PHỎNG VẤN JEAN-MARC SAUVÉ : BẢO VỆ TRẺ EM PHẢI HUY ĐỘNG TẤT CẢ CÁC THỂ CHẾ
Chủ tịch Ủy ban độc lập về lạm dụng tính dục trong Giáo hội (Ciase), sau khi trình bày một báo cáo nặng nề đối với Giáo hội Công giáo Pháp, đã kêu gọi sửa đổi từ giáo luật cho đến việc hợp tác tốt hơn giữa Nhà nước và các thể chế Công giáo để loại bỏ tai họa này.
Báo cáo của Ủy ban độc lập đã khơi lên một cú sốc to lớn ở Pháp, với con số ước tính 330 000 nạn nhân bị xâm phạm tính dục trong khuôn khổ Giáo hội từ năm 1950 đến năm 2020.
Ông Jean-Marc Sauvé, điều hành Ciase, được thiết lập từ tháng 11/2018, theo yêu cầu của Hội đồng Giám mục Pháp và Hội đồng các dòng tu ở Pháp, nhưng với một sự tự do và độc lập hoàn toàn trong diễn tiến điều tra.
Ông đã đưa ra một số hướng suy nghĩ sau khi đệ trình báo cáo này :
Chúng ta thường cảm thấy nhiều đau khổ, đau khổ, đau khổ đã được khơi lại. Xác tín của Ủy ban là Giáo hội đã không vận hành cách thỏa đáng. Giáo hội đã không biết lắng nghe, không biết nhìn những gì đã xảy ra, không biết nhận ra những tín hiệu yếu ớt có thể đến từ các nạn nhân.
Chúng ta đã xác định rằng chỉ 4% nạn nhân đã được Giáo hội biết đến. Nói cách khác, các trẻ em đã không nói về điều đó, hay khi chúng nói về điều đó, chúng nói với các bậc cha mẹ, các bậc cha mẹ hiếm nói điều đó với Giáo hội, và Giáo hội đã không biết. Tuy nhiên, vẫn có đủ tín hiệu, và trên thực tế, Giáo hội thường không làm gì cả, hay đã có những biện pháp thẩm mỹ.
Và vì thế, tôi xin nói, đã không có những biện pháp nghiêm khắc. Chúng ta đã không xem các vụ việc đủ nghiêm túc, và đã không có sự phòng ngừa. Đó là một trách nhiệm khá lâu dài. Nó cho thấy một sự rối loạn chức năng, một sự thiếu cảnh giác, những chểnh mảng. Chính điều đó đưa đến chỗ nói rằng Giáo hội chịu trách nhiệm, đối với các nạn nhân, và có lẽ cũng đối với các tín hữu. Và do chỗ đứng của Giáo hội trong xã hội Pháp, cũng có một trách nhiệm xã hội và dân sự của Giáo hội Công giáo.
Vatican News : Ông có ấn tượng rằng, vì vị trí khá đặc biệt của Giáo hội Công giáo ở một đất nước thế tục, và có lẽ do sự tách biệt bí nhiệm giữa Nhà nước và các thể chế tôn giáo, nên một não trạng ngược với xã hội, thoát khỏi các chuẩn mực dân sự, đã có thể cho phép các cuộc lạm dụng tính dục phát triển tốt, nơi một số thể chế Công giáo ?
J.M. Sauvé : Tôi có một sư phân tích khác với sự phân tích của anh về vấn đề thế tục. Tôi nghĩ rằng Giáo hội Giáo hội Công giáo ở Pháp, trong một Nhà nước thế tục, đã không nghĩ mình như là tổ chức ngược với xã hội, hay như một xã hội thiểu số trong một thế giới đối nghịch và thù địch. Trái lại, tôi thấy rằng đạo Công giáo ở Pháp đã cởi mở, và người ta thấy rõ điều đó nơi các công trình của Công giáo. Chính tôi, tôi đã biết đến trong thời tuổi trẻ của mình, những cuộc trại hè Công giáo, và đã có con cái của các công nhân cộng sản đến.
