SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO NGÀY THẾ GIỚI BỆNH NHÂN LẦN THỨ 30 : BỆNH NHÂN QUAN TRỌNG HƠN BỆNH TẬT

Written by xbvn on Tháng Hai 8th, 2022. Posted in Học thuyết xã hội, Lm Võ Xuân Tiến, Luân lý, Nhân bản, Sứ điệp, Thế Giới, Tý Linh, Văn kiện Giáo Hội

 Hôm 4/1/2022, Tòa Thánh đã công bố Sứ điệp của Đức Phanxicô cho Ngày Thế Giới Bệnh Nhân lần thứ 30, với tựa đề « « Anh em hãy có lòng thương xót, như Cha anh em là Đấng thương xót » (Lc 6, 36). Ở bên người đau khổ trên con đường đức ái ». Qua Sứ điệp này, Đức Thánh Cha ước mong « Ngày Thế Giới Bệnh Nhân lần thứ 30 … có thể giúp chúng ta lớn lên trong sự gần gũi và phục vụ các bệnh nhân và gia đình của họ ».

Đối với Đức Thánh Cha, nền tảng của sự gần gũi và phục vụ các bệnh nhân này là cái nhìn hướng về Thiên Chúa Cha giàu lòng thương xót, và Chúa Giêsu là « Chứng nhân tối cao về tình yêu thương xót của Chúa Cha đối với các bệnh nhân ». Để từ đó tầm quan trọng của  việc có bên cạnh các bệnh nhân « những chứng nhân của tình yêu thương của Thiên Chúa mà , theo gương Chúa Giêsu, lòng thương xót của Chúa Cha, đã đổ dầu an ủi và rượu hy vọng lên những vết thương của các bệnh nhân ».

Nói với các nhân viên y tế, Đức Thánh Cha khích lệ và cho thấy sứ mạng cao quý của họ khi « chạm vào thân xác đau khổ của Chúa Kitô » là chính các bệnh nhân: « Những người điều hành y tế thân mến, sự phục vụ của quý vị bên cạnh các bệnh nhân, được thực hiện bằng tình thương yêu và năng lực, vượt quá giới hạn của nghề nghiệp để trở nên một sứ mạng. Bàn tay của quý vị chạm vào thân xác đau khổ của Chúa Kitô có thể trở thành một dấu chỉ của những bàn tay giàu lòng thương xót của Chúa Cha. Hãy ý thức về phẩm giá cao cả của nghề nghiệp của quý vị, cũng như về trách nhiệm mà nó bao hàm ». Tuy nhiên, Đức Thánh Cha cũng nhắc nhở rằng đừng bao giờ quên « tính độc đáo của mỗi bệnh nhân, với phẩm giá và những mong manh của họ. Bệnh nhân luôn quan trọng hơn bệnh tật của họ… ». Do đó, « ngay cả khi không thể chữa lành, thì vẫn luôn có thể chăm sóc, luôn có thể an ủi, luôn có thể giúp cho cảm nhận được sự gần gũi vốn biểu lộ sự quan tâm đối với con người hơn là bệnh lý của họ ».

Với Sứ điệp này, Đức Thánh Cha cũng khích lệ và nhấn mạnh « tầm quan trọng của các cơ sở y tế Công giáo » mà « cả ngày nay nữa, thậm chí nơi các nước phát triển nhất, sự hiện diện của họ là một phúc lành vì, ngoài việc chăm sóc thể xác với tất cả năng lực cần thiết, họ luôn có thể cống hiến một đức ái mà bệnh nhân và gia đình của họ nằm ở trung tâm của sự quan tâm. »

Cuối cùng, Đức Thánh Cha nhắc nhở : « Thăm viếng bệnh nhân là một lời mời gọi mà Chúa Kitô nói với tất cả các môn đệ của Ngài. … Thừa tác vụ an ủi là một bổn phận của mọi người chịu phép rửa, khi nhớ lại lời của Chúa Giêsu: “Ta bệnh tật, các ngươi đã viếng thăm Ta” (Mt 25, 36) ».

Dưới đây là toàn văn Sứ điệp của Đức Thánh Cha cho Ngày Thế Giới Bệnh Nhân lần thứ 30, sẽ được cử hành vào ngày 11-02-2022.

 

«Anh em hãy có lòng thương xót, như Cha anh em là Đấng thương xót » (Lc 6, 36).

Ở bên người đau khổ trên con đường đức ái

Anh chị em thân mến,

Cách đây ba mươi năm, thánh Gioan-Phaolô II đã thiết lập Ngày Thế Giới Bệnh Nhân để thúc đẩy dân Thiên Chúa, các cơ sở y tế Công giáo và xã hội dân sự quan tâm đến các bệnh nhân và tất cả những ai đang chăm sóc họ (1).

