu tiên giữa những con người. Từ sự bình đẳng nền tảng về phẩm giá này, giữa những con người, và từ tính xã hội tự nhiên nội tại của họ nảy sinh cách tất thiết đòi hỏi rằng các tương quan của đời sống trong xã hội cần được tổ chức theo những tiêu chuẩn của một tình liên đới hữu hiệu và nhân bản, tức là theo những tiêu chuẩn công bằng, được tình yêu mang lại sức sống và bổ túc.
Bên cạnh những giá trị được chứa đựng trong Tin Mừng này, vẫn còn nhiều giá trị khác không kém quan trọng và không kém tác động đến việc tổ chức xã hội như chẳng hạn : các giá trị gắn liền với thể chế gia đình duy nhất và bất khả phân ly, nguồn mạch sự sống ; những giá trị liên quan đến nguồn gốc và bản chất của quyền bính, được quan niệm và thực thi như là việc phục vụ cho công ích của nhóm xã hội mà nó phải diễn đạt cách trực tiếp và vì đó nó được thực thi trong sự hài hòa với sự thiện phổ quát của toàn thể gia đình nhân loại.
17. Sứ mệnh của Giáo Hội
Giáo Hội được nuôi dường bởi mầu nhiệm của Chúa Kitô, Tin Mừng nhập thể, để loan báo, như Ngài, Tin Mừng về Nước Thiên Chúa và kêu gọi con người đến sự hoán cải và đến ơn cứu độ[42]. Ơn gọi phúc âm hóa này của Giáo Hội, được lãnh nhận từ Chúa Kitô, tạo nên căn tính sâu xa nhất của nó. Bởi đó, chính thực sự từ Giáo Hội mà nảy sinh những nhiệm vụ, những chỉ dẫn và những năng lực mà có thể đóng góp vào việc xây dựng và củng cố cộng đồng con người theo lề luật của Thiên Chúa[43].
Trong giáo huấn và trong thực hành xã hội, Giáo Hội của các thế kỷ đầu tiên và của thời Trung Cổ không làm gì hơn là áp dụng và phát triển những nguyên tắc và những định hướng được chứa đựng trong Tin Mừng. Khi chuyển động từ bên trong của các cấu trúc của xã hội dân sự, Giáo Hội tìm cách nhân bản hóa chúng trong tinh thần công bằng và bác ái, kết hợp công trình phúc âm hóa với những can thiệp bác ái và xã hội hợp thời. Các Giáo Phụ được biết không chỉ như những nhà bảo vệ dũng cảm những người nghèo và những người bị áp bức, nhưng còn như là những nhà thăng tiến các thể chế cứu trợ (các bệnh viện, các cô nhi viện, nơi nương náu cho các khách hành hương và ngoại kiều) và các quan niệm văn hóa xã hội mà đã khai mào kỷ nguyên của một chủ nghĩa nhân bản mới được bén rễ trong Chúa Kitô. Trong đa số thời gian, nó hệ tại những công việc bổ sung, được quyết định bởi những thiếu hụt và những lỗ hổng của việc tổ chức xã hội dân sự, mà cho thấy những tâm hồn thấm nhuần lý tưởng Tin Mừng có khả năng với những hy sinh và với óc sáng tạo như thế nào. Nhờ những nỗ lực của Giáo Hội mà tính bất khả xâm phạm của sự sống con người, sự thánh thiện và tính bất khả phân ly của hôn nhân, phẩm giá của người nữ, giá trị của lao công của con người và giá trị của mỗi nhân vị đã được nhìn nhận, và do đó, đã đóng góp vào việc xóa bỏ nạn nô lệ mà thường tình thuộc về hệ thống kinh tế và xã hội của thế giới cổ xưa.
Sự phát triển dần dần của hoạt động thần học, trước tiên trong các đan viện rồi đến trong các Đại học, đã làm cho việc soạn thảo cách khoa học các nguyên tắc nền tảng điều chỉnh xã hội loài người cách có trật tự trở nên có thể. Về vấn đề này, tư tưởng của thánh Tôma Aquinô, của François Suarez, của François de Vitoria và của biết bao người khác đã giữ một giá trị trường tồn. Những người này, cùng với những triết gia khác nhau và những nhà giáo luật danh tiếng, đã chuẩn bị những tiền dữ kiện và những dụng cụ cần thiết cho việc soạn thảo một học thuyết xã hội đích thực, như nó đã được khai mào dưới thời của đức Giáo hoàng Lêô XIII và được tiếp nối bởi các vị kế nhiệm của ngài.
Việc khẳng định chiều kích xã hội này của Kitô giáo mỗi ngày trở nên cấp bách hơn do những thay đổi luôn rộng lớn và sâu xa hơn được diễn ra trong xã hội[44]. Đối diện với những vấn đề xã hội hiện diện ở mọi thời kỳ của lịch sử, nhưng đã trở nên phức tạp hơn vào thời đại của chúng ta và được mở rộng đến tầm mức thế giới, Giáo Hội không thể buông thả suy tư luân lý và mục vụ của mình – trong lãnh vực đặc thù của nó – để soi sáng và định hướng theo giáo huấn xã hội của mình những nỗ lực và những hy vọng của các dân tộc, bằng cách làm sao để những thay đổi, ngay cả tận căn, mà được đòi hỏi bởi những hoàn cảnh khốn cùng và bất công, được thực hiện để giúp cho sự thiện đích thực của con người[45].
2. Sự hình thành của gia sản lịch sử
18. Môi trường văn hóa xã hội
Vào mỗi thời đại, học thuyết xã hội, với những nguyên tắc suy tư, những tiêu chí phán đoán và những chuẩn mực hành động của nó, đã không có, cũng hẳn sẽ không thể có, định hướng nào khác hơn là định hướng soi sáng cách cụ thể, từ đức tin và truyền thống của Giáo Hội, hoàn cảnh hiện thực của xã hội, nhất là khi phẩm giá của con người bị làm tổn thương ở đó.
Trong viễn ảnh này, năng động và lịch sử, kết quả là đặc tính đích thực của học thuyết xã hội được mang lại bởi sự tương ứng của các chỉ dẫn của nó, liên quan đến những vấn đề của một hoàn cảnh lịch sử nhất định, với những đòi hỏi luân lý của sứ điệp Tin Mừng, mà đòi hỏi một sự biến đổi sâu xa của nhân vị và của các nhóm để đạt được một sự giải thoát đích thực và toàn diện[46].
Tuy nhiên, để hiểu sự tiến triển lịch sử của học thuyết xã hội, cần phải thấm nhập vào bối cảnh xã hội văn hóa của mỗi văn kiện và hiểu những điều kiện kinh tế, xã hội, chính trị và văn hóa trong đó nó được công bố. Như thế, nơi những tuyên bố khác nhau, người ta có thể khám phá tốt hơn ý định mục vụ của Giáo Hội đối diện với hoàn cảnh của xã hội được xem xét và đối diện với tầm quan trọng của vấn đề xã hội.
Các nguyên tắc nền tảng, trực tiếp đến từ quan niệm Kitô giáo về con người và về xã hội loài người, cũng như những phán đoán luân lý về những hoàn cảnh, những thể chế và những cấu trúc nhất định, cho phép nắm bắt ý nghĩa của sự hiện diện lịch sử của Giáo Hội trong thế giới. Ta có thể nói rằng mỗi văn kiện xã hội là một ví dụ và là một bằng chứng về điều đó.
19. Những biến chuyển của thế kỷ XIX và những đóng góp của tư tưởng Công giáo
Cách riêng, chúng ta phải nhớ lại hoàn cảnh mới mẻ được hình thành vào thế kỷ XIX ở Âu Châu và một phần ở Mỹ Châu theo sau cuộc cách mạng công nghiệp, chủ nghĩa tự do kinh tế, chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội. Trong hoàn cảnh này, nhiều người Công giáo thuộc nhiều nước Âu Châu khác nhau, trong đường hướng của những đòi hỏi luân lý và xã hội của Lời Chúa và của giáo huấn liên lỉ của các Giáo Phụ, của các thần học gia lớn của Trung Cổ và, cách riêng, của thánh Tôma Aquinô, đã đánh động sự thức tỉnh lương tâm kitô hữu đối diện với những bất công nghiêm trọng xuất hiện vào thời ký này. Như thế đã bắt đầu nổi rõ một quan niệm hiện đại hơn và năng động hơn về cách thức mà Giáo Hội phải hiện diện và thực thi ảnh hưởng của mình trong xã hội. Người ta đã hiểu tốt hơn tầm quan trọng của sự hiện diện của Giáo Hội trong thế giới và kiểu mẫu chức năng được đòi hỏi nơi Giáo Hội bởi các thời đại mới. Tất cả học thuyết xã hội của Giáo Hội kể từ lúc đó cho đến thời nay đều dựa trên những tiền dữ kiện này. Vì thế, chính trong viễn ảnh này mà các văn kiện của Huấn Quyền xã hội được đọc và hiểu.
20. Đức Lêô XIII
Bận tâm đến « vấn đề thợ thuyền », nghĩa là những vấn đề phát xuất từ hoàn cảnh thảm hại nơi mà tồn tại giai cấp vô sản công nghiệp, đức Lêô XIII đã can thiệp bằng thông điệp Tân Sự (1891), một bản văn can đảm và sáng suốt, nguồn gốc của những phát triển của học thuyết xã hội được thực hiện bởi Huấn Quyền trong các văn kiện về sau. Trong thông điệp Đức Giáo Hoàng trình bày những nguyên tắc học thuyết mà có thể dùng để chữa trị « sự dữ xã hội » tiềm tàng trong « thân phận của các công nhân[47]».
Sau khi đã liệt kê những sai lầm mà đưa đến « sự khốn khổ không đáng » của giai cấp vô sản và cách riêng sau khi đã loại trừ chủ nghĩa xã hội, như là phương thuốc cho « vấn đề thợ thuyền », thông điệp Tân Sự làm rõ và thực tại hóa học thuyết Công giáo về lao động, về quyền tư hữu, về nguyên tắc hợp tác đối lại với cuộc đấu tranh giai cấp như là phương tiện căn bản cho sự biến chuyển xã hội, về quyền của những nguời yếu thế, về phẩm giá của người nghèo khổ và về những nghĩa vụ của người giàu, về sự hoàn thiện đức công bằng bởi đức ái, về quyền có những hiệp hội nghề nghiệp.
21. Đức Piô XI
Bốn mươi năm sau, khi những tiến triển của xã hội công nghiệp từ này đã đạt tới một sự tập trung to lớn không ngừng gia tăng các sức mạnh và quyền lực trong thế giới kinh tế xã hội và dấn đến một cuộc đấu tranh giai cấp ác liệt, đức Piô XI cảm thấy bổn phận và trách nhiệm thăng tiến một sự hiểu biết lớn lao hơn, một sự giải thích chính xác hơn và một sự áp dụng cấp bách hơn luật luân lý[48] điều chỉnh các tương quan của con người trong lãnh vực này, với mục đích vượt qua sự xung đột giai cấp và đạt đến một trật tự xã hội mới dựa trên công bằng và bác ái. Nhờ sự chú ý này đối với bối cảnh lịch sử mới mẻ, thông điệp Tứ Thập Niên (Quadragesimo anno) của ngài đã mang lại những cái nhìn mới mẻ : nó đề nghị một cái nhìn toàn cảnh về xã hội công nghiệp và sản xuất ; nó nhấn mạnh đến sự cần thiết rằng tư bản cũng như lao động đóng góp vào sản xuất và vào việc tổ chức kinh tế ; nó thiết lập những điều kiện tái lập trật tự xã hội ; nó nghiên cứu một sự cập nhật mới mẻ các vấn đề nổi trội, để đương đầu với những biến chuyển to lớn « do sự phát triển mới mẻ của nền kinh tế và của chủ nghĩa xã hội mang lại[49]» ; nó không do dự bày tỏ lập trường đối với những mưu toan, được thực hiện trong những năm này, để vượt lên những nghịch lý xã hội nhờ hệ thống nghiệp đoàn, bằng cách tỏ ra ủng hộ những nguyên tắc liên đới và hợp tác mà gợi hứng nó nhưng bằng cách cảnh báo rằng sự thiếu tôn trọng tự do hiệp hội và hành động có thể làm tổn hại kết quả mong muốn.
22. Đức Piô XII
Trong suốt triều đại lâu dài của mình, đức Piô XII đã không viết thông điệp xã hội nào. Nhưng, trong sự liên tục hoàn toàn với học thuyết của các vị tiền nhiệm của mình, ngài đã can thiệp cách uy thế đến những vấn đề xã hội của thời ngài trong một loạt diễn văn phong phú. Trong số các diễn văn này có một tầm quan trọng hoàn toàn đặc biệt là các sứ điệp radio mà ngài nói rõ, trình bày và đòi hỏi những nguyên tắc luân lý xã hội nhắm thăng tiến việc tái xây dựng sau những tàn tích của Thế Chiến Thứ Hai. Vì sự nhạy cảm của ngài và vì trí thông minh của ngài trong việc tiếp nhận « các dấu chỉ thời đại », đức Piô XII có thể được xem như là vị tiền hô trực tiếp của Công đồng Vatican II và của giáo huấn xã hội của các Giáo Hoàng kế tiếp ngài. Những điểm mà ngài đã cố gắng cụ thể hóa tốt hơn học thuyết xã hội và áp dụng học thuyết này cho cho những vấn đề của thời ngài chủ yếu là những điểm sau : các quyền và bổn phận của các công nhân và của các chủ nhân ; chức năng của Nhà Nước trong các hoạt động kinh tế ; sự cần thiết của sự hợp tác quốc tế để vận dụng một nền công lý lớn lao hơn và đảm bảo hòa bình ; khôi phục luật như là quy tắc cho các tương quan giữa các giai cấp và giữa các dân tộc ; lương căn bản của gia đình[50].
Trong những năm chiến tranh và sau chiến tranh, Huấn Quyền xã hội của đức Piô XII đại diện tiếng nói của lương tâm phổ quát, được giải thích và công bố trong mối liên kết sâu xa với Lời Chúa, cho nhiều dân tộc của mọi châu lục và cho hàng triệu tín hữu và không tín hữu.
Qua thẩm quyền luân lý và uy tín của ngài, đức Piô XII đã mang lại ánh sáng của sự khôn ngoan kitô giáo cho đoàn người đông đảo thuộc mọi thành phần và trình độ xã hội, các nhà cầm quyền, người học thức, những người làm nghề tự do, các chủ xí nghiệp, các chuyên viên kỹ thuật, các công nhân.
Mong muốn làm tăng giá trị truyền thống của thông điệp Tân Sự [51], ngài theo đuổi việc huấn luyện một lương tâm luân lý và xã hội mà có thể gợi hứng các hành động của các dân tộc và của các Nhà Nước. Xuyên qua ngài đã diễn ra trên Giáo Hội hơi thở của Thánh Thần tái sinh mà, như chính ngài đã nói về thông điệp Tân Sự, không quên tuôn tràn cách nhân từ trên toàn thể nhân loại[52].
23. Đức Gioan XXIII
Sau cuộc Thế Chiến Thứ Hai, Giáo Hội ở trong một hoàn cảnh mới dưới nhiều khía cạnh : « vấn đề xã hội », ban đầu giới hạn vào giai cấp thợ thuyền, nay chứng kiến một tiến trình phổ quát hóa mà đã bao hàm mọi giai cấp, mọi nước và chính xã hội quốc tế nơi mà bi kịch của Thế Giới Thứ Ba đã luôn trở nên nổi trội hơn. « Vấn đề của thời hiện đại » này trở thành đối tượng của suy tư và của hoạt động mục vụ của Giáo Hội và của Huấn Quyền xã hội. Quả thế, thông điệp mới Mẹ và Thầy (Mater et Magistra, 1961) của đức Giáo hoàng Gioan XXIII nhắm cập nhật những văn kiện đã được biết đến và thực hiện một bước mới mẻ về phía trước trong tiến trình bao hàm tất cả cộng đồng kitô hữu[53]. Văn kiện mới này, đương đầu với những khía cạnh thời sự nhất và quan trọng nhất của « vấn đề xã hội[54]», làm nổi bật lên những bất bình đẳng đang tồn tại giữa những lãnh vực kinh tế khác nhau cũng như giữa các nước và vùng khác nhau và tố giác những hiện tượng nhân mãn và chậm phát triển mà, do việc thiếu thỏa thuận và liên đới giữa các quốc gia, đã tạo nên những hoàn cảnh không chịu nổi, đặc biệt nơi Thế Giới Thứ Ba.
Chính đức Gioan XXIII, đứng trước những hiểm họa của một cuộc chiến tranh hạt nhân mới, sau khi đã can thiệp bằng một sứ điệp đáng nhớ nói với các dân tộc và các vị lãnh đạo Nhà Nước, đã công bố thông điệp Hòa Bình Trên Địa Cầu (Pacem in terris, 1963) vào lúc kịch liệt nhất của cuộc khủng hoảng. Thông điệp này là một lời cổ vũ cấp bách nhằm xây dựng hòa bình, được xây dựng trên sự tôn trọng các đòi hỏi luân lý mà phải hướng dẫn các mối quan hệ giữa những con người và giữa cá Nhà Nước.
Văn phong và ngôn ngữ của các thông điệp của đức Gioan XXIII trao cho học thuyết xã hội một khả năng tiếp cận và tác động mới đối với những hoàn cảnh mới, mà không vì thế bỏ qua luật liên tục với truyền thống đi trước. Bởi thế, người ta không thể nói về « bước ngoặt tri thức luận ». Chắc chắn rằng khuynh hướng làm tăng giá trị thực nghiệm và xã hội học đang lộ ra, nhưng đồng thời người ta làm nổi bật động cơ thần học của học thuyết xã hội. Điều này càng rõ ràng hơn nữa nếu người ta so sánh với các văn kiện đi trước nơi mà suy tư triết học và lập luận dựa trên những nguyên tắc của quyền tự nhiên nổi trội. Những thông điệp xã hội của đức Gioan XXIII hiển nhiên đã đóng góp vào việc làm nảy sinh những biến đổi tận căn xuất hiện ngay bên trong các Nhà Nước, đúng như trong các quan hệ hỗ tương của chúng, « trong lãnh vực khoa học, kỹ thuật và kinh tế » cũng như trong lãnh vực « xã hội và chính trị[55]».
