SÂN BÓNG – CẦU THỦ – ĐỜI MỤC TỬ
Tôi vốn không phải là một tín đồ cuồng nhiệt của túc cầu giáo khi tự so sánh mình với nhiều thầy trong chủng viện. Nhưng ngày 25/9/2013 vừa qua, tôi có nhiều cảm nhận thú vị về môn bóng đá. Đó cũng là ngày Quý Tân Linh Mục khóa 5 và 6 trở về thăm lại chủng viện Huế và giao lưu bóng đá với quý thầy Đại Chủng Viện. Tôi có được may mắn cùng xỏ giày ra sân trong đội hình lớp Thần học I so tài với quý anh Tân Linh Mục. Thật thế, tôi nhận ra có những nét gì đó giống nhau giữa đời cầu thủ và đời mục tử mà anh em chúng tôi đã và đang hướng tới.
Mọi cuộc tranh tài, mọi giải thể thao luôn cho thấy một kết quả rõ ràng trong đó có người thắng kẻ thua, và nhiều lúc kết quả ấy quyết định tất cả, người ta không quan tâm đến cái cách thắng hoặc thua của đối phương. Cái chân lý ấy có vẻ có một luật trừ nơi chủng viện này. Đó là mọi người tham dự cùng thắng, hai đội cùng thắng, không có ai thua cuộc ở đây. Dù kết quả trận giao hữu giữa Quý Cha và Quý Thầy là 1 -0, nhưng niềm vui, sự nỗ lực hết mình, tinh thần đồng đội, tình huynh đệ vẫn là những bàn thắng quý giá chia đều cho hai đội và cho cả khán giả nữa.
Tôi nhận ra những nét thật tinh tế của Ban Thể Thao Chủng Viện khi chỉ định lớp Thần học I ra sân cùng lớp đàn anh. Lớp Thần học I vừa trở về chủng viện sau một năm Thử. Hành trang của anh em khi trở về là những hoa trái thiêng liêng, những góp nhặt của tình thương, những bài học quý giá từ những môi trường truyền giáo đặc thù mà anh em được sai đến. Ngần ấy thời gian cũng là khoảng thời gian anh em chúng tôi xa nhau, chưa có trận bóng nào chơi chung với nhau, cùng chia sẻ những nụ cười, những khoảnh khắc rạng rỡ, những cảm xúc tuyệt vời trong thể thao. Vậy nên, thật vui, thật hồi hộp và cũng thật cảm ơn Ban Thể Thao đã ưu ái. Bên cạnh đó, quý Cha đàn anh, có anh đã làm Linh Mục được một năm, có anh thì hơn ba tháng và có anh vừa hơn một tháng. Những việc mục vụ, những bổn phận với đoàn chiên như được giãn ra, được cảm thấy nhẹ nhàng hơn khi nghĩ về thời gian ở tại chủng viện và nhất là những giây phút vui tươi trên sân bóng như trong trận cầu hôm qua.
Từ sân bóng với những cầu thủ như thế này, tôi bất giác nghĩ về đời mục tử và những cánh đồng truyền giáo mà mỗi người chúng tôi đang hướng đến. Có khá nhiều nét tương đồng. Nhưng trước tiên, tôi nhớ một giai thoại hay đúng hơn, một câu chuyện tưởng tượng không biết xuất phát từ đâu nhưng xét thấy cũng rất có ý nghĩa. Đó là một lần nọ, người ta đi xem một trận bóng giữa hai đội bóng Công Giáo và Tin Lành. Ai nấy đều bất ngờ khi thấy Chúa Giêsu trên khán đài. Mọi người cố ý quan sát xem Chúa Giêsu cỗ vũ cho đội nào. Bên Công Giáo ghi trước một bàn thắng. Tiếng reo hò vang dậy khắp cầu trường, Chúa Giêsu cũng đứng lên vô tay, tung nón lên trời. Phải mất vài phút thì mọi người mới ổn định để tiếp tục theo dõi trận đấu. Bên Tin Lành dồn lên tấn công tìm bàn gỡ hòa. Càng về cuối trận, người ta càng thấy sốt ruột. Phút 89, cả cầu trường lần nữa bùng vỡ khi bên tin Lành tìm được bàn thắng gỡ hòa. Và thật bất ngờ, Chúa Giêsu cũng hòa vào không khí sôi động mà reo hò vang dội. Vài cổ động viên của bên Công Giáo ngồi kế Chúa Giêsu cảm thấy khó chịu, khều Chúa và hỏi : “Này, ông tới đây cỗ vũ cho bên nào vậy? Ai ghi bàn ông cũng mừng là sao?”. Vẫn nguyên một nét hồ hởi phấn khởi, Chúa Giêsu vui vẻ trả lời: “Tôi ấy à ? Tôi đến cổ vũ cho trận đấu. Miễn là một trận đấu đẹp đầy chuyên môn và nghệ thuật, ai ghi bàn cũng được!”. Nói xong, Chúa Giêsu tiếp tục quay ra hòa với đám đông tiếp tục vỗ tay reo hò. Những người kế bên quay đi và không quên nhếch mép: Rõ, tên khùng !”. Ở một góc độ nào đó, có lẽ chiến thắng trong một trận đấu không phải là những bàn thắng nhưng là cách mọi người thể hiện trên sân, làm nên một trận đấu có tính chuyên nghiệp, kỹ thuật, mãn nhãn. Có lẽ Chúa cũng muốn như thế trong sân cỏ cuộc đời của mỗi người mục tử hôm nay và mai sau.
