SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC PHANXICÔ GỞI CHO TỔNG THỐNG PHÁP EMMANUEL MACRON NHÂN DỊP “HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH HÀNH ĐỘNG VỀ TRÍ TUỆ NHÂN TẠO”
Nhân dịp “Hội nghị thượng đỉnh hành động về Trí tuệ nhân tạo” được tổ chức tại Paris, Đức Phanxicô đã gửi một thông điệp tới Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng như tới các tham dự viên. Ngài hy vọng “mỗi quốc gia có thể tìm thấy trí tuệ nhân tạo như một công cụ, một mặt, cho sự phát triển và đấu tranh chống đói nghèo, mặt khác, cho việc bảo vệ văn hóa và ngôn ngữ địa phương”. Ngài cũng nhấn mạnh rằng thách thức tối hậu vẫn luôn là con người: “Liệu con người, với tư cách là con người” trong bối cảnh tiến bộ công nghệ “có thực sự trở nên tốt hơn hay không”.
Hội nghị Thượng đỉnh Hành động về Trí tuệ Nhân tạo ở Paris, ngày 10-11 tháng 2 năm 2025.
Dưới đây là Sứ điệp của Đức Thánh Cha :
Thưa Ngài Tổng Thống, thưa Quý vị tham dự,
Tôi được biết về sáng kiến đáng khen ngợi của ngài nhằm tổ chức Hội nghị thượng đỉnh về trí tuệ nhân tạo ở Paris vào ngày 10 và 11 tháng 2 năm 2025. Thưa Ngài Tổng thống, tôi biết rằng ngài đã muốn dành hội nghị thượng đỉnh này để hành động về trí tuệ nhân tạo.
Trong cuộc gặp của chúng ta, ở Puglia, trong bối cảnh G7, tôi đã có cơ hội nhấn mạnh tính cấp thiết “đảm bảo và bảo vệ một không gian kiểm soát đáng kể cho con người trong quá trình lựa chọn các chương trình trí tuệ nhân tạo”. Quả thật, tôi đã nghĩ rằng nếu không có những cơ chế này, trí tuệ nhân tạo dù là một công cụ mới “hấp dẫn”, nhưng có thể bộc lộ mặt “đáng sợ” nhất của nó, bằng cách trở thành mối đe dọa đối với nhân phẩm (xem Bài phát biểu tại khóa họp G7 về trí tuệ nhân tạo).
Do đó, tôi hoan nghênh những nỗ lực được thực hiện, với lòng can đảm và quyết tâm, để bắt đầu một hành trình chính trị hướng tới việc bảo vệ nhân loại chống lại một việc sử dụng trí tuệ nhân tạo vốn “giới hạn tầm nhìn về thế giới vào những thực tại có thể diễn tả bằng con số và bị giới hạn trong những phạm trù định sẵn, loại bỏ sự đóng góp của các hình thức sự thật khác và áp đặt các mô hình nhân học, kinh tế xã hội và văn hóa đồng nhất” (ibid.); và tôi hoàn nghênh sự kiện là tại Hội nghị thượng đỉnh Paris, ngài muốn bao hàm số lượng lớn nhất các tác nhân và chuyên gia tham gia vào một cuộc suy tư nhằm tạo ra những kết quả cụ thể.
Trong Thông điệp Dilexit nos mới nhất của tôi, tôi đã muốn phân biệt phạm trù thuật toán với phạm trù “trái tim”, khái niệm then chốt được bảo vệ bởi triết gia và nhà khoa học vĩ đại Blaise Pascal, người mà tôi đã dành một Tông thư nhân dịp kỷ niệm 400 năm ngày sinh của ông (x. Sublimitas et miseria hominis, 2023), để nhấn mạnh rằng, nếu thuật toán có thể được sử dụng để đánh lừa con người, thì “trái tim”, được hiểu là nơi chứa đựng những cảm xúc thân mật và chân thật nhất, sẽ không bao giờ có thể lừa dối được nó (x. Thông điệp Dilexit nos, các số 14.20).
Đối với tất cả những ai sẽ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Paris, tôi xin đừng quên rằng ý nghĩa của sự tồn tại của con người chỉ đến từ “trái tim” của nó (x. Blaise Pascal, Pensées). Tôi kêu gọi chấp nhận như một tiền đề, nguyên tắc được một triết gia vĩ đại người Pháp khác, Jacques Maritain, diễn đạt một cách thanh lịch: “Tình yêu có giá trị hơn trí tuệ” (Jacques Maritain, Réflexions sur l’intelligence, 1938).
