(NHỮNG) NGƯỜI TÔI TỚ CỦA CHÚA TRONG SÁCH I-SAI-A
Bài nói chuyện của Cha Charles Conroy, MSC. Thầy Phêrô Nguyễn Quí Khôi (DCV Huế) trích dịch từ Journeys and Servants, do Catholic Biblical Association of the Philippines xuất bản, 2003.
============
Chủ đề bài nói chuyện này của tôi là “(Những) người tôi tớ của Chúa trong Sách I-sai-a”, với chữ “những” đặt trong dấu ngoặc đơn, vì đó là một trong những điểm chính yếu tôi muốn tập chú vào.
I. GIỚI THIỆU
1. Nhận hiểu sứ mạng của Chúa Giê-su
Tôi xin giới thiệu ba điểm. Thứ nhất là tầm quan trọng của chủ đề hay phạm trù “(những) người tôi tớ của Chúa” trong việc nhận hiểu sứ mạng của Chúa Giêsu. Điểm này không cần phải khai triển nhiều. Tất cả những gì chúng ta cần làm là mở Tin Mừng theo Thánh Mác-cô, ngay chương đầu tiên chúng ta có trình thuật Chúa Giê-su chịu phép rửa, với tiếng phán từ trời “Đây là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con” (Mc 1,11). Chúng ta không thấy có từ “tôi tớ” nhưng cụm từ “Cha hài lòng về Con” gợi nhắc lại Is 42,1 – đoạn nói về người tôi tớ của Chúa. Nói cách khác, vào giờ phút long trọng của biến cố Chúa chịu phép rửa, Tin Mừng Mác-cô trình bày Chúa Giê-su như người tôi tớ của Thiên Chúa.
Rồi, trong Mc 10,45, ta đọc thấy: “Con Người đến không phải để được phục vụ nhưng để phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc cho muôn người”. Cụm từ “cho muôn người” ám chỉ đến Is 53, chương nổi tiếng trình bày người Tôi Tớ Đau Khổ. Cuối cùng, trong trình thuật Thánh Thể, Chúa Giê-su tuyên bố “Đây là máu giao ước đổ ra cho muôn người” (Mc 14,24). Đây cũng là một ám chỉ về Chúa Giê-su như người Tôi Tớ Đau Khổ vào lúc lập Bí Tích Thánh Thể trước cuộc khổ nạn. Như vậy, chỉ trong Tin Mừng Mác-cô thôi ta đã có những điểm mấu chốt nối kết Chúa Giê-su với hình ảnh người tôi tớ của Thiên Chúa. Còn nhiều đoạn văn khác nữa trong Tân Ước mà ta thấy Chúa Giê-su được nối kết, cách này hay cách khác, với nhân vật người tôi tớ của Thiên Chúa trong Sách I-sai-a. Tuy nhiên, điều mà tôi muốn chỉ ra ở cuối bài nói chuyện này, đó là Tân Ước còn sử dụng chủ đề người tôi tớ của Thiên Chúa theo cách khác nữa.
2. Thống kê và ngữ nghĩa
Điểm thứ hai là chủ đề “người tôi tớ” trong Sách I-sai-a xét về mặt thống kê và ngữ nghĩa. Nói “thống kê”, tôi muốn nói đến những đoạn văn mà trong đó ta gặp thấy chủ đề hay cụm từ “(những) người tôi tớ của Chúa”, “tôi tớ Chúa”, “tôi tớ Ngài”, tức việc sử dụng mang tính thần học của từ “tôi tớ”. Những ai đã nghiên cứu sơ qua về các ngôn sứ, về I-sai-a, sẽ nói ngay rằng “Ồ, có bốn bài ca người tôi tớ trong Sách I-sai-a”, và dĩ nhiên là họ đúng. Tuy nhiên, điều tôi muốn nói ở đây là không chỉ trong bốn bài ca này của Sách I-sai-a chúng ta mới tìm thấy chủ đề “(những) người tôi tớ của Chúa”. Nếu kiểm tra tất cả các lần xuất hiện cụm từ “(những) người tôi tớ”, chúng ta ghi nhận rằng có ba lần sử dụng mang tính thần học chủ đề “người tôi tớ” trong ba mươi chín chương đầu của Sách I-sai-a. Có mười tám lần sử dụng chủ đề đó trong Is 40-55 – được gọi là I-sai-a Đệ Nhị, và tám lần trong phần thứ ba của sách, tức Is 55-66. Như vậy là có hai mươi chín lần sử dụng cả thảy, nhưng chỉ có bảy lần được dùng trong bốn bài ca người tôi tớ. Điều này cho thấy rằng muốn có cái nhìn đầy đủ hơn về chủ đề “người tôi tớ”, chúng ta không thể và không nên tự giới hạn ở bốn bài ca người tôi tớ mà thôi. Việc tìm hiểu khái lược các con số thống kê giúp chúng ta có một định hướng cho đề tài của tôi trong bài nói chuyện này.
Còn về “ngữ nghĩa”, tôi muốn nói đến từ tôi tớ trong tiếng Híp-ri là ebed. Tôi muốn đề cập đến nó vì ngữ nghĩa của từ ebed trong tiếng Híp-ri không hoàn toàn giống với từ “servant” trong tiếng Anh. Trong Anh ngữ, “servant” hầu như luôn chỉ về một địa vị thấp trong bậc thang xã hội. Trong tiếng Híp-ri, từ ngữ này không nhất thiết mang sắc thái ý nghĩa như vậy, dù vẫn có những lúc nó mang sắc thái đó. Ebed là một nô lệ theo nghĩa đầy đủ, hoặc một đầy tớ trong nhà. Nhưng ebed cũng có thể là một vị quan cấp cao trong triều đình, hay một sĩ quan cấp cao trong quân đội, vì trong tiếng Híp-ri, ngữ nghĩa của từ ebed nói lên mối quan hệ phụ thuộc. Một vị quan cấp cao hay một tướng lãnh thì phụ thuộc vào nhà vua ở Ít-ra-en; những người này có thể được gọi là ebed. Vì thế, từ ebed không nhất thiết chỉ về địa vị hèn mọn hay sự thấp kém. Ta cần phải xem có đúng vậy không qua từng bản văn.
