SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO NGÀY THIẾU NHI THẾ GIỚI LẦN I : « NÀY ĐÂY TA ĐỔI MỚI MỌI SỰ »
Trong Sứ điệp cho Ngày Thế giới Thiếu nhi lần I, sẽ diễn ra vào ngày 25-26/5/2024, với chủ đề « Này đây Ta đổi mới mọi sự », Đức Phanxicô cho thấy tầm quan trọng của thiếu nhi vì các em « là niềm vui của cha mẹ và gia đình các con, các con cũng là niềm vui của nhân loại và của Giáo hội ». Ngài đặc biết hướng sự chú ý đến các trẻ em « mà tuổi thơ của các em ngày nay vẫn bị đánh cắp một cách tàn nhẫn ».
Đức Thánh Cha cũng kêu gọi « để đổi mới chính mình và thế giới, việc chúng ta ở cùng nhau vẫn chưa đủ: Cần phải duy trì kết hiệp với Chúa Giêsu ». Vì « với Chúa Giêsu, chúng ta có thể mơ về một nhân loại mới và dấn thân vào một xã hội huynh đệ và quan tâm hơn đến ngôi nhà chung của chúng ta, bắt đầu từ những điều đơn giản, như chào hỏi người khác, xin phép, xin lỗi, cảm ơn». Và đó là « bí quyết hạnh phúc ».
Cuối cùng, ngài nhắc nhở : « Chúa Giêsu mời gọi chúng ta và muốn chúng ta cùng với Người trở thành những nhân vật chính của Ngày Thế giới này, những người xây dựng một thế giới mới, nhân bản hơn, công bằng hơn và hòa bình hơn ».
Dưới đây là toàn văn Sứ điệp của Đức Thánh Cha :
Các con thân mến,
Ngày Thế giới đầu tiên của các con đang đến gần: nó sẽ diễn ra tại Rôma vào ngày 25 và 26 tháng Năm. Đó là lý do tại sao cha nghĩ đến việc gửi một sứ điệp cho các con. Cha sẽ rất vui nếu các con có thể nhận được nó và cha cảm ơn tất cả những người sẽ góp phần trao nó cho các con.
Trước hết, cha gửi nó cho cá nhân mỗi người các con, cho con, con thân mến, bởi vì “con thật quý giá” trước mắt Thiên Chúa (Is 43, 4), như Thánh Kinh dạy chúng ta và như Chúa Giêsu đã chứng minh rất nhiều lần.
Đồng thời, cha gửi sứ điệp này đến tất cả các con, bởi vì tất cả các con đều quan trọng và bởi vì, cùng nhau, gần cũng như xa, các con đều thể hiện mong muốn của mỗi người chúng ta là phát triển và đổi mới chính mình. Các con nhắc nhở chúng tôi rằng tất cả chúng ta đều là con cái và là anh em, và không ai có thể tồn tại nếu không có ai đó đã sinh nó vào thế giới, cũng như không ai có thể lớn lên mà không có những người khác để trao ban tình yêu và đón nhận tình yêu (x. Thông điệp Fratelli tutti, số 95).
Vì vậy, hỡi các con, tất cả các con là niềm vui của cha mẹ và gia đình các con, các con cũng là niềm vui của nhân loại và của Giáo hội, trong đó mỗi người giống như một mắt xích trong một dây xích rất dài kéo dài từ quá khứ đến tương lai và bao trùm cả trái đất. Đây là lý do tại sao cha khuyên các con nên luôn chăm chú lắng nghe những câu chuyện của những người lớn: của mẹ, của cha, ông bà và ông bà cố của các con! Và đồng thời đừng quên những em trong số các con còn quá trẻ, đang phải chiến đấu chống lại bệnh tật và những khó khăn, trong bệnh viện hoặc ở nhà, những em là nạn nhân của chiến tranh và bạo lực, những em phải chịu đói khát, những em sống lang thang trên đường phố, những em bị buộc phải đi lính hoặc chạy trốn tỵ nạn, xa cách cha mẹ, những em không thể đến trường, những em là nạn nhân của các băng nhóm tội phạm, ma túy hoặc các hình thức nô lệ, lạm dụng khác. Tóm lại, tất cả những trẻ em mà tuổi thơ của các em ngày nay vẫn bị đánh cắp một cách tàn nhẫn. Hãy lắng nghe các em, chúng ta hãy thực sự lắng nghe các em, bởi vì trong nỗi đau khổ của các em, các em nói với chúng ta về thực tại, đôi mắt của các em được thanh tẩy bằng nước mắt và với lòng khao khát dai dẳng điều thiện vốn nảy sinh trong trái tim của những em đã thực sự chứng kiến sự ác khủng khiếp như thế nào.
