SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN THÔNG XÃ HỘI LẦN THỨ 58, NĂM 2024 : LỚN LÊN TRONG NHÂN TÍNH

Written by xbvn on Tháng Một 25th, 2024. Posted in Học thuyết xã hội, Luân lý, Nhân bản, Sứ điệp, Tâm linh, Thế Giới, Tý Linh

« Sự tiến triển của các hệ thống “trí tuệ nhân tạo” cũng đang thay đổi một cách triệt để thông tin và truyền thông. » Đó là mối quan tâm của Đức Thánh Cha Phanxicô bày tỏ trong Sứ điệp của ngài cho Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 58, được cử hành vào ngày 24 tháng 1 hằng năm nhân ngày lễ Thánh Phanxicô Salê, vị thánh bảo trợ của các nhà báo. Đức Thánh Cha kêu gọi chúng ta kết hợp trí tuệ nhân tạo và sự khôn ngoan của trái tim vì một nền truyền thông nhân văn trọn vẹn.

Qua sứ điệp này, Đức Thánh Cha tiếp tục cho thấy « thuật toán không hề trung lập », do đó cần phải có « các mô hình quy định đạo đức nhằm hạn chế những tác động có hại », cũng như « thông qua một hiệp ước quốc tế mang tính ràng buộc nhằm quản lý việc phát triển và sử dụng trí tuệ nhân tạo dưới nhiều hình thức của nó ». Tuy nhiên, quy định vẫn chưa đủ. Điều quan trọng vẫn là « lớn lên trong nhân tính », bởi vì « chỉ bằng cách trang bị cho mình một cái nhìn tâm linh, bằng cách tái khám phá sự khôn ngoan của trái tim, thì chúng ta mới có thể đọc và giải thích sự mới mẻ của thời đại chúng ta và khám phá lại con đường của một nền truyền thông nhân văn trọn vẹn ».

Dưới đây là toàn văn sứ điệp :

Trí tuệ nhân tạo và sự khôn ngoan của trái tim :

Vì một nền truyền thông nhân văn trọn vẹn

Anh chị em thân mến !

Sự tiến triển của các hệ thống “trí tuệ nhân tạo”, mà tôi đã suy tư trong Sứ điệp cho Ngày Thế giới Hòa bình gần đây, cũng đang thay đổi một cách triệt để thông tin và truyền thông, và qua chúng, một số nền tảng của việc chung sống dân sự. Đây là một sự thay đổi ảnh hưởng đến tất cả mọi người, chứ không chỉ các chuyên gia. Sự phổ biến nhanh chóng của những phát minh đáng kinh ngạc, mà hầu hết chúng ta đều không biết đến sự vận hành và tiềm năng của chúng, khơi dậy một sự bối rối dao động giữa sự nhiệt tình và sự mất phương hướng và chắc chắn khiến chúng ta phải đối mặt với những câu hỏi cơ bản: con người là gì, tính đặc thù của nó là gì và đâu sẽ là tương lai của loài mà chúng ta gọi là homo sapiens ở kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo? Làm thế nào vẫn là nhân văn trọn vẹn và định hướng sự biến động văn hóa hiện tại đi đúng hướng?

Từ trái tim

Trước hết, cần phải gạt bỏ những lối giải thích duy thảm hại và những kết quả làm tê liệt của chúng. Đã một thế kỷ trước, Romano Guardini, khi suy nghĩ về kỹ thuật và con người, đã mời gọi chúng ta đừng cứng nhắc chống lại cái “mới” để nỗ lực “bảo tồn một thế giới tươi đẹp bị buộc phải biến mất”. Đồng thời, ông đưa ra lời cảnh báo khẩn cấp mang tính ngôn sứ: “Chúng ta liên tục trong quá trình trở thành. Chúng ta phải đi vào quá trình này, mỗi người theo cách riêng của mình, với sự cởi mở nhưng cũng nhạy cảm với mọi thứ vốn mang tính hủy diệt và phi nhân trong đó.” Và ông kết luận: “Quả thật, đây là những vấn đề kỹ thuật, khoa học và chính trị; nhưng những vấn đề này chỉ có thể được giải quyết bắt đầu từ con người. Họ phải hình thành một mẫu người mới, được phú cho một nền linh đạo sâu sắc hơn, một sự tự do và nội tâm mới”. [1]