3. Chọn một cách tiếp cận
Cuối cùng, việc chọn một cách tiếp cận đối với bản văn trong Sách I-sai-a đặt chúng ta vào lĩnh vực phương pháp chú giải, một lĩnh vực rất phức tạp và rất dễ gây tranh cãi. Tôi đang đối chiếu phương pháp phê bình truyền thống với một cách tiếp cận gần đây hơn. Trong cách tiếp cận phê bình truyền thống, phương pháp chủ đạo mang tính lịch sử, hay hầu như thuần túy lịch sử. Sách I-sai-a được chia thành ba phần như tôi đã đề cập: Is 1-39 – trong đó chúng ta tìm thấy tiếng nói của I-sai-a không phải trong tất cả nhưng trong một số đoạn; Is 40-55 – xuất hiện vào giai đoạn nhiều người Do thái lưu đày ở Ba-bi-lon; và Is 55-66 – ra đời khi một số người Do thái hồi hương từ Ba-bi-lon và tái thiết cộng đồng của họ ở Giê-ru-sa-lem giữa trăm chiều thử thách.
Trong ba phần này, nhiều học giả tách bốn bài ca người tôi tớ ra riêng. Ta tìm thấy chúng trong Is 42, 49-50, và 52-53. Việc tách bốn bài ca người tôi tớ dựa trên giả thuyết là trước đây các bài ca này đã tồn tại tách biệt trong một quyển riêng. Vì vậy, nên xem xét ý nghĩa của bốn bài ca này bằng cách tìm hiểu các đoạn văn của chúng mà thôi. Đó là lý do tại sao rất nhiều bài trình bày về chủ đề “người tôi tớ” trong Sách I-sai-a, nhất là vào thời kỳ trước, chỉ khảo sát bốn bài ca người tôi tớ. Như đã đề cập, cách làm này dựa trên luận đề lịch sử là chúng tồn tại tách biệt trong một quyển sách riêng. Điều này có thể đúng nhưng phải là tất cả câu chuyện. Và trong những năm gần đây người ta ngày càng ý thức hơn như thế.
Cách tiếp cận gần đầy hơn – không chỉ trong việc nghiên cứu chủ đề này hay quyển sách này mà là trong nghiên cứu Thánh Kinh nói chung – là tiên vàn hãy đánh giá cao dạng đang tồn tại của bản văn, hay còn gọi là dạng cuối cùng của bản văn. Trong ngôn ngữ chuyên môn hơn, nó được gọi là nghiên cứu đồng đại (synchronic). Áp dụng vào Sách I-sai-a, điều này có nghĩa là chúng ta nghiên cứu tất cả các đoạn văn về người tôi tớ như chúng ta có trước mắt bây giờ. Khi nghiên cứu một đoạn văn về người tôi tớ, chúng ta không làm cách riêng biệt hay chỉ trong liên hệ với ba bài ca khác. Chúng ta tìm hiểu nó trong nối kết với tất cả các bản văn về “người tôi tớ” trong sách, vì đây là một quyển sách. Đó chỉ là một dữ kiện thường nghiệm.
Ở Qumran, có một cuộn Sách I-sai-a với nội dung đúng như nội dung sách I-sai-a mà ta đang có; vậy sách I-sai-a đúng là một quyển sách. Vì thế, trong cách tiếp cận mới mẻ hơn này, chúng ta bắt đầu nghiên cứu bằng việc xem xét hình thức cuối cùng của bản văn, tức là toàn bộ Sách I-sai-a, và bằng việc tìm hiểu bất kỳ đoạn văn nào đó trong liên hệ với phần còn lại của sách. Đó là giai đoạn đầu tiên của công việc chú giải. Sau khi nghiên cứu kỹ hình thức cuối cùng của bản văn, chúng ta tự hỏi nó xuất phát từ đâu. Nói cách khác, chúng ta đi vào việc nghiên cứu phê bình lịch sử, hay dùng một thuật ngữ có tính chuyên môn hơn: nghiên cứu lịch đại (diachronic). Chúng ta muốn biết những đoạn văn này xuất phát từ đâu. Vì không phải tất cả chúng đều được viết bởi cùng một tác giả, nên chúng ta cố hết sức để chỉ rõ bối cảnh mà những bản văn khác nhau này xuất hiện, chỉ rõ những vấn đề mà chúng nhằm giải quyết lúc ban đầu… Nói khác đi, phương pháp tiếp cận mới hơn này phân biệt hai giai đoạn trong việc chú giải: nghiên cứu dạng cuối cùng của bản văn (nghiên cứu đồng đại) và nghiên cứu phê bình lịch sử (nghiên cứu lịch đại). Đó là trình tự tôi sẽ theo trong bài trình bày này.
II. CHỦ ĐỀ “NGƯỜI TÔI TỚ” TRONG Is 40-55
Ở đây, một số người có thể lập tức muốn phản bác rằng “Cha đã nói là có ba đoạn văn về người tôi tớ trong Is 1-39 kia mà. Tại sao Cha không xem xét chúng trước tiên? Nếu Cha đang làm việc với hình thức cuối cùng của bản văn thì thiết tưởng cần phải xem xét chúng chứ!” Lời phản đối này hoàn toàn đúng. Nhưng lý do tôi không làm như vậy là vì thời gian quá ngắn và ba đoạn văn trong Is 1-39 nói về ba nhân vật cụ thể ở Giu-đa: hai viên quan ở vương quốc Giu-đa và Đa-vít. Những nhân vật này thực sự không có liên hệ nhiều với các bản văn trong phần còn lại của sách; vì vậy tôi sẽ không đề cập chi tiết. Chúng ta xúc tiến với phần thứ hai của sách.
