SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO NGÀY THẾ GIỚI HÒA BÌNH 2022: TRỞ THÀNH NHỮNG NGƯỜI KIẾN TẠO HÒA BÌNH

Written by xbvn on Tháng Mười Hai 31st, 2021. Posted in Học thuyết xã hội, Lm Võ Xuân Tiến, Sứ điệp, Thế Giới, Tý Linh

« Tôi muốn đề nghị ba con đường để  xây dựng một nền hòa bình bền vững. Trước hết, sự đối thoại giữa các thế hệ như là cơ sở cho việc thực hiện các dự án chung. Thứ hai, giáo dục xét như là nhân tố của tự do, trách nhiệm và phát triển. Cuối cùng, lao động để thể hiện trọn vẹn nhân phẩm. Ba yếu tố này là thiết yếu cho việc « xây dựng một hiệp ước xã hội », mà không có nó, mọi dự án hòa bình đều không bền vững. »

Đức Thánh Cha Phanxicô đã kêu gọi như thế trong Sứ điệp cho ngày thế giới hòa bình lần thứ 55, sẽ diễn ra vào ngày 1/1/2022, và được công bố hôm 21/12/2021. Ngày Thế giới hòa bình được Đức Phaolô VI thiết lập trong sứ điệp vào tháng 12/1967 và được cử hành lần đầu tiên vào tháng 1/1968, với bối cảnh cuộc chiến tranh Việt Nam và lời kêu gọi ngừng bắn trong cuộc xung đột này kéo dài từ năm 1955.

Để xây dựng “con đường hòa bình”, Đức Phanxicô nhắc nhở “có một « kiến trúc » của hòa bình, trong đó các thể chế khác nhau của xã hội can thiệp, và có một « công trình thủ công » của hòa bình vốn bao hàm mỗi cá nhân chúng ta. Mỗi người có thể cộng tác vào việc xây dựng một thế giới hòa bình hơn : từ tâm hồn của chính mình và từ các mối quan hệ trong gia đình, trong xã hội và với môi trường, cho đến những mối tương quan giữa các dân tộc và giữa các Nhà nước“.

Trong sứ điệp năm nay, Đức Thánh Cha đặc biệt lo lắng vì việc chi tiêu quân sự ngày càng gia tăng, đang khi việc đầu tư vào giáo dục đang ngày càng giảm đi. Vì thế, ngài kêu gọi một sự đảo ngược chi tiêu, bởi vì « việc theo đuổi một tiến trình giải trừ quân bị quốc tế thực sự chỉ có thể dẫn đến những lợi ích to lớn cho sự phát triển của các dân tộc và quốc gia bằng cách giải phóng các nguồn lực tài chính để sử dụng cách thích hợp hơn cho y tế, trường học, cơ sở hạ tầng, chăm sóc lãnh thổ… ».

Dưới đây là sứ điệp của Đức Thánh Cha :

Đối thoại giữa các thế hệ, giáo dục và lao động : những công cụ để xây dựng một nền hòa bình bền vững

  1. « Đẹp thay trên đồi núi bước chân của sứ giả loan báo bình an » (Is 52, 7)

Những lời này của ngôn sứ Isaia diễn tả sự an ủi, sự thở phào nhẹn nhõm của một dân tộc bị lưu đày, cạn kiệt vì bạo lực và nguợc đãi, bị phơi bày trước sự đối xử tàn tệ và cái chết. Ngôn sứ Barúc đã tự vấn : « Vì đâu, Ít-ra-en hỡi, vì đâu  ngươi phải nương thân trên đất thù địch, phải mòn hao nơi xứ lạ quê người ? Vì đâu ngươi bị nhiễm uế giữa đám thây ma, phải nằm chung với những người ở trong âm phủ ? » (3, 10-11). Đối với những người này, sự xuất hiện của sứ giả hòa bình có nghĩa là niềm hy vọng về một sự tái sinh trên những đống đổ nát của lịch sử, khởi đầu của một tương lai tươi sáng.

Cả hôm nay nữa, con đường hòa bình mà thánh Phaolô VI đã gọi bằng danh xưng mới là sự phát triển toàn diện (1), không may vẫn còn xa rời với thực tế của nhiều người nam và người nữ, và do đó, với thực tế của gia đình nhân loại, giờ đây hoàn toàn liên kết với nhau. Bất chấp nhiều nỗ lực nhắm đến một cuộc đối thoại mang tính xây dựng giữa các quốc gia, tiếng ồn chói tai của các cuộc chiến tranh và xung đột đang càng lan rộng, khi các căn bệnh theo cùng tỷ lệ đại dịch đang tiến triển, các hậu quả của sự biến đổi khi hậu và của sự xuống cấp của môi trường đang gia tăng, bị kịch của tình trạng đói khát càng nghiêm trọng và một mô hình kinh tế dựa trên chủ nghĩa cá nhân thay vì trên sự chia sẻ liên đới, đang tiếp tục thống trị. Ngay cả hôm nay nữa, cũng như vào thời các ngôn sứ thuở xưa, tiếng kêu than của người nghèo và của trái đất (2) vẫn không ngừng nổi lên để cầu xin công lý và hòa bình.