Trên thực tế, hệ thống của Pháp rất khác, chẳng hạn, với hệ thống của Bỉ, Hà Lan hay Đức, trong đó có sự « phân cực » xã hội, tức là xã hội được thành lập trên các « trụ cột » : có một trào lưu thế tục, một trào lưu dân chủ-Kitô giáo, và một trào lưu xã hội-dân chủ, và từ chiếc nôi đến ngôi mộ, khi người ta đang ở trong một hành lang, người ta vẫn ở trong hành lang của mình và không đi lại.
Ở Pháp, hệ thống giáo dục Kitô giáo trong một xã hội thế tục, đã khá cởi mở. Giáo hội không khép kín nơi chính mình. Vì thế, tôi không nghĩ rằng tính thế tục của Pháp đã có thể nuôi dưỡng các vấn đề đặc biệt và làm gia trọng các vấn đề về tội phạm ấu dâm trong Giáo hội.
Vả lại, các so sánh quốc tế hiếm hoi cho thấy những dữ kiện rất đáng lo ngại. Khi chúng ta thấy tỉ lệ phần trăm các linh mục phạm tội lạm dụng và chúng ta có thể so sánh về số lượng các nạn nhân với các nước khác, thì tôi nghĩ rằng nước Pháp nằm ở cuối cùng của biên độ. Có ít linh mục bị cáo buộc ở Pháp hơn là ở Ailen là dĩ nhiên rồi, nhưng còn ít hơn ở Úc, Hoa Kỳ và Đức.
Đúng hơn, tỉ lệ linh mục bị cáo buộc gần với tỉ lệ ở Hà Lan. Nước Pháp cũng nằm ở cuối cùng của biên độ khi chúng ta nhìn vào số lượng các nạn nhân so với dân số chung, hay so với dân số được giáo dục trong đạo Công giáo : người ta nhận thấy rằng Pháp không có nhiều nạn nhân hơn Hà Lan, và thậm chí nó còn ít hơn. Các nước khác đã không thống kê các nạn nhân.
Vì thế, đối với tôi, điều làm tôi bận tâm trên thực tế, đó là dù có trực giác rằng Pháp là một nước không nằm ở cuối bảng về các vấn đề bạo lực tính dục, thì chúng ta vẫn cứ đạt tới một số lượng nạn nhân thật đáng kinh ngạc, thật đáng kỳ lạ. Khi chúng tôi có kết quả về cuộc điều tra 28000 người được phỏng vấn, vào cuối tháng Ba, thì tất cả các thành viên của Ủy ban, dù họ là Công giáo, Tin Lành, thuộc nền văn hóa hay niềm tin Hồi giáo, hay Do Thái giáo, hay vô thần, tất cả mọi người đều kinh ngạc, và không ai mong đợi những kết quả cao như thế.
Vatican News : Bản thân ông là một viên chức cấp cao. Ông có nghĩ rằng ngày nay, Giáo hội và Nhà nước phải là những đối tác trong việc phát hiện các vấn đề của mình, và trong việc ngăn chặn nạn ấu dâm không ?
J.M. Sauvé : Vâng, tôi nghĩ rằng đó là một vấn đề lớn trong xã hội của chúng ta. Mọi người phải thực sự tham gia. Không ai có thể cho rằng mình yên ổn. Chúng ta đã tìm thấy 216 000 nạn nhân trong Giáo hội Công giáo, nhưng ở trường công lập, chúng tôi có 141 000, chưa kể các trường nội trú. Nếu chúng ta thêm vào các trường nội trú nữa, thì chúng ta đạt gần 200 000. Chúng ta nhận thấy rõ rằng không có môi trường nào được chừa ra, không ai có thể tự hào được tránh khỏi những vấn đề này. Không ai có độc quyền về đức hạnh và không ai có độc quyền về tật xấu, hay về các vấn đề. Vì thế, tôi thực sự nghĩ rằng vì ích lợi của trẻ em, các thể chế công và tư, và do đó cả Giáo hội Công giáo, phải chia sẻ thông tin của mình, kinh nghiệm của mình, để chúng ta cố gắng giảm thiểu và loại bỏ vấn đề này.
