SPES NON CONFUNDIT: SẮC CHỈ HIỆU TRIỆU NĂM THÁNH MỜI GỌI HƯỚNG ĐẾN NIỀM HY VỌNG

Written by xbvn on Tháng Năm 10th, 2024. Posted in Tâm linh, Thế Giới, Tý Linh

Trong Sắc chỉ hiệu triệu Năm Thánh 2025, Đức Phanxicô mời gọi hướng đến niềm hy vọng, với xác tín rằng “lịch sử nhân loại và lịch sử của mỗi người không hướng tới sự bế tắc hay vực thẳm tăm tối, nhưng hướng tới cuộc gặp gỡ với Chúa vinh hiển”. Năm Thánh 2025 sẽ bắt đầu vào ngày 24/12/2024, cũng là ngày mở Cửa Thánh của Vương cung thánh đường thánh Phêrô, ở Vatican. Năm Thánh 2025 sẽ kết thúc bằng việc đóng Cửa Thánh của Vương cung thánh đường thánh Phêrô ở Vatican, vào ngày 6/1/2026, ngày Lễ Chúa Hiển Linh. Tại các Giáo hội địa phương,  Năm Thánh sẽ được khai mạc vào ngày 29/12/2024 và sẽ kết thúc vào Chúa Nhật 28/12/2025.

Cụ thể, Đức Thánh Cha đưa ra lời kêu gọi cho các tù nhân, người di cư, người bệnh, người già và người trẻ đang bị ảnh hưởng bởi ma túy và vi phạm pháp luật. Ngài tuyên bố rằng ngài sẽ mở Cửa Thánh trong các nhà tù, xin tha nợ cho các nước nghèo, phục hồi tỷ lệ sinh, tiếp nhận người di cư và tôn trọng công trình tạo dựng. Ngài hy vọng sẽ thành lập được một quỹ xóa đói trên thế giới. Trích dẫn Vatican II, Đức Thánh Cha tuyên bố : “Công đồng Vatican II khẳng định: “Khi thiếu sự nâng đỡ của Thiên Chúa và niềm hy vọng về sự sống vĩnh cửu, phẩm giá con người bị tổn thương rất nghiêm trọng, như chúng ta thường thấy ngày nay, và bí ẩn về sự sống và cái chết, tội lỗi và đau khổ vẫn chưa được giải quyết. Vì vậy, con người thường xuyên chìm đắm trong tuyệt vọng”” (19). Và ngài “Ước mong ánh sáng của niềm hy vọng Kitô giáo đạt tới mỗi người như một thông điệp về tình yêu Thiên Chúa gửi đến tất cả mọi người! Ước mong Giáo hội trở thành chứng nhân trung thành cho lời loan báo này ở mọi nơi trên thế giới!” (6).

Đức Thánh Cha gợi lên niềm hy vọng như một món quà cho Năm Thánh 2025 trong một thế giới được đánh dấu bằng xung đột vũ trang, chết chóc, hủy diệt, hận thù, nạn đói, “nợ sinh thái” và tỷ lệ sinh giảm. Niềm hy vọng là niềm an ủi mà Đức Phanxicô muốn lan tỏa trên những vết thương của một nhân loại đang bị áp bức bởi “sự tàn bạo của bạo lực” hoặc đang bị giày vò bởi tình trạng nghèo đói gia tăng theo cấp số nhân.

Spes non confundit, Niềm hy vọng không gây thất vọng (Rm 5, 5: Trông cậy như thế, chúng ta sẽ không phải thất vọng), là tựa đề của Sắc chỉ hiệu triệu Năm Thánh thông thường được Đức Thánh Cha trao cho các Giáo hội trên năm châu lục trong Kinh Chiều II của Lễ Chúa Lên Trời (9/5/2024). Sắc chỉ, được chia thành 25 điểm, chứa đựng những lời cầu xin, những lời đề nghị, những lời kêu gọi cho các tù nhân, người bệnh, người già, người nghèo, người trẻ và công bố những điều mới mẻ của Năm Thánh có chủ đề “Những người hành hương hy vọng”.