Các tham dự viên thân mến, những nỗ lực của quý vị là một ví dụ sáng ngời về một chính sách lành mạnh muốn đưa những mới mẻ của công nghệ vào một dự án nhắm đến công ích để “mở đường cho những cơ hội khác nhau vốn không làm gián đoạn khả năng sáng tạo của con người và ước mơ tiến bộ của họ, nhưng truyền năng lượng này theo cách mới mẻ” (Laudato si’, số 191).
Tôi tin rằng trí tuệ nhân tạo có thể trở thành một công cụ mạnh mẽ cho các nhà khoa học và các chuyên gia cùng nhau tìm kiếm các giải pháp đổi mới và sáng tạo có lợi cho sự bền vững sinh thái của hành tinh chúng ta. Không bỏ qua rằng việc tiêu thụ năng lượng liên quan đến hoạt động của cơ sở hạ tầng trí tuệ nhân tạo tự nó đã tiêu tốn rất nhiều năng lượng.
Trong Sứ điệp Ngày Thế giới Hòa bình năm 2024 bàn về trí tuệ nhân tạo, tôi đã nhấn mạnh rằng “trong các cuộc tranh luận về quy định về trí tuệ nhân tạo, cần phải tính đến tiếng nói của tất cả các bên liên quan, bao gồm cả người nghèo, người bị thiệt thòi và những người khác thường bị bỏ qua trong quá trình ra quyết định toàn cầu” (Sứ điệp Ngày Thế giới Hòa bình lần thứ 57, ngày 1 tháng 1 năm 2024). Trong viễn cảnh này, tôi hy vọng rằng hội nghị thượng đỉnh Paris sẽ tiến tới để tạo ra một nền tảng lợi ích công cộng về trí tuệ nhân tạo; và để mỗi quốc gia có thể tìm thấy nơi trí tuệ nhân tạo một công cụ, một mặt, cho sự phát triển và đấu tranh chống đói nghèo, mặt khác, cho việc bảo vệ văn hóa và ngôn ngữ địa phương. Chỉ bằng cách này, tất cả các dân tộc trên trái đất mới có thể đóng góp vào việc tạo ra các dữ liệu, vốn sẽ được trí tuệ nhân tạo sử dụng, đại diện cho sự đa dạng và phong phú thực sự đặc trưng của toàn nhân loại.
Năm nay, Bộ Giáo lý Đức tin và Bộ Văn hóa và Giáo dục đã cùng nhau làm việc trên Thông tri về “Trí tuệ nhân tạo và Trí tuệ con người”. Trong tài liệu này, được xuất bản vào ngày 28 tháng Giêng, một số vấn đề cụ thể liên quan đến trí tuệ nhân tạo mà hội nghị thượng đỉnh hiện tại đang đề cập và một số vấn đề khác mà tôi đặc biệt quan tâm, đã được xem xét. Trong tương lai, tôi hy vọng rằng công việc của các Hội nghị thượng đỉnh tiếp theo sẽ xem xét chi tiết hơn các hệ quả xã hội của trí tuệ nhân tạo đối với các mối quan hệ con người, đối với thông tin và giáo dục. Tuy nhiên, vấn đề cơ bản vẫn là và sẽ luôn vẫn là mang tính nhân học, tức là: “liệu con người, với tư cách là con người” trong bối cảnh tiến bộ công nghệ “có thực sự trở nên tốt hơn hay không, nghĩa là trưởng thành hơn về mặt thiêng liêng, ý thức hơn về phẩm giá nhân tính của mình. Có trách nhiệm hơn, cởi mở hơn với người khác, đặc biệt với những người thiếu thốn nhất và yếu đuối nhất” (Thông điệp Redemptor hominis, số 15). Thách thức tối hậu của chúng ta là con người và vẫn sẽ luôn là con người; chúng ta đừng bao giờ quên điều đó. Xin cảm ơn Ngài Tổng thống và cảm ơn tất cả quý vị đã làm việc trong suốt Hội nghị thượng đỉnh này.