1. Ba đoạn văn trong Is 41-42
Chúng ta bắt đầu với Is 41-42, tức ba đoạn văn đầu tiên trong phần thứ hai của sách đề cập đến người tôi tớ của Chúa. Những kết luận mà tôi cố gắng rút ra từ ba đoạn văn này sẽ vô cùng quan trọng đối với các đoạn văn về người tôi tớ còn lại. Tại sao? Bởi vì chúng ta sẽ đọc lần lượt từng đoạn. Nghĩa là đoạn văn được đọc trước sẽ qui định việc đọc các đoạn tiếp theo. Chúng ta sẽ không tìm hiểu các đoạn văn một cách tách biệt.
Đoạn văn đầu tiên nằm trong Is 41,8-13. Tôi muốn chú ý đến ai là người tôi tớ của Chúa trong đoạn này. Thật rõ:
Phần ngươi, hỡi Ít-ra-en, tôi tớ của Ta, hỡi Gia-cóp, kẻ Ta tuyển chọn, dòng dõi Áp-ra-ham, bạn của Ta, Ta đã đưa ngươi về từ tận cùng cõi đất, kêu gọi ngươi từ những miền xa thẳm. Ta đã nói với ngươi: “Ngươi là tôi tớ Ta, Ta đã chọn ngươi… Ta lại còn trợ giúp người với tay hữu toàn thắng của Ta”.
Hoàn toàn rõ: người tôi tớ của Chúa là Ít-ra-en. Dân Ít-ra-en được mô tả như người tôi tớ của Chúa. Trong ngôn ngữ nhân hóa này, đó là một cá nhân ở dạng số ít. “Ngươi là tôi tớ Ta” – không phải dạng số nhiều “các ngươi”, nhưng là “ngươi” dạng số ít. Nói cách khác, đây là biện pháp nhân hóa một dân tộc như là một cá nhân. Nhưng đó là dân tộc được CHỌN bởi Thiên Chúa, được KÊU GỌI từ tận cùng cõi đất, được BẢO đừng sợ hãi, được HỨA ban sức mạnh và sự giúp đỡ của Thiên Chúa, và được HỨA rằng Thiên Chúa sẽ TRỢ GIÚP họ.
Chúng ta sang đoạn văn thứ hai. Việc đọc đoạn này sẽ được chế định bởi việc đọc đoạn đầu tiên. Đoạn văn thứ hai – Is 42,1-9 – không chỉ rõ người tôi tớ là ai. Tiếng nói của Chúa giới thiệu người tôi tớ: “Đây là người tôi tớ Ta nâng đỡ, là người Ta tuyển chọn và quý mến hết lòng. Ta cho thần khí Ta ngự trên nó; nó sẽ làm sáng tỏ công lý trước muôn dân… ngươi sẽ là giao ước với dân, là ánh sáng chiếu soi muôn nước, để mở mắt cho những ai mù lòa…” Đoạn văn nói về một người tôi tớ mông lung, không xác định. Trong cách đọc bản văn ở dạng cuối cùng, khuynh hướng tự nhiên của chúng ta là đồng nhất người tôi tớ không được xác định này với người tôi tớ mà chúng ta đã nhận biết từ đoạn văn trước – đó là dân It-ra-en. “Dân” cũng được nhắc đến ở trong đoạn văn thứ hai. Cách đọc này là khả dĩ vì căn cứ trên đoạn văn trước vốn cũng thuộc hình thức cuối cùng của sách. Để khẳng định điều này, ta thấy Is 42 có “những liên hệ về ngôn ngữ” với đoạn trước đó. Người tôi tớ trong Is 42,1 được Thiên Chúa TRỢ GIÚP; cũng vậy, người tôi tớ Ít-ra-en trong Is 41,10 được Thiên Chúa TRỢ GIÚP. Người tôi tớ trong Is 42,1 được CHỌN bởi Thiên Chúa; còn người tôi tớ Ít-ra-en trong Is 41,8 là Gia-cóp, “kẻ ta TUYỂN CHỌN”. Đây không chỉ là vấn đề đoạn này đi theo đoạn kia, mà còn là đoạn này vọng lại đoạn kia ở bình diện từ vựng, điều này dường như xác nhận rằng hầu chắc Is 42 nói về dân tộc Ít-ra-en.
Nhưng đây là dân tộc Ít-ra-en theo nghĩa lý tưởng. Đoạn văn trong Is 42 phác họa dân tộc này phải nên như thế nào, họ được gọi để: mang công lý đến cho muôn dân, và làm điều này một cách phi bạo lực và không áp đặt, không trở nên yếu nhược hay bị nghiền nát bởi khó khăn, nhưng là bền đỗ can trường trong sức mạnh của Thiên Chúa cho đến khi thiết lập được nền công lý trên địa cầu, và dân các hải đảo sẽ mong được họ chỉ bảo. Ơn gọi của dân It-ra-en là trở nên ánh sáng cho muôn dân. Đây là lý tưởng của họ, là điều họ phải trở thành. Nhưng thực tế họ có được như vậy không? Chúng ta hãy xem đoạn thứ ba.
Đoạn thứ ba là Is 42,18-25. “Ai mù, nếu không phải là tôi tớ Ta? Ai điếc như người được Ta sai đi là sứ giả?” (Is 42,19). Đây là một hình ảnh rất khác. Cả trong đoạn văn này, người tôi tớ không được xác định. Nhưng như chúng ta thấy, hầu chắc người tôi tớ mù và điếc ở đây chính là Ít-ra-en, theo một nghĩa hiện thực hơn. Người tôi tớ ở đây biểu trưng nhiều người trong dân Ít-ra-en vẫn chưa nhận ra ơn gọi của mình là gì, vẫn còn bưng tai trước lời Chúa, vẫn chưa nội tâm hóa và chấp nhận ơn gọi và sứ mạng của mình. Họ được gọi là người tôi tớ, nhưng vẫn đui và điếc.
