SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC BÊNÊĐÍCTÔ XVI NHÂN NGÀY THẾ GIỚI HÒA BÌNH 2013: PHÚC CHO AI KIẾN TẠO HÒA BÌNH

Written by xbvn on Tháng Mười Hai 28th, 2012. Posted in Sứ điệp, Thế Giới, Trần Ngọc Thao, Tý Linh

1. Mỗi năm mới mang nơi nó sự mong đợi một thế giới tốt đẹp hơn. Trong viễn ảnh được xây dựng trên đức tin này, tôi cầu xin Thiên Chúa là Cha của nhân loại, ban cho chúng ta sự hòa hợp và hòa bình để những khát vọng một cuộc sống hạnh phúc và thịnh vượng có thể được thực hiện cho hết mọi người.

Vào dịp kỷ niệm 50 năm khai mạc Công đồng Vatican II, một Công đồng  đã cho phép củng cố sứ mạng của Giáo Hội trên thế giới, thật khích lệ khi công nhận rằng các kitô hữu – dân Thiên Chúa hiệp thông với Ngài và đang lữ hành giữa loài người – đang dấn thân trong lịch sử bằng cách chia sẻ những niềm vui và hy vọng, những nỗi buồn và lo âu (1), loan báo ơn cứu độ của Chúa Kitô và thăng tiến hòa bình cho hết mọi người.

Quả thật, được đánh dấu bởi sự toàn cầu hóa, với những khía cạnh tích cực và tiêu cực của nó, nhưng còn bởi những xung đột đẫm máu luôn đang diễn ra và bởi những đe dọa chiến tranh, thời đại của chúng ta đòi hỏi một sự dấn thân mới mẻ và tập thể để tìm kiếm công ích, sự phát triển của tất cả mọi người và của toàn thể con người.

Những ổ căng thẳng và đối lập được gây nên do những bất bình đẳng ngày càng gia tăng giữa người giàu và người nghèo, do sự lan tràn của não trạng ích kỷ và cá nhân chủ nghĩa vốn cũng được diễn tả xuyên qua một thứ chủ nghĩa tư bản tài chính thiếu kiểm soát, đang làm cho chúng ta lo lắng. Bên cạnh những hình thức khác nhau của chủ nghĩa khủng bố và tội phạm quốc tế, chủ nghĩa duy truyền thống và não trạng cuồng tín, đang làm méo mó bản chất đích thực của tôn giáo vốn được mời gọi tạo điều kiện cho sự hiệp thông và hòa giải giữa con người, là bấy nhiêu nguy hiểm đối với hòa bình.

Thế nhưng, có nhiều công trình hòa bình phong phú trên thế giới làm chứng cho ơn gọi bẩm sinh xây dựng hòa bình của nhân loại. Trong mỗi con người, ước muốn hòa bình là một khát vọng chính yếu, cách nào đó, trùng khớp với ước muốn về một đời sống nhân bản tròn đầy, hạnh phúc và thành toàn. Nói cách khác, ước muốn hòa bình tương hợp với một nguyên tắc luân lý căn bản, tức là với sự phát triển toàn diện, xã hội, cộng đồng, được hiểu như là một quyền và một bổn phận, và điều đó thuộc về kế hoạch của Thiên Chúa về con người. Con người được tạo dựng cho hòa bình là ân huệ của Thiên Chúa.

Tất cả những gì được nói trên đây đã thúc đẩy tôi, trong Sứ điệp này, dựa vào những lời của Chúa Giêsu : « Phúc cho ai kiến tạo hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa » (Mt 5,9).

