Ở THÁI LAN, CUỘC CHIẾN HÀNG NGÀY CỦA MỘT LINH MỤC CHỐNG LẠI NẠN LAO ĐỘNG TRẺ EM
Ở vùng núi Thái Lan, dọc biên giới với Miến Điện, cha Alessandro Brai, nhà thừa sai, làm việc bên cạnh trẻ em tỵ nạn, cố gắng tránh cho các em đi làm và cho các em học hành. Lao động trẻ em thường xuyên bị Đức Thánh Cha Phanxicô lên án, ngài coi đó là “tai họa của tuổi thơ bị sỉ nhục và bị bóc lột”.
“Chúng ta cảm thấy khó khăn khi nhìn thẳng vào mắt một đứa trẻ bị gạt ra bên lề, bị bóc lột và lạm dụng.” Hôm thứ Tư ngày 8/1/2025, trong bài giáo lý truyền thống vào Thứ Tư, Đức Thánh Cha Phanxicô đã phẫn nộ trước việc bóc lột trẻ em, đặc biệt là qua lao động. Theo Liên Hợp Quốc, 160 triệu trẻ em, tức gần 1/10 trên thế giới, là nạn nhân.
Thông thường, vì nghèo đói mà trẻ em không có lựa chọn nào khác ngoài việc lao động để chu cấp cho nhu cầu của bản thân và gia đình. Chẳng hạn, tại các khu ổ chuột ở Bangkok, “rất nhiều người trong số các em vẫn ở bên ngoài, không đến trường và làm những công việc nhỏ như bán đồ hoặc giúp vận chuyển thiết bị hoặc thực phẩm”, cha Alessandro Brai cho biết.
Đến Thái Lan vào năm 2012 cùng các đồng nghiệp, trước tiên họ định cư ở KhlongToey, một trong những khu ổ chuột lớn nhất ở thủ đô Thái Lan. Năm 2023, vị linh mục gốc Sardinia tham gia sứ mệnh tại “Km 48”, dọc biên giới giữa Thái Lan và Miến Điện.
Làm việc để chu cấp cho gia đình của các em
Kể từ khi bắt đầu cuộc nội chiến vào tháng 2 năm 2021, gần 2 triệu người Miến Điện đã trốn khỏi đất nước để tỵ nạn ở Thái Lan. Cha Alessandro Brai giải thích: “Vì họ không có giấy tờ, các gia đình rất nghèo, nên họ cần tiền”. Nghèo đói đẩy trẻ em đi làm từ khi còn rất nhỏ.
Trong những gia đình đông con, người mẹ ở nhà chăm sóc con cái, lương của người cha không đủ. Nhà thừa sai cho biết: “Có rất nhiều công việc trên đồng ruộng và không có đủ người Thái làm việc đó, vì vậy trẻ em Miến Điện bị gia đình ép đi làm”.
Giáo dục, một cuộc đấu tranh hàng ngày
Đối mặt với nạn lao động trẻ em, cha Alessandro Brai khuyến khích các gia đình cho con đi học. Nhưng những đứa trẻ này, những người tỵ nạn ở Thái Lan, không thể được hưởng lợi từ giáo dục công lập, vì không có giấy tờ. Tuy nhiên, một số trung tâm học tập do các tổ chức phi chính phủ quản lý lại cố gắng dạy những kiến thức cơ bản về giáo dục cho giới trẻ. Tuy nhiên, số chỗ rất hạn chế. Các nhà truyền giáo dòng Xaverian cũng mở trường học riêng của họ vào năm 2022.
Lúc đó, cần phải thuyết phục phụ huynh để con họ ở trường. Cha Brai nói tiếp: “Điều chúng tôi cố gắng làm với các gia đình là nói chuyện với các bậc cha mẹ, cố gắng xem chúng tôi có thể giúp họ sống như thế nào khi con cái họ không đi làm”. Vì vậy, một số người cha được giáo xứ hoặc những người Công giáo khác thuê để mang lại một mức lương khá để đáp ứng nhu cầu của tất cả con cái họ.
Các nhà thừa sai cũng phải thuyết phục giáo viên ở lại bàn làm việc của họ. “Đôi khi, các giáo viên đi làm trong các cánh đồng, thay vì dạy học để kiếm thêm tiền cho gia đình”, Cha nhấn mạnh và đồng thời cố gắng trả mức lương xứng đáng cho các giáo viên tại trung tâm của mình.
