PHẨM GIÁ CỦA NHÂN VỊ

Written by xbvn on Tháng Tư 9th, 2021. Posted in Học thuyết xã hội, Lm Võ Xuân Tiến, Luân lý, Tý Linh

Một lần nọ, thấy một số người hăng say đấu tranh cho nhân quyền trên một diễn đàn, tôi hỏi họ : « Anh đấu tranh cho nhân quyền, và anh dựa vào đâu ? » Không ai trả lời câu hỏi này, họ đấu tranh là chỉ vì đấu tranh, chứ không biết cơ sở nào cho việc đấu tranh của mình. Có người khác thấy tôi hỏi vậy thì nhào vô trả lời thay thế này : « Đừng nghe nó, bọn có đạo đấy ! ».

Tôi chuyển ngữ bài viết của cha Alain Thomasset dưới đây cho mọi người đọc để hiểu cơ sở nào Giáo hội đấu tranh cho nhân quyền. Và phải nói rằng cái mà Giáo hội đóng góp vào việc thăng tiến nhân quyền trước tiên không phải bảo vệ quyền này hay quyền kia bị xâm phạm, nhưng là cho thấy nền  tảng vững chắc của sự dấn thân của mình. Giáo hội Công giáo không chỉ dựa trên đức tin để nói (điều này dễ hiểu với người có đức tin, mà không dễ đón nhận bởi người không có cùng đức tin), nhưng là dưới ánh sáng của lý trí con người được Thiên Chúa ban cho. Chính vì thế, ở Công đồng Vatican II, thay vì chọn điểm xuất phát là đức tin để nói về nền tảng nhân quyền, thì Giáo hội chọn khởi đi từ kinh nghiệm của lý trí con người : con người có một phẩm giá mang lại cho nó những quyền bất khả tước bỏ (xem Tuyên ngôn Dignitatis Humanae về Tự do tôn giáo của Công đồng Vatican II : phần Một khởi đi từ kinh nghiệm con người ; phần Hai khởi đi từ mạc khải đức tin, soi sáng cho kinh nghiệm lý trí này; Hiến chế Gaudium et spes cũng trong đường hướng đó). Mạc khải của Kitô giáo sẽ soi sáng cho kinh nghiệm lý trí của con người về nền tảng của nhân quyền này khi cho thấy phẩm giá con người quý giá biết bao vì được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa và được giá máu của Chúa Kitô cứu chuộc.

————-

PHẨM GIÁ CỦA NHÂN VỊ

Alain Thomasset, s.j., giáo sư thần học luân lý, trưởng phân khoa thần học của Centre Sèves, Paris.

Việc nhìn nhận và tôn trọng phẩm giá của nhân vị nằm ở trung tâm tư tưởng xã hội của Giáo hội Công giáo. Công đồng Vatican II, cách riêng Hiến chế « Gaudium et spes », nhấn mạnh đến đặc tính bất khả tước bỏ của phẩm giá này, đến sự thống nhất tinh thần và thể xác của nhân vị trong tương quan với môi trường, đến chiều kích thiết yếu xã hội và cộng đồng của nó.

Nhân vị và việc nhìn nhận phẩm giá của nhân vị nằm ở trung tâm tư tưởng xã hội nhưng còn của tất cả tư tưởng luân lý của Giáo hội. Ở Công đồng Vatican II, Hiến chế mục vụ « Giáo hội  trong thế giới ngày nay », « Gaudium et spes » (GS), khai triển một « hiến chương » đích thực về chủ thuyết nhân vị Kitô giáo. Chương đầu tiên có tựa đề « phẩm giá của nhân vị » (GS 12-22) mô tả khá dài « quan niệm đúng đắn về nhân vị, về giá trị duy nhất của nó » mà, như Đức Gioan Phaolô II đã nói trong thông điệp « Centesimus Annus » (CA), « làm nền và, cách nào đó, làm kim chỉ nam đối với thông điệp và toàn thể học thuyết xã hội của Giáo hội » (CA 11). Do đó, Công đồng nói rõ rằng : « Những người tin và người không  tin nói chung đều đồng ý về điểm này : mọi sự trên trái đất phải được sắp xếp cho con người như là trung tâm và đỉnh cao của nó » (GS 12). Phẩm giá của nhân vị là nền tảng của toàn thể đời sống xã hội và quyết định các nguyên tắc chỉ đạo của nó.