Vả lại, vào giai đoạn này, những hiện tượng khác bắt đầu xuất hiện gây lo âu. Trước hết, đó là những hệ quả của sự phát triển kinh tế tiếp theo sau việc tái xây dựng hậu chiến tranh. Óc lạc quan mà cuộc phát triển này sinh ra đã ngăn cản không cho nhận thấy ngay những mâu thuẫn của một hệ thống dựa trên sự phát triển bất bình đẳng nơi các nước khác nhau trên thế giới. Vả lại, trước lúc chấm dứt thập niên lúc đó, đang khi tiến trình phi thực dân hóa nơi nhiều nước của Thế Giới Thứ Ba được tỏ rõ luôn hơn nữa, thì người ta nhận thấy rằng một kiểu thống trị thực dân khác, thực dân kinh tế, đang tiếp nối chủ nghĩa thực dân chính trị đang hiện hành cho đến lúc đó. Sự kiện này có tính quyết định đối với một sự nhận thức và một chuyển động khuấy động, cách đặc biệt ở Châu Mỹ Latinh nơi mà, để chống lại những bất quân bình của sự phát triển và tình trạng lệ thuộc mới, đã nổi lên một mầm giải phóng từ những cách thế đa dạng và dưới những hình thức khác nhau. Mầm giải phóng này tiếp theo sẽ sản sinh ra những trào lưu khác nhau của « thần học giải phóng », mà Tòa Thánh đã bày tỏ công khai lập trường của mình đối với chúng[56].
24. Công đồng Vatican II
Bốn năm sau khi công bố thông điệp Mẹ và Thầy, Hiến Chế Mục Vụ Vui Mừng và Hy Vọng (Gaudium et Spes) của Công đồng Vatican II, về Giáo Hội trong thế giới hôm nay, đã ra đời. Nếu, giữa hai văn kiện, có một thời gian quá ngắn để thấy những biến chuyển có ý nghĩa trong thực tại lịch sử, thì thế nhưng, con đường mà học thuyết xã hội trải qua với văn kiện mới đã là đáng kể. Quả thế, Công đồng đã ý thức rằng thế giới chờ đợi nơi Giáo Hội một sứ điệp mới mẻ và khích lệ. Nó đã đáp lại sự mong đợi này bằng Hiến Chế nói trên, trong đó, trong sự đồng hòa với cuộc canh tân giáo hội học, một quan niệm mới mẻ về cộng đồng tín hữu và dân Thiên Chúa được phản ảnh. Hiến Chế của Công đồng do đó khơi lên một sự quan tâm mới đối với học thuyết được chứa đựng trong các văn kiện đi trước về chứng tá và đời sống của các kitô hữu như là những con đường đích thực để làm cho sự hiện diện của Thiên Chúa trong thế giới trở nên hữu hình.
Trên bình diện xã hội, câu trả lời của Giáo Hội nhóm họp ở Công đồng đã được cụ thể hóa bằng việc trình bày một quan niệm năng động hơn về con người và về xã hội, và cách riêng, về đời sống kinh tế xã hội, được soạn thảo trên nền tảng của những đòi hỏi và của việc giải thích đúng đắn sự phát triển kinh tế.
Theo chương của Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng dành cho vấn đề này, quả thật, việc loại bỏ những bất bình đẳng xã hội và kinh tế có thể được đặt cơ duy nhất trên sự hiểu biết đúng đắn về sự phát triển. cách giải thích về thực tại xã hội này trên bình diện thế giới đã đánh dấu một bước ngoặt nền tảng trong tiến trình tiến triển của học thuyết xã hội : học thuyết này không để mình bị lấn chìm bởi những bao hàm kinh tế xã hội của hai hệ thống chủ yếu, chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội, nhưng mở ra cho một quan niệm mới mẻ, quan niệm về chiều kích kép hay tầm quan trọng kép của sự phát triển. Quả thế, một quan niệm như thế nhắm thăng tiến thiện ích của toàn thể con người, « được xem xét cách toàn diện, tức là lưu tâm đến những nhau cầu cần thiết của nó về mặt vật chất và những đòi hỏi của đời sống tri thức, luân lý, tâm linh và tôn giáo của nó », do đó bằng cách vượt quá những đối lập truyền thống giữa những nhà sản xuất và những người tiêu thụ và những phân biệt kỳ thị xúc phạm đến phẩm giá của đại gia đình nhân loại[57].
Trong viễn ảnh này, người ta khám phá rằng ở nền tảng của tất cả những gì mà Hiến Chế khẳng định về đời sống kinh tế xã hội có một quan niệm đích thực nhân bản luận về sự phát triển. Trong Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng, Giáo Hội cho thấy sự nhạy cảm sâu xa dường nào của mình đối với ý thức đang gia tăng về những bất bình đẳng và những bất công hiện diện trong nhân loại, và đặc biệt đối với những vấn đề của Thế Giới Thứ Ba.
Trong học thuyết xã hội như thế được củng cố, chống lại mọi phân biệt kỳ thị xã hội và kinh tế, một định hướng nhân vị thuyết và cộng đồng về kinh tế, trong đó, người chiếm hàng đầu là con người, được xem như là cứu cánh, chủ thể và là nhât vật chính của sự phát triển.
Đó là lần đầu tiên mà một văn kiện của Huấn Quyền long trọng của Giáo Hội đã phát biểu cách phong phú về những khía cạnh trực tiếp thế tục của đời sống kitô hữu. Người ta phải thừa nhận rằng sự chú ý mà Hiến Chế mang lại cho những biến chuyển xã hội, tâm lý, chính trị, kinh tế, luân lý và tôn giáo đã khích lệ luôn hơn nữa, trong hai mươi năm vừa qua, mối bận tâm mục vụ của Giáo Hội đối với những vấn đề của con người và việc đối thoại với thế giới.
25. Đức Phaolô VI
Một vài năm sau Công đồng, Giáo Hội đề nghị cho nhân loại một suy tư mới và quan trọng về mặt xã hội với thông điệp Phát Triển Các Dân Tộc (Populorum progressio, 1967) của đức Phaolô VI. Thông điệp này có thể được xem như là một khai triển của chương về đời sống kinh tế xã hội của Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng, dù hoàn toàn đưa vào một số khía cạnh mới có ý nghĩa.
Quả thế, chỉ trong thời gian ngắn đã gia tăng ý thức về những bất bình đẳng tạo nên những phân biệt kỳ thị và bắt nhiều nước của Thế Giới Thứ Ba phải chịu những hoàn cảnh bất công và bên lề xã hội. Vấn đề này đã được gia trọng thêm bởi những hoàn cảnh đặc thù như việc tăng nhanh sự bất quân bình giữa các nước nghèo và các nước giàu, và sự gia tăng dân số của Thế Giới Thứ Ba. Trong những vùng và nơi các dân tộc nghèo nhất và bên lề xã hội nhất, sự phân tích việc chậm phát triển, những nguyên nhân của nó, đã gây nên công phẫn và làm cho cuộc đấu tranh chống bất công được tiến triển.
Chính trong bối cảnh lịch sử mới này, nơi các xung đột xã hội đã mang lấy chiều kích toàn cầu[58], mà ánh sáng của thông điệp Phát Triển Các Dân Tộc được chiếu tỏa, nó cho phép nắm bắt tất cả các chiều kích của một cuộc phát triển toàn diện của con người và của một sự phát triển liên đới của nhân loại : người ta có thể nhận xét rằng toàn thể thông điệp được cấu trúc xung quanh hai đề tài này. Muốn thuyết phục người đối thoại về sự cấp bách của một hành động liên đới[59], Đức Giáo Hoàng đã trình bày sự phát triển như là « bước chuyển từ những điều kiện sống ít nhân bản hơn đến những điều kiện sống nhân bản hơn », và ngài chỉ rõ những đặc điểm của chúng. Những điều kiện ít nhân bản hơn được chứng thực khi có những thiếu hụt vật chất và luân lý và có những cấu trúc áp bức. Những điều kiện nhân bản đòi hỏi việc có được cái cần thiết, việc thủ đắc các kiến thức và văn hóa, việc tôn trọng phẩm giá của người khác, việc nhìn nhận những giá trị tối cao và Thiên Chúa và, sau cùng, đời sống kitô hữu tin, cậy và mến[60].
« Bước chuyển » từ những điều kiện ít nhân bản hơn đến những điều kiện nhân bản hơn mà, theo Đức Giáo Hoàng, không bị giới hạn vào những chiều kích vật chất thuần túy, phải gợi hứng suy tư thần học về giải thoát bất công và về những giá trị đích thực, mà không có chúng thì không có sự phát triển xã hội đích thực. Ở đây, học thuyết xã hội tìm thấy một sự khai mở cho một suy tư luân lý sâu xa và đổi mới.
Chỉ bốn năm sau thông điệp Phát Triển Các Dân Tộc, đức Phaolô VI đã công bố Tông thư Bát Thập Niên (Octogesima adveniens, 1971). Đó là kỷ niệm tám mươi năm thông điệp Tân Sự, nhưng Đức Giáo Hoàng nhìn rõ hơn quá khứ, hiện tại và tương lai. Trong thế giới Tây phương công nghiệp hóa, đã nổi lên những vấn đề mới, những vấn đề mà người ta gọi là « xã hội hậu-công-nghiệp », và cần phải thích nghi giáo huấn xã hội của Giáo Hội cho chúng. Như thế, Tông thư Bát Thập Niên đã bắt đầu một suy tư mới mẻ để hiểu chiều kích chính trị của cuộc sống và của sự dấn thân của người kitô hữu, đến lượt nó kích thích ý thức phê bình khi đối diện với những ý thức hệ và với những điều không tưởng ngấm ngầm nơi các hệ thống kinh tế xã hội hiện hành.
26. Đức Gioan-Phaolô II
Mười năm sau (1981), đức Gioan-Phaolô II đã can thiệp với đại thông điệp Người Lao Động (Laborem exercens). Thập niên vừa qua đã để lại một dấu ấn trong lịch sử của thế giới và Giáo Hội. Trong tư tưởng của Đức Giáo Hoàng, thật không khó để nhận thấy sự tiến triển của các biến chuyển mới đã diễn ra. Nếu những năm 70 đã bắt đầu bằng một ý thức nhạy bén cao độ hơn đối với việc kém phát triển và những bất công phát xuất từ đó, thì khoảng giữa thập niên đó đã xuất hiện những triệu chứng đầu tiên về một cuộc khủng hoảng sâu xa hơn, được gây nên do những mâu thuẫn mà hệ thống tiền tệ và kinh tế quốc tế che giấu, và nhất là được rõ nét bởi việc tăng giá dầu quá mức. Trong hoàn cảnh này, Thế Giới Thứ Ba, đối diện với toàn bộ các nước đã phát triển của Tây Phương và các nước thuộc khối tập thể chủ nghĩa Đông phương, đã đỏi hỏi những cấu trúc tiền tệ và thương mại mới, trong đó các quyền của các dân tộc cũng như sự công bằng trong các mối quan hệ kinh tế hẳn được tôn trọng. Đang khi sự bất ổn của Thế Giới Thứ Ba đang gia tăng, thì một số nước, khi làm vang vọng lại sự đau khổ này, đã đòi hỏi một nền công bằng lớn hơn trong việc phân phối lợi tức trên thế giới.
Tất cả hệ thống phân chia quốc tế về việc làm và cấu trúc hóa nền kinh tế thế giới đã rơi vào một cuộc khủng hoảng sâu xa ; do đó, người ta đòi hỏi xem xét lại tận căn chính các cấu trúc đã đưa đến sự phát triển kinh tế bất bình đẳng như thế.
Đối diện với nhiều vấn đề mới mẻ này, đức Gioan-Phaolô II đã viết thông điệp Người Lao Động, để kỷ niệm 90 năm thông điệp Tân Sự, trong sự liên tục với Huấn Quyền đi trước, nhưng với tính độc đáo riêng của ngài[61], hoặc liên quan đến phương pháp và văn phong, hoặc liên quan đến nhiều khía cạnh của giáo huấn, được bàn đến trong mối quan hệ với các điều kiện của thời đại, nhưng bằng cách theo sau những trực giác chính yếu của đức Phaolô VI. Văn kiện được khai triển dưới hình thức cổ vũ trực tiếp nói với tất cả các kitô hữu để cổ vũ họ trong việc biến đổi các hệ thống kinh tế xã hội hiện hành và nó đưa ra những định hướng rõ ràng trên cơ sở của mối bận tâm nền tảng đối với thiện ích toàn diện của con người. Khi giải thích rõ ràng rằng « chìa khóa trọng tâm » của toàn thể « vấn đề xã hội » được tìm thấy trong « lao công của con người[62]», như là điểm quy chiếu thích đáng nhất để phân tích tất cả các vấn đề xã hội, thông điệp đã làm phong phú « gia sản truyền thống » của học thuyết xã hội của Giáo Hội. Chính khởi từ lao công như là chiều kích nền tảng của cuộc sống con người mà tất cả những khía cạnh khác của đời sống kinh tế xã hội, không quên khía cạnh văn hóa và kỹ thuật[63], được bàn đến trong thông điệp.
Bởi thế, thông điệp Người Lao Động đề nghị xem xét lại cách sâu xa ý nghĩa của lao công mà bao gồm việc tái phân phối cách công bằng hơn không chỉ lợi tức và sự giàu có, nhưng còn cả chính lao công, đến độ có đủ cho hết mọi người. Trong mục đích này, hẳn cần phải trợ giúp xã hội khám phá ra sự cần thiết đúng mức liên quan đến việc tiêu thụ, thủ đắc lần nữa những nhân đức điều độ và liên đới và cũng có những hy sinh thực sự để thoát khỏi cuộc khủng hoảng hiện hành. Đó là một đề nghị quan trọng, gần đây được Bộ Giáo Lý Đức Tin xác nhận[64]. Và nó có giá trị không chỉ cho mỗi dân tộc cách riêng, nhưng còn cho các tương quan giữa các quốc gia.
Hoàn cảnh thế giới đòi hỏi sự tôn trọng các nguyên tắc và các giá trị nền tảng mà cần được xem như là bất khả thay thế : quả thế, nếu không có sự tái khẳng định phẩm giá của con người và các quyền của nó, cũng như nếu không có sự liên đới giữa các dân tộc, công bằng xã hội và một ý thức mới mẻ về lao công, thì sẽ không có sự phát triển con người đích thực, cũng không có trật tự mới của đời sống chung trong xã hội.
Ngày 30/12/1987, nhân dịp kỷ niệm hai mươi năm thông điệp Phát Triển Các Dân Tộc, đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II đã công bố thông điệp Mối Bận Tâm Vấn Đề Xã Hội (Sollicitudo rei socialis), mà trục trung tâm là ý niệm phát triển như nó đã được đề cập trong văn kiện trên đây của đức Phaolô VI. Chính dưới ánh sáng của giáo huấn luôn có giá trị của thông điệp này là Đức Thánh Cha đã muốn xem xét, ở khoảng cách hai mươi năm, hoàn cảnh của thế giới dưới khía cạnh này, trong mục đích cập nhật và đào sâu thêm nữa ý niệm phát triển, để sự phát triển đáp ứng cho những nhu cầu cấp bách của thời điểm lịch sử hiện tại và thực sự là xứng đáng với con người.
Hai đề tài căn bản của thông điệp Mối Bận Tâm Vấn Đề Xã Hội là : một mặt, hoàn cảnh bi thảm của thế giới đương đại, dưới bề mặt thiếu phát triển trong Thế Giới Thứ Ba và, mặt khác, ý nghĩa , những điều kiện và những đòi hỏi của một sự phát triển xứng đáng với con người.
Trong số những nguyên nhân thiếu phát triển gồm có sự khác biệt dai dẳng , và thường cũng gia tăng, giữa phía Bắc và phía Nam, sự đối lập giữa khối Đông và Tây, do đó, với cuộc chạy đua vũ trang, mua bán vũ khí và những ngăn trở chính trị khác nhau can thiệp vào những quyết định hợp tác và liên đới giữa các quốc gia. Trong bối cảnh này, người ta cũng không quên ám chỉ đến vấn đề nhân khẩu. Nhưng, mặt khác, người ta nhìn nhận những tiến bộ được thực hiện trong lãnh vực phát triển, cho dầu chúng không bấp bênh, hạn chế và không thích đáng đối với những nhu cầu cần thiết thực sự.
Đối với tất cả những gì liên quan đến đề tài chính yếu thứ hai của thông điệp, tức là bản chất của một sự phát triển đích thực, người ta đặc biệt trình bày những soi sáng về sự khác nhau giữa « sự tiến bộ vô tận » và sự phát triển. Về vấn đề này, người ta nhấn mạnh rằng sự phát triển đích thực không thể bị hạn chế vào việc gia tăng nhiều các của cải và dịch vụ, tức là vào những gì người ta sở hữu, nhưng nó phải tạo điều kiện cho sự tròn đầy của « hữu thể » nhân linh. Theo cách này, người ta muốn vạch rõ bản chất luân lý của sự phát triển đích thực. Khía cạnh quan trọng này cũng được đào sâu dưới ánh sáng của các nguồn mạch KinhThánh và của truyền thống của Giáo Hội. Một bằng chứng cho chiều kích luân lý này của sự phát triển là việc văn kiện nhấn mạnh đến mối liên hệ giữa việc tuân thủ trung thành tất cả các quyền của con người (bao gồm cả quyền tự do tôn giáo) và sự phát triển đích thực của con người và của các dân tộc.
Trong thông điệp, ngài cũng phân tích các trở ngại khác nhau thuộc trật tự luân lý cản trở cho sự phát triển (« các cấu trúc tội lỗi », việc chuyên tìm kiếm lợi nhuận, khao khát quyền lực) cũng như những con đường vượt quá đáng thực hiện. Về vấn đề này, người ta khuyên nhìn nhận sự tương thuộc giữa những con người và giữa các dân tộc và khuyên nhủ nghĩa vụ tiếp theo sau sự liên đới mà người ta nhấn mạnh đến đặc tính nhân đức ; bổn phận đức ái đối với các kitô hữu. Nhưng điều đó giả thiết một sự hoán cải tâm hồn tận căn.
Cuối văn kiện này cũng còn được chỉ ra những con đường đặc thù khác để đối diện với hoàn cảnh hiện nay và người ta nhận thấy nhấn mạnh đến tầm quan trọng của học thuyết xã hội của Giáo Hội, của giáo huấn của nó và của việc phổ biến nó vào thời điểm hiện nay.