Viện trợ từ các hiệp hội quốc tế
Một số hiệp hội làm việc với những người tỵ nạn Miến Điện đang sống trong nghèo đói, chẳng hạn như Enfants du Mékong, bằng cách gửi tình nguyện viên và quyên góp. Cha Alessandro Brai nhận và phân phát số tiền viện trợ này “cho việc học tập của trẻ em, nghĩa là mua đồng phục, đồ dùng cũng như thực phẩm, vì thường những thứ chúng cần là thức ăn”. Do đó, ngài tiến hành giám sát chặt chẽ để đảm bảo rằng số tiền này được sử dụng để cải thiện việc giáo dục trẻ em.
Cha Alessandro Brai, giống như các đồng sự của mình, cống hiến hết mình cho nhiệm vụ cung cấp nền giáo dục tốt nhất có thể cho trẻ em, mặc dù ngài nhận thức được sự mênh mông của nhiệm vụ ở khu vực miền núi phía tây bắc Thái Lan này: “Có hàng nghìn, hàng nghìn người đang cần được giúp đỡ, bởi vì nhiều gia đình đã tỵ nạn ở đó trong một thời gian dài và ngày càng có nhiều gia đình đến đây”.
Tý Linh
(theo Jean-Benoît Harel – Vatican News)
Tags: Giáo-dục
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- ĐỨC PHANXICÔ ĐÁP ỨNG ĐIỀU TRỊ, NHƯNG VẪN CÒN NGUY HIỂM
- SỨC KHỎE CỦA ĐỨC PHANXICÔ ĐỠ HƠN
- BỆNH VIÊM PHỔI HAI BÊN, CĂN BỆNH MÀ ĐỨC PHANXICÔ MẮC PHẢI LÀ GÌ?
- ĐỨC PHANXICÔ VẪN VUI VẺ BẤT CHẤP BỊ VIÊM PHỔI CẢ HAI BÊN
- “ORDO AMORIS” LÀ GÌ?
- J.D. VANCE TRÁI NGƯỢC VỚI ĐỨC PHANXICÔ: “LIỆU TRẬT TỰ CỦA TÌNH YÊU CÓ BIỆN MINH CHO VIỆC TRỤC XUẤT NGƯỜI NƯỚC NGOÀI KHÔNG?”
- NĂM THÁNH CỦA CÁC NGHỆ SĨ VÀ THẾ GIỚI VĂN HOÁ: BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
- ANNE LÉCU: “CÀNG QUAN TÂM ĐẾN THÁNH KINH, CHÚNG TA CÀNG QUAN TÂM ĐẾN CON NGƯỜI”
- KHỔ HÌNH KHỦNG KHIẾP CỦA THÁNH NỮ APOLLINA
- ĐHY PAROLIN PHẢN ĐỐI VIỆC TRỤC XUẤT NGƯỜI PALESTINE KHỎI GAZA
- THÁNH KINH THỰC SỰ NÓI GÌ VỀ TIẾNG CƯỜI?
- THÁNH KINH: LOẠT VIDEO CHỐNG LẠI NHỮNG LỐI GIẢI THÍCH SAI LẠC
- 350 GIÁO SĨ DO THÁI LÊN TIẾNG PHẢN ĐỐI VIỆC “THANH LỌC SẮC TỘC” Ở GAZA
- ĐỨC PHANXICÔ NHẬP VIỆN Ở RÔMA VÌ BỆNH VIÊM PHẾ QUẢN
- TẠI SAO GIÁO HỘI CAN THIỆP VÀO VẤN ĐỀ XÃ HỘI?
- MỸ: CÁC HỆ PHÁI KITÔ VÀ CÁC TỔ CHỨC DO THÁI PHẢN ĐỐI VIỆC BẮT GIỮ NGƯỜI DI CƯ
- BÀI GIÁO LÝ VỀ NĂM THÁNH 2025. CHÚA GIÊSU KITÔ, NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA. I. THỜI THƠ ẤU CỦA CHÚA GIÊSU. BÀI 5 : « MỘT ĐẤNG CỨU ĐỘ ĐÃ SINH RA CHO ANH EM, NGƯỜI LÀ ĐẤNG KITÔ, LÀ ĐỨC CHÚA » (Lc 2, 11). CHÚA GIÊSU GIÁNG SINH VÀ CÁC MỤC ĐỒNG THĂM VIẾNG
- “LIỆU CHÍNH QUYỀN TRUMP SẼ CHỌN ĐỐI ĐẦU VỚI ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ?”
- SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC PHANXICÔ GỞI CHO TỔNG THỐNG PHÁP EMMANUEL MACRON NHÂN DỊP “HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH HÀNH ĐỘNG VỀ TRÍ TUỆ NHÂN TẠO”
- MẸ TÊRÊSA CALCUTTA ĐƯỢC GHI VÀO LỊCH CHUNG RÔMA