SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA BIỂN ĐỨC XVI NHÂN NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN THÔNG XÃ HỘI LẦN THỨ 47
“Các mạng xã hội: những cánh cửa của sự thật và đức tin; những không gian mới cho việc rao giảng Tin Mừng”
Anh chị em thân mến,
Ngày thế giới truyền thông xã hội năm 2013 gần đến, tôi mong muốn đề nghị một vài suy tư về một thực tại ngày càng quan trọng hơn liên quan đến phương thế mà con người ngày nay truyền thông với nhau. Tôi mong muốn duyệt xét lại sự phát triển của các mạng xã hội kỹ thuật số đang góp phần vào việc làm hiển lộ một “agora” mới, đó là một không gian công cộng mở mà tất cả mọi người chia sẻ những ý tưởng, những thông tin, những ý kiến và trong đó những mối tương quan cũng như những hình thái cộng đồng mới có thể hình thành.
Những không gian này, khi được nhấn mạnh đúng mức và cân đối hài hòa, góp phần vào việc thăng tiến những hình thức đối thoại và tranh luận mà nếu được thực hiện với sự tôn trọng, quan tâm tới đời sống riêng tư, tinh thần trách nhiệm và sự tận tâm với sự thật, có thể củng cố những mối liên hệ hài hòa giữa những cá nhân và thăng tiến một cách hữu hiệu sự hòa hợp của gia đình nhân loại. Sự trao đổi thông tin có thể trở thành một hình thức truyền thông đích thật, những mối liên hệ có thể được phát triển thành tình bạn, những sự kết nối tạo điều kiện dễ dàng cho sự hiệp thông này. Nếu các mạng xã hội được mời gọi để thực hiện tiềm lực lớn lao này, thì những cá nhân tham dự vào đó phải nỗ lực tỏ ra chân chính vì trong những không gian này người ta không chỉ chia sẻ những ý tưởng và những thông tin nhưng người ta còn thông truyền chính mình.
Sự phát triển của các mạng xã hội đòi hỏi sự dấn thân: những cá nhân tham dự vào việc xây dựng những mối tương quan và kết bạn, khi tìm kiếm lời giải đáp cho các vấn nạn của mình, khi giải trí cũng như lúc động não và trong cả nỗi ưu tư chia sẻ những khả năng và kiến thức. Khi liên kết với những người có cùng những nhu cầu căn bản này, những mạng xã hội ngày càng trở thành một yếu tố kết dệt nên đời sống xã hội. Do đó, những mạng xã hội được nuôi dưỡng bằng những khát vọng bén rễ trong tâm khảm con người.
Nền văn hóa của các mạng xã hội và sự thay đổi trong những hình thái và những phong cách truyền thông đặt ra những thách đố quan trọng cho những ai muốn nói về sự thật và các giá trị. Thông thường, cũng như các phương tiện truyền thông xã hội khác, ý nghĩa và hiệu quả của các hình thức biểu đạt khác nhau có vẻ như được xác định bởi sự phổ biến hơn là tầm quan trọng và giá trị nội tại. Mức độ phổ biến thường được gắn kết với sự nổi tiếng hoặc với những chiến lược lôi kéo hơn là sự logic của lập luận. Đôi khi, tiếng nói cẩn trọng của lý trí có thể bị những thông tin ồn ào chế ngự và không thể lôi kéo được sự chú ý, thường được dành cho những người diễn đạt thuyết phục hơn. Do đó, những phương tiện truyền thông xã hội cần sự dấn thân của tất cả những ai ý thức về tầm quan trọng của đối thoại, của tranh luận có lý trí, của lập luận hợp lý; cần những người đang tìm cách vun xới những hình thức phát ngôn và biểu đạt có khả năng đưa dẫn những người tham gia công việc truyền thông đến những khát vọng cao quý nhất. Cuộc đối thoại và thảo luận có thể tăng triển khi chúng ta trò chuyện và tôn trọng những người có tư tưởng khác chúng ta. “Do sự đa dạng văn hóa, cần phải làm sao để người ta không chỉ chấp nhận sự tồn tại của nền văn hóa của người khác, nhưng còn khát mong làm phong phú cho nhau và trao ban cho nền văn hóa đó những gì mà chúng ta có về chân thiện mỹ ” (Diễn văn trong cuộc gặp gỡ những nhà hoạt động văn hóa, Belem, Lisbon, ngày 12 tháng Năm 2010).