27. Cái nhìn toàn cảnh về học thuyết xã hội này giúp cho hiểu tính phức tạp, sự phong phú, tính năng động cũng như những giới hạn của nó. Mỗi một văn kiện đánh dấu một bước mới về phía trước trong nỗ lực được Giáo Hội tỏ rõ để trả lời cho những vấn đề của xã hội vào những thời điểm lịch sử khác nhau : trong mỗi văn kiện, đặc biệt cần phải làm nổi bật bận tâm mục vụ đề nghị cho cộng đoàn kitô hữu và cho hết mọi người thiện chí những nguyên tắc căn bản, những tiêu chí phổ quát và những định hướng có khả năng gợi ra những chọn lựa sâu xa và việc thực hành thích đáng cho mỗi hoàn cảnh cụ thể. Giáo huấn này « do đó không phải là ‘con đường thứ ba’ giữa chủ nghĩa tư bản tự do và chủ nghĩa tập thể marxít, cũng không phải là một khả năng khác trong số các giải pháp được biểu lộ ít tận căn hơn[65]», nhưng là một sự phục vụ vô vị lợi được Giáo Hội đề nghị theo những nhu cầu cần thiết của nơi chốn và thời gian. Việc làm nổi bật chiều kích lịch sử này cho thấy rằng học thuyết xã hội của Giáo Hội, được diễn tả cách rõ ràng và mạch lạc trong những nguyên tắc thiết yếu của nó, không phải là một hệ thống trừu tượng, đã ngừng lại và được xác định một lần thay cho tất cả, nhưng là một hệ thống cụ thể, năng động và cởi mở. Quả thế, sự quan tâm đến thực tại và việc gợi hứng của Tin Mừng cho phép Giáo Hội mang lại một câu trả lời cho những biến chuyển liên lỉ mà những tiến trình kinh tế, xã hội, chính trị, công nghệ kỹ thuật và văn hóa phải chịu. Nó hệ tại một công việc luôn luôn đang được xây dựng, mở ra cho những chất vấn của các thực tại mới mẻ và của những vấn đề mới đang xuất hiện trong các lãnh vực này.
28. Những văn kiện gần đây hơn
Những biến chuyển được báo hiệu đòi hỏi một cái nhìn luân lý về các vấn đề mới mẻ và một câu trả lời luôn luôn được phân biệt hơn, được tái cập nhật và được đào sâu. Chẳng hạn, đó là những gì đã xảy ra trong các vấn đề về quyền tư hữu, về việc xã hội hóa, về việc đồng quản lý, về sự kém phát triển nơi Thế Giới Thứ Ba, về sự cách biệt càng gia tăng giữa các nước nghèo và các nước giàu, về sự phát triển kinh tế xã hội, về ý nghĩa của lao công, về nợ nần quốc tế, về vấn đề những người vô gia cư, về hoàn cảnh hiện nay của gia đình, về phẩm giá của người nữ, về việc tôn trọng sự sống con người sơ sinh và về việc sinh sản. Các văn kiện gần đây nhất của Giáo Hội làm nổi bật lên tính nhạy bén Tin mừng sâu xa của nó trước những vấn đề xã hội mới[66].
Trong tinh thần của Công đồng Vatican II[67], học thuyết xã hội của Giáo Hội, được bao hàm « bởi những yếu tố trường tồn » và « những yếu tố bất tất »[68] », sẽ tiếp tục con đường lịch sử của mình bằng cách làm phong phú thêm bởi sự đóng góp của tất cả các thành viên của Giáo Hội. Trên con đường này, Huấn Quyền sẽ thu nhập những đóng góp đa dạng vào trong các giáo huấn chính thức của mình bằng cách dung hòa mối quan tâm đến chiều kích lịch sử và bổn phận thiêng liêng là không làm yếu đi tính ổn định và sự xác thực của những nguyên tắc và những chuẩn mực nền tảng, và bằng cách kêu mời đến hành động thích đáng.
Trên con đường dài này, Giáo Hội sẽ tiếp tục làm cho những giáo huấn và những giá trị của học thuyết xã hội của mình trở nên cụ thể bằng việc đề nghị những nguyên tắc suy tư và những giá trị trường tồn, những tiêu chí phán đoán và những chỉ dẫn hành động[69].
III. NHỮNG NGUYÊN TẮC VÀ NHỮNG GIÁ TRỊ TRƯỜNG TỒN
29. Trong chương này, chúng ta xem xét cách vắn tắt « những nguyên tắc trường tồn » và những giá trị nền tảng không bao giờ được thiếu trong giáo huấn xã hội của Giáo Hội. Tiếp đến, chúng ta trình bày, ở phần phụ lục, một dàn bài về chương trình của môn học, có thể được thích ứng cho những nhu cầu cần thiết cụ thể của mỗi Giáo Hội địa phương.
1. Những nguyên tắc suy tư trường tồn
30. Những lời mở đầu
Những nguyên tắc này đã được Giáo Hội trình bày không phải theo cách hữu cơ, trong một văn kiện duy nhất, nhưng trong suốt sự tiến triển lịch sử của học thuyết xã hội. Chúng ta thu nhập chúng vào trong toàn bộ các văn kiện khác nhau mà Huấn Quyền của Giáo Hội, cùng với sự cộng tác của các giám mục, các linh mục và các giáo dân sáng suốt[70], đã soạn thảo bằng việc đương đầu với những vấn đề xã hội khác nhau dần dần tùy theo sự xuất hiện của chúng.
Rõ ràng rằng văn kiện này không phải là và không muốn là một tổng hợp mới cũng không phải là một cuốn giáo khoa về các nguyên tắc này, nhưng chỉ là một toàn bộ các định hướng được xem là thích hợp cho việc giảng dạy.
Nó cũng không phải là một trình bày đầy đủ các nguyên tắc, nhưng chỉ là chỉ rõ các nguyên tắc được giữ lại như là quan trọng hơn và, do đó, xứng đáng được lưu ý đặc biệt trong việc đào tạo các linh mục tương lai.
Trong số các nguyên tắc này, cần được xem như là nền tảng những nguyên tắc liên quan đến nhân vị, công ích, tình liên đới và việc tham gia. Những nguyên tắc khác được nối kết mật thiết với chúng và phát sinh từ chúng.
31. Nhân vị
Phẩm giá của nhân vị được xây dựng trên sự kiện rằng nó được tạo dựng theo hình ảnh và giống Thiên Chúa và được nâng lên một cứu cánh siêu nhiên siêu vượt cuộc sống trần gian. Bởi thế, con người, với tư cách là hữu thể có trí tuệ và tự do, chủ thể của các quyền và nghĩa vụ, là nguyên tắc đầu tiên và, chúng ta có thể nói, là trung tâm và linh hồn của giáo huấn xã hội của Giáo Hội[71]. « Các tín hữu và những người không tin đều hầu như đồng ý cho rằng tất cả những gì tồn tại trên trái đất đều phải quy chiếu về con người như là trung tâm và là đỉnh cao của nó[72]. » Chính nguyên tắc này, trong tầm quan trọng nhân chủng học của nó, cấu thành nguồn mạch của các nguyên tắc khác, mà thuộc về phần chính của học thuyết xã hội. Con người-nhân vị là chủ thể và là trung tâm của xã hội, một xã hội với những cấu trúc, tổ chức và chức năng của nó có mục đích là tạo nên và thích ứng liên tục những điều kiện kinh tế và văn hóa cho phép nhiều người hết sức có thể phát triển các khả năng của họ và thỏa mãn những đòi hỏi hoàn thiện và hạnh phúc chính đáng của họ. Vì lý do này, Giáo Hội sẽ không bao giờ chán nản nhấn mạnh đến phẩm giá của nhân vị, chống lại mọi tình trạng nô lệ, khai thác bóc lột và những mưu mô gây thiệt hại cho con người, không chỉ trong lãnh vực chính trị và kinh tế, nhưng còn cả trong lãnh vực văn hóa, ý thức hệ và y học[73].
32. Nhân quyền
Theo một lôgíc nội tại, nhân quyền phát xuất từ chính phẩm giá của nhân vị. Giáo Hội đã ý thức về tính cấp bách gìn giữ và bảo vệ các quyền này, xem nhiệm vụ này như là thuộc phần của sứ mạng cứu độ của mình, theo gương Chúa Giêsu, Đấng luôn tỏ ra quan tâm đến những nhu cầu của con người, đặc biệt là những người nghèo nhất.
Trước khi được trình bày dưới hình thức của một hệ thống lý thuyết, hữu cơ và đầy đủ, khẳng định về nhân quyền đã xuất hiện trong Giáo Hội như là một sự phục vụ cụ thể đối với nhân loại. Qua suy tư của mình, cách nào đó, Giáo Hội đã phân định các nền tảng triết học và thần học cũng như những bao hàm pháp lý, xã hội, chính trị và luân lý, như được suy ra từ những văn kiện của giáo huấn xã hội của mình. Và Giáo Hội đã thực thi nhiệm vụ này không phải trong một khung cảnh đối lập cách mạng đòi hỏi các quyền của con người chống lại các quyền bính truyền thống, nhưng trên nền tảng của Luật được Đấng Tạo Hóa ghi khắc trong bản tính con người.
Sự nhấn mạnh mà qua đó Giáo Hội, đặc biệt vào thời đại chúng ta, đã trở nên người thăng tiến việc tôn trọng và bảo vệ nhân quyền, dù những quyền này là cá nhân hay xã hội, được giải thích không chỉ bởi sự kiện rằng sự can thiệp của Giáo Hội hôm nay cũng như hôm qua đều được Tin Mừng gợi hứng[74], nhưng còn bởi sự kiện là từ suy tư của Giáo Hội đã được khai triển một sự khôn ngoan thần học và luân lý mới mẻ để đương đầu với những vấn đề của thế giới đương đại[75]. Đặc biệt, quyền tự do tôn giáo, liên quan đến tất cả những ǵ chạm đến phạm vi thâm sâu nhất của tâm hồn, « biểu lộ điểm quy chiếu và, cách nào đó, trở nên thước đo của những quyền căn bản khác[76]». Ngày nay, nó được bảo vệ bởi các Tổ chức công và tư, quốc gia và quốc tế khác nhau. Về phần mình, Giáo Hội Công Giáo đặc biệt tỏ ra liên đới với tất cả những ai đang chịu những phân biệt kỳ thị và những bách hại vì đức tin, và Giáo Hội làm việc cách nhiệt thành và bền bỉ để những hoàn cảnh bất công này được vượt qua.
33. Những đóng góp của Huấn Quyền Giáo hoàng cho nhân quyền
Cùng với Huấn Quyền của Công đồng, Huấn Quyền Giáo hoàng đã trình bày và khai triển cách phong phú đề tài nhân quyền. Đức Piô XII đã từng trình bày các nguyên tắc, được xây dựng trên quyền tự nhiên, được cụ thể hóa trong một nền dân chủ lành mạnh, có khả năng tôn trọng tốt hơn quyền tự do, hòa bình, các của cải vật chất. Về sau, thông điệp Hòa Bình Dưới Thế của đức Gioan XXIII là bản văn giáo hoàng chính thức đầu tiên minh nhiên dành cho các quyền của con người. Quả thế, khi tìm hiểu « các dấu chỉ của thời đại », Giáo Hội nhận thấy sự cần thiết tuyên bố các quyền « phổ quát, bất khả xâm phạm và bất khả tước bỏ » của mọi người, chống lại mọi phân biệt kỳ thị và mọi quan niệm đặc thù chủ nghĩa. Vì thế, thông điệp Hòa Bình Dưới Thế không bằng lòng xây dựng nhân quyền trên luật bản nhiên vốn gắn liền với việc Sáng tạo và được quy hướng theo Công trình cứu chuộc mà thôi, nhưng còn sửa chữa một khía cạnh cá nhân chủ nghĩa nào đó về quan niệm truyền thống về sự hỗ tương của các quyền và các nghĩa vụ, bằng việc lồng các quyền vào trong khung cảnh liên đới và bằng việc nhấn mạnh đến những đòi hỏi thuộc trật tự cộng đồng mà cộng đồng bao hàm.
Đến lượt mình, trong thông điệp Phát Triển Các Dân Tộc, mà không tách rời nhân quyền khỏi lãnh vực lý trí, bằng cách đặc biệt thực hiện quan điểm được Công đồng Vatican II theo đuổi, đức Phaolô VI đã làm nổi bật nền tảng Kitô giáo của chúng và cho thấy làm thế nào đức tin biến đổi chính sự năng động nội tại của chúng. Vả lại, người ta phải lưu ý rằng, nếu thông điệp Hòa Bình Dưới Thế là hiến chương về nhân quyền, thì thông điệp Phát Triển Các Dân Tộc là hiến chương về các quyền phát triển của các dân tộc nghèo. Về sau, khi đào sâu suy tư này, đức Gioan-Phaolô II sẽ xây dựng các quyền con người cùng lúc trên ba chiều kích của chân lý toàn diện về con người : trên phẩm giá của con người, trên con người được tạo dựng theo hình ảnh và giống với Thiên Chúa, trên con người được lồng vào trong mầu nhiệm của Chúa Kitô. Sứ mệnh cứu độ của Giáo Hội được xây dựng trên phẩm giá của con người được nhìn dưới ánh sáng của công trình cứu chuộc của Chúa Kitô này ; chính vì thế mà Giáo Hội không thể nín lặng khi các quyền bất khả xâm phạm của con người và của các dân tộc bị tổn thương hay gặp hiểm nguy. Quả thế, theo quan điểm Kitô giáo, các quốc gia và các tổ quốc là một thực tại nhân loại có giá trị tích cực và người ta không thể chối bỏ, thực tại mà xây dựng nền tảng cho các quyền bất khả xâm phạm giữa lòng các dân tộc khác nhau, đặc biệt là quyền căn tính riêng và quyền phát triển của các dân tộc[77].
34. Tương quan nhân vị-xã hội
Tự bản chất, nhân vị là một hữu thể xã hội : tức là do sự nghèo nàn bẩm sinh của nó và do khuynh hướng tự nhiên tương giao với người khác của nó. Đặc tính xã hội này của con người là nền móng của mọi hình thức xã hội và của các đòi hỏi luân lý được ghi khắc ở đó. Con người không thể tự mãn để đạt tới sự phát triển trọn vẹn của nó, nhưng nó cần những người khác và cần đến xã hội.
Nguyên tắc tương thuộc lẫn nhau nhân vị-xã hội này, mà thực chất được nối kết với nguyên tắc phẩm giá nhân vị, dựa vào cấu tạo phức tạp của đời sống xã hội của con người, được điều chỉnh theo những luật lệ riêng và thích đáng, được hoàn thiện bởi suy tư Kitô giáo[78].
Việc hiểu những khía cạnh khác nhau của đời sống xã hội hôm nay không phải luôn luôn dễ dàng, do những biến chuyển nhanh chóng và sâu xa được ghi nhận trong tất cả các lãnh vực, nhờ trí thông minh và hoạt động sáng tạo của con người. Về phần chúng, những biến chuyển gây nên những khủng hoảng được phản ảnh hoặc trong những bất quân bình nội tâm của con người mà luôn tăng thêm luôn hơn nữa quyền lực của mình nhưng lại không luôn thành công hướng nó đến những mục đích đúng đắn ; hoặc trong những tương quan xã hội, vì người ta không luôn đạt tới việc áp dụng chính xác những luật lệ điều chỉnh đời sống xã hội[79].
35. Do đó, xã hội loại người là đối tượng của giáo huấn xã hội của Giáo Hội, từ giây phút mà Giáo Hội không ở bên ngoài cũng không ở bên trên những con người kết hợp trong xã hội, nhưng chỉ tồn tại trong họ và, do đó, cho họ. Giáo Hội nhấn mạnh đến « bản tính nội tại xã hội » của con người[80]. Thế nhưng, người ta nhận thấy rằng, ở đây, « cái xã hội » không trùng khít với « cái tập thể », mà nhân vị chỉ là một sản phẩm đối với nó. Sức mạnh và sự năng động của điều kiện xã hội này của nhân vị được phát triển trọn vẹn trong xã hội mà, cũng thế, thấy các mối quan hệ của đời sống chung tăng trưởng trên bình diện quốc gia lẫn bình diện quốc tế[81].
36. Từ phẩm giá nhân vị, từ các quyền và từ xã hội tính của nó xuất phát những nguyên tắc suy tư trường tồn khác định hướng và điều chỉnh đời sống xã hội. Trong số các nguyên tắc mà suy tư của Huấn Quyền đã đào sâu, cần phải đề cập đến những nguyên tắc liên quan đến công ích, tình liên đới, tính phụ đới, sự tham gia, quan niệm hữu cơ về đời sống xã hội và dự định chung cho các của cải.
37. Công ích
Khi nói về những luật lệ và những nguyên tắc điều chỉnh đời sống xã hội, đầu tiên, cần phải xét đến « công ích ». Cho dầu công ích, « trong những khía cạnh thiết yếu và sâu xa hơn của nó, không thể được quan niệm bằng từ ngữ học thuyết và càng ít được xác định hơn trong các nội dung lịch sử của nó[82]», thế nhưng, nó có thể được mô tả như là « toàn bộ những điều kiện xã hội cho phép và giúp cho sự phát triển toàn diện của nhân vị nơi các hữu thể nhân linh[83]». Bởi thế, cho dầu công ích này trổi vượt hơn lợi ích riêng tư, nhưng nó không thể tách rời khỏi thiện ích của nhân vị, mà bó buộc công quyền nhìn nhận, tôn trọng, tổ chức, bảo vệ và thăng tiến nhân quyền và cũng như tạo điều kiện dễ dàng cho việc thực hiện các nghĩa vụ riêng của mỗi người. Do đó, việc vận dụng công ích có thể được xem như là lý do hiện hữu của công quyền, mà bó buộc thực hiện công ích vì lợi ích của tất cả mọi người và của toàn thể con người – được xem xét trong chiều kích trần thế-thế tục và siêu việt của nó – trong sự tôn trọng một thứ bậc đúng đắn các giá trị và những định đề của các hoàn cảnh lịch sử[84].
Do đó, khi xem công ích như là một giá trị phục vụ và tổ chức đời sống xã hội và tổ chức một trật tự đời sống chung mới, Giáo Hội đang làm nổi bật ý nghĩa nhân bản của nó và khả năng thúc đẩy các cấu trúc xã hội trong tính toàn diện của chúng và trong những lãnh vực riêng biệt của chúng, và Giáo Hội kích thích những biến đổi sâu xa theo tiêu chí công bằng xã hội.
38. Nguyên tắc liên đới và nguyên tắc phụ đới
Liên đới và phụ đới là hai nguyên tắc quan trọng khác, điều chỉnh đời sống xã hội. Theo nguyên tắc liên đới, mỗi người, với tư cách là thành phần của xã hội, được liên kết cách bền chặt với số phận của chính xã hội và, trong sức mạnh của Tin Mừng, với số phận ơn cứu độ của tất cả mọi người. Trong thông điệp Mối Bận Tâm Vấn Đề Xã Hội, đức Giáo Hoàng đã đặc biệt nhấn mạnh đến tầm quan trọng của nguyên tắc này, xem nó là đức tính nhân bản và kitô giáo[85]. Những đòi hỏi luân lý của nguyên tắc liên đới đòi hỏi rằng mọi người, các nhóm và các cộng đoàn địa phương, các hiệp hội và các tổ chức, các quốc gia và các châu lục, tham gia vào việc quản lý tất cả các sinh hoạt kinh tế, chính trị và văn hóa, bằng cách vượt quá mọi quan niệm luân lý thuần túy cá nhân chủ nghĩa[86].
