SÁCH GIÁO LÝ HỘI THÁNH CÔNG GIÁO DẠY VỀ CÁC THIÊN THẦN

Written by xbvn on Tháng Mười 2nd, 2021. Posted in Giáo lý, Tâm linh, Thánh Kinh

Các Thiên thần (328–336)

Sự hiện hữu của các Thiên thần là một chân lý đức tin (số 328) và các ngài là những thụ tạo có ngôi vị (số 330)

328

Sự hiện hữu của các hữu thể thiêng liêng, không có thể xác, mà Thánh Kinh thường gọi là các Thiên thần, là một chân lý đức tin. Chứng từ của Thánh Kinh cũng rõ ràng như sự nhất trí của Thánh Truyền.

Các Thiên thần là ai? (329–330)

329

Thánh Augustinô nói về các vị đó: “‘Thiên thần’ là tên gọi chỉ chức vụ chứ không chỉ bản chất. Nếu bạn tìm tên gọi chỉ bản chất của vị này, thì đó là thiêng liêng; nếu bạn tìm tên chỉ chức vụ, thì đó là Thiên thần; vị ấy là gì, thì là thiêng liêng, vị ấy làm gì, thì là Thiên thần.” Các Thiên thần, tự bản thể, là những tôi tớ và sứ giả của Thiên Chúa. Vì các ngài “không ngừng chiêm ngưỡng nhan Cha Thầy, Đấng ngự trên trời” (Mt 18,10), nên các ngài là những vị “thực hiện Lời Chúa, luôn sẵn sàng phụng lệnh Ngài” (Tv 103,20).

330

Vì là những thụ tạo hoàn toàn thiêng liêng, các Thiên thần có trí tuệ và ý chí: các ngài là những thụ tạo có ngôi vị, và bất tử. Các ngài trổi vượt hơn mọi thụ tạo hữu hình về mặt hoàn hảo. Vinh quang rực rỡ của các ngài minh chứng điều ấy.

Đức Ki-tô “với tất cả các Thiên thần của Người” (331–333)

331

Đức Ki-tô là trung tâm của thế giới Thiên thần. Các vị đều là sứ giả của Người: “Khi Con Người đến trong vinh quang của Người, có tất cả các thiên sứ theo hầu…” (Mt 25,31). Các Thiên thần là của Đức Ki-tô, bởi vì các vị ấy đã được tạo dựng nhờ Người và trong Người: “Vì trong Người, muôn vật được tạo thành, trên trời cùng dưới đất, hữu hình với vô hình, dẫu là hàng dũng lực thần thiêng hay là bậc quyền năng thượng giới. Tất cả đều do Thiên Chúa tạo dựng nhờ Người và cho Người” (Cl 1,16). Các vị còn thuộc về Người hơn nữa, bởi vì Người đã dùng các vị làm sứ giả của kế hoạch cứu độ của Người: “Nào tất cả các vị đó không phải là những bậc thiêng liêng chuyên lo phụng thờ Chúa, được sai đi phục vụ để mưu ích cho những kẻ sẽ được thừa hưởng ơn cứu độ sao?” (Dt 1,14).

332

Khởi từ lúc tạo dựng và suốt dòng lịch sử cứu độ, các Thiên thần có mặt để hoặc xa hoặc gần loan báo ơn cứu độ và phục vụ cho việc thực hiện ơn cứu độ theo kế hoạch của Thiên Chúa. Các Thiên thần đóng cửa vườn địa đàng, bảo vệ ông Lót, cứu bà Agar và con trai bà, chặn tay ông Áp-ra-ham. Lề Luật được truyền thông qua thừa tác vụ của các Thiên thần, các ngài hướng dẫn dân Chúa, loan báo những cuộc chào đời, và những ơn kêu gọi, trợ giúp các Tiên tri, đó là chúng ta chỉ nêu lên một số thí dụ. Cuối cùng, thiên thần Gáp-ri-en loan báo việc chào đời của vị Tiền hô và của chính Chúa Giê-su.

333

Từ cuộc Nhập Thể cho tới cuộc Thăng Thiên, cuộc đời của Ngôi Lời nhập thể được hầu cận bằng sự tôn thờ và phục vụ của các Thiên thần. “Khi đưa Trưởng Tử vào thế giới loài người, Thiên Chúa nói: ‘Mọi Thiên thần của Thiên Chúa, phải thờ lạy Người’” (Dt 1,6). Ca khúc ngợi khen của các Thiên thần khi Đức Ki-tô giáng sinh không ngừng vang vọng trong lời ca tụng của Hội Thánh: “Vinh danh Thiên Chúa…” (Lc 2,14). Các Thiên thần bảo vệ Chúa Giê-su khi Người còn thơ ấu, phục vụ Người trong hoang địa, an ủi Người trong cơn hấp hối, khi Người đã có thể được các vị cứu khỏi tay kẻ thù, như dân Ít-ra-en xưa. Các Thiên thần cũng rao giảng Tin Mừng ” khi loan báo Tin Mừng về việc Nhập Thể và về việc Phục Sinh của Đức Ki-tô. Các ngài loan báo việc Đức Ki-tô lại đến, và khi Người đến, các ngài sẽ có mặt để phục vụ việc xét xử của Người.

Các Thiên thần trong đời sống Hội Thánh (334–336)

334

Từ đó, toàn bộ đời sống Hội Thánh hưởng nhờ sự trợ giúp bí nhiệm và đầy uy quyền của các Thiên thần.

335

Trong phụng vụ, Hội Thánh kết hợp mình với các Thiên thần để tôn thờ Thiên Chúa ba lần thánh; Hội Thánh khẩn cầu các Thiên thần trợ giúp (như trong kinh In Paradisum deducant te angeli, Xin các Thiên thần Chúa dẫn đưa bạn về thiên đàng của phụng vụ cầu cho các tín hữu qua đời, hoặc trong “Thánh thi Cherubim” của phụng vụ Byzantin ); đặc biệt hơn, Hội Thánh cử hành việc kính nhớ một số Thiên thần (thánh Mi-ca-en, thánh Gáp-ri-en, thánh Ra-pha-en, các Thiên thần Hộ thủ).

336

Cuộc đời con người, từ lúc khởi đầu cho đến lúc chết, đều được bao bọc bằng sự bảo vệ và lời chuyển cầu của các Thiên thần. “Bên cạnh mỗi tín hữu đều có một Thiên thần làm Đấng bảo trợ và mục tử, hướng dẫn họ đến sự sống.” Đời sống Ki-tô hữu, ngay tại trần gian này, đã được tham dự trong đức tin vào cộng đoàn vinh phúc của các Thiên thần và của những người đã được hợp nhất trong Thiên Chúa.

 

nguồn: http://bangiaoly.org/thu-vien/van-kien/van-kien-giao-hoang/sach-giao-ly-cua-hoi-thanh-cong-giao—phan-i–doan-ii–chuong-i–muc-1–tiet-5—troi-va-dat–325-354-/

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Một 2024
H B T N S B C
« Th10    
  1 2 3
4 5 6 7 8 9 10
11 12 13 14 15 16 17
18 19 20 21 22 23 24
25 26 27 28 29 30