SỐNG MÙA VỌNG TRONG HY VỌNG VÀ NIỀM TIN
ĐCV. Thánh Tâm Mỹ Đức Thái Bình
Tĩnh Tâm ngày 13/12/2012
1. Ý nghĩa Mùa Vọng
Thưa Anh Em, chúng ta đang sống trong Mùa Vọng. Cuộc cải tổ phụng vụ sau công đồng Vaticanô II nêu bật ý nghĩa của Mùa Vọng qua bốn Chúa nhật: Chúa nhật thứ nhất đề cao thái độ tỉnh thức đón chờ Chúa Giêsu Kitô quang lâm trong ngày phán xét. Chúa nhật thứ hai giới thiệu thánh Gioan Tẩy giả, người dọn đường cho Chúa đến, không những chỉ bằng lời giảng sám hối mà còn bằng chính cuộc đời khổ hạnh và trung trực của mình. Chúa nhật thứ ba nói lên niềm hy vọng vì Chúa sắp đến (có thể mặc lễ phục màu hồng). Chúa nhật thứ bốn diễn tả niềm vui vì Chúa đến gần kề, và Đức Mẹ Maria là nhân vật trung tâm.
Quả thế, Mùa Vọng chuẩn bị tâm hồn chúng ta đón nhận ba cuộc đến của Chúa Giêsu: lần thứ nhất xuống thế làm người tại Bêlem cách nay hơn 2000 năm, lần thứ hai là ngày cánh chung Chúa Giêsu sẽ lại đến trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết, hầu hoàn thành công cuộc cứu độ, và giữa hai lần đến ấy, là Chúa Giêsu ngự đến cách nhiệm mầu trong tâm hồn chúng ta hằng ngày bằng ân sủng và tình yêu: “Ai yêu mến Ta, thì Cha Ta sẽ yêu mến người ấy và chúng ta sẽ cư ngụ trong người ấy.” Chính khi sống cách ý thức, tích cực và sống động lần đến nhiệm mầu trong tâm hồn này mà cuộc sống hiện tại của chúng ta có một hướng đi vững chắc và ý nghĩa.
2. Chúa Kitô đến lần thứ nhất
Quả vậy, khi còn là Hồng Y, ĐTC Biển Đức XVI đã viết “Mùa Vọng không chỉ là vấn đề nhớ lại và cử hành những gì thuộc về quá khứ, Mùa Vọng chính là hiện tại, là thực tại của chúng ta.”[1] Với Mùa Vọng, chúng ta sống lại biến cố chờ đón Chúa Kitô “đến” lần thứ nhất và chuẩn bị tâm hồn mừng Lễ Giáng Sinh sắp tới. Điều này đòi hỏi mỗi người hoán cải, sửa đổi và canh tân cuộc sống, để góp phần với Chúa làm cho mọi mối tương quan của chúng ta trở nên chân thật hơn, khiêm tốn hơn, yêu thương hơn, cao đẹp hơn, bình an hơn, tích cực hơn… cho một cuộc trở lại đích thực với Chúa, với anh em, và với chính mình, để đón nhận Chúa Giáng Sinh trong tâm hồn và cuộc đời chúng ta, hầu cùng với Mẹ Maria, chúng ta cưu mang, sinh hạ và nuôi dưỡng Chúa lớn lên trong cuộc đời mình, như Gioan Tẩy Giả mong “Ngài phải lớn lên còn tôi phải bé đi,” để rồi chúng ta còn mang Chúa đến cho người khác nữa. Làm sao để qua con người, cuộc sống và hoạt động của chúng ta mà người ta như thấy được Chúa Giêsu thì chừng đó mầu nhiệm nhập Thể Cứu Độ mới thực sự phát huy hiệu quả, và chúng ta mới chu toàn được sứ mệnh kitô hữu của mình.