Nguyên tắc phụ đới, tức nguyên tắc bảo vệ nhân vị, các cộng đoàn địa phương và các « cơ cấu trung gian » khỏi mối hiểm nguy đánh mất sự tự trị chính đáng của họ, phải được xem như là một nguyên tắc bổ túc cho nguyên tắc liên đới. Giáo Hội chú ý đến việc áp dụng nguyên tắc này vì chính phẩm giá của nhân vị, vì sự tôn trọng những gì là nhân bản hơn trong việc tổ chức đời sống xã hội[87] và vì sự bảo vệ các quyền của các dân tộc ở trong các mối quan hệ giữa các xã hội đặc thù và xã hội phổ quát.
39. Nguyên tắc quan niệm hữu cơ về đời sống xã hội
Từ tất cả những gì được nói, suy ra là, một xã hội có tổ chức sẽ không được hiểu cách thích đáng nếu không có một quan niệm hữu cơ về đời sống xã hội. Nguyên tắc này đòi hỏi rằng, một mặt, xã hội cần được xây dựng nền tảng trên sự năng động nội tại của các thành viên của nó – sự năng động mà có nguồn gốc của nó trong sự hiểu biết và ý chí tự do của những con người đang liên đới tìm kiếm công ích – và, mặt khác, trên cấu trúc và tổ chức của xã hội, được cấu thành không chỉ bởi mỗi nhân vị tự do, nhưng còn bởi các hội trung gian, mà cần được sát nhập vào trong một đơn vị trổi vượt hơn, từ gia đình bằng việc thông qua các cộng đoàn địa phương, các hiệp hội nghề nghiệp, các vùng và các Nhà Nước quốc gia, đến các cơ cấu siêu quốc gia và xã hội phổ quát của tất cả các dân tộc và của mọi quốc gia[88].
40. Nguyên tắc tham dự
Nguyên tắc tham dự chiếm một chỗ ưu thế trong các khai triển gần đây của giáo huấn xã hội của Giáo Hội. Sức mạnh của nó hệ tại trong sự kiện là nó bảo đảm việc thực hiện các đòi hỏi luân lý của công bằng xã hội. Sự tham dự đúng đắn, tương xứng và có trách nhiệm của tất cả các thành phần và các lãnh vực của xã hội vào sự phát triển đời sống kinh tế xã hội, chính trị và văn hóa, là một con đường đảm bảo để đạt tới một đời sống chung mới được nhân bản. Giáo Hội không chỉ không quên nhắc nhớ nguyên tắc này[89], nhưng còn tìm thấy nơi nó một lý do trường tồn để giúp cho sự tiến bộ của phẩm chất của đời sống các các nhân và xã hội. Nó hệ tại một khát vọng sâu xa của con người, mà diễn tả phẩm giá và tự do của nó trong sự tiến bộ khoa học và kỹ thuật, trong thế giới lao động và đời sống công cộng[90].
41. Các cấu trúc nhân bản và các cộng đồng nhân vị
Giáo Hội nhiều lần tìm cách đề phòng hiểm họa thực sự, mà đe dọa phẩm giá nhân vị, sự tự do cá nhân và những tự do xã hội, và xuất phát từ quan niệm « duy kỹ thuật » và máy móc về đời sống và cấu trúc xã hội, một quan niệm mà không để chỗ đủ cho sự phát triển một thuyết nhân bản đích thực. Nơi nhiều quốc gia, Nhà Nước hiện đại bị biến thánh một cổ máy quản lý khổng lồ xâm chiếm mọi lãnh vực của đời sống, dẫn đưa con người vào một tình trạng sợ hãi và lo âu mà gây nên tình trạng mất nhân cách[91].
Bởi thế, Giáo Hội cho là cần thiết các cơ cấu và các hiệp hội tư đa dạng mà dành chỗ thích hợp cho nhân vị và khuyến khích sự tăng trưởng các quan hệ hợp tác trong sự phụ thuộc vào công ích ; tuy nhiên, bởi vì các cơ cấu này là những cộng đoàn đích thực, nên những thành viên của chúng phải được xem và tôn trọng như là những nhân vị và được mời gọi tham gia cách chủ động vào các nhiệm vụ chung[92].
Bởi thế, đối với Giáo Hội, con đường chắc chắn cho phép đạt tới mục đích này là liên kết lao công và vốn và mang lại sinh khí cho các cơ cấu trung gian[93].
Việc vận dụng các nguyên tắc này, mà điều chỉnh đời sống xã hội ở các cấp bậc tổ chức xã hội khác nhau và trong những lãnh vực đa dạng của hoạt động của con người, cho phép vượt quá mọi căng thẳng giữa việc xã hội hóa và nhân cách hóa. Hiện tượng gia tăng các mối quan hệ và các cấu trúc xã hội hiện nay ở tất cả các cấp bậc, mà được phát xuất từ những quyết định tự do và nhắm cải tiến phẩm chất của cuộc sống con người, chỉ có thể được tiếp nhận cách tích cực, vì nó làm cho hiển nhiên việc thể hiện tình liên đới nhân loại và giúp cho việc mở rộng phạm vi hoạt động vật chất và tinh thần của nhân vị.
42. Mục đích phổ quát của của cải
Với « nguyên tắc đặc thù này của học thuyết xã hội của Giáo Hội[94], người ta khẳng định rằng các của cải trái đất được dành cho mọi người để quyền sống của họ có thể được thỏa mãn cách phù hợp với phẩm giá nhân vị và với những đòi hỏi của gia đình. Quả thế, « Thiên Chúa đã dự định trái đất và tất cả những gì mà nó chứa đựng cho mọi người và mọi dân tộc sử dụng, đến độ các của cải của công trình tạo dựng phải chảy dồi dào cách công minh giữa bàn tay của mọi người, theo nguyên tắc công bằng không thể tách rời với bác ái[95] ». Kết quả là quyền tư hữu, tự nó có giá trị và cần thiết, phải được hạn chế phạm vi trong những giới hạn do chức năng xã hội của nó áp buộc. Như Huấn Quyền đã phát biểu về vấn đề này trong thông điệp Người Lao Động, « truyền thống Kitô giáo không bao giờ bảo vệ quyền này như là một quyền tuyệt đối và bất khả xâm phạm. Trái lại, thông điệp đã luôn luôn hiểu nó trong khung cảnh rộng lớn hơn về quyền chung của mọi người sử dụng các của cải của toàn thể công trình tạo dựng : quyền tư hữu phụ thuộc vào quyền sử dụng chung, vào mục đích phổ quát của của cải[96] ».
2. Những giá trị nền tảng
43. Con đường bảo đảm
Những nguyên tắc suy tư của học thuyết xã hội của Giáo Hội, xét như là những luật lệ điều chỉnh đời sống xã hội, không độc lập với việc nhìn nhận thực sự các gía trị nền tảng gắn liền với phẩm giá nhân vị. Những giá trị này chủ yếu là: chân lý, tự do, công bằng, liên đới, hòa bình, đức ái hay tình thương Kitô giáo.
Sống những giá trị này là con đường bảo đảm không chỉ đối với việc hoàn thiện bản thân, nhưng còn đối với việc vận dụng một thuyết nhân bản đích thực và một đời sống chung mới trong xã hội. Vì thế, cần phải dựa vào những giá trị này để thực hiện những cải cách quan trọng các cấu trúc kinh tế, chính trị, văn hóa và công nghệ kỹ thuật, và những thay đổi cần thiết nơi các thể chế.
44. Hướng đến việc canh tân xã hội
Tầm quan trọng sống còn của những giá trị này giải thích tại sao Giáo Hội luôn luôn mạnh mẽ đề nghị chúng như là những nền tảng đích thực của một xã hội mới xứng đáng với con người hơn. Dù nhìn nhận quyền tự trị của các thực tại trần thế[97], thế nhưng Giáo Hội biết rằng các luật lệ được con người khám phá và sử dụng trong đời sống xã hội không bảo đảm tự chúng, và như cách máy móc, thiện ích của mọi người. Quả thế, chúng phải được áp dụng dưới sự dẫn dắt của các giá trị bắt nguồn trong phẩm giá nhân vị[98]. Tất cả những giá trị này biểu lộ sự ưu tiên của luân lý trên kỹ thuật, sự tối thượng của nhân vị trên các sự vật, sự trỗi vượt của tinh thần trên vật chất[99].
45. « Sự khôn ngoan » trong dấn thân xã hội
Thế nhưng, những giá trị thường xung đột với các hoàn cảnh nơi chúng bị phủ nhận cách thẳng thừng hay cách gián tiếp. Trong những trường hợp này, con người gặp khó khăn giữ trọn tất cả chúng cách thích đáng và đồng thời. Vì lý do này, sự phân định Kitô giáo các chọn lựa phải làm trong các hoàn cảnh khác nhau, dưới ánh sáng của các giá trị nền tảng của Kitô giáo, trở nên càng cần thiết hơn nữa. Đó là cách thực hành “sự khôn ngoan” đích thực, được Giáo Hội đòi hỏi về phía các kitô hữu và tất cả những người thiện chí trong việc dấn thân xã hội[100].
46. Những giá trị đối với sự phát triển
Khi lưu tâm đến sự phức tạp to lớn của xã hội loài người đương đại và sự cần thiết thăng tiến các giá trị được xác định như là nền tảng của một xã hội mới, Giáo Hội được mời gọi tăng cường tiến trình giáo dục với mục đích làm cho hiểu không chỉ đối với các cá nhân, nhưng còn đối với dư luận, ít ra trong những nước mà sự hiện diện của Giáo Hội được thừa nhận và hoạt động của nó được cho phép, thì sự cần thiết sống còn bảo vệ và thăng tiến các giá trị nền tảng của nhân vị, mà không có chúng người ta không thể có sự phát triển con người và toàn diện đích thực trong một xã hội.
Vì thế, sẽ không thể làm nổi bật được những nền móng của sự phát triển con người đích thực, mà còn được Giáo Hội yêu cầu gần đây trong Huấn Quyền xã hội của mình, nếu không có việc tái khẳng định thường xuyên phẩm giá nhân vị và những đòi hỏi luân lý và siêu việt của nó; nếu không có một nền đạo đức trách nhiệm và liên đới giữa các dân tộc[101] và công bằng xã hội; nếu không có việc xem xét lại ý nghĩa của lao công[102], mà bao hàm việc tái phân phối cách công bằng hơn.
IV. NHỮNG TIÊU CHÍ PHÁN ĐOÁN
47. Sự hiểu biết thực tại
Học thuyết xã hội của Giáo Hội có mục đích truyền đạt một sự hiểu biết không chỉ lý thuyết, nhưng còn thực tiễn và có khả năng định hướng hoạt động mục vụ. Đó là vì sao Giáo Hội cũng đề nghị, bên cạnh những nguyên tắc suy tư trường tồn, những tiêu chí phán đoán các hoàn cảnh, các cấu trúc, các thể chế mà tổ chức đời sống kinh tế, xã hội, chính trị, văn hóa, công nghệ kỹ thuật và chính các hệ thống xă hội[103]. Về vấn đề này, chắc chắn việc đánh giá các điều kiện sống nhiều hay ít nhân bản của các nhân vị, việc lượng giá giá trị luân lý của các cấu trúc và hệ thống xã hội, kinh tế, chính trị và văn hóa, dựa theo những đòi hỏi của công bằng xã hội, là thuộc phần sứ mạng loan báo Tin Mừng của Giáo Hội.
Để có thể đưa ra một phán đoán về vấn đề này cách đúng đắn, Giáo Hội cần biết các hoàn cảnh lịch sử địa phương, quốc gia và quốc tế, và căn tính văn hóa của mỗi cộng đồng và mỗi dân tộc. Cho dầu, ở đây, Giáo Hội dùng đến mọi phương thế do các khoa học cung cấp, nhưng chắc chắn rằng quy chiếu chủ yếu của Giáo Hội cho việc tiếp cận thực tại xã hội nằm ở nơi các giá trị nền tảng cung cấp các “chuẩn mực phán đoán” rất rõ ràng cho sự phân định Kitô giáo. Ta không thể chối bỏ các chuẩn mực này, được bao gồm trong học thuyết xã hội, theo những tuyên bố chính thức, và do đó ta phải làm cho biết và đánh giá chúng trong việc giảng dạy nơi các chủng viện và nơi các phân khoa thần học.
48. Khả năng phán đoán cách khách quan
Quyền và nghĩa vụ của Giáo Hội đưa ra những phán đoán luân lý đòi hỏi nơi tất cả các người làm mục vụ, giáo sĩ và giáo dân, khả năng phán đoán cách khách quan những hoàn cảnh và cấu trúc đa dạng cũng như những hệ thống kinh tế chính trị khác nhau. Việc hiểu biết các vấn đề xã hội và việc giải thích chúng về mặt luân lý dưới ánh sáng của sứ điệp Tin Mừng, như nó được diễn tả trong học thuyết xã hội của Giáo Hội, đề nghị những định hướng cho việc phán đoán này, mà phải hướng dẫn những ứng xử và những chọn lựa của người kitô hữu. Tuy nhiên, việc chuyển từ học thuyết sang thực tiễn giả thiết những trung gia thuộc loại văn hóa, xã hội, kinh tế và chính trị, mà đối với chúng các giáo dân đặc biệt có khả năng, cho dù không phải là cách độc chiếm, họ có phận vụ phát triển các hoạt động thế tục theo sáng kiến và dưới trách nhiệm riêng của họ.
49. Những ví dụ phán đoán
Trên thực tế, việc xem xét các văn kiện làm nổi bật rằng học thuyết xã hội của Giáo Hội chứa đựng nhiều phán đoán về các hoàn cảnh cụ thể, những cấu trúc, những hệ thống xã hội và những ý thức hệ. Ta có thể trích dẫn một vài trường hợp làm ví dụ: Thông điệp Tân Sự nói về những nguyên nhân bất ổn của các thợ thuyền, bằng cách dựa vào cái “ách” mà “một số nhỏ giàu sụ”[104] đã áp đặt cho họ; thông điệp Tứ Thập Niên nhận xét rằng tình trạng của xã hội loài người vào thời của nó tự bản chất là tạo điều kiện cho bạo lực và những cuộc đấu tranh[105]; khi mô tả những bất quân bình của thế giới hiện đại, Công đồng Vatican II kết thúc bằng lời khẳng định rằng những bất quân bình này đưa đến sự ngờ vực, những xung đột và những tai họa chống lại con người[106]; thông điệp Phát Triển Các Dân Tộc không sợ tố giác như là bất công những quan hệ giữa các nước phát triển và những nước trên đường phát triển[107]; thông điệp Người Lao Động nói rằng ngày nay vẫn còn những hệ thống ý thức hệ khác nhau là nguyên nhân của những bất công hiển nhiên[108]; thông điệp Mối Bận Tâm Vấn Đề Xã Hội phê bình sự chia rẽ thế giới thành hai khối (Đông-Tây) và những hậu quả tiêu cực từ đó đốivới các quốc gia trên đường phát triển[109].
Chắc chắn, việc trình bày các phán đoán luân lý về các hoàn cảnh, các cấu trúc và các hệ thống xã hội không có cùng một cấp độ thẩm quyền riêng biệt cho Huấn Quyền của Giáo Hội khi Huấn Quyền tuyên bố về các nguyên tắc căn bản. Thế nhưng, trong số các phán đoán khác nhau, những phán đoán liên quan đến những thiếu sót đối với phẩn gía nhân vị có một thẩm quyền to lớn, bởi vì được liên kết với những nguyên tắc và những giá trị được xây dựng nền tảng trên chính lề luật của Thiên Chúa.
50. Mối hiểm họa của ảnh hưởng ý thức hệ
Với mục đích đối thoại cách hiện thực hơn với con người và mở ra cách đúng đắn cho những hoàn cảnh khác nhau của đời sống chung trong xã hội và với mục đích hiểu biết cách khách quan các hoàn cảnh, những cấu trúc và những hệ thống, Giáo Hội, khi đưa ra phán đoán, có thể dùng đến tất cả “đóng góp của các khoa học[110]”, chẳng hạn những dữ kiện thực nghiệm được xác nhận cách phê bình, thế nhưng cũng thừa nhận rằng không phải là thẩm quyền của Giáo Hội phân tích cách khoa học tực tại và những hệ quả khả thể của những biến đổi xã hội[111]. Điều này có giá trị cho Giáo Hội phổ quát cũng như cho các Giáo Hội địa phương.
Một tiêu chí quan trọng cho việc sử dụng các phương tiện mà các khoa học xã hội mang lại là nhớ rằng việc phân tích xã hội học không luôn luôn mang lại một sự xây dựng khách quan các dữ kiện và các sự kiện: quả thế, từ điểm xuất phát, nó có thể bị lệ thuộc vào một cái nhìn ý thức hệ nhất định hay vào một chiến lược chính trị nhất định, như người ta chứng thực điều đó trong sự phân tích marxít. Như mỗi người đều biết, Huấn Quyền không quên tuyên bố cách chính thức về mối hiểm họa cho đức tin Kitô giáo và cho đời sống xã hội có thể do bởi loại phân tích này mà ra[112].
Mối nguy hiểm của ảnh hưởng ý thức hệ trên sự phân tích xã hội học cũng tồn tại trong ý thức hệ tự do mà gợi hứng cho hệ thống tư bản chủ nghĩa; nơi hệ thống này, theo nguyên tắc, các dữ kiện thực nghiệm thường phải tuân theo một cái nhìn cá nhân chủ nghĩa về mối tương quan kinh tế xã hội, mâu thuẫn với quan niệm Kitô giáo[113].
Chắc chắn người ta không thể nhốt kín số phận của con người bên trong hai dự phóng lịch sử đối lập này, vì điều đó sẽ trái ngược với tự do và tính sáng tạo của con người. Và quả thế, lịch sử con người, của các dân tộc và các cộng đồng đã tỏ ra phong phú và rất “ xoay chuyển”, và những dự phóng của các khuôn mẫu xã hội đã luôn luôn nhiều vào những thời kỳ khác nhau. Về vấn đề này, thật quan trọng để nói rõ rằng nhiều biến thể của nguyên tắc của chủ nghĩa tự do kinh tế, như chúng được trình bày bởi các đảng phái kitô-dân chủ hay xã hội-dân chủ, có thể được xem không như những diễn tả của “chủ nghĩa tự do” theo nghĩa chặt, nhưng như là những hiện tượng xen kẻ mới mẻ của việc tổ chức xã hội.