Vatican, ngày 7 tháng 2 năm 2025
PHANXICÔ
——————————————
Tý Linh chuyển ngữ
(nguồn : vatican.va)
Tags: AI, Nhân-phẩm, Phanxicô-I, Pháp, Truyền-thông-internet
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- MỸ: CÁC HỆ PHÁI KITÔ VÀ CÁC TỔ CHỨC DO THÁI PHẢN ĐỐI VIỆC BẮT GIỮ NGƯỜI DI CƯ
- BÀI GIÁO LÝ VỀ NĂM THÁNH 2025. CHÚA GIÊSU KITÔ, NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA. I. THỜI THƠ ẤU CỦA CHÚA GIÊSU. BÀI 5 : « MỘT ĐẤNG CỨU ĐỘ ĐÃ SINH RA CHO ANH EM, NGƯỜI LÀ ĐẤNG KITÔ, LÀ ĐỨC CHÚA » (Lc 2, 11). CHÚA GIÊSU GIÁNG SINH VÀ CÁC MỤC ĐỒNG THĂM VIẾNG
- “LIỆU CHÍNH QUYỀN TRUMP SẼ CHỌN ĐỐI ĐẦU VỚI ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ?”
- SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC PHANXICÔ GỞI CHO TỔNG THỐNG PHÁP EMMANUEL MACRON NHÂN DỊP “HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH HÀNH ĐỘNG VỀ TRÍ TUỆ NHÂN TẠO”
- MẸ TÊRÊSA CALCUTTA ĐƯỢC GHI VÀO LỊCH CHUNG RÔMA
- ĐHY CUPICH HOAN NGHÊNH LÁ THƯ CỦA ĐỨC THÁNH CHA GỬI CÁC GIÁM MỤC MỸ VỀ VẤN ĐỀ DI CƯ
- NHẬP CƯ : ĐÂU LÀ CƠ SỞ CHO LỜI PHÁT BIỂU CỦA NGƯỜI KITÔ HỮU ?
- GIÁO HỘI CÔNG GIÁO VÀ VẤN ĐỀ DI CƯ (*)
- THƯ CỦA ĐỨC PHANXICÔ GỬI CÁC GIÁM MỤC HOA KỲ
- “TRÍ TUỆ NHÂN TẠO SẼ GÂY RA NHỮNG BIẾN ĐỘNG Ở QUY MÔ TƯƠNG TỰ NHƯ CUỘC CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP”
- NĂM THÁNH CỦA CÁC LỰC LƯỢNG VŨ TRANG, CẢNH SÁT VÀ NHÂN VIÊN AN NINH: BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA
- BA SAI LẦM CỦA PHIM “CONCLAVE”
- SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO NGÀY THẾ GIỚI BỆNH NHÂN 2025 : NIỀM HY VỌNG KHÔNG LÀM THẤT VỌNG VÀ LÀM CHO CHÚNG TA MẠNH MẼ TRONG CƠN THỬ THÁCH
- ĐỨC PHANXICÔ: ƠN GỌI CỦA MỖI NGƯỜI LÀ NHẬN BIẾT NHU CẦU CỦA NGƯỜI KHÁC
- MỘT NGƯỜI ĐÀN ÔNG PHÁ HOẠI BÀN THỜ CHÍNH CỦA VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG THÁNH PHÊRÔ
- NGUYÊN NHÂN CÁI CHẾT CỦA THÁNH TÔMA AQUINÔ CUỐI CÙNG ĐÃ ĐƯỢC BIẾT?
- TIẾP KIẾN CHUNG NĂM THÁNH: SỐNG NIỀM HY VỌNG CÙNG VỚI MARIA MAĐALÊNA, HƯỚNG VỀ CHÚA KITÔ
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT NGÀY 2/2/2025: THẾ GIỚI HÔM NAY CẦN ÁNH SÁNG CỦA CHÚA GIÊSU
- SỨ ĐIỆP CHO NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN GIÁO 2025 : NHỮNG NHÀ THỪA SAI CỦA NIỀM HY VỌNG GIỮA CÁC DÂN TỘC
- BÀI GIÁO LÝ VỀ NĂM THÁNH 2025. CHÚA GIÊSU KITÔ, NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA. I. THỜI THƠ ẤU CỦA CHÚA GIÊSU. BÀI 4. « EM THẬT CÓ PHÚC, VÌ ĐÃ TIN » (Lc 1, 45). THĂM VIẾNG BÀ ELISABETH VÀ BÀI CA MAGNIFICAT