SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC PHANXICÔ TRƯỚC CỘNG ĐỒNG DO THÁI SLÔVAKIA : « LỊCH SỬ CỦA ANH CHỊ EM LÀ LỊCH SỬ CỦA CHÚNG TÔI, ĐAU KHỔ CỦA ANH CHỊ EM LÀ ĐAU KHỔ CỦA CHÚNG TÔI »

Written by xbvn on Tháng Chín 15th, 2021. Posted in Luân lý, Nhân bản, Tâm linh, Thánh Kinh, Thế Giới, Tý Linh, Văn kiện Giáo Hội

« Lịch sử của anh chị em là lịch sử của chúng tôi, đau khổ của anh chị em là đau khổ của chúng tôi ». Đức Phanxicô bày tỏ lòng tôn trọng sâu xa đối với anh chị em Do Thái như thế trong bài phát biểu trước cộng đồng Do Thái Slôvakia hôm 13/9/2021, tại quảng trường Rybné námestie ở Bratislava.

Trong diễn văn này, Đức Thánh Cha cũng kêu gọi người Do Thái cùng chung tay không chỉ « xích lại gần nhau và trong tình bằng hữu », nhưng còn « hiệp nhất… trong việc lên án mọi bạo lực, mọi hình thức bài Do Thái, và trong sự dấn thân của chúng ta để hình ảnh của Thiên Chúa, nơi mỗi con người, không bị xúc phạm ». Bởi vì, như Đức Thánh Cha cảnh giác, ngày nay « không thiếu những thần tượng vô ích và sai lạc làm ô danh Đấng Tối Cao.  Đó là những thần tượng của quyền lực và tiền bạc đang chiếm ưu thế trên phẩm giá con người, của sự dửng dưng nhìn đi chỗ khác, của những thao túng biến tôn giáo thành công cụ bằng cách biến nó thành một vấn đề uy quyền tối cao hay giảm thiểu nó thành vô nghĩa. »

Đức Thánh Cha nhắc nhở : « Tội phạm thượng tồi tệ nhất mà người ta có thể làm đối với Thiên Chúa là sử dụng Ngài cho những lợi ích của mình, thay vì tôn trọng và yêu mến tha nhân ».

Dưới đây là diễn văn của Đức Thánh Cha Phanxicô :

Anh chị em thân mến, chào anh chị em !

Tôi cảm ơn anh chị em về những lời chào mừng của anh chị em và những chứng tá mà anh chị em đã mang lại. Tôi ở đây như một người hành hương để chạm đến nơi này và được nơi này chạm đến. Quảng trường chúng ta đang ở đây là rất có ý nghĩa đối với cộng đồng của anh chị em. Nó duy trì sống động kỷ niệm về một quá khứ phong phú : trong nhiều thế kỷ, nó đã là một phần của khu phố Do Thái. Giáo sĩ Chatam Sofer danh tiếng đã làm việc ở đây. Đã từng có ở đây một hội đường, ngay bên cạnh nhà thờ Chánh Tòa Triều Thiên. Kiến trúc, như đã từng được nói, có nghĩa là sự chung sống hòa bình của hai cộng đồng, một biểu tượng hiếm hoi và có tầm quan trọng gợi nhớ to lớn, dấu chỉ tuyệt vời của sự hiệp nhất nhân danh Thiên Chúa của cha ông chúng ta. Như nhiều người trong các ngài, ở đây tôi cũng cảm thấy nhu cầu « tháo giày ra », bởi vì tôi đang ở một nơi được chúc lành bằng tình huynh đệ của những con người nhân danh Đấng Tối Cao.

Thế nhưng, sau đó, danh Thiên Chúa đã bị làm ô danh : trong sự điên rồ của lòng hận thù, trong suốt chiến tranh thế giới thứ hai, hơn một trăm ngàn người Do Thái Slôvakia đã bị giết chết. Và rồi, khi người ta muốn xóa bỏ mọi dấu vết của cộng đồng, hội đường đã bị phá hủy. Có lời chép : « Ngươi không được kêu cầu danh của Đức Chúa, Thiên Chúa ngươi, cách bất xứng » (Xh 20, 7). Danh Thiên Chúa, tức là thực tại ngôi vị của Ngài, được công bố cách bất xứng khi người ta vi phạm phẩm giá độc nhất và bất khả thay thế của con người, bởi vì tội phạm thượng tồi tệ nhất mà người ta có thể làm đối với Ngài là sử dụng Ngài cho những lợi ích của mình, thay vì tôn trọng và yêu mến tha nhân. Ở đây, đứng trước lịch sử của dân tộc Do Thái, được ghi dấu bởi điều lăng nhục bi thảm và bất khả diễn tả này, chúng ta hổ thẹn thừa nhận : bao nhiêu lần danh khôn tả của Đấng Tối Cao đã được sử dụng để thực hiện những hành vi vô nhân đạo không thể kể xiết ! Bao nhiêu kẻ áp bức đã chẳng nói : « Thiên Chúa ở cùng chúng ta » ; nhưng chính những kẻ đó đã không ở với Thiên Chúa.