Tôi thêm vào một điều rất rõ ràng nữa : con số của Giáo hội Công giáo là rất ấn tượng, nặng nề, nhưng môi trường đầu tiên trong đó bạo lực tính dục xảy ra, đó rõ ràng là trong các gia đình, và cũng trong số những người bạn của các gia đình. Tối thiểu, 5,7% người trên 18 tuổi ở Pháp bị xâm phạm tính dục trong khuôn khổ gia đình họ hay bởi những người bạn của gia đình, đó là một tỉ lệ đặc biệt rất cao. Điều đó biểu thị hơn một trẻ em trên 20. Điều đó có nghĩa rằng trong một lớp học 20 hay 25 học sinh ở trường tiểu học, trung bình mỗi lớp học có một hay hai trẻ em có nguy cơ bị bạo lực tính dục. Những nguy cơ hoàn toàn có thực ! Và điều đó không thể bao dung được.
Vatican News : Sáng nay, ông đã hoan nghênh việc cải cách giáo luật vốn sẽ có hiệu lực vào ngày 8/12 đến. Ngày nay, ông mong đời điều gì từ Đức Giáo hoàng Phanxicô và Vatican ?
J.M. Sauvé : Trong các khuyến nghị của chúng tôi, có nhiều điều đơn giản và thực tế, thuộc thẩm quyền của các giáo phận, dòng tu, Hội đồng Giám mục và Hội đồng dòng tu. Nhưng thực sự cũng có nhiều điều thuộc thẩm quyền của Tòa Thánh, không phải về các điểm nền tảng của giáo thuyết nhưng trong ở cách diễn đạt giáo thuyết, và cả trong giáo luật.
Tôi ước mong chúng ta có thể giúp phát triển các tòa án theo giáo luật về mặt hình sự, theo hướng những đòi hỏi của một phiên tòa công bằng. Và tôi nghĩ rằng các nạn nhân cũng mong muốn có thể tiếp cận được thủ tục này. Không bình thường khi một người nam hay một người nữ nộp đơn khiếu nại, khởi động một thủ tục giáo luật, lại hoàn toàn không được thông tin về phần còn lại của thủ tục. Đó là những điểm thực sự quan trọng.
Tôi cũng nghĩ rằng trong sách Giáo lý của Giáo hội Công giáo, vốn phổ quát nhưng giải thích giáo huấn của Giáo hội trong các nền văn hóa xác định nhưng tiến triển, có những điểm quan trọng và phải dẫn đến việc tránh thánh hóa quá mức con người của linh mục, tu sĩ, và cũng phải tránh một sự đồng nhất, một sự đồng hóa tuyệt đối linh mục với Chúa Kitô trong tất cả các chiều kích của mình, không chỉ khi cử hành thánh lễ, nhưng hầu như trong cuộc sống hàng ngày. Những gì chúng ta đã thấy, đó là những con người, vốn đã là những kẻ săn mồi để thỏa mãn các xung động tính dục, đã sử dụng và lạm dụng hình ảnh của Thiên Chúa. Vì thế, có những điểm lưu ý cần thiết để tránh những biện minh cho các việc lạm dụng, hay những yếu tố vốn có thể tạo thuận lợi cho chúng.
Tôi lấy một ví dụ khác : nguyên tắc vâng phục. Đó là một nguyên tắc hoàn toàn căn bản, nhưng sự vâng phục không thể và không được viện dẫn đến độ xóa bỏ việc phân định cá nhân. Sự vâng phục không phải là một sự phục tùng triệt để và vô điều kiện đối với con người của ai khác. Vì thế, có những giáo huấn luân lý, tu đức, cần phải chú ý xem xét để trên thực tế, chúng ta không rơi vào những gì Đức Giáo hoàng Phanxicô đã viết trong Thư gởi dân Thiên Chúa : rằng chúng ta không ngã về phía những lạm dụng quyền bính, những lạm dụng lương tâm, và những lạm dụng thiêng liêng, vốn thường là phòng đợi của những lạm dụng khác : những lạm dụng tính dục.
