PHỎNG VẤN ĐHY KOOVAKAD, NGƯỜI VỪA ĐƯỢC BỔ NHIỆM LÀM TỔNG TRƯỞNG BỘ ĐỐI THOẠI LIÊN TÔN
Được chọn để kế vị ĐHY Ayuso, qua đời vào ngày 25/11/2024, ĐHY người Ấn Độ George Jacob Koovakad, người sẽ vẫn chịu trách nhiệm tổ chức các chuyến tông du của Đức Thánh Cha, đã đưa ra những ấn tượng đầu tiên của mình với giới truyền thông Vatican.
“Thật ngạc nhiên, vui mừng và nhiều lo lắng trước trách nhiệm to lớn trong việc kế nhiệm một người khôn ngoan và tốt lành như Đức Hồng y Ayuso, và một người có đức tin sâu sắc và người xây dựng hòa bình không mệt mỏi như Đức Hồng Y Tauran.” Đây là cách mà Đức Hồng y người Ấn Độ George Jacob Koovakad, người chịu trách nhiệm về các chuyến tông du, đã đón nhận quyết định của Đức Thánh Cha bổ nhiệm ngài làm Tổng trưởng Bộ Đối thoại Liên tôn, cơ quan khuyến khích và điều chỉnh các mối quan hệ với các thành viên và các nhóm tôn giáo không thuộc Kitô giáo, ngoại trừ Do Thái giáo thuộc thẩm quyền thuộc Bộ Cổ vũ Hiệp nhất Kitô giáo. Văn phòng Báo chí Tòa Thánh đã chính thức bổ nhiệm ngài vào thứ Sáu ngày 24/1/2025. Ngài cũng sẽ giữ nguyên vị trí hiện tại của mình. Ngài sẻ những ấn tượng đầu tiên của mình với Radio Vatican-Vatican News.
Andrea Tornielli: ĐHY đã đón nhận cuộc bổ nhiệm này như thế nào?
ĐHY Koovakad: Với lòng biết ơn sâu sắc đối với Đức Giáo hoàng. Trong vòng chưa đầy hai tháng, ngài đã bất ngờ đưa tôi vào Hồng y đoàn, bổ nhiệm tôi làm Tổng Giám mục và bây giờ giao phó cho tôi một Bộ mà cho đến gần đây vẫn được lãnh đạo bởi một người khôn ngoan và tốt lành như Đức Hồng y Miguel Ángel Ayuso Guixot và trước ngài, bởi một người có đức tin sâu sắc và là người xây dựng hòa bình không mệt mỏi như Đức Hồng y Jean-Louis Tauran, cho đến cuối cuộc đời của ngài. Tôi thừa nhận rằng điều này mang lại cho tôi rất nhiều lo lắng và cảm giác không xứng đáng. Đồng thời, tôi phó thác nhiều vào lời cầu nguyện của tất cả những người không ngừng mơ về một thế giới trong đó sự đa dạng tôn giáo không chỉ cùng tồn tại trong hòa bình với nhau, mà còn là những yếu tố không thể thay thế trong việc xây dựng hòa bình giữa các dân tộc. Tôi tin tưởng lời khuyên của Đức Thánh Cha, cũng như con đường đã được những người đi trước tôi vạch ra với sự khôn ngoan sâu sắc. Và trên hết, tôi phó thác vào sự giúp đỡ của các cộng tác viên của Bộ đã gặp nhau trong những giờ gần đây và đã chào đón tôi bằng tình bạn, và khiến tôi cảm thấy như đang ở nhà.
Andrea Tornielli: ĐHY sinh ra cách đây 51 năm ở Chethipuzha, bang Kerala. Là một người Ấn Độ, ngay cả khi ĐHY đã sống xa đất nước của mình nhiều năm, ĐHY vẫn mang trong ADN của mình chủ đề chung sống giữa các tôn giáo rất khác nhau…
ĐHY Koovakad: Vâng, tôi sinh ra và lớn lên trong một xã hội đa văn hóa, đa tôn giáo, nơi mọi tôn giáo đều được tôn trọng và đảm bảo sự hòa hợp. Sự khác biệt là sự phong phú! Tôi muốn nhấn mạnh rằng đối thoại liên tôn ở Ấn Độ có truyền thống gắn liền với lối sống đan tu. Ngay từ năm 1500, tu sĩ Dòng Tên Roberto De Nobili đã khoác áo choàng và phong tục của các đan sĩ Ấn Độ, học ngôn ngữ địa phương và cố gắng tiếp thu mọi thứ có thể được coi trọng trong những truyền thống này. Một nỗ lực không phải là không có rủi ro, ngay cả khi, như Đức Thánh Cha dạy chúng ta, khi đi ra và bước đi, chúng ta luôn gặp rủi ro điều gì đó. Nhưng điều tôi muốn nhấn mạnh, đó là thái độ cởi mở, cảm thông và gần gũi với các truyền thống khác. Đức tin Kitô giáo có khả năng hội nhập văn hóa: Kitô hữu được mời gọi trở thành hạt giống tình huynh đệ cho tất cả mọi người. Điều này không có nghĩa là từ bỏ căn tính riêng của mình, nhưng đúng hơn là ý thức rằng căn tính không phải là và không bao giờ phải là lý do để xây những bức tường hoặc phân biệt kỳ thị với người khác, và nó luôn là cơ hội để xây những cây cầu. Đối thoại liên tôn không chỉ đơn thuần là cuộc đối thoại giữa các tôn giáo, mà còn giữa các tín hữu được kêu gọi làm chứng trên thế giới về vẻ đẹp của đức tin vào Thiên Chúa, việc thực hành bác ái huynh đệ và tôn trọng.
