Ở NAM SUDAN, ĐỨC PHANXICÔ NHẮC NHỞ CÁC NHÀ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẤT NƯỚC VỀ LỜI HỨA HÒA BÌNH CỦA HỌ
Trong ngày đầu tiên của chuyến tông du Nam Sudan, ngày 3/2/2023, Đức Phanxicô đã mạnh mẽ thúc giục các nhà lãnh đạo của đất nước thi hành các thỏa thuận hòa bình, trong một bài phát biểu mà ngài không che giấu sự sốt ruột.
Ngồi trên xe lăn, khuôn mặt khép lại và ánh mắt cố định. Bên cạnh ông Salva Kiir, Tổng thống Nam Sudan, đội chiếc mũ rộng vành quen thuộc, Đức Thánh Cha Phanxicô trông có vẻ lo lắng về những ngày tồi tệ.
Hai người vừa mới trò chuyện trong khoảng 30 phút, hôm 3/2. Hai giờ trước đó, Đức Thánh Cha Phanxicô lần đầu tiên đặt chân đến vùng đất Juba, thủ đô của Nam Sudan, chặng thứ hai trong chuyến tông du châu Phi.
Tức giận và sốt ruột
Khuôn mặt khép lại này gợi lại bài phát biểu mà Đức Thánh Cha sắp đọc một lúc sau đó, tại đất nước này, ra đời vào năm 2011, một trong những nước nghèo nhất thế giới, và đang phải hứng chịu một cuộc nội chiến bất tận. Những lời của Đức Thánh Cha Phanxicô, dưới màn đêm oi ả ở Juba, là những lời của một vị Giáo hoàng tức giận và sốt ruột. Ngài đến đất nước này cùng với Đức Tổng Giám mục Cantorbery, Tiến sĩ Justin Welby, và Iain Greenshields, Tổng điều hành của Giáo hội Scotland.
« Thưa anh chị em, đã đến lúc hòa bình », ngài dằn từng tiếng. « Đã đến lúc nói « đủ rồi », không có « nếu » và không có « nhưng » ». Một cung giọng thẳng thắn khác thường. « Tôi biết rằng một số cách diễn đạt của tôi có thể thẳng thắn và trực tiếp », ngài nói một lúc sau, để kết thúc bài phát biểu.
Thực ra, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc nhở các nhà lãnh đạo Nam Sudan, mà không nói ra, về những lời hứa mà họ đã hứa với ngài vào năm 2019, trong cuộc tĩnh tâm mà họ đã tham gia ở Rôma, trước sự hiện diện của ngài. Lúc đó, Đức Thánh Cha đã quỳ gối và hôn chân họ, cầu xin họ chấm dứt cuộc xung đột đang xâu xé đất nước này. Hình ảnh ảnh đã lan đi khắp thế giới. « Các bạn thân mến, đã đến lúc chuyển từ lời nói sang hành động », Đức Thánh Cha dằn từng tiếng, yêu cầu nối lại thỏa thuận hòa bình, được ký kết vào năm 2018, nhưng bị đình chỉ vào tháng 11/2022, và điều này không bao giờ ngăn được máu chảy trong đất nước.
Cầu xin hòa bình
Trước các nhà lãnh đạo của đất nước non trẻ nhất thế giới, mà Tổng thống và năm phó Tổng thống, mỗi người đại diện cho một phe tham gia vào cuộc nội chiến, Đức Thánh Cha Phanxicô đã không ngừng cầu xin một nền hòa bình dường như ngày càng xa hơn. Đức Thánh Cha cũng thừa nhận : « Các tiến trình hòa giải dường như bị tê liệt và các lời hứa hòa bình vẫn không được thực hiện ». Con đường hòa bình là một « con đường quanh co », nhưng « không thể trì hoãn lâu hơn nữa », Đức Thánh Cha nhấn mạnh. « Thưa ngài Tổng thống, tôi nhớ chúng ta đã có một cuộc gặp gỡ vào một buổi tối tháng Mười Một. Ý muốn hòa bình của ngài đã ở đó. Hãy tiến tới », Đức Thánh Cha nói với ông Kiir.