Mối phúc Tin Mừng

2. Các mối phúc, được Chúa Giêsu công bố (x. Mt 5,3-12 và Lc 6, 20-23), là những lời hứa. Quả thế, trong truyền thống Thánh Kinh, thể loại văn chương tương ứng với mối phúc luôn mang nơi nó một tin mừng, tức là một phúc âm, đạt tới chóp đỉnh trong một lời hứa. Bởi đó, các mối phúc không chỉ là những khuyên bảo về mặt luân lý mà việc tuân giữ chúng dự kiến, vào thời gian dự định – nói chung là thời gian trong đời sống mai sau –, một sự thưởng công, tức là một hoàn cảnh hạnh phúc tương lai. Đúng hơn mối phúc hệ tại việc hoàn tất một lời hứa cho tất cả những ai để cho những đòi hỏi của chân lý, công bằng và tình yêu hướng dẫn. Trước con mắt thế gian, những ai đặt niềm tin vào Thiên Chúa và vào các lời hứa của Ngài thường có vẻ là ngây thơ và xa rời thực tại. Vậy mà Chúa Giêsu tuyên bố với họ rằng họ sẽ khám phá ra mình là con cái của Thiên Chúa không chỉ trong đời sống mai sau, nhưng ngay trong chính cuộc sống này rồi và, từ muôn đời và cho đến muôn đời, Thiên Chúa hoàn toàn liên đới với họ. Họ sẽ hiểu rằng họ không phải cô độc bởi vì Ngài ở bên cạnh những ai dấn thân vì chân lý, công bằng và tình yêu. Chúa Giêsu, Đấng mạc khải tình yêu của Chúa Cha, không do dự hiến thân mình làm hy lễ. Khi chúng ta đón nhận Chúa Giêsu-Kitô, là Thiên Chúa và là Người, chúng ta đang sống kinh nghiệm vui tươi về một sự trao hiến lớn lao: chia sẻ chính sự sống của Thiên Chúa, hay đời sống ân sủng, tiền đề của một cuộc sống tràn đầy hạnh phúc. Cách riêng, Chúa Giêsu-Kitô ban cho chúng ta sự bình an đích thực nảy sinh từ cuộc gặp gỡ tin tưởng và con người với Thiên Chúa.

Mối phúc của Chúa Giêsu nói rằng hòa bình vừa là một ân huệ của Đấng Mêsia vừa là công trình của con người. Quả thế, hòa bình giả thiết việc con người sự mở cho siêu việt. Nó là hoa trái của một sự trao ban hỗ tương, một sự làm phong phú lẫn nhau, nhờ ân huệ phát xuất từ Thiên Chúa và cho phép sống với và cho tha nhân. Đạo đức về hòa bình là một nền đạo đức hiệp thông và chia sẻ. Như thế điều quan trọng là các nền văn hóa đương đại khác nhau phải vượt quá những nền nhân chủng học và những nền đạo đức được xây dựng trên những tiền giả định lý thuyết-thực hành, nhất là chủ quan và thực dụng, mà nhân danh chúng các mối tương quan chung sống được gợi hứng bởi những tiêu chí quyền lực hay lợi nhuận, nơi mà các phương tiện trở thành những cứu cánh và ngược lại, nơi mà văn hóa và giáo dục chỉ tập trung vào các dụng cụ, kỹ thuật và tính hiệu quả. Việc phá vỡ sự độc tài của chủ nghĩa tương đối và sự thông qua một nền luân lý hoàn toàn tự trị vốn cấm việc nhìn nhận luật luân lý tự nhiên được Thiên Chúa ghi khắc nơi lương tâm của mỗi người, là một điều kiện cần thiết cho hòa bình. Hòa bình là việc xây dựng đời sống chung phù hợp với lý trí và luân lý, dựa trên một nền tảng mà việc đo lường nó không do con người tạo nên nhưng do chính Thiên Chúa. Thánh vịnh 29, 11 nhắc nhớ : « Chúa ban sức mạnh cho dân Người, Chúa chúc lành cho dân Người trong bình an ».

Hòa bình : ân huệ của Thiên Chúa và công trình của con người

3. Hòa bình liên quan đến con người toàn diện và mời gọi sự dấn thân toàn thể con người. Đó là hòa bình với Thiên Chúa, bằng cách sống theo ý muốn của Ngài. Đó là hòa bình nội tâm với bản thân và hòa bình bên ngoài với tha nhân và với toàn thể công trình tạo dựng. Như Chân phước Gioan XXIII đã viết trong Thông điệp Pacem in Terris mà chúng ta sẽ mừng kỷ niệm 50 năm trong vài tháng tới, hòa bình chủ yếu bao hàm việc xây dựng một đời sống chung được xây dựng trên chân lý, tự do, tình yêu và công bằng (2). Việc chối bỏ bản tính đích thực của con người, các chiều kích thiết yếu của nó, khả năng nội tại của nó hiểu biết sự thật và sự thiện và sau hết chính Thiên Chúa, sẽ gây nguy hiểm cho việc xây dựng hòa bình. Không có chân lý về con người, được Đấng Tạo Hóa ghi khắc trong tâm hồn, tự do và tình yêu sẽ bị hạ giá, công bằng sẽ mất đi nền tảng thực thi của nó.

