Ở PAPUA, ĐỨC PHANXICÔ CA NGỢI SỰ HÒA HỢP VÀ HÀI HÒA GIỮA CÁC NHÓM SẮC TỘC
Rất xa Rôma nhưng lại rất gần trái tim của Giáo hội Công giáo. Đó là một bộ ba bức tranh gồm có sự đa dạng, sự hài hòa và tình huynh đệ mà Đức Giáo hoàng đã đề xuất trong bài phát biểu đầu tiên của ngài ở Papua, trước 300 nhà cầm quyền tại APEC Haus ở Cảng Moresby, hôm thứ Bảy ngày 7/9/2024. Tại thủ đô của xứ sở chim thiên đường, ngài cũng ca ngợi tâm hồn vui tươi và tự do của đất nước, trái ngược với sự co cụm của các xã hội giàu có.
Sau những điệu múa truyền thống và món quà Lakatoi, một chiếc thuyền buồm điển hình của Papua New Guinea (PNG), Đức Thánh Cha đã lắng nghe bài phát biểu của Toàn quyền Bob Dadae. Đại diện của Vua Charles III, trong chế độ quân chủ lập hiến Papua, thành viên của Khối thịnh vượng chung, đã ghi nhận sự đóng góp to lớn của Giáo hội Công giáo cho sự phát triển ngày càng tăng của đất nước chỉ sau 179 năm hiện diện, đồng thời ca ngợi chính sách ngoại giao của Vatican về các vấn đề nhân đạo toàn cầu.
Giữa những bức tường mờ của APEC Haus, một cấu trúc hiện đại được sử dụng cho các hội nghị thượng đỉnh ngoại giao của Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương, nhiều nguyên thủ quốc gia từ đảo Thái Bình Dương cũng lắng nghe Đức Thánh Cha. Các Thủ tướng của Quần đảo Tonga, Vanuatu, và thậm chí cả Tổng thư ký Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương (FIP) đã có mặt để nghe bài phát biểu đầu tiên này của Đức Phanxicô.
Sự hài hòa từ những khác biệt
Trước ngài Toàn quyền, Thủ tướng James Marape, đoàn ngoại giao PNG và 300 đại diện xã hội dân sự, trên con tàu thủy tinh ven biển này, Người kế vị Thánh Phêrô đã ca ngợi sự giàu có vô tận của Papua. Đầu tiên là văn hóa: hơn 800 ngôn ngữ, nhiều hòn đảo cũng như tiếng nói, một đặc điểm điển hình của Châu Đại Dương nơi thiên nhiên rộng lớn kết nối con người chứ không ngăn cách họ, khác xa với những lối quan niệm nhị nguyên. Trên bình diện tâm linh, Đức Phanxicô hình dung rằng sự đa dạng to lớn này là “một thách thức đối với Chúa Thánh Thần, Đấng tạo ra sự hài hòa từ những khác biệt”.
Phân chia thu nhập từ việc khai thác tài sản
Sự giàu có các hòn đảo và ngôn ngữ, cũng như các tài nguyên đất đai và biển cả mà Đức Phanxicô mong muốn mang lại hòa bình và thịnh vượng cho cư dân của hòn đảo Thái Bình Dương nằm ở trung tâm Tam giác San hô này. “Những tài sản này được Thiên Chúa dự định dành cho toàn bộ cộng đồng và, mặc dù việc khai thác chúng đòi hỏi sự can thiệp của các thẩm quyền rộng lớn hơn và các công ty quốc tế lớn, nhưng đúng là nhu cầu của người dân địa phương phải được tính đến một cách hợp lý trong việc phân phối thu nhập và trong việc sử dụng nhân công, nhằm tạo ra sự cải thiện hiệu quả về điều kiện sống của họ,” Đức Thánh Cha tuyên bố, khi đề cập đến xứ sở thần tiên tự nhiên này, nơi che chở gần 5% đa dạng sinh học của thế giới, bị các công ty nước ngoài khai thác. Hơn 12% rừng Papua thuộc sở hữu của các công ty nước ngoài.
Sự giàu có về môi trường và văn hóa này đồng thời biểu hiện một trách nhiệm lớn lao, bởi vì nó liên quan đến tất cả mọi người, nhà cầm quyền cũng như người dân, “nhờ các chương trình có thể thực hiện được một cách cụ thể và sự hợp tác quốc tế, trong sự tôn trọng lẫn nhau và với các thỏa thuận có lợi cho tất cả các bên”.
Kêu gọi chấm dứt bạo lực bộ lạc
Đức Phanxicô cũng nói về thách thức trong việc bình định xã hội Papua, nơi vẫn là nạn nhân của các cuộc xung đột cục bộ. Theo Đức Thánh Cha, một điều kiện thiết yếu là sự ổn định của các thể chế, được thúc đẩy bởi sự hòa hợp về một số điểm thiết yếu giữa các quan niệm và sự nhạy cảm khác nhau hiện có trong xã hội.