Trong thời đại có nguy cơ giàu có về kỹ thuật và nghèo nàn về nhân tính này, suy tư của chúng ta chỉ có thể bắt đầu từ trái tim con người. [2] Chỉ bằng cách trang bị cho mình một cái nhìn tâm linh, bằng cách tái khám phá sự khôn ngoan của trái tim, thì chúng ta mới có thể đọc và giải thích sự mới mẻ của thời đại chúng ta và khám phá lại con đường của một nền truyền thông nhân văn trọn vẹn. Trái tim, được hiểu theo Thánh Kinh là trụ sở của sự tự do và những quyết định quan trọng nhất của cuộc sống, là biểu tượng của sự liêm khiết, của sự hiệp nhất, nhưng nó cũng gợi lên những tình cảm, những ước muốn, những ước mơ, và nhất là, nó là nơi nội tâm để gặp gỡ Thiên Chúa. Do đó, sự khôn ngoan của trái tim là nhân đức cho phép chúng ta kết hợp toàn bộ và các bộ phận, các quyết định và hậu quả của chúng, các đỉnh cao và sự mong manh, quá khứ và tương lai, cái tôi và cái chúng ta.

Sự khôn ngoan của trái tim này để cho những ai tìm kiếm nó tìm thấy nó và để cho những ai yêu mến nó nhìn thấy nó; nó đi trước những ai khao khát nó và đi tìm những người xứng đáng với nó (x. Kn 6, 12-16). Nó ở với những ai chấp nhận lời khuyên (x. Cn 13, 10), với những ai có trái tim ngoan ngoãn, một trái tim biết lắng nghe (x. 1V 3, 9). Nó là một hồng ân của Chúa Thánh Thần, cho phép nhìn mọi sự bằng cái nhìn của Thiên Chúa, hiểu được những mối liên hệ, các hoàn cảnh, các sự kiện và khám phá ý nghĩa của chúng. Không có sự khôn ngoan này, cuộc sống trở nên vô vị, bởi vì chính sự khôn ngoan – mà từ gốc Latinh sapere của nó liên hệ nó với hương vị – mới mang lại hương vị cho cuộc sống.

Cơ hội và nguy hiểm

Chúng ta không thể mong đợi sự khôn ngoan này từ máy móc. Mặc dù thuật ngữ trí tuệ nhân tạo ngày nay đã thay thế thuật ngữ đúng đắn hơn được sử dụng trong văn chương khoa học, đó là thuật ngữ học máy, nhưng chính việc sử dụng từ “trí tuệ” là đánh lừa. Máy móc chắc chắn có khả năng lớn hơn rất nhiều so với con người trong việc ghi nhớ dữ liệu và kết nối chúng lại với nhau, nhưng chỉ con người mới có thể giải mã được ý nghĩa của nó. Do đó, vấn đề không phải là đòi hỏi máy móc phải có vẻ là con người. Đúng hơn, đó là vấn đề đánh thức con người khỏi trạng thái thôi miên mà nó rơi vào do hoang tưởng về sự toàn năng, tin mình là một chủ thể hoàn toàn tự trị và tự quy chiếu, tách biệt khỏi mọi ràng buộc xã hội và quên mất địa vị thụ tạo của mình.

Trên thực tế, con người luôn cảm nghiệm rằng bản thân mình thì chưa đủ và nó cố gắng vượt qua sự tổn thương của mình bằng mọi cách. Từ những đồ vật thời tiền sử đầu tiên, được sử dụng như một phần mở rộng của cánh tay, cho đến các phương tiện truyền thông được sử dụng như một phần mở rộng của lời nói, ngày nay chúng ta đã đạt tới những máy móc tinh vi nhất đóng vai trò hỗ trợ cho tư duy. Tuy nhiên, mỗi thực tại này có thể bị ô nhiễm bởi cơn cám dỗ ban đầu muốn trở nên như Thiên Chúa mà không có Thiên Chúa (x. St 3), nghĩa là muốn chinh phục bằng sức riêng của mình những gì trái lại phải được đón nhận như một món quà của Thiên Chúa và được sống trong mối quan hệ với người khác.

