Ở COLISÉE, CÁC NẠN NHÂN CHIẾN TRANH CẦU XIN ƠN BÌNH AN CỦA CHÚA KITÔ
Đàng Thánh Giá Thứ Sáu Tuần Thánh đã diễn ra ở Colisée vào tối 7/4/2023 trước sự hiện diện khoảng 20 000 tín hữu. Vì Đức Thánh Cha vắng mặt do thời tiết lạnh, nên ĐHY De Donatis đã hướng dẫn nghi thức này. Các bài suy niệm 14 chặng năm nay là những chứng tá đến từ các nước có chiến tranh, được lắng nghe bởi Đức Thánh Cha trong các chuyến tông du của ngài. Hai ngàn năm sau, những tiếng nói đã tạo nên tiếng vang của cuộc Thương khó của Chúa Kitô, được nhấn mạnh bằng những lời cầu nguyện cho hòa bình.
« Chiến tranh thế giới thứ ba phân mảnh », rất thường được Đức Thánh Cha gợi lên, là một sự kéo dài cuộc Thương khó của Chúa Kitô, như các chứng tá đã cho thấy trong Đàng Thánh Giá năm nay với chủ đề « Những lời hòa bình trong một thế giới có chiến tranh ».
Một cách ngoại lệ, Đức Thánh Cha đã không chủ sự Đàng Thánh Giá năm nay ở Colisée. Như thông cáo của Văn phòng báo chí Tòa Thánh đã cho biết vào chiều 7/4/2023, sự vắng mặt này là do « thời tiết lạnh dữ dội » kéo dài ở Rôma trong những ngày mùa Xuân này. Đức Thánh Cha cũng bị viêm phế quản khiến ngài phải nhập viện ba ngày vào tuần trước. Vì thế, ngài theo dõi Đàng Thánh Giá này từ nhà Thánh Mátta, nơi ở của ngài ở Vatican, để Đức Hồng y Angelo de Donatis, đại diện của ngài cho giáo phận Rôma, hướng dẫn nghi thức.
Tiếng nói của Ucraina và Nga
Trong bóng tối bao trùm Thành đô vĩnh hằng, và trong khi mỗi tín hữu cầm một ngọn đèn nhỏ, Đàng Thánh Giá khai mạc bằng một lời cầu nguyện. ĐHY De Donatis đặc biệt dâng lời cầu nguyện : « Chúng con cầu nguyện xin ơn bình an mà Chúa đã trao phó cho chúng con và chúng con không thể giữ được. Lạy Chúa Giêsu, từ Thánh Giá, xin Chúa ôm lấy toàn thể thế giới : xin tha thứ cho những lỗi lầm của chúng con, xin chữa lành tâm hồn chúng con, xin ban cho chúng ta sự bình an của Chúa ».
Những người vác thánh giá là những nạn nhân của bạo lực chiến tranh, đại diện cho những người mà Đức Thánh Cha đã gặp gỡ, chứ không phải là các tác giả của các bài suy niệm.
Dọc các chặng Đàng Thánh Giá được đọc bởi các chứng tá đến từ Thánh Địa, miền nam và miền tây châu Phi, vùng Balkans, châu Mỹ Latinh, châu Á, và cả Ucraina và Nga…Những câu chuyện nghiệt ngã, rõ ràng và ẩn danh, mà chúng ta không biết chính xác họ đến từ nước nào, ngoại trừ châu Âu, với hai dân tộc lâm chiến tập hợp lại cho cùng một bài suy niệm, như năm ngoái. Cuộc chiến tranh giữa Ucraina và Nga thực sự là tâm điểm của chặng thứ 10. Hai bạn trẻ đã mô tả mối lo âu của một người lưu vong bên ngoài Ucraina, và người kia, nỗi đau đớn về cái chết bất công của anh trai mình, trong bối cảnh tuyên truyền. Sau đó, một lời cầu nguyện được đọc chung, với lời cầu khẩn lặp đi lặp lại « Lạy Chúa, xin thanh tẩy chúng con ! ». Dưới đây là hai lời suy niệm ở chặng thứ 10 :
1. « Năm ngoái, bố mẹ con đã đưa con và em trai con đến Ý, nơi bà ngoại của chúng con đã làm việc hơn hai mươi năm. Chúng con rời Mariupol trong đêm. Ở biên giới, binh lính đã chặn cha con lại và nói với người rằng người phải ở lại Ucraina để chiến đấu. Chúng con đã tiếp tục đi xe buýt thêm hai ngày nữa. Đến Ý, con rất buồn. Con cảm thấy bị tước bỏ mọi thứ : hoàn toàn trần trụi. Con không biết ngôn ngữ và không có bạn bè. Bà của con đã cố gắng hết sức để làm cho con cảm thấy mình may mắn, nhưng tất cả những gì con làm, đó là nói rằng con muốn về nhà. Cuối cùng, gia đình con quyết định trở về Ucraina. Hoàn cảnh ở đó vẫn còn khó khăn, có chiến tranh khắp nơi, thành phố bị tàn phá. Nhưng, trong trái tim con, con vẫn luôn có xác tín mà bà của con đã nói với con khi con khóc : rồi con sẽ thấy, mọi chuyện rồi sẽ qua. Và, với sự giúp đỡ của Chúa, hòa bình sẽ trở lại.»
