SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO NGÀY THẾ GIỚI DI DÂN VÀ TỴ NẠN 2023 : TỰ DO CHỌN LỰA DI CƯ HAY Ở LẠI
« Di cư phải luôn là một chọn lựa tự do, nhưng trên thực tế, trong nhiều trường hợp, ngay cả ngày nay, cũng không được như thế ». Đức Phanxicô nhấn mạnh như thế trong Sứ điệp cho Ngày Thế giới Di dân và Tỵ nạn lần thứ 109, với tựa đề « Tự do chọn lựa di cư hay ở lại », sẽ được cử hành vào ngày 24/9/2023.
« Các cuộc bách hại, chiến tranh, hiện tượng khí hậu và đói khổ nằm trong số những nguyên nhân rõ ràng nhất của những cuộc di cư bắt buộc đương đại », Đức Thánh Cha nêu lên những nguyên nhân của cuộc di cư bắt buộc như thế và đồng thời nhắc nhở « để việc di cư trở thành một chọn lựa thực sự tự do, chúng ta phải cố gắng đảm bảo cho mỗi người một phần công bằng của công ích, tôn trọng các quyền căn bản và tiếp cận với việc phát triển con người toàn diện ». Và « đó là cách duy nhất để mang lại cho mỗi người khả năng sống xứng đáng và thể hiện bản thân cũng như trong gia đình ».
Bên cạnh kêu gọi ra sức làm việc để các cuộc di cư là một chọn lựa tự do, Đức Thánh Cha mời gọi các Kitô hữu « tôn trọng phẩm giá của người di cư » bằng cách « nhận ra nơi người di cư không chỉ là một người anh em hay chị em nghèo túng, mà còn là chính Chúa Kitô đang gõ cửa nhà chúng ta ».
Dưới đây là toàn văn sứ điệp của Đức Thánh Cha :
Anh chị em thân mến,
Các luồng di cư hiện nay biểu hiện một hiện tượng phức tạp và đa dạng, mà việc hiểu biết nó đòi hỏi sự phân tích cẩn thận tất cả các khía cạnh đặc trưng cho các giai đoạn khác nhau của kinh nghiệm di dân, từ điểm khởi hành cho tới điểm đến, và cả ngang qua việc có thể được trả về. Với ý định đóng góp vào nỗ lực đọc thực tại này, tôi đã quyết định dành sứ điệp Ngày Thế giới Di dân và Tỵ nạn lần thứ 109 cho quyền tự do vốn luôn là đặc điểm của sự chọn lựa rời bỏ quê hương của mình.
“Tự do ra đi, tự do ở lại” là tựa đề của một sáng kiến liên đới được cổ võ bởi Hội đồng Giám mục Ý cách đây vài năm như là câu trả lời cụ thể cho những thách thức di cư đương đại. Bằng cách liên lỉ lắng nghe các Giáo hội địa phương, tôi có thể công nhận rằng việc bảm đảm quyền tự do này là một mối bận tâm mục vụ được phổ biến và chia sẻ rộng rãi.
“Khi các nhà chiêm tinh đã ra về, thì sứ thần Chúa hiện ra báo mộng cho ông Giuse rằng: “Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai Cập, và cứ ở đó cho đến khi tôi báo lại, vì vua Hêrôđê sắp tìm giết Hài Nhi đấy.”” (Mt 2, 13). Việc Thánh Gia chạy trốn sang Ai Cập không phải là kết quả của sự chọn lựa tự do, giống như nhiều cuộc di cư đã đánh dấu lịch sử của dân Israel. Di cư phải luôn là một chọn lựa tự do, nhưng trên thực tế, trong nhiều trường hợp, ngay cả ngày nay, cũng không được như thế. Các cuộc xung đột, các thiên tai hay, đơn giản hơn, việc không thể sống một cuộc sống xứng đáng và thuận lợi ở quê hương mình đã buộc hàng triệu người phải ra đi. Vào năm 2003, thánh Gioan-Phaolô II đã tuyên bố rằng “xây dựng những điều kiện hòa bình cụ thể, liên quan đến người di cư và tỵ nạn, có nghĩa là nghiêm túc dấn thân để bảo vệ trên hết quyền không di cư, tức là sống trong hòa bình và phẩm giá chính trên quê hương của mình” (Sứ điệp cho Ngày Thế giới Di dân và Tỵ nạn lần thứ 90, số 3).