Tùy theo định hướng của trái tim mà mọi thứ trong tay con người đều trở thành cơ hội hay nguy hiểm. Chính thân xác của nó, được tạo dựng để làm nơi giao tiếp và hiệp thông, có thể trở nên hung hãn. Cũng thế, bất kỳ sự mở rộng kỹ thuật nào của con người đều có thể là một công cụ phục vụ yêu thương hoặc thống trị thù địch. Các hệ thống trí tuệ nhân tạo có thể góp phần vào quá trình giải phóng khỏi sự thiếu hiểu biết và tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi thông tin giữa các dân tộc và thế hệ khác nhau. Ví dụ, họ có thể làm cho một di sản kiến ​​thức khổng lồ được viết trong quá khứ trở nên dễ tiếp cận và dễ hiểu hoặc cho phép mọi người giao tiếp bằng những ngôn ngữ mà họ chưa biết. Nhưng chúng cũng có thể là công cụ gây “ô nhiễm nhận thức”, làm sai lệch thực tế bằng những câu chuyện sai lệch một phần hoặc hoàn toàn vốn được người ta tin – và chia sẻ – như thể chúng là sự thật. Chỉ cần nghĩ đến vấn đề thông tin sai lệch, mà chúng ta đã phải đối mặt từ nhiều năm qua dưới dạng “tin giả” [3] và ngày nay sử dụng những “siêu kỹ xảo”, nghĩa là việc tạo ra và phát sóng những hình ảnh có vẻ như hoàn toàn có thể chấp nhận nhưng hoàn toàn giả tạo (tôi cũng từng là đối tượng của nó), hoặc những tin nhắn âm thanh sử dụng giọng nói của một người để nói những điều mà họ không bao giờ nói. Kỹ thuật mô phỏng, vốn là nền tảng của các chương trình này, có thể hữu ích trong một số lĩnh vực đặc thù, nhưng nó trở nên đồi bại khi làm sai lệch mối quan hệ với người khác và với thực tại.

Về làn sóng trí tuệ nhân tạo đầu tiên, làn sóng truyền thông xã hội, chúng ta đã hiểu được tính chất hai mặt của nó, gợi lên những cơ hội cũng như những rủi ro và bệnh hoạn của nó. Cấp độ thứ hai của trí tuệ nhân tạo tạo sinh đánh dấu một bước nhảy vọt về chất không thể chối cãi. Do đó, điều quan trọng là có thể hiểu, lĩnh hội và điều chỉnh các công cụ mà nếu rơi vào tay kẻ xấu có thể dẫn đến những kịch bản tiêu cực. Cũng như mọi thứ xuất phát từ khối óc và bàn tay của con người, thuật toán không hề trung lập. Do đó, cần thiết phải hành động phòng ngừa, bằng cách đề xuất các mô hình quy định đạo đức nhằm hạn chế những tác động có hại và phân biệt đối xử, bất công về mặt xã hội, của các hệ thống trí tuệ nhân tạo và để chống lại việc sử dụng chúng nhằm làm suy giảm chủ nghĩa đa nguyên, phân cực dư luận hoặc xây dựng một tư tưởng độc nhất. Do đó, tôi tiếp tục lời kêu gọi của mình bằng cách khuyến khích “cộng đồng các quốc gia cùng nhau làm việc để thông qua một hiệp ước quốc tế mang tính ràng buộc nhằm quản lý việc phát triển và sử dụng trí tuệ nhân tạo dưới nhiều hình thức của nó”. [4] Tuy nhiên, cũng như trong mọi lĩnh vực của con người, quy định là chưa đủ.