Để trở thành những người kiến tạo hòa bình đích thực, điều căn bản là quan tâm đến chiều kích siêu việt như việc đối thoại liên lỉ với Thiên Chúa, là Cha giàu lòng thương xót, cuộc đối thoại trong đó chúng ta cầu xin ơn cứu chuộc mà Con Một của Ngài đã đạt được cho chúng ta. Như thế con người có thể chinh phục mầm mống làm suy yếu và chối bỏ hòa bình là chính tội lỗi dưới mọi hình thức của nó : thói ích kỷ và bạo lực, thói tham lam và ý muốn quyền lực và thống trị, sự bất bao dung, lòng hận thù và những cơ cấu bất công.

Trước tiên, việc thực hiện hòa bình phụ thuộc vào việc nhìn nhận là một gia đình nhân loại độc nhất trong Thiên Chúa. Như Thông điệp Pacem in Terris đã dạy, gia đình này được cơ cấu xuyên qua những mối tương quan liên vị và những thể chế được nâng đỡ và thúc đẩy bởi một cái « chúng ta » cộng đồng, bao hàm một trật tự luân lý, nội tại và ngoại tại, ở đó các quyền hỗ tương và các nghĩa vụ tương ứng được chân thành nhìn nhận, theo chân lý và công bằng. Hòa bình là một trật tự được tình yêu làm cho sinh động và cơ cấu hóa ; như thế mỗi người cảm thấy như của mình những nhu cầu và đòi hỏi của tha nhân, chia sẻ những thiện ích của mình cho người khác và làm cho sự hiệp thông với những giá trị tinh thần càng ngày được lan rộng hơn trên thế giới. Trật tự này được thực hiện trong sự tự do, tức là theo cách phù hợp với phẩm giá con người mà, qua chính bản tính có lý trí của mình, đảm nhận trách nhiệm về các hành vi của mình (3).

Hòa bình không phải là một giấc mơ, đó không phải là một sự không tưởng : nó là điều khả thi. Đôi mắt chúng ta phải nhìn cách sâu xa hơn, dưới bề mặt của những cái bề ngoài và các hiện tượng, để phân biệt một thực tại tích cực đang tồn tại nơi các tâm hồn bởi vì mọi người đều được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa, và được kêu gọi lớn lên, đóng góp vào việc xây dựng một thế giới mới. Quả thế, chính Thiên Chúa, qua việc nhập thể của Con của Ngài và sự cứu chuộc mà Người thực hiện, đã bước vào lịch sử, khơi lên một tạo thành mới và một giao ước mới giữa Thiên Chúa và con người (x. Gr 31, 31-34), ban cho chúng ta khả năng có « một con tim mới » và « một tinh thần mới » (x. Êd 36, 26).

Chính vì thế Giáo Hội xác tín rằng có sự cấp bách của một sự loan báo mới về Chúa Giêsu-Kitô, nhân tố đầu tiên và chính yếu của sự phát triển toàn diện các dân tộc và của hòa bình nữa. Quả thế, Chúa Giêsu là sự bình an của chúng ta, sự công chính của chúng ta, sự hòa giải của chúng ta (x. Êp 2, 14 ; 2 Cr 5, 18). Theo mối phúc của Chúa Giêsu, người kiến tạo hòa bình là người tìm kiếm thiện ích của tha nhân, thiện ích trọn vẹn của tâm hồn và thân xác, hôm nay và mai ngày.

Từ giáo huấn này, chúng ta có thể suy ra rằng mọi người, mọi cộng đồng – tôn giáo, dân sự, giáo dục và văn hóa –, đều được kêu gọi trở thành người kiến tạo hòa bình. Hòa bình chủ yếu là việc thực hiện công ích của các xã hội khác nhau, dầu chúng là sơ cấp hay trung cấp, quốc gia, quốc tế hay thế giới. Chính vì thế chúng ta có thể nói rằng những con đường thực hiện công ích cũng là những con đường mà cần phải trải qua để đạt được hòa bình.