———————
Tý Linh chuyển ngữ
(theo Vatican News)
Tags: Công-lý, Phanxicô-I, Pháp
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- BỘ GIÁO LÝ ĐỨC TIN: HUẤN THỊ VỀ MỘT VÀI KHÍA CẠNH CỦA “THẦN HỌC GIẢI PHÓNG”
- Ở BA LAN, MỘT KIẾN NGHỊ NHẰM XÓA BỎ VIỆC GIẢI TỘI CHO TRẺ VỊ THÀNH NIÊN
- VỤ CHA PIERRE: HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC XIN TÒA ÁN MỞ CUỘC ĐIỀU TRA
- ĐỨC THÁNH CHA MỜI GỌI CÁC LINH MỤC ARGENTINA HÃY TIÊU HAO VÌ TIN MỪNG
- CUBA THẢ TÙ NHÂN, HOAN NGHÊNH SỰ TRUNG GIAN HÒA GIẢI CỦA TÒA THÁNH
- BÀI GIÁO LÝ VỀ TRẺ EM. NHỮNG NGƯỜI ĐƯỢC CHÚA CHA YÊU QUÝ NHẤT. BÀI 2
- HĐGM Ý GIẢI THÍCH CÁC CHUẨN MỰC CỦA RÔMA LIÊN QUAN ĐẾN ĐÀO TẠO LINH MỤC
- TIẾP KIẾN CHUNG NĂM THÁNH (11/1/2025): HY VỌNG LÀ BẮT ĐẦU LẠI – GIOAN TẨY GIẢ
- KINH TRUYỀN TIN LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA NĂM C: TÔI ĐƯỢC RỬA TỘI NGÀY NÀO?
- JOE BIDEN TRAO HUÂN CHƯƠNG TỰ DO CỦA TỔNG THỐNG CHO ĐỨC PHANXICÔ
- HÀNH KHÚC GIÁO HOÀNG, BÀI QUỐC CA CHÍNH THỨC CỦA VATICAN DO MỘT NGƯỜI PHÁP SÁNG TÁC
- CÁC ĐẠI SỨ TẠI TÒA THÁNH ĐƯỢC ĐỨC PHANXICÔ CHẤT VẤN
- DIỄN VĂN CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO CÁC THÀNH VIÊN CỦA ĐOÀN NGOẠI GIAO TẠI TÒA THÁNH NHÂN DỊP CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2025 : NHỮNG ĐẶC ĐIỂM CỦA MỘT NỀN NGOẠI GIAO HY VỌNG
- Ở THÁI LAN, CUỘC CHIẾN HÀNG NGÀY CỦA MỘT LINH MỤC CHỐNG LẠI NẠN LAO ĐỘNG TRẺ EM
- CÁI CHẾT CỦA CHA FELIX WILFRED, “MỘT MẤT MÁT LỚN LAO CHO NỀN THẦN HỌC CHÂU Á”
- BÀI GIÁO LÝ VỀ TRẺ EM. NHỮNG NGƯỜI ĐƯỢC CHÚA CHA YÊU QUÝ NHẤT. BÀI 1
- CẦU NGUYỆN VÀ BÓNG ĐÁ, BÍ QUYẾT CỦA NỮ TU INAH CANABARRO LUCAS, NGƯỜI LỚN TUỔI NHẤT THẾ GIỚI
- KINH TRUYỀN TIN LỄ CHÚA HIỂN LINH 2025: GẶP GỠ CHÚA GIÊSU NƠI ANH CHỊ EM CHÚNG TA
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC PHANXICÔ TRONG LỄ CHÚA HIỂN LINH 2025: MANG ÁNH SÁNG TÌNH YÊU VÀ HY VỌNG CỦA CHÚA CHO THẾ GIỚI
- NỮ TU SIMONA BRAMBILLA TRỞ THÀNH NỮ TỔNG TRƯỞNG ĐẦU TIÊN TẠI VATICAN