2 . « Trái lại, con là một thanh niên người Nga…Khi nói điều này, con cảm thấy hầu như có tội lỗi, nhưng đồng thời con không hiểu tại sao và con cảm thấy tồi tệ gấp đôi. Bị tước đoạt hạnh phúc và ước mơ cho tương lai. Hai năm nay con đã thấy bà và mẹ của con khóc lóc. Chúng con đã được một lá thư thông báo rằng anh trai của con đã qua đời, con còn nhớ anh ấy vào ngày sinh nhật thứ 18 của anh, tươi cười và rạng rỡ như mặt trời, và tất cả những điều này chỉ vài tuần trước khi anh lên đường cho một chuyến đi dài. Tất cả mọi người đều nói với chúng con rằng chúng con nên tự hào, nhưng ở nhà, chỉ có đau khổ và buồn bã. Điều tương tự cũng xảy ra với bố và ông nội, họ cũng ra đi và chúng con không biết gì nữa. Một trong những bạn cùng lớp với con, vô cùng sợ hãi, thì thầm vào tai con rằng có chiến tranh. Trở về nhà, con đã viết một lời cầu nguyện : Lạy Chúa Giêsu, xin cho thế giới được hòa bình ngự trị và xin cho tất cả chúng con đều là anh em ».
Những đồi Canvê của thời hiện đại
Bạo lực, bát công và nghèo đói cũng được mô tả trong các chặng khác. Thánh Địa, điểm xuất phát của Đàng Thánh Giá này, là nơi mà « bạo lực dường như là ngôn ngữ duy nhất ». « Hôm nay cũng như hôm qua, chúng con liên lỉ được mời gọi chọn lựa giữa Chúa Giêsu và Baraba : nổi loạn hay khoan dung, vũ khí hay chứng tá, quyền lực nhân loại hay sức mạnh thinh lặng của hạt giống bé nhỏ, quyền lực thế gian hay của Chúa Thánh Thần. Ở Thánh Địa, dường như chọn lựa của chúng con luôn rơi vào Baraba ».
Tiếp đến là câu chuyện về đồi Canvê của thời hiện đại mà những người di cư phải chịu đựng, trong một nhà tù ở Libya, trên một chiếc thuyền hư hỏng, hay đối diện với một chính quyền phi nhân. « Con đã ở trong một trung tâm trong vòng sáu tháng và ở đó con đã mất trí. Mỗi tối con hỏi Chúa tại sao : tại sao những người như chúng con lại coi chúng con là kẻ thù ? »
Tiếng nói của một người mẹ đến từ Nam Mỹ, khi nhìn thấy nơi khuôn mặt của đứa con gái đẫm máu của mình khuôn mặt của Chúa Kitô, cũng đã vang lên trong đấu trường Colisée. Với châu Phi, đó là vấn đề tra tấn, ở châu Á là những cuộc bắn phá bừa bãi, ở Balkans, sự ngược đãi đối với một linh mục mà lời cầu nguyện của ngài là sự phòng vệ duy nhất. Một nữ tu người châu Phi viết : « Trong thung lũng đầy nước mắt và « tại sao » này…con nghĩ đến Chúa Giêsu. Ngài cũng đã ngã xuống dưới sức nặng của bạo lực, đến độ thốt lên trên Thánh giá : « Lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ con ? » ».