Không nể nang, Đức Thánh Cha đã buộc tội các nhà lãnh đạo Nam Sudan, mà ngài cáo buộc đã quên người dân của mình, những người « khát khao hòa bình ». Ngài tuyên bố : « Đổ máu đủ rồi, xung đột đủ rồi, bạo lực và những lời buộc tội lẫn nhau về ai vi phạm chúng cũng đủ rồi ! ». « Chúng ta hãy bỏ lại thời chiến tranh đằng sau và để thời hòa bình xuất hiện ! » Do đó, Đức Thánh Cha yêu cầu, cần phải dám « nhìn xa hơn các nhóm và những sự khác biệt để bước đi như một dân tộc duy nhất ».
Đức Thánh Cha kêu gọi sự phán xét của lịch sử
Trong đất nước đa số Kitô hữu này, nơi độ tuổi trung bình không quá 19, Đức Thánh Cha đã dựa vào giới trẻ để cố gắng đánh động lương tâm của những người đang ở trước mặt ngài. Ngài nhấn mạnh : « Các thế hệ tương lai sẽ tôn vinh hay xóa bỏ ký ức về tên của các bạn tùy vào những gì các bạn làm bây giờ ». « Dòng lịch sử sẽ bỏ lại phía sau những kẻ thù của hòa bình và đề cao những ai hoạt động vì hòa bình ».
Những lời này khá giống với những lời được trao đổi, trong khi chờ đợi Đức Thánh Cha, bởi các nhà ngoại giao trên thế giới đang ở trong một chiếc lều lớn màu trắng, gần Dinh. Hoàn cảnh của đất nước này đang khiến phương Tây thất vọng, mà những người đại diện của họ ở Juba không có từ ngữ đủ mạnh để mô tả sự xuống cấp của đất nước, sự xuống cấp của cơ sở hạ tầng hay việc thiếu một thế hệ chính trị gia mới.
Trong một đất nước mà hơn 50% dân số đã phải rời bỏ nhà cửa, Đức Thánh Cha đã kêu gọi các nhà lãnh đạo « chăm sóc cho công dân (của họ), cách riêng những người yếu thế và thiệt thòi nhất », sau khi ngài đã kêu gọi chống tham nhũng và « những âm mưu làm giàu ngấm ngầm » luôn đi kèm theo nó. Trái lại, một « đất nước văn minh » phải « đảm bảo tiến trình của đời sống xã hội », đặc biệt bằng cách khai triển « những chính sách ý tế thích đáng » và một chiến lược giáo dục : « Cũng như tất cả các trẻ em của lục địa này và trên thế giới, (những trẻ em) có quyền lớn lên với tập vở và đồ chơi trong tay, chứ không phải công cụ lao động hay vũ khí ».
Nối lại đàm phán hòa bình
Hôm thứ Sáu ngày 3/2, sau chuyến viếng thăm Juba của Đức Phanxicô, Tổng thống Nam Sudan, ông Kiir tuyên bố chuyến thăm của Đức Thánh Cha là một “cột mốc lịch sử” , hy vọng rằng “các nhóm kháng chiến phản ứng với cử chỉ này và chân thành dấn thân để đạt tới một nền hòa bình toàn diện“. Trong những tháng gần đây, chính quyền địa phương đã đình chỉ các cuộc đàm phán do Cộng đồng Saint Egidio làm trung gian, khi cho thấy “sự thiếu dấn thân” của các nhóm Nsssog (các nhóm đối lập không ký kết của Nam Sudan). Tổng thống cho biết sẵn sàng nối lại đàm phán dưới sự trung gian của Cộng đồng Saint Egidio.