Những người kiến tạo hòa bình là những người yêu mến, bảo vệ và thăng tiến sự sống trong sự toàn vẹn của nó

4. Con đường thực thi công ích và hòa bình trước hết là lòng tôn trọng đối với sự sống con người, được xem xét trong các khía cạnh đa dạng của nó, bắt đầu từ lúc thụ thai, trong sự phát triển, và cho đến lúc kết thúc tự nhiên của nó. Như thế, những người kiến tạo hòa bình đích thực là những người yêu mến, bảo vệ và thăng tiến sự sống con người trong tất cả các chiều kích của nó : cá nhân, cộng đoàn và siêu việt. Đời sống tròn đầy là đỉnh cao của hòa bình. Ai muốn hòa bình thì không thể bao dung những sự gây tổn hại hay những tội ác chống lại sự sống.

Những ai không đánh giá đủ giá trị của sự sống con người và, do đó, ủng hộ việc tự do phá thai chẳng hạn, thì có lẽ không nhận thấy rằng bằng cách này họ đang đề nghị việc tìm kiếm một sự hòa bình hão huyền. Việc chạy trốn trách nhiệm vốn hạ giá con người và, còn hơn nữa, việc giết chết một con người vô phương tự vệ và vô tội, sẽ không bao giờ có thể mang lại hạnh phúc lẫn hòa bình. Quả thế, làm sao người ta có thể xây dựng hòa bình, sự phát triển toàn diện các dân tộc hay việc bảo vệ môi trường nếu quyền sống của những người yếu thế nhất, bắt đầu bằng các trẻ sắp chào đời, không được bảo vệ ? Mọi sự gây tổn hại cho sự sống, cách riêng trong giai đoạn đầu của nó, chắc chắn gây nên những thiệt hại không thể đền bù được cho sự phát triển, cho hòa bình, cho môi trường. Cũng không đúng đắn khi quy tắc hóa một cách xảo trá những quyền sai lạc hay những lạm dụng, được xây dựng trên một cái nhìn giảm thiểu và tương đối chủ nghĩa về con người và trên việc sử dụng khôn khéo những kiểu nói mập mờ nhằm biện hộ cho một thứ quyền gọi là phá thai và an tử, đe dọa quyền căn bản được sống.

Cấu trúc tự nhiên của hôn nhân cũng phải được nhìn nhận và thăng tiến, tức là sự kết hiệp giữa một người nam và một người nữ, khi đối diện với những mưu toan làm cho nó tương đương về mặt pháp lý với những hình thức kết hợp khác nhau tận căn mà, trên thực tế, đang làm cho nó biến dạng và đóng góp vào việc làm suy yếu nó, che khuất đi đặc tính riêng biệt và vai trò xã hội bất khả thay thế của nó.

Những nguyên tắc này không phải là những chân lý đức tin ; chúng cũng không chỉ là một hệ quả của quyền tự do tôn giáo. Chúng được ghi khắc trong chính bản tính của con người, có thể nhận biết bằng lý trí, và do đó chung cho hết mọi người. Do đó, hoạt động của Giáo Hội nhằm thăng tiến chúng không mang lấy một đặc tính tuyên tín nhưng nói với hết mọi người, dù họ thuộc về tôn giáo nào. Hoạt động này còn cần thiết hơn nữa nếu những nguyên tắc này bị chối bỏ hay bị hiểu sai, vì điều đó tạo nên một sự xúc phạm đến chân lý về con người, một sự tổn thương nghiêm trọng đến công lý và hòa bình.

Chính vì thế việc các hệ thống pháp luật và cơ quan tòa án nhìn nhận quyền sử dụng nguyên tắc phản đối lương tâm đối với những luật lệ và những biện pháp của chính phủ làm tổn hại đến phẩm giá con người, như việc phá thai và an tử, cũng là một đóng góp quan trọng cho hòa bình.

