SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC PHANXICÔ NHÂN NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN GIÁO 2013 : CAN ĐẢM LOAN BÁO TIN MỪNG
Tòa Thánh vừa phổ biến Sứ điệp Ngày Thế Giới Truyền Giáo 2013 (năm nay sẽ được cử hành vào ngày 20/10) của Đức Thánh Cha Phanxicô, trong đó ngài kêu gọi mọi thành phần trong Giáo Hội hãy can đảm loan báo Tin Mừng. Dấn thân loan báo Tin Mừng là một dấu chỉ của người Kitô hữu trường thành, bằng không nếu khép kín nơi chính mình sẽ trở nên những Kitô hữu bệnh hoạn. Đức Thánh Cha đặc biệt chỉ ra những khó khăn cho công cuộc truyền giáo không chỉ đến bên ngoài Giáo Hội, nhưng đặc biết đến từ bên trong, nhất là thiếu nhiệt huyết, sự can đảm, niềm vui và niềm hy vọng của người Kitô hữu. Dưới đây là nguyên văn sứ điệp :
Anh chị em thân mến,
Năm nay, chúng ta cử hành Ngày Thế Giới Truyền Giáo đang khi sắp kết thúc Năm Đức Tin, cơ hội quan trọng để củng cố tình bạn của chúng ta với Chúa và hành trình của Giáo Hội chúng ta can đảm loan báo Tin Mừng. Trong viễn ảnh này, tôi muốn đề nghị một vài suy tư.
1. Đức tin là một hồng ân quý giá của Thiên Chúa, Đấng mở rộng tâm trí chúng ta để chúng ta có thể biết Ngài và yêu mến Ngài. Ngài muốn bước vào tương quan với chúng ta để làm cho chúng ta tham dự vào chính sự sống của Ngài và làm cho cuộc sống của chúng ta thêm tròn đầy ý nghĩa hơn, tốt hơn, đẹp hơn. Thiên Chúa yêu thương chúng ta! Thế nhưng, đức tin đòi hỏi phải được đón nhận. Vì thế, nó đòi hỏi một câu trả lời cá nhân từ phía chúng ta, sự can đảm tin tưởng vào Thiên Chúa, sống tình yêu của Ngài, biết ơn vì lòng thương xót vô bờ bến của Ngài. Tiếp đến, đức tin là một ân huệ không dành riêng cho một số người nhưng được ban tặng cách quảng đại. Tất cả mọi người phải có thể kinh nghiệm về niềm vui được Thiên Chúa yêu thương, về niềm vui ơn cứu độ! Và đó là một ân huệ vốn không thể được giữ cho mình nhưng phải được chia sẻ: nếu chúng ta muốn giữ nó chỉ cho chúng ta mà thôi, thì, trong trường hợp này, chúng ta trở nên những Kitô hữu cô lập, cằn cỗi và bệnh hoạn. Việc loan báo Tin Mừng không tách rời với sự kiện làm môn đệ của Chúa Kitô và nó là một sự dấn thân liên lỉ đánh động toàn thể đời sống của Giáo Hội. “Nhiệt huyết truyền giáo là một dấu chỉ rõ ràng về sự trưởng thành của một cộng đoàn Giáo Hội” (Bênêđíctô XVI, Tông huấn Verbum Domini, số 95). Mỗi cộng đoàn là “trưởng thành” khi nó tuyên xưng đức tin, vui mừng cử hành đức tin trong Phụng Vụ, sống đức ái và hăng say loan báo Lời Chúa, ra khỏi tường kín của mình để cũng mang Lời Chúa đến “những vùng ngoại vi”, nhất là cho những ai vẫn chưa có thể nhận biết Chúa Kitô. Sự vững chắc của đức tin của chúng ta, trên bình diện cá nhân và cộng đoàn, cũng được đo lường từ khả năng thông truyền đức tin cho người khác, truyền bá đức tin, sống đức tin trong đức ái, làm chứng cho đức tin đối với những người gặp gỡ chúng ta và chia sẻ với chúng ta con đường sự sống.