Hỡi các bạn nhỏ của cha, để đổi mới chính mình và thế giới, việc chúng ta ở cùng nhau vẫn chưa đủ: Cần phải duy trì kết hiệp với Chúa Giêsu. Nơi Người chúng ta nhận được rất nhiều can đảm: Người luôn gần gũi, Thần Khí của Người đi trước chúng ta và đồng hành với chúng ta trên các nẻo đường của thế giới. Chúa Giêsu nói với chúng ta: “Này đây Ta đổi mới mọi sự” (Kh 21, 5); Đây là những lời cha đã chọn làm chủ đề cho Ngày Thế giới đầu tiên của các con. Những lời này mời gọi trở nên nhanh nhẹn như trẻ thơ để nắm bắt được sự mới mẻ được Chúa Thánh Thần khơi dậy trong chúng ta và xung quanh chúng ta. Với Chúa Giêsu, chúng ta có thể mơ về một nhân loại mới và dấn thân vào một xã hội huynh đệ và quan tâm hơn đến ngôi nhà chung của chúng ta, bắt đầu từ những điều đơn giản, như chào hỏi người khác, xin phép, xin lỗi, cảm ơn. Thế giới trước tiên được biến đổi bởi những điều nhỏ bé, không hề xấu hổ khi chỉ thực hiện những bước nhỏ. Ngược lại, sự nhỏ bé của chúng ta nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta mong manh và chúng ta cần nhau, như những chi thể của một thân thể (x. Rm 12, 5; 1 Cr 12, 26).
Và đó không phải là tất cả. Thật vậy, các con thân mến, chúng ta không thể hạnh phúc một mình, vì niềm vui lớn lên trong chừng mực chúng ta chia sẻ nó: nó phát sinh từ lòng biết ơn đối với những món quà chúng ta đã nhận được và những món quà mà chúng ta chia sẻ với người khác. Khi chúng ta giữ cho riêng mình những gì chúng ta đã nhận được, hoặc khi chúng ta thể hiện tính khí thất thường để có được món quà này hay món quà kia, chúng ta thực sự quên mất rằng món quà lớn nhất là chính chúng ta, dành cho nhau: chúng ta là “quà tặng của Thiên Chúa”. Những món quà khác cũng hữu ích, đúng vậy, nhưng chỉ để ở bên nhau. Nếu không sử dụng chúng vào mục đích này, chúng ta sẽ luôn bất mãn và sẽ không bao giờ có đủ.
Ngược lại, nếu chúng ta ở bên nhau thì mọi sự sẽ khác! Hãy nghĩ về bạn bè của các con: thật tuyệt vời biết bao khi được ở bên họ, ở nhà, ở trường, ở giáo xứ, ở sân chơi, ở mọi nơi; cùng nhau chơi đùa, ca hát, khám phá những điều mới mẻ, vui chơi cùng nhau mà không bỏ lại ai phía sau. Tình bạn rất đẹp và chỉ phát triển theo cách này, trong sự chia sẻ và tha thứ, với sự kiên nhẫn, can đảm, sáng tạo và trí tưởng tượng, không sợ hãi và không thành kiến.
Và giờ đây, cha muốn thổ lộ với các con một bí quyết quan trọng : để thực sự hạnh phúc, chúng ta phải cầu nguyện, cầu nguyện nhiều, mỗi ngày, bởi vì lời cầu nguyện kết nối chúng ta trực tiếp với Thiên Chúa, nó lấp đầy tâm hồn chúng ta bằng ánh sáng và sự ấm áp và giúp chúng ta làm được mọi sự với sự tự tin và thanh thản. Chúa Giêsu cũng đã luôn cầu nguyện với Chúa Cha. Và các con có biết Người gọi Chúa Cha là gì không? Trong ngôn ngữ của Người, Người chỉ gọi Chúa Cha là Abba, có nghĩa là Bố (x. Mc 14, 36). Chúng ta cũng hãy làm điều đó! Chúng ta sẽ luôn cảm thấy Người gần gũi. Chính Chúa Giêsu đã hứa với chúng ta điều này khi Người nói: “Ở đâu có hai hoặc ba người tụ tập nhân danh Thầy, thì Thầy ở đó giữa họ” (Mt 18, 20).
Các con thân mến, các con biết rằng vào tháng Năm, chúng ta sẽ gặp nhau rất đông ở Rôma, với các con, những người sẽ đến từ khắp nơi trên thế giới! Vì vậy, để chúng ta chuẩn bị tốt, cha khuyên các con, khi cầu nguyện, hãy sử dụng chính những lời cầu nguyện như những lời Chúa Giêsu đã dạy chúng ta: Kinh Lạy Cha. Hãy đọc nó vào mỗi buổi sáng và mỗi buổi tối, cũng như với gia đình, với cha mẹ, anh chị em và ông bà của các con. Nhưng không phải như một công thức, không! Hãy suy nghĩ về những lời Chúa Giêsu đã dạy chúng ta. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta và muốn chúng ta cùng với Người trở thành những nhân vật chính của Ngày Thế giới này, những người xây dựng một thế giới mới, nhân bản hơn, công bằng hơn và hòa bình hơn.