51. Phân định các chọn lựa
Việc đối thoại của Giáo Hội với các phong trào lịch sử mà đã tìm cách vượt quá thế đôi ngả giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội, xứng đáng một sự chú tâm đặc biệt. Tuy nhiên, Giáo Hội, trong giáo huấn xã hội của mình, không có tham vọng khuyến khích một hệ thống kinh tế xã hội và chính trị xen kẻ, cũng không có ý định trình bày một dự phóng xã hội xác định, trong chừng mực nhiệm vụ này thuộc về phận vụ các nhóm và các cộng đồng mà các vai trò xã hội và chính trị được định cho chúng. Cũng thế, các kitô hữu được kêu gọi thực thi ở đó một sự phân định thường xuyên. Vả lại, việc đối thoại và sự dấn thân có thể của các kitô hữu trong các phong trào “mà được nảy sinh từ những ý thức hệ khác nhau nhưng, mặt khác, khác biệt với chúng”, sẽ phải luôn được thực hiện với sự chú tâm và với sự phân định phê bình cần thiết, và luôn quy chiếu đến phán đoán luân lý do Huấn Quyền của Giáo Hội tuyên bố[114].
Sứ mệnh cứu độ của Giáo Hội, mà nảy sinh từ những giáo huấn, từ chứng tá và từ chính cuộc sống của Chúa Giêsu-Kitô, Đấng Cứu Độ, bao hàm hai chọn lựa tất yếu: một chọn lựa vì con người theo Tin Mừng và chọn lựa kia vì hình ảnh Tin mừng về xã hội. Không giả thiết một “con đường thứ ba[115]”, đối diện với “ chính thể không tưởng tự do” và với “chính thể không tưởng chủ nghĩa xã hội”, các tín hữu phải luôn luôn chọn lựa một khuôn mẫu nhân bản hóa các quan hệ kinh tế xã hội, tuân theo bậc thang giá trị được đề cập trên đây. Trong viễn ảnh này, những trụ cột của mọi khuôn mẫu thực sự nhân bản, tức là phù hợp với phẩm giá nhân vị, là chân lý, tự do, công bằng, tình thương, trách nhiệm, liên đới và hòa bình. Việc thực hiện những giá trị này trong các cấu trúc của xã hội kéo theo sự tối thượng của con người trên các sự vật, sự ưu tiên của lao công trên tư bản, sự vượt quá sự tương phản lao công-tư bản[116]. Những chọn lựa này tự chúng không phải là chính trị, thế nhưng chúng chạm đến lãnh vực chính trị, và cách đặc biệt, tương quan Giáo Hội-chính trị; chúng cũng không phải là kinh tế xã hội, nhưng cũng liên quan đến chiều kích này trong tương quan con người-xã hội và Giáo Hội-xã hội. Như thế, rõ ràng rằng người ta không thể không cần đến phán đoán luân lý của Giáo Hội về những nền tảng của hệ thống xã hội mà người ta muốn xây dựng, và về những dự phóng và chương trình cụ thể của đời sống chung trong xã hội, nơi mà hình ảnh về con người và về xã hội do Tin Mừng đề nghị cũng phải hợp lưu.
52. Các nghĩa vụ xã hội của các Giáo Hội địa phương
Trong các lãnh thổ riêng của mình, các Giáo Hội địa phương là những trung tâm tư tưởng, suy tư luân lý và hành động mục vụ bao hàm cả trong lãnh vực xã hội. Quả thế, các Giáo Hội địa phương không thể không kể đến những vấn đề địa phương đặc thù mà đòi hỏi những thích nghi đúng lúc, như nhiều bức thư của các Giám mục và của các Hội đồng Giám mục cho thấy. Nhưng để lượng giá những hoàn cảnh và những thực tại kinh tế xã hội, chính trị và văn hóa đúng tầm của chúng, trong đó các Giáo Hội địa phương đang hiện diện, cũng như để đóng góp hữu hiệu vào sự tiến bộ của chúng và, nếu cần thiết, vào việc biến đổi chúng, thì thật rất quan trọng rằng các Giáo Hội địa phương này múc lấy những nguyên tắc và những tiêu chí phán đoán ở các nguồn mạch của giáo huấn xã hội có giá trị cho Giáo Hội phổ quát[117].
53. Những phán đoán mới về các hoàn cảnh mới
Có thể đôi khi sự biến chuyển của các hoàn cảnh đòi hỏi sửa đổi một phán đoán trước đó, được đưa ra trong một khung cảnh khác nhau. Điều đó giải thích tại sao, ngày nay, trong học thuyết xã hội của Giáo Hội, người ta có những phán đoán khác với những phán đoán ngày xưa, cho dầu là trong sự liên tục của một đường hướng được vạch ra bởi các nguyên tắc. Dù sao, hiển nhiên là việc một phán đoán chín chắn về các hoàn cảnh mới, về những khuôn mẫu mới của xã hội và về những chương trình mới của nó không chỉ phụ thuộc vào học thuyết xã hội, nhưng còn vào việc đào tạo triết học và thần học, vào ý thức chính trị và vào việc phân định các chuyển biến của thế giới. Tất cả điều đó đòi hỏi có sự chuẩn bị xa và gần, việc nghiên cứu và suy tư, như được khuyên nhủ trong tập “Những Định Hướng” này.
V. NHỮNG CHỈ DẪN HOẠT ĐỘNG XÃ HỘI
54. Những tiêu chí hành động
Học thuyết xã hội của Giáo Hội, xét như là tri thức (lý thuyết-thực hành), được định hướng đến việc phúc âm hóa xã hội: bởi thế, nó nhất thiết bao gồm lời mời gọi hành động xã hội bằng cách đề nghị, đối với những hoàn cảnh khác nhau, những chỉ dẫn thích hợp[118] được gợi hứng bởi cách nguyên tắc căn bản và những tiêu chí phán đoán[119], được làm sáng tỏ trên đây. Hoạt động được gợi ý không được diễn dịch cách tiên thiên, một lần cho tất cả, từ những suy tư triết học và luân lý, nhưng được nói rõ lần này tiếp lần khác, nhờ sự phân định Kitô giáo về thực tại, được giải thích dưới ánh sáng của Tin Mừng và của giáo huấn xã hội của Giáo Hội mà cho thấy như thế tính thời sự của nó ở mỗi thời điểm của lịch sử. Vì thế, sẽ là sai lầm học thuyết và phương pháp luận nghiêm trọng, nếu không lưu tâm đến kinh nghiệm phong phú được Giáo Hội thủ đắc và được diễn tả trong giáo huấn xã hội của Giáo Hội, trong khi giải thích những vấn đề của mỗi thời kỳ lịch sử. Do đó, tất cả các Kitô hữu phải đối diện với những hoàn cảnh mới mẻ bằng một lương tâm được huấn luyện theo tất cả những đòi hỏi luân lý của Tin Mừng và bằng một sự nhảy bén xã hội đích thực Kitô giáo, được chín chắn nhờ việc nghiên cứu chăm chú những tuyên bố đa dạng của Huấn Quyền.
55. Tôn trọng phẩm giá của nhân vị
Giáo Hội, trong việc mục vụ xã hội của mình, dấn thân cho việc thể hiện cách trọn vẹn sự thăng tiến con người. Một sự thăng tiến như thế gồm trong kế hoạch thăng tiến cứu độ con người và xây dựng Nước Thiên Chúa, xét như là nó hướng đến việc nâng cao phẩm giá nhân vị trong tất cả các chiều kích của nó, thuộc trật tự tự nhiên và siêu nhiên. Như Hiến chế Vui Mừng và Hy Vọng dạy, sứ mạng loan báo Tin Mừng nhắm đến ơn cứu độ, tức là việc giải thoát cuối cùng con người, đòi hỏi một hoạt động mục vụ đa dạng tùy theo những môi trường mà nó được thực hiện: ngôn sứ, phụng vụ và bác ái. Hoạt động mục vụ của Giáo Hội trong các tương quan của mình với thế giới là một hoạt động hiện diện, đối thoại và phục vụ khởi từ đức tin, trong lãnh vực rộng lớn xã hội, kinh tế, chính trị, văn hóa, công nghệ kỹ thuật, sinh thái, …: tắt một lời, nó bao hàm toàn cảnh của những thực tại thế tục.
Do sự tối thượng của con người trên các sự vật, nên tiêu chí hay chuẩn mực đầu tiên không chỉ của việc phán đoán, nhưng còn của hành động là phẩm giá của nhân vị, mà bao gồm sự tôn trọng và việc thăng tiến tất cả các quyền cá nhân và xã hội gắn liền với bản tính của nó.
Luân lý tính, việc phân biệt giữa điều công bằng và cái bất công, sẽ tùy thuộc vào sự phù hợp hay không phù hợp của các đường lối chính trị và của những quyết định, của những dự phóng và những chương trình được thông qua bởi các tác nhân xã hội khác nhau (những người cầm quyền, các đảng phái chính trị, các thể chế và các tổ chức, những con người và các nhóm người) với phẩm giá nhân vị, mà có những đòi hỏi luân lý bất khả xâm phạm.
56. Đối thoại tôn trọng
Trong hoàn cảnh của thế giới đương đại, những biến chuyển sâu xa xảy đến trong tất cả các lãnh vực của sinh hoạt của con người, kinh tế, văn hóa, khoa học và kỹ thuật đã làm nổi lên những vấn đề mới mà đòi hỏi sự dấn than của hết mọi người thiện chí. Trong số những vấn đề này nổi bật là những vấn đề nghèo đói, bạo lực, chủ nghĩa khủng bố quốc gia và quốc tế, giải trừ vũ khí và hòa bình, nợ nước ngoài và chậm phát triển của các nước Thế Giới Thứ Ba, những thao túng di truyền, ma túy, tình trạng hư hoại môi trường….
Trong khung cảnh này, hoạt động mục vụ của Giáo Hội phải được thực hiện trong sự hợp tác với tất cả những sức lực năng động và hoạt lực trong thế giới hiện tại. Từ đó, một tiêu chí hành động thứ hai là việc thực thi đối thoại tôn trọng như là phương pháp thích hợp để tìm ra một giải pháp cho các vấn đề, nhờ có những thỏa thuận được lên chương trình và hữu hiệu.
57. Đấu tranh vì công lý và sự liên đới xã hội
Vả lại, thế giới hôm nay được rõ nét bởi “những miền khốn khổ[120]” và “những hình thức bất công khác rộng lớn hơn nhiều[121]” so với những thời kỳ đi trước, như là nạn đói, thất nghiệp, sống bên lề xã hội, khoảng cách tách rời người giàu – các nước, các vùng, các nhóm và những con người – với người nghèo. Do đó, một tiêu chí hành động thứ ba là “cuộc đấu tranh mạnh mẽ và có suy luận vì công bằng và tình liên đới xã hội[122]”.
58. Đào tạo những khả năng cần thiết
Hoạt động cụ thể trong lãnh vực các thực tại thế tục, theo các chỉ dẫn của Huấn Quyền, chủ yếu là nhiệm vụ của các giáo dân. Họ cần để cho lương tâm kitô hữu hướng dẫn mình liên lỉ. Vì thế, thật đúng đắn việc họ thủ đắc được, đồng thời với việc đào tạo luân lý và tu đức, những khả năng cần thiết trong lãnh vực khoa học và chính trị, mà làm cho họ có khả năng điều hành một hoạt động hữu hiệu, được vận dụng theo những tiêu chí luân lý đúng đắn[123]. Do đó, những nghĩa vụ không kém quan trọng về phương diện này cũng thuộc về những mục tử phải giúp đỡ các giáo dân tự đào tạo một lương tâm Kitô giáo ngay thẳng và cho họ “ánh sáng và sức mạnh thiêng liêng[124]”. Rõ ràng rằng các mục tử chỉ có thể thực hiện nhiệm vụ đặc thù này nếu họ, đến lượt mình, là những người hiểu biết và bảo vệ tốt học thuyết xã hội và nếu họ đã thủ đắc được một sự nhạy cảm hành động trong lãnh vực này, dưới ánh sang của Lời Chúa và theo mẫu gương của Chúa. Do đó, một tiêu chí hành động thứ tư là đào tạo nên những khả năng này.
Điều đáng kể nhất nằm ở chỗ các mục tử và giáo hữu là và cảm thấy hiệp nhất trong sự tham dự vào sứ mạng cứu độ độc nhất của Giáo Hội, mỗi người theo năng lực, khả năng và chức năng riêng của mình, trong sự đa dạng ân huệ và thừa tác vụ. Theo nhãn quan giáo hội học này, bổn phận thúc đẩy cách kitô giáo các thực tại trần thế không được ủy cho các giáo dân bởi hàng giáo phẩm, nhưng nảy sinh cách bẩm sinh từ hữu thể chịu phép Rửa và Thêm Sức của họ. Vào thời đại chúng ta, người ta đã luôn có ý thức luôn sống động hơn về sự đóng góp cần thiết của các giáo dân vào sứ mạng loan báo Tin Mừng của Giáo Hội. Hiến chế Ánh Sáng Muôn Dân khẳng định rằng trong một số nơi và trong một số hoàn cảnh, Giáo Hội, nếu không có họ, sẽ không thể trở nên muối đất và ánh sáng thế gian[125].
59. Kinh nghiệm về các thực tại trần thế và kinh nghiệm đức tin
Căn tính giáo hội của các giáo dân, bén rễ sâu trong bí tích Rội và bí tích Thêm Sức, được hiện tại hóa trong sự hiệp thông và trong sứ vụ, bao hàm một kinh nghiệm kép: kinh nghiệm được xây dựng nền tảng trên sự hiểu biết các thực tại tự nhiên, lịch sử và văn hóa của thế giới này, và kinh nghiệm đến từ việc giải thích chúng dưới ánh sáng của Tin Mừng. Những kinh nghiệm này không thể đổi lẫn nhau được: bên này không thể thay thế bên kia, nhưng cả hai tìm thấy sự duy nhất của chúng trong nền tảng đầu tiên của chúng, là Lời Chúa, là Ngôi Lời, nhờ Ngài mà mọi sự đã được tạo thành, và trong cứu cánh sau cùng của chúng, là Nước Thiên Chúa. Kết quả là một tiêu chí thứ năm liên quan đến khía cạnh phương pháp luận của hành động là việc sử dụng kinh nghiệm kép: kinh nghiệm về các thực tại trần thế và kinh nghiệm của đức tin Kitô giáo.
Phương pháp được sử dụng trong việc áp dụng học thuyết xã hội của Giáo Hội này sẽ giúp đỡ tất cả các kitô hữu, và đặc biệt các giáo dân, mang lại cho thực tại một sự giải thích đúng đắn hơn. Làm như thế, họ sẽ có thể thấy cho đến mức độ nào được nhập thể trong thực tại lịch sử các giá trị nhân bản và kitô giáo, mà xác định phẩm giá nhân vị, sẽ có thể nối lại các nguyên tắc chung của tư tưởng và của hành động trong lãnh vực xã hội với những giá trị mà một xã hội phải luôn tôn trọng để giải quyết các vấn đề của nó, có một định hướng trong việc tìm kiếm cách cụ thể những giải pháp cần thiết, khuyến khích sự thay đổi hay sự biến đổi các cấu trúc của xã hội tỏ ra kém cỏi hay bất công, lượng giá cách khôn ngoan các chương trình được soạn thảo bởi tất cả các lực lượng sống động trên bình diện chính trị và văn hóa. Bằng cách này, sẽ được đảm bảo sự tiến bộ đích thực của con người và của xã hội trong một chiều kích phát triển nhân bản hơn, mà không phải không kể đến sự tăng trưởng kinh tế, nhưng cũng không bị điều khiển duy bởi nó mà thôi.
60. Mở ra cho những ân huệ của Chúa Thánh Thần
Như ta đã nói, Giáo Hội không đề nghị khuôn mẫu xã hội riêng của mình; đúng hơn, nó vẫn mở ra cho một sự đa nguyên dự phóng và giả thiết nào đó cho hành động, theo những đặc sủng và những ân huệ mà Thánh Thần ban cho các giáo dân nhằm để thực hiện sứ mạng của họ trong khuôn khổ gia đình, lao động, kinh tế, chính trị, văn hóa, kỹ thuật, sinh thái…. Kết quả là những chỉ dẫn hành động được chứa đựng trong học thuyết xã hội của Giáo Hội mang một ý nghĩa đặc biệt theo những đặc điểm đặc thù của hành động được thực hiện trong mỗi lãnh vực này. Từ đó, một tiêu chí hành động thứ sáu: mở ra cho những đặc sủng và cho những ân huệ của Thánh Thần trong sự dấn thân và trong những chọn lựa kitô hữu của đời sống xã hội.
61. Thực hành tình thương và lòng thương xót
Ý thức được kêu gọi để phục vụ các thực tại xã hội đã luôn luôn sống động trong Giáo Hội, từ những thế kỷ đầu tiên cho đến ngày nay. Quả thế, lịch sử của Giáo Hội được đổ đầy các công việc bác ái và trợ giúp xã hội[126]. Chúng chiếu sáng khuôn mặt của một cộng đồng nghèo và đầy lòng thương xót, hoàn toàn hướng đến việc thực hành “bài giảng trên núi”.
Những chứng tá cho ý thức mục vụ này là vô số nơi các đức Giáo Hoàng, các bậc thầy học thuyết xã hội. Trong các văn kiện của các mình, các ngài đã can thiệp để cải tiến những điều kiện sống của các công nhân và khích lệ các kinh nghiệm theo hướng này[127]; các ngài khuyên thực hành đức ái, bằng việc hài hòa nó với đức công bằng[128]; các ngài mở rộng hoạt động xã hội đến toàn bộ lãnh vực thế tục[129]; các ngài đòi hỏi rằng việc khẳng định các nguyên tắc, việc tuyên bố các ý định và việc tố giác các bất công cần được đi kèm bằng một hành động hữu hiệu và có trách nhiệm[130]; các ngài nhắc nhở rằng không chỉ các văn kiện của Huấn Quyền – của công đồng, giáo hoàng và giám mục – nhưng còn hoạt động của các trung tâm tư tưởng và hành động khác nhau, và những sáng kiến cụ thể của sứ mệnh tông đồ xã hội trong các Giáo Hội địa phương và trong lãnh vực quốc tế[131] là một bằng chứng của sự quan tâm liên lỉ của Giáo Hội đối với vấn đề xã hội; các ngài kêu mời hàng giáo sĩ, các tu sĩ và các giáo dân dấn thân vào “ các lãnh vực, các công việc và các dịch vụ khác nhau” của “việc mục vụ xã hội[132]”. Từ ý thức xã hội này nổi lên một tiêu chí hành động sau cùng mà phải có mặt trong tất cả các tiêu chí khác được đề cập trên đây: thực hành giới răn yêu thương và thương xót trong tất cả những gì mà, theo tinh thần của Tin Mừng, dành sự ưu tiên cho những người nghèo[133]. Một ưu tiên như thế, được chứng thực bởi toàn thể Truyền Thống của Giáo Hội, đã được xác nhận cách mạnh mẽ bởi thông điệp Mối Bận Tâm Vấn Đề Xã Hội. Quả thế, trong văn kiện giáo hoàng này, người ta đọc thấy rằng “ ngày nay, do vấn đề xã hội đã mang lấy chiều kích toàn cầu, nên tình thương ưu tiên này, cũng như những quyết định mà tình yêu này gợi hứng cho chúng ta, không thể không bao hàm số lượng rất lớn những người đói khổ, những người hành khất, những người vô gia cư, những người không có trợ giúp y tế và, trên hết, vô vọng về một tương lai tốt đẹp hơn: ta không thể không công nhận sự tồn tại của các thực tại này. Không biết chúng sẽ trở lại chỗ đồng hóa với ‘kẻ vui chơi giàu có” làm như không biết đến Lazarô, người hành khất, nằm ở của nhà của ông[134]” (x. Lc 16, 19-31).
