Ở CONGO, ĐỨC PHANXICÔ KÊU GỌI HÒA BÌNH VÀ HÒA GIẢI CHO MỘT ĐẤT NƯỚC BỊ CHIA CẮT

Written by xbvn on Tháng Hai 2nd, 2023. Posted in Luân lý, Nhân bản, Tâm linh, Thế Giới, Tý Linh

Trong một thánh lễ khổng lồ được cử hành hôm 1/2/2023, Đức Phanxicô đã tha thiết cầu xin cho hòa bình, trong một đất nước bị bạo lực xâu xé. Trước mặt ngài, bóng ma chiến tranh dường như hiện hữu trong tâm trí của hàng triệu người đến tham dự thánh lễ.

Theo chính quyền, hơn 1 triệu người đã đến qua đêm để gặp Đức Thánh Cha Phanxicô. Trong ánh sáng sớm mai, đám đông chờ đợi, trong niềm hân hoan giao lưu, hát những bài hát theo sau 700 ca viên hợp xướng.

Dựa vào một hàng rào, với hy vọng nhìn thấy Đức Thánh Cha ở gần trong chiếc xe giáo hoàng, Patricia, 33 tuổi, đã dành hầu hết cả đêm ở đây. Là giáo viên tại một trường Công giáo, cô đã đến vào lúc một giờ sáng với Rovic, đứa con nhỏ 1 tuổi của mình. Nếu cô ấy, sống ở Kinshasa, mong muốn đến cầu nguyện sáng nay, ngay cả khi phải ngủ trên đường nhựa, đó là để cầu nguyện cho đất nước của mình.

Ước ao hòa bình

 Cô nói : « Chúng tôi muốn hòa bình. Người dân chết mỗi ngày. Khi chúng tôi xem truyền hình, chúng tôi thấy bạo lực ở phía đông của đất nước. Anh chị em của chúng tôi chém giết lẫn nhau. Chúng tôi thấy mọi người chết như thế nào, họ bị tàn sát, hãm hiếp và đói khát như thế nào ». Cô nói tiếp : « Điều đó khiến tôi hơi phát điên ». Cô muốn tin rằng chuyến tông du của Đức Thánh Cha sẽ thay đổi mọi thứ, và lời kêu gọi hòa giải của ngài sẽ có kết quả.

 Cuộc chiến đang làm rạn nứt CHDC Congo dường như hiện hữu trong tâm trí của mọi người, như nó hiện diện trên các tấm bảng do một số tín hữu nắm giữ, những người này cũng kêu gọi hòa bình cho miền đông của đất nước. Marie Mingombo, 72 tuổi, cũng sinh ra ở Kivu, một trong những vùng bị ảnh hưởng bởi bạo lực. « Nhưng rất khó để tha thứ », bà nói, và đang mang chiếc áo choàng với màu sắc của hội « Huynh đệ Hòa Bình », mà bà là thành  viên. Em họ của bà, một người lính, đã chết cách đây vài tuần. Bà thổ lộ : « Thông thường chúng ta tìm kiếm sự báo thù, oán hận. Và rất khó để không nhượng bộ nó ».

Và như ngài đã làm vào ngày hôm trước trước mặt chính quyền địa phương, một lần nữa chính vì sự hòa giải và tha thứ mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã kêu gọi trước đám đông khổng lồ này.

« Hãy hạ vũ khí xuống, hãy chọn lấy lòng thương xót »

Trong thánh lễ này, được cử hành theo nghi thức Congo, vốn dành chỗ cho việc nhảy múa và ca hát, kể cả những người cử hành, Đức Thánh Cha Phanxicô đã khuyến khích các tín hữu đừng nhượng bộ cho sự nản lòng. Ngài nói : « Chúng ta thuộc về Chúa Giêsu, chúng ta không thể để cho sự buồn chán xâm chiếm chúng ta, chúng ta không thể để mặc cho sự cam chịu và thuyết định mệnh xâm chiếm ».

Đức Thánh Cha kêu gọi : « Chúa nói với bạn : « Hãy hạ vũ khí xuống, hãy chọn lấy lòng thương xót ». Đức Thánh Cha đặc biệt kêu gọi những ai lắng nghe ngài « đừng rơi vào cạm bẫy của quyền lực và tiền bạc », nhưng cũng « đừng nhượng bộ cho sự chia  rẽ và xu nịnh của chủ nghĩa kiếm chác đang ăn mòn cộng đồng, cho những ảo tưởng sai lầm về lạc thú và ma thuật khép kín nơi chính mình ».

Ba nguồn mạch của hòa bình

Để khôi phục và xây dựng hòa bình, trong bài giảng lễ, Đức Thánh Cha, dựa vào Tin Mừng, chỉ ra « ba nguồn mạch của hòa bình » : đó là sự tha thứ, cộng đoàn sứ mạng.

