Ở SIGNIS, SUY NGHĨ LẠI VỀ TRUYỀN THÔNG NHẮM ĐẾN HÒA BÌNH BỀN VỮNG

Written by xbvn on Tháng Tám 16th, 2022. Posted in Luân lý, Nhân bản, Thế Giới, Tý Linh

Tổng trưởng của Bộ Truyền thông của Tòa Thánh, ông Paolo Ruffini, có bài tham luận dịp Hội nghị Thế giới Signis, hội nghị thế giới của Hiệp hội truyền thông Công giáo, được  tổ chức năm nay ở Séoul. Đối với ông, cách duy nhất để đáp trả thách đố của công nghệ là không xem nó như một thần tượng.

Có những thứ mà công nghệ không thể thay thế, « như tự do, như sự kỳ diệu của cuộc gặp gỡ giữa những con người, sự ngạc nhiên của sự bất ngờ, sự hoán cải, chút khéo léo, tình yêu nhưng không », Paolo Ruffini tuyên bố như thế dịp khai mạc hội nghị thế giới mạng lưới Công giáo Signis, một hiệp hội quốc tế của các chuyên viên Công giáo trong lãnh vực truyền thông. Năm nay sự kiện xoay quanh chủ đề « Hòa bình trong thế giới kỹ thuật số », diễn ra ở Séoul cho đến ngày 18/8/2022, và tập hợp khoảng 300 tham dự viên của mọi châu lục.

Siêu kết nối nhưng cô đơn

Vị Tổng trưởng Bộ Truyền thông đã nhắc lại rằng công nghệ, hoa trái của sự khéo léo của con người, ngày nay cho phép những kỳ tích như hội nghị từ xa, y tế từ xa hoặc thương mại điện tử, « không thể tưởng tượng được chỉ vài thập niên trước ». Nhưng, ông nhấn mạnh, nghịch lý của thời đại chúng ta ở chỗ « chúng ta siêu kết nối nhưng cũng cô đơn ». Và đó thực sự là vấn đề.

« Khi không còn truyền thông nữa, nhưng chỉ là kết nối, thì lúc đó chúng ta phải tự hỏi, kiểm điểm lương tâm cá nhân và tập thể, và trả lời một số câu hỏi. Làm thế nào có thể vừa siêu kết nối lại vừa công đơn kinh khủng ? Còn thiếu gì cho sự kết nối của chúng ta để lấp đầy nỗi cô đơn này ? » Cách duy nhất để đáp trả thách đố của công nghệ là « đừng coi nó như là một thần tượng. Nhưng cũng không quỷ hóa nó, đừng tin rằng nó được giao nhiệm vụ cứu rỗi nhân loại ».

Hạnh phúc không mua được

Paolo Ruffini vẫn còn nhớ lời khuyên của Đức Thánh Cha Phanxicô cho một cô gái, dịp gặp gỡ với giới trẻ ở đền thánh Solmoe (Nam Hàn) vào năm 2014. « Hạnh phúc không mua được. Và khi người ta mua được hạnh phúc, thì lúc đó người ta nhận ra rằng hạnh phúc này đã không còn nữa…Hạnh phúc mua được thì không kéo dài được. Chỉ hạnh phúc của tình yêu mới là hạnh phúc kéo dài », Đức Thánh Cha Phanxicô tuyên bố.

Theo Ruffini, chủ nghĩa tiêu thụ thay thế hạnh phúc sâu xa hơn và bền vững hơn bằng một sự thỏa mãn ngắn hạn. « Chúng ta biết rằng chúng ta không chỉ là người tiêu thụ (…). Chúng ta biết rất rõ rằng chỉ mối tương quan, mối liên hệ dựa trên tình yêu mới có thể khiến chúng ta ít cô đơn độc hơn, mới có thể kéo dài và làm cho chúng ta hạnh phúc ». Và, theo ông, tình yêu dựa trên sự mong manh cực kỳ này là cảm thấy nhu cầu yêu thương và được yêu thương, cho đi và tự hiến. « Đây là gốc rễ của mọi giao tiếp. Đó là lý do tại sao kết nối mà thôi thì không đủ ».

Nguy cơ của các cộng đồng mạng xã hội

Trong bài phát biểu của mình, Paolo Ruffini cũng đề cập đến các cộng đồng mạng xã hội. Như Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh trong sứ điệp cho Ngày truyền thông xã hội lần thứ 53, những mạng này không tất nhiên đồng nghĩa với cộng đồng : « Quá thường, căn tính của họ dựa trên sự đối lập với người khác, với những người bên ngoài nhóm. Quá thường, chúng được định nghĩa bởi những gì chia rẽ hơn là những gì hiệp nhất. Nó để chỗ cho sự nghi ngờ và biểu thị mọi hình thức thành kiến (sắc tộc, giới tính, tôn giáo…). Và những gì phải là một cửa số về thế giới lại trở thành một tủ kính trong đó người ta có thể thể hiện lòng tự ái của mình ».

Một nền nhân bản mới

Vị Tổng trưởng cho rằng thách thức của một nền báo chí tốt là « tìm ra những con đường mới cho một lối truyền thông mới, thấm nhiễm các thể loại và ngôn ngữ bằng cách tập trung vào đối thoại hơn là tiếp thị ý tưởng, vào trí tuệ như là phạm trù đạo đức hơn là chủ nghĩa đạo đức cuồng tín của đám đông ». Theo ông, phải chứng tỏ tính sáng tạo để đạt tới mọi người nơi họ sống, bằng cách tìm ra những cơ hội lắng nghe, đối thoại và gặp gỡ như Đức Thánh Cha gần đây đã nói ở Québec. « Các nhà truyền thông Công giáo, các nhà báo Công giáo, tất cả người nam và người nữ thiện chí dấn thân trên mặt trận khó khăn và vĩ đại là truyền thông này, đều có thể là những nhân vật chính của một nền nhân bản mới… »

Một thách thức của Hội nghị thế giới Signis

Các cuộc họp, hội nghị trực tuyến về việc sử dụng các phương tiện truyền thông, bao gồm cả truyền thông xã hội, đó là chân trời mà công việc của Hội nghị thế giới Signis hướng đến. « Việc sử dụng các phương tiện truyền thông kỹ thuật số, cách riêng các phương tiện truyền thông xã hội » đã khơi dậy nhiều vấn đề đạo đức nghiêm trọng vốn đòi hỏi một sự phán đoán khôn ngoan và có phân định về phía các nhà truyền thông và tất cả những ai quan tâm đến tính chân thật và phẩm chất của các mối tương quan nhân loại. Đôi khi và ở một số nơi, các trang web truyền thông đã trở thành những nơi độc hại, ngôn từ hận thù và tin giả. Để đáp lại thách thức này, Signis có thể đóng một vai trò quan trọng bằng cách chống lại thông tin sai lệch, nhờ việc giáo dục truyền thông và nhờ mạng lưới truyền thông Công giáo.

Tý Linh

(theo Vatican News)

Tags: ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Một 2024
H B T N S B C
« Th10    
  1 2 3
4 5 6 7 8 9 10
11 12 13 14 15 16 17
18 19 20 21 22 23 24
25 26 27 28 29 30