SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC PHANXICÔ GỞI CÁC THAM DỰ VIÊN HỘI NGHỊ QUỐC TẾ NHÂN KỶ NIỆM 50 NĂM TUYÊN PHONG THÁNH TÊRÊSA AVILA LÀ TIẾN SĨ HỘI THÁNH
Một hội nghị quốc tế có tựa đề « Người phụ nữ đặc biệt » (« Mujer excepcional »), được tổ chức ở trường Đại học Công giáo Thánh Têrêsa Giêsu Avila, từ 12 đến 15 tháng Tư năm 2021, nhân kỷ niệm 50 năm Đức Phaolô VI tuyên phong thánh Têrêsa Avila là tiến sĩ Hội Thánh.
Nhân dịp này, Đức Phanxicô đã gởi một sứ điệp video cho các tham dự viên, ngày 15/4. Ngài đã nói về sự thánh thiện như là « ơn gọi của mọi tín hữu », hoàn toàn khác nhau đối với mỗi người : « Sự thánh thiện không được sao chép, vì thậm chí điều này có thể làm chúng ta xa con đường độc nhất và khác biệt mà Chúa dành cho mỗi người trong chúng ta. Điều quan trọng, đó là mỗi tín hữu phân định con đường của mình, mỗi người chúng ta có con đường của mình nên thánh, gặp gỡ Chúa ».
Dưới đây là sứ điệp của Đức Phanxicô :
Tôi chào mừng các tham dự viên hội nghị đại học kỷ niệm 50 năm tuyên phong thánh Têrêsa Giêsu là tiến sĩ Hội Thánh.
Kiểu nói « người phụ nữ đặc biệt », tựa đề của cuộc gặp gỡ của quý vị, đã được Đức Phaolô VI (1) sử dụng. Chúng ta đang đứng trước một con người đã nổi bật về nhiều chiều kích. Thế nhưng, không được quên rằng sự thích đáng của ngài được nhìn nhận trong các chiều kích này không gì hơn là hệ quả của những gì thật quan trọng đối với ngài : cuộc gặp gỡ của ngài với Chúa, « sự quyết tâm kiên định » của ngài, như ngài từng nói, kiên trì trong sự kết hiệp với Chúa nhờ đời sống cầu nguyện (2), quyết tâm kiên vững của ngài để thực thi đến cùng sứ mạng đã được Chúa giao phó, Đấng mà ngài đơn sơ dâng hiến khi nói, theo ngôn ngữ đơn sơ này và thậm chí ta có thể nói về một người nông dân : « Con là của Chúa, con được sinh ra cho Chúa. Chúa muốn làm gì trên cuộc đời con ? » (3).
Trên hết, Têrêsa Giêsu là đặc biệt bởi vì ngài thánh thiện. Sự ngoan ngoãn mở ra cho Chúa Thánh Thần đã kết hiệp ngài với Chúa Kitô và ngài vẫn « hoàn toàn cháy lửa tình yêu Thiên Chúa » (4). Ngài diễn tả kinh nghiệm của mình bằng những lời đẹp đẽ khi nói : « Con đã phó dâng tất cả và con đã cho đi tất cả và con đã có cơ hội thực hiện cuộc trao đổi này, Đấng yêu dấu của con thuộc về con, và con thuộc về Đấng yêu dấu của con » (5). Chúa Giêsu đã dạy rằng « lòng đầy miệng mới nói ra » (Lc 6, 45). Sự táo bạo, tính sáng tạo và sự xuất sắc của thánh Têrêsa với tư cách là nhà cải cách là hoa trái của sự hiện diện của Chúa từ bên trong.
Chúng ta nói rằng chúng ta đang sống không phải một thời đại của những thay đổi, nhưng là một sự thay đổi thời đại (6). Và theo nghĩa này, thời nay có những điểm tương tự với thế kỷ XVI mà thánh nữ đã sống. Như thế, bây giờ cũng vậy, các Kitô hữu được mời gọi, xuyên qua chúng ta, để cho Chúa Thánh Thần tiếp tục canh tân bộ mặt trái đất này (x. Tv 104, 30 Vlg), với xác tín rằng cuối cùng chính các thánh làm cho thế giới tiến tới mục đích tối hậu của nó.
Thật tốt để nhớ lại lời mời gọi nên thánh phổ quát mà Công đồng Vatican II đã nói (x. LG 39-42). « Đối với mọi Kitô hữu, lời mời gọi đạt đến sự viên mãn của cuộc sống Kitô hữu và sự hoàn thiện của đức ái được nói với tất cả những ai tin vào Chúa Kitô, bất kể bậc sống hay hình thức sống của họ thế nào ; trong chính xã hội trần thế, sự thánh thiện này đóng góp vào việc thăng tiến nhân loại hơn nữa trong những điều kiện sống. Các tín hữu phải cố gắng hết sức mình, trong chừng mực ân ban của Chúa Kitô, để đạt tới sự hoàn thiện này, để, bước theo chân Ngài và nên đồng hình đồng dạng với Ngài, hoàn toàn thực thi thánh ý của Chúa Cha, họ toàn tâm toàn ý hiến dâng cho vinh quang Thiên Chúa và phục vụ tha nhân » – đó là những gì số 40 của Hiến chế Lumen Gentium nói.