“Tất cả điều này cũng đòi hỏi một tầm nhìn dài hạn và một bầu không khí hợp tác giữa tất cả mọi người, bao gồm cả sự phân biệt các vai trò và sự khác biệt về quan điểm,” Đức Thánh Cha nói tiếp và đồng thời mong muốn chấm dứt bạo lực giữa các bộ lạc. “Nó không cho phép sống trong hòa bình và cản trở sự phát triển”, Đức Phanxicô nhấn mạnh, đồng thời kêu gọi ý thức trách nhiệm của mỗi người “để ngăn chặn vòng xoáy bạo lực và kiên quyết cam kết đi theo con đường dẫn đến sự hợp tác hiệu quả, vì lợi ích của tất cả người dân của đất nước.”
Củng cố sự hòa hợp dân sự
Trong bầu không khí được tạo ra bởi những thái độ này, ĐTC Phanxicô hy vọng, “tình trạng” của đảo Bougainville, trong quá trình độc lập, cũng có thể tìm được một giải pháp dứt khoát, nhờ đó tránh được sự trỗi dậy của những căng thẳng cũ. Quá trình dẫn đến điều này vẫn đang được tiến hành vào năm 2024 và sẽ đạt được kết quả vào năm 2027. Cuối cùng, đối với tất cả những người tuyên bố mình là Kitô hữu ở PNG, Đức Phanxicô tha thiết mong muốn rằng “đức tin không bao giờ bị giảm thiểu thành việc tuân giữ các nghi lễ hoặc giới luật.” Tại quốc gia chủ yếu theo đạo Tin lành này, vị Thủ tướng thuộc Tin Lành Phục Lâm, mong muốn đưa Kitô giáo vào Hiến pháp, vốn đã chứa đựng các giá trị Kitô giáo. Một sáng kiến không có sự ủng hộ của Giáo hội Công giáo địa phương.
Bằng cách củng cố sự hài hòa trên các nền tảng của xã hội dân sự, và với việc mỗi cá nhân sẵn sàng hy sinh điều gì đó trong quan điểm của mình vì lợi ích của mọi người, người ta sẽ có thể triển khai các lực lượng cần thiết để cải thiện cơ sở hạ tầng, đáp ứng nhu cầu của người dân về mặt y tế và giáo dục, đồng thời tăng cường khả năng việc làm xứng đáng.
Tâm hồn ngột ngạt trong sự dư thừa vật chất
“Ngoài những gì cần thiết để sống, con người cũng cần một niềm hy vọng lớn lao trong tâm hồn, khiến họ sống tốt, mang lại cho họ hương vị và lòng can đảm để bắt tay vào những dự án quy mô lớn và cho phép họ ngước mắt nhìn lên cao và hướng tới những chân trời rộng lớn.” Như trong nhiều bài phát biểu trước chính quyền các quốc gia mà ngài đến thăm, Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến sự cần thiết mang lại linh hồn cho đất nước này.
Thật vậy, Đức Phanxicô đã nhắc lại sự phong phú của của cải vật chất, “nếu không có hơi thở của linh hồn, thì không đủ để mang lại sự sống cho một xã hội năng động và thanh thản, lao động và vui tươi”; “ngược lại, nó khiến xã hội tự khép kín nơi chính mình.” Do đó, Đức Phanxicô đã củng cố các xã hội truyền thống của đất nước trước sự giàu có trống rỗng và mất phương hướng mà thời hiện đại đôi khi tạo ra ở những nơi khác trên thế giới.
Đây là lý do tại sao, ngài tin rằng, thật thích hợp để hướng tâm trí chúng ta tới những thực tại lớn lao hơn, phát động lời kêu gọi chống tham nhũng, một trong những tai họa của đất nước: “Các hành vi phải được hỗ trợ bởi một sức mạnh nội tâm vốn bảo vệ họ khỏi nguy cơ tham nhũng và mất dần khả năng nhận ra ý nghĩa công việc của mình và hoàn thành nó với sự tận tụy và kiên trì”.
Vẫn là một dân tộc cầu nguyện
Điều này cũng được phản ánh trong logo và khẩu hiệu chuyến thăm Papua New Guinea của ngài. “Cầu nguyện”. “Một số người quá chú ý đến “sự đúng đắn về mặt chính trị” có thể ngạc nhiên trước lựa chọn này; nhưng trên thực tế, họ đã sai, bởi vì một dân tộc cầu nguyện sẽ có một tương lai, bằng cách kín múc sức mạnh và niềm hy vọng từ trên cao,” Đức Thánh Cha nhận xét và đồng thời kết luận, lấy cảm hứng từ quốc huy chim thiên đường, biểu tượng của tự do: “không có gì và không ai có thể bóp nghẹt vì nó là nội tâm và được Thiên Chúa bảo vệ”.