Một ngày chung cho Lễ Phục Sinh

Trong sắc chỉ của mình, Đức Thánh Cha nhắc lại hai ngày kỷ niệm quan trọng: lễ kỷ niệm 2000 năm Ơn Cứu Độ vào năm 2033 và kỷ niệm 1700 năm Công đồng đại kết đầu tiên ở Nixêa. Nó cũng bàn về ngày lễ Phục Sinh. Ngay cả ngày nay, “các quan điểm khác nhau” ngăn cản việc cử hành cùng một ngày “sự kiện nền tảng của đức tin”, tuy nhiên “nhờ sự ngẫu hợp hoàn cảnh đầy quan phòng, điều này sẽ diễn ra chính xác vào năm 2025” (17).

Đây phải là lời kêu gọi tất cả các Kitô hữu Đông phương và Tây phương để họ thực hiện một bước quyết định hướng tới sự hiệp nhất xung quanh một ngày lễ Phục Sinh chung.”

Việc mở Cửa Thánh

Giữa những “gia đoạn lớn” này, Đức Thánh Cha quyết định rằng Cửa Thánh của Vương cung thánh đường Thánh Phêrô sẽ được mở vào ngày 24 tháng 12 năm 2024, đánh dấu khởi đầu Năm Thánh 2025. Chúa Nhật sau đó, ngày 29 tháng Mười Hai, ngài sẽ mở Cửa Thánh của Vương cung thánh đường Thánh Gioan Latêranô, Nhà thờ chính tòa của Rôma, cũng là dịp kỷ niệm 1700 năm cung hiến nó vào ngày 9/1/2025.  Rồi vào ngày lễ trọng kính Đức Maria Mẹ Thiên Chúa vào ngày 1 tháng 1 năm 2025, sẽ mở Cửa Thánh Vương cung thánh đường Đức Bà Cả. Và cuối cùng, vào ngày 5 tháng Giêng sẽ mở Cửa Thánh Vương cung thánh đường thánh Phaolô Ngoại Thành. Ba cánh cửa sau cùng này sẽ đóng lại vào Chúa Nhật, ngày 28 tháng 12 năm 2025, cũng là ngày kết thúc Năm Thánh tại các Giáo hội địa phương, và Năm Thánh sẽ kết thúc bằng việc đóng Cửa Thánh của Vương cung thánh đường Thánh Phêrô vào ngày 6 tháng 1 năm 2026. (6).

“Hơn nữa, tôi quyết định rằng vào Chúa Nhật, ngày 29 tháng 12 năm 2024, tại tất cả các nhà thờ chính tòa và đồng chính tòa, các Giám mục giáo phận sẽ cử hành Thánh Lễ để long trọng khai mạc Năm Thánh, theo Nghi thức sẽ được chuẩn bị cho dịp này”.

Các dấu chỉ thời đại

Mong muốn của Đức Phanxicô là, “dấu chỉ hy vọng đầu tiên” của Năm Thánh có thể được “thể hiện bằng nền hòa bình cho thế giới, một lần nữa, đang chìm trong thảm kịch chiến tranh”.

Quên đi những bi kịch trong quá khứ, nhân loại phải chịu một thử thách mới và khó khăn khi chứng kiến ​​nhiều người dân bị áp bức bởi sự tàn bạo của bạo lực. Những dân tộc này đã không chịu đựng được điều gì? Làm sao có thể được khi lời kêu gọi giúp đỡ tuyệt vọng của họ không thúc đẩy các nhà lãnh đạo các quốc gia muốn chấm dứt quá nhiều xung đột khu vực, nhận thức được những hậu quả có thể xảy ra ở cấp độ toàn cầu? Có quá không khi ước mơ rằng vũ khí sẽ im lặng và ngừng mang đến cái chết và sự hủy diệt? ” (số 8).

