Sắp xuất bản: SỨC MẠNH CỦA ƠN GỌI

Written by lcd on Tháng Mười Hai 25th, 2018. Posted in Lm Lê Công Đức, Tâm linh, Thế Giới, Thiên Phong, Tu sĩ

Sách ghi lại cuộc phỏng vấn Đức giáo hoàng Phanxicô về Đời sống Thánh hiến.

Bản dịch tiếng Việt của Lm. Giuse Lê Công Đức.

 

“Không say mê Đức Giêsu, sẽ không có tương lai nào cho đời sống thánh hiến” – ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ –

“Nhìn về quá khứ với lòng tri ân, sống hiện tại với say mê, hướng đến tương lai với niềm hy vọng”, đó là sợi chỉ xuyên suốt cuộc phỏng vấn ghi lại trong quyển sách này.

Trong một cuộc đối thoại đơn sơ và trực tiếp, Đức giáo hoàng Phanxicô đề cập những chủ đề lớn và những thách đố mà đời sống thánh hiến phải đối mặt trên con đường đổi mới kể từ Công đồng Vatican II: sự phân định cách sống trung thành với đặc sủng sáng lập, tính giao thoa văn hóa, sứ mạng được thực thi cùng với các giáo dân, sự gắn kết trong Giáo hội, việc đào tạo ơn gọi, sự cân bằng giữa ký ức và tính ngôn sứ.

Đức giáo hoàng trả lời các câu hỏi của người phỏng vấn bằng cách đưa ra những ví dụ và những câu chuyện rút từ đời sống riêng tư và từ kinh nghiệm của ngài. Qua đó tâm hồn thánh hiến của ngài tỏ lộ ra. Ngài mời gọi các anh em, chị em mình sống niềm vui thánh hiến, niềm vui mà ngài xác quyết rằng đó chính là sức mạnh của họ.

-Người phỏng vấn: Fernando Prado Ayuso, là linh mục Dòng Thừa sai Con cái Trái tim Vô nhiễm Đức Maria. Ngài hiện là Giám đốc nhà xuất bản Claret ở Tây Ban Nha, và là giáo sư Thần học Đời sống Thánh hiến tại Đại học Giáo hoàng Salamanca.

 

GIỚI THIỆU

Đã từ lâu Đức Phanxicô không còn sợ những cuộc phỏng vấn. Chính Francesca Ambrogetti[1] là người đã mở mắt cho ngài, để ngài tin rằng lời nói của ngài có thể đem lại nhiều điều tốt đẹp hơn là thinh lặng. Kể từ khi nhận ngai tòa Phêrô, Đức Phanxicô đã chấp nhận rất nhiều cuộc phỏng vấn. Nói đúng ra là không nhiều, nếu người ta không kể cả những cuộc đàm thoại trên máy bay trong những chuyến công du của ngài, trong đó đức giáo hoàng thẳng thắn trả lời những câu hỏi mà các phóng viên đặt ra cho ngài. Trong những dịp mà mọi người chờ đợi từ nơi ngài câu trả lời ứng khẩu trực tiếp như thế, Đức Phanxicô lại thấy mình ở trong tình cảnh vô cùng chênh vênh. Ngài coi sự liều lĩnh ấy như một phần trong công việc mục tử của mình. Về phần các phóng viên, họ biết ơn ngài vì họ ý thức sâu sắc rằng đó cũng là cách mà vị giáo hoàng chân thành diễn tả lòng tri ân họ vì những cố gắng của họ.

Đức Phanxicô rất ý thức sự kiện rằng các phương tiện truyền thông khuyếch đại các lời nói của ngài, ngài cũng xem các câu hỏi của các phóng viên và những cuộc phỏng vấn của họ như “góp phần truyền thông sứ vụ [của tôi][2]”. Những cuộc phỏng vấn ấy có một giá trị mục vụ rõ ràng đối với Đức Phanxicô. Ngài biết rằng, ngoài sự thận trọng cần thiết, nếu ngài muốn lời nói của mình nên hữu ích, thì ngài phải chấp nhận liều cởi mở chính mình một cách tin tưởng.

Đối với ngài, những cuộc gặp gỡ với giới báo chí và những cuộc trả lời phỏng vấn dành cho họ là một phương thế để ngài đi vào đối thoại với người ta, theo cách Đức Giêsu đã làm với các môn đệ trên đường Emmau. Từ những cuộc phỏng vấn và trò chuyện này với giáo hoàng, cuộc đối thoại của Giáo hội với con người hôm nay hiện lộ lên.