Khích lệ các tín hữu Công giáo
Đối với người Công giáo trong đất nước này, Đức Thánh Cha nói : “Tôi đến đây để khuyến khích các tín hữu Công giáo tiếp tục hành trình và củng cố họ trong việc tuyên xưng đức tin; tôi đến để vui mừng với họ về những tiến bộ họ đang đạt được và chia sẻ những khó khăn của họ; tôi ở đây, như Thánh Phaolô nói, để “góp phần vào niềm vui của anh em” (2 Cr 1, 24) ”.
“Tôi xin chúc mừng các cộng đồng Kitô giáo vì những công việc bác ái mà họ thực hiện trong nước và tôi mời gọi họ luôn tìm kiếm sự cộng tác với các tổ chức công cộng và tất cả những người có thiện chí, bắt đầu từ những anh em thuộc các niềm tin Kitô khác và các tôn giáo khác, vì công ích của mọi công dân Papua New Guinea”.
Tý Linh
(theo Delphine Allaire – ở Cảng Moresby, Vatican News và Vatican.va)
Tags: Giáo-Hội-&-Nhà-Nước, Phanxicô-I
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- HÀNH TRÌNH QUA CÁC NĂM THÁNH NHỜ CÁC SẮC CHỈ TRIỆU TẬP
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG NĂM C: TẠ ƠN CHÚA VỀ HỒNG ÂN SỰ SỐNG
- NĂM THÁNH 2025: CẦN PHẢI CÓ THẺ HÀNH HƯƠNG ĐỂ BƯỚC QUA CÁC CỬA THÁNH Ở RÔMA
- DIỄN VĂN CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO GIÁO TRIỀU RÔMA NHÂN DỊP CHÚC MỪNG GIÁNG SINH 2024: HÃY NÓI TỐT CHỨ ĐỪNG NÓI XẤU
- GIÁO TRIỀU RÔMA, BÀI GIẢNG MÙA VỌNG THỨ 3: SỰ CAO CẢ CỦA THIÊN CHÚA LÀ SỰ NHỎ BÉ
- MỤC TỬ TRONG THÁNH KINH, MỘT HÌNH ẢNH VỀ UY QUYỀN VÀ LÒNG NHÂN TỪ
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI NHÓM ÂN NHÂN VIỆT NAM: HỖ TRỢ CÁC CÔNG VIỆC BÁC ÁI ĐÓNG GÓP VÀO VIỆC MANG LẠI NIỀM HY VỌNG
- THÁNH TÍCH CỦA THÁNH TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU ĐẾN RÔMA NHÂN NĂM THÁNH
- BÀI GIÁO LÝ VỀ NĂM THÁNH 2025. CHÚA GIÊSU KITÔ, NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA. I. THỜI THƠ ẤU CỦA CHÚA GIÊSU. BÀI 1. GIA PHẢ CỦA CHÚA GIÊSU (Mt 1, 1-17). CON THIÊN CHÚA ĐI VÀO LỊCH SỬ
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG NĂM C: CHÚNG TÔI PHẢI LÀM GÌ?
- NHỮNG ĐOẠN TRÍCH TỪ CUỐN TỰ TRUYỆN « HY VỌNG » CỦA ĐỨC PHANXICÔ
- ĐỨC PHANXICÔ TIẾT LỘ NGÀI ĐÃ THOÁT KHỎI HAI VỤ MƯU SÁT TRONG CHUYẾN TÔNG DU TỚI IRAK
- ĐỨC PHANXICÔ CA NGỢI CORSE NHƯ MÔ HÌNH CỦA “TÍNH THẾ TỤC LÀNH MẠNH”
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI HÀNG GIÁO SĨ CORSE: “HÃY CHĂM SÓC CÁC BẠN VÀ NGƯỜI KHÁC”
- VIDEO TRỰC TUYẾN CHUYẾN TÔNG DU CORSE
- ĐỨC THÁNH CHA SẼ ĐẾN CORSE ĐỂ KÊU GỌI CẦU NGUYỆN, CÔNG LÝ VÀ TRÁCH NHIỆM
- THƯỢNG HỘI ĐỒNG: ĐỨC THÁNH CHA BỔ NHIỆM CÁC THÀNH VIÊN HỘI ĐỒNG THƯỜNG LỆ, TRONG ĐÓ CÓ HAI PHỤ NỮ
- CHUYẾN TÔNG DU CỦA ĐỨC PHANXICÔ: ĐỐI VỚI ĐA SỐ NGƯỜI PHÁP, ĐỨC PHANXICÔ “ĐÚNG” KHI THÍCH CORSE HƠN NHÀ THỜ ĐỨC BÀ PARIS
- BÀI GIẢNG THỨ 2 TRONG MÙA VỌNG CHO GIÁO TRIỀU RÔMA : TÁI KHÁM PHÁ NIỀM TIN TƯỞNG VÀO THIÊN CHÚA ĐỂ LÀM SỐNG LẠI NIỀM HY VỌNG
- BÁO CÁO CỦA HỘI THỪA SAI PARIS VỀ CÁC VỤ LẠM DỤNG TÌNH DỤC