Chúng ta biết ơn Chúa về con đường đã qua trong những năm này tại các Giáo hội địa phương trên toàn thế giới. Nhiều bước tiến về phía trước đã được thực hiện, nhưng vẫn còn một chặng đường dài phải trải qua để đảm bảo cho tất cả các bệnh nhân, đặc biệt ở những nơi và những hoàn cảnh nghèo khổ và bị loại trừ nhất, sự chăm sóc mà họ cần đến, cũng như việc đồng hành mục vụ, để họ có thể sống thời gian bệnh tật trong sự kết hiệp với Chúa Kitô chịu đóng đinh và phục sinh. Ước gì Ngày Thế Giới Bệnh Nhân lần thứ 30 – mà buổi cử hành cao điểm sẽ không thể diễn ra như dự kiến, do đại dịch, ở Arequipa, Pêru, nhưng sẽ diễn ra ở vương cung thánh đường thánh Phêrô, tại Vatican – có thể giúp chúng ta lớn lên trong sự gần gũi và phục vụ các bệnh nhân và gia đình của họ.

  1. Có lòng thương xót như Chúa Cha

Chủ đề được chọn cho Ngày lần thứ 30 này: «Anh em hãy có lòng thương xót, như Cha anh em là Đấng thương xót » (Lc 6, 36), trước hết hướng cái nhìn chúng ta về Thiên Chúa “giàu lòng thương xót” (Êp 2, 4), Đấng luôn nhìn con cái của mình bằng một tình yêu của người cha, ngay cả khi họ rời xa Ngài. Thực ra, lòng thương xót là danh xưng tuyệt hảo của Thiên Chúa, diễn tả bản tính của Ngài, chứ không phải theo cách thức tình cảm ngẫu nhiên, nhưng như một sức mạnh hiện diện trong tất cả những gì Ngài thực hiện. Ngài vừa là sức mạnh vừa là sự dịu dàng. Đó là lý do tại sao chúng ta có thể nói, với sự ngạc nhiên và biết ơn, rằng lòng thương xót của Thiên Chúa bao gồm cả chiều kích phụ tử và chiều kích mẫu tử (x. Is 49, 15), vì Ngài chăm sóc chúng ta với sức mạnh của người cha và sự dịu dàng của người mẹ, luôn ao ước ban cho chúng ta sự sống mới trong Chúa Thánh Thần.

  1. Chúa Giêsu, lòng thương xót của Chúa Cha

Chứng nhân tối cao về tình yêu thương xót của Chúa Cha đối với các bệnh nhân là Con một của Ngài. Bao nhiều lần các sách Tin Mừng kể lại cho chúng ta các cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu với những người bệnh tật khác nhau. Ngài “đi khắp vùng Galilê, giảng dạy trong các hội đường của họ, rao giảng Tin Mừng về Nước Trời và chữa lành hết mọi bệnh hoạn tật nguyền trong dân” (Mt 4, 23). Chúng ta có thể tự hỏi: tại sao có sự quan tâm đặc biệt này của Chúa Giêsu đối với các bệnh nhân, đến độ nó thậm chí trở thành công việc chính yếu trong khuôn khổ sứ mạng của các Tông đồ, được Thầy sai đi loan báo Tin Mừng và chữa lành các bệnh nhân? (x. Lc 9, 2).

Một nhà tư tưởng vào thế kỷ XX nêu cho chúng ta một lý do: “ Nỗi đau đớn cô lập một cách tuyệt đối và chính từ sự cô lập tuyệt đối này mà nảy sinh lời kêu gọi đến người khác, lời cầu khấn đến người khác” (2). Khi một người, trong thân xác của mình, cảm nghiệm sự mong manh và nỗi đau khổ do bệnh tật, thì tâm hồn cua người đó trở nên nặng nề, nỗi sợ hãi gia tăng, những nghi vấn nhân lên, nhu cầu về ý nghĩa đối với tất cả những gì xảy đến trở nên cấp bách hơn. Về vấn đề này, làm sao không nhớ đến nhiều bệnh nhân, trong thời đại dịch này, đã sống trong nỗi cô đơn của một dịch vụ chăm sóc đặc biệt vào giai đoạn cuối của cuộc đời của họ, chắc chắn được các nhân viên y tế quảng đại chăm sóc, nhưng xa rời tình cảm của những người thân yêu nhất và quan trọng nhất trong cuộc đời trần thế của họ? Từ đó tầm quan trọng của  việc có bên cạnh mình những chứng nhân của tình yêu thương của Thiên Chúa mà , theo gương Chúa Giêsu, lòng thương xót của Chúa Cha, đã đổ dầu an ủi và rượu hy vọng lên những vết thương của các bệnh nhân (3).