Mối liên hệ giữa tôi với Đức giáo hoàng Phanxicô diễn ra trong thế giới xuất bản; mọi sự bắt đầu vào thời điểm vài tháng sau khi ngài nhận “giáo phận mới”. Tôi đã đến gặp và đệ trình ngài các ấn bản tiếng Tây Ban Nha một số sách của ngài mà nhà Claret[3] ở Buenos Aires vừa mới xuất bản. Chúng tôi tiếp tục có những cuộc gặp gỡ khác nữa, và khi mối liên hệ đã thắt chặt đáng kể, tôi chợt nảy ý định xin ngài một cú hẹn để phỏng vấn. Hơn cả một cuộc phỏng vấn, tôi nghĩ nhiều hơn đến một cuộc trò chuyện mà trong đó tâm hồn thánh hiến của ngài sẽ tỏ lộ ra. Lời nói của ngài sẽ rất hữu ích cho tất cả chúng ta là những người, rất đông đảo, đi theo Đức Giêsu theo cách thức rất chuyên biệt này.

Vào dịp cử hành Năm Đời Sống Thánh Hiến, Đức Phanxicô đã viết một Thư cho những người thánh hiến, bắt đầu như sau:

“Tôi viết cho anh chị em trong tư cách là người kế vị Thánh Phêrô, người đã được Chúa ủy thác công việc củng cố anh em mình trong đức tin. Và tôi viết cho anh chị em trong tư cách một người anh em, cũng được thánh hiến cho Thiên Chúa như anh chị em”.

Trực giác về cuộc phỏng vấn chính xác là: Ước gì nó giúp cho thấy chiều kích này của sứ vụ Đức Phanxicô trong tư cách đấng kế vị Thánh Phêrô ngỏ lời với các anh em mình.

Kể từ Công đồng Vatcian II, trong đó Sắc lệnh Perfectae caritatis[4] đã đánh dấu sự khởi đầu một tiến trình cập nhật, “hưởng ứng những chỉ dẫn của huấn quyền Giáo hội, đời sống thánh hiến đã trải qua một chặng đường đổi mới rất phong phú”.[5]

Đó là cách tổng kết quá trình hậu Công đồng mà Thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II đã đưa ra chỉ vài tháng trước khi ngài qua đời. Các dòng tu đã muốn bước đi trong suốt những năm tháng của giai đoạn này theo nhịp của những tình hình khẩn cấp mới: sự đa dạng hóa của khung cảnh thế giới, những thách đố của hiện tượng toàn cầu hóa, tính giao thoa văn hóa của chính đời sống thánh hiến, sự cần thiết phải hội nhập văn hóa đúng đắn đối với đặc sủng, việc huấn luyện các thế hệ trẻ, sự tham gia cùng nhau trong sứ mạng, những tiến trình tái cấu trúc…

Hẳn nhiên là đời sống thánh hiến đã không luôn luôn xuôi chèo mát mái trên con đường “thích nghi đúng đắn với các hoàn cảnh mới của cuộc sống”[6], như Công đồng đã lưu ý. Thật rõ rằng khi đứng trước những xung đột với các mục tử, nhiều tu sĩ nam nữ xem chừng hóa ‘mềm’ hơn, để ưu tiên giữ sự hiệp thông. Nhưng nói chung, đời sống thánh hiến đã đi đúng đường hướng. Tuy vậy, cũng không thiếu những người đã loan báo về “các đám tang tập thể”, hay những “tiên tri của thảm họa”, như nhiều năm về sau Đức Biển Đức XVI[7], trong sự khôn ngoan của ngài, sẽ lưu ý.

Động thái đầu tiên của tôi xảy ra vào giữa tháng năm, khi tôi thỉnh cầu Đức giáo hoàng Phanxicô về khả năng gặp gỡ ngài. Bản chất cuộc gặp gỡ đã rõ ràng ngay từ đầu: đó sẽ là cuộc phỏng vấn về đời sống thánh hiến mà thôi. Tôi đề nghị với ngài rằng nếu được thì tôi sẽ gặp ngài trong tháng tám. Thật quá đỗi bất ngờ đối với tôi, chưa đầy bốn mươi tám giờ sau, Đức giáo hoàng đã trả lời. Ngài vui lòng gặp tôi, lại còn đề nghị với tôi một ngày giờ chính xác.