2. Năm Đức Tin, 50 năm sau biến cố khai mạc Công đồng Vatican II, mời gọi chúng ta làm thế nào để toàn thể Giáo Hội luôn ý thức về sự hiện diện của mình trong thế giới hôm nay, về sứ mạng của mình giữa các dân nước. Đặc tính truyền giáo không chỉ là một vấn đề lãnh thổ địa lý nhưng là các dân tộc, các nền văn hóa và những con người, bởi vì “các biên giới” của đức tin không chỉ ngang qua những nơi chốn và các truyền thống nhân loại nhưng còn là tâm hồn của mọi người nam và người nữ. Công đồng Vatican II đã đặc biệt nhấn mạnh đến cách thức mà bổn phận truyền giáo, bổn phận mở rộng các biên cương của đức tin, là đặc điểm của mọi người chịu phép rửa và của tất cả các cộng đoàn Kitô hữu: “Vì Dân Thiên Chúa sống trong các cộng đoàn, nhất là giáo phận và giáo xứ, và chính trong các cộng đoàn này mà một cách nào đó nó trở nên hữu hình, vì thế các cộng đoàn có trách nhiệm làm chứng cho Chúa Kitô trước mặt muôn dân” (Ad Gentes, số 37). Mỗi cộng đoàn vì thế được chất vấn và được mời gọi lấy làm của mình sự ủy thác mà Chúa Giêsu đã giao phó cho các Tông đồ để họ trở nên “những chứng nhân của Ngài ở Giêrusalem, trong toàn cõi Giuđêa và Samaria, và cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1,8), không phải như một khía cạnh thứ yếu của đời sống Kitô hữu nhưng như là một khía cạnh thiết yếu: hết thảy chúng ta đều được sai đi trên các nẻo đường của thế giới để đồng hành với các anh chị em của chúng ta, bằng việc tuyên xưng và làm chứng cho niềm tin của chúng ta vào Chúa Kitô và trở nên những người loan báo Tin Mừng của Ngài. Tôi mời gọi các Giám mục, linh mục, các Hội đồng linh mục và mục vụ, mọi người và mọi nhóm hữu trách bên trong Giáo Hội, mang lại tầm quan trọng cho chiều kích truyền giáo ngay giữa các chương trình mục vụ và đào tạo của mình, cảm nhận rằng sự dấn thân tông đồ của mình sẽ không đầy đủ nếu nó không bao gồm ý hướng “làm chứng cho Chúa Kitô trước mặt muôn dân”, đối diện với mọi dân tộc. Đặc tính truyền giáo không chỉ là một chiều kích mang tính chương trình trong đời sống Kitô hữu nhưng còn là một chiều kích khuôn mẫu liên quan đến mọi khía cạnh của đời sống Kitô hữu.
3. Thông thường, công cuộc loan báo Tin Mừng gặp phải những trở ngại không chỉ từ bên ngoài nhưng còn chính từ bên trong cộng đoàn Giáo Hội. Đôi khi sự hăng hái, niềm vui, sự can đảm, niềm hy vọng mà chúng ta đặt vào việc loan báo cho mọi người Sứ điệp của Chúa Kitô và giúp đỡ con người của thời đại chúng ta gặp gỡ Ngài lại trở nên yếu đi. Đôi khi, một số người còn nghĩ rằng mang Chân Lý của Tin Mừng hệ tại xâm phạm đến tự do. Đức Phaolô VI có những lời rõ ràng về vấn đề này: “Sẽ là…một sai lầm khi áp đặt bất cứ điều gì lên lương tâm của các anh chị em của chúng ta. Nhưng sẽ là điều hoàn toàn khác khi đề nghị cho lương tâm này chân lý của Tin Mừng và ơn cứu độ trong Chúa Giêsu-Kitô cách hoàn toàn trong sáng và trong sự tôn trọng trọn vẹn những chọn lựa tự do mà họ thực hiện…đó là một kính trọng đối với tự do này” (Tông huấn Evangelii nuntiandi, số 80). Chúng ta phải luôn có can đảm và niềm