Đấng đã hiến mình trên Thập Giá để quy tụ tất cả chúng ta lại với nhau trong tình yêu, Đấng đã chiến thắng cái chết và hòa giải chúng ta với Chúa Cha, Người muốn tiếp tục công trình của mình trong Giáo Hội, qua chúng ta. Các con hãy suy nghĩ về điều này, đặc biệt là những người trong chúng con đang chuẩn bị Rước lễ lần đầu.
Các bạn thân mến, Thiên Chúa, Đấng yêu thương chúng ta luôn mãi (x. Gr 1, 5), dành cho chúng ta cái nhìn của người bố yêu thương nhất và người mẹ dịu dàng nhất. Người không bao giờ quên chúng ta (x. Is 49, 15) và đồng hành với chúng ta mỗi ngày và đổi mới chúng ta nhờ Thánh Thần của Người.
Cùng với Đức Trinh Nữ Maria và Thánh Giuse, chúng ta hãy cầu nguyện bằng những lời này:
Lạy Chúa Thánh Thần, xin ngự đến,
xin tỏ cho chúng con thấy vẻ đẹp của Ngài
được phản ánh trên khuôn mặt
các thiếu nhi trên trái đất.
Lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến,
Chúa đang đổi mới mọi sự,
Chúa là con đường dẫn chúng con đến với Chúa Cha,
xin ngự đến và ở lại với chúng con.
Amen.
Rôma, Đền thờ Thánh Gioan Latêranô, ngày 2 tháng 3 năm 2024
PHANXICÔ
————————————–
Tý Linh chuyển ngữ
(nguồn : vatican.va)
Tags: Phanxicô-I
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- THƯ VỀ VIỆC ĐỔI MỚI NGHIÊN CỨU LỊCH SỬ GIÁO HỘI
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 14. CÁC ƠN CỦA HIỀN THÊ. CÁC ĐẶC SỦNG, NHỮNG ƠN CỦA CHÚA THÁNH THẦN VÌ ÍCH CHUNG
- ẤN BẢN MỚI CỦA SÁCH BÀI ĐỌC DÀNH CHO TANG LỄ CỦA ĐỨC THÁNH CHA
- CARLO ACUTIS VÀ PIER GIORGIO FRASSATI SẼ ĐƯỢC PHONG THÁNH TRONG NĂM THÁNH
- ĐỨC PHANXICÔ: THIÊN CHÚA SẼ CÓ LỜI CUỐI CÙNG VỀ CUỘC CHIẾN Ở UCRAINA
- SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO NGÀY QUỐC TẾ GIỚI TRẺ LẦN THỨ 39 : TÔI XÂY DỰNG CUỘC SỐNG CỦA TÔI TRÊN NHỮNG NIỀM HY VỌNG NÀO ?
- SỰ KHÔNG CHẮC CHẮN TO LỚN VỀ CÁC SỐ LIỆU CỦA CUỘC XUNG ĐỘT
- THƯ CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHAN-XI-CÔ VỀ VIỆC KÍNH NHỚ CÁC THÁNH, CHÂN PHƯỚC, ĐẤNG ĐÁNG KÍNH VÀ TÔI TỚ CHÚA CỦA CÁC GIÁO HỘI ĐỊA PHƯƠNG
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN NĂM B: MỌI SỰ ĐỀU QUA ĐI, CHÚA KITÔ VẪN CÒN MÃI
- HÌNH ẢNH ĐỨC PHANXICÔ ĂN TRƯA VỚI 1300 NGƯỜI NGHÈO
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC PHANXICÔ TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN NĂM B, NHÂN NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO : XIN ĐỪNG QUÊN NGƯỜI NGHÈO
- “HÃY ĐẾN TẤT CẢ CÁC NHÀ TÙ”
- LAO ĐỘNG: PHÚC LÀNH HAY HÌNH PHẠT THEO THÁNH KINH?
- CÔNG ÍCH THƯỜNG BỊ PHỚT LỜ TRONG HÀNH ĐỘNG
- NICARAGUA: CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC BỊ TRỤC XUẤT ĐẾN GUATEMALA
- NÊN THÁNH, ĐÓ LÀ “ĐỂ MÌNH ĐƯỢC BIẾN ĐỔI BỞI SỨC MẠNH CỦA TÌNH YÊU THIÊN CHÚA”
- NGƯỜI CÔNG GIÁO, NHỮNG NHÀ VÔ ĐỊCH HOẠT ĐỘNG TÌNH NGUYỆN Ở PHÁP
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 13. MỘT BỨC THƯ ĐƯỢC VIẾT BỞI THÁNH THẦN CỦA THIÊN CHÚA HẰNG SỐNG : ĐỨC MARIA VÀ CHÚA THÁNH THẦN
- Ở RÔMA, SỰ TRIỂN LÃM ĐÁNG KINH NGẠC VỀ VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG THÁNH PHÊRÔ NHỜ TRÍ TUỆ NHÂN TẠO
- ĐỨC TGM JUSTIN WELBY, NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU GIÁO HỘI ANH GIÁO, TỪ CHỨC