SÁU TỪ NGỮ GIÚP HIỂU HIẾN CHẾ MỤC VỤ GAUDIUM ET SPES

Written by xbvn on Tháng Tư 18th, 2013. Posted in Thế Giới, Vatican-II

Các dấu chỉ của thời đại

Trong toàn bộ Hiến Chế Mục Vụ Gaudium et spes (Vui mừng và hy vọng), Công đồng tìm cách phân định “các dấu chỉ thời đại” (GS 4,1), tức là phân định các biến cố lịch sử có ý nghĩa đối với lịch sử nhân loại, xã hội, kinh tế và chính trị, và đọc ra sự hiện diện của Thiên Chúa trong lịch sử này. Công đồng đề ra một phương pháp phân định: “Bổn phận của toàn thể dân Thiên Chúa, đặc biệt của các chủ chăn và các nhà thần học là nhờ sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, đón nghe, phân biệt và giải thích các tiếng nói của thời đại, rồi phán đoán dưới ánh sáng Lời Chúa để chân lý mạc khải luôn được thấu triệt, được hiểu rõ và trình bày cách thích hợp hơn” (Gs 44, 2). Công đồng cũng đưa ra các dấu chỉ để hành động, đồng thời cũng là những tiêu chuẩn phán đoán (nhắm đến lợi ích chung, tình liên đới, công bằng xã hội, bác ái, ưu tiên quan tâm những người nghèo nhất…) và các chỉ dẫn hành động tùy theo bối cảnh xã hội và văn hóa. Cho đến nay, phương pháp này định tính cho Giáo Hội cách thức hướng dẫn xã hội.

Nhân phẩm

Chương đầu tiên của bản văn (Gs 12-22) mô tả khá dài “quan niệm đúng đắn về nhân vị, về giá trị độc nhất của nó”. Công đồng nhắc nhở rằng việc tôn trọng nhân vị trong tính độc nhất và trong bản tính thiêng liêng của nó, là một giá trị ngày nay được mọi người chia sẻ (Gs 12). Tiếp đến, Công đồng nói rõ rằng Giáo Hội nhận ra điều đó là dựa trên nhiều lý lẽ thần học: Con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa; Con Thiên Chúa đã trở thành người thật và đã tôn trọng thân phận con người của chúng ta; bằng cuộc vượt qua, tử nạn và phục sinh của Chúa Kitô, mỗi người đã được cứu chuộc, điều mà mở ra con đường “thần hóa”. Theo Giáo Hội, nhân vị “được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa”, mang một phẩm giá bất khả chuyển nhượng, vốn được ban cho nó bởi một Đấng Khác, và phẩm giá ấy không do sự thành công hay khả năng của con người, mà do tình yêu nhân vị hóa của Thiên Chúa. Từ đó, nảy sinh tính bình đẳng căn bản của mọi hữu thể nhân linh. Những hệ lụy đạo đức phát xuất từ đó là quan trọng trong các cuộc tranh luận hiện nay.

Thân xác

Bản văn Công đồng trình bày điều cấm đầu tiên liên quan chuyện khinh bỉ thân xác (Gs 14). Đoạn văn tiếp theo sau việc đề cập đến cám dỗ đương thời về sự tuyệt vọng (Gs 12) và “sự khốn khổ của nhân loại” (Gs 13). Công đồng nhắc nhở rằng điều gì liên quan đến thân xác đều liên quan trọn cả con người; vì chính qua thân xác mà con người đi vào tương quan với những người khác và với Thiên Chúa. Điều này đem lại những hệ quả trong các lĩnh vực đạo đức sinh học, đời sống tính dục và gia đình, nhưng cả việc tố giác nạn tra tấn, cắt bỏ phần thân thể, mại dâm và tất cả những điều kiện đời sống hay lao động làm mất phẩm giá (Gs 27), mà không nói đến tính hai mặt ở chỗ cho rằng nhân vị là xứng đáng bao lâu thân xác đẹp và biểu lộ sức khỏe. Tôn trọng thân xác cũng bao hàm ý thức các giới hạn của thân xác và trách nhiệm được trao cho mỗi người là biến thế giới thành nơi có thể sống được.