Anh chị em thân mến, lịch sử của anh chị em là lịch sử của chúng tôi, đau khổ của anh chị em là đau khổ của chúng tôi. Đối với một số người trong anh chị em, Đài tưởng niệm cuộc diệt chủng người Do Thái này (Shoah) là nơi duy nhất mà anh chị em có thể tôn vinh tưởng nhớ những người thân của anh chị em. Tôi cũng thế, tôi hiệp nhất với anh chị em. Trên Đài tưởng niệm có khắc bằng tiếng Do Thái « Zachor » : « Ngươi hãy nhớ ! ». Ký ức không thể va không được nhường chỗ cho sự quên lãng, bởi vì sẽ không thể có bình minh tình huynh đệ bền vững mà trước tiên đã không chia sẻ và xua tan bóng đêm. Câu hỏi của vị ngôn sứ cũng vang vọng cho chúng ta : « Này người canh gác, đêm đến đâu rồi ? » (Is 21, 11). Đối với chúng ta, đã đến lúc người ta không thể che mờ hình ảnh của Thiên Chúa tỏa sáng nơi con người. Chúng ta hãy giúp nhau về điều đó. Vì, cả hôm nay nữa, không thiếu những thần tượng vô ích và sai lạc làm ô danh Đấng Tối Cao.  Đó là những thần tượng của quyền lực và tiền bạc đang chiếm ưu thế trên phẩm giá con người, của sự dửng dưng nhìn đi chỗ khác, của những thao túng biến tôn giáo thành công cụ bằng cách biến nó thành một vấn đề uy quyền tối cao hay giảm thiểu nó thành vô nghĩa. Đó còn là sự quên lãng quá khứ, sự ngu dốt biện minh cho mọi thứ, sự giận dữ và lòng hận thù. Chúng ta hãy hiệp nhất – tôi nhắc lại – trong việc lên án mọi bạo lực, mọi hình thức bài Do Thái, và trong sự dấn thân của chúng ta để hình ảnh của Thiên Chúa, nơi mỗi con người, không bị xúc phạm.

Anh chị em thân mến, nhưng quảng trường này cũng là một nơi chiếu tỏa ánh sáng hy vọng. Ở đây, hằng năm, anh chị em đến thắp ánh sáng đầu tiên trên ngọn đèn Chanukiah. Như thế, trong tăm tối, xuất hiện sứ điệp rằng không phải sự hủy hiệt hay cái chết là tiếng nói cuối cùng, nhưng là sự đổi mới và sự sống. Và nếu hội đường của nơi này đã bị phá hủy, thì cộng đồng vẫn còn hiện diện. Nó vẫn sống động và mở ra cho đối thoại. Ở đây, lịch sử của chúng ta một lần nữa gặp nhau. Ở đây, cùng nhau, chúng ta khẳng định trước nhan Thiên Chúa ý muốn kiên trì trên con đường xích lại gần nhau và tình bằng hữu.

Về vấn đề này, tôi còn giữ cách sống động trong tôi kỷ niệm về cuộc gặp gỡ ở Rôma, năm 2017, giữa các Đại diện của cộng đồng Do Thái và Kitô giáo. Tôi vui mừng vì, sau đó, một Ủy ban đối thoại với Giáo hội Công giáo đã được thiết lập và anh chị em đã cùng nhau công bố những văn kiện quan trọng. Thật tốt đẹp khi chia sẻ và truyền đạt những gì nối kết chúng ta. Và thật tốt đẹp khi theo đuổi, trong sự thật và cách chân thành, hành trình huynh đệ thanh tẩy ký ức để chữa lành những vết thương quá khứ, và trong kỷ niệm về điều thiện hảo được lãnh nhận và trao ban. Theo sách Talmud, ai hủy diệt chỉ một người là hủy diệt toàn thế giới, và ai cứu chỉ một người thì cứu cả thế giới. Mỗi người đều quan trọng, và những gì anh chị em làm qua sự chia sẻ quý báu của anh chị em cũng quan trọng không kém. Tôi cảm ơn anh chị em về những cánh cửa mà anh chị em đã mở ra cho cả hai bên.

 Thế giới đang cần những cánh cửa mở ra. Đó là những dấu hiệu phúc lành cho nhân loại. Thiên Chúa đã nói với tổ phụ Abraham : « Nơi ngươi, mọi gia tộc trên trái đất sẽ được chúc phúc » (St 12, 3). Đó là một điệp khúc làm nên nhịp sống của các tổ phụ (x. St 18, 18 ; 22, 18 ; 26, 4). Thiên Chúa nói với Giacóp, tức là với Israel : « Dòng dõi ngươi sẽ nhiều như bụi trên đất, các ngươi sẽ lan tràn ra khắp Đông và Tây, Bắc và Nam ; nơi ngươi và nơi dòng dõi người, mọi gia tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc » (St 28, 14). Ở đây, trên mảnh đất Slôvakia này, mảnh đất gặp gỡ giữa Đông và Tây, giữa Bắc và Nam, ước gì gia tộc của con cái Israel tiếp tục vun trồng ơn gọi này, ơn gọi trở thành dấu chỉ chúc lành cho mọi gia tộc trên trần gian. Phúc lành của Đấng Tối Cao được đổ xuống trên chúng ta khi Ngài thấy một gia tộc những anh em tôn trọng nhau, yêu thương nhau và cộng tác với nhau. Xin Đấng Toàn Năng chúc lành  cho anh chị em, để giữa nhiều bất hòa chia rẽ đang làm ô nhiễm thế giới chúng ta, anh chị em, cùng nhau, luôn có thể là chứng nhân cho hòa bình. Shalom (chúc bình an)!

Tý Linh chuyển ngữ

(nguồn: vatican.va)

Tags: , ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Một 2024
H B T N S B C
« Th10    
  1 2 3
4 5 6 7 8 9 10
11 12 13 14 15 16 17
18 19 20 21 22 23 24
25 26 27 28 29 30