Ở TRƯỜNG ĐẠI HỌC, BÀI HỌC CỦA ĐỨC PHANXICÔ VỀ KIẾN ​​THỨC BẰNG XƯƠNG BẰNG THỊT

Written by xbvn on Tháng Mười Một 10th, 2024. Posted in Luân lý, Nhân bản, Tâm linh, Thế Giới, Tý Linh

Trong một bài phát biểu dài gần một giờ, hôm 5/11/2024, Đức Phanxicô đã đưa ra tầm nhìn của mình về thế giới hàn lâm của Dòng Tên, suy ngẫm về những cạm bẫy của một nền linh đạo lỏng “Coca-cola-hóa” (cocacolisation), phi hiện thực. Lần đầu tiên trong các bức tường của giảng đường giáo hoàng lâu đời nhất ở Rôma, Đức Phanxicô đã nhấn mạnh việc nhân bản hóa kiến ​​thức và, theo lối tiếp cận của ngài với Thánh Tâm Chúa Giêsu, cần biến mỗi không gian học thuật thành “ngôi nhà của trái tim”.

Đức Thánh Cha bắt đầu bài phát biểu của mình bằng một từ ngữ mới. Nguy cơ “coca-cola-hóa” trong nghiên cứu và giảng dạy sẽ dẫn tới “coca-cola-hóa” tâm linh. “Thật không may, có nhiều môn đệ của Coca-Cola tâm linh!” Đức Phanxicô lấy làm tiếc, ngài khiến cử tọa trí thức mỉm cười khi sử dụng công thức này. Nhận lời mời của Cha Bề trên tổng quyền Dòng Tên và là phó chưởng ấn trường Đại học, cha Arturo Sosa, SJ, Đức Thánh Cha đã suy tư về sứ mạng đương đại của Đại học giáo hoàng Gregorian với sự giúp đỡ của một người đồng sáng lập Dòng Tên và là tông đồ truyền giáo, thánh Phanxicô Xaviê.

Đào tạo, một hành động bác ái quý giá và tinh tế

Thánh Phanxicô Xavier hẳn đã muốn đi đến tất cả các trường đại học vào thời của ngài và kêu gào khắp nơi như một kẻ điên, để lay động những người có nhiều kiến ​​thc hơn là bác ái và khuyến khích h tr thành những nhà thừa sai vì tình yêu thương anh chị em của họ, bằng cách nói với họ từ tận đáy lòng: ‘Lạy Chúa, này con đây, Chúa muốn con làm gì’?

Qua những lời này, Đức Thánh Cha như muốn nhắc nhở các giáo sư và gần 3.000 sinh viên ngày nay về nhiệm vụ của họ là trở thành những nhà thừa sai vì tình yêu đối với anh chị em và sẵn sàng đón nhận tiếng gọi của Chúa. “Sứ mạng, chính Chúa truyền cảm hứng và hỗ trợ nó. Vấn đề không phải là thay thế nó bằng những tham vọng của chúng ta, vốn làm cho kế hoạch của Thiên Chúa trở nên quan liêu, độc đoán, cứng nhắc và thiếu nồng nhiệt, thường áp đặt các chương trình nghị sự và tham vọng lên các kế hoạch của Chúa Quan Phòng,” Đức Thánh Cha lưu ý và đồng thời kêu gọi biến trường đại học thành một nơi mà sứ mạng trước hết phải được thể hiện thông qua hành động đào tạo, với niềm đam mê. “Đào tạo, đó trước hết là chăm sóc con người, và do đó là một hành động bác ái kín đáo, quý giá và tế nhị,” Đức Thánh Cha chỉ ra, trước khi cảnh báo chống lại một số bệnh đặc trưng cho những môi trường này.

Duy trí thức, thói tự ngã, dục vọng tâm linh

Phải tránh “thói duy trí thức khô khan”, “thói say mê bản thân bại hoại”, “một dục vọng tâm linh thực sự, nơi người khác chỉ tồn tại như những khán giả vỗ tay, như những chiếc hộp lấp đầy cái tôi của những người dạy học”. Và Đức Thánh Cha kể lại một giai thoại hùng hồn minh họa những tác hại này và sự thiếu trái tim đáng phẫn nộ: “Người ta kể cho tôi câu chuyện thú vị về một giáo sư, một buổi sáng nọ, thấy lớp học nơi ông đang giảng bài trống rỗng. Ông luôn tập trung đến mức không có ai trước khi ông đến bàn làm việc. Lớp học rất rộng và phải mất nhiều bước để đến được nơi trông giống như “ngai tiến sĩ”. Khi nhận thấy sự trống rỗng, ông đã quyết định ra ngoài và hỏi người gác cổng xem chuyện gì đã xảy ra…. Khi người này chỉ vào tấm áp phích dán trên cửa sau khi ông ta bước vào, người ta có thể đọc thấy: “Lớp học bị chiếm giữ bởi Cái Tôi quá lớn. Không có chỗ nào trống.

Nhân bản hóa kiến ​​thức về đức tin

Nhắc đến Stavrogin, nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết “Những con quỷ” của Dostoyevsky được trích dẫn trong thông điệp Dilexit nos, Đức Giáo hoàng, tác giả của một bức thư nổi tiếng về văn học vào mùa hè này, nhắc lại bằng chứng sau: trái tim là nơi đi và nơi đến của bất kỳ mối quan hệ nào. “Cor ad cor loquitur” – trái tim nói với trái tim – đã rất lối cuốn Đức Bênêđíctô XVI, Đức Phanxicô nói tiếp và đồng thời trích dẫn Thánh Gioan Henry Newman, người được Thánh Phanxicô de Sales truyền cảm hứng. Do đó, Đức Phanxicô mong muốn quay trở lại nguồn gốc của sứ mạng giáo dục của Đại học giáo hoàng Gregorian ,vào một ngày đẹp trời năm 1556 khi một nhóm mười lăm sinh viên định cư trong một ngôi nhà khiêm tốn không xa trụ sở hiện tại của trường đại học.

Trên cửa ngôi nhà này, người ta có thể đọc được dòng chữ sau: “Trường ngữ pháp, nhân đạo và giáo thuyết Kitô giáo, nhưng không”. Nó dường như được truyền cảm hứng từ lời mời của ngôn sứ Isaia: “Hỡi tất cả những ai đang khát, hãy đến nguồn nước! Người nào không có tiền bạc, hãy đến.”

Ngày nay, dòng chữ này trên cánh cửa ngôi nhà khiêm tốn nơi Đại học giáo hoàng Gregorian xuất thân có ý nghĩa gì? Đối với Đức Thánh Cha, đó là một lời mời gọi nhân bản hóa kiến ​​thức về đức tin, thắp sáng và khơi dậy tia sáng ân sủng nơi con người, đồng thời đảm bảo tính xuyên ngành trong nghiên cứu và giảng dạy.

Anh chị em có đang áp dụng Evangelii Gaudium không? Anh chị em có xem xét tác động của trí tuệ nhân tạo đối với việc giảng dạy, nghiên cứu không?”, Đức Phanxicô hỏi và đồng thời khẳng định rằng “không có thuật toán nào có thể thay thế được thơ ca, sự hài hước, tình yêu, và học sinh cần phải khám phá sức mạnh của trí tưởng tượng, nhận thấy cảm hứng nảy mầm, tiếp xúc với cảm xúc của họ và biết cách diễn đạt chúng.”

Lời ca ngợi sự nhưng không của kiến ​​thức

Do đó, chúng ta học biét trở thành chính mình, bằng cách lượng giá bản thân với những tư tưởng lớn, vừa tầm khả năng của mình, không có con đường tắt, vốn lấy đi quyền tự do quyết định, dập tắt niềm vui khám phá và lấy đi khả năng mắc sai lầm của chúng ta. Chúng ta học hỏi được từ sai lầm”, ngài nói tiếp và đồng thời mời gọi thực hiện “sự nhưng không” được ghi trên cửa của địa điểm đầu tiên của Trường, trong “các mối quan hệ, phương pháp và mục tiêu”. Thật vậy, chính sự nhưng không đã biến mọi người trở thành “những tôi tớ chứ không phải là những ông chủ”. “Chính sự nhưng không mở chúng ta ra trước những điều ngạc nhiên của Thiên Chúa, Đấng là lòng thương xót, giải thoát khỏi sự tham lam. Chính sự nhưng không làm nên những nhà hiền triết, những nhà giáo có đạo đức. Chính sự nhưng không có tính giáo dục mà không thao túng và không ràng buộc, mang lại niềm vui cho sự phát triển và khuyến khích trí tưởng tượng. Chính sự nhưng không tỏ lộ bản thể của Mầu nhiệm Thiên Chúa-Tình yêu, vị Thiên Chúa- Tình yêu này là Đấng gần gũi, trắc ẩn, dịu dàng, Đấng luôn đi bước đầu tiên, bước đầu tiên đến với mọi người, không loại trừ ai, trong một thế giới luôn đánh mất trái tim.

 Sự trường tồn và sự chóng tàn nhắc nhở rằng chỉ có Tin Mừng mới thắng thế

Để làm được điều này, chúng ta cần một trường đại học mang mùi “xác thịt của người dân”, không chà đạp lên những khác biệt trong ảo tưởng về một sự hiệp nhất vốn chỉ là sự đồng nhất, không sợ lan truyền đức hạnh và trí tưởng tượng làm sống lại những gì đang chết, Đức Thánh Cha nói tiếp, lần này được truyền cảm hứng rất nhiều bởi Francisco de Quevedo, nhà thơ Tây Ban Nha của Thời đại hoàng kim, khi suy ngẫm về cái chóng tàn và cái trường tồn trong Thành phố vĩnh hằng: “Chỉ còn lại dòng sông Tiber, dòng nước của nó đã từng tưới nước cho thành phố; bây giờ nó than khóc thành phố, một ngôi mộ, với những âm thanh u ám, đau thương.”

Ở Rôma, những gì chúng ta nghĩ là bất khả chiến bại, chỉ còn lại tàn tích, trong khi những gì được dành để chảy, để dòng sông chảy qua, thì đó chính là những gì đã chinh phục được thời gian.” “Những câu này khiến chúng ta suy nghĩ: đôi khi chúng ta xây dựng những tượng đài với hy vọng sống sót, để lại những dấu vết in sâu trên trái đất mà chúng ta tin là bất tử,” Đức Thánh Cha lưu ý và đồng thời nhắc lại rằng một lần nữa, mãi mãi, lôgic của Tin Mừng cho thấy chân lý của nó: để được, cần phải mất. “Chúng ta sẵn sàng đánh mất điều gì khi đối mặt với những thách thức đang đến với mình? Thế giới đang bốc cháy, sự điên cuồng của chiến tranh bao trùm mọi hy vọng bằng bóng tối của sự chết”, ngài chất vấn và đồng thời kêu gọi mọi người hãy tháo ngòi nổ nơi những lời nói của mình.

Một trường đại học lắng nghe xác thịt của người nghèo

Chúng ta phải khám phá lại con đường dẫn đến một nền thần học về nhập thể vốn làm sống lại niềm hy vọng về một nền triết học biết cách khơi dậy ước muốn chạm vào vạt áo choàng của Chúa Giêsu, để vươn tới bờ vực của mầu nhiệm”, ĐTC Phanxicô khẳng định và đồng thời khuyến khích một lối chú giải mở rộng cái nhìn của con tim, biết tôn trọng lời nói vốn phát triển trong mỗi thời đại với đời sống của những ai đọc nó trong đức tin. “Trường đại học này phải tạo ra một sự khôn ngoan vốn không thể nảy sinh từ những ý tưởng trừu tượng chỉ được hình thành trên bàn làm việc, nhưng nhìn và cảm nhận những khó khăn của lịch sử cụ thể, bắt nguồn từ sự tiếp xúc với cuộc sống của các dân tộc và các biểu tượng của các nền văn hóa, lắng nghe những vấn đề tiềm ẩn và tiếng kêu gào phát ra từ xác thịt đau khổ của người nghèo”, Đức Giám mục Rôma nhấn mạnh và đồng thời mời gọi trường đại học chạm vào xác thịt này, để có can đảm bước đi trong bùn và vấy bẩn bản thân.

Trong nhiều thế kỷ, khoa học thánh nhìn mọi người từ trên cao. Chúng ta đã phạm rất nhiều sai lầm! Đã đến lúc tất cả chúng ta phải khiêm tốn, thừa nhận rằng chúng ta không biết, chúng ta cần người khác, đặc biệt là những người không suy nghĩ như tôi”, Đức Thánh Cha nói và mời gọi “ít ghế hơn, nhiều bàn hơn mà không có phẩm trật, cạnh nhau, tất cả đều đi tìm tri thức, chạm đến những vết thương của lịch sử”. Để làm được điều này, cần biến không gian học thuật thành ngôi nhà của trái tim. “Để hàn gắn các mối quan hệ, cần một trái tim biết đối thoại. Trái tim này rất cần thiết ở trường đại học, vốn là nơi nghiên cứu một nền văn hóa gặp gỡ, chứ không phải từ chối. Đó là nơi đối thoại giữa quá khứ và hiện tại, giữa truyền thống và cuộc sống, giữa lịch sử và những câu chuyện,” ngài nói, khi chất vấn cộng đoàn Dòng Tên một lần nữa về vai trò hiện tại của Dòng. “Sứ mạng này có còn truyền tải được đặc sủng của Dòng hay không, nó có thể hiện và cụ thể hóa ân sủng sáng lập mang tên Inhaxiô Lôyôla không?”