Thách đố mà các mạng xã hội phải đương đầu là làm thế nào để có tính toàn diện: do đó mạng xã hội sẽ sinh ích lợi từ sự tham dự trọn vẹn của các tín hữu, những người mong muốn chia sẻ sứ điệp của Chúa Giêsu và những giá trị của phẩm giá con người được loan truyền trong giáo huấn của Người. Qủa thế, các tín hữu ngày càng cảm thấy rằng nếu Tin Mừng không được biết đến trong thế giới kỹ thuật số, thì Tin Mừng có lẽ sẽ vắng bóng trong kinh nghiệm của một số đông những người dùng không gian chính yếu này làm trọng tâm. Không gian kỹ thuật số không phải là một thế giới song song hoặc thuần ảo giác, nhưng thuộc về thực tại thường nhật của một số đông nhất là giới trẻ. Những mạng xã hội là kết quả của sự tương tác giữa người với người, nhưng những mạng xã hội này đến lượt mình đưa ra những hình thái mới cho sự năng động của việc truyền thông để tạo nên những tương quan: vì thế nhận thức sâu xa về không gian này là điều kiện tiên quyết để đảm bảo sự hiện diện có ý nghĩa.
Khả năng sử dụng những ngôn ngữ mới là cần thiết không phải để chạy theo kiểu cách của thời đại nhưng là để làm cho sự phong phú vô tận của Phúc Âm có được những hình thức diễn đạt đi vào tâm khảm mọi người. Trong môi trường kỹ thuật số, lời được viết thành chữ thường kèm theo hình ảnh và âm thanh. Như những dụ ngôn của Chúa Giêsu, truyền thông hữu hiệu cần bao hàm trí tưởng tượng và cảm xúc của những người mà chúng ta muốn mời gặp gỡ với mầu nhiệm tình yêu Thiên Chúa. Hơn nữa, chúng ta biết rằng truyền thống Kitô giáo luôn rất phong phú về dấu chỉ và biểu tượng: chẳng hạn tôi nghĩ đến thánh giá, các “icônes”, những ảnh tượng Đức Trinh Nữ Maria, hang đá, kính màu và những bức tranh trong các thánh đường. Vả lại, một phần quan trọng của gia sản nghệ thuật nhân loại đã được thực hiện bởi các nghệ sĩ và nhạc sĩ vốn là những người đã cố gắng diễn tả những chân lý đức tin.
Đặc tính chân chính của các tín hữu trong các mạng xã hội được làm nổi bật nhờ chia sẻ nguồn mạch sâu xa từ niềm hy vọng và và vui tươi của họ: đó là niềm tin nơi Thiên Chúa giàu lòng từ bi và tình yêu được mạc khải trong Chúa Giêsu Kitô. Sự chia sẻ ấy không chỉ hệ tại trong việc biểu lộ đức tin một cách tỏ tường, nhưng còn hệ tại trong chứng tá, nghĩa là trong cách thức ta thông truyền những chọn lựa, những sở thích, phán đoán, phù hợp sâu xa với Tin Mừng, cho dù ta không minh nhiên nói về Tin Mừng” (Sứ điệp Ngày Thế giới truyền thông xã hội 2011). Một cách thế làm chứng tá có ý nghĩa đặc biệt sẽ là ý muốn hiến thân cho tha nhân qua thái độ sẵn sàng can dự vào những câu hỏi và những nghi ngờ của tha nhân với thái độ kiên nhẫn và tôn trọng, trên hành trình tìm kiếm chân lý và ý nghĩa cuộc sống. Sự xuất hiện trong các mạng xã hội cuộc đối thoại quanh chủ đề đức tin và tín ngưỡng xác nhận tầm quan trọng và tính xác đáng của tôn giáo trong cuộc tranh luận công khai và thuộc đời sống xã hội.