Trong số các quyền căn bản, liên quan đến cuộc sống hòa bình của các dân tộc, cũng có quyền tự do tôn giáo của các cá nhân và của các cộng đoàn. Vào thời điểm lịch sử này, càng ngày càng trở nên quan trọng khi một quyền như thế được cổ võ không chỉ từ quan điểm tiêu cực, như tự do khỏi – chẳng hạn những bắt buộc hay những hạn chế liên quan đến tự do chọn lựa tôn giáo của mình -, nhưng còn từ quan điểm tích cực, trong những diễn tả khác nhau của nó, như tự do làm : chẳng hạn làm chứng cho tôn giáo của mình, loan báo và thông truyền những giáo huấn ; thực hiện những hoạt động giáo dục, từ thiện và trợ giúp vốn cho phép áp dụng các nguyên tắc giáo thuyết và những mục đích thể chế riêng của chúng. Bất hạnh thay, nơi các nước có truyền thống Kitô giáo xa xưa, đang ngày càng gia tăng những giai đoạn bất bao dung tôn giáo, cách riêng chống lại Kitô giáo và chống lại những ai chỉ mang những dấu phân biệt tôn giáo của họ.

Người kiến tạo hòa bình cũng phải ý thức rằng càng ngày càng có nhiều lãnh vực của dư luận bị tác động bởi các ý thức hệ chủ nghĩa tự do triệt để và chế độ kỹ trị, đang gieo vào tâm trí họ sự xác tín theo đó sự tăng trưởng kinh tế cũng phải được đạt tới với giá làm xói mòn chức năng xã hội của Nhà Nước và của các mạng lưới liên đới của xã hội dân sự, cũng như các quyền và nghĩa vụ xã hội. Vậy mà, cần phải nhận thấy rằng các quyền và nghĩa vụ này là căn bản cho sự thể hiện trọn vẹn các quyền khác, bắt đầu bằng các quyền và nghĩa vụ dân sự và chính trị.

Trong số các quyền và nghĩa vụ xã hội ngày nay đang bị đe dọa nhất, có quyền có việc làm. Đó là vì việc làm và sự nhìn nhận đúng đắn cương vị pháp lý của các công nhân đang càng ngày càng được lượng giá ít đúng đắn hơn, bởi vì sự phát triển kinh tế đặc biệt tùy thuộc vào sự tự do hoàn toàn của các thị trường. Việc làm được hiểu như là một biến số phụ thuộc các cơ chế kinh tế và tài chính. Về vấn đề này, ở đây tôi xin lặp lại rằng phẩm giá con người, cũng như sự lô-gíc kinh tế, xã hội và chính trị, đòi hỏi chúng ta tiếp tục « theo đuổi mục tiêu ưu tiên là quyền có việc làm hay duy trì nó, cho mọi người » (4). Việc thực thi mục tiêu đầy tham vọng này với điều kiện là có cách hiểu mới mẻ về việc làm, được xây dựng trên các nguyên tắc đạo đức và những giá trị tinh thần nhằm củng cố quan niệm về nó như là thiện ích căn bản đối với con người, gia đình, xã hội. Tương ứng với thiện ích này là một bổn phận và một quyền lợi đòi hỏi các chính sách can đảm và canh tân về việc làm cho mọi người.

Xây dựng thiện ích hòa bình ngang qua một mô hình mới về phát triển và kinh tế

5. Ngày nay, ở nhiều nơi người ta nhận thấy rằng cần thiết có một mô hình phát triển mới, cũng như một cách nhìn mới về kinh tế. Sự phát triển toàn diện, liên đới và bền vững cũng như công ích đòi hỏi một bậc thang đúng đắn về “những thiện ích – những giá trị”, mà có thể xây dựng bằng cách có Thiên Chúa như là điểm tham chiếu tối hậu. Việc sẵn có nhiều phương tiện cũng như nhiều cơ hội chọn lựa mà thôi, cho dù là đáng kể, vẫn chưa đủ. Bấy nhiêu thiện ích hữu hiệu cho sự phát triển, cũng như những cơ hội chọn lựa phải được sử dụng trong viễn cảnh của một cuộc sống tốt lành, một cách cư xử đúng đắn vốn nhìn nhận vị trí ưu việt của chiều kích thiêng liêng và lời mời gọi thực hiện công ích. Trong trường hợp ngược lại, chúng sẽ đánh mất giá trị đích thực của chúng và cuối cùng trở thành những thứ ngẫu tượng mới.