Phục hồi tỷ lệ sinh

Đức Phanxicô lo âu khi nhận thấy “sự suy giảm đáng lo ngại về tỷ lệ sinh” ở các quốc gia khác nhau và vì nhiều lý do khác nhau: “nhịp điệu điên cuồng của cuộc sống”, “những lo sợ về tương lai”, “thiếu sự bảo đảm nghề nghiệp và sự bảo vệ xã hội thích đáng”, “các mô hình xã hội” trong đó việc tìm kiếm lợi nhuận chứ không phải các mối quan hệ chiếm ưu thế. Đối với Đức Thánh Cha, điều “khẩn cấp” là các tín hữu và xã hội dân sự phải mang lại “sự hỗ trợ thuyết phục”, “ước muốn sinh thêm con của người trẻ” để tương lai “được đánh dấu bằng nụ cười của nhiều đứa con vốn sẽ đến lấp đầy quá nhiều cái nôi trống rỗng”(9).

Đối với tù nhân: tôn trọng, phẩm giá, bãi bỏ hình phạt tử hình

Tiếp đến, Đức Phanxicô yêu cầu “những dấu chỉ hy vọng xác thực” cho các tù nhân. Ngài đề nghị cho chính phủ “các hình thức ân xá hoặc giảm án”, cũng như “những con đường tái hòa nhập cộng đồng”. Trên hết, Đức Thánh Cha kêu gọi “những điều kiện xứng đáng cho những người bị cầm tù”, “tôn trọng nhân quyền” và “bãi bỏ án tử hình” (10). Để mang lại cho các tù nhân một dấu chỉ cụ thể của sự gần gũi, chính Đức Phanxicô sẽ mở một Cửa Thánh trong một nhà tù.

Đừng làm người bệnh và người trẻ thất vọng

Những dấu chỉ hy vọng cũng sẽ được trao cho người bệnh, tại nhà hoặc tại bệnh viện: “Việc chăm sóc họ là một bài ca ngợi về phẩm giá con người” (11). Niềm hy vọng cũng cần thiết đối với những người trẻ thường xuyên chứng kiến ​​“những ước mơ của mình sụp đổ”.

Đức Thánh Cha tuyên bố : “Ảo tưởng về ma túy, nguy cơ phạm luật và việc tìm kiếm sự phù du đang tạo ra, ở họ nhiều hơn những người khác, sự nhầm lẫn và che giấu vẻ đẹp và ý nghĩa của cuộc sống, khiến họ trượt xuống vực thẳm tối tăm và thúc đẩy họ thực hiện những hành động tự hủy hoại bản thân. ”(12). “Chúng ta không thể gây thất vọng”.

Nói không với những định kiến ​​và với việc đóng cửa đối với người di cư

Đức Thánh Cha một lần nữa yêu cầu rằng những mong đợi của người di cư “không bị cản trở bởi những thành kiến ​​và sự đóng cửa”. “Nhiều người lưu vong, di dời và tỵ nạn buộc phải chạy trốn do các biến cố quốc tế gây tranh cãi nhằm tránh chiến tranh, bạo lực và phân biệt kỳ thị. An ninh cũng như khả năng tiếp cận công việc và giáo dục phải được đảm bảo cho họ, những yếu tố cần thiết để họ hội nhập vào bối cảnh xã hội mới” (13).

Tai tiếng nghèo đói

Trong Sắc chỉ, Đức Thánh Cha không quên nhiều người già sống cô đơn và bị bỏ rơi. Ngài cũng không quên “hàng tỷ” người nghèo “thường xuyên thiếu thốn những nhu cầu thiết yếu của cuộc sống”. Họ “phải chịu đựng sự loại trừ và thờ ơ của nhiều người”. Theo Đức Phanxicô, “thật là tai tiếng” khi người nghèo chiếm đa số dân số trong một thế giới “được ban tặng những nguồn tài nguyên khổng lồ, mà phần lớn dành cho vũ khí” (15). Tiếp đó, ngài kêu gọi sự hào phóng từ những người giàu và nhắc lại lời kêu gọi thành lập “Quỹ toàn cầu […] nhằm xóa bỏ nạn đói một lần và mãi mãi” bằng tiền từ chi tiêu quân sự ( 16).