Về sự tha thứ, Đức Thánh Cha khuyến khích : « Khi tội lỗi và nỗi buồn phiền đè nặng chúng ta, khi mọi việc không suôn sẻ, chúng ta biết nhìn vào đâu : hướng về những vết thương của Chúa Giêsu, Đâng sẵn sàng tha thứ cho chúng ta bằng tình yêu vô biên và bị thương tổn của Ngài. Ngài biết những vết thương của bạn, Ngài biết những vết thương của đất nước bạn, của dân tộc bạn, của mảng đất của bạn ! Đó là những vết thương nóng bỏng, liên tục bị tiêm nhiễm bởi lòng hận thù và bạo lực, trong khi phương dược của công lý và hương thơm của niềm hy vọng dường như không bao giờ đến ». Đức Thánh Cha cảnh giác « những người tự xưng mình là Kitô hữu ở đất nước này nhưng lại thực hiện hành vi bạo lực ». Ngài kêu gọi « hãy hạ vũ khí xuống, hãy chọn lấy lòng thương xót ! ». « Chúng ta hãy trao cho Chúa Kitô khả năng chữa lành tâm hồn chúng ta, chúng ta hãy ném vào Ngài quá khứ, tất cả nỗi sợ hãi, tất cả nỗi lo lắng. Thật đẹp biết bao khi mở cửa trái tim và cửa nhà cho sự bình an của Ngài ! Và tại sao không viết trong phòng của anh chị em, trên áo quần của anh chị em, bên ngoài nhà của anh chị em, lời này : Bình an cho các con ! Hãy trưng bày lời đó, nó sẽ là một lời ngôn sứ cho đất nước, một phúc lành của Chúa cho những người anh chị em gặp gỡ. Bình an cho các con : chúng ta hãy để cho mình được Thiên Chúa tha thứ và tha thứ cho nhau ! »

Về cộng đoàn, Đức Thánh Cha nhấn mạnh : « Chúa Giêsu phục sinh không chỉ nói với từng cá nhân các môn đệ », nhưng Ngài « gặp gỡ họ cùng nhau. Ngài nói với họ ở số nhiều và ban bình an của Ngài cho cộng đoàn đầu tiên ». Với Chúa Giêsu phục sinh, « nhờ Chúa Thánh Thần, họ sẽ không còn nhìn vào những gì chia rẽ họ nữa nhưng là những gì hợp nhất họ ; họ sẽ đi vào thế giới không còn cho chính mình nữa, nhưng cho người khác… » Đức Thánh Cha cảnh giác về « mối nguy hiểm là chúng ta có thể đi theo tinh thần của thế gian  thay vì tinh thần của Chúa Kitô ». Đức Thánh Cha tự hỏi : làm thế nào « có thể cưỡng lại sự cám dỗ của quyền lực và tiền tài và không đầu hàng trước sự chia rẽ, trước những cám dỗ của việc tìm kiếm danh vọng đang làm xói mòn cộng đồng… ? » Đức Thánh Cha trả lời bằng giải thích Is 57,15 rằng « phương thế là chia sẻ với người nghèo khó : đó là phương thuốc tốt nhất để chống lại những cám dỗ của chia rẽ và trở nên trần tục », và đồng thời kêu gọi « tin tưởng vào cộng đoàn và, với sự trợ giúp của Thiên Chúa, xây dựng một Giáo hội thoát khỏi tinh thần trần tục, nhưng tràn đầy Chúa Thánh Thần…tràn đầy tình yêu thương huynh đệ ».

Cuối cùng về sứ mạng truyền giáo, nguồn mạch thứ ba của hòa bình, Đức Thánh Cha nói : « Chúng ta được kêu gọi trở thành những nhà truyền giáo của hòa bình, và điều đón sẽ ban cho chúng ta sự bình an. Đó là một chọn lựa : nó dành chỗ trong trái tim của chúng ta cho tất cả mọi người, đó là tin rằng những khác biệt về sắc tộc, vùng miền, xã hội, tôn giáo và văn hóa đến sau và không phải là những trở ngại ; tin rằng tha nhân là anh chị em, là thành viên của cùng một cộng đồng nhân loại ; tin rằng tất cả mọi người đều là những người đón nhận sự bình an mà Chúa Giêsu mang lại cho thế giới. Đó là tin rằng Kitô hữu chúng ta được kêu gọi để cộng tác với tất cả mọi người, phá vỡ vòng vây bạo lực, phá bỏ những âm mưu của lòng hận thù ». Và Đức Thánh Cha nhấn mạnh : « Vâng, các Kitô hữu, được Chúa Kitô sai đến, được gọi, theo định nghĩa, trở nên lương tâm của hòa bình thế giới : không chỉ là lương tâm phê bình, nhưng đặc biệt là những chứng nhân của tình yêu ; không phải là những người đòi hỏi quyền lợi của mình nhưng là quyền lợi của Tin Mừng, đó là tình huynh đệ, yêu thương và sự tha thứ ; không phải là những người tìm kiếm lợi ích của mình, nhưng là những nhà truyền giáo của tình yêu điên rồ mà Thiên Chúa dành cho mỗi người ».

Tý Linh

(theo nhật báo La Croix Vatican.va)

Tags: , , ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Một 2024
H B T N S B C
« Th10    
  1 2 3
4 5 6 7 8 9 10
11 12 13 14 15 16 17
18 19 20 21 22 23 24
25 26 27 28 29 30