Sức mạnh tha thứ
Nhưng giữa nỗi kinh hoàng này, mỗi người có thể tìm thấy niềm hy vọng khi nhìn về Thập Giá. Một bạn trẻ đến từ Trung Mỹ đã thổ lộ : « Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã ngã xuống dưới thập giá, nhưng rồi Chúa đã chỗi dậy, Chúa lại vác thập giá và, với thập giá, Chúa đã ban cho chũng con sự bình an. Chúa đã thúc đẩy chúng ta đảm nhận cuộc sống của mình, Chúa thúc đẩy chúng con can đảm dấn thân mà trong ngôn ngữ của chúng con được gọi là « compromiso » ».
Những chứng tá này, nơi những tia sáng của đức tin tỏa sáng – « mọi sự đều qua đi ngoại trừ Thiên Chúa », một nữ tu viết -, cũng là « những lời bình an ». Một người mẹ tìm cách tha thứ cho những kẻ tấn công mình, một nữ tu muốn « yêu mến như Chúa Giêsu đã yêu mến mình », một thiếu niên châu Phi di cư « tạ ơn Chúa đã nuôi dưỡng chúng con như một người cha, cũng như nhiều người quảng đại mà con có thể không bao giờ biết đến và, khi giúp đỡ chúng con, đã cho phép chúng con sống sót ».
Từ khắp nơi trên thế giới, trong ngày Thứ Sáu Tuần Thánh hướng về Thánh Giá độc nhất của Chúa Kitô, đã cất lên tiếng kêu vì hòa bình. « Lạy Chúa Giêsu, xin cho thế giới được hòa bình ngự trị và xin cho tất cả chúng con đều là anh em ». « Kitô hữu chúng con muốn trở thành khí cụ bình an. Lạy Chúa Giêsu, xin hoán cải chúng con về với Chúa, vì chỉ một mình Chúa là sức mạnh của chúng con », một phụ nữ đến từ Đông Nam Á cầu xin.
Hạt giống của một thế giới hòa bình, sự tha thứ đã được ban cho bởi một số chứng nhân này. « Khi Đức Giáo hoàng đến lục địa của chúng con, chúng con đã đặt ở chân Thánh Giá Chúa Giêsu những bộ quần áo của các binh lính vẫn còn khiến chúng con sợ hãi. Nhân danh Chúa Giêsu, chúng con tha thứ cho họ tất cả những gì họ đã làm cho chúng con », các thanh nữ đến từ Nam Phi tuyên bố như thế vào chặng thứ 14.
Mười bốn lời cảm ơn Chúa
Những lời cuối cùng của các chặng Đàng Thánh Giá này là một lời cầu nguyện tràn đầy thinh lặng và biết ơn, chờ đợi sự phục sinh của Chúa Kitô vinh thắng và cùng với ngài tất cả các dân tộc bị sự dữ đè bẹp.
« Lạy Chúa Giêsu, Ngôi Lời hằng hữu của Chúa Cha, Chúa đã thinh lặng vì chúng con. Và, trong sự thinh lặng dẫn chúng con đến ngôi mồ của Chúa, vẫn còn một lời nữa mà chúng con muốn nói với Chúa khi nghĩ lại Đàng Thánh Giá mà chúng con đã trải qua với Chúa : Cảm ơn Chúa !
Lạy Chúa Giêsu, chúng con cảm ơn Chúa vì sự dịu dàng làm bẽ mặt sự kiêu ngạo.
Chúgn con cảm ơn Chúa vì sự can đảm mà Chúa đã ôm lấy Thánh Giá.
Chúng con cảm ơn Chúa vì sự bình an phát sinh từ những vết thương của Chúa.
Chúng con cảm ơn Chúa đã ban cho chúng con Mẹ thánh của Chúa làm Mẹ của chúng con.
Chúng con cảm ơn Chúa vì tình yêu mà Chúa đã thể hiện khi đối diện với sự phản bội.
Chúng con cảm ơn Chúa đã biến đổi nước mắt thành nụ cười.
Chúng con cảm ơn Chúa đã yêu thương thế giới mà không loại trừ một ai.
Chúng con cảm ơn Chúa vì niềm hy vọng mà Chúa đã tuyền cảm hứng trong giờ thử thách.
Chúng con cảm ơn Chúa vì lòng thương xót chữa lạnh những khổ đau.