Để thoát khỏi cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế hiện nay vốn đưa đến sự gia tăng những bất bình đẳng, những cá nhân, những nhóm người và các thể chế phải thăng tiến đời sống bằng cách cổ võ cho tính sáng tạo của con người, để có thể rút ra, từ chính cuộc khủng hoảng này, cơ hội của một sự phân định và một mô hình kinh tế mới. Mô hình chiếm ưu thế trong những thập niên gần đây chạy theo việc tìm kiếm lợi nhuận và tiêu thụ tối đa, trong một quan điểm cá nhân chủ nghĩa và ích kỷ, có khuynh hướng đánh giá con người chỉ dựa trên khả năng đáp ứng những đòi hỏi của sự cạnh tranh. Trái lại, trong một viễn cảnh khác, sự thành công thực sự và bền vững chỉ đạt được nhờ sự trao ban chính mình, trao ban những khả năng tri thức và óc sáng kiến của bản thân, bởi vì sự phát triển kinh tế khả dĩ sống được, tức là thật sự có tính nhân bản, cần đến nguyên tắc nhưng không như là sự biểu lộ tình huynh đệ và sự lô-gíc của việc trao ban (5). Một cách cụ thể, trong hoạt động kinh tế, người kiến tạo hoà bình là người thiết lập những mối quan hệ trung thực và tương trợ với các cộng tác viên và đồng nghiệp của mình, với các hội viên và người tiêu dùng. Họ thực hiện hoạt động kinh tế vì công ích, họ sống sự dấn thân này như là một điều gì đó vượt lên trên lợi ích cá nhân, vì lợi ích của các thế hệ hiện tại và tương lai. Và như thế, họ làm việc không chỉ vì bản thân nhưng còn để trao ban cho người khác một tương lai và một công việc xứng hợp.

Trong lãnh vực kinh tế, đặc biệt về phía các Nhà Nước, cần có những chính sách phát triển công nghiệp và nông nghiệp lưu tâm đến tiến bộ xã hội và toàn cầu hoá của một Nhà Nước pháp quyền, dân chủ. Tiếp đến, cấu trúc đạo đức của các thị trường tiền tệ, tài chính và thương mại là yếu tố nền tảng và không thể bỏ qua; các thị trường này sẽ được ổn định và được phối hợp và kiểm soát hết sức có thể để không làm phương hại đến những người nghèo nhất. Hơn nữa, sự ân cần của nhiều người kiến tạo hoà bình phải được tập trung, – cách cương quyết hơn so với những gì đã được thực hiện cho đến nay -, vào cuộc khủng hoảng lương thực, vốn nghiêm trọng hơn khủng hoảng tài chính. Chủ đề an toàn lương thực trở thành vấn đề trọng tâm trong chính sách quốc tế, do những cuộc khủng hoảng có liên quan đến những biến động bất ngờ nơi giá cả các mặt hàng nông nghiệp thiết yếu, đến những hành xử vô trách nhiệm của một vài tổ chức kinh tế và sự thiếu kiểm soát của các chính phủ và cộng đồng quốc tế. Để đối diện với cuộc khủng hoảng này, những người kiến tạo hoà bình được mời gọi cộng tác với nhau trong tình liên đới, từ cấp độ địa phương đến quốc tế, với mục đích đưa người nông dân, đặc biệt trong những vùng nông thôn nhỏ bé, vào điều kiện có thể thực thi công việc của mình cách xứng hợp và bền vững, xét từ quan điểm xã hội, môi trường và kinh tế.

Giáo dục một nền văn hóa hòa bình: vai trò của gia đình và các thể chế

6. Tôi muốn mạnh mẽ nhắc lại rằng những người kiến tạo hoà bình được mời gọi vun trồng niềm khao khát đối với công ích của gia đình và đối với công bằng xã hội, cũng như dấn thân cho một nền giáo dục xã hội có giá trị.