Cái nhìn này về nhân vị có thể được đón nhận bởi mọi người và đồng thời là hoa trái của lý trí được đức tin và mạc khải soi sáng, vì « mầu nhiệm con người chỉ thực sự được soi sáng trong mầu nhiệm của Ngôi Lời nhập thể » (GS 22). Việc tôn trọng nhân vị trong tính thống nhất và đặc tính thánh thiêng của nó là một giá trị được mọi người cùng chia sẻ ngày nay. Nhưng đối với Giáo hội, việc nhìn nhận này cũng dựa vào nhiều lý do thần học : con người được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa ; Con Thiên Chúa qua việc nhập thể của mình đã trở nên người thật và đã tôn vinh thân phận con người của chúng ta ; nhân loại (và  mỗi người) đã được cứu chuộc bởi cuộc thương khó, cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô, nhờ đó mở ra cho chúng ta con đường « thần hóa » : ơn gọi của chúng ta bao hàm một chiều kích siêu việt, tức là đời sống với Thiên Chúa.

Phẩm giá bất khả tước bỏ của nhân vị

Trong cái nhìn này về con người, trước tiên, Công đồng nhấn mạnh rằng nhân vị có một phẩm giá bất khả tước bỏ, vì mọi nhân vị đều được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa (GS 12, St 1, 26). Xuyên qua chủ đề Thánh Kinh và Giáo phụ học về hình ảnh của Thiên Chúa, Giáo hội mạnh mẽ khẳng định phẩm giá này và đặc tính thánh thiêng của mỗi nhân vị, bởi chính sự kiện là người. Lời tuyên bố này có nhiều hệ quả. Trước tiên, nó cho thấy rằng ý nghĩa về con người thực sự chỉ có thể được hiểu trong tương quan với Thiên Chúa, nguồn gốc và cứu cánh của mọi cuộc sống. Nó cũng nhấn mạnh rằng phẩm giá này của con người, đến từ công trình tạo dựng, do đó được ban cho nó bởi một Đấng Khác. Vả lại, cho dù tình trạng của nhân vị thế nào, Thánh Kinh vẫn khẳng định rằng hình ảnh của Thiên Chúa là bất khả hủy bỏ nơi con người. Trong viễn ảnh nhân chủng học này, khái niệm « hình ảnh của Thiên Chúa » chỉ ra rằng con người chia sẻ cùng một thân phận và nó cho phép xây dựng cách vững chắc giá trị của nhân phẩm, vượt lên trên một quy ước xã hội đơn giản. Đó là những gì giáo huấn xã hội của Giáo hội thực hiện khi đặt việc bảo vệ và thăng tiến các quyền « phổ quát và bất khả xâm phạm » (GS 26) của con người trên nền tảng thần học này (thông điệp Pacem in terris, 8-45, thông điệp Laborem Exercens 16-22).

Viễn ảnh này cũng ngụ ý rằng, cuối cùng, phẩm giá của nhân vị không tùy thuộc vào những thành công hay những khả năng của nhân vị, nhưng vào tình yêu nhân vị hóa của Thiên Chúa. Những ngụ ý đạo đức của lời tuyên bố này rất quan trọng trong các cuộc tranh luận hiện nay. Chúng ta có thể gặp thấy chúng trong các lập luận chống lại việc phá thai, giết chết êm dịu (an tử) hay nhân bản vô tính, trong việc bảo vệ sự săn sóc cho các trẻ sơ sinh bị khuyết tật (GS 27). Trong suy tư về những vấn đề công bằng kinh tế và xã hội, nó bênh vực cho một sự bất phân biệt kỳ thị theo nguồn gốc hay khả năng, và cho việc lưu tâm và tôn trọng mỗi người, cho dầu thành công của họ thế nào (người khuyết tật, người khốn cùng, người vô gia cư…) (GS 29).

 

 Vả lại, những ngụ ý nhân chủng học của đức tin cũng được mở rộng đến khái niệm « bình đẳng » nền tảng của mọi hữu thể nhân linh. Việc nhập thể mà Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô đặt mình ngang hàng với con người là một nền tảng khác cho sự bình đẳng của mọi con người với nhau. Cách nào đó, mọi người đã được liên kết bởi Chúa Kitô, Đấng đã chia sẻ thân phận của họ cho đến cả cái chết. « Qua việc nhập thể của mình, Con Thiên Chúa, cách nào đó, đã tự kết hợp với mọi người » (GS 22). Khái niệm này vạch ra một chương trình chung phản bác khi đối diện với một quan niệm duy tự nhiên hay tâm lý về nhân vị vốn có khuynh hướng tạo nên những bất bình đẳng theo các năng lực hay theo thể hiện các khả năng. Trong Chúa Kitô, mọi người đều có cùng phẩm giá, cho dầu tình trạng, tài năng hay khả năng của họ thế nào.