Chúng con cảm ơn Chúa đã chịu lột trần tất cả để làm cho chúng con giàu có.
Chúng con cảm ơn Chúa đã biến Thánh Giá thành cây sự sống.
Chúng con cảm ơn Chúa về sự tha thứ mà Chúa đã ban cho những kẻ sát hại Chúa.
Chúng con cảm ơn Chúa đã chiến thắng sự chết.
Lạy Chúa Giêsu, chúng con cảm ơn Chúa vì ánh sáng mà Chúa đã thắp lên trong đêm tối của chúng con và, khi hòa giải mọi chia rẽ, đã biến tất cả chúng con thành anh chị em, những người con của cùng một Cha trên trời ».
———————-
Tý Linh
(theo Vatican News và Vatican.va)
Tags: Hòa-bình, Mùa-Chay, Phanxicô-I
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- LỄ ĐÊM GIÁNG SINH 2024: BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
- THÁNH GIOAN: “THÁNH TÔNG ĐỒ VÀ THÁNH SỬ KHÔNG PHẢI LÀ CÙNG MỘT NGƯỜI”
- CÁC NĂM THÁNH QUA DÒNG LỊCH SỬ
- NĂM THÁNH 2025: CHỈ BỐN CỬA THÁNH ĐƯỢC MỞ TẠI RÔMA
- THÔNG ĐIỆP GIÁNG SINH VÀ PHÉP LÀNH URBI ET ORBI 2024 : CẦU MONG TIẾNG SÚNG HÃY IM BẶT !
- THÁNH LỄ ĐÊM GIÁNG SINH VÀ KHỞI ĐẦU MỘT NĂM ÂN SỦNG, ĐỔI MỚI VÀ HY VỌNG
- HÀNH TRÌNH QUA CÁC NĂM THÁNH NHỜ CÁC SẮC CHỈ TRIỆU TẬP
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG NĂM C: TẠ ƠN CHÚA VỀ HỒNG ÂN SỰ SỐNG
- NĂM THÁNH 2025: CẦN PHẢI CÓ THẺ HÀNH HƯƠNG ĐỂ BƯỚC QUA CÁC CỬA THÁNH Ở RÔMA
- DIỄN VĂN CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO GIÁO TRIỀU RÔMA NHÂN DỊP CHÚC MỪNG GIÁNG SINH 2024: HÃY NÓI TỐT CHỨ ĐỪNG NÓI XẤU
- GIÁO TRIỀU RÔMA, BÀI GIẢNG MÙA VỌNG THỨ 3: SỰ CAO CẢ CỦA THIÊN CHÚA LÀ SỰ NHỎ BÉ
- MỤC TỬ TRONG THÁNH KINH, MỘT HÌNH ẢNH VỀ UY QUYỀN VÀ LÒNG NHÂN TỪ
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI NHÓM ÂN NHÂN VIỆT NAM: HỖ TRỢ CÁC CÔNG VIỆC BÁC ÁI ĐÓNG GÓP VÀO VIỆC MANG LẠI NIỀM HY VỌNG
- THÁNH TÍCH CỦA THÁNH TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU ĐẾN RÔMA NHÂN NĂM THÁNH
- BÀI GIÁO LÝ VỀ NĂM THÁNH 2025. CHÚA GIÊSU KITÔ, NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA. I. THỜI THƠ ẤU CỦA CHÚA GIÊSU. BÀI 1. GIA PHẢ CỦA CHÚA GIÊSU (Mt 1, 1-17). CON THIÊN CHÚA ĐI VÀO LỊCH SỬ
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG NĂM C: CHÚNG TÔI PHẢI LÀM GÌ?
- NHỮNG ĐOẠN TRÍCH TỪ CUỐN TỰ TRUYỆN « HY VỌNG » CỦA ĐỨC PHANXICÔ
- ĐỨC PHANXICÔ TIẾT LỘ NGÀI ĐÃ THOÁT KHỎI HAI VỤ MƯU SÁT TRONG CHUYẾN TÔNG DU TỚI IRAK
- ĐỨC PHANXICÔ CA NGỢI CORSE NHƯ MÔ HÌNH CỦA “TÍNH THẾ TỤC LÀNH MẠNH”
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI HÀNG GIÁO SĨ CORSE: “HÃY CHĂM SÓC CÁC BẠN VÀ NGƯỜI KHÁC”