  1. Chạm đến thân xác đau khổ của Chúa Kitô

Lời mời gọi của Chúa Giêsu hãy có lòng thương xót như Chúa Cha có một ý nghĩa đặc biệt đối với các nhân viên y tế. Tôi nghĩ đến các bác sĩ, y tá, các phụ tá phòng thí nghiệm, đến những người được giao cho trách nhiệm giúp đỡ và chăm sóc các bệnh nhân, cũng như nhiều tình nguyện viên đã dành thời gian quý báu của họ cho những người đau khổ. Những người điều hành y tế thân mến, sự phục vụ của quý vị bên cạnh các bệnh nhân, được thực hiện bằng tình thương yêu và năng lực, vượt quá giới hạn của nghề nghiệp để trở nên một sứ mạng. Bàn tay của quý vị chạm vào thân xác đau khổ của Chúa Kitô có thể trở thành một dấu chỉ của những bàn tay giàu lòng thương xót của Chúa Cha. Hãy ý thức về phẩm giá cao cả của nghề nghiệp của quý vị, cũng như về trách nhiệm mà nó bao hàm.

Chúng ta hãy chúc tụng Chúa vì sự tiến bộ mà y khoa đã thực hiện nhất là trong thời gian gần đây; các công nghệ mới đã cho phép thiết lập các liệu trình trị liệu mang lại lợi ích to lớn cho các bệnh nhân; việc nghiên cứu tiếp tục mang lại sự đóng góp quý báu để chống lại các bệnh lý cũ và mới; y học phục hồi chức năng đã phát triển cách rộng rãi kiến thức và kỹ năng của nó. Nhưng tất cả điều đó không bao giờ được làm cho chúng ta quên đi tính độc đáo của mỗi bệnh nhân, với phẩm giá và những mong manh của họ (4). Bệnh nhân luôn quan trọng hơn bệnh tật của họ và đó là lý do tại sao bất kỳ phương pháp điều trị nào cũng không thể bỏ qua việc lắng nghe bệnh nhân, câu chuyện của họ, nỗi lo âu và sợ hãi của họ. Ngay cả khi không thể chữa lành, thì vẫn luôn có thể chăm sóc, luôn có thể an ủi, luôn có thể giúp cho cảm nhận được sự gần gũi vốn biểu lộ sự quan tâm đối với con người hơn là bệnh lý của họ. Đó là lý do tại sao tôi mong ước các khóa đào tạo nhân viên y tế phải có khả năng giúp sẵn sàng lắng nghe và có một chiều kích tương quan.

  1. Những nơi chăm sóc, những ngôi nhà của lòng thương xót

Ngày Thế Giới Bệnh Nhân cũng là một cơ hội thích hợp để quan tâm đến những nơi chăm sóc. Trong suốt nhiều thế kỷ, lòng thương xót đối với bệnh nhân đã dẫn đưa cộng đồng Kitô hữu mở ra nhiều “nhà trọ của người Samaritanô nhân lành”, nơi mà bệnh nhân thuộc mọi loại có thể được đón tiếp và chăm sóc, nhất là những ai không tìm thấy câu trả lời cho vấn đề y tế của họ, do sự nghèo túng của họ hay do bị xã hội loại trừ hay những khó khăn trong việc chăm sóc một số bệnh lý. Trong những hoàn cảnh này, chính trẻ em, người già và những người mong manh nhất phải trả giá. Có lòng thương xót như Chúa Cha, nhiều nhà truyền giáo đã đồng hành với việc loan báo Tin Mừng bằng việc xây dựng  các bệnh viện, phòng khám và viện dưỡng lão. Đó là những công trình quý báu qua đó đức ái Kitô giáo đã nên hình nên dạng, và tình yêu của Chúa Kitô mà các môn đệ của Ngài làm chứng, đã trở nên khả tín hơn. Tôi đặc biệt nghĩ đến các cư dân của các vùng nghèo nhất hành tinh, nơi đôi khi phải đi một quãng đường dài để tìm thấy các trung tâm chăm sóc mà, bất chấp nguồn lực hạn hẹp của mình, đã cung cấp những gì có sẵn. Con đường vẫn còn dài và nơi một số nước, việc nhận được sự chăm sóc thích hợp vẫn là một điều xa xỉ, bằng chứng là, chẳng hạn, có rất ít vắc xin chống covid-19 nơi các nước nghèo nhất; nhưng thậm chí còn thiếu sự chăm sóc đối với các bệnh lý đòi hỏi các loại thuốc đơn giản hơn nhiều.