62. Mối liên hệ giữa học thuyết xã hội và hành động Kitô giáo
Trong ý thức của Giáo Hội, rõ ràng có mối liên hệ thiết yếu nối kết học thuyết xã hội với hành động Kitô giáo trong các lãnh vực, việc làm và dịch vụ trong đó người ta tìm cách vận dụng các nguyên tắc và các chuẩn mực. Cách riêng, việc mục vụ giả thiết có học thuyết xã hội và học thuyết xã hội dẫn đến hoạt động mục vụ như là phần ưu tiên của hành động Kitô giáo. Sự hiện diện của Giáo Hội trong thế giới và đối thoại với nó để tìm cách giải quyết các vấn đề phức tạp của con người đòi hỏi phải có những mục tử có khả năng cần thiết và, do đó, đòi hỏi họ học hỏi nghiêm chỉnh học thuyết xã hội, cùng với việc đào tạo hoạt động mục vụ và tông đồ. Một lẫn nữa, chúng ta nhận thấy đứng trước một đòi hỏi rõ rệt cần có một chương trinh thích đáng và việc tổ chức tốt cho việc giảng dạy.
63. Những hệ quả trong lãnh vực chính trị
Sự kiện Giáo Hội không sở hữu cũng không đề nghị “khuôn mẫu” đời sống xã hội riêng biệt, sự kiện Giáo Hội không được liên kết với bất kỳ hệ thống chính trị nào như là với một “con đường” riêng phải chọn trong số những hệ thống khác[135], không muốn nói rằng Giáo Hội không được đào tạo và khuyến khích các tín hữu của mình – và cách đặc biệt các giáo dân – để họ ý thức về trách nhiệm của họ trong cộng đồng chính trị[136], và chọn lựa ủng hộ những giải pháp và, khi điều đó có thể chứng thực về mặt lịch sử, về một khuôn mẫu mà sự gợi hứng từ đức tin của nó có thể trở thành thực hành của người kitô hữu. Những chỉ dẫn của học thuyết xã hội của Giáo Hội cho hành động của giáo dân cũng có giá trị về mặt chính trị trong những lãnh vực khác của thực tại trần thế nơi mà Giáo Hội phải hiện diện bằng vào sứ mạng loan báo Tin Mừng của mình.
Quả thế, đức tin Kitô giáo làm tăng giá trị và đánh giá cao chiều kích chính trị của cuộc sống của con người và của hoạt động nơi mà nó được diễn tả. Kết quả là sự hiện diện của Giáo Hội trong lãnh vực chính trị là một đòi hỏi của chính đức tin, dưới ánh sáng của vương quyền của Chúa Kitô, đi đến chỗ loại bỏ sự mâu thuẫn giữa đức tin và cuộc sống thường nhật, ‘một trong những sai lầm nghiêm trọng nhất của thời đại chúng ta[137]”. Tuy nhiên, loan báo Tin Mừng cho toàn diện cuộc sống con người, bao gồm cả chiều kích chính trị, không có nghĩa là phủ nhận quyền tự trị của thực tại chính trị, cũng như quyền tự trị của kinh tế, văn hóa, kỹ thuật…, mỗi quyền trong trật tự của nó.
Để làm sáng tỏ sự hiện diện này của Giáo Hội, nên phân biệt “hai khái niệm chính trị và dấn thân chính trị [138]”. Liên quan đến khái niệm ‘chính trị”, Giáo Hội có thể và phải phán đoán những lối hành xử chính trị không chỉ xét như là chúng chạm đến phạm vi tôn giáo, nhưng còn đối với tất cả những gì liên quan đến phẩm giá và các quyền căn bản của con người, công ích, công bằng xã hội: mọi vấn đề đều có một chiều kích luân lý, được Giáo Hội xem xét và lượng giá dưới ánh sáng của Tin Mừng, bằng vào sứ mạng “loan báo Tin Mừng cho trật tự chính trị” và, chính qua đó, nhân bản hóa nó cách toàn vẹn. Nó hệ tại một chính trị được hiểu trong giá trị “khôn ngoan” cao cả nhất của nó và là thuộc bổn phận của toàn thể Giáo Hội. Trái lại, sự dấn thân chính trị, theo nghĩa những quyết định cụ thể phải thực hiện, những chương trình phải lập, chiến dịch phải chỉ đạo, những buổi trình diễn đại chúng phải quản lý, những quyền hành phải thực thi, là một bổn phận thuộc về giáo dân tùy theo những luật lệ và thể chế đúng đắn của xã hội trần thế mà họ thuộc về. Những gì mà Giáo Hội yêu cầu và tìm cách cấp cho con cái của mình, là có một lương tâm ngay thẳng và tuân theo những đòi hỏi của Tin Mừng để làm việc cách khôn ngoan và trách nhiệm nhằm phục vụ cộng đoàn[139].
Các mục tử và các thừa tác viên khác của Giáo Hội, để bảo toàn tốt hơn tự do của mình trong việc phúc âm hóa thực tại chính trị, sẽ giữ mình bên ngoài các đảng phái và các phe nhóm, mà có thể sinh ra những chia rẽ hay làm tổn hại đến tính hữu hiệu của sứ vụ tông đồ, họ sẽ cũng không mang đến những ủng hộ ưu đãi, nếu trong “những hoàn cảnh cụ thể và đặc biệt, thiện ích của cộng đồng không đòi hỏi như thế”[140].
64. Dấu chỉ của sự hiện diện của Vương Quốc Thiên Chúa
Trong khuôn khổ của những giá trị, của những nguyên tắc và những chuẩn mực mà chúng ta đã vạch ra, mới rõ là hoạt động xã hội của Giáo Hội, được Tin Mừng soi sáng, là dấu chỉ của sự hiện diện của Vương Quốc Thiên Chúa trong thế giới, xét như là nó công bố những đòi hỏi của Vương Quốc này trong lịch sử và trong đời sống của các dân tộc như là nền tảng của một xã hội mới; xét như là nó tố giác tất cả những gì làm tổn hại đến đời sống và phẩm giá của các nhân vị trong những lối hành xử, trong những cấu trúc và trong các hệ thống xã hội; xét như là nó xúc tiến sự sáp nhập trọn vẹn tất cả mọi người vào trong xã hội, như là đòi hỏi luân lý của sứ điệp Tin Mừng về công bằng, về tình liên đới và về tình yêu. Đó là một hoạt động mục vụ được thực hiện nhờ Lời Chúa mà biến đổi lương tâm con người; nhờ việc soạn thảo và phổ biến một học thuyết xã hội, nhằm lôi kéo sự chú ý và đánh thức sự nhạy cảm của mọi người – và đặc biệt của giới trẻ – trước những vấn đề của xã hội và trước đòi hỏi dấn thân của Tin Mừng cho công lý vì người nghèo và tất cả những người đau khổ; sau hết, nhờ một hành động mau mắn và quảng đại tìm cách trả lời cho nhiều vấn đề cụ thể đang làm cho đời sống của những con người và xã hội nên khó khăn hơn. Như thế, Lời Chúa soi sáng lương tâm và việc làm thể hiện Lời Chúa.
65. Kết luận về ý nghĩa và về sự năng động của học thuyết xã hội
Từ việc xem xét bản chất và chiều kích lịch sử của học thuyết xã hội của Giáo Hội và từ những yếu tố cấu thành của nó, như những nguyên tắc nền tảng, những tiêu chí phán đoán và những chỉ dẫn hành động, chúng ta rút ra xác tín rằng học thuyết này, dù hoàn toàn là một “gia sản phong phú và phức tạp”, đủ xác định và vững chắc, vẫn còn có nhiều giai đoạn phải trải qua trước mắt, tùy theo sự năng động của sự phát triển của xã hội loài người trong lịch sử.
Qua chính tình trạng của nó, cho dù do khó có thể xác định bằng những từ ngữ kinh viện chặt chẽ, thế nhưng học thuyết xã hội, trong những đoạn trước, được thành hình, ít ra là trong những phạm vi chính yếu của nó, với một sự sáng sủa đủ, bằng cách trước tiên được trình bày như là “bộ phận của quan niệm Kitô giáo về cuộc sống”[141]. Quả thế, chúng ta thấy rằng tác động của nó trong thế giới không phải là bên lề, nhưng là quyết định xét như là hành động của Giáo Hội, là “men”, “là muối đất”, là “ hạt giống”, và là “ánh sáng” của nhân loại[142].
Trên nền tảng của những tiền dữ kiện này, Huấn Quyền của Giáo Hội – của các Giáo hoàng, của công đồng, các Giám mục – cùng với sự đóng góp nghiên cứu và kinh nghiệm của tất cả cộng đồng kitô hữu, soạn thảo, tổ chức, trình bày học thuyết này như là một toàn thể những giáo huấn được đề nghị không chỉ cho các tín hữu nhưng còn cho tất cả những người thiện chí, để, nhờ Tin Mừng, soi sáng con đường chung hướng đến sự phát triển và giải thoát toàn diện của con người.
VI. VIỆC ĐÀO TẠO
66. Mục đích của văn kiện
Những định hướng được đưa ra trong phần trình bày đi trước được dự định cho những ai có bổn phận và trách nhiệm đào tạo các ứng viên linh mục và các sinh viên của các Học Viện thần học khác nhau. Chúng đã được chuẩn bị với ý hướng là tạo điều kiện dễ dàng và khuyến khích công việc giáo dục trong lãnh vực của học thuyết xã hội; chắc chắn, các giảng viên sẽ biết tận dụng từ đó cho việc tổ chức tốt những nội dung và phương pháp giảng dạy. Quả thế, mục đích của văn kiện là làm nổi bật, trong việc nghiên cứu môn này, những điểm nền tảng và, do đó, không thể thiếu cho một nền đào tạo thần học và mục vụ vững chắc của các linh mục tương lai. Vì thế, được cho là thích hợp để dành chương này cho những chỉ dẫn cụ thể giúp xúc tiến việc chuẩn bị cụ thể các giáo sư và cấu trúc tốt hơn việc đào tạo các học viên.
1. Việc đào tạo các giáo sư
67. Đào tạo thần học, khoa học và mục vụ
Không cần thiết nhấn mạnh sự kiện rằng việc tiếp nhận tốt học thuyết xã hội của Giáo Hội về phía các sinh viên, ở một mức độ lớn, tùy thuộc vào năng lực và phương pháp giảng dạy của các giáo sư. Việc thủ đắc những phẩm chất này, về phía họ, đòi hỏi một sự chuẩn bị chu đáo, mà không thể được bảo đảm chỉ bởi một số lượng nào đó giáo trình học thuyết xã hội được cung cấp trong những giới hạn của các nghiên cứu triết học và thần học.
Chính vì thế mà các Giám mục và các bề trên của các Trung tâm đào tạo của Giáo Hội có trách nhiệm lớn lao gởi một vài học viên, có khả năng và hứng thú, đến những phân khoa của các khoa học xã hội và các Học viện cao cấp tương tự khác, được thẩm quyền của Giáo Hội chuẩn nhận, để có thể có những giảng viên được trang bị một nền đào tạo khoa học thích đáng. Giáo Hội ao ước rằng các giảng viên như thế, mà việc đào tạo hàng giáo sĩ được giao phó cho họ, cần được chọn lựa trong số những người tốt nhất và nắm được một học thuyết vững chắc và có được một kinh nghiệm mục vụ thích hợp, được kết hợp với một nền đào tạo thiêng liêng và sư phạm tốt[143].
Vả lại, ta không được quên rằng đối với việc giảng dạy học thuyết xã hội, nguyên chỉ việc hiểu biết các văn kiện tương ứng của Huấn Quyền mà thôi thì không đủ. Việc các giáo sư có được một nền đào tạo thần học sâu rộng, có khả năng về luân lý xã hội và ít ra hiểu biết những yếu tố căn bản của các khoa học xã hội hiện đại, là cần thiết. Vả lại, cần phải xúc tiến một sự hợp tác chặt chẽ với các giáo sư luân lý, tín lý, và mục vụ để bảo đảm sự mạch lạc, sự nhất trí, sự vững chắc của việc giảng dạy và, cuối cùng, cho phép các học viên có được một cái nhìn tổng hợp về thần học và mục vụ. Cũng cần phải tìm cách để việc đào tạo giáo thuyết và đào tạo mục vụ được liên kết cách chặt chẽ với việc đào tạo thiêng liêng[144].
68. Chức năng của các khoa học xã hội
Như đã chỉ ra trên đây (số 10, 50), học thuyết xã hội của Giáo Hội không thể không cần đến các khoa học xã hội, nếu nó muốn giữ vững liên lạc với đời sống của xã hội và có một tác động hữu hiệu đến thực tại mục vụ. Vì lý do này, người ta mạnh mẽ khuyến cáo các giáo sư học thuyết xã hội lưu tâm đến thành công tốt đẹp của việc chuẩn bị mục vụ của các ứng viên linh mục, bằng cách lưu ý rằng, trong việc giảng dạy, họ không thể chỉ giới hạn vào việc “nhắc lại những nguyên tắc tổng quát”, nhưng còn phải lưu tâm khai triển chúng “bằng một suy tư chín chắn dưới ảnh hưởng của những hoàn cảnh biến chuyển của thế giới này, dưới sự thúc đẩy của Tin Mừng như là nguồn mạch canh tân[145]”. Kết quả là việc hướng dẫn bước đầu cho các học viên sử dụng các phương tiện mà các khoa học nhân văn mang lại, theo những chuẩn mực của Giáo Hội, cũng là bổn phận của các giáo sư[146].
Quả thế, các khoa học nhân văn là một dụng cụ quan trọng để lượng giá các hoàn cảnh biến chuyển và thiết lập một sự đối thoại với thế giới và với những con người đủ mọi lập trường[147]. Chúng mang lại khung cảnh thực nghiệm cho giáo huấn xã hội, trong đó những nguyên tắc căn bản có thể và phải được áp dụng; chúng cung ứng cho một chất liệu phân tích cho việc lượng giá và phán đoán các hoàn cảnh và những cấu trúc xã hội; chúng giúp đưa ra một định hướng trong những chọn lựa cụ thể phải làm. Chắc chắn, trong việc nghiên cứu và trong mối quan tâm đối với các khoa học xã hội, ta phải tránh nguy hiểm rơi vào những cái bẫy của các ý thức hệ mà thao túng cách giải thích các dữ kiện hay vào chủ nghĩa thực chứng mà đánh giá quá cao các dữ kiện thực nghiệm gây thiệt hại cho cái nhìn toàn diện về con người và về thế giới.
69. Việc thường huấn
Một sự kiện hiển nhiên là thực tại xã hội và các khoa học giải thích nó phải chịu một sự biến chuyển liên lỉ và nhanh chóng. Vì lý do này, việc thường huấn các giáo sư là hoàn toàn đặc biệt cần thiết, nó bảo đảm “việc cập nhật hóa” (“aggiornamento”) liên tục của họ. Việc thiếu liên lạc chặt chẽ với những vấn đề mới và những định hướng mới trên bình diện quốc gia, quốc tế và thế giới, cũng như với những tiến triển mới mẻ của học thuyết xã hội của Giáo Hội, có thể làm mất đi sự hứng thú và năng lực của việc giảng dạy của họ.
70. Kinh nghiệm mục vụ
Để các giáo sư có thể dạy học thuyết xã hội không chỉ như một lý thuyết trừu tượng, nhưng là như một môn học hướng đến hành động cụ thể, kinh nghiệm mục vụ trực tiếp sẽ là rất hữu ích cho họ. Kinh nghiệm này sẽ được thay đổi theo nơi chốn, hoàn cảnh, khả năng và thiên hướng của mỗi người, nhưng luôn được chọn lựa và tổ chức để giúp cho đặc tính cụ thể, có giá trị và sắc bén của việc giảng dạy.
2. Đào tạo các học viên
71. Chỉ dẫn mục vụ
Theo tinh thần của Công đồng Vatican II và của Bộ Giáo Luật, khả năng thừa tác vụ mục tử của các ứng viên linh mục sẽ đạt được nhờ một nền đào tạo toàn diện, chú tâm làm tăng trưởng các mọi khía cạnh của nhân cách linh mục: nhân bản, thiêng liêng, thần học và mục vụ. Người ta cũng có thể nói tương tự đối với việc chuẩn bị các giáo dân cho sứ mệnh tông đồ.
Về vấn đề này, chúng ta cần nhớ rằng, cho dầu đúng là toàn thể việc đào tạo có một cùng đích mục vụ, thế nhưng, cần thiết dự kiến cho mọi người một sự chỉ dẫn mục vụ đặc thù[148], mà cũng chú tâm đến học thuyết xã hội của Giáo Hội.
72. Trong khuôn khổ của việc đào tạo này, mà chắc chắn đòi hỏi và bao gồm, như đã nói, một sự chuẩn bị thần học thích đáng cho việc loan báo Lời Chúa theo những đòi hỏi của những con người, của những nơi chốn và thời gian và cho việc đối thoại của Giáo Hội với thế giới, cần phải khơi lên nơi các học viên sự hứng thú và nhạy cảm đối với học thuyết và mục vụ xã hội của Giáo Hội. Theo nghĩa này, Bộ Giáo Luật nói đến sự cần thiết giáo dục các linh mục tương lai “đối thoại với những con người” và làm cho họ nhạy bén với “những nhiệm vụ xã hội” thuộc phận vụ của Giáo Hội[149].
73. Giáo trình học thuyết xã hội
Còn về chỗ dành cho học thuyết xã hội ở trong chương trình học tập nơi các Trung Tâm đào tạo của Giáo Hội, để phù hợp vời những gì đã được nói, rõ ràng rằng bàn đến điều này bằng một vài bài học tùy ý ở trong các giáo trình triết học và thần học mà thôi thì không đủ, nhưng cần thiết phải lên chương trình các lớp bắt buộc cho môn học này.