3. Chúa Kitô đến lần thứ hai
Lời Chúa trong Chúa nhật I Mùa Vọng nói đến việc Chúa Kitô đến lần thứ hai vào ngày tận thế, sẽ rất bất ngờ, không ai có thể biết trước được, dù có những dấu hiệu tiên báo khủng khiếp trong vũ trụ, như lời Phúc Âm thánh Luca: “Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các vì sao, dưới đất biển gào sóng thét” (Lc 21,25). Nhưng Chúa Giêsu cho biết có hai nhóm người với hai phản ứng khác biệt, một bên là những người thế gian và một bên là các con cái Thiên Chúa: những người thế gian thì sẽ lo lắng hoang mang, sợ đến hồn xiêu phách lạc, còn các con cái Thiên Chúa thì sẽ an tâm đứng thẳng và vui mừng ngẩng cao đầu vì sắp được cứu chuộc. Chúng ta chọn ở trong nhóm nào? Dĩ nhiên tất cả chúng ta chọn thuộc về nhóm con cái Thiên Chúa, và để ngày thế mạt kinh hoàng ấy khỏi phải bất ngờ chụp xuống trên đầu chúng ta như chiếc lưới bất thần chụp xuống trên mọi dân cư khắp mặt đất, Thiên Chúa dạy chúng ta phải tỉnh thức và cầu nguyện hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người: tỉnh thức bằng việc đề phòng, không để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa tửu sắc, cùng quá lo lắng những sự đời này.
Trong tinh thần Mùa Vọng, chúng ta cũng chuẩn bị đón Chúa Kitô “đến” lần thứ hai vào ngày tận thế, ngày Chúa sẽ đến phán xét và thưởng phạt công minh mỗi người tuỳ theo cách họ sống ở đời này, mà tiêu chuẩn sẽ là lòng bác ái đối với tha nhân, đặc biệt những người kém may mắn hơn mình (x. Mt 25, 32-55). Có câu chuyện hư cấu về một người phụ nữ ở dưới luyện ngục tha thiết xin thánh Phêrô cho lên thiên đàng. Thánh nhân yêu cầu thiên thần hộ thủ của bà tìm xem bà đã làm được điều gì tốt để có thể dựa vào đó mà xét cho vào Thiên đàng. Thiên thần xem sổ ghi thật tỉ mỉ, chẳng thấy gì đáng kể, ngoài việc có lần bà đã cho lão ăn mày một cây hành. Thánh Phêrô phán: vì ngươi đã cho kẻ khó một cây hành nên bây giờ ta sẽ cho thiên thần dòng cây hành xuống, ngươi cứ bám vào và thiên thần sẽ kéo ngươi lên. Người phụ nữ bám chặt vào cây hành để được kéo lên. Khi thấy bà được kéo lên, những người khác níu chân bà xin theo. Bà không chịu và vừa mạnh chân đạp họ xuống, vừa la to “chỉ một mình tao thôi”! Khổ nỗi vì bà đạp mạnh quá nên cây hành đứt và bà bị rơi luôn xuống lại chỗ cũ. Thật đáng thương hại thay: tới lúc đó mà vẫn còn ích kỷ.
Nhưng “thấy người hãy nghĩ đến ta, thử sờ lên gáy xem xa hay gần.” Ca dao Việt Nam nhắc chúng ta như vậy đó, hãy chuẩn bị làm sao để khi Chúa đến và tìm thấy chúng ta đáng được cho vào chung hưởng thiên đàng với Ngài.
4. Chúa Kitô đến với chúng ta mỗi ngày
Nhưng Lời Chúa và Giáo Hội nhắc nhở chúng ta về việc Chúa Kitô đến với chúng ta mỗi ngày trong cuộc sống hiện tại, nhất là vào lúc cuối đời. Không ai biết được ngày giờ nào Chúa vạch đường ranh giới chấm dứt cuộc đời mình, nên hãy chuẩn bị sẵn sàng như Chúa Giêsu dạy: “Các con hãy coi chừng, hãy tỉnh thức và cầu nguyện, vì các con không biết lúc đó là lúc nào!” (Mc 13, 33). Thánh Phaolô cũng khuyên: “Chúng ta mong chờ Chúa chúng ta tỏ mình ra…hãy bền vững đến cùng, không có gì đáng trách trong ngày Chúa chúng ta ngự đến” (1 Tx 5, 23). Không ai lột da sống mãi, nên việc năng suy gẫm về sự chết là cách thế hữu hiệu nhất để sống tốt: “Nếu tôi biết ngày mai sẽ chết, thì hôm nay tôi sẽ cố gắng sống một ngày tốt đẹp nhất.” Chúng ta chưa nỗ lực sống tốt hơn mỗi ngày vì cứ tưởng mình còn lâu mới chết. Đó cũng là cám dỗ mà ma quỉ hằng trương ra để đánh lừa ta bằng một sự an toàn giả dối hoặc để ta mê say cuộc sống này mà mất đi sự cảnh giác.