Lớn lên trong nhân tính

Chúng ta được mời gọi cùng nhau lớn lên, trong nhân tính và với tư cách là nhân tính. Thách thức trước mắt chúng ta là thực hiện một bước nhảy vọt về chất để ngang tầm với một xã hội phức tạp, đa sắc tộc, đa nguyên, đa tôn giáo và đa văn hóa. Chúng ta phải tự vấn về sự phát triển về mặt lý thuyết và việc sử dụng thực tế những công cụ truyền thông và kiến ​​thức mới này. Những khả năng tốt đẹp lớn lao đi kèm với nguy cơ mọi thứ sẽ biến thành một phép tính trừu tượng, giảm thiểu con người thành dữ liệu, tư tưởng thành một sơ đồ, kinh nghiệm thành một trường hợp, thiện ích thành lợi nhuận, và trên hết là chúng ta cuối cùng phủ nhận tính độc đáo của mỗi người và lịch sử của họ, bằng cách làm tan biến đặc tính cụ thể của thực tại trong một loạt dữ liệu thống kê.

Cuộc cách mạng kỹ thuật số có thể khiến chúng ta tự do hơn, nhưng chắc chắn là không nếu nó nhốt chúng ta vào những mô hình mà ngày nay được biết đến với danh xưng buồng vang thông tin (chambres d’écho). Trong trường hợp này, thay vì tăng cường đa nguyên thông tin, người ta có nguy cơ lạc vào một bãi lầy vô danh, phục vụ lợi ích của thị trường hoặc quyền lực. Không thể chấp nhận được việc sử dụng trí tuệ nhân tạo dẫn đến mộtt tư tưởng ẩn danh, một tập hợp dữ liệu không xác thực, một sự thiếu trách nhiệm biên tập tập thể. Thật vậy, việc biểu thị thực tại bằng những dữ liệu lớn, cho dù nó có thể có chức năng như thế nào đối với việc quản lý máy móc, đều hàm ý sự mất mát đáng kể về chân lý của sự vật, vốn cản trở sự giao tiếp liên vị và có nguy cơ gây hại cho chính nhân loại của chúng ta. Thông tin không thể tách rời khỏi mối quan hệ hiện sinh: nó liên quan đến cơ thể, hữu thể trong thực tại; nó đòi hỏi phải đặt trong mối quan hệ không chỉ dữ liệu mà còn cả kinh nghiệm; nó đòi hỏi khuôn mặt, ánh nhìn, lòng trắc ẩn cũng như sự sẻ chia.

Tôi nghĩ đến việc đưa tin về các cuộc chiến tranh và đến “cuộc chiến song song” được tiến hành thông qua các chiến dịch thông tin sai lệch. Và tôi nghĩ đến số lượng phóng viên bị thương hoặc chết trên thực địa để cho phép chúng ta thấy được những gì mắt họ đã nhìn thấy. Bởi vì chỉ khi chạm vào nỗi đau khổ của trẻ em, của những người nữ và người nam mà chúng ta mới có thể hiểu được sự phi lý của chiến tranh.

Việc sử dụng trí tuệ nhân tạo có thể mang lại đóng góp tích cực trong lĩnh vực truyền thông, trong chừng mực nó sẽ không hủy bỏ vai trò của báo chí trong lĩnh vực này, nhưng trái lại sẽ đồng hành với nó; trong chừng mực nó sẽ tăng cường tính chuyên nghiệp của truyền thông, bằng cách trao trách nhiệm cho mỗi người truyền thông; trong chừng mực nó sẽ trả lại cho mỗi con người vai trò chủ thể của chính truyền thống, với khả năng phê bình.

Những câu hỏi cho hôm nay và ngày mai

Do đó, một số câu hỏi được đặt ra một cách tự phát: làm thế nào để bảo vệ tính chuyên nghiệp và phẩm giá của những người hoạt động trong lĩnh vực truyền thông và thông tin, cũng như của những người sử dụng trên toàn thế giới? Làm thế nào để đảm bảo khả năng tương tác của nền tảng? Làm cách nào để các công ty phát triển các nền tảng kỹ thuật số đảm nhận trách nhiệm về những gì họ phổ biến và từ đó họ thu được lợi nhuận, giống như các nhà soạn thảo các phương tiện truyền thông truyền thống? Làm thế nào làm cho các tiêu chí của các thuật toán lập chỉ mục và hủy lập chỉ mục và của các công cụ tìm kiếm, có khả năng đánh giá cao hoặc xóa bỏ con người và quan điểm, lịch sử và văn hóa, được trở nên minh bạch hơn? Làm thế nào để đảm bảo tính minh bạch của quá trình thông tin? Làm thế nào làm rõ quyền tác giả của các bài viết và khả năng truy xuất nguồn gốc, đồng thời tránh được bức màn ẩn danh? Làm thế nào để biết liệu một hình ảnh hoặc một video đại diện cho một sự kiện hay mô phỏng nó? Làm thế nào tránh được việc các nguồn bị giảm thiểu thành một nguồn duy nhất, một tư tưởng độc nhất, được phát triển theo thuật toán? Và làm thế nào thúc đẩy một môi trường bảo tồn được tính đa nguyên và thể hiện sự phức tạp của thực tại? Làm thế nào làm cho công cụ mạnh mẽ, đắt tiền và cực kỳ tốn nhiều năng lượng này trở nên bền vững? Làm thế nào làm cho nó có thể tiếp cận được với các nước đang phát triển?