Về phần để biết thời điểm thích hợp nhất cho việc nghiên cứu này, nó tùy thuộc việc tổ chức học của các Trung Tâm và các Học Viện đào tạo khác nhau. Sắp xếp các lớp học trong suốt tiến trình đào tạo các học viên có lẽ là hữu ích. Giải pháp này sẽ bảo đảm tính liên tục cần thiết và tính tiệm tiến của việc học tập và cho phép hiểu tốt hơn các ý niệm triết học xã hội và thần học nơi các văn kiện khác nhau. Dù sao, trong suốt việc đào tạo, cần thiết là phải bảo đảm việc hiểu biết các thông điệp lớn về xã hội.
Các thông điệp này phải là chất liệu của các lớp học chuyên biệt và được coi là đọc bắt buộc đối với các sinh viên. Việc tiếp cận chúng sẽ phải lưu tâm đến khung cảnh văn hóa xã hội trong đó chúng đã được viết, đến những dữ kiện thần học và triết học mà chúng dựa vào, đến tương quan của chúng với các khoa học xã hội và ý nghĩa của chúng đối với hoàn cảnh hiện nay.
Vả lại, trong mối liên hệ với các văn kiện của Giáo Hội phổ quát, cũng cần phải nghiên cứu các vấn đề xã hội của các Giáo Hội đặc thù và địa phương.
74. Nền tảng triết-thần
Thêm vào việc gia tăng sự nhạy cảm mục vụ đối với những vấn đề xã hội, việc cho các học viên một nền tảng triết-thần vững chắc về những nguyên tắc của học thuyết xã hội và về các mối tương quan liên ngành của nó là cần thiết. Nền tảng này có tầm quan trọng đặc biệt trong hoàn cảnh “đối thoại với thế giới” hiện nay, mà Giáo Hội đang sống bằng cách đưa vào thực hành những định hướng của Công đồng Vatican II. Quả thế, các linh mục, hoàn toàn như các giáo dân dấn thân vào sứ mạng tông đồ xã hội, thường bị chất vấn bởi các ý thức hệ cấp tiến và cực quyền, cả chủ nghĩa tập thể lẫn chủ nghĩa các nhân, bởi những khuynh hướng tục hóa khi đó không phải là trực tiếp bởi một trào lưu tục hóa xa lạ với tinh thần Kitô giáo.
75. Sứ điệp đích thực và nguyên vẹn của Chúa Kitô
Như đã nói, việc đào tạo thần học-mục vụ và thiêng liêng cho tất cả những ai muốn hiến thân cho hoạt động xã hội bao hàm sự gia tăng nhạy cảm trước những vấn đề đa dạng của xã hội, thói quen lượng giá những hoàn cảnh, những cấu trúc, những hệ thống kinh tế, xã hội và chính trị, theo những tiêu chí của học thuyết xã hội của Giáo Hội. Vả lại, nó bao hàm một sự chuẩn bị đặc thù để có thể làm việc cách thích đáng trước những trình độ khác nhau và trong những lĩnh vực khác nhau của sinh hoạt của con người.
Nhưng, trên tất cả, một cuộc đào tạo như thế đòi hỏi các giáo dân và các ứng viên linh mục ý thức về bổn phận làm chứng cho Chúa Kitô giữa thế giới bằng hành động của họ. Đặc biệt, các giám mục và các linh mục được kêu gọi rao giảng sứ điệp của Chúa Kitô đến độ mọi sinh hoạt thế tục của con người luôn được thấm nhiễm bởi ánh sáng Tin Mừng[150]. Chắc chắn, sự đóng góp chủ yếu của Giáo Hội trong lãnh vực xã hội luôn là sự loan báo nguyên vẹn Tin Mừng: sự loan báo mà, vả lại, dành một sự chú tâm lớn lao cho những vấn đề xã hội.
Dó đó, việc giải thích và áp dụng Tin Mừng vào thực tại xã hội của con người ngày nay là thiết yếu trong việc đào tạo các học viên về mặt thần học và liên ngành và có một giá trị quyết định đối với tính hữu hiệu của việc mục vụ. Trong việc đào tạo này, chứng tá bằng đời sống, việc rao giảng và hành động không thể bị tách rời, vì chúng được kết hợp trong chính con người của Chúa Giêsu, trong Tin Mừng và trong truyền thống của Giáo Hội.
76. Những kinh nghiệm mục vụ đầu tiên
Trong suốt thời gian đào tạo, nên định hướng các sinh viên đến những kinh nghiệm mục vụ và xã hội, mà đặt họ tiếp xúc trực tiếp với những vấn đề được nghiên cứu, như đã đang được thực hiện nơi một số nước với những kết quả tích cực. Trong việc đào tạo này, điều quan trọng nhiều là các sinh viên hoàn toàn ý thức về vai trò hành động xã hội của các linh mục cách riêng, đặc biệt được nhấn mạnh trong những thời gian gần đây vào nhiều dịp cả bởi Huấn Quyền của Giáo Hội phổ quát lẫn bởi huấn quyền của các Giáo Hội địa phương. Các cuộc viếng thăm và đối thoại của các sinh viên (được các giáo sư của họ đồng hành) với thế giới lao công – các chủ doanh nghiệp, các công nhân, các công đoàn – , với các tổ chức xã hội và với các lĩnh vực bên lề là rất được khuyến khích.
77. Bổn phận của linh mục đối với các giáo dân
Việc chỉ dạy cho các học viên về bổn phận và phương pháp phải theo để làm cho các giáo dân có được một ý thức luôn luôn sống động hơn về sứ mạng và trách nhiệm của họ trong lãnh vực xã hội là thuộc về việc đào tạo mục vụ xã hội. Trong viễn ảnh này, bổn phận của linh mục là giúp đỡ cho các giáo dân ý thức vai trò của họ, đào tạo cho họ cả về mặt thiêng liêng lẫn học thuyết, đồng hành với họ trong hoạt động xã hội, chia sẻ những mệt nhọc và đau khổ của họ, nhìn nhận chức năng quan trọng của các tổ chức của họ trên bình diện tông đồ cũng như trên bình diện dấn thân xã hội, cho họ chứng tá về một sự nhạy cảm xã hội sâu xa. Bởi thế, tính hữu hiệu của sứ điệp Kitô giáo, ngoài hoạt động của Chúa Thánh Thần ra, tùy thuộc vào nếp sống và chứng tá mục vụ của linh mục mà, đang khi phục vụ con người theo cách Tin Mừng, biểu lộ khuôn mặt đích thực của Giáo Hội[151].
78. Kết luận
Sau cùng, Bộ Giáo Dục Công Giáo, khi trao văn kiện này cho các Giám mục và các Học viện nghiên cứu thần học đa dạng, mong muốn rằng văn kiện này có thể mang lại một sự trợ giúp có giá trị và một định hướng chắc chắn cho việc giảng dạy học thuyết xã hội của Giáo Hội. Một sự giảng dạy như thế, nếu được thực hiện cách đúng đắn, chắc chắn sẽ có thể gợi hứng một nhiệt tình tông đồ mới mẻ cho các linh mục tương lai và cho những người làm việc mục vụ khác, bằng các chỉ ra cho họ con đường chắc chắn cho hoạt động mục vụ hữu hiệu. Căn cứ vào những cần thiết thiêng liêng và vật chất đa dạng của xã hội hôm nay, mà đức Gioan-Phaolô II đã chỉ ra trong biết bao nhiêu dịp, chúng ta chỉ có thể ao ước rằng mỗi ứng viên linh mục trở nên một sứ giả sáng suốt và trách nhiệm về lối diễn đạt hiện đại này của việc rao giảng Tin Mừng mà có giá trị nhất để đề nghị những phương thuốc hữu hiệu cho những sự dữ của thời đại chúng ta và như thế đóng góp vào việc cứu độ thế giới.
Đó sẽ là bổn phận của các Giám mục và các vị hữu trách của các Viện đào tạo linh mục chăm lo bằng mọi cách sao cho “Những Định Hướng” này, được làm sáng tỏ và sáp nhập cách hợp lệ trong các chương trình đào tạo, có thể tạo ra việc phục hồi sự chuẩn bị học thuyết và mục vụ, mà ngày nay được chờ đợi và đáp ứng cho những khát vọng chung của chúng ta.
Rôma, ngày 30 tháng 12 năm 1988.
Hồng y WILLIAM BAUM
Chủ tịch
† JOSÉ SARAIVA MARTINS
Thư ký
Lm. Võ Xuân Tiến chuyển ngữ
[1] X. Ratio fundamentalis institutionis sacerdotalis (6 /1/1970; tái bản: 19 Mars 1985); Thư luân lưu về L’enseignement de la philosophie dans les séminaires (20/1/1972); Orientations sur l’éducation au célibat sacerdotal (11/4/1974); Thư luân lưu về L’enseignement du Droit Canon pour les aspirants au sacerdoce (2/4/1975); La formation théologique des futurs prêtres (22/2/1976); Huấn thị La formation liturgique dans les séminaires (3/6/1979); Thư luân lưu về Quelques aspects plus urgents de la formation spirituelle dans les séminaires (6/1/1980); Orientations pour la formation des futurs prêtres concernant les instruments de la communication sociale (19/3/1986).
[2] JEAN-PAUL II, Thông điệp Sollicitudo rei socialis (30/12/1987), 41: A.A.S. 80 (1988) 571.
[3] LÉON XIII, Thông điệp Rerum novarum (15/5/1891): Acta Leonis XIII 11 (1891) 99.
[4] JEAN-PAUL II, Thông điệp Redemptor hominis (4/3/1979), 16: A.A.S. 71 (1979) 293.
[5]PAUL VI, Tông thư Octogesima adveniens (14/5/1971), 3-4: A.A.S. 63 (1971) 402 ss.
[6] VAT. II, Gaudium et spes, 3.
[7] JEAN XXIII, Thông điệp Mater et Magistra (15/5/1961): A.A.S. 53 (1961) 453-454.
[8] PIE XII, Alloc. Animus noster au Sénat académique et aux élèves de l’Université Pontificale Grégorienne de Rome (17/10/1953): A.A.S. 45 (1953) 687.
[9] Bộ Giáo Lý Đức Tin, Huấn thị Libertatis conscientia sur la liberté chrétienne et la libération (22/3/ 1986), 72: A.A.S. 79 (1987) 585 ss.
[10] JEAN-PAUL II, Thông điệp Laborem exercens (14/9/1981), 3: A.A.S. 73 (1981) 583; Thông điệp Sollicitude rei socialis (30/12/1987), 41: A.A.S. 80 (1988) 571.
[11] ID., Alloc. Esta hora à la IIIème Conférence Générale de l’Episcopat Latino-américain à Puebla (28/1/1979), Phần I, n. 9: A.A.S. 71 (1979) 195.
[12] PAUL VI, Thông điệp Populorum progressio (26/3/1967), 13: A.A.S. 59 (1967) 263.
[13] JEAN XXIII, Thông điệp Mater et Magistra (15/5/1961): A.A.S. 53 (1961) 453.
[14] PAUL VI, Tông huấn Evangelii nuntiandi (8/12/1975), 29.31: A.A.S. 68 (1976) 25. 26.
[15] Ibid., 31: A.A.S. 68 (1976) 26.
[16] VAT. II, Gaudium et spes, 12 ss.
[17] JEAN-PAUL II, Thông điệp Laborem exercens (14/9/1981), 1: A.A.S. 73 (1981) 580.
[18] JEAN XXIII, Thông điệp Mater et Magistra (15/5/1961): A.A.S. 53 (1961) 453.
[19] PIE XI, Thông điệp Quadragesimo anno (15/5/1931): A.A.S. 23 (1931) 190.
[20] JEAN XXIII, Thông điệp Mater et Magistra (15/5/1961): A.A.S. 53 (1961) 453.
[21]PAUL VI, Thông điệp Populorum progressio (26/3/1976), 13: A.A.S. 59 (1967) 264.
[22] ID., Tông huấn Evangelii nuntiandi (8/12/ 1975), 38: A.A.S. 68 (1976) 29 s.; VAT. II, Lumen gentium, 25.
[23] VAT. II, Gaudium et spes, 4.
[24] JEAN-PAUL II, Thông điệp Laborem exercens (14/9/1981), 1: A.A.S. 73 (1981) 580.
[25] ID., Sứ điệp Ngày Thế Giới Hòa Bình 1980 (8/12/1979): A.A.S. 71 (1979) 1572 ss.; PAUL VI, Tông thư Octogesima adveniens (14/5/1971), 4: A.A.S. 63 (1971) 403.
[26] JEAN-PAUL II, Thông điệp Sollicitudo rei socialis (30/12/1987), 8: A.A.S. 80 (1988) 520.
[27] ID., Alloc. Esta hora à la IIIème Conférence Générale de l’Episcopat Latino-américain à Puebla (28/1/1979), Phần I, n. 9: A.A.S. 71 (1979) 195. 196.
[28] VAT. II, Gaudium et spes, 63.
[29] PAUL VI, Tông thư Octogesima adveniens (14/5/1971), 40: A.A.S. 63 (1971) 429.
[30] PAUL VI, Tông huấn Evangelii nuntiandi (8/12/1975), 29: A.A.S. 68 (1976) 25.
[31] ID., Thông điệp Populorum progressio (26/3/1967), 3: A.A.S. 59 (1967) 258; JEAN-PAUL II, Thông điệp Laborem exercens (14/9/1981), 2: A.A.S. 73 (1981) 582; Thông điệp Sollicitude rei socialis (30/12/1987), 9: A.A.S. 80 (1988) 520-523.
[32] VAT. II, Gaudium et spes, 76.
[33] JEAN-PAUL II, Thông điệp Redemptor hominis (4/3/1979), 14: A.A.S. 71 (1979) 284.
[34] Ibid., pp. 284-285.
[35] Mt 28, 19.
[36] JEAN-PAUL II, Thông điệp Sollicitudo rei socialis (30/12/1987), 8: A.A.S. 80 (1988) 520.
[37] VAT. II, Gaudium et spes, 63.
[38] JEAN-PAUL II, Alloc. Esta hora à la IIIème Conférence Générale de l’Episcopat Latino-américain à Puebla (28/1/1979), Phần III, n. 7: A.A.S. 71 (1979) 203.
[39] JEAN XXIII, Thông điệp Mater et Magistra (15/5/1961): A.A.S. 53 (1961) 453 ss.; PAUL VI, Tông thư Octogesima adveniens (14/5/1971), 4: A.A.S. 63 (1971) 403; Tông huấn Evangelii nuntiandi (8/12/1975), 38: A.A.S. 68 (1976) 30; CONC. VAT. II, Gaudium et spes, 63. 76.
[40] JEAN-PAUL II, Thông điệp Laborem exercens (15/9/1981), 3: A.A.S. 73 (1981) 583; Bộ Giáo Lý Đức Tin, Huấn thị Libertatis conscientia sur la liberté chrétienne et la libération (22/3/1986), 44-51: A.A.S. 79 (1987) 571-575.
[41] Mt 11, 28-30.
[42] Mc 1, 15.
[43] VAT. II, Gaudium et spes, 42-44; PAUL VI, Tông huấn Evangelii nuntiandi (8/12/1975), 31: A.A.S. 68 (1976) 26; Bộ Giáo Lý Đức Tin, Huấn thị Libertatis conscientia sur la liberté chrétienne et la libération (22/3/1986), 63-65: A.A.S. 79 (1987) 581 ss.
[44] PAUL VI, Tông huấn Evangelii nuntiandi (8/12/1975), 14: A.A.S. 68 (1976) 13.
[45] Bộ Giáo Lý Đức Tin, Huấn thị Libertatis conscientia sur la liberté chrétienne et la libération (22/3/1986), 72: A.A.S. 79 (1987) 586.
[46] Ibid., Chap. V: A.A.S. 79 (1987) 585 ss.
[47] LÉON XIII, Thông điệp Rerum novarum (15/5/1981): Acta Leonis XIII 11 (1891) 98.
[48] PIE XI, Thông điệp Quadragesimo anno (15/5/1931): A.A.S. 23 (1931) 191.
[49] Ibid.: A.A.S. 23 (1931) 209 ss.
[50] PIE XII, Discours La solennità délla Pentecoste pour le 50ème anniversaire de l’encyclique “Rerum novarum” (1/6/1941): A.A.S. 33 (1941) 195 ss.; Radiomessages de Noël: về hòa bình và trật tự quốc tế (1939, 1940, 1950, 1951, 1954); về nền dân chủ (1944); Discours sur les dangers de la conception technologique de la vie sociale et sur l’emprise de l’ordre économique, (3/6/1950, và 9/9/1956).
[51] PIE XII, Discours La solennità della Pentecoste pour le 50ème anniversaire de l’encyclique ” Rerum novarum ” (1/6/1941): A.A.S. 33 (1941) 204.
[52] Ibid.: A.A.S. 33 (1941) 197.
[53] JEAN XXIII, Thông điệp Mater et Magistra (15/5/1961): A.A.S. 53 (1961) 412-413.
[54] Ibid.: A.A.S. 53 (1961) 431-451.
[55] Ibid.: A.A.S. 53 (1961) 412-413.
[56] Bộ Giáo Lý Đức Tin, Huấn thị Libertatis nuntius sur quelques aspects de la ” Théologie de la libération ” (6/8/1984): A.A.S. 76 (1984) 876-909; Huấn thị Libertatis conscientia sur la liberté chrétienne et la libération (22/3/1986): A.A.S. 79 (1987) 554-599.
[57] VAT. II, Gaudium et spes, 64-65.
[58] PAUL VI, Thông điệp Populorum progressio (26/3/1967), 9: A.A.S. 59 (1967) 261.
[59] Ibid.: A.A.S. 59 (1967) 257.
[60] Ibid., 20-21: A.A.S. 59 (1967) 267-268.
[61] JEAN-PAUL II, Thông điệp Laborem exercens (14/9/1981), 3: A.A.S. 73 (1981) 583.
[62] Ibid., 3: A.A.S. 73 (1981) 584.
[63] Ibid., 4: A.A.S. 73 (1981) 584.
[64] Bộ Giáo Lý Đức Tin, Huấn thị Libertatis conscientia sur la liberté chrétienne et la libération (22/3/1986), 81-91: A.A.S. 79 (1987) 591-595.
[65] JEAN-PAUL II, Thông điệp Sollicitudo rei socialis (30/12/1987), 41: A.A.S. 80 (1988) 571.