Quả vậy, ĐHY Newman đã viết: “Trong linh đạo Mùa Vọng, Đức Kitô xuất hiện như một người đã có mặt mà vẫn hằng được chờ mong; và người tín hữu sống linh đạo Mùa Vọng như một người chờ đợi Đức Kitô.” Tinh thần chờ đợi Chúa này giúp con người có được một định hướng đích thực về cuộc sống hiện tại. Mọi giá trị ở đời này như tình yêu, danh vọng, của cải, gia đình, khoa học kỹ thuật, văn hóa v.v. là những điều tốt lành phải ra sức thực hiện theo thánh ý Chúa trong từng hoàn cảnh sống cụ thể, nhưng chúng ta không coi đó là những giá trị tuyệt đối để phải gắn bó và đeo đuổi bằng mọi giá, khi đối chiếu với cùng đích tối hậu của đời mình.
Thái độ sống chờ đợi Chúa đến này làm cho ta nên khôn ngoan, sáng suốt, chừng mực và tự do; đồng thời cương quyết chống lại tội lỗi và sự ác nơi mình, chung quanh mình, cũng như nơi gia đình, giáo xứ, Giáo Hội và xã hội chúng ta sống. Làm như thế là chúng ta dọn đường cho Chúa ngự đến bằng cách “quanh co uốn cho ngay, gồ ghề san cho phẳng, hố sâu lấp cho đầy, nơi cao phải bạt xuống” như lời Gioan Tẩy Giả mời gọi. Nhưng không chỉ là con đường vật chất, mà là chính tâm hồn và cuộc đời của chúng ta, là những quanh co lươn lẹo, những kiêu ngạo, bất công, ghen ghét, hận thù, chia rẽ… Chúng ta cải thiện đời sống, đổi mới tâm hồn, tỉnh thức chờ ngày Chúa đến bằng cách sống đúng đấng bậc mình, hết lòng với nhiệm vụ được trao phó, tận dụng mọi khả năng Chúa ban, không để lãng phí bất cứ cái gì.
5. Mùa Vọng Cuộc Đời
Chúa thực sự đã đến trong trần gian nhưng phải thực thà và khiêm tốn mà nói rằng nhiều lúc chúng ta đã sống như thể không có Chúa hoặc biết rõ có Chúa nhưng đã lãng quên, thậm chí còn khước từ Ngài bằng lối sống chỉ biết chạy theo tiếng gọi của tiền tài, danh vọng, thú vui trần tục, kể cả bằng những hành động gian ác. Mùa vọng là thời điểm để chúng ta kiểm điểm lại cách sống hầu đem Chúa trở lại trong tâm hồn của mình. Nếu hiểu mùa Vọng là mùa sám hối để trở về với Chúa; nếu hiểu Giáo hội muốn dùng Mùa Vọng để thức tỉnh chúng ta phải sửa chữa con đường tâm hồn cho ngay thẳng; nếu Mùa Vọng là lúc cần thể hiện tình thương và lòng bác ái Kitô giáo thì Mùa Vọng không chỉ kéo dài trong 4 tuần lễ và cũng không kết thúc vào ngày lễ Giáng sinh, mà Mùa Vọng sẽ kéo dài trong suốt cả cuộc đời của mỗi người chúng ta, và chúng ta có thể nói đây là Mùa Vọng Cuộc Đời của chúng ta.
Trong cuộc sống của mỗi con người có biết bao nhiêu thói hư tật xấu cần phải dẹp bỏ, có biết bao nhiêu lầm lỡ, sai quấy cần phải sửa lại. Dọn dẹp một đoạn đường cho sạch sẽ, sửa chữa cho một con đường trở nên bằng phẳng, ngay thẳng thì dễ nhưng uốn nắn con tim, đổi mới tâm hồn thật không dễ dàng chút nào, nếu không để tâm hồn được lắng đọng và tự vấn lương tâm để rồi đi đến quyết tâm hoán cải. Trong ý nghĩa đó, ĐTC Biển Đức XVI suy tư: “Trông đợi là một việc xuyên suốt đời sống cá nhân, gia đình cũng như xã hội. Trông đợi có muôn ngàn trạng huống khác nhau, từ điều nhỏ nhất và tầm thường nhất cho tới điều quan trọng nhất, hằng luôn bao phủ và đi sâu vào đời sống chúng ta. Chúng ta nghĩ đến niềm mong đợi ngày chào đời của đứa con nơi đôi vợ chồng trẻ, hay niềm mong đợi có con nơi một đôi vợ chồng hiếm muộn nào đó. Chúng ta nghĩ đến ai đó hằng trông chờ bạn bè, người quen thân đến thăm hỏi. Chúng ta nghĩ đến bạn trẻ trông đợi kết qủa của kỳ thi hay kết qủa cuộc phỏng vấn xin việc làm ở một hãng xưởng; nghĩ đến sự trông đợi hiệu qủa tốt trong mối tương quan giao tế, trông đợi thư trả lời, hay được chấp nhận tha thứ làm hòa… Có thể nói được rằng bao lâu còn trông mong chờ đợi, bấy lâu niềm hy vọng vẫn còn sống động trong trái tim con người… Chúng ta đặt niềm trông mong chờ đợi đó nơi đích điểm nào, nơi người nào?” (Kinh truyền tin ngày 28.11.2010).