Đức Phanxicô đã không yêu cầu tôi gửi trước cho ngài những câu hỏi. Tôi hiểu rằng, như thế, ngài thích một cuộc đối thoại cởi mở và trực tiếp giữa ngài và tôi. Rõ ràng, như vậy cuộc chuyện sẽ sống động hơn. Đức Phanxicô không thích các khuôn khổ trịnh trọng, ngài thiên về cách trả lời ứng khẩu trực tiếp và dễ hiểu, chứ không hạn định kiểu một bài học hay một giảng khóa. Điều này cho phép ngài giữ chất giọng đơn sơ, rõ ràng của người mục tử, chất giọng mà các thính giả của ngài cũng rất ưa thích.

Trong những tháng trước khi cuộc phỏng vấn diễn ra, chúng tôi đã tìm kiếm đó đây trong nhà xuất bản của mình tất cả các bản văn, các bài nói chuyện và các bài phỏng vấn mà Đức Phanxicô đã thực hiện về đời sống thánh hiến kể từ khi bắt đầu triều giáo hoàng của ngài. Tôi đã từng theo dõi tất cả những gì ngài nói vào các dịp khác nhau với chúng ta, những người thánh hiến, song giờ đây tôi cần đọc lại và nghiên cứu các bản văn ấy, để chuẩn bị tốt hơn cho cuộc gặp gỡ với ngài.

Tôi đến Nhà Thánh Mácta với một mớ câu hỏi mà mình sẽ vận dụng trong cuộc trao đổi với Đức thánh cha. Cuối cùng, cuộc trò chuyện thật thân mật huynh đệ, và Đức Phanxicô đã cho thấy đúng tính cách của ngài, với tất cả chiều sâu của ngài, mà không hề đánh mất sự thoải mái và gần gũi. Khỏi phải nói, trong một cuộc chuyện như thế, có rất nhiều điều vượt quá khả năng diễn tả của tôi. Chẳng dễ chút nào việc chuyển đạt cho bạn đọc những ánh nhìn ấy, những cử chỉ hay những âm giọng ấy. Càng không dễ phản ảnh cái thần thái thanh thản của ngài, sự ân cần trìu mến trong cách ngài trân trọng người ta, hay cách mà xuyên qua vẻ thân tình gần gũi ấy, ngài thể hiện một tính cách bao dung nào đó.

Người ta gặp thấy đồng thời nơi Đức Phanxicô một nhân cách phức hợp, đa diện, chân thực, và đáng tin. Trong những trang này, Đức Phanxicô hiện lộ như một người anh em và một bạn đồng hành, nhưng nhất là như một người cha khôn ngoan, bằng những chiều sâu đặc sủng riêng của mình, ngài mời gọi ta tiến bước không sợ hãi hướng đến tương lai. Tôi hy vọng rằng tất cả những ai đọc quyển sách này sẽ khám phá xuyên qua các trang sách điều mà tôi đã cảm nhận: Đằng sau những lời nói của ngài, đằng sau con người nói những lời ấy, đó là chính Phêrô đang củng cố các anh em mình.

[1] Francesca Ambrogetti, cùng với Sergio Rubín, đã phỏng vấn trong suốt một năm rưỡi người mà lúc bấy giờ là Hồng y Bergoglio. Kết quả của những cuộc chuyện ấy là một quyển sách dưới tựa đề Je crois en l’homme: Conversations Jorge Bergoglio (Tôi tin vào con người: Những cuộc trò chuyện với Jorge Bergoglio), Francesca Ambrogetti và Sergio Rubín (Phỏng vấn), Poche, 2014.

[2] Giáo hoàng Phanxicô (với A. Spadaro), L’Église que j’espère (Giáo hội mà tôi mong đợi), Flammarion, 2014.

[3] Editorial Claretiana (Madrid).

[4] Sự hoàn hảo của đức ái – Perfectae Caritatis, Sắc lệnh về việc canh tân và thích nghi đời tu, 28.10.1965.

[5] Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Sứ điệp nhân Ngày Đời Sống Thánh Hiến, 02.02.2005.

[6] Perfectae caritatis, 2.

[7] “Anh chị em đừng hùa theo những tiên tri của thảm họa, đó là những kẻ rêu rao sự tận cùng hay sự vô nghĩa của đời sống thánh hiến trong Giáo hội chúng ta ngày nay; thay vào đó, anh chị em hãy mặc lấy Đức Giêsu Kitô và trang bị những khí giới của ánh sáng – như Thánh Phaolô dạy (Rm 13,11-14) – bằng cách luôn luôn tỉnh thức”. Giáo hoàng Biển Đức XVI, Bài giảng lễ nhân Ngày Đời Sống Thánh Hiến lần thứ XVII, 02.02.2013.

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Một 2024
H B T N S B C
« Th10    
  1 2 3
4 5 6 7 8 9 10
11 12 13 14 15 16 17
18 19 20 21 22 23 24
25 26 27 28 29 30