Quả là có nhiều nét tương đồng giữa sân cỏ bóng đá của các cầu thủ và sân cỏ cuộc đời của những mục tử hôm nay. Nếu các cầu thủ là các Cha, các thầy thì sân bóng không gì khác hơn là môi trường giáo xứ, môi trường mục vụ nơi mỗi người được sai đến. Nếu ông bầu là Thiên Chúa (cụ thể là Chúa Thánh Thần) thì các vị Giám Mục cũng là những vị huấn luyện viên khôn ngoan lão luyện. Nếu các trọng tài phụ là Lời Chúa, Huấn quyền có nhiệm vụ quan sát, ra dấu, nhắc nhở và trọng tài trong sân là lương tâm mỗi người trực tiếp điều khiển trận đấu thì khán giả không ai khác hơn là đoàn chiên, là những giáo dân, là đối tượng cần được phục vụ vốn nhiều khi vừa tạo nên những làn sóng ủng hộ và cả chống đối. Một ví von như thế để thấy rằng, muốn trở nên “cầu thủ” mục tử cũng đòi hỏi không ít các yếu tố cần thiết.
Đó là biết chơi đúng vị trí của mình. Để tuân thủ chiến thuật và lối chơi của cả đội, huấn luyện viên đã sắp xếp ở đâu, thì cần phải trung thành với vị trí ấy. Nguy hiểm nhất cho một đội bóng khi có bất kỳ một cầu thủ nào bỏ vị trí của mình. Đó sẽ là tử huyệt để đối phương khai thác và khoét sâu vào đó ghi bàn hạ gục toàn đội. Bám giữ vị trí của mình cũng đòi hỏi cầu thủ ở vị trí đó phải đứng dậy sau khi ngã để tiếp tục bảo vệ vị trí của mình. Những cú xoạc bóng, những pha che người cần được tận dụng để ngăn cho đối phương không xâm nhập vào cầu môn qua vị trí của mình.
Bên cạnh việc chơi đúng vị trí của mình, người cầu thủ cần khôn ngoan trước các diễn biến, mau chóng đọc được ý đồ của đối phương để kịp thời xử trí, giữ mình bình tĩnh trước những pha chơi xấu cũng như áp lực của khán đài, cả khi thắng cũng như khi thua. Nếu được chuẩn bị tốt và bài bản, lương tâm là một trọng tài chính cần được các cầu thủ lắng nghe trong mọi diễn tiến trên sân cỏ. Người cầu thủ không thi đấu cho mình, nhưng là cho toàn đội, cho vị huấn luyện viên, cho ông bầu và cuối cùng là vì một trận cầu chất lượng cho những khán giả ở bốn bề sân vận động.
Có lẽ Chúa không cần bàn thắng cho bằng cách chơi của mỗi cầu thủ. Suy cho cùng, nếu mỗi cầu thủ đều tuân thủ luật chơi, cống hiến hết mình thì bàn thắng sẽ đến cũng là điều tất yếu. Và trong tư cách của một đội bóng, tôi không chơi một mình mình nhưng là chơi cùng các cầu thủ bạn, dù là mỗi người một khả năng, một khuynh hướng, một vị trí. Người ta nói: “Thể thao không định hình tính cách, nhưng giúp bộc lộ tính cách”. Tôi muốn nói thêm: “Thể thao cũng giống như một giảng đường, nơi đó tôi học cách chơi đúng luật và đạt kết quả trong cuộc sống”.