vui đề nghị, cách tôn trọng, cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô, trở nên những người mang Tin Mừng của Ngài. Chúa Giêsu đã đến giữa chúng ta để chỉ ra con đường cứu độ và Ngài cũng đã giao phó cho chúng ta sứ mạng làm cho mọi người nhận biết Ngài, cho đến tận cùng trái đất. Thông thường, chúng ta nhận thấy rằng chính bạo lực, sự dối trá, sự sai lạc lại được làm nổi bật và được đề nghị. Điều cấp bách là chiếu sáng cho thời đại của chúng ta sự sống tốt lành của Tin Mừng xuyên qua việc rao giảng và chứng tá và điều đó ngay chính bên trong Giáo Hội bởi vì, trong viễn ảnh này, điều quan trọng là không bao giờ quên một nguyên tắc căn bản cho mọi người rao giảng Tin Mừng: không thể rao giảng Chúa Kitô mà không có Giáo Hội. Loan báo Tin Mừng không bao giờ là một hành vi đơn độc, cá nhân, riêng tư nhưng luôn có tính Giáo Hội. Đức Phaolô VI đã viết rằng “khi người rao giảng u tối nhất, giáo lý viên hay mục tử, ở nơi miền xa xôi nhất, rao giảng Tin Mừng, tập hợp cộng đoàn nhỏ bé của mình hay ban một bí tích, ngay cả một mình, thì người ấy đang làm một hành vi Giáo Hội”. Đó “không phải bởi một sứ mạng mà người ấy gán cho mình, hay bởi một gợi hứng cá nhân, nhưng trong sự hiệp nhất với sứ mạng của Giáo Hội và nhân danh Giáo Hội” (Ibid., số 60). Và điều đó mang lại sức mạnh cho việc truyền giáo và giúp cho tất cả các nhà truyền giáo và loan báo Tin Mừng cảm thấy rằng họ không bao giờ cô độc nhưng họ thuộc về một Thân Thể duy nhất, được Chúa Thánh Thần thúc đẩy.
4. Vào thời đại chúng ta, tính di động lan rộng và sự dễ dàng truyền thông xuyên qua các “phương tiện truyền thông mới” đã hòa trộn các dân tộc, các kiến thức, các kinh nghiệm lại với nhau. Vì lý do lao động, cả gia đình phải di chuyển từ châu lục này đến châu lục khác. Những trao đổi nghề nghiệp và văn hóa, được theo sau bởi du lịch và những hiện tượng tương tự, đã khơi lên một dòng người di cư to lớn. Thậm chí đôi khi thật khó khăn cho các cộng đoàn giáo xứ để biết cách chắc chắn và sâu xa những người qua đường hay những người đang sống ổn định trên lãnh thổ. Vả lại, nơi những khu luôn rộng lớn hơn của các vùng có truyền thống Kitô giáo lại đang gia tăng nhiều người xa lạ với đức tin, dửng dưng với chiều kích tôn giáo hay được hướng dẫn bởi những niềm tin khác. Mặt khác, không hiếm khi một số người đã chịu phép rửa lại có những chọn lựa sống dẫn họ xa rời đức tin, và như thế cần thiết họ phải là đối tượng của một “cuộc tân Phúc Âm hóa”. Thêm vào đó còn có sự kiện một phần lớn nhân loại chưa biết tới Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô. Vả lại, chúng ta đang sống một thời điểm khủng hoảng chạm đến những phạm vi khác nhau của cuộc sống, không chỉ về kinh tế, tài chính, an toàn thực phẩm, môi trường nhưng còn về ý nghĩa sâu xa của cuộc sống và về những giá trị căn bản đang hướng dẫn nó. Sự đồng tồn tại của nhân loại cũng được ghi dấu bởi những căng thẳng và xung đột vốn khơi lên sự bất an và khó khăn tìm ra con đường dẫn đến hòa bình vững chắc. Trong hoàn cảnh phức tạp này, nơi mà chân