SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO NGÀY LƯƠNG THỰC THẾ GIỚI 2024

Written by xbvn on Tháng Mười 17th, 2024. Posted in Cồ Ngọc Hải, Học thuyết xã hội, Luân lý, Nhân bản, Thế Giới

Trong sứ điệp gửi tới Tổng Giám đốc FAO, ông Qu Dongyu (Khuất Đông Ngọc), nhân dịp Ngày Lương thực Thế giới lần thứ 44 được tổ chức vào ngày 16 tháng 10 vừa qua, Đức Phanxicô yêu cầu các nguyên tắc bổ trợ và liên đới phải được coi là nền tảng của các chương trình phát triển lương thực. Ngài mời gọi lắng nghe và dành ưu tiên cho các nhu cầu của công nhân, nông dân và những người nghèo đói.

Dưới đây là sứ điệp của Đức Thánh Cha:

Thưa ngài Tổng Giám đốc,

Ngày Lương thực Thế giới lần thứ 44 mời gọi chúng ta suy nghĩ về quyền có lương thực vì một cuộc sống và tương lai tốt đẹp hơn. Đây là quyền ưu tiên, vì nó đáp ứng một trong những nhu cầu căn bản của con người, cụ thể là được nuôi dưỡng để sống phù hợp với những tiêu chuẩn chất lượng và số lượng đầy đủ nhằm bảo đảm cho cuộc sống xứng đáng của mỗi con người. Tuy nhiên, chúng ta thấy rằng quyền này thường xuyên bị xâm hại và không được áp dụng cách công bằng, với những hậu quả nguy hại mà nó gây nên.

Vì lợi ích của việc thúc đẩy quyền có lương thực, Tổ chức Nông Lương (FAO) thiết tha đề xuất xem xét việc thay đổi hệ thống lương thực lưu tâm đến trạng thái đa dạng và phong phú của các loại lương thực đầy đủ dinh dưỡng, giá cả phải chăng, có lợi cho sức khoẻ và bền vững như là phương tiện để đạt được sự an toàn lương thực và chế độ ăn uống bổ dưỡng cho tất cả mọi người.

Điều này đòi hỏi không được quên đi chiều kích xã hội và văn hoá nội tại của hành vi nuôi dưỡng chính mình. Về phương diện này, những người đưa ra quyết định về kinh tế lẫn chính trị ở mức độ quốc tế phải lắng nghe nhu cầu của những người ở dưới cùng của chuỗi lương thực, như những nông dân quy mô nhỏ, và của những cơ cấu xã hội trung gian, như gia đình, vốn liên quan trực tiếp trong việc cung cấp thực phẩm cho mọi người ăn.

Những giải pháp mạnh mẽ nhằm trình bày và giải quyết các vấn đề lương thực trong thời đại của chúng ta đòi hỏi chúng ta cần lưu tâm đến những nguyên tắc bổ trợ và liên đới như là nền tảng của các chương trình phát triển lẫn dự án của mình, hầu chúng ta đừng bao giờ trì hoãn việc chân thành lắng nghe những nhu cầu từ bên dưới, từ những công nhân và nông dân, từ người nghèo khổ và đói kém, cũng như từ những ai sống trong khó khăn ở những vùng nông thôn hẻo lánh. Chúa Giê-su Ki-tô đã dạy chúng ta: “Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta, vì Luật Mô-sê và lời các ngôn sứ là thế đó” (Mt 7, 12).

Nhân loại, bị thương tổn bởi quá nhiều bất công, đang cần kíp những phương sách hiệu quả hầu dẫn đưa đến một cuộc sống tốt đẹp hơn, cùng nhau hành động trong cùng tinh thần huynh đệ và trong sự nhận biết rằng hành tinh mà Thiên Chúa đã ban tặng cho chúng ta phải trở nên một khu vườn mở ra cho sự chung sống yên bình. Đây là những gì mà tôi đang nghĩ đến khi đề xuất xem xét một mô hình sinh thái toàn diện, để những nhu cầu của mỗi người và của con người nói chung được lưu tâm đến, để phẩm giá của họ được bảo vệ trong mối tương quan với người khác và trong sự nối kết chặt chẽ với việc chăm sóc công trình tạo dựng. Chỉ khi chúng ta lấy lý tưởng công bằng như là sự hướng dẫn cho hành động của mình, thì những nhu cầu của con người mới được đáp ứng.

Điều này cũng đòi hỏi rằng chúng ta phải để cho chính mình chịu thách đố và cảm thương bởi tình trạng của người khác, và tình liên đới trở nên trọng tâm chính yếu nơi những quyết định của chúng ta. Bằng cách này, việc bảo vệ các thế hệ tương lai sẽ đi đôi với việc lắng nghe và hành động theo đòi hỏi của những thế hệ hiện tại, thông qua sự liên minh trong và liên thế hệ vốn kêu gọi tất cả chúng ta đến với tình huynh đệ và đem lại một ý nghĩa mới, thiết thực hơn cho sự hợp tác quốc tế, một sự hợp tác phải làm tăng sức sống cho Tổ chức này cũng như toàn bộ hệ thống đa phương.

Trên con đường này, vốn đầy dẫy những chướng ngại và khó khăn, nhưng đồng thời cũng thú vị và đầy thách đố, cộng đồng quốc tế có thể trông mong vào sự khích lệ của Toà Thánh và của Giáo Hội Công giáo, vốn chẳng khi nào ngừng đóng góp bền bỉ hầu mọi người có thể có được lương thực cả về số lượng lẫn chất lượng tương xướng cho chính họ và cả gia đình, để mỗi người có thể hướng đến một cuộc sống xứng phẩm giá và để tai hoạ đầy đau thương về nghèo khổ và đói kém trên thế giới có thể được đánh bại một cách dứt khoát.

Với những tình cảm và ước muốn trên, tôi khẩn cầu phúc lành của Thiên Chúa Toàn Năng, Đấng không bao giờ mỏi mệt đỡ nâng những ai mang trong lòng lợi ích của toàn thể nhân loại, xuống trên tất cả quý vị và những ai đang làm việc vì mục đích cao quý này.

Vatican, ngày 16 tháng 10 năm 2024

Phanxicô

————————————-

Cồ Ngọc Hải dịch

(nguồn: vatican.va)

Tags: , , , ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Hai 2024
H B T N S B C
« Th11    
  1
2 3 4 5 6 7 8
9 10 11 12 13 14 15
16 17 18 19 20 21 22
23 24 25 26 27 28 29
30 31