Ở ATHENS, BÀI HỌC VỀ DÂN CHỦ CỦA ĐỨC PHANXICÔ

Written by xbvn on Tháng Mười Hai 5th, 2021. Posted in Học thuyết xã hội, Luân lý, Thế Giới, Tý Linh

Khi đến Athens hôm 4/12, Đức Phanxicô đã đưa ra lời kêu gọi lo lắng cho một Châu Âu « bị chia xé » bởi « những thói ích kỷ dân tộc chủ nghĩa » và đồng thời kêu gọi mở ra cho siêu việt cũng như có một « nền chính trị tốt ».

Còn nơi nào tốt hơn mảnh đất mà nền dân chủ được nảy sinh để lo lắng về sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy ? Vừa đến Athens, và sau khi trải qua hai ngày ở Síp, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bày tỏ mối quan ngại sâu xa về tình trạng của nền dân chủ. Trước các vị hữu trách chính trị ở Dinh Tổng thống, ngài phê phán « sự thụt lùi của nền dân chủ, và không chỉ trên lục địa Châu Âu ».

Trên mảnh đất mà Aristote, tác giả của cuốn « Chính Trị », chào đời, và cách Parthénon vài trăm mét, Đức Phanxicô đã ca ngợi một hệ thống chính trị « đòi hỏi sự tham gia và sự bao hàm mỗi người », đối diện với giải pháp đơn giản của các chủ nghĩa dân túy. Đức Thánh Cha nhấn mạnh : nền dân chủ vốn phức tạp và đòi hỏi « sự tham gia và bao hàm mỗi người ». Trong khi « chế độ chuyên quyền là chóng vánh và những đảm bảo dễ dàng do chủ nghĩa dân túy mang lại có vẻ hấp dẫn », Đức Thánh Cha phát biểu trước sự hiện diện của bà Tổng thống Hy Lạp, Katerina Sakellaropoulou.

« Sự hoài nghi về nền dân chủ »

Theo Đức Thánh Cha, « đang khi ngày nay, ở Tây phương dù được nảy sinh ở đây, nhu cầu về Trời có khuynh hướng bị che khuất, khi chúng ta bị giăng bẫy bởi sự cuồng nhiệt của hàng ngàn cuộc mua sắm trên đời và bởi lòng tham lam vô độ của một chủ nghĩa tiêu thụ phi nhân cách, thì những nơi này mời gọi chúng ta hãy để cho mình ngạc nhiên trước cái vô hạn, trước vẻ đẹp của hữu thể, niềm vui của đức tin. » Vì đối với Đức Thánh Cha, « chân trời của nhân loại đã được mở rộng từ nơi đây…Từ núi Olympia đến Acropoli ngang qua núi Athos, Hy Lạp mời gọi con người của mọi thời đại định hướng hành trình cuộc sống hướng đến đỉnh cao. Hướng đến Thiên Chúa, bởi vì chúng ta cần đến siêu việt để thực sự là người ».

Tuy nhiên, theo ngài, « trong nhiều xã hội, bị bận tâm bởi sự an toàn và bị tê liệt bởi chủ nghĩa tiêu thụ, sự mệt mỏi và sự bất mãn dẫn đến một kiểu « hoài nghi về nền dân chủ » ». Vả lại,  Đức Thánh Cha nói tiếp, « cũng có một sự hoài nghi về nền dân chủ được gây ra bởi sự xa rời của các thể chế, bởi sự sợ mất căn tính và bởi bệnh quan liêu. »

« Một nền chính trị tốt »

Làm thế nào đối diện với hoàn cảnh này ? Đối với Đức Phanxicô, « phương thuốc cho hoàn cảnh này không nằm trong việc ám ảnh tìm kiếm sự nổi tiếng, trong khao khát khả năng được nhìn thấy, trong việc tuyên bố những lời hứa không thể giữ được hay trong việc bám lấy một sự thực dân hóa ý thức hệ trừu tượng, nhưng là trong một nền chính trị tốt ». Đức Thánh Cha giải thích : « Vì chính trị là một điều tốt, nên nó phải tốt trong thực hành, xét như là trách nhiệm tối cao về công dân, xét như là nghệ thuật về công ích. Để điều thiện hảo được thực sự chia sẻ, một sự quan tâm đặc biệt, tôi thậm chí có thể nói là một ưu tiên, phải được dành cho những thành viên yếu nhất trong xã hội ». Chính trị là tốt vì nó « đặt những đòi hỏi chung trước lợi ích riêng tư ».

Lời cảnh báo này, đặc biệt dành cho Châu Âu, kèm theo một báo động về « thói ích kỷ dân tộc chủ nghĩa », phát sinh từ sự suy yếu của nền dân chủ, và ngày nay « đang chia xé » lục địa Châu Âu. Sự chia xé của lòng ích kỷ này được biểu lộ cách đặc biệt trong cách thức Châu Âu tiếp cận hiện tượng di cư.

Đức Thánh Cha công nhận rằng Hy Lạp là nước ở tiền tuyến trên mặt trận di cư. « Đất nước sẵn sàng đón tiếp này đã tiếp nhận trên một số hòn đảo của mình nhiều anh chị em di dân cao hơn số lượng của cư dân, do đó gia tăng những khó khăn của mình, đang khi họ vẫn còn cảm thấy những hậu quả của cuộc khủng hoảng kinh tế ».

Bất chấp hoàn cảnh này, « Châu Âu vẫn tiếp tục trì hoãn ». Đến độ dường như ngày nay nó « bị chặn chứ không được phối hợp, thay vì là một động cơ của tình liên đới ». Là người nhiệt thành bảo vệ hạn ngạch phân bố người di cư giữa các nước Châu Âu, Đức Phanxicô đã bào vệ một « cái nhìn toàn cầu và cộng đồng về vấn đề di cư ».

Đức Thánh Cha hy vọng : ở Hy Lạp, « đất nước có thể được định nghĩa như là ký ức của Châu Âu », ở Athens, « cái nôi của nền văn minh », « một thông điệp đã nảy sinh và sẽ nảy sinh luôn luôn ». Một thông điệp « trả lời cho những dụ dỗ của chế độ chuyên chế bằng nền dân chủ ; chống lại sự dửng dưng của chủ nghĩa cá nhân bằng việc quan tâm đến tha nhân, người nghèo và công trình tạo dựng ».

Tý Linh

(theo nhật báo La Croixvatican.va)

Tags: , , ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Một 2024
H B T N S B C
« Th10    
  1 2 3
4 5 6 7 8 9 10
11 12 13 14 15 16 17
18 19 20 21 22 23 24
25 26 27 28 29 30