Xóa nợ cho các nước nghèo

Một lời mời gọi chân thành khác được gửi đến các quốc gia giàu có nhất để họ “quyết định xóa nợ cho những quốc gia sẽ không bao giờ có khả năng trả được”. Đức Thánh Cha Phanxicô viết: “Đó là vấn đề công lý nhiều hơn, ngày nay càng trở nên trầm trọng hơn bởi một hình thức bất bình đẳng mới”, chẳng hạn như “nợ sinh thái”, đặc biệt là giữa miền Bắc và miền Nam (16).

Chứng tá của các vị tử đạo

Trong Sắc chỉ Năm Thánh, Đức Phanxicô mời gọi chúng ta xem xét chứng tá của các vị tử đạo, thuộc các truyền thống Kitô giáo khác nhau, và bày tỏ mong muốn rằng trong Năm Thánh “một buổi cử hành đại kết […] được làm nổi bật” (20).

Tầm quan trọng của việc xưng tội và của các thừa sai của Lòng Thương xót

Đức Thánh Cha nói về bí tích sám hối và thông báo tiếp tục công việc phục vụ của các Thừa sai của Lòng Thương xót, được thiết lập trong Năm Thánh Ngoại thường. Ngài yêu cầu các giám mục gửi họ đến những nơi “niềm hy vọng bị thử thách nghiêm trọng” hoặc nơi “phẩm giá của con người bị nhạo báng” (23).

Lời mời gọi đến các Giáo hội Đông phương và Chính thống giáo

Đức Phanxicô gửi “một lời mời đặc biệt” đến các tín hữu của các Giáo hội Đông phương, những người “đã phải chịu đau khổ rất nhiều – thường đến cả cái chết – vì lòng trung thành của họ với Chúa Kitô và với Giáo hội”. Những anh em này “phải cảm thấy được chào đón đặc biệt ở Rôma này, vốn cũng là Mẹ của họ”. Một ý nghĩ cũng hướng đến các anh chị em Chính thống giáo đang trải qua “cuộc hành hương Đàng Thánh Giá”, bị buộc phải rời bỏ đất nước của mình vì bạo lực và bất ổn.

Cầu nguyện tại các đền thánh Đức Mẹ

Đức Phanxicô cũng mời gọi những người hành hương đến Rôma cầu nguyện trong các đền thánh Đức Mẹ để cầu xin sự che chở của Đức Maria, để “cảm nghiệm được sự gần gũi của những người mẹ trìu mến nhất không bao giờ bỏ rơi con mình” (24).

Đức Thánh Cha kết thúc Sắc chỉ với lời mời gọi sống và làm chứng cho niềm hy vọng: “Hình ảnh mỏ neo gợi lên sự ổn định và an toàn mà chúng ta có được giữa dòng nước biến động của cuộc đời nếu chúng ta phó thác vào Chúa Giêsu. Giông tố không bao giờ thắng được vì chúng ta neo chặt trong niềm hy vọng vào ân sủng có thể giúp chúng ta sống trong Chúa Kitô bằng cách chiến thắng tội lỗi, nỗi sợ hãi và cái chết. Niềm hy vọng này, lớn hơn nhiều so với những thỏa mãn hằng ngày và những điều kiện sống được cải thiện, đưa chúng ta vượt qua những thử thách và thúc đẩy chúng ta bước đi mà không quên đi sự cao cả của mục tiêu mà chúng ta được kêu gọi hướng tới, là Thiên Đàng.” (25)

 “Ngay từ hôm nay, chúng ta hãy để cho niềm hy vọng lôi cuốn chúng ta và làm sao để nó có thể lây lan qua chúng ta, cho những ai khao khát nó. Ước gì cuộc sống của chúng ta nói với họ: “Hãy cậy trông vào Chúa, mạnh bạo lên, can đảm lên nào! Hãy cậy trông vào Chúa” (Tv 27, 14). Ước mong sức mạnh của niềm hy vọng lấp đầy cuộc sống hiện tại của chúng ta, trong khi tin tưởng chờ đợi sự trở lại của Chúa Giêsu Kitô, Đấng xứng muốn lời khen ngợi và vinh quang, bây giờ và cho đến muôn đời.

Tý Linh

(theo Salvatore Cernuzio – Vatican News)

Tags: ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Năm 2024
H B T N S B C
« Th4    
  1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31