“Họ đem theo các đàn vật của họ và các tài sản họ đã gây được ở đất Canaan, và họ đến Ai Cập, ông Giacóp và tất cả dòng dõi ông cùng với ông” (Stk 46, 6). Chính vì một nạn đói nghiêm trọng mà Giacóp và toàn thể gia đình ông đã buộc phải chạy trốn sang Ai Cập, nơi con trai ông là Giuse đã đảm bảo sự sống còn của họ. Các cuộc bách hại, chiến tranh, hiện tượng khí hậu và đói khổ nằm trong số những nguyên nhân rõ ràng nhất của những cuộc di cư bắt buộc đương đại. Những người di cư chạy trốn đói nghèo, sợ hãi, thất vọng. Để loại bỏ những nguyên nhân này và chấm dứt những cuộc di cư bắt buộc, chúng ta cần sự dấn thân chung của tất cả mọi người, mỗi người tùy theo trách nhiệm của mình. Một sự dấn thân bắt đầu bằng việc tự hỏi những gì mình có thể làm, nhưng cả những gì chúng ta phải ngừng làm. Chúng ta phải cố gắng chấm dứt việc chạy đua vũ trang, chủ nghĩa thực dân kinh tế, cướp bóc tài nguyên của người khác, tàn phá ngôi nhà chung của chúng ta.
“Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau và để mọi sự làm của chung. Họ đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tùy theo nhu cầu” (Cv 2, 44-45). Lý tưởng của cộng đồng Kitô hữu đầu tiên dường như quá xa vời với thực tế hôm nay! Để việc di cư trở thành một chọn lựa thực sự tự do, chúng ta phải cố gắng đảm bảo cho mỗi người một phần công bằng của công ích, tôn trọng các quyền căn bản và tiếp cận với việc phát triển con người toàn diện. Đó là cách duy nhất để mang lại cho mỗi người khả năng sống xứng đáng và thể hiện bản thân cũng như trong gia đình. Rõ ràng là nhiệm vụ chính nằm ở các nước nguyên quán và các lãnh đạo của họ, những người được mời gọi thực hiện một chính sách tốt, minh bạch, trung thực, biết lo xa và phục vụ mọi người, cách riêng những người dễ bị tổn thương nhất. Nhưng họ phải có khả năng thực hiện điều đó, mà không bị tước đi các tài nguyên thiên nhiên và con người và không có sự can thiệp từ bên ngoài nhằm mang lại lợi ích cho một số người. Và khi hoàn cảnh cho phép chọn lựa di cư hay ở lại, vẫn cần đảm bảo rằng sự lựa chọn này được soi sáng và suy nghĩ, để tránh việc biết bao người nam và người nữ và trẻ em trở thành nạn nhân của những ảo tượng nguy hiểm hay những kẻ buôn người vô đạo đức.
“Năm toàn xá đó, mỗi người trong các ngươi sẽ trở về phần sở hữu của mình” (Lv 25, 13). Đối với dân Israel, việc cử hành năm thánh là một hành vi công lý tập thể: mỗi người có thể “trở lại tình trạng ban đầu của mình, với việc xóa bỏ mọi khoản nợ, trả lại đất đai và khả năng được hưởng lại quyền quyền tự do vốn dành riêng cho các thành viên của dân Thiên Chúa” (Bài giáo lý, ngày 10/2/2016). Khi đến gần Năm Thánh 2025, thật tốt để ghi nhận khía cạnh này của việc cử hành Năm Thánh. Một nỗ lực chung của mỗi nước và cộng đồng quốc tế đều cần thiết để đảm bảo cho mỗi người quyền không di cư, nghĩa là khả năng sống trong hòa bình và phẩm giá trên chính mảnh đất của họ. Đó là một quyền vẫn còn chưa được chứa pháp điển hóa, nhưng có tầm quan trọng cơ bản, mà việc bảo đảm quyền này phải được hiểu là sự đồng trách nhiệm của tất cả các Nhà Nước đối với một công ích vốn vượt qua mọi biên giới quốc gia. Quả thế, vì các nguồn tài nguyên của thế giới không vô tận, nên sự phát triển các nước nghèo nhất về mặt kinh tế tùy thuộc vào khả năng chia sẻ vốn có thể được khơi dậy giữa tất cả các nước. Bao lâu quyền này không được bảo đảm – và con đường vẫn còn dài – thì có nhiều người vẫn sẽ phải ra đi tìm kiếm một cuộc sống tốt hơn.
“Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han” (Mt 25, 35-36). Những lời này khuyến khích chúng ta nhận ra nơi người di cư không chỉ là một người anh em hay chị em nghèo túng, mà còn là chính Chúa Kitô đang gõ cửa nhà chúng ta. Đó là lý do tại sao, trong khi làm việc để mọi cuộc di cư đều là kết quả của một sự chọn lựa tự do, chúng ta được mời gọi có sự tôn trọng lớn nhất đối với phẩm giá của mỗi người di cư. Điều đó ngụ ý đồng hành và quản lý các luồng di cư theo cách tốt nhất có thể, bằng cách xây dựng những chiếc cầu, chứ không phải là những bức tường, bằng cách mở rộng các kênh cho việc di cư an toàn và hợp thức. Bất cứ ở đâu chúng ta quyết định xây dựng tương lai của mình, nơi đất nước chúng ta sinh ra hay nơi khác, điều quan trọng là luôn có một cộng đồng sẵn sàng đón tiếp, bảo vệ, thăng tiến và hội nhập mỗi người, không phân biệt và không bỏ rơi bất kỳ ai. Hành trình hiệp hành mà chúng ta thực hiện với tư cách Giáo hội dẫn chúng ta đến chỗ nhìn thấy nơi những người dễ bị tổn thương nhất – và trong số họ có nhiều người di cư và tỵ nạn – là những người bạn đồng hành đặc biệt, yêu thương và chăm sóc như là anh chị em. Chính khi bước đi cùng nhau mà chúng ta sẽ có thể đi xa hơn và đạt tới mục đích chung của hành trình của mình.