Sự thánh thiện không chỉ cho một số « chuyên gia về thần linh », nhưng đó là ơn gọi của mọi tín hữu. Sự kết hiệp với Chúa Kitô, mà các nhà thần bí như thánh Têrêsa trải nghiệm cách đặc biệt nhờ ân sủng, chúng ta lãnh nhận được điều đó qua phép rửa. Các thánh thôi thúc chúng ta và đánh động chúng ta, nhưng các ngài không ở đó để chúng ta cố gắng sao chép họ đúng từng chữ, Sự thánh thiện không được sao chép, vì thậm chí điều này có thể làm chúng ta xa con đường độc nhất và khác biệt mà Chúa dành cho mỗi người trong chúng ta. Điều quan trọng, đó là mỗi tín hữu phân định con đường của mình (7), mỗi người chúng ta có con đường của mình nên thánh, gặp gỡ Chúa.
Trên thực tế, chính thánh Têrêsa đã cảnh báo các nữ đan sĩ của mình rằng việc cầu nguyện không phải là cảm nghiệm những điều phi thường, nhưng là để chúng ta được kết hiệp với Chúa Kitô. Và dấu chỉ cho thấy sự kết hiệp này là thực sự, đó là những công việc bác ái. Ngài nói trong cuốn « Lâu đài nội tâm » : « Các con của Mẹ, đó là điều mà việc cầu nguyện hướng đến. Đó là điều mà cuộc hôn phối thiêng liêng hướng đến : hãy luôn nảy sinh từ đó những việc làm, những việc làm » (8). Ngay trước đó, trong chính cuốn sách này, ngài đã cảnh báo : « Khi tôi thấy những tâm hồn rất mau chóng hiểu việc cầu nguyện của mình và thường trùm mũ lại khi họ cầu nguyện, mà dường như việc họ không dám sôi nổi và rung động tư tưởng của họ để một ít thích thú và sùng kính của họ mất đi, làm cho tôi thấy họ ít hiểu đến mức nào con đường mà ta đạt đến sự kết hiệp, và họ nghĩ rằng tất cả công việc là ở đó. Không phải, các chị em của tôi, không phải ; chính những việc làm mà Thiên Chúa muốn, và nếu chị em thấy một bệnh nhân mà chị em có thể mang lại sự an ủi, đừng viện cớ gì để đánh mất đi sự sùng kính này và hãy có lòng trắc ẩn với người đó… Đó là sự kết hiệp đích thực với ý muốn của Người » (9). Ngài cũng nói điều đó trong cuốn « Lâu đài nội tâm ». Rốt cuộc, « điều đo lường sự hoàn thiện của con người, đó là mức độ đức ái của họ, chứ không phải số lượng dữ kiện, kiến thức tích lũy được » (10), và những điều khác của loại này.
Thánh Têrêsa dạy chúng ta rằng con đường làm cho ngài trở thành một người phụ nữ đặc biệt và một người được quy chiếu qua các thế kỷ, là con đường cầu nguyện, được mở ra cho tất cả những ai khiêm tốn mở ra cho tác động của Chúa Thánh Thần trong đời sống của mình, và dấu chỉ cho thấy chúng ta tiến tới trên con đường này là càng ngày càng khiêm tốn hơn, quan tâm đến nhu cầu của anh chị em chúng ta hơn, trở nên những người con tốt lành hơn của dân thánh của Thiên Chúa. Một con đường như thế không được mở ra cho những người coi mình là tinh tuyền và hoàn hảo, những người theo lạc giáo Cathare của mọi thời đại, nhưng là mở ra cho những ai, ý thức về tội lỗi của mình, khám phá ra vẻ đẹp của lòng thương xót của Thiên Chúa, Đấng đón nhận mọi người, cứu chuộc mọi người và kêu gọi mọi người trở nên bạn hữu của Người.