[66] Bộ Giáo Lý Đức Tin, Huấn thị Libertatis conscientia sur la liberté chrétienne et la libération (22/3/1986): A.A.S. 79 (1987) 554-599; Ủy ban Tòa Thánh ” Công lý và Hòa Bình “, Document Au service de la communauté humaine: une approche éthique de l’endettement international (27/12/1986): L’Osservatore Romano (28/1/1987); Document Que has hecho de tu hermano sin techo? La Iglesia ante la carencia de vivienda (27/12/1987): L’Osservatore Romano (3/2/1988); JEAN-PAUL II, Tông huấn Familiaris consortio (22/11/1981): A, A.S. 74 (1982) 81-191; Bộ Giáo Lý Đức Tin, Huấn thị Il dono della vita sur le respect de la vie humaine naissante et la dignité de la procréation (22/2/1987): L’Osservatore Romano (11/3/1987); JEAN-PAUL II, Tông thư Mulieris dignitatem (15/8/1988): L’Osservatore Romano (1/10/1988).
[67] VAT. II, Gaudium et spes, 91.
[68] Ibid., Préliminaire, note 1.
[69] Cf. JEAN XXIII, Thông điệp Mater et Magistra (15/5/1961): A.A.S. 53 (1961) 454; PAUL VI, Tông thư Octogesima adveniens (14/5/1971), 4: A.A.S. 63 (1971) 403; JEAN-PAUL II, Alloc. Esta hora à la IIIème Conférence Générale de l’Episcopat Latino-américain à Puebla (28/1/1979), Phần III, n. 7: A.A.S. 71 (1979) 203; Bộ Giáo Lý Đức Tin, Huấn thị Libertatis conscientia sur la liberté chrétienne et la libération (22/3/1986), 72: A.A.S. 79 (1987) 586.
[70] JEAN XXIII, Thông điệp Mater et Magistra (15/5/1961): A.A.S. 53 (1961) 453.
[71] VAT. II, Gaudium et spes, 17.
[72] Ibid., 12. Lời khẳng định này của Gaudium et spes phải được hiểu bằng việc lưu tâm rằng sự sắp xếp trái đất đối với con người chỉ có giá trị, đối với đức tin Kitô giáo, ở trong giả định sự tùy thuộc của con người đối với Thiên Chúa, đến nỗi con người xây dựng trái đất trong sự tuân phục chuẩn mực của Thiên Chúa chứ không phá hủy nó nhân danh sự ích kỷ của mình.
[73] Bộ Giáo Lý Đức Tin, Huấn thị Libertatis conscientia sur la liberté chrétienne et la libération (22/3/1986), 73: A.A.S. 79 (1987) 586.
[74] VAT. II, Gaudium et spes, 41.
[75] Ibid., 26. 73. 76.
[76] JEAN-PAUL II, Sứ điệp Ngày Thế Giới Hòa Bình lần thứ XXI (8/12/1987), 1: Enseignements de Jean-Paul II, X, 3 (1987) 1334.
[77] JEAN-PAUL II, Thông điệp Redemptor hominis (4/3/1979), 17: A.A.S. 71 (1979) 295 ss.; Message L’Eglise catholique aux autorités civiles signataires de l’accord d’Helsinki (1975) sur la liberté de conscience et de religion (1/9/1980): A.A.S. 72 (1980) 1252 ss.; JEAN-PAUL II, Alloc. I désire aux Représentants des Nations Unies (2/10/1979), 6: A.A.S. 71 (1979) 1146-1147; Alloc. Uma cordialissima saudaçâo aux Indiens de l’Amazonie (10/7/1980): A.A.S. 72 (1980) 960 ss.
[78] VAT. II, Gaudium et spes, 25.
[79] Ibid., 4.
[80] JEAN XXIII, Thông điệp Mater et Magistra (15/5/1961): A.A.S. 53 (1961) 453.
[81] Ibid.: A.A.S. 53 (1961) 415 ss.
[82] JEAN XXIII, Thông điệp Pacem in terris (11/4/1963): A.A.S. 55 (1963) 272.
[83] ID., Thông điệp Mater et Magistra (15/5/1961): A.A.S. 53 (1961) 417; cf. PIE XII, Radiomessage de Noël Con sempre nuova (24/12/1942): A.A.S. 35 (1943) 13
[84] JEAN XXIII, Thông điệp Pacem in terris (11/4/1961): A.A.S. 55 (1963) 272.
[85] JEAN-PAUL II, Thông điệp Sollicitudo rei socialis (30/12/1987), 39-40: A.A.S. 80 (1988) 566-569.
[86] VAT. II, Gaudium et spes, 30-32; Bộ Giáo Lý Đức Tin, Huấn thị Libertatis conscientia sur la liberté chrétienne et la libération (22/3/1986), 73: A.A.S. 79 (1987) 586; JEAN-PAUL II, Discours Je désire à la 68ème Session de la Conférence Internationale du travail (15/6/1982): A.A.S. 74 (1982) 992 ss.
[87] PIE XI, Thông điệp Quadragesimo anno (15 Mai 1931): A.A.S. 23 (1931) 203; JEAN XXIII, Thông điệp Pacem in terris (11 Avril 1963): A.A.S. 55 (1963) 294; JEAN-PAUL II, Thông điệp Laborem exercens (14/9/1981): A.A.S. 73 (1981) 616; Bộ Giáo Lý Đức Tin, Huấn thị Libertatis conscientia sur la liberté chrétienne et la libération (22/3/1986), 73: A.A.S. 79 (1987) 586.
[88] PIE XI, Thông điệp Quadragesimo anno (15 /5/1931): A.A.S. 23 (1931) 203; JEAN XXIII, Thông điệp Mater et Magistra (15 /5/1961): A.A.S. 53 (1961) 409-410. 413; PAUL VI, Thông điệp Populorum progressio (26/3/1967), 33: A.A.S. 59 (1967) 273-274; Tông thư Octogesima adveniens (14/5/1971), 46-47: A.A.S. 63 (1971) 433-437; VAT. II, Gaudium et spes, 30-31.
[89] JEAN XXIII, Thông điệp Pacem in terris (11/4/1963): A.A.S. 55 (1963) 278; VAT. II, Gaudium et spes, 9. 68; JEAN-PAUL II, Thông điệp Sollicitude rei socialis (30/12/1987), 44: A.A.S. (1988) 576-577.
[90] JEAN XXIII, Thông điệp Mater et Magistra (15/5/1961): A.A.S. 53 (1961) 423; PAUL VI, Tông thư Octogesima adveniens (14/5/1971), 22: A.A.S. 63 (1971) 417; JEAN-PAUL II, Thông điệp Laborem exercens (14/9/1981), 15: A.A.S. 73 (1981) 617; Bộ Giáo Lý Đức Tin, Huấn thị Libertatis conscientia sur la liberté chrétienne et la libération (22/3/1986), 86: A.A.S. 79 (1987) 593.
[91] Pie XII, Radiomessage de Noël Levate capita vestra (24/12/1952): A.A.S. 45 (1953) 37.
[92] JEAN XXIII, Thông điệp Mater et Magistra (15/5/1961): A.A.S. 53 (1961) 416.
[93] JEAN-PAUL II, Thông điệp Laborem exercens (14/9/1981), 14: A.A.S. 73 (1981) 612 ss.
[94] Ibid., Thông điệp Sollicitudo rei socialis (30 /12/1987), 42: A.A.S. 80 (1988) 573.
[95] VAT. II, Gaudium et spes, 69.
[96] JEAN-PAUL II, Thông điệp Laborem exercens (14/9/1981), 14: A.A.S. 73 (1981) 613.
[97] VAT. II, Gaudium et spes, 36.
[98] JEAN XXIII, Thông điệp Pacem in terris (11/4/1963): A.A.S. 55 (1963) 259.
[99] JEAN-PAUL II, Thông điệp Redemptor hominis (4/3/1979), 16: A.A.S. 71 (1979) 290 ss.
[100] JEAN XXIII, Thông điệp Pacem in terris (11/4/1963): A.A.S. 55 (1963) 265 s.; JEAN-PAUL II, Thông điệp Dives in misericordia (30/11/1980), 12: A.A.S. 72 (1980) 1215; Bộ Giáo Lý Đức Tin, Huấn thị Libertatis conscientia sur la liberté chrétienne et la libération (22 /3/1986), 3. 4. 26. 57: A.A.S. 79 (1987) 556 s. 564. 578.
[101] Bộ Giáo Lý Đức Tin, Huấn thị Libertatis conscientia sur la liberté chrétienne et la libération (22/3/1986) 89-91: A.A.S. 79 (1987) 594-595; Ủy ban Tòa Thánh « Công Lý và Hòa Bình », Au service de la communauté humaine: une approche éthique de l’endettement international (27/12/1986), Phần III: L’Osservatore Romano (28/1/1987).
[102] JEAN-PAUL II, Thông điệp Laborem exercens (14/9/1981), 3. 6. 12. 14: A.A.S. 73 (1981) 583. 589 ss. 605 s. 612 s.; Bộ Giáo Lý Đức Tin, Huấn thị Libertatis conscientia sur la liberté chrétienne et la libération (22/3/1986), 81-87: A.A.S. 79 (1987) 591-593.
[103] Bộ Giáo Lý Đức Tin, Huấn thị Libertatis conscientia sur la liberté chrétienne et la libération (22/3/1986), 74: A.A.S. 79 (1987) 587.
[104] LÉON XIII, Thông điệp Rerum novarum (15/5/1891): Acta Leonis XIII 11 (1891) 99.
[105] PIE XI, Thông điệp Quadragesimo anno (15/5/1931): A.A.S. 23 (1931) 219 s.
[106] VAT. II, Gaudium et spes, 8.
[107] PAUL VI, Thông điệp Populorum progressio (26 /3/1967), 48-49: A.A.S. 59 (1967) 281.
[108] JEAN-PAUL II, Thông điệp Laborem exercens (14/9/1981), 8: A.A.S. 73 (1981) 596.
[109] ID., Thông điệp Sollicitude rei socialis (30/12/1987), 21: A.A.S. 80 (1988) 537-539.
[110] VAT. II, Sắc lệnh Optatam totius, 20.
[111] JEAN-PAUL II, Thông điệp Laborem exercens (14/9/1981), 1: A.A.S. 73 (1981) 580.
[112] PAUL VI, Tông thư Octogesima adveniens (14/5/1971), 34: A.A.S. 63 (1971) 424 s.; Bộ Giáo Lý Đức Tin, Huấn thị Libertatis nuntius sur quelques aspects de la ” Théologie de la libération ” (6/8/1984), partie VII, n. 6: A.A.S. 76 (1984) 890 s.
[113] PAUL VI, Tông thư Octogesima adveniens (14/5/1971), 26: A.A.S. 63 (1971) 420.
[114] JEAN XXIII, Thông điệp Pacem in terris (11/4/1963): A.A.S. 55 (1963) 300; Document de Puebla, 554-557.
[115] JEAN-PAUL II, Thông điệp Sollicitude rei socialis (30/12/1987), 41: A.A.S. 80 (1988) 571.
[116] ID., Thông điệp Laborem exercens (14/9/1981), 12. 14 s.: A.A.S. 73 (1981) 605 s. 612 s.
[117] PAUL VI, Tông thư Octogesima adveniens (14/5/1971), 36: A.A.S. 63 (1971) 425.
[118] JEAN XXIII, Thông điệp Mater et Magistra (15/5/1961): A.A.S. 53 (1961) 455 s.
[119] Bộ Giáo Lý Đức Tin, Huấn Thị Libertatis conscientia sur la liberté chrétienne et la libération (22 Mars 1986), 76: A.A.S. 79 (1987) 588 s.
[120] JEAN-PAUL II, Thông điệp Redemptor hominis (4/3/1979), 16: A.A.S. 71 (1979) 292-293.
[121] ID., Thông điệp Laborem exercens (14/9/1981), 8: A.A.S. 73 (1981) 596.
[122] Bộ Giáo Lý Đức Tin, Huấn thị Libertatis conscientia sur la liberté chrétienne et la libération (22 /3/1986), 77: A.A.S. 79 (1987) 589; JEAN-PAUL II, Thông điệp Laborem exercens (14/9/1981), 20: A.A.S. 73 (1981) 629 ss.
[123] VAT. II, Gaudium et spes, 43; Sắc lệnh Apostolicam actuositatem, 13; Bộ Giáo Lý Đức Tin, Huấn thị Libertatis conscientia sur la liberté chrétienne et la libération (22 /3/1986), 80: A.A.S. 79 (1987) 590 s.; Huấn thị Libertatis nuntius sur quelques aspects de la ” Théologie de la libération “ (6/8/1984), 12-14: A.A.S. 76 (1984) 906 ss.
[124] VAT. II, Gaudium et spes, 43; CONGR. POUR LA DOCTRINE DE LA FOI, Huấn thị Libertatis nuntius sur quelques aspects de la ” Théologie de la libération “ (6/8/1984), 14: A.A.S. 76 (1984) 906 ss.
[125] VAT. II, Lumen gentium, 33.
[126] JEAN-PAUL II, Tông thư Salvifici doloris (11/2/ 1984): A.A.S. 76 (1984) 201 ss.
[127] LÉON XIII, Thông điệp Rerum novarum (15/5/1891): Acta Leonis XIII 11 (1891) 141 ss.; PIE XI, Thông điệp Quadragesimo anno (15/5/1931): A.A.S. 23 (1931) 182.
[128] JEAN XXIII, Thông điệp Mater et Magistra (15/5/1961): A.A.S. 53 (1961) 402.
[129] VAT. II, Sắc lệnh Apostolicam actuositatem, 7.
[130] PAUL VI, Tông thư Octogesima adveniens (14/5/1971), 48: A.A.S. 63 (1971) 437 s.
[131] JEAN-PAUL II, Thông điệp Laborem exercens (14/9/1981), 2: A.A.S. 73 (1981) 581.
[132] ID., II, Alloc. C’est la deuxième aux délégués de la ” Caritas internationalis ” (30/5/1983): Enseignements de Jean-Paul II, VI, 1 (1983) 1399 ss.
[133] Bộ Giáo Lý Đức Tin, Huấn thị Libertatis conscientia sur la liberté chrétienne et la libération (22/3/1986), 66-70: A.A.S. 79 (1987) 582-585; JEAN-PAUL II, Thông điệp Sollicitude rei socialis (30/12/Décembre 1987), 42: A.A.S. 80 (1988) 572.
[134] JEAN-PAUL II, Thông điệp Sollicitudo rei socialis (30/12/1987), 42: A.A.S. 80 (1988) 573.
[135] VAT. II, Gaudium et spes, 76; JEAN-PAUL II, Thông điệp Sollicitudo rei socialis (30/12/1987), 42: A.A.S. 80 (1988) 571.
[136] VAT. II, Gaudium et spes, 75.
[137] Ibid., 43.
[138] Ibid., 76; Document de Puebla, 521. 523.
[139] C.I.C., can. 227.
[140] Document de Puebla, 526-527; C.I.C., can. 287.
[141] JEAN XXIII, Thông điệp Mater et Magistra (15 /5/1961): A.A.S. 53 (1961) 453.
[142] Mt 5, 13-14; 13, 13. 24.
[143] VAT. II, Sắc lệnh Optatam totius, 5
[144] Ibid., 8.
[145] PAUL VI, Tông thư Octogesima adveniens (14/5/1971), 42: A.A.S. 63 (1971) 431.
[146] VAT. II, Gaudium et spes, 62; Sắc lệnh Optatam totius, 20.
[147] ID., Gaudium et spes, 43; Sắc lệnh Optatam totius, 19.
[148] C.I.C., can. 255.
[149] Ibid., can. 256.
[150] VAT. II, Gaudium et spes, 43.
[151] Ibid.
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- THƯ VỀ VIỆC ĐỔI MỚI NGHIÊN CỨU LỊCH SỬ GIÁO HỘI
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 14. CÁC ƠN CỦA HIỀN THÊ. CÁC ĐẶC SỦNG, NHỮNG ƠN CỦA CHÚA THÁNH THẦN VÌ ÍCH CHUNG
- SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO NGÀY QUỐC TẾ GIỚI TRẺ LẦN THỨ 39 : TÔI XÂY DỰNG CUỘC SỐNG CỦA TÔI TRÊN NHỮNG NIỀM HY VỌNG NÀO ?
- TÀI LIỆU CHUNG KẾT THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC LẦN THỨ XVI
- “HÃY ĐẾN TẤT CẢ CÁC NHÀ TÙ”
- LAO ĐỘNG: PHÚC LÀNH HAY HÌNH PHẠT THEO THÁNH KINH?
- CÔNG ÍCH THƯỜNG BỊ PHỚT LỜ TRONG HÀNH ĐỘNG
- NGƯỜI CÔNG GIÁO, NHỮNG NHÀ VÔ ĐỊCH HOẠT ĐỘNG TÌNH NGUYỆN Ở PHÁP
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 13. MỘT BỨC THƯ ĐƯỢC VIẾT BỞI THÁNH THẦN CỦA THIÊN CHÚA HẰNG SỐNG : ĐỨC MARIA VÀ CHÚA THÁNH THẦN
- SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ CHO NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO LẦN THỨ VIII (2024) : TRỞ THÀNH BẠN HỮU CỦA NGƯỜI NGHÈO
- ĐỐI VỚI TÒA THÁNH, NẠN PHÂN BIỆT CHỦNG TỘC TRỰC TUYẾN ĐÒI HỎI MỘT QUY ĐỊNH MỚI
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 12. « CHÚA THÁNH THẦN CHUYỂN CẦU CHO CHÚNG TA ». CHÚA THÁNH THẦN VÀ KINH NGUYỆN KITÔ GIÁO
- ĐỨC THÁNH CHA KÊU GỌI GIEO HY VỌNG CHO NHỮNG NGƯỜI DỄ BỊ TỔN THƯƠNG NHẤT
- KHI CÁC GIẢI THƯỞNG NOBEL KINH TẾ KHỚP VỚI HỌC THUYẾT XÃ HỘI CỦA GIÁO HỘI
- THÔNG ĐIỆP DILEXIT NOS – Bản dịch Việt ngữ
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 11. «NGÀI ĐÃ XỨC DẦU CHO CHÚNG TA VÀ ĐÃ ĐÓNG ẤN TÍN TRÊN CHÚNG TA». BÍ TÍCH THÊM SỨC, BÍ TÍCH CỦA CHÚA THÁNH THẦN
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT XXX THƯỜNG NIÊN NĂM B : CHÚA GIÊSU ĐẾN GẦN CHÚNG TA NƠI NHỮNG NGƯỜI NGHÈO
- CHA GUSTAVO GUTIÉRREZ, “CHA ĐẺ” CỦA NỀN THẦN HỌC GIẢI PHÓNG, QUA ĐỜI
- THƯỢNG HỘI ĐỒNG BẮT ĐẦU GIAI ĐOẠN CUỐI CÙNG
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 10. « CHÚA THÁNH THẦN, HỒNG ÂN CỦA THIÊN CHÚA ». CHÚA THÁNH THẦN VÀ BÍ TÍCH HÔN NHÂN