Đối với những người đã mở lòng đón nhận hồng ân đức tin, câu trả lời tận căn nhất liên quan đến những câu hỏi của con người về tình yêu, chân lý và ý nghĩa của sự sống – những câu hỏi không hề vắng bóng trong các mang xã hội – được tìm thấy nơi con người Đức Giêsu Kitô. Thật là tự nhiên khi một người có đức tin ao ước chia sẻ đức tin bằng sự tôn trọng và nhạy cảm cho những người mà người đó gặp trong môi trường kỹ thuật số. Tuy nhiên, rốt cuộc, nếu việc chia sẻ Tin Mừng của chúng ta có khả năng đem lại hoa thơm quả ngọt, thì đó luôn là nhờ vào sức mạnh của Lời Chúa đã chạm thấu những con tim, trước khi chúng ta đem hết nỗ lực của mình ra. Niềm tín thác vào quyền năng của Thiên Chúa phải luôn vượt lên mọi an toàn trong khi sử dụng các phương tiện của con người. Ngay cả trong lãnh vực kỹ thuật số, trong đó người ta dễ nổi lên những tiếng nói gay go và xung đột, và nhiều khi những gì là giật gân có nguy cơ lấn át, chúng ta được mời gọi phân định cẩn thận. Chúng ta hãy nhớ lại rằng Êlia đã nhận ra tiếng Chúa không phải trong cơn cuồng phong lẫn trong động đất hoặc lửa, nhưng trong “tiếng thì thầm của cơn gió thoảng qua” (1V 19,11-12). Chúng ta phải có niềm tin tưởng rằng những nỗi khát khao căn bản là yêu và được yêu, tìm được ý nghĩa và chân lý – mà chính Thiên Chúa đã đặt vào trong tâm khảm con người – vẫn giữ cho nam giới và nữ giới của thời đại chúng ta biết mở lòng đón nhận điều mà Chân Phước Hồng Y Newman gọi là “ánh sáng dịu êm” của đức tin.
Những mạng xã hội ngoài công cụ để loan báo Tin Mừng có thể là một nhân tố để phát triển con người. Ví dụ, trong một số bối cảnh địa lý và văn hóa mà những người Kitô hữu cảm thấy bị cô lập, mạng xã hội có thể tăng cường tình liên đới thực sự của họ với cộng đoàn Kitô hữu hoàn vũ. Những mạng xã hội tạo thuận lợi cho sự chia sẻ những nguồn tài liệu tâm linh và phụng vụ, làm cho con người có khả năng cầu nguyên với cảm giác được tăng cường sức mạnh nhờ gần gũi với những người cùng tuyên xưng một đức tin. Tham dự một cách đúng đắn và tương tác vào những vấn nạn và những ngờ vực của những người xa lìa đức tin sẽ giúp chúng ta cảm thấy có nhu cầu nuôi dưỡng bằng lời cầu nguyện và suy tư đức tin của chúng ta trong sự hiện diện của Thiên chúa, cũng như đức ái tích cực của chúng ta: “Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm choẹ xoang xoảng” (1Cr 13,1).
Trong thế giới kỹ thuật số, có những trang mạng xã hội mang lại cho con người ngày nay những cơ hội để cầu nguyện, suy niệm và chia sẻ Lời Chúa. Nhưng những trang mạng này cũng có thể mở ra những cánh cửa để dẫn vào những chiều kích khác của đức Tin. Quả vậy, nhờ gặp gỡ trước trên mạng, nhiều người đang khám phá ra tầm quan trọng của việc gặp gỡ trực tiếp, của những kinh nghiệm của cộng đoàn, và cả của việc hành hương, là những yếu tố luôn luôn quan trọng trong hành trình đức Tin. Khi cố gắng đưa Phúc Âm hiện diện trong thế giới kỹ thuật số, chúng ta có thể mời gọi mọi người cùng cầu nguyện hoặc cử hành phụng vụ tại những nơi chốn cụ thể như nhà thờ hoặc nhà nguyện. Trong thực tại mà chúng ta được mời gọi để sống dù là trong thế giới vật lý hay kỹ thuật số, có lẽ sẽ không thiếu sự gắn kết và hiệp nhất trong cách diễn tả đức tin và làm chứng cho Tin Mừng của chúng ta. Khi chúng ta gặp gỡ tha nhân thì chúng ta đều được mời gọi bằng mọi cách làm cho tình yêu Thiên Chúa được nhận biết đến tận cùng trái đất.