Cảm ơn quý anh Tân Linh Mục. Cảm ơn quý thầy lớp Thần Học I. Cảm ơn Quý Cha, Quý Ban Ngành và tất cả anh em đã làm nên một trận đấu đẹp, đẹp từ trong sân cho đến khán đài, đẹp từ chủng viện cho đến những cánh đồng truyền giáo ngút ngàn Huế – Đà Nẵng – Kontum.
Chúc Quý Anh Tân Linh Mục tiếp tục chơi thật đẹp đúng phon g cách Xuân Bích, thật hăng say, thật nhiệt tình trên sân bóng cuộc đời các anh, để mai ngày tất cả cùng xứng đáng lãnh nhận chính Chúa – The Cup Of Life – của chúng ta. Câu hát “ngày đó ngày đó sẽ không xa, và chúng ta là người chiến thắng …..” cũng là lời các lớp đàn em gửi theo các anh.
Thương Huyền
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- ĐCV HUẾ: GIẢI BÓNG BÀN MỪNG CHÚA GIÁNG SINH 2024
- VIDEO TỔNG HỢP CÁC SỰ KIỆN DỊP LỄ BỔN MẠNG ĐCV HUẾ
- ĐẠI CHỦNG VIỆN HUẾ KỶ NIỆM 30 NĂM TÁI HOẠT ĐỘNG VÀ MỪNG BỔN MẠNG LỄ ĐỨC MẸ DÂNG MÌNH 2024
- NHỮNG TÂM TÌNH NGÀY LỄ ĐỨC MẸ DÂNG MÌNH 2024
- ĐCV HUẾ: THÁNH LỄ TẠ ƠN TÂN LINH MỤC VÀ PHÓ TẾ
- ĐCV HUẾ: THÁNH LỄ GIỖ ĐẦU TIÊN ĐỨC CHA PHAOLÔ TỊNH NGUYỄN BÌNH TĨNH
- VIDEO THÁNH LỄ ĐỨC MẸ DÂNG MÌNH TRONG ĐỀN THỜ – BỔN MẠNG ĐẠI CHỦNG VIỆN HUẾ NGÀY 22.11.2024
- VIDEO BÀI CA QUAM PULCHRE GRADITUR (Tiếng Việt)
- BAN BÁC ÁI HỘI DÒNG KHIẾT TÂM ĐỨC MẸ TRAO HỌC BỔNG CHO 57 HỌC SINH – SINH VIÊN CÓ HOÀN CẢNH KHÓ KHĂN
- SÁCH : ĐỜI SỐNG NHÂN BẢN VÀ ĐÔI NÉT TÂM LÝ CHIỀU SÂU
- THƯ MỜI THAM DỰ NGÀY HỘI NGỘ XUÂN BÍCH 2024
- THIỆP MỜI BỔN MẠNG ĐCV HUẾ VÀ NGÀY HỌP MẶT TRUYỀN THỐNG XUÂN BÍCH
- ĐCV HUẾ: THÁNH LỄ CẦU NGUYỆN CHO CÁC TÍN HỮU ĐÃ QUA ĐỜI
- ĐCV HUẾ: CÁC CHỦNG SINH TĨNH TÂM THƯỜNG NIÊN
- NGUỒN GỐC LỄ CÁC THÁNH NAM NỮ VÀ LỄ CẦU CHO CÁC TÍN HỮU ĐÃ QUA ĐỜI
- ĐCV HUẾ: TALKSHOW “CÂU CHUYỆN HUYNH TRƯỞNG”
- ĐCV HUẾ: HÌNH ẢNH KHAI MẠC GIẢI BÓNG CHUYỀN CUP XUÂN BÍCH 2024
- ĐCV HUẾ KHAI MẠC TRỌNG THỂ THÁNG MÂN CÔI
- AD EXTRA, LÀM THẾ NÀO BIẾT TIN TỨC VÀ SUY TƯ VỀ SỨ MẠNG Ở CHÂU Á MỘT CÁCH SÂU XA HƠN
- ĐẠI CHỦNG VIỆN HUẾ: LỄ GIỖ 3 NĂM NGÀY CHA J.B. ETCHARREN QUA ĐỜI