Không ai có thể bỏ qua hay đánh giá thấp vai trò quyết định của gia đình, tế bào nền tảng của xã hội từ quan điểm nhân khẩu học, đạo đức, sư phạm, kinh tế và chính trị. Gia đình có một ơn gọi tự nhiên thăng tiến đời sống: gia đình đồng hành với con người trong sự tăng trưởng và thúc đẩy con người đến sự phát triển hỗ tương bằng sự giúp đỡ lẫn nhau. Một cách đặc biệt, gia đình Kitô giáo mang trong mình kế hoạch ban đầu của việc giáo dục con người xứng với tình yêu Thiên Chúa. Gia đình là một trong những chủ thể xã hội cần thiết cho việc thực hiện một nền văn hoá hoà bình. Cần phải bảo vệ quyền của các bậc cha mẹ và vai trò hàng đầu của họ trong việc giáo dục con cái, trước tiên trong lãnh vực luân lý và tôn giáo. Chính trong gia đình mà những người kiến tạo hoà bình, những người tương lai thăng tiến một nền văn hoá sự sống và tình yêu, được sinh ra và lớn lên (6).

Trong nhiệm vụ giáo dục hoà bình rộng lớn này, các cộng đồng tôn giáo được bao hàm một cách đặc biệt. Giáo Hội nhận thấy mình cũng phải chia sẻ trách nhiệm lớn lao này ngang qua việc Tân Phúc Âm Hoá, vốn xem như là then chốt việc hoán cải trở về với chân lý và tình yêu của Chúa Kitô, và, do đó, cuộc tái sinh thiêng liêng và luân lý của con người và các xã hội. Việc gặp gỡ với Chúa Kitô đào luyện những con người kiến tạo hoà bình, bằng cách dấn thân họ vào sự hiệp thông và vượt qua mọi bất công.

Một sứ mạng đặc biệt liên quan đến hoà bình được thực hiện bởi các thể chế văn hoá học đường và đại học. Chúng được yêu cầu có một sự đóng góp quan trọng không chỉ cho việc đào tạo những thế hệ lãnh đạo mới, mà còn chi việc đổi mới các thể chế công cộng, quốc gia và quốc tế. Họ cũng có thể góp phần vào một suy tư khoa học vốn cắm rễ nơi các hoạt động kinh tế và tài chính trong một nền tảng nhân chủng học và đạo đức vững chắc. Thế giới ngày nay, đặc biệt là thế giới chính trị, cần được hỗ trợ bởi một tư duy mới, một tổng hợp văn hoá mới, để vượt quá những lối tiếp cận thuần túy kỹ thuật và làm hài hoà nhiều khuynh hướng chính trị vì công ích. Công ích này, như là một tổng thể những mối quan hệ liên vị và thể chế tích cực, nhằm phục vụ cho sự phát triển toàn diện của các cá nhân và tập thể, chính là nền tảng của mọi nền giáo dục đích thực về hoà bình.

Một khoa sư phạm cho người kiến tạo hòa bình

7. Để kết luận, điều cần thiết là đề nghị và thăng tiến một khoa sư phạm về hòa bình. Nó đòi hỏi một đời sống nội tâm phong phú, những quy chiếu luân lý rõ ràng và có giá trị, những thái độ và những lối sống thích hợp. Quả thế, những công trình hòa bình đều góp phần thực hiện công ích và tạo nên mối quan tâm đến hòa bình, bằng cách giáo dục về hòa bình. Những tư tưởng, lời nói và cử chỉ hòa bình tạo nên một tâm thức và một văn hóa về hòa bình, một bầu khí tôn trọng, chính trực và nhân ái. Như thế, cần phải dạy cho con người yêu thương nhau và giáo dục về hòa bình, và sống nhân từ, hơn là chỉ bao dung. Sự khích lệ căn bản là « nói không với lòng báo thù, nhìn nhận các lầm lỗi của mình, chấp nhận những lời xin lỗi mà không tìm kiếm chúng, và sau cùng là tha thứ » (7), để các lỗi lầm và những xúc phạm có thể được nhìn nhận trong chân lý để cùng nhau tiến tới sự hòa giải. Điều đó đòi hỏi mở ra một khoa sư phạm về tha thứ. Quả thế, sự dữ được chinh phục bằng sự thiện, và công lý được tìm kiếm bằng cách bắt chước Thiên Chúa là Cha, Đấng yêu thương hết thảy con cái của Ngài (x. Mt 5, 21-48). Đó là một công việc lâu dài, bởi vì nó giả thiết một sự tiến bộ thiêng liêng, một sự giáo dục về các giá trị cao cả nhất, một cái nhìn mới về lịch sử nhân loại. Cần loại bỏ thứ hòa bình sai lầm mà các ngẫu tượng của thế giới này hứa hẹn và những nguy hiểm kèm theo đó, thứ hòa bình sai lầm làm cho các lương tâm trở nên vô cảm hơn, khép kín nơi chính mình, một cuộc sống suy yếu đi được sống trong sự dửng dưng. Trái lại, khoa sư phạm về hòa bình bao hàm hành động, lòng trắc ẩn, tình liên đới, sự can đảm và lòng kiên tâm bền chí.