trời của hiện tại và tương lai dường như được đánh dấu bởi những đám mây đe dọa, thì vẫn còn cấp bách hơn là can đảm mang vào mỗi thực tại Tin Mừng của Chúa Kitô vốn làm nên một lời loan báo hy vọng, hòa giải, hiệp thông, một loan báo về sự gần gũi của Thiên Chúa, về lòng thương xót của Ngài, một lời loan báo về sự kiện rằng sức mạnh của tình yêu Thiên Chúa có khả năng chiến thắng bóng tối sự dữ và dẫn đưa trên con đường của sự thiện. Con người của thời đại chúng ta cần đến một ánh sáng chắc chắn vốn soi sáng hành trình của mình và chỉ việc gặp gỡ với Chúa Kitô có thể mang lại. Chúng ta hãy mang đến cho thế giới này, bằng chứng tá của chúng ta, bằng yêu thương, niềm hy vọng mà đức tin mang lại! Đặc tính truyền giáo của Giáo Hội không phải là một lối chiêu dụ tín đồ nhưng là một chứng tá cuộc sống vốn soi sáng con đường, mang niềm hy vọng và tình yêu. Giáo Hội – tôi lặp lại một lần nữa – không phải là một tổ chức cứu trợ, một doanh nghiệp, một tổ chức phi chính phủ nhưng là một cộng đồng của những con người được tác động của Chúa Thánh Thần hướng dẫn, đã và đang sống sự ngạc nhiên được gặp gỡ Chúa Giêsu Kitô và ước muốn chia sẻ kinh nghiệm vui tươi sâu xa này, chia sẻ Sứ điệp cứu độ mà Chúa đã mang lại cho chúng ta. Chính Chúa Thánh Thần dẫn đưa Giáo Hội trên con đường này.
5. Tôi muốn khích lệ hết thảy anh chị em trở nên những người mang Tin Mừng của Chúa Kitô và tôi đặc biệt biết ơn các nhà truyền giáo, các linh mục “Fidei donum”, các nam nữ tu sĩ, các giáo dân – luôn càng nhiều hơn – đã đáp lại tiếng gọi của Chúa rời bỏ quê hương của mình để phục vụ Tin Mừng nơi các mảnh đất và các nền văn hóa khác nhau. Nhưng tôi cũng muốn nhấn mạnh chính các Giáo Hội trẻ hiện đang dấn thân cách quảng đại dường nào trong việc gởi các nhà truyền giáo đến các Giáo Hội đang gặp khó khăn – và không hiếm khi đó là những Giáo Hội thuộc truyền thống Kitô giáo xa xưa – và như thế mang sự tươi trẻ và lòng nhiệt huyết mà qua đó họ đang sống đức tin, vốn đổi mới và mang lại niềm hy vọng. Sống theo nguồn hứng phổ quát này, bằng việc đáp lại lệnh truyền của Chúa Giêsu, “các con hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28,19), là một sự phong phú cho toàn thể Giáo Hội địa phương, cho toàn thể cộng đoàn và việc trao ban các nhà truyền giáo không bao giờ là một sự mất mát nhưng là một sự thắng lợi. Tôi kêu gọi những ai nhận ra ơn gọi này hãy đáp lại cách quảng đại tiếng nói của Chúa Thánh Thần, theo bậc sống của họ, và không sợ sống quảng đại với Chúa. Tôi cũng mời gọi các Giám mục, các dòng tu, các cộng đoàn và tất cả các nhóm Kitô hữu nâng đỡ, cách sáng suốt và bằng sự phân định chăm chú, tiếng gọi truyền giáo “ad gentes” (đến với muôn dân) và giúp đỡ các Giáo Hội đang cần các linh mục, nam nữ tu sĩ cũng như giáo dân để củng cố cộng đoàn Kitô hữu. Điều này cũng phải là một sự quan tâm hiện diện giữa lòng các Giáo Hội thuộc về cùng một Hội Đồng Giám Mục hay cùng một Vùng: điều quan trọng là các Giáo Hội phong phú ơn gọi hơn cần quảng đại giúp đỡ những Giáo Hội đang thiếu ơn gọi.