Rôma, Đền thờ thánh Gioan Latêranô, ngày 11 tháng 5 năm 2023
PHANXICÔ
Cầu nguyện
Lạy Thiên Chúa là Cha toàn năng
xin ban cho chúng con ơn dấn thân với lòng nhiệt thành
vì công lý, tình liên đới và hòa bình,
để tất cả con cái của Chúa được bảo đảm tự do chọn lựa di cư hay ở lại.
Xin ban cho chúng con can đảm tố giác
tất cả những nỗi kinh hoàng của thế giới chúng con,
đấu tranh chống lại mọi bất công
đang làm biến dạng vẻ đẹp của các thụ tạo của Chúa
và sự hài hòa của ngôi nhà chung của chúng con.
Xin nâng đỡ chúng con bằng sức mạnh của Thánh Thần Chúa,
để chúng con có thể biểu lộ sự dịu dàng của Chúa
cho mỗi người di cư mà Chúa đặt trên đường đi của chúng con
và lan tỏa nơi các tâm hồn và trong mọi môi trường
nền văn hóa gặp gỡ và bảo vệ.
————————————-
Tý Linh chuyển ngữ
(nguồn: vatican.va)
Tags: Di dân, Phanxicô-I
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- “HÃY ĐẾN TẤT CẢ CÁC NHÀ TÙ”
- LAO ĐỘNG: PHÚC LÀNH HAY HÌNH PHẠT THEO THÁNH KINH?
- CÔNG ÍCH THƯỜNG BỊ PHỚT LỜ TRONG HÀNH ĐỘNG
- NICARAGUA: CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC BỊ TRỤC XUẤT ĐẾN GUATEMALA
- NÊN THÁNH, ĐÓ LÀ “ĐỂ MÌNH ĐƯỢC BIẾN ĐỔI BỞI SỨC MẠNH CỦA TÌNH YÊU THIÊN CHÚA”
- NGƯỜI CÔNG GIÁO, NHỮNG NHÀ VÔ ĐỊCH HOẠT ĐỘNG TÌNH NGUYỆN Ở PHÁP
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 13. MỘT BỨC THƯ ĐƯỢC VIẾT BỞI THÁNH THẦN CỦA THIÊN CHÚA HẰNG SỐNG : ĐỨC MARIA VÀ CHÚA THÁNH THẦN
- Ở RÔMA, SỰ TRIỂN LÃM ĐÁNG KINH NGẠC VỀ VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG THÁNH PHÊRÔ NHỜ TRÍ TUỆ NHÂN TẠO
- ĐỨC TGM JUSTIN WELBY, NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU GIÁO HỘI ANH GIÁO, TỪ CHỨC
- NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO: ĐỨC PHANXICÔ SẼ DÙNG BỮA TRƯA VỚI 1.300 NGƯỜI NGHÈO
- SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ CHO NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO LẦN THỨ VIII (2024) : TRỞ THÀNH BẠN HỮU CỦA NGƯỜI NGHÈO
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT XXXII THƯỜNG NIÊN NĂM B: CHỐNG LẠI CÁM DỖ ĐẠO ĐỨC GIẢ
- Ở TRƯỜNG ĐẠI HỌC, BÀI HỌC CỦA ĐỨC PHANXICÔ VỀ KIẾN THỨC BẰNG XƯƠNG BẰNG THỊT
- CHA ROBERTO PASOLINI, TÂN GIẢNG THUYẾT CỦA PHỦ GIÁO HOÀNG
- ĐỐI VỚI ĐỨC PHANXICÔ, HIẾN MÁU LÀ NGUỒN VUI VÀ BẰNG CHỨNG CỦA TÌNH YÊU
- ĐỐI VỚI TÒA THÁNH, NẠN PHÂN BIỆT CHỦNG TỘC TRỰC TUYẾN ĐÒI HỎI MỘT QUY ĐỊNH MỚI
- ĐỨA TRẺ BÊN TRONG
- ĐHY PAROLIN GỬI LỜI CHÚC TỐT ĐẸP NHẤT TỚI TRUMP VỀ CHIẾN THẮNG BẦU CỬ
- NGƯỜI HÀNH HƯƠNG TRÚT BỎ NHỮNG GÌ THỪA THÃI VÀ TIẾN BƯỚC HƯỚNG TỚI NIỀM HY VỌNG
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 12. « CHÚA THÁNH THẦN CHUYỂN CẦU CHO CHÚNG TA ». CHÚA THÁNH THẦN VÀ KINH NGUYỆN KITÔ GIÁO