Andrea Tornielli: Một trong những sứ mạng của Bộ mới của ĐHY là sứ mạng quan hệ với thế giới Hồi giáo. ĐHY có thể nói gì với chúng con về chủ đề này?
ĐHY Koovakad: Công đồng đại kết Vatican II đã mở ra một thời kỳ mới trong mối quan hệ với các tôn giáo khác và do đó cũng với Hồi giáo. Tôi muốn nhắc lại những lời nói và cử chỉ ngôn sứ, chẳng hạn như lời của Thánh Phaolô VI, người trong chuyến hành hương đến Uganda năm 1969, đã bày tỏ lòng kính trọng đối với các vị tử đạo Kitô hữu đầu tiên ở Châu Phi bằng cách đưa ra một so sánh cũng liên kết các tín hữu Hồi giáo với sự tử đạo mà tất cả họ đã phải chịu từ phía của các vị vua bộ lạc địa phương. Tiếp đến, tôi nhớ đến những lời của Thánh Gioan Phaolô II với giới trẻ Hồi giáo ở Casablanca, Maroc, vào năm 1985, khi ngài nói với họ: “Chúng ta tin vào cùng một vị Thiên Chúa, vị Thiên Chúa duy nhất, vị Thiên Chúa hằng sống, vị Thiên Chúa tạo dựng nên các thế giới và đưa các thụ tạo của mình đến sự hoàn hảo của chúng”. Mười sáu năm sau, vị Giáo hoàng này lần đầu tiên bước qua ngưỡng cửa của một nhà thờ Hồi giáo khi bước vào đền thờ Hồi giáo Umayyad ở Damascus, trong chuyến đi tới Syria. Hình ảnh Đức Bênêđíctô XVI suy niệm trong im lặng tại Đền thờ Hồi giáo xanh ở Istanbul năm 2006 vẫn còn được nhớ đến một cách sống động. Và làm sao chúng ta không thể không nhắc đến vô số hành động của Đức Thánh Cha Phanxicô, chẳng hạn như việc ký kết văn kiện về tình huynh đệ nhân loại với Đại Imam của Al-Azhar, Ahmad Al-Tayyeb vào ngày 4 tháng 2 năm 2019 tại Abu Dhabi, tiếp theo một năm sau đó bằng việc ban hành thông điệp Fratelli tutti.
Andrea Tornielli: Các tình tiết mà ĐHY trích dẫn hầu hết đều liên quan đến các chuyến hành hương tông du của các Đức Giáo hoàng và điều này khiến con kết nối những gì đã được nói cho đến nay với vai trò của ĐHY là người tổ chức các chuyến tông du của Đức Phanxicô…
ĐHY Koovakad: Đúng vậy: các chuyến tông du của Đức Thánh Cha hầu như luôn có những hàm ý liên tôn, những cuộc gặp gỡ với các đại diện của các tôn giáo khác, những khoảnh khắc sống tình huynh đệ. Tôi nghĩ đến chuyến đi gần đây đến Châu Á và Châu Đại Dương, vào tháng 9 năm 2024, khi Đức Thánh Cha Phanxicô làm phép cho “đường hầm tình bạn” nối liền đền thờ Hồi giáo với nhà thờ chính tòa ở Jakarta, Indonesia. Tôi rất ấn tượng trước những cử chỉ tình bạn của Đại giáo sĩ Hồi giáo Nasaruddin Umar. Với Tòa Sứ thần Tòa Thánh và các cộng tác viên của cơ quan tông du của Phủ Quốc vụ khanh – những người mà tôi cảm ơn vì công việc đã hoàn thành – chúng tôi đã chuẩn bị từ lâu, trong cuộc đối thoại với các nhà chức trách Hồi giáo, chuyến thăm Dubai dự kiến vào đầu tháng 12 năm 2023 nhân dịp COP28 về biến đổi khí hậu, sau đó bị hủy vài ngày trước khi khởi hành do Đức Giáo hoàng đang dưỡng bệnh. Và tôi cũng muốn đề cập đến kinh nghiệm tuyệt vời mà tôi đã có được vài tháng trước đó ở Mông Cổ, nơi chỉ có 1,3% dân số theo đạo Kitô giáo. Không quên các chuyến tông du tới Kazakhstan và Bahrain. Bối cảnh của Bộ Đối thoại Liên tôn là hoàn toàn mới đối với tôi, nhưng tôi tin rằng kinh nghiệm tôi có được cho đến nay và sẽ tiếp tục có trong việc tổ chức các chuyến tông du, đã và sẽ tiếp tục hữu ích cho tôi. Tương tự như vậy, tôi hy vọng rằng việc phục vụ của tôi trong các sứ thần tòa thánh ở Algeria, Hàn Quốc và Iran sẽ hữu ích cho tôi. Vào năm 2021, tôi vẫn chưa tham gia vào các chuyến tông du của Đức Giáo hoàng, nhưng những hình ảnh về cuộc đối thoại của Đức Thánh Cha với Đại Ayatollah Sayyid Ali al-Sistani ở Najaf, trong chuyến thăm lịch sử tới Iraq, vẫn còn khắc sâu trong ký ức của tôi.