Câu trả lời cho những câu hỏi này và những câu hỏi khác sẽ cho phép chúng ta hiểu được liệu trí tuệ nhân tạo cuối cùng sẽ tạo ra các đẳng cấp mới dựa trên việc làm chủ thông tin, tạo ra các hình thức bóc lột và bất bình đẳng mới, hay ngược lại, nó sẽ mang lại bình đẳng hơn, bằng cách cổ võ thông tin đúng đắn và nhận thức rõ hơn về sự thay đổi thời đại mà chúng ta đang trải qua, bằng cách thúc đẩy việc lắng nghe những nhu cầu đa dạng của con người và các dân tộc, trong một hệ thống thông tin khớp nối và đa nguyên. Một bên hiện ra bóng ma của chế độ nô lệ mới, bên kia là cuộc chinh phục tự do; một bên là khả năng một số người điều kiện hóa suy nghĩ của tất cả mọi người; bên kia là khả năng mọi người đều tham gia vào quá trình phát triển tư duy.

Câu trả lời không được viết ra, nó phụ thuộc vào chúng ta. Chính con người quyết định xem mình muốn trở thành thức ăn cho các thuật toán hay nuôi dưỡng trái tim tự do của mình, mà không có nó, chúng ta không thể lớn lên trong sự khôn ngoan. Sự khôn ngoan này trưởng thành bằng cách tận dụng thời gian và chấp nhận những điểm tổn thương. Nó lớn lên trong sự liên minh giữa các thế hệ, giữa những người có ký ức về quá khứ và những người có tầm nhìn về tương lai. Chỉ khi cùng nhau mà khả năng phân định, tỉnh thức, nhìn thấy mọi thứ từ thành tựu của chúng mới phát triển. Để không đánh mất nhân tính của mình, chúng ta hãy tìm kiếm Đức Khôn Ngoan có trước mọi sự (x. Hc 1, 4), Đức Khôn Ngoan ngang qua những trái tim trong sạch, chuẩn bị cho những người bạn của Thiên Chúa và các ngôn sứ (x. Kn 7, 27) : Đức Khôn Ngoan này sẽ giúp chúng ta điều chỉnh ngay cả các hệ thống trí tuệ nhân tạo theo một nên truyền thông nhân văn trọn vẹn.

Rôma, Đền thờ thánh Gioan Latêranô, ngày 24 tháng 1 năm 2024

PHANXICÔ

———————————————————————

[1] Lettres du Lac de Côme, Brescia 2022, pp. 95-97.

[2] Tiếp nối các Sứ điệp cho Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội trước đây về các chủ đề : Truyền thông bằng cách gặp gỡ mọi người ở nơi và như họ là (2021) ; Lắng nghe bằng trái tim (2022) ; Truyền thông bằng trái tim (2023).

[3] Cf. Sự thật sẽ giải thoát các con (Ga 8, 32). Tin giả và nền báo chí hòa bình. Sứ điệp cho Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 52, năm 2018.

[4] Sứ điệp cho Ngày Thế giới Hòa bình lần thứ 57, 1/1/2024, số 8.

———————————————–

Tý Linh chuyển ngữ

(nguồn: vatican.va)

Tags: , , ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Một 2024
H B T N S B C
« Th10    
  1 2 3
4 5 6 7 8 9 10
11 12 13 14 15 16 17
18 19 20 21 22 23 24
25 26 27 28 29 30