Tóm lại, điều tôi đề nghị là chúng ta có thể đọc cả ba đoạn văn trên trong quy chiếu đến dân tộc Ít-ra-en từ những khía cạnh và quan điểm khác nhau, từ tiếng gọi lý tưởng dành cho họ (họ phải trở thành gì), và cuối cùng là: trong thực tế họ đang thế nào (họ vẫn còn mù và điếc trước ơn kêu gọi của mình). Dù nhìn từ góc nào, thì “người tôi tớ” ấy vẫn là dân It-ra-en. Xin lưu ý rằng một trong những đoạn văn này (đoạn ở phần đầu Is 42) theo truyền thống được gọi là Bài Ca Thứ Nhất về Người Tôi Tớ. Ở đây, tôi đã không xét nó cách tách biệt, nhưng như là một trong ba đoạn được nêu trên.
2. Các đoạn văn trong Is 43-49
Có một số đoạn văn về người tôi tớ trong Is 43-49. Tôi sẽ không liệt kê chi tiết ngoại trừ đoạn văn cuối cùng. Chúng hoàn toàn không có vấn đề – trừ khi chúng ta đọc đến Is 49 – vì mỗi đoạn đều rõ ràng nói về dân Ít-ra-en. Điều này dường như xác nhận cách đọc tôi đã đề nghị cho các đoạn văn trước đó. Trong tất cả các đoạn văn này, người tôi tớ của Chúa chính là Ít-ra-en. Chúng ta thấy ở gần cuối, trong Is 48,20: “Đức Chúa đã chuộc Gia-cóp, tôi tớ Ngài”. Đây không phải là tổ phụ Gia-cóp, mà là Gia-cóp hiểu như một tên gọi gán cho Ít-ra-en.
Sau đó chúng ta có Is 49,1-13, theo truyền thống được gọi là Bài Ca Thứ Hai về Người Tôi Tớ. “Đức Chúa đã phán cùng tôi (ngôi thứ nhất số ít trong đoạn này là người tôi tớ): ‘Hỡi Ít-ra-en là tôi tớ Ta. Nơi ngươi Ta sẽ biểu lộ vinh quang’” (Is 49,3). Như vậy, một lần nữa, người tôi tớ ở đây là Ít-ra-en. Tuy nhiên, ta phải nói rằng đó không thể là toàn bộ dân Ít-ra-en, nhưng là chỉ một phần của dân này. Tại sao? Vì trong Is 49,5 ta đọc thấy: “Ngài là Đấng nhào nặn ra tôi từ khi tôi còn trong lòng mẹ để tôi trở thành tôi tớ Ngài, đem nhà Gia-cóp về cho Ngài, và quy tụ dân Ít-ra-en chung quanh Ngài”. Mà này, nếu Ít-ra-en là người tôi tớ, thì hóa ra đoạn văn đang nói rằng Ít-ra-en có một sứ mạng đối với Ít-ra-en! Có thể như vậy được chăng?
Tôi nghĩ có khả năng rằng giữa lòng dân tộc Ít-ra-en có những người đã nhận thức được ơn gọi của mình, họ đã nội tâm hóa tiếng gọi của Chúa. Những người Ít-ra-en này đang được sai đến với chính đồng bào It-ra-en – những người đang bị mù và điếc theo một nghĩa nào đó – để cố thuyết phục họ chấp nhận lời của Chúa, chấp nhận tiếng gọi dành cho mình và thoát khỏi tình trạng mù điếc nơi mình. Nghĩa là điều ta thấy nổi lên ở đoạn này là một nhóm người Ít-ra-en trung thành đang thực thi sứ mạng trước hết đối với đồng bào của mình. Trong khi thực hiện sứ mạng này, họ đã gặp phải sự thất vọng. Vì thế ta đọc thấy trong Is 49,4: “Tôi vất vả luống công, phí sức mà chẳng được gì”. Nói cách khác, họ than thở rằng “Tất cả những công việc tôi làm để cố thuyết phục đồng bào Ít-ra-en tin rằng Thiên Chúa kêu gọi họ trở thành ánh sáng cho muôn dân dường như không sinh được kết quả nào”. Điều này cũng xảy ra với tất cả chúng ta trong sứ vụ của mình. Nếu chúng ta đảm nhận nhiều công việc và quảng đại dấn thân phục vụ tha nhân nhưng chẳng đạt được kết quả, thì chúng ta có xu hướng thất vọng, rồi hầu như muốn bỏ cuộc. Nhưng nhóm người tôi tớ ở đây không bỏ cuộc, vì họ nói “Sự nghiệp của tôi là với Chúa, phần thưởng của tôi là với Ngài”. Và họ vẫn tiếp tục sứ mạng mặc dù không thấy nhiều kết quả. Vì thế, chúng ta ghi nhận rằng cho tới đây – gồm cả đoạn văn này trong Is 49, được gọi là Bài Ca Thứ Hai về Người Tôi Tớ – chúng ta có thể đọc tất cả các đoạn văn trên trong quy chiếu về dân Ít-ra-en, dĩ nhiên theo những ý nghĩa khác nhau.
3. Các đoạn văn trong Is 50-55
Is 50-55 có ba đoạn nói về người tôi tớ. Trong Is 50,4-11, chúng ta có cái mà truyền thống vẫn gọi là Bài Ca Thứ Ba về Người Tôi Tớ, và chủ đề về những khó khăn, đau khổ, chống đối mà người tôi tớ phải chịu được thấy một cách ấn tượng hơn: “Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu. Tôi đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ” (Is 50,6). Điều này có lẽ muốn nói đến ngay cả những chống đối về thể lý, những đau đớn trong thân xác mà người tôi tớ là nhóm người Ít-ra-en trung thành phải hứng chịu. Nhưng một lần nữa, nhóm tôi tớ này tin tưởng vào sự trợ giúp của Chúa, và vì thế họ có can đảm để bước tới: “Có Đức Chúa là Chúa Thượng phù trợ tôi, vì thế, tôi đã không hổ thẹn, vì thế, tôi trơ mặt ra như đá. Tôi biết mình sẽ không phải thẹn thùng” (Is 50,7).