Ở mỗi thời kỳ, hòa bình vừa là một ân huệ từ trời vừa là hoa trái của một sự dấn thân chung. Quả thế, có một « kiến trúc » của hòa bình, trong đó các thể chế khác nhau của xã hội can thiệp, và có một « công trình thủ công » của hòa bình vốn bao hàm mỗi cá nhân chúng ta (3). Mỗi người có thể cộng tác vào việc xây dựng một thế giới hòa bình hơn : từ tâm hồn của chính mình và từ các mối quan hệ trong gia đình, trong xã hội và với môi trường, cho đến những mối tương quan giữa các dân tộc và giữa các Nhà nước.

Ở đây, tôi muốn đề nghị ba con đường để  xây dựng một nền hòa bình bền vững. Trước hết, sự đối thoại giữa các thế hệ như là cơ sở cho việc thực hiện các dự án chung. Thứ hai, giáo dục xét như là nhân tố của tự do, trách nhiệm và phát triển. Cuối cùng, lao động để thể hiện trọn vẹn nhân phẩm. Ba yếu tố này là thiết yếu cho việc « xây dựng một hiệp ước xã hội » (4), mà không có nó, mọi dự án hòa bình đều không bền vững.

  1. Đối thoại giữa các thế hệ để xây dựng hòa bình

Trong một thế giới vẫn còn bị giày vò bởi cơn đại dịch gây ra biết bao đau thương, « một số người cố gắng chạy trốn thực tại bằng cách ẩn náu trong thế giới của mình, một số khác đương đầu với nó bằng cách dùng đến bạo lực hủy diệt. Thế nhưng, giữa sự dửng dưng ích kỷ và sự phản kháng bạo lực, có một lựa chọn luôn luôn khả thi : đối thoại. Đối thoại giữa các thế hệ » (5).

Bất kỳ cuộc đối thoại chân thành nào, ngay cả khi nó thiếu đi tính biện chứng đúng đắn và tích cực, luôn đòi hỏi một sự tin tưởng cơ bản giữa những người đối thoại. Chúng ta phải tìm lại được sự tin tưởng lẫn nhau này ! Cuộc khủng hoảng y tế hiện nay đã làm gia tăng cảm giác cô đơn và khép kín nơi chính mình đối với tất cả mọi người. Sự cô đơn của người cao tuổi đi kèm với một cảm giác bất lực và sự thiếu vắng một ý tưởng chung về tương lai nơi người trẻ. Cuộc khủng hoảng này chắc chắn rất đau đớ. Nhưng đó cũng là một cuộc khủng hoảng có thể mang lại những điều tốt nhất của con người. Quả thế, trong thời gian đại dịch, chúng ta  đã thấy những chứng tá quảng đại về lòng trắc ẩn, chia sẻ và liên đới trên toàn thế giới.

Đối thoại hệ tại lắng nghe nhau, thảo luận, đồng thuận và bước đi cùng nhau. Củng cố tất cả điều đó giữa các thế hệ có nghĩa là cày xới mảnh đất rắn và cằn cỗi của xung đột và loại bỏ để vun trồng hạt giống hòa bình bền vững và chung sống.

Khi sự phát triển công nghệ và kinh tế thường chia rẽ các thế hệ, thì những cuộc khủng hoảng hiện đại cho thấy tính cấp bách của mối liên minh của họ. Một mặt, người trẻ cần đến kinh nghiệm hiện sinh, khôn ngoan và tâm linh của người cao tuổi ; mặt khác, người cao tuổi cần sự nâng đỡ, tình cảm, tính sáng tạo và sự năng động của người trẻ.