Một nhân vị nhập thể trong tương quan với môi trường

Một bộ dữ kiện nhân chủng học thứ hai được Công đồng làm nổi bật là điều kiện thể xác của người nam và người nữ. Nhân vị được « nhập thể ». «Con người duy nhất với xác hồn. Xét về thể xác, con người là một tổng hợp những yếu tố thuộc thế giới vật chất. Vì thế nhờ con người mà những yếu tố ấy đạt tới tuyệt đỉnh của chúng và tự do dâng lời ca tụng Ðấng Tạo Hóa của mình (Đn 3, 57-90). Vậy con người không được khinh miệt đời sống thể xác » (GS 14). Nói về chủ thể nhập thể hay sự hiệp nhất thân xác và linh hồn của con người có nghĩa là thân xác chúng ta không phải là cái thứ yếu mà thôi hay chỉ là chỗ ở bên ngoài. Những người đương thời của chúng ta đã trở nên nhạy cảm với tầm quan trọng của thân xác nhưng họ không luôn đối xử với nó cách tôn trọng. Thân xác này là thiết yếu để trở thành những nhân vị toàn vẹn. Những gì liên quan đến thân xác chắc chắn cũng liên quan đến toàn thể nhân vị, vì chính qua thân xác mình mà chúng ta bước vào mối tương quan với người khác và với Thiên Chúa. Thiên Chúa đã yêu thương con người đến nỗi Ngài đã mang lấy hình hài con người của chúng ta để chúng ta có thể biết được tình yêu của Thiên Chúa. Thân xác chúng ta, « đền thờ của Chúa Thánh Thần », do đó là những biểu tượng của nội tâm tính của chúng ta. Từ đó, giáo huấn của Giáo hội rút ra những hệ quả quan trọng trong các lãnh vực đạo đức sinh học và đời sống tính dục và gia đình, và cả trong việc tố giác những vụ tra tấn, cắt xẻo thân thể, đĩ điếm và nói chung là tất cả các điều kiện sống và lao động hạ giá nhân phẩm. (GS 27).

Có một cuộc sống thân xác còn có ý nghĩa rằng chúng ta phải nghiêm túc lưu tâm đến những giới hạn và tiềm năng của các khả năng sinh học của chúng ta. Chẳng hạn, ma túy không tôn trọng thân xác, và chúng ta phải săn sóc sức khỏe của chúng ta bằng việc tôn trọng tính toàn vẹn của thân xác. Sau cùng, với tư cách là một nhân vị có thân xác, chúng ta là phần của thế giới vật chất và của một môi trường sinh thái, mà chúng ta duy trì một tương quan hệ thống. Điều đó giả thiết rằng chúng ta phải đảm nhận trách nhiệm để tiếp tục làm cho thế giới này trở nên một nơi có thể ở được. Đối với giáo huấn xã hội của Giáo hội, những sự phát triển của khoa học và công nghệ kỹ thuật phải được xem xét theo những hệ quả của chúng trên đời sống thể xác và cộng đồng của chúng ta. Chúng ta phải dự kiến những hậu quả tiêu cực có thể xảy ra của những khám phá công nghệ kỹ thuật trên cuộc sống và môi trường, vì, về mặt luân lý, chúng ta chịu trách nhiệm về chúng ( Caritas in veritate, 48-51).

Một nhân vị tự bản chất là tương quan

Một bộ ghi chú nhân chủng học thứ ba, mà Công đồng cho thấy,  có liên quan đến chiều kích tương quan của con người. Vì nếu con người được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa, thì đó là một Thiên Chúa Ba Ngôi, được mạc khải trong sự hiệp nhất tình yêu của ba Ngôi Vị. « Thiên Chúa là tình yêu » (1Ga 4, 8.16), là một Thiên Chúa hoàn toàn tự trao hiến chính mình, « Thiên Chúa là tình yêu » soi sáng ý nghĩa của con người vốn cũng tìm thấy sự hoàn thành của mình trong tình yêu và trong sự trao đổi  giữa trao ban và lãnh nhận. « Sự giống nhau giữa sự hiệp nhất các Ngôi Vị Thiên Chúa » và các ngôi vị con người với nhau « cho thấy rõ rằng con người, thụ tạo duy nhất trên trần gian mà Thiên Chúa đã muốn vì chính nó, chỉ có thể được gặp lại chính mình bằng việc trao hiến bản thân cách vô vị lợi » (GS 24 ; CA 41). Công đồng khai triển hệ quả nhân học này xuyên qua một quan niệm xã hội và cộng đồng về con người : nếu nhân vị là thánh thiêng, thì nó cũng thuộc xã hội và phẩm giá của nó chỉ có thể được thể hiện và bảo vệ giữa một cộng đồng nhân loại trao đổi và yêu thương nhau. Như đức Bênêđictô XVI nhắc lại trong Caritas in veritate : “Thọ tạo nhân linh, thuộc bản chất tinh thần, được thể hiện trong các tương quan liên vị” (CV 53). « Bởi thế, đời sống xã hội, đối với con người, không phải là điều gì đó được chêm thêm vào ; cũng nhờ trao đổi với người khác, nhờ phục vụ lẫn nhau và nhờ đối thoại với anh chị em của mình mà con người được tăng triển mọi khả năng của mình và có thể đáp ứng được ơn gọi của mình » (GS 25).