Thật thú vị khi thấy làm thế nào ý thức về con người tội lỗi của mình là điều mở ra cánh cửa cho con đường nên thánh. Thánh Têrêsa, người xem mình như là rất « tồi tệ và đáng khinh » – ngài tự định nghĩa mình như thế -, nhìn nhận rằng sự tốt lành của Thiên Chúa « lớn hơn mọi sự xấu xa mà chúng ta có thể làm, và Người không nhớ đến sự vô ơn của chúng ta…Chị em hãy nhớ những lời này và hãy xem những gì Người đã làm cho tôi, tôi đã mỏi mệt xúc phạm Thiên Chúa, trước khi Đức Vua không ngừng tha thứ cho tôi ». Chúng ta ta mệt mỏi xúc phạm Thiên Chúa, đi theo những con đường xa lạ, trước khi Thiên Chúa không ngừng tha thứ cho chúng ta. Người không bao giờ mỏi mệt tha thứ. Chúng ta mỏi mệt xin tha thứ, và nguy cơ là ở đó. « Chúa không bao giờ mỏi mệt trao ban, và lòng thương xót của Người không thể suy giảm. Chúng ta đừng mệt mỏi đón nhận » (11), bằng cách khiêm tốn mở rộng tâm hồn. Một trong những đoạn Thánh Kinh được yêu thích là câu đầu tiên của Thánh vịnh 89 mà thánh nữ, cách nào đó, đã biến thành phương châm sống của mình : « Con sẽ ca tụng lòng thương xót của Chúa đến muôn đời ». Việc « tỏ lòng thương xót » này của Thiên Chúa.
Đời sống cầu nguyện đã biến thánh Têrêsa thành một phụ nữ đặc biệt, một phụ nữ sáng tạo và canh tân. Từ đời sống cầu nguyện, ngài khám phá ra lý tưởng về tình huynh đệ mà ngài đã mong muốn cụ thể hóa trong các tu viện mà ngài đã thành lập : « Ở đây, tất cả chị em đều phải là bạn hữu, tất cả chị em phải yêu thương nhau, tất cả chị em phải quý mến nhau, tất cả chị em phải tương trợ nhau » (12). Và khi tôi thấy « những cãi cọ » nơi một số tu viện, ở bên trong một tu viện, hay « những cãi cọ » giữa các tu viện, « tôi thuộc về nơi đây », « tôi thuộc nơi đó », « tôi giải thích như thế », « tôi chấp nhận điều đó của Giáo hội, tôi không chấp nhận điều đó ». Các nữ đan sĩ nghèo nàn đã quên đấng sáng lập, quên những gì ngài đã dạy họ.
Trong đời sống cầu nguyện, ngài đã biết rằng ngài được Chúa Kitô phục sinh cư xử như là hiền thê và bạn hữu. Qua đời sống cầu nguyện, ngài đã mở ra cho niềm hy vọng. Và với tư tưởng này, tôi ao ước kết thúc lời chào chúc này. Chúng ta sống, như vị tiến sĩ Hội Thánh, những thời điểm khó khăn, những thời điểm không dễ dàng vốn cần đến những người bạn trung thành của Thiên Chúa, những người bạn mạnh mẽ (13).
Sự cám dỗ lớn lao, đó là nhượng bộ cho sự thất vọng, cho sự cam chịu, cho điềm báo nguy hại và thiếu cơ sở rằng mọi sự sẽ nên tồi tệ. Sự bị quan cằn cỗi này, sự bi quan của những người không thể trao ban sự sống này. Một số người, bị sợ hãi bởi những suy nghĩ này, có khuynh hướng khép kín, ẩn náu nơi những điều nhỏ mọn. Tôi nhớ về ví dụ một tu viện, trong đó mọi nữ tu đã trú ẩn nơi những điều nhỏ mọn. Tu viện đã được gọi là Thánh… Tôi sẽ không nói tu viện nào, trong thành phố nào, nhưng người ta gọi nó là « Tu viện, điều nhỏ mọn, điều nhỏ mọn, điều nhỏ mọn », bởi vì họ hoàn toàn khép kín nơi những điều nhỏ mọn, như nơi ẩn náu, trong những kế hoạch ích kỷ không xây dựng cộng đoàn, nhưng phá hủy nó. Trái lại, đời sống cầu nguyện mở chúng ta ra, cho phép chúng ta cảm nếm rằng Thiên Chúa là vĩ đại, Người ở bên kia chân trời, Người nhân lành, Người yêu thương chúng ta và lịch sử không thoát khỏi bàn tay của Người.
Chúng ta có thể bước đi trong những thung lũng tối tăm (x. Tv 23, 4), đừng sợ điều đó nếu Chúa ở với quý vị, nhưng Người không ngừng bước đi bên cạnh chúng ta và dẫn chúng ta đến mục đích mà tất cả chúng ta khát khao : sự sống đời đời. Chúng ta có thể có can đảm làm những điều lớn lao, vì chúng ta biết rằng chúng ta là những người con yêu dấu của Thiên Chúa (14).
Đừng để gì làm cho bạn rối lòng
đừng để gì làm cho bạn sợ hãi,
Mọi sự qua đi,
Thiên Chúa không thay đổi,
lòng kiên nhẫn đạt được tất cả ;
Ai có Thiên Chúa
sẽ không thiếu gì :
Chỉ mình Thiên Chúa là đủ.