Trên hành trình Mùa Vọng cuộc đời này, chúng ta nhìn vào Đức Maria là ngôi sao hy vọng cho chúng ta. Mẹ là con người tuyệt vời đã sống niềm hy vọng diễm phúc vì đã tin vào lời hứa của Thiên Chúa, nên Thiên Chúa đã thực hiện nơi Mẹ điều phi thường là được cưu mang và sinh hạ Đấng là niềm hy vọng của Israel và của cả nhân loại. Đẹp thay hình ảnh một người mẹ đứng vững dưới chân thập giá của con mình, vì hy vọng con mình sẽ sống lại. Mẹ Maria quả là Ngôi sao hy vọng, là Mẹ của hy vọng, là mẫu mực của chúng ta, những người gieo hy vọng vào đời sống nhân loại.
6. Niềm hy vọng của chúng ta vào Thiên Chúa
Chúng ta hy vọng vào Thiên Chúa như người con hoang đàng trong cơn quẫn bách, đói rách khốn cùng, nhục nhã ê chề… hy vọng cha sẽ tha thứ đón nhận nên mới đủ quyết tâm quay về với cha. Kinh nghiệm sống chết của người con hoang đàng trước tình cảnh bi đát bị đồng loại bỏ rơi, đến nỗi muốn ăn chút cám heo mà người ta cũng không cho, khiến hy vọng cuối cùng và duy nhất của nó chỉ biết đặt để vào người cha nhân lành. Thiên Chúa chính là người cha nhân lành và cũng là người mẹ yêu thương con người hơn hết mọi cha mẹ trên trần gian này (x. Rm 8, 32; 1Ga 4, 10). Niềm hy vọng vững vàng, bất chấp mọi thất vọng chỉ có thể là Thiên Chúa – Đấng đã yêu thương chúng ta và yêu thương “đến cùng” (x Ga 13,1; 19, 30). Chỉ tình yêu Ngài mới ban cho chúng ta khả năng kiên vững ngày qua ngày, mà không đánh mất đi nhiệt tình của niềm hy vọng trong một thế giới không hoàn thiện tự bản chất.”[2]
Trong Thông điệp Hy Vọng Được Cứu Độ (Spe Salvi), ĐTC Biển Đức đưa ra ba tiêu chí để hy vọng là: Cầu nguyện, dấn thân chịu đau khổ và hướng đến cuộc phán xét:
- Cầu nguyện là tập mở rộng lòng mình ra với Thiên Chúa, và nhờ đó cũng mở rộng lòng ra với đồng loại. Nhờ cầu nguyện, ta biết thanh luyện ước muốn và hy vọng của mình. Cầu nguyện làm thức tỉnh lương tâm, để có thể lắng nghe chính Chúa và vững tâm hy vọng vào Ngài.
- Dấn thân chịu khốn khó như Thánh Phêrô đã nói:“Được chia sẻ những đau khổ của Đức Kitô bao nhiêu, anh em hãy vui mừng bấy nhiêu, để khi vinh quang Người tỏ hiện, anh em cùng được vui mừng hoan hỷ” (1 Pr 4, 13). Nhờ kết hợp với Đức Kitô trong đau khổ mà ta được tinh luyện để sống đức tin trưởng thành hơn, góp phần làm cho thế giới này được tươi sáng và nhân bản hơn. Đau khổ vì lòng yêu mến đem lại cho ta niềm hy vọng mạnh mẽ hơn.