Nguyện xin Chúa Thánh Thần đồng hành với anh chị em và luôn soi sáng cho anh chị em, và tôi thành tâm chúc phúc lành cho tất cả anh chị em để anh chị em có thể thực sự trở thành những người loan báo và làm chứng cho Tin Mừng. “Anh em hãy đi khắp thế gian và loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16,15).
Vatican, ngày 24 tháng Giêng 2013, lễ Thánh Phanxicô Salê
BÊNÊĐICTÔ XVI
Giuse Nguyễn Xuân Phong chuyển ngữ từ bản tiếng Pháp
Tags: Bênêđíctô XVI, Truyền-thông-internet
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 14. CÁC ƠN CỦA HIỀN THÊ. CÁC ĐẶC SỦNG, NHỮNG ƠN CỦA CHÚA THÁNH THẦN VÌ ÍCH CHUNG
- ẤN BẢN MỚI CỦA SÁCH BÀI ĐỌC DÀNH CHO TANG LỄ CỦA ĐỨC THÁNH CHA
- CARLO ACUTIS VÀ PIER GIORGIO FRASSATI SẼ ĐƯỢC PHONG THÁNH TRONG NĂM THÁNH
- ĐỨC PHANXICÔ: THIÊN CHÚA SẼ CÓ LỜI CUỐI CÙNG VỀ CUỘC CHIẾN Ở UCRAINA
- SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO NGÀY QUỐC TẾ GIỚI TRẺ LẦN THỨ 39 : TÔI XÂY DỰNG CUỘC SỐNG CỦA TÔI TRÊN NHỮNG NIỀM HY VỌNG NÀO ?
- SỰ KHÔNG CHẮC CHẮN TO LỚN VỀ CÁC SỐ LIỆU CỦA CUỘC XUNG ĐỘT
- THƯ CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHAN-XI-CÔ VỀ VIỆC KÍNH NHỚ CÁC THÁNH, CHÂN PHƯỚC, ĐẤNG ĐÁNG KÍNH VÀ TÔI TỚ CHÚA CỦA CÁC GIÁO HỘI ĐỊA PHƯƠNG
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN NĂM B: MỌI SỰ ĐỀU QUA ĐI, CHÚA KITÔ VẪN CÒN MÃI
- HÌNH ẢNH ĐỨC PHANXICÔ ĂN TRƯA VỚI 1300 NGƯỜI NGHÈO
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC PHANXICÔ TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN NĂM B, NHÂN NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO : XIN ĐỪNG QUÊN NGƯỜI NGHÈO
- “HÃY ĐẾN TẤT CẢ CÁC NHÀ TÙ”
- CÔNG ÍCH THƯỜNG BỊ PHỚT LỜ TRONG HÀNH ĐỘNG
- NICARAGUA: CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC BỊ TRỤC XUẤT ĐẾN GUATEMALA
- NÊN THÁNH, ĐÓ LÀ “ĐỂ MÌNH ĐƯỢC BIẾN ĐỔI BỞI SỨC MẠNH CỦA TÌNH YÊU THIÊN CHÚA”
- NGƯỜI CÔNG GIÁO, NHỮNG NHÀ VÔ ĐỊCH HOẠT ĐỘNG TÌNH NGUYỆN Ở PHÁP
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 13. MỘT BỨC THƯ ĐƯỢC VIẾT BỞI THÁNH THẦN CỦA THIÊN CHÚA HẰNG SỐNG : ĐỨC MARIA VÀ CHÚA THÁNH THẦN
- Ở RÔMA, SỰ TRIỂN LÃM ĐÁNG KINH NGẠC VỀ VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG THÁNH PHÊRÔ NHỜ TRÍ TUỆ NHÂN TẠO
- ĐỨC TGM JUSTIN WELBY, NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU GIÁO HỘI ANH GIÁO, TỪ CHỨC
- NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO: ĐỨC PHANXICÔ SẼ DÙNG BỮA TRƯA VỚI 1.300 NGƯỜI NGHÈO
- SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ CHO NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO LẦN THỨ VIII (2024) : TRỞ THÀNH BẠN HỮU CỦA NGƯỜI NGHÈO