Chúng ta chuyển sang bản văn nổi tiếng về Người Tôi Tớ Đau Khổ trong Is 52,13-53,12. Đoạn văn này mở đầu và kết thúc với một đề cập về những đau khổ của người tôi tớ. Còn trong phần giữa, chúng ta có những mô tả về các đau khổ đó. Những điều này được tường thuật bởi một nhóm người, với đại từ số nhiều “chúng tôi”. Is 53,1 viết: “Điều chúng tôi đã nghe, ai mà tin được? Cánh tay uy quyền của Đức Chúa đã được tỏ cho ai?” Chúng tôi ở đây là ai? Ai là nhóm người đang kể về những đau khổ của người tôi tớ và nhận biết ý nghĩa của những đau khổ ấy? Rõ ràng là những kẻ đang nghe nhóm người này nói không nhận ra ý nghĩa sự đau khổ của người tôi tớ. Phải chăng, một lần nữa, đây là một nhóm người Ít-ra-en trung thành, những người nhận biết ý nghĩa của mọi đau khổ mà dân It-ra-en đã trải qua do cuộc chinh phạt của người Ba-bi-lon khi xứ sở của họ bị xâm lăng, thành Giê-ru-sa-lem bị thất thủ, đền thờ bị tiêu hủy, tường thành bị phá đổ, vương triều Đa-vít bị xóa bỏ, khi tất cả nền tảng cơ chế của niềm hy vọng nơi họ xét như một dân tộc dường như không còn? Một nhóm người Ít-ra-en đã nhận hiểu điều này. Họ hiểu rằng đau khổ của họ là một thứ đau khổ cho người khác, và họ muốn làm cho đồng bào Ít-ra-en của mình cũng hiểu điều này. Họ muốn làm cho đồng bào mình trở thành miêu duệ của It-ra-en người tôi tớ đau khổ: “Nếu người hiến thân làm lễ vật đền tội, người sẽ được thấy kẻ nối dõi, sẽ được trường tồn” (Is 53,10).
Tuy nhiên, cần phải bổ sung thêm: là độc giả Ki-tô giáo, chúng ta rất sẵn lòng đọc bản văn này trong Sách I-sai-a như là sự báo trước về cuộc khổ nạn của Chúa Giê-su. Trong tư cách là độc giả Kitô giáo, chúng ta có mọi cơ sở để đọc như thế. Nhưng có lẽ vào giai đoạn tiền Ki-tô giáo, những đoạn văn này có một ý nghĩa khác. Đó không đơn thuần hay không duy chỉ là lời tiên báo về Đấng Mê-si-a trong tương lai; nó có một tầng ý nghĩa ban sơ của nó qui chiếu về dân Ít-ra-en. Nó nói về những đau khổ của dân tộc It-ra-en. Và rồi, qua thời gian, khi thực tế về những đau khổ của Đức Kitô xảy ra, người Ki-tô hữu suy tư về những đoạn văn này nhận thấy có nhiều điều nhắc họ nhớ đến những đau khổ của Đức Ki-tô và giúp họ nhận hiểu những đau khổ ấy. Nhưng điều đó không có nghĩa rằng bản văn không hề có một tầng ý nghĩa ban sơ của nó. Và đấy là điều mà tôi muốn nêu ra: Người Tôi Tớ Đau Khổ ở đây, trong ý nghĩa ban sơ, chính là dân Ít-ra-en.
Cuối cùng, đoạn văn sau rốt về người tôi tớ trong phần này của quyển sách là Is 54,17. Nó là một bản văn rất khác. Đây là “phần sản nghiệp của ‘những người tôi tớ’ Đức Chúa và sự công chính Ta dành sẵn cho những người này”. Chúng ta thấy dạng số nhiều, “những người tôi tớ” của Chúa, xuất hiện lần đầu tiên ở đây. Những người tôi tớ của Chúa này là ai? Phải chăng họ là con cháu của người tôi tớ đau khổ như đã đề cập trong Is 50,3? Chắc chắn đó là một khả năng.
Tại điểm này, hầu chắc là có thể giữ quan điểm rằng chúng ta có thể đọc tất cả các đoạn văn về người tôi tớ trong Is 40-55 trong quy chiếu đến dân tộc Ít-ra-en, theo nghĩa này hay nghĩa khác: đôi khi đó là một nhóm người trong dân hay một nhóm trung thành, đôi khi đó là toàn dân, đôi khi đó là những người bất tín trong dân, mù và điếc, nhưng luôn luôn các đoạn văn này qui hướng về dân.
III. “NHỮNG NGƯỜI TÔI TỚ CỦA CHÚA” TRONG Is 56-66
Ở đây tôi sẽ đi nhanh hơn nhiều, và không đề cập chi tiết bất cứ đoạn văn cụ thể nào. Người tôi tớ của Chúa được đề cập trong phần đầu, tức Is 56-59, và nhất là trong Is 66, tức chương kết thúc của sách. Mọi bản văn ở đây đều nói về người tôi tớ ở dạng số nhiều: “những người tôi tớ” của Chúa. Như vậy, điều được chuẩn bị trong đoạn văn cuối của phần hai (Is 54,17) giờ đây được gặp thấy trong tất cả các đoạn văn của phần ba – nói về những người tôi tớ của Chúa.