- Hướng tới cuộc phán xét: Viễn ảnh cuộc phán xét phải ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Chúng ta phải coi nó như là tiêu chuẩn để tổ chức lại đời sống hiện tại của mình, để hoán cải tâm hồn. Như vậy hy vọng vào Thiên Chúa là cách sống rất thực tiễn để làm đẹp cuộc sống của mỗi người hôm nay.
7. Những người gieo niềm hy vọng
ĐHY FX. Nguyễn văn Thuận viết:“Không thể quan niệm được một Kitô hữu mà không say mê đem niềm hy vọng ngập tràn thế giới” (ĐHV 972). Chị Chiara Lubich, sáng lập Phong trào Focolare, bằng kinh nghiệm nội tâm bản thân, cũng nói với chúng ta rằng:“Với hy vọng, các bạn sẽ luôn hạnh phúc và làm cho mọi người hạnh phúc.” Chúng ta có thể hiểu biết rất nhiều về niềm hy vọng, nhưng hiểu biết đó sẽ vô ích nếu nó không được cảm nghiệm, chứng nghiệm, để trở thành sức sống cho tâm hồn mình và cho mọi người chung quanh. Gieo hy vọng không chỉ là gieo tư tưởng hay ý thức cho người khác, mà chính là gieo sức sống cho một tâm hồn không còn sức sống nữa. Việc này đòi hỏi nhiều hy sinh, quên mình.
Câu chuyện cảm động sau đây cho thấy tâm tình cao thượng và hy sinh cao cả của người gieo niềm hy vọng: Một nữ bệnh nhân tuyệt vọng chỉ còn biết đếm ngày sống của mình bằng những chiếc lá rụng dần từ một cành cây nhìn thấy qua khung cửa sổ. Khi trên cành chỉ còn chiếc lá duy nhất, cô nói với người yêu, vốn là môt hoạ sĩ rằng: “Nếu đêm nay, chiếc lá cuối cùng không còn nữa, em sẽ chết.” Niềm hy vọng của cô gái đang tắt dần, chỉ còn lại những giây phút tuyệt vọng. Lời nói bi quan đó đánh động lòng anh hoạ sĩ và tình yêu mở ra sáng kiến. Thế là nữa đêm, giữa trời tuyết lạnh, người họa sĩ quyết tâm bắc thang leo lên vẽ một chiếc lá vàng ở bức tường sát cành cây có chiếc lá cuối cùng đã rụng xuống. Sáng hôm sau, người bệnh thức giấc, vội nhìn ra cành cây, thấy chiếc lá vàng vẫn còn đó, cô yên lòng bảo: “Em vẫn còn có thể sống thêm ngày nữa.” Chiếc lá vàng được vẽ bằng sáng kiến tình yêu và hy sinh đã cứu mạng sống người con gái đang thoi thóp chờ chết.
8. Thiên Chúa kỳ vọng vào chúng ta
Ai trong chúng ta cũng đều có thể là người vẽ cho đời chiếc lá hy vọng. Đức Kitô đã đến mang lại niềm hy vọng sống cho con người, không chỉ là sự sống kéo dài cách tạm bợ trong trần gian này, nhưng chính là sự sống vĩnh cửu. Trong Ngài, với Ngài và nhờ Ngài, chúng ta mới có thể chu toàn sứ vụ người gieo hy vọng, hy vọng vượt quá hy vọng như niềm tin của tổ phụ Abraham, vì đó là niềm hy vọng vào Thiên Chúa toàn năng, vào sức mạnh của Chúa Thánh Thần, và vào Đức Giêsu Kitô, Đấng đã xuống thế làm người, chịu đau khổ, chịu chết và sống lại hiển vinh vì chúng ta và cho chúng ta được cứu độ, rồi vẫn ở lại mãi với chúng ta trong Bí tích Thánh Thể cho đến ngày tận thế, nhờ đó chúng ta làm cho niềm hy vọng của con người vào Thiên Chúa được lớn thêm lên mỗi ngày.
Và đó là điều Thiên Chúa kỳ vọng nơi mỗi người chúng ta, các linh mục và linh mục tương lai, khi Chúa Giêsu truyền lệnh: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16,15) “làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28,19). Ngài nói lên sự nóng lòng của Ngài: “Thầy mang lửa vào thế gian và Thầy mong muốn biết bao cho lửa đó được cháy lên” (Lc 12,49), đến đỗi vào giây phút cuối cùng trên thập giá Ngài còn la lên “Ta khát.” Phải, Ngài khát các linh hồn được cứu chuộc.