Xin Chúa Giêsu chúc lành cho quý vị và xin Đức Trinh Nữ và Thánh Giuse đồng hành với quý vị. Và đừng quên cầu nguyện cho tôi. Xin cảm ơn.
—————
Chú thích :
(1) Phaolô VI, Bài giảng lễ tuyên phong thánh Têrêsa Giêsu là tiến sĩ Hội Thánh (27/9/1970).
(2) X. Le Chemin de la perfection (Valladolid), 21,2.
(3) Poésies, 5 (việc đánh số được trích theo nhà xuất bản Editorial de Espiritualidad, Madrid 1944).
(4) Cf. Vie, 29, 13.
(5) Poésies, 2.
(6) X. Diễn văn cho Giáo triều Rôma nhân dịp chúc mừng Giáng Sinh (21/12/2019) .
(7) X. Tông huấn Gaudete et exultate, 11.
(8) Lâu đài nội tâm VII, 4, 6.
(9) Lâu đài nội tâm V, 3,11.
(10) Tông huấn Gaudete et exultate, 37.
(11) Vie, 19, 15.
(12) Le Chemin de la perfection (Valladolid), 4, 7.
(13) X. Vie, 15, 5.
(14) X. Vie, 10, 6: « Đó là bất khả, theo bản tính của chúng ta ».
Tý Linh chuyển ngữ
(theo ZENIT)
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- “HÃY ĐẾN TẤT CẢ CÁC NHÀ TÙ”
- LAO ĐỘNG: PHÚC LÀNH HAY HÌNH PHẠT THEO THÁNH KINH?
- CÔNG ÍCH THƯỜNG BỊ PHỚT LỜ TRONG HÀNH ĐỘNG
- NICARAGUA: CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC BỊ TRỤC XUẤT ĐẾN GUATEMALA
- NÊN THÁNH, ĐÓ LÀ “ĐỂ MÌNH ĐƯỢC BIẾN ĐỔI BỞI SỨC MẠNH CỦA TÌNH YÊU THIÊN CHÚA”
- NGƯỜI CÔNG GIÁO, NHỮNG NHÀ VÔ ĐỊCH HOẠT ĐỘNG TÌNH NGUYỆN Ở PHÁP
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 13. MỘT BỨC THƯ ĐƯỢC VIẾT BỞI THÁNH THẦN CỦA THIÊN CHÚA HẰNG SỐNG : ĐỨC MARIA VÀ CHÚA THÁNH THẦN
- Ở RÔMA, SỰ TRIỂN LÃM ĐÁNG KINH NGẠC VỀ VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG THÁNH PHÊRÔ NHỜ TRÍ TUỆ NHÂN TẠO
- ĐỨC TGM JUSTIN WELBY, NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU GIÁO HỘI ANH GIÁO, TỪ CHỨC
- NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO: ĐỨC PHANXICÔ SẼ DÙNG BỮA TRƯA VỚI 1.300 NGƯỜI NGHÈO
- SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ CHO NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO LẦN THỨ VIII (2024) : TRỞ THÀNH BẠN HỮU CỦA NGƯỜI NGHÈO
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT XXXII THƯỜNG NIÊN NĂM B: CHỐNG LẠI CÁM DỖ ĐẠO ĐỨC GIẢ
- Ở TRƯỜNG ĐẠI HỌC, BÀI HỌC CỦA ĐỨC PHANXICÔ VỀ KIẾN THỨC BẰNG XƯƠNG BẰNG THỊT
- CHA ROBERTO PASOLINI, TÂN GIẢNG THUYẾT CỦA PHỦ GIÁO HOÀNG
- ĐỐI VỚI ĐỨC PHANXICÔ, HIẾN MÁU LÀ NGUỒN VUI VÀ BẰNG CHỨNG CỦA TÌNH YÊU
- ĐỐI VỚI TÒA THÁNH, NẠN PHÂN BIỆT CHỦNG TỘC TRỰC TUYẾN ĐÒI HỎI MỘT QUY ĐỊNH MỚI
- ĐHY PAROLIN GỬI LỜI CHÚC TỐT ĐẸP NHẤT TỚI TRUMP VỀ CHIẾN THẮNG BẦU CỬ
- NGƯỜI HÀNH HƯƠNG TRÚT BỎ NHỮNG GÌ THỪA THÃI VÀ TIẾN BƯỚC HƯỚNG TỚI NIỀM HY VỌNG
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 12. « CHÚA THÁNH THẦN CHUYỂN CẦU CHO CHÚNG TA ». CHÚA THÁNH THẦN VÀ KINH NGUYỆN KITÔ GIÁO
- MỞ ÁN PHONG CHÂN PHƯỚC CHO SƠ CLARE CROCKETT