Những thách đố xã hội to lớn và những tiến trình kiến tạo hòa bình không thể tách rời với cuộc đối thoại giữa những người gìn giữ ký ức –người cao tuổi – và những người làm cho lịch sử tiến tới – người trẻ – ; cũng không thể tách rời với sự sẵn sàng của mỗi người dành chỗ cho người khác, để không tham vọng chiếm lĩnh toàn bộ sân khấu khi theo đuổi những lợi ích trước mắt như thể không có quá khứ lẫn tương lai. Cuộc khủng hoảng thế giới mà chúng ta đang trải qua cho thấy rằng gặp gỡ và đối thoại giữa các thế hệ là động cơ của một chính sách lành mạnh vốn không chỉ bằng lòng ở việc quản lý hiện tại « với các bản vá lỗi hay  các giải pháp nhanh chóng » (6), nhưng còn được đề nghị như là một hình thức yêu thương nổi bật đối với tha nhân (7), trong việc tìm kiếm những dự án chung và bền vững.

Đối diện với những khó khăn, nếu chúng ta biết thực hành cuộc đối thoại liên thế hệ này, thì « chúng ta sẽ có thể bén rễ sâu vào hiện tại, và từ đó, năng lui tới quá khứ và tương lai : năng lui tới quá khứ, để học biết từ lịch sử và để chữa lành những vết thương đôi khi chi phối chúng ta ; năng lui tới tương lai để nuôi dưỡng lòng nhiệt huyết, làm nảy sinh những ước mơ, khơi dậy những lời ngôn sứ, làm cho hy vọng nở hoa. Bằng cách này, chúng ta sẽ có thể, hiệp nhất, học hỏi lẫn nhau » (8). Không có rễ thì làm sao cây cối có thể mọc lên và trổ sinh hoa trái ?

Hãy nghĩ đến vấn đề chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta là đủ. Quả thế, môi trường là « một món vay mà mỗi thế hệ nhận được và phải truyền lại cho thế hệ sau » (9). Vì thế, chúng ta phải đánh giá cao và khuyến khích nhiều bạn trẻ đang dấn thân vì một thế giới công bằng hơn và quan tâm đến việc bảo vệ công trình tạo dựng được giao phó cho chúng ta chăm sóc. Họ làm như thế với sự quan tâm và nhiệt huyết, và nhất là với một ý thức trách nhiệm trước sự thay đổi khẩn cấp hướng đi (10) mà chúng ta bị bó buộc bởi những khó khăn nảy sinh từ cuộc khủng hoảng đạo đức và môi trường-xã hội hiện nay (11).

Vả lại, khả năng cùng nhau xây dựng những con đường hòa bình không thể tách rời với việc giáo dục lao động vốn là những nơi và bối cảnh ưu đãi cho việc đối thoại liên thế hệ. Chính giáo dục cung cấp ngữ pháp cho việc đối thoại giữa các thế hệ, và chính trong kinh nghiệm về lao động mà người nam và người nữ của các thế hệ khác nhau thấy mình phải cộng tác, trao đổi kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng vì công ích.

  1. Giảng dạy và giáo dục như là những động cơ của hòa bình

Trong những năm vừa qua, ngân sách dành cho giáo dục và giảng dạy, được coi là chi tiêu thay vì đầu tư, đã giảm đáng kể trên toàn thế giới. Tuy nhiên, chúng là những phương tiện đầu tiên của sự phát triển con người toàn diện : chúng làm cho con người trở nên tự do và trách nhiệm hơn và chúng cần thiết cho việc bảo vệ và thăng tiến hòa bình. Nói cách khác, giảng dạy và giáo dục là những nền tảng của một xã hội hiệp nhất, văn minh, có khả năng tạo ra hy vọng, sự giàu có và tiến bộ.

Trái lại, những chi tiêu quân sự đã gia tăng, vượt quá mức được ghi nhận lúc kết thúc « chiến tranh lạnh », và chúng dường như phải tăng lên một cách quá đáng (12).

Vì thế, thật đúng lúc và cấp bách để tất cả những ai có trách nhiệm quản trị xây dựng những chính sách kinh tế dự kiến đảo ngược mối tương quan giữa đầu tư công vào giáo dục và ngân sách dành cho vũ trang. Vả lại, việc theo đuổi một tiến trình giải trừ quân bị quốc tế thực sự chỉ có thể dẫn đến những lợi ích to lớn cho sự phát triển của các dân tộc và quốc gia bằng cách giải phóng các nguồn lực tài chính để sử dụng cách thích hợp hơn cho y tế, trường học, cơ sở hạ tầng, chăm sóc lãnh thổ…