Trong viễn ảnh này, cách thức mà chúng ta tổ chức xã hội trong các lãnh vực kinh tế, chính trị hay luật pháp có tạo điều kiện cách trực tiếp việc tôn trọng nhân phẩm và khả năng của các cá vị lớn lên trong cộng đồng hay không. « Nhân vị, do bởi chính bản tính của mình, tuyệt đối cần đến một đời sống xã hội, là và phải là nguyên lý, chủ thể và  cứu cánh của mọi thể chế » (GS 25). Một cái nhìn nhân vị thuyết đích thực do đó không thể được xây dựng trên chỉ nhân vị cô lập, cũng không hạn chế vào một đinh nghĩa nhân vị bằng những phẩm chất nội tại của nó, nhưng phải là tương quan và đòi hỏi một nền đạo đức về tình liên đới, « không bao giờ có người này mà không có người kia ». Từ đây, giáo huấn xã hội của Giáo hội rút ra rất nhiều hệ quả. Chẳng hạn, trong lãnh vực kinh tế, nó mời gọi đặt ra câu hỏi để biết liệu sự phát triển kinh tế làm nổi bật giá trị hay đe dọa cuộc sống mà chúng ta sống với những người khác trong xã hội. Nó cũng khuyến khích quan tâm đến tất cả cộng đồng nhân loại trong toàn bộ của nó, bằng việc chú ý tới những quốc gia nghèo khổ nhất. Liên quan đến sự liên đới nền tảng này giữa những con người, Giáo hội khẳng định rằng : « Tất cả mọi người đều có quyền tham gia vào đời sống kinh tế của xã hội ». Đó là một đòi hỏi công bằng căn bản mà không một ai bị loại trừ khỏi khả năng tham gia vào sinh hoạt của xã hội, nhất là qua quyền lao động, mà cũng là một cách thức liên kết với công trình tạo dựng của Thiên Chúa (GS 67 ; thông điệp Laborem exercens 4).

Cách chung chung, nguyên tắc nhân vị trung tâm trong việc tổ chức đời sống xã hội này là nguồn mạch của các nguyên tắc liên đới và bổ trợ, là hai cột trụ căn bản của học thuyết xã hội của Giáo hội. Qua tình liên đới, nhân vị phải đóng góp cùng với đồng loại của mình vào công ích của xã hội. Qua nguyên tắc bổ trợ,  không có Nhà Nước hay xã hội nào được thay thế cho sáng kiến và trách nhiệm của các nhân vị và của các cộng đồng trung gian trong đó các nhân vị có thể hành động. Theo nguyên tắc này, Nhà Nước và xã hội cũng phải trợ giúp các chi thể của thân thể xã hội

Sau cùng, việc tôn trọng phẩm giá của mọi nhân vị mời gọi quan tâm đặc biệt đến những người nghèo khổ và những người yếu đuối. Như Đức Gioan-Phaolô II nhắc lại : « Công lý của một xã hội được đo lường theo việc đối xử mà nó dành cho người nghèo ». Do đó, các môn đệ của Chúa Kitô được mời gọi có « một chọn lựa hay một tình yêu ưu tiên cho người nghèo » (thông điệp Sollicitudo rei socialis 42) và lượng giá những lối sống khác nhau, chính trị và các thể chế xã hội theo tác động của chúng đối với người nghèo. « Ơn gọi của người Kitô hữu về việc phát triển giúp theo đuổi việc thăng tiến mọi người và toàn thể con người » (CV 18).

Tý Linh chuyển ngữ

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Hai 2024
H B T N S B C
« Th11    
  1
2 3 4 5 6 7 8
9 10 11 12 13 14 15
16 17 18 19 20 21 22
23 24 25 26 27 28 29
30 31