Cũng sau cuộc gặp gỡ với Đức Thánh Cha Phanxicô, Tổng thống Salva Kiir tuyên bố trong một sắc lệnh rằng ông ân xá cho 71 tù nhân, trong đó có 36 tử tù, nhưng không cho biết thêm chi tiết.
Tý Linh
(theo nhật báo La Croix và Vatican News)
Tags: châu Phi, Giáo-Hội-&-Nhà-Nước, Hòa-bình, Phanxicô-I
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 14. CÁC ƠN CỦA HIỀN THÊ. CÁC ĐẶC SỦNG, NHỮNG ƠN CỦA CHÚA THÁNH THẦN VÌ ÍCH CHUNG
- ẤN BẢN MỚI CỦA SÁCH BÀI ĐỌC DÀNH CHO TANG LỄ CỦA ĐỨC THÁNH CHA
- CARLO ACUTIS VÀ PIER GIORGIO FRASSATI SẼ ĐƯỢC PHONG THÁNH TRONG NĂM THÁNH
- ĐỨC PHANXICÔ: THIÊN CHÚA SẼ CÓ LỜI CUỐI CÙNG VỀ CUỘC CHIẾN Ở UCRAINA
- SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO NGÀY QUỐC TẾ GIỚI TRẺ LẦN THỨ 39 : TÔI XÂY DỰNG CUỘC SỐNG CỦA TÔI TRÊN NHỮNG NIỀM HY VỌNG NÀO ?
- SỰ KHÔNG CHẮC CHẮN TO LỚN VỀ CÁC SỐ LIỆU CỦA CUỘC XUNG ĐỘT
- THƯ CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHAN-XI-CÔ VỀ VIỆC KÍNH NHỚ CÁC THÁNH, CHÂN PHƯỚC, ĐẤNG ĐÁNG KÍNH VÀ TÔI TỚ CHÚA CỦA CÁC GIÁO HỘI ĐỊA PHƯƠNG
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN NĂM B: MỌI SỰ ĐỀU QUA ĐI, CHÚA KITÔ VẪN CÒN MÃI
- HÌNH ẢNH ĐỨC PHANXICÔ ĂN TRƯA VỚI 1300 NGƯỜI NGHÈO
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC PHANXICÔ TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN NĂM B, NHÂN NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO : XIN ĐỪNG QUÊN NGƯỜI NGHÈO
- “HÃY ĐẾN TẤT CẢ CÁC NHÀ TÙ”
- LAO ĐỘNG: PHÚC LÀNH HAY HÌNH PHẠT THEO THÁNH KINH?
- CÔNG ÍCH THƯỜNG BỊ PHỚT LỜ TRONG HÀNH ĐỘNG
- NICARAGUA: CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC BỊ TRỤC XUẤT ĐẾN GUATEMALA
- NÊN THÁNH, ĐÓ LÀ “ĐỂ MÌNH ĐƯỢC BIẾN ĐỔI BỞI SỨC MẠNH CỦA TÌNH YÊU THIÊN CHÚA”
- NGƯỜI CÔNG GIÁO, NHỮNG NHÀ VÔ ĐỊCH HOẠT ĐỘNG TÌNH NGUYỆN Ở PHÁP
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 13. MỘT BỨC THƯ ĐƯỢC VIẾT BỞI THÁNH THẦN CỦA THIÊN CHÚA HẰNG SỐNG : ĐỨC MARIA VÀ CHÚA THÁNH THẦN
- Ở RÔMA, SỰ TRIỂN LÃM ĐÁNG KINH NGẠC VỀ VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG THÁNH PHÊRÔ NHỜ TRÍ TUỆ NHÂN TẠO
- ĐỨC TGM JUSTIN WELBY, NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU GIÁO HỘI ANH GIÁO, TỪ CHỨC
- NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO: ĐỨC PHANXICÔ SẼ DÙNG BỮA TRƯA VỚI 1.300 NGƯỜI NGHÈO