Tôi hy vọng rằng việc đầu tư vào giáo dục được đi kèm với sự dấn thân lớn hơn để thúc đẩy nền văn hóa chăm sóc (13). Nền văn hóa này, đối diện với những rạn nứt của xã hội và sự trơ ì của các thể chế, có thể trở thành ngôn ngữ chung phá vớ các rào cản và xây dựng những cầu nối. « Một đất nước phát triển khi có sự đối thoại mang tính xây dựng giữa các nền văn hóa phong phú khác nhau : văn hóa đại chúng, văn hóa đại học, văn hóa giới trẻ, văn hóa nghệ thuật và công nghệ, văn hóa kinh tế và văn hóa gia đình, và văn hóa truyền thông » (14). Vì thế, điều cần thiết là hình thành một mô hình văn hóa mới thông qua « một hiệp ước giáo dục toàn cầu cho và với các thế hệ trẻ, liên quan đến các gia đình, các cộng đồng, các trường học và đại học, các thể chế, các tôn giáo, nhà cầm quyền, toàn thể nhân loại, trong việc đào tạo những con người trưởng thành » (15). Một hiệp ước thúc đẩy việc giáo dục về nền sinh thái toàn diện theo một mô hình văn hóa hòa bình, phát triển và bền vững, tập trung vào tình huynh đệ và liên minh giữa con người và môi trường (16).

Đầu tư vào giảng dạy và giáo dục các thế hệ trẻ là con đường chính yếu,  thông qua sự chuẩn bị đặc thù, dẫn dắt họ đến chỗ có được một chỗ đứng đúng đắn trong thế giới lao động (17).

  1. Thúc đẩy và đảm bảo lao động sẽ xây dựng hòa bình

Lao động là một nhân tố cần thiết để xây dựng và bảo vệ hòa bình. Nó là sự thể hiện bản thân và những năng khiếu của bản thân, nhưng cũng là nỗ lực, sự mệt mỏi, sự cộng tác với người khác, vì chúng ta luôn lao động với hay cho ai đó. Trong viễn cảnh xã hội mạnh mẽ này, lao động là nơi chúng ta học biết mang lại sự đóng góp của chúng ta cho một thế giới đáng sống và tươi đẹp hơn.

Đại dịch Covid-19 đã làm cho hoàn cảnh của thế giới lao động nên tồi tệ hơn, vốn đã đối mặt với nhiều thách thức. Hàng triệu hoạt động kinh tế đã bị phá sản ; người lao động bấp bênh ngày càng lộ diện ; nhiều người đảm trách những dịch vụ thiết yếu đang bị phớt lờ hơn bởi ý thức công cộng và chính trị ; trong nhiều trường hợp, việc giảng dạy từ xa đã gây ra sự sa sút trong học tập và con đường học vấn. Những người trẻ tham gia thị trường lao động và những người lớn nạn nhân của thất nghiệp ngày nay đang đối mặt với những viễn cảnh tồi tệ.

Cách riêng, tác động của cuộc khủng hoảng đến nền kinh tế phi chính thức, vốn thường liên quan đến lao động di dân, đã có sức tàn phá. Nhiều người trong số họ không được luật pháp quốc gia công nhận, như thể họ không tồn tại. Họ sống trong những điều kiện rất bấp bênh, họ và gia đình của họ,  đối mặt với nhiều hình thức nô dịch khác nhau và không có hệ thống phúc lợi bảo vệ họ. Thêm vào đó là sự kiện rằng hiện chỉ có một phần ba dân số thế giới trong độ tuổi lao động hưởng được  một hệ thống bảo vệ xã hội, hoặc có thể hưởng lợi từ đó một cách hạn chế. Nơi nhiều nước, bạo lực và tội phạm có tổ chức đang gia tăng, bóp nghẹt tự do và phẩm giá của con người, đầu độc nền kinh tế và ngăn cản công ích phát triển. Câu trả lời cho các hoàn cảnh này chỉ có thể thông qua việc mở rộng các khả năng lao động xứng đáng.

Quả thế, lao động là cơ sở để xây dựng công lý và tình liên đới trong mọi cộng đồng. Đó là lý do tại sao « chúng ta không được tìm cách để tiến bộ cộng nghệ ngày càng thay thế lao động của con người, vì chính nhân loại sẽ suy thoái. Lao động là một sự cần thiết, nó là một phần ý nghĩa của cuộc sống trên trái đất này, nó là con đường trưởng thành, phát triển con người và thể hiện bản thân » (18). Chúng ta phải tập hợp các ý tưởng và nỗ lực để tạo ra những điều kiện và tìm ra những  giải pháp để mọi người trong độ tuổi lao động có khả năng, qua lao động của mình, đóng góp vào cuộc sống của gia đình mình và của xã hội.

Thật cấp bách hơn bao giờ hết để thúc đẩy trên toàn thế giới những điều kiện lao động đàng hoàng và xứng đáng, hướng đến công ích và việc bảo vệ công trình tạo dựng. Cần phải đảm bảo và nâng đỡ quyền tự do sáng kiến của các doanh nghiệp và, đồng thời, phát triển một trách nhiệm xã hội mới mẻ để lợi nhuận không phải là tiêu chí hướng dẫn duy nhất.