Tôi cũng khuyến khích các nhà truyền giáo, cách riêng các linh mục của “Fidei donum” và các giáo dân, hãy vui tươi sống sự phục vụ quý giá của mình trong các Giáo Hội mà mình được sai đến, và mang niềm vui và kinh nghiệm của mình cho các Giáo Hội mà mình xuất thân, nhớ rằng làm thế nào thánh Phaolô và Barnabê, vào cuối chuyến hành trình truyền giáo của các ngài “đã bắt đầu tường thuật tất cả những gì Thiên Chúa đã làm với họ, và làm thế nào Ngài đã mở ra cho dân ngoại cánh cửa đức tin” (Cv 14,27). Họ có thể trở nên một con đường cho một thứ “khôi phục” đức tin nào đó, khi mang sự tươi trẻ của các Giáo Hội trẻ trung, để các Giáo Hội có truyền thống Kitô giáo lâu đời tìm lại được sự nhiệt huyết và niềm vui chia sẻ đức tin qua sự trao đổi vốn làm phong phú lẫn nhau trên con đường bước theo Chúa.
Sự quan tâm đối với tất cả các Giáo Hội, mà Giám mục Rôma chia sẻ với các anh em Giám mục của mình, tìm thấy một sự thể hiện quan trọng trong sự dấn thân của Hội Thừa Sai Giáo Hoàng, vốn có mục đích thúc đẩy và đào sâu ý thức truyền giáo của mỗi tín hữu và mỗi cộng đoàn, bằng việc nhắc nhớ sự cần thiết có một sự đào tạo truyền giáo sâu xa hơn của toàn Dân Chúa cũng như bằng việc nuôi dưỡng sự nhạy bén của các cộng đoàn Kitô hữu để họ mang lại sự trợ giúp của mình để tạo điều kiện cho việc loan báo Tin Mừng trên thế giới.
Sau cùng một tư tưởng hướng đến các Kitô hữu, ở những nơi khác nhau trên thế giới, đang gặp khó khăn liên quan đến việc công khai tuyên xưng đức tin của mình và muốn được nhìn nhận quyền sống đức tin cách xứng đáng. Đó là những anh chị em của chúng ta, những chứng nhân can đảm – còn nhiều hơn các tử vì đạo của các thế kỷ đầu tiên – vốn kiên trì chịu đựng những hình thức bách hại khác nhau hiện nay. Thậm chí có nhiều người đang nguy hiểm đến tính mạng của mình để vẫn trung thành với Tin Mừng của Chúa Kitô. Tôi mong ước đảm bảo rằng, bằng lời cầu nguyện, tôi gần gũi với những con người, các gia đình và các cộng đoàn đang chịu bạo lực và sự bất bao dung và tôi lặp lại cho họ những lời an ủi của Chúa Giêsu: “Hãy can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian” (Ga 16,33).
Đức Bênêđictô XVI đã khích lệ : « ‘Ước chi Lời Chúa được phổ biến mau chóng và được tôn vinh’ (2 Tx 3,1) : ước gì Năm Đức Tin này có thể làm cho mối tương quan với Chúa Kitô luôn trở nên vững vàng hơn, vì chỉ trong Ngài mới có sự xác tín chắc chắn để nhìn về tương lai và sự bảo đảm cho một tình yêu đích thực và bền vững » (Tông thư Porta Fidei, số 15). Đó là ước mong của tôi cho Ngày Thế Giới Truyền Giáo năm nay. Tôi hết lòng chúc lành cho các nhà truyền giáo và tất cả những ai đang đồng hành và nâng đỡ sự dấn thân nền tảng này của Giáo Hội để việc loan báo Tin Mừng có thể vang vọng trong mọi nơi trên trái đất và chúng ta, những Thừa tác viên của Tin Mừng và những nhà truyền giáo, chúng ta hãy cảm nghiệm về « niềm vui dịu ngọt và an ủi của việc loan báo Tin Mừng » (Phaolô VI, Tông huấn Evangelii nuntiandi, số 80).