Một điểm then chốt trong đoạn văn đầu tiên ở đây (Is 56,6) là giờ đây “những người tôi tớ của Chúa” bao gồm cả dân ngoại nữa. Đây là một đoạn văn mở thoáng một cách lạ thường đối với cách viết của người Ít-ra-en: “Người ngoại bang nào gắn bó cùng Đức Chúa để phụng sự Ngài và yêu mến Thánh Danh, cùng trở nên tôi tớ của Ngài”. Những người ngoại bang cũng là những tôi tớ của Chúa! Một lần nữa, hiển nhiên là trong tư cách độc giả Ki-tô giáo, chúng ta có thể có nhiều điều để đào sâu đoạn văn này. Nhưng điều thú vị là ngay ở đây chúng ta đã tìm thấy nó. Tuy nhiên, đây là một trường hợp ngoại lệ; quả thực, đây là lần duy nhất trong phần này của quyển sách nói rõ rằng những người ngoại quốc cũng có thể là những người tôi tớ của Chúa.
Đa số các trường hợp khác được chúng ta tìm thấy trong Is 65-66. Ta đang ở giai đoạn sau thời lưu đày, ở Giê-ru-sa-lem sau khi trở về từ Ba-bi-lon, lúc mà người Ba-tư cai trị đất nước nhưng cho phép cộng đồng Giê-ru-sa-lem được tái thiết. Thời kỳ này có nhiều khó khăn, nhiều thất vọng. Chúng ta đọc thấy nhiều căng thẳng trong cộng đồng, thậm chí có những xung đột kịch liệt. Một đàng, chúng ta có một nhóm người Do thái nắm giữ quyền lực trong cộng đồng; đàng khác, chúng ta có một nhóm tôi tớ, nhóm người này minh nhiên tự nhận mình là “những người tôi tớ của Chúa”. Và sự căm ghét hướng đến những người tôi tớ này đi xa đến mức các nhà lãnh đạo muốn trục xuất họ ra khỏi cộng đồng: “Anh em các ngươi … ghét bỏ và trục xuất các ngươi vì danh Ta” (Is 66,5). Ở đây, chúng ta thấy những người tôi tớ là một nhóm nhỏ người Ít-ra-en trung thành, họ bị bách hại và xua đuổi bởi chính đồng bào It-ra-en của mình. Rõ ràng họ là một nhóm người Ít-ra-en.
.IV. NHỮNG SUY TƯ ĐÚC KẾT
Đọc bản văn ở dạng cuối cùng (khía cạnh đồng đại)
Để tổng kết cách đọc bản văn ở hình thức cuối cùng – hay cách đọc đồng đại – mà tôi vừa mới lướt nhanh qua, chúng ta có thể đọc mỗi đoạn văn về người tôi tớ của Chúa kể từ Is 40 trở đi trong qui chiếu đến dân Ít-ra-en. Cũng như nhiều học giả đương thời, tôi nghĩ rằng “sự chú giải qui về tập thể” (collective interpretation) dường như là cách đọc mà hình thức cuối cùng của Sách I-sai-a muốn chúng ta áp dụng, nghĩa là đồng hóa (những) người tôi tớ của Chúa với dân tộc Ít-ra-en theo nhiều cách khác nhau như đã ghi nhận.
Nguồn gốc của các đoạn văn (khía cạnh lịch đại)
Tôi muốn bắt đầu với một lưu ý ngắn gọn về giai đoạn khác của quá trình chú giải, tức việc nghiên cứu lịch đại hay nghiên cứu lịch sử. Bằng cách nào chúng ta chuyển từ chặng này sang chặng khác, từ nghiên cứu bản văn ở dạng cuối cùng sang nghiên cứu lịch sử / lịch đại? Đối tượng tiếp cận duy nhất của chúng ta là bản văn. Trong cách đọc bản văn ở dạng cuối cùng, chúng ta cố gắng làm cho bản văn mạch lạc chặt chẽ hết sức có thể, cố gắng tìm ra càng nhiều càng tốt các mối nối kết khả niệm giữa đoạn văn này và đoạn văn khác, và cố gắng đọc nó một cách mạch lạc hết sức có thể. Khi chuyển sang chặng thứ hai của việc chú giải, tức việc nghiên cứu lịch sử / lịch đại, chúng ta thay đổi cách làm. Chúng ta xem lại chính những bản văn đó, nhưng lần này xem xét với con mắt hoài nghi. Chúng ta nhìn vào những dấu hiệu cho thấy sự căng thẳng nào đó giữa đoạn văn này với đoạn văn kia, hay một mâu thuẫn lớn giữa hai đoạn văn, hay những khác biệt lạ thường về từ ngữ trong cùng một đoạn văn. Đó là những manh mối, và hầu như phần lớn các trường hợp ta phải làm công việc này trong ngôn ngữ gốc. Đây là những manh mối làm chúng ta ngờ vực rằng không phải tất cả sáu mươi sáu chương sách này được viết bởi một người và được viết một lần không gián đoạn. Những điểm khác biệt, căng thẳng, mâu thuẫn, thiếu mạch lạc, và những sự thiếu nhất quán trong từ vựng là dấu hiệu cho thấy đã có những tác giả khác nhau. Đó là cách mà chúng ta bước vào loại nghiên cứu phê bình lịch sử / lịch đại.
Bây giờ, nếu nhìn lại các bản văn về người tôi tớ, thậm chí không cần phải đi vào bản gốc tiếng Híp-ri, chúng ta có thể thấy hoặc cảm nhận một số căng thẳng. Dù tôi đã cố gắng trình bày cách đọc một số đoạn văn về người tôi tớ, nhất là các Bài Ca Thứ Hai và Thứ Ba về Người Tôi Tớ, theo hướng qui chiếu đến dân Ít-ra-en hay một nhóm người trong dân này, nhưng một số hay thậm chí nhiều người trong các bạn sẽ cảm thấy không hoàn toàn thỏa mãn. Nếu đọc những đoạn văn này một cách hoàn toàn tách rời, và cứ hiểu như chúng nói đến một cá nhân, thì há không dễ hơn, rõ hơn, và ít mất công hơn sao? Tôi nghĩ nhiều người sẽ trả lời: “Đúng thế”. Đây là một trong những lý do tại sao luận đề cổ xưa về bốn bài ca người tôi tớ – ít nhất theo quan điểm của tôi – vẫn còn nhiều trọng lượng. Điều này có nghĩa là chúng ta nhìn phía sau dạng hiện tại của bản văn và thấy rằng bộ sưu tập bốn bài ca người tôi tớ qui chiếu đến một cá nhân.