Trong viễn cảnh này, phải khuyến khích, đón nhận và nâng đỡ các sáng kiến mà, ở mọi bình diện, thúc đẩy các doanh nghiệp  tôn trọng các quyền căn bản của người lao động, bằng cách nâng cao nhận thức không chỉ của các thể chế nhưng còn của người  tiêu dùng, xã hội dân sự và các doanh nghiệp. Các thành phần này càng ý thức về vai trò xã hội của họ, thì họ càng trở nên những nơi trong đó nhân phẩm được thực thi, và như thế tham gia vào việc xây dựng hòa bình. Về chủ đề này, chính trị được mời gọi đóng một vai trò tích cực bằng cách thúc đẩy một sự cân bằng đúng đắn giữa tự do kinh tế và công bằng xã hội. Tất cả những ai làm việc trong lãnh vực này, bắt đầu từ các công nhân và doanh nhân Công giáo, có thể tìm thấy những định hướng chắc chắn trong Học thuyết xã hội của Giáo hội.

Anh chị em thân mến, đang khi chúng ta tìm cách liên kết các nỗ lực của mình để thoát khỏi đại dịch, tôi muốn nói lại lòng biết ơn của tôi đối với tất cả những ai đã dấn thân, và đang tiếp tục tận tụy cách quảng đại và trách nhiệm, để đảm bảo việc giáo dục, sự an toàn và việc bảo vệ các quyền, để mang lại sự săn sóc y tế, tạo điều kiện gặp gỡ giữa gia đình và bệnh nhân, bảo đảm hỗ trợ kinh tế cho người nghèo hay người thất nghiệp. Và tôi đảm bảo với tất cả các nạn nhân và gia đình của họ bằng lời cầu nguyện của tôi.

Đối với các nhà cầm quyền và tất cả những ai có trách nhiệm chính trị và xã hội, các mục tử và các nhà lãnh đạo của các cộng đoàn Giáo hội, cũng như tất cả những người nam va người nữ thiện chí, tôi kêu gọi chúng ta cùng nhau bước đi trên ba con đường này : đối thoại giữa các thế hệ, giáo dục và lao động ; cách can đảm và sáng tạo. Và ước gì ngày càng có nhiều người, không gây ồn ào, nhưng với sự khiêm tốn và bền bỉ, ngày qua ngày đang trở thành những người kiến tạo hòa bình. Và xin Phúc lành của Thiên Chúa bình an luôn đi trước và đồng hành với họ.

Vatican, ngày 8 tháng 12 năm 2021

PHANXICÔ

————————————-

(1) X. Thông điệp  Populorum progressio (26/3/1967), số 76ss.

(2) X. Thông điệp Laudato si’ (24 /5/ 2015), số 49.

(3) X. Thông điệp  Fratelli tutti (3 /10/ 2020), số 231.

(4) Ibid., số 218.

(5) Ibid., số 199.

(6) Ibid., số 179.

(7) X.  Ibid., số 180.

(8) Tông huấn Christus vivit (25 /3/ 2019), số 199.

(9) Thông điệp Laudato si’ (24 /5/ 2015), số 159.

(10) X.  Ibid., các số 163 ; 202.

(11) X.   Ibid., số 139.

(12) X.  Sứ điệp gởi cho các tham dự viên diễn đàn Paris lần thứ IV về hòa bình, 11-13 /11/ 2021.

(13) X. Thông điệp  Laudato si’ (24 /5/2015), số 231; Sứ điệp Ngày thế giới hòa bình lần thứ 54. Nền văn hóa chăm sóc như là hành trình hòa bình  (8 /12/ 2020).

(14) Thông điệp  Fratelli tutti (3 /10/ 2020), số 199.

(15) Sứ điệp video cho Hiệp ước toàn cầu về Giáo dục. Cùng nhau nhìn xa hơn  (15 /10/ 2020).

(16) X. Sứ điệp video cho Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến cấp cao về Tham vọng khí hậu (13 /12/ 2020), số 18.

(17) X. Thánh Gioan-Phaolô II, Thông điệp Laborem exercens (14 /9/ 1981), số 18.

(18) Thông điệp  Laudato si’  (24 /5/ 2015), số 128.

——————————-

Tý Linh chuyển ngữ

(nguồn: vatican.va)

Tags: ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Hai 2024
H B T N S B C
« Th11    
  1
2 3 4 5 6 7 8
9 10 11 12 13 14 15
16 17 18 19 20 21 22
23 24 25 26 27 28 29
30 31