Vatican, ngày 19/05/2013, lễ Trọng Thể Chúa Thánh Thần Hiện Xuống
Tý Linh chuyển ngữ theo bản tiếng Pháp
Tags: Năm-đức-tin, Phanxicô-I
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- HÀNH TRÌNH QUA CÁC NĂM THÁNH NHỜ CÁC SẮC CHỈ TRIỆU TẬP
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG NĂM C: TẠ ƠN CHÚA VỀ HỒNG ÂN SỰ SỐNG
- NĂM THÁNH 2025: CẦN PHẢI CÓ THẺ HÀNH HƯƠNG ĐỂ BƯỚC QUA CÁC CỬA THÁNH Ở RÔMA
- DIỄN VĂN CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO GIÁO TRIỀU RÔMA NHÂN DỊP CHÚC MỪNG GIÁNG SINH 2024: HÃY NÓI TỐT CHỨ ĐỪNG NÓI XẤU
- GIÁO TRIỀU RÔMA, BÀI GIẢNG MÙA VỌNG THỨ 3: SỰ CAO CẢ CỦA THIÊN CHÚA LÀ SỰ NHỎ BÉ
- MỤC TỬ TRONG THÁNH KINH, MỘT HÌNH ẢNH VỀ UY QUYỀN VÀ LÒNG NHÂN TỪ
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI NHÓM ÂN NHÂN VIỆT NAM: HỖ TRỢ CÁC CÔNG VIỆC BÁC ÁI ĐÓNG GÓP VÀO VIỆC MANG LẠI NIỀM HY VỌNG
- THÁNH TÍCH CỦA THÁNH TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU ĐẾN RÔMA NHÂN NĂM THÁNH
- BÀI GIÁO LÝ VỀ NĂM THÁNH 2025. CHÚA GIÊSU KITÔ, NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA. I. THỜI THƠ ẤU CỦA CHÚA GIÊSU. BÀI 1. GIA PHẢ CỦA CHÚA GIÊSU (Mt 1, 1-17). CON THIÊN CHÚA ĐI VÀO LỊCH SỬ
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG NĂM C: CHÚNG TÔI PHẢI LÀM GÌ?
- NHỮNG ĐOẠN TRÍCH TỪ CUỐN TỰ TRUYỆN « HY VỌNG » CỦA ĐỨC PHANXICÔ
- ĐỨC PHANXICÔ TIẾT LỘ NGÀI ĐÃ THOÁT KHỎI HAI VỤ MƯU SÁT TRONG CHUYẾN TÔNG DU TỚI IRAK
- ĐỨC PHANXICÔ CA NGỢI CORSE NHƯ MÔ HÌNH CỦA “TÍNH THẾ TỤC LÀNH MẠNH”
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI HÀNG GIÁO SĨ CORSE: “HÃY CHĂM SÓC CÁC BẠN VÀ NGƯỜI KHÁC”
- VIDEO TRỰC TUYẾN CHUYẾN TÔNG DU CORSE
- ĐỨC THÁNH CHA SẼ ĐẾN CORSE ĐỂ KÊU GỌI CẦU NGUYỆN, CÔNG LÝ VÀ TRÁCH NHIỆM
- THƯỢNG HỘI ĐỒNG: ĐỨC THÁNH CHA BỔ NHIỆM CÁC THÀNH VIÊN HỘI ĐỒNG THƯỜNG LỆ, TRONG ĐÓ CÓ HAI PHỤ NỮ
- CHUYẾN TÔNG DU CỦA ĐỨC PHANXICÔ: ĐỐI VỚI ĐA SỐ NGƯỜI PHÁP, ĐỨC PHANXICÔ “ĐÚNG” KHI THÍCH CORSE HƠN NHÀ THỜ ĐỨC BÀ PARIS
- BÀI GIẢNG THỨ 2 TRONG MÙA VỌNG CHO GIÁO TRIỀU RÔMA : TÁI KHÁM PHÁ NIỀM TIN TƯỞNG VÀO THIÊN CHÚA ĐỂ LÀM SỐNG LẠI NIỀM HY VỌNG
- BÁO CÁO CỦA HỘI THỪA SAI PARIS VỀ CÁC VỤ LẠM DỤNG TÌNH DỤC