Cá nhân đó là ai vậy? Một lần nữa, độc giả Ki-tô giáo sẽ trả lời là Chúa Giê-su. Quả không sai! Nhưng độc giả Do thái thời trước hiểu như thế nào về điều này? Đó hẳn là một tiên tri, hẳn là tiên tri I-sai-a Đệ Nhị. Những đau khổ, sự bách hại, có lẽ cái chết nữa của người tôi tớ Đức Chúa – phải chăng đó là sự đọa đày mà I-sai-a Đệ Nhị gánh chịu? Những đau khổ ấy có lẽ do giới cầm quyền Ba-bi-lon gây ra; cái chết ấy có lẽ là cuộc hành hình dưới tay những người Ba-bi-lon. Nhưng như vậy có nghĩa là đọc các bản văn một cách tách biệt, và điều này vẫn ổn. Ý nghĩa đó nằm ở đằng sau hình thức cuối cùng của bản văn, nhưng nó có giá trị trong tư cách là một ý nghĩa.
Tôi muốn nói rằng trong cuộc tranh luận trước đây (về vấn đề các đoạn văn về người tôi tớ phải được chú giải qui chiếu đến cá nhân hay tập thể), các học giả hoặc chọn bên này hoặc chọn bên kia, đưa ra các lập luận để ủng hộ bên này và phản đối bên kia – thật ra, cả hai khuynh hướng đều đúng cả. Người tôi tớ trong I-sai-a Đệ Nhị vừa là cá nhân vừa là tập thể. Cách đọc bản văn ở dạng cuối cùng muốn chúng ta hiểu người tôi tớ ấy là một tập thể: đó là dân Ít-ra-en hay một nhóm người Ít-ra-en trung thành. Tuy nhiên, vào thời ban đầu, các đoạn văn này có thể nói về một cá nhân, có lẽ đó là tiên tri I-sai-a Đệ Nhị. Vì vậy, đây không phải là vấn đề “hoặc cái này hoặc cái kia” (tức là hoặc chú giải qui về tập thể hoặc chú giải qui về cá nhân), nhưng đây là trường hợp “cả cái này lẫn cái kia”, theo những thời điểm khác nhau trong quá trình hình thành quyển sách.
Một hướng nhìn khác vào Tân Ước
Tôi đã nêu ngay ở đầu bài nói chuyện này rằng trong khi Tân Ước – không chỉ trong Tin Mừng Mác-cô mà còn trong rất nhiều trường hợp – sử dụng hình ảnh Người Tôi Tớ Đau Khổ để nhận hiểu sứ mạng, cuộc khổ nạn và sự cứu độ của Chúa Giê-su, thì vẫn còn có nhiều điều nữa cần được nói đến.
Điều nói trên được thấy rất rõ nơi đoạn văn Cv 13,47. Đây là một đoạn văn không được nhắc đến nhiều trong cuộc thảo luận này, nhưng tôi nghĩ nó rất quan trọng. Chúng ta đang ở vào giai đoạn sứ mạng đầu tiên của Phao-lô và Ba-na-ba tại thành An-ti-ô-khi-a miền Pi-xi-đi-a. Một tuần trước thời điểm của sự kiện được thuật trong câu này, hai vị đã có một bài giảng dài tại hội đường, trình bày Chúa Giê-su trong bối cảnh toàn thể lịch sử cứu độ của dân Do thái, khởi từ biến cố Xuất hành. Lời giảng của hai vị có tác động lớn nên ngày sa-bát tiếp theo họ đã trở lại, và nhiều người đã qui tụ: “Ngày sa-bát sau, gần như cả thành tụ họp nghe lời Thiên Chúa” (Cv 13,44). Nhưng một nhóm người Do thái có tầm ảnh hưởng hơn trong thành đã phản đối Phao-lô, và sự việc này xảy ra khá thường xuyên kể từ đó:
Thấy những đám đông như vậy, người Do thái sinh lòng ghen tức, họ phản đối những lời ông Phao-lô nói và nhục mạ ông. Bấy giờ ông Phao-lô và Ba-na-ba mạnh dạn lên tiếng: “Anh em phải là những người đầu tiên được nghe lời Thiên Chúa, nhưng vì anh em khước từ lời ấy [từ ‘anh em’ không quy chiếu đến tất cả người Do thái nhưng ít ra là giới lãnh đạo Do thái tại An-ti-ô-khi-a], thì đây chúng tôi quay về phía dân ngoại” (Cv 13,45-46).
Câu then chốt xảy ra ở đây, và đó là câu mà Phao-lô và Ba-na-ba dùng để biện minh cho việc các vị hướng đến dân ngoại. Chúng ta hãy lắng nghe thật kỹ ngôn ngữ được dùng ở đây: “Vì Thiên Chúa đã truyền lệnh cho chúng tôi” – từ “chúng tôi” qui chiếu đến Phao-lô và Ba-na-ba. Thiên Chúa đã truyền lệnh gì cho hai vị? Bản văn Thánh Kinh cho ta biết: “Ta sẽ đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân để ngươi đem ơn cứu độ đến tận cùng cõi đất”. Đây là một trích dẫn từ Is 49,6 nói về người tôi tớ của Chúa. Trong cụm từ “Ta sẽ đặt ngươi”, từ “ngươi” ở dạng số ít. Điều gì đang xảy ra ở đây vậy? Phao-lô và Ba-na-ba nói rằng họ đang chu toàn vai trò người tôi tớ của Chúa trong tư cách là những nhà giảng thuyết Ki-tô giáo. Và những gì hai vị nói về chính mình, hai vị cũng muốn nói về tất cả các nhà giảng thuyết Ki-tô giáo khác. Vậy ta ghi nhận điều gì ở đây? Chúng ta thấy rằng trong Tân Ước có sự áp dụng hình ảnh người tôi tớ của Chúa hay sứ mạng của người tôi tớ ấy cho cộng đoàn Ki-tô hữu. Có nhiều đoạn văn khác, nhất là trong các thư của Thánh Phao-lô, trong đó “ngôn ngữ người tôi tớ” được áp dụng cho các thành viên của cộng đoàn Ki-tô hữu.