Chúa giao trách nhiệm cho chúng ta cộng tác vào công trình cứu chuộc của Ngài. Nếu chúng ta không cố gắng, chúng ta sẽ trả lời làm sao khi Ngài hỏi chúng ta như đã hỏi Cain “Em ngươi đâu?” Chúng ta hãy sống đức tin và gieo rắc niềm tin, nhất là trong Năm Đức Tin này, khi chờ đợi Chúa đến, để Ngài khỏi phải lo âu “liệu khi con người đến còn tìm được lòng tin trên mặt đất này nữa chăng?” Câu trả lời thuộc về mỗi người trong chúng ta. Amen.
Micae-Phaolô Trần Minh Huy pss
(Sưu tầm và biên tập)
Tags: Mùa Vọng
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 14. CÁC ƠN CỦA HIỀN THÊ. CÁC ĐẶC SỦNG, NHỮNG ƠN CỦA CHÚA THÁNH THẦN VÌ ÍCH CHUNG
- SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO NGÀY QUỐC TẾ GIỚI TRẺ LẦN THỨ 39 : TÔI XÂY DỰNG CUỘC SỐNG CỦA TÔI TRÊN NHỮNG NIỀM HY VỌNG NÀO ?
- THƯ CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHAN-XI-CÔ VỀ VIỆC KÍNH NHỚ CÁC THÁNH, CHÂN PHƯỚC, ĐẤNG ĐÁNG KÍNH VÀ TÔI TỚ CHÚA CỦA CÁC GIÁO HỘI ĐỊA PHƯƠNG
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN NĂM B: MỌI SỰ ĐỀU QUA ĐI, CHÚA KITÔ VẪN CÒN MÃI
- HÌNH ẢNH ĐỨC PHANXICÔ ĂN TRƯA VỚI 1300 NGƯỜI NGHÈO
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC PHANXICÔ TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN NĂM B, NHÂN NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO : XIN ĐỪNG QUÊN NGƯỜI NGHÈO
- “HÃY ĐẾN TẤT CẢ CÁC NHÀ TÙ”
- LAO ĐỘNG: PHÚC LÀNH HAY HÌNH PHẠT THEO THÁNH KINH?
- NÊN THÁNH, ĐÓ LÀ “ĐỂ MÌNH ĐƯỢC BIẾN ĐỔI BỞI SỨC MẠNH CỦA TÌNH YÊU THIÊN CHÚA”
- NGƯỜI CÔNG GIÁO, NHỮNG NHÀ VÔ ĐỊCH HOẠT ĐỘNG TÌNH NGUYỆN Ở PHÁP
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 13. MỘT BỨC THƯ ĐƯỢC VIẾT BỞI THÁNH THẦN CỦA THIÊN CHÚA HẰNG SỐNG : ĐỨC MARIA VÀ CHÚA THÁNH THẦN
- Ở RÔMA, SỰ TRIỂN LÃM ĐÁNG KINH NGẠC VỀ VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG THÁNH PHÊRÔ NHỜ TRÍ TUỆ NHÂN TẠO
- NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO: ĐỨC PHANXICÔ SẼ DÙNG BỮA TRƯA VỚI 1.300 NGƯỜI NGHÈO
- SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ CHO NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO LẦN THỨ VIII (2024) : TRỞ THÀNH BẠN HỮU CỦA NGƯỜI NGHÈO
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT XXXII THƯỜNG NIÊN NĂM B: CHỐNG LẠI CÁM DỖ ĐẠO ĐỨC GIẢ
- Ở TRƯỜNG ĐẠI HỌC, BÀI HỌC CỦA ĐỨC PHANXICÔ VỀ KIẾN THỨC BẰNG XƯƠNG BẰNG THỊT
- ĐỐI VỚI ĐỨC PHANXICÔ, HIẾN MÁU LÀ NGUỒN VUI VÀ BẰNG CHỨNG CỦA TÌNH YÊU
- NGƯỜI HÀNH HƯƠNG TRÚT BỎ NHỮNG GÌ THỪA THÃI VÀ TIẾN BƯỚC HƯỚNG TỚI NIỀM HY VỌNG
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 12. « CHÚA THÁNH THẦN CHUYỂN CẦU CHO CHÚNG TA ». CHÚA THÁNH THẦN VÀ KINH NGUYỆN KITÔ GIÁO
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC PHANXICÔ TRONG THÁNH LỄ TƯỞNG NHỚ CÁC HỒNG Y VÀ GIÁM MỤC ĐÃ QUA ĐỜI