Con người, hữu thể mang tính xã hội

Nếu con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, thì đó là một Thiên Chúa Ba Ngôi. Gaudium et spes triển khai một quan niệm mang tính xã hội và cộng đoàn của hữu thể nhân linh: nếu nhân vị là thiêng liêng, thì nó cũng mang tính xã hội và phẩm giá của nó chỉ được thể hiện và bảo vệ trong một cộng đoàn nhân loại có sự trao đổi và yêu thương lẫn nhau. “Nhân vị chính là và phải là nguyên lý, chủ thể và cứu cánh của mọi định chế xã hội, bởi vì tự bản chất nhân vị phải hoàn toàn cần đến đời sống xã hội. Cho nên, vì đời sống xã hội đối với con người không phải là một cái gì phụ thuộc, do đó nhờ sự trao đổi với người khác, nhờ phục vụ lẫn nhau và nhờ đối thoại với anh em, con người được tăng triển mọi khả năng của mình và có thể đáp ứng được thiên chức của mình” (Gs 25). Lời khẳng định này làm xuất phát những nguyên lý liên đới và bổ trợ vốn là hai cột trụ của học thuyết xã hội.

Gaudium et spes khẳng định rằng mầu nhiệm của hữu thể mang tính xã hội, được khám phá ở đỉnh điểm là trong hôn nhân (Gs 12). Lối tiếp cận xã hội về hôn nhân này đã từng được đòi hỏi bởi bà Rosemary Goldie, người Úc, nhân vật số 3 của Hội đồng Tòa Thánh về giáo dân và là người phụ nữ đầu tiên đã đảm nhận trách vụ này ở Vatican. Không phải không quan trọng khi hôn nhân là lối vào của phần hai của Gaudium et spes, được dành cho “một số vấn đề cấp bách hơn”.

Lương tâm luân lý

Đó là một trong những đoạn nổi tiếng nhất của Hiến Chế Mục Vụ, đôi khi được đọc như một lời khẳng định tổng quát, tách biệt khỏi lô-gíc của bản văn. Gaudium et spes không biến đức tin của các tín hữu thành điều kiện cho một đời sống luân lý xác thực. Nhưng Công đồng cho thấy sự khác biệt của người tín hữu. Nếu bản văn có khẳng định phẩm giá của lương tâm con người, thì đó là để giúp đỡ mỗi người khám phá ra luật lệ vượt trên họ và cư ngụ trong lương tâm của họ, và để nhấn mạnh phần tác động của Lời Thiên Chúa. Như thế, chẳng hạn, việc kết án cách nghiêm trọng những điều gây hại cho tính toàn vẹn của nhân vị, cho bình diện thể lý, tâm lý và tinh thần (Gs 27), không phải chỉ là một lời nhắc nhở đơn thuần những điều cấm và các nghĩa vụ được chứa đựng trong Tuyên ngôn phổ quát về Nhân Quyền, nhưng là kết quả do sự kết hợp giữa lương tâm luân lý và Lời Thiên Chúa: “Mỗi khi các ngươi làm cho một trong những kẻ bé mọn nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25, 40).

Phát triển

Khái niệm phát triển nằm ở trung tâm của Gaudium et spes. Nếu phẩm giá của hữu thể nhân linh là bất khả chuyển nhượng, ngay cả khi con người phạm tội, thì người ta không thể khẳng định con người như là một định đề hiện đại. Một công việc luân lý cần được thực hiện. “Người ta xác tín rằng nhân loại không những có thể và phải mỗi ngày mỗi củng cố thêm sự thống trị của mình trên tạo vật mà còn phải thiết lập một trật tự chính trị, xã hội và kinh tế để phục vụ con người ngày đắc lực hơn, giúp mỗi cá nhân, mỗi tập thể khẳng định và trau dồi phẩm giá riêng của mình” (Gs 9).

Trong chương nói về đời sống kinh tế và xã hội (Gs 63-72), “ sự phát triển” cũng là trục trung tâm của suy tư; trong khi trong Thông điệp Mater et Magistra (1961), Đức Gioan XXIII còn nói đến “sự tăng trưởng”. Chương này mở đầu bằng cách gợi lại nội dung chính của phần trước: “Ngay trong đời sống kinh tế xã hội, phẩm giá cũng như ơn gọi toàn diện của con người và lợi ích của toàn thể xã hội, phải được tôn trọng và thăng tiến. vì con người là tác giả, là tâm điểm và là mục đích của tất cả đời sống kinh tế xã hội” (Gs 63). Bản văn rút ra một vài nguyên tắc của “sự phát triển” vốn luôn mang tính thời sự.

Martine de Sauto, nhật báo La Croix

Võ Văn Hải chuyển ngữ

Tags:

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Hai 2024
H B T N S B C
« Th11    
  1
2 3 4 5 6 7 8
9 10 11 12 13 14 15
16 17 18 19 20 21 22
23 24 25 26 27 28 29
30 31