Như vậy, trong Tân Ước, người tôi tớ của Chúa cũng vừa là cá nhân vừa là cộng đoàn. Nói theo ngôn ngữ chuyên môn hơn, có một sự sử dụng mang tính Ki-tô học hình ảnh người tôi tớ của Chúa, và cũng có một sự sử dụng hình ảnh ấy mang tính Giáo hội học. Người tôi tớ của Chúa là Chúa Giê-su, nhưng cũng là cộng đoàn của Chúa Giê-su, nghĩa là chính chúng ta. Thật vậy, Tân Ước cũng có khía cạnh kép như được tìm thấy trong Sách I-sai-a liên quan đến hai cách đọc: đồng đại và lịch đại. Ở đây chúng ta thấy có một sự tương tự giữa Cựu Ước và Tân Ước.
Những gợi ý cho cách đọc của người Ki-tô hữu
Là Ki-tô hữu, chúng ta có thể đọc Sách I-sai-a và áp dụng tất cả các đoạn văn về người tôi tớ cho Chúa Giê-su. Nhưng Tân Ước cũng cung ứng cơ sở để chúng ta biết rằng các đoạn văn về người tôi tớ trong Sách I-sai-a có thể được đọc trong qui chiếu về chính chúng ta, về Giáo hội xét như là người tôi tớ của Chúa. Ở đây chúng ta có một nền tảng cho một Giáo hội học về một Giáo Hội tôi tớ theo một ý nghĩa sát chữ, tức áp dụng chính từ “tôi tớ” của Thánh Kinh. Chúng ta có thể đọc lại tất cả các đoạn văn về người tôi tớ trong Sách I-sai-a trong qui chiếu đến ơn gọi của người tôi tớ, những khó khăn trong sứ mạng, sự tuyệt vọng, những khổ đau thể xác và cả cái chết của người tôi tớ. Và chúng ta có thể bồi dưỡng đức tin Ki-tô giáo từ những đoạn văn này. Chúng không chỉ là một hình ảnh biểu tượng hay sự báo trước về Chúa Giê-su; mà chúng còn là một hình ảnh biểu tượng và một sự báo trước về ơn gọi Ki-tô hữu của chúng ta – đó là trở thành một Giáo hội tôi tớ. Hy vọng rằng tôi đã làm sáng tỏ những chứng cứ để đi đến khẳng định này. Và tôi nghĩ rằng bạn có thể khám phá nhiều hàm ý thú vị hơn nữa của khẳng định này cho chính mình.
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- THÔNG ĐIỆP DILEXIT NOS – Bản dịch Việt ngữ
- THÁNH KINH NÓI VỀ THỂ THAO NHƯ THẾ NÀO?
- GIỚI THIỆU VẮN TẮT TÀI LIỆU LÀM VIỆC SYNOD 16
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CẦU NGUYỆN – BÀI 4. LỜI CẦU NGUYỆN CỦA NGƯỜI CÔNG CHÍNH
- TÀN BẠO, HIẾU CHIẾN, CHUYÊN CHẾ… VỊ « THIÊN CHÚA KHÓ HIỂU » ĐƯỢC KHOA CHÚ GIẢI GIẢI THÍCH
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CẦU NGUYỆN – BÀI 7. LỜI CẦU NGUYỆN CỦA MÔISÊ
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CẦU NGUYỆN – BÀI 8. LỜI CẦU NGUYỆN CỦA VUA ĐAVÍT
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 4. CHÚA THÁNH THẦN DẠY HIỀN THÊ CẦU NGUYỆN. THÁNH VỊNH, BẢN GIAO HƯỞNG CẦU NGUYỆN TRONG THÁNH KINH
- CÁC LỖ ĐEN VÀ NGUỒN GỐC CỦA VỤ NỔ LỚN ĐƯỢC ĐỀ CẬP TẠI ĐÀI THIÊN VĂN VATICAN
- KHÓA TẬP HUẤN DỊCH THUẬT VĂN BẢN MỤC VỤ
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CẦU NGUYỆN – BÀI 11. LỜI CẦU NGUYỆN CỦA CÁC THÁNH VỊNH (2)
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CẦU NGUYỆN – BÀI 10. LỜI CẦU NGUYỆN CỦA CÁC THÁNH VỊNH (1)
- DẪN VÀO SỨ MẠNG HỌC
- BÀI NÓI CHUYỆN CỦA ĐỨC TGM PAUL RICHARD GALLAGHER TẠI ĐẠI CHỦNG VIỆN HUẾ
- SỪNG CỪU LÀ NGUỒN GỐC CỦA NĂM THÁNH
- “XIN DẠY CHÚNG CON CẦU NGUYỆN”
- SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ CHO NGÀY THẾ GIỚI SỨ MẠNG 20.10. 2024
- SỨ ĐIỆP MÙA CHAY 2024 CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ (BẢN DỊCH CỦA LINH MỤC LÊ CÔNG ĐỨC)
- CHIẾN TRANH ISRAEL-HAMAS: LỜI TIÊN TRI CỦA ISAIA, ĐƯỢC BENJAMIN NETANYAHU TRÍCH DẪN LÀ GÌ?
- “ĐỐI VỚI NGƯỜI DO THÁI CHÚNG TÔI, THIÊN CHÚA ĐÃ “NHẬP THỂ” TRONG LỜI THÁNH KINH”