Chúa Giêsu thể hiện tất cả các thái độ này trong cuộc sống của mình, cho đến độ hoàn toàn trao hiến bản thân, cho đến độ « mất đi mạng sống » (x. Mt 10, 39 ; Lc 17, 33 ; Ga 12, 25). Ngài hứa với các môn đệ rằng, sớm hay muộn, họ sẽ thực hiện việc khám phá kỳ diệu mà chúng ta đã nói lúc đầu, tức là trong thế giới, có Thiên Chúa, Thiên Chúa của Chúa Giêsu, hoàn toàn liên đới với con người. Trong khung cảnh này, tôi xin nhắc lại lời cầu nguyện mà chúng ta xin Thiên Chúa biến chúng ta thành những khí cụ bình an của Ngài, để mang tình yêu của Ngài vào nơi oán thú, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem đức tin chân thật vào nơi nghi nan. Về phần chúng ta, cùng với Chân phước Gioan XXIII, chúng ta hãy cầu xin Thiên Chúa để Ngài soi sáng các nhà hữu trách các dân tộc, để, khi quan tâm đến sự sung túc chính đáng của đồng bào của mình, họ bảo đảm và bảo vệ ân huệ hoà bình quý giá. Xin Ngài hun nóng ý muốn của mọi người để lật đổ các rào chắn chia rẽ, củng cố các mối liên hệ tình yêu hỗ tương, cư xử hiểu biết đối với người khác và tha thứ cho những ai làm thiệt hại mình, để nhờ hành động của Ngài, tất cả các dân tộc trên trái đất kết thân huynh đệ với nhau và giữa họ hòa bình hằng mong ước không ngừng nảy nở và ngự trị (8).

Bằng lời cầu chúc này, tôi mong ước mọi người có thể trở nên những người kiến tạo và xây dựng hòa bình đích thực, để thành đô con người lớn lên trong sự hòa hợp huynh đệ, trong sự thịnh vượng và bình an.

Vatican, ngày 8 tháng 12 năm 2012

BÊNÊĐÍCTÔ XVI

Bản dịch của Tý Linh và Trần Ngọc Thao


[1] X. Công đồng Vatican II, Hiến chế Gaudium et spes, số. 1.

[2] X. Thông điệp Pacem in terris (11.4.1963) : AAS 55 (1963), 265-266.

[3] X. ibid. : AAS 55 (1963), 266.

[4] BENOÎT XVI, Thông điệp Caritas in veritate (29.6. 2009), số. 32 : AAS 101 (2009), 666-667.

[5] X. ibid., số. 3436 : AAS 101 (2009), 668-670 et 671-672.

[6] X. JEAN-PAUL II, Sứ điệp Ngày Thế Giới Hòa Bình 1994 (8.12.1993): AAS 86 (1994), 156-162.

[7] Benoît XVI, Diễn văn cho các thành viên của Chính phủ, cho các thể chế của nước Cộng Hòa, cho ngoại giao đoàn, cho các vị lãnh đạo tôn giáo và các vị đại diện của giới văn hóa, Baabda-Liban (15.9. 2012) : Nhật báo Osservatore romano, bản tiếng Pháp số. 3.253 (20.9. 2012), tr. 7.

[8] X. Thông điệp Pacem in terris (11.4.1963) : AAS 55 (1963), 304.

Tags: ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Hai 2024
H B T N S B C
« Th11    
  1
2 3 4 5 6 7 8
9 10 11 12 13 14 15
16 17 18 19 20 21 22
23 24 25 26 27 28 29
30 31