—————————————–
Tý Linh chuyển ngữ
(nguồn : Andrea Tornielli – Vatican News)
https://www.vaticannews.va/fr/vatican/news/2025-01/vatican-curie-dicastere-interreligieux-mgr-george-koovakad.html
Tags: Đối-thoại-liên-tôn
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- BÀI PHÁT BIỂU CỦA ĐỨC PHANXICÔ VỚI CÁC GIÁM ĐỐC ĐẠI CHỦNG VIỆN VÀ TIỀN CHỦNG VIỆN CỦA PHÁP : ĐỪNG TẠO RA NHỮNG BẢN SAO
- SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN THÔNG XÃ HỘI 2025: CHIA SẺ NIỀM HY VỌNG TRONG LÒNG ANH CHỊ EM MỘT CÁCH HIỀN HÒA
- PHỎNG VẤN ĐHY KOOVAKAD, NGƯỜI VỪA ĐƯỢC BỔ NHIỆM LÀM TỔNG TRƯỞNG BỘ ĐỐI THOẠI LIÊN TÔN
- ĐỐI VỚI CÁC GIÁM MỤC MỸ, CÁC SẮC LỆNH CỦA TRUMP “GÂY LO NGẠI SÂU XA”
- SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA GỬI CHO DIỄN ĐÀN KINH TẾ THẾ GIỚI 2025
- Ý NGHĨA CỦA ĐỘNG TỪ “ĐI RA” TRONG TIN MỪNG
- BÀI GIÁO LÝ VỀ NĂM THÁNH 2025. CHÚA GIÊSU KITÔ, NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA. I. THỜI THƠ ẤU CỦA CHÚA GIÊSU. BÀI 2. TRUYỀN TIN CHO ĐỨC MẸ. ĐỨC MARIA LẮNG NGHE VÀ SẴN LÒNG
- HOA KỲ: TẠI SAO ĐỨC CHA ROBERT BARRON, NGÔI SAO LOAN BÁO TIN MỪNG TRÊN INTERNET, LẠI MUỐN THÀNH LẬP MỘT DÒNG TU?
- NHỮNG NHÂN VẬT TÔN GIÁO NÀO CẦU NGUYỆN CHO DONALD TRUMP TRONG LỄ NHẬM CHỨC CỦA ÔNG?
- ĐỨC THÁNH CHA VIẾT THƯ CHO TỔNG THỐNG DONALD TRUMP
- MỘT NỮ TU SẼ ĐƯỢC BỔ NHIỆM LÀM CHỦ TỊCH PHỦ THỐNG ĐỐC THÀNH VATICAN
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT II THƯỜNG NIÊN NĂM C: CHÚA ĐÁP LẠI SỰ THIẾU THỐN CỦA CHÚNG TA BẰNG TÌNH YÊU DƯ TRÀN CỦA NGƯỜI
- CÁI CHẾT CỦA CHA PONCHAUD, CHỨNG NHÂN VĨ ĐẠI CỦA LỊCH SỬ CAMPUCHIA
- BỘ GIÁO LÝ ĐỨC TIN: HUẤN THỊ VỀ MỘT VÀI KHÍA CẠNH CỦA “THẦN HỌC GIẢI PHÓNG”
- Ở BA LAN, MỘT KIẾN NGHỊ NHẰM XÓA BỎ VIỆC GIẢI TỘI CHO TRẺ VỊ THÀNH NIÊN
- VỤ CHA PIERRE: HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC XIN TÒA ÁN MỞ CUỘC ĐIỀU TRA
- ĐỨC THÁNH CHA MỜI GỌI CÁC LINH MỤC ARGENTINA HÃY TIÊU HAO VÌ TIN MỪNG
- CUBA THẢ TÙ NHÂN, HOAN NGHÊNH SỰ TRUNG GIAN HÒA GIẢI CỦA TÒA THÁNH
- BÀI GIÁO LÝ VỀ TRẺ EM. NHỮNG NGƯỜI ĐƯỢC CHÚA CHA YÊU QUÝ NHẤT. BÀI 2
- HĐGM Ý GIẢI THÍCH CÁC CHUẨN MỰC CỦA RÔMA LIÊN QUAN ĐẾN ĐÀO TẠO LINH MỤC