 Trong khung cảnh này, tôi muốn tái khẳng định tầm quan trọng của các cơ sở y tế Công giáo: chúng là một kho tàng quý báu phải nâng đỡ và quan tâm; sự hiện diện của họ làm rõ nét lịch sử Giáo hội vì sự gần gũi của họ với các bệnh nhân nghèo khổ nhất và những hoàn cảnh bị quên lãng nhất (5). Biết bao nhiêu nhà sáng lập các dòng tu đã biết lắng nghe tiếng kêu của anh chị em bị lấy đi quyền tiếp cận săn sóc hay được chăm sóc tồi và đã hiến thân phục vụ họ! Cả ngày nay nữa, thậm chí nơi các nước phát triển nhất, sự hiện diện của họ là một phúc lành vì , ngoài việc chăm sóc thể xác với tất cả năng lực cần thiết, họ luôn có thể cống hiến một đức ái mà bệnh nhân và gia đình của họ nằm ở trung tâm của sự quan tâm. Vào một thời đại mà nền văn hóa vứt bỏ đang thịnh hành như thế và sự sống không phải luôn được nhìn nhận là xứng đáng được đón tiếp và được sống, thì các cơ sở này, với tư cách là những ngôi nhà của lòng thương xót, có thể là gương mẫu trong việc chăm sóc và quan tâm đến từng cuộc sống, dù là mong manh nhất, từ khởi đầu cho đến sự chấm dứt tự nhiên của nó.

  1. Lòng thương xót mục vụ: hiện diện và gần gũi

Trong suốt hành trình ba mươi năm này, việc mục vụ y tế cũng đã chứng kiến sự phục vụ cần thiết của nó ngày càng được công nhận. Nếu sự phân biệt kỳ thị tồi tệ nhất mà người nghèo phải chịu – và các bệnh nhân đều là những người nghèo về sức khỏe – là thiếu sự quan tâm về mặt tinh thần, thì chúng ta không thể không mang lại cho họ sự gần gũi của Thiên Chúa, phúc lành của Ngài, Lời của Ngài, việc cử hành các Bí tích và việc đề nghị một con đường gia tăng và trưởng thành trong đức tin (6). Về vấn đề này, tôi muốn nhắc lại rằng việc gần gũi với các bệnh nhân và mang lại cho họ sự đồng hành mục vụ không chỉ là nhiệm vụ dành riêng cho một số thừa tác viên đặc biệt tận tụy cho điều đó. Thăm viếng bệnh nhân là một lời mời gọi mà Chúa Kitô nói với tất cả các môn đệ của Ngài. Biết bao bệnh nhân và người cao tuổi đang sống nơi nhà họ và chờ đợi một sự viếng thăm! Thừa tác vụ an ủi là một bổn phận của mọi người chịu phép rửa, khi nhớ lại lời của Chúa Giêsu: “Ta bệnh tật, các ngươi đã viếng thăm Ta” (Mt 25, 36).

Anh chị em thân mến, tôi phó thác tất cả các bệnh nhân và gia đình của họ cho sự cầu bàu của Đức Maria, sức khỏe của các bệnh nhân. Kết hiệp với Chúa Kitô, Đấng mang trên mình nỗi đau đớn của thế giới, ước gì họ có thể tìm thấy ý nghĩa, sự an ủi và lòng tin tưởng. Tôi cầu nguyện cho tất cả các nhân viên y tế để, giàu lòng thương xót, ngoài sự chăm sóc thích hợp, họ mang lại cho các bệnh nhân sự gần gũi huynh đệ của họ.

Tôi hết lòng ban Phép lành Tông Tòa cho tất cả mọi người.

Rôma, Đền thờ thánh Gioan Latêranô, ngày 10 tháng 12 năm 2021, kính nhớ Đức Bà Lôrétta.

Phanxicô

—————————————-

(1) Xem Thánh Gioan-Phaolô II, Thư gởi cho Đức Hồng y  Fiorenzo Angelini, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về Mục vụ cho các Dich vụ Y tế, để Thiết lập Ngày Thế Giới Bệnh Nhân (13 /5/ 1992).

(2) E. Lévinas, « Une éthique de la souffrance », in Souffrances. Corps et âme, épreuves partagées, sous la direction de J.-M. von Kaenel, Autrement, Paris 1994, pp. 133-135.

(3) Xem Sách lễ Rôma. Missel Romain, Kinh Tiền Tụng chung VIII, Chúa Giêsu Người Samaritanô nhân hậu.

(4) Xem diễn văn cho « Liên đoàn quốc gia hội các bác sĩ phẫu thuật và nha sĩ Ý, 20 /9/ 2019».

(5) Xem buổi đọc Kinh Truyền Tin ở bệnh viện “ Gemelli ” ở Rôma, 11/7/2021.

(6) Xem Tông huấn Evangelii gaudium (24 /11/ 2013), số 200.

——————————————————

Tý Linh chuyển ngữ

(nguồn: Vatican.va)

Tags:

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Một 2024
H B T N S B C
« Th10    
  1 2 3
4 5 6 7 8 9 10
11 12 13 14 15 16 17
18 19 20 21 22 23 24
25 26 27 28 29 30