PERU: VATICAN TRỤC XUẤT LUIS FIGARI, NGƯỜI SÁNG LẬP PHONG TRÀO SODALICIO

Written by xbvn on Tháng Tám 17th, 2024. Posted in Luân lý, Thế Giới, Tý Linh

Đã bị loại khỏi phong trào vài năm trước vì cáo buộc lạm dụng tâm lý và tình dục, bao gồm cả trẻ vị thành niên, và vì những bất thường về tài chính, Luis Figaro đã bị cấm trở về đất nước của mình. Biện pháp của Bộ Đời sống Thánh hiến đã được Hội đồng Giám mục Peru công bố.

Trụ sở Hội đồng Giám mục Pêru

Việc trục xuất Luis Fernando Figari khỏi Sodalicio là một biện pháp của Tòa Thánh nhằm chấm dứt vụ việc. Hội đời sống tông đồ Sodalitium Christianae Vitae ở Peru, hay còn gọi là Sodalicio, do Luis Figari, một giáo dân, thành lập vào những năm 1970, đã bị đặt dưới sự giám sát vì các trường hợp lạm dụng và quản lý tài chính yếu kém từ phía các nhà lãnh đạo. Bản thân Luis Figari cũng bị buộc tội bạo lực về thể chất, tâm lý và tình dục, bao gồm cả bạo lực đối với trẻ vị thành niên.

Hội đồng Giám mục Peru đã công bố sắc lệnh của Bộ Đời sống Thánh hiến và các Hội đời sống tông đồ, theo điều 746 của Bộ Giáo luật, quy định việc trục xuất Figari khỏi phong trào đang lan rộng ở Châu Mỹ Latinh thông qua các cộng đồng này, được gọi là “sodálites“, bao gồm giáo dân và các linh mục thánh hiến sống cùng nhau sau khi tuyên khấn vĩnh viễn độc thân và vâng phục. Trong nhiều năm, Sodalicio là một trong những cộng đồng truyền giáo tích cực nhất ở Nam Mỹ.

Thủ tục pháp lý

Những cáo buộc lạm dụng đầu tiên xuất hiện vào đầu những năm 2000 sau những khiếu nại từ các thành viên cũ và các cuộc điều tra của giới truyền thông. Vụ án sau đó bùng nổ vào năm 2015 với việc xuất bản cuốn sách thu thập lời khai của các nạn nhân. Cuốn sách ghi lại hành vi lạm dụng thể chất, tâm lý và tình dục từ phía những người lãnh đạo phong trào và người sáng lập.

Năm 2018, viện kiểm sát Peru đã yêu cầu tạm giam một số thành viên và cựu thành viên của tổ chức, bao gồm cả Luis Fernando Figari. Và chính phong trào Sodalicio đã thành lập một nhóm điều tra viên mà, trong một báo cáo, đã xác định và loại bỏ khỏi phong trào những thủ phạm của những tội ác này đã gây ra từ năm 1975 đến năm 2002, gây thiệt hại cho khoảng 36 người, trong đó có 19 trẻ vị thành niên. Cùng năm đó, Luis Figari bị một biện pháp của Vatican ngăn cản việc trở về đất nước của mình “ngoại trừ những lý do rất nghiêm trọng và luôn luôn sau khi có sự cho phép bằng văn bản” từ Giám mục giáo phận Jericó, người Colombia, là Đức cha Noel Antonio Londoño Buitrago, ủy viên được bổ nhiệm sau cuộc khủng hoảng. Đức Cha đã làm việc từ năm 2016 cùng với Đức Hồng y người Mỹ Joseph William Tobin, “đại diện” phụ trách thực tại giáo hội này. Việc bác không cho Luis Figari trở lại Peru được thúc đẩy bởi lo ngại rằng ông có thể “gây tổn hại thêm cho dân chúng“, “che giấu và tiêu hủy bằng chứng chống lại ông” hoặc “cản trở tiến trình công lý” cả về mặt Giáo hội lẫn dân sự. Điều này được giải thích trong một lá thư được ký bởi Đức Hồng y Joao Braz de Aviz, Bộ trưởng Bộ Đời sống Thánh hiến, được công bố vào tháng 6 năm 2018 để đáp lại những cáo buộc của truyền thông địa phương rằng Vatican đang “bảo vệ” Luis Figari bằng cách này hay cách khác.

Hai điều tra viên của Tòa Thánh

Vào tháng 7 năm 2023, Đức Phanxicô đã cử hai điều tra viên đặc biệt đến đất nước ở vùng núi Ăng-đơ này để “điều tra, nghe và viết báo cáo” về vụ Sodalitium Christianae Vitae. Đây là hai chuyên gia: Tổng Giám mục của Malta, Charles Scicluna, và linh mục người Tây Ban Nha Jordi Bertomeu, cả hai đều là thành viên của Bộ Giáo lý Đức tin, những người mà vài năm trước đó đã thực hiện một sứ mệnh tương tự ở Chile, đã bị chấn động sâu sắc bởi những vụ bê bối lạm dụng trong quá khứ và hiện tại.

Tý Linh

(theo Salvatore Cernuzio, Vatican News)

Tags:

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Chín 2024
H B T N S B C
« Th8    
  1
2 3 4 5 6 7 8
9 10 11 12 13 14 15
16 17 18 19 20 21 22
23 24 25 26 27 28 29
30