Kêu gọi phân định

Nền tảng của tư tưởng Inhaxiô, sự phân định là cần thiết để “thanh lọc các ý hướng”. Trích lời cha Peter-Hans Kolvenbach, tu sĩ Dòng Tên người Hà Lan, Đức Thánh Cha nhắc nhở rõ ràng rằng “mọi sự sáng tạo, mọi chuyển động tâm linh, mọi sáng kiến mang tính ​​ngôn sứ và đặc sủng, sẽ trở nên mất phương hướng, phân tán và cạn kiệt nếu nó không được hội nhập vào mục tiêu phục vụ lớn hơn, tức là trong các dự án trần tục của chúng ta, hoặc trong những tham vọng và sự kiêu căng theo chủ nghĩa hiệu quả của chúng ta. Và điều này, ngay cả khi chúng ta đóng ấn giáo hoàng vào đó”. Và Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi chúng ta tránh xa việc giảm thiểu hoặc bảo tàng hóa giáo lý để, trái lại, “trải nghiệm nỗi đau của sự xung đột”, trích lời Cha Arrupe sắp được phong chân phước: “Hãy làm việc, hòa nhập những người ở ngoài hệ thống, thường xuyên trốn chạy nền văn hóa của họ. Nhưng xin đừng bỏ việc cầu nguyện”.

Đại học, nơi đối thoại, hòa hợp tiếng nói

Vì vậy, theo Đức Phanxicô, Đại học giáo hoàng Gregorian phải đảm nhận sứ mạng “phục vụ nền văn hóa” nhằm phục vụ việc tái kết hợp liên tục các mảnh vỡ của mỗi sự thay đổi của thời đại. Luôn luôn bằng cách nhập thể, hòa hợp với Chúa Thánh Thần. “Giống như Giáo hội, trường đại học phải là sự hòa hợp của những tiếng nói, được thực hiện trong Chúa Thánh Thần. Mỗi người có một nét đặc thù, nhưng những nét đặc thù này phải được đưa vào bản giao hưởng của Giáo hội và các công việc của Giáo hội, và chỉ có Chúa Thánh Thần mới có thể làm nên và làm nên bản giao hưởng tốt đẹp. Phần chúng ta không được làm hỏng điều đó và làm cho điều đó được vang vọng,” Đức Phanxicô kết luận, liên quan đến một ghi chú của thượng hội đồng mà tinh thần của nó không thể tách rời khỏi trường đại học, khác xa với các ý thức hệ. Chẳng hạn, Đức Thánh Cha đề cập đến trường hợp các cựu sinh viên, những người sau khi đạt đến cấp cao trong chính quyền, hóa ra lại khác với những gì kế hoạch đào tạo đề xuất. Đức Phanxicô mời gọi các giáo sư và sinh viên hãy “đánh giá trung thực về kinh nghiệm học thuật” nhằm tránh “những mê cung duy trí thức mà người ta không thể thoát ra một mình và sự tích lũy các quan niệm”, đồng thời vun trồng sở thích hài hước. Ngài kết luận bài phát biểu dưới một tràng pháo tay dài.

Theo Mikael Corre của nhật báo La Croix, được đặt câu hỏi về sự bất cập giữa thông điệp của Giáo hội Công giáo và nhiều vấn đề học thuật hiện nay – nghiên cứu về giới, tính giao thoa (intersectionnalité), v.v. – Đức Thánh Cha dẫn lời Franz Kafka: “Tôi tin rằng bạn không chỉ quan tâm đến sự thật vì nó quá khó”. Đức Phanxicô nói: “Việc tìm kiếm sự thật là khó nhọc vì nó buộc chúng ta phải thoát ra khỏi chính mình, chấp nhận rủi ro, đặt ra cho mình những câu hỏi. Đây là lý do tại sao, khi tâm trí mệt mỏi, chúng ta càng bị quyến rũ bởi một cuộc sống hời hợt, vốn không đặt ra quá nhiều câu hỏi; cũng như một “đức tin” dễ dãi, hời hợt, thoải mái thu hút chúng ta mà không bao giờ đặt vấn đề về điều gì.”

* Coca-Cola tâm linh: Niềm tin dễ dãi, hời hợt, thoải mái không bao giờ đặt vấn đề về điều gì.

Tý Linh

(theo Delphine Allaire –  Vatican News)

Tags: ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